17/11/2016
Thứ
năm tuần 33 thường niên
Thánh
nữ Êlisabét Hunggari.
Lễ
nhớ.
* Thánh nữ sinh năm 1207. Năm lên mười bốn
tuổi, thân phụ là Anrê vua Hunggari đem gả cho Lu-y miền Thu-rin-gi-a. Cả hai sống
hạnh phúc được sáu năm, sinh được ba người con trai. Cả hai đều nỗ lực sống lý
tưởng của thánh Phanxicô trong bậc gia đình. Năm 1227, Lu-y qua đời, chị đã
nghe theo lời mời gọi sống đời nghèo khó, tận tâm phục vụ các bệnh nhân. Vì thế
sức khỏe chị sớm hao mòn và chị đã qua đời ở Mác-bua năm 1231.
Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 5, 1-10
"Chiên con đã bị sát tế và đã lấy máu mình mà cứu
chuộc chúng tôi thuộc mọi nước".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi đã thấy nơi tay hữu Ðấng ngự trên
ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, có ấn niêm phong. Và tôi thấy một
thiên thần hùng dũng lớn tiếng tuyên bố rằng: "Ai xứng đáng mở sách và
tháo ấn?" Nhưng cả trên trời, dưới đất và trong lòng đất không ai có thể mở
và đọc sách ấy. Tôi khóc lớn tiếng vì chẳng có ai xứng đáng mở và đọc sách ấy.
Rồi một trong các trưởng lão nói với tôi rằng: "Thôi đừng khóc nữa, này
đây sư tử của chi tộc Giuđa, dòng dõi của Ðavít đã toàn thắng, chính Người sẽ mở
sách và tháo bảy ấn niêm phong".
Tôi đây cũng trông thấy khoảng giữa ngai và bốn con
vật cùng các trưởng lão, có một Chiên Con đang đứng như đã bị sát tế, có bảy sừng
và bảy mắt: tức là bảy thần linh của Thiên Chúa được sai đi khắp địa cầu. Chiên
Con tiến đến lấy cuốn sách nơi tay hữu Ðấng ngự trên ngai. Khi Chiên Con vừa cầm
sách, thì bốn con vật phủ phục trước Chiên Con, cả hai mươi bốn trưởng lão cũng
làm như thế, mỗi người mang đàn huyền cầm và chén vàng đầy hương thơm, tức là lời
cầu nguyện của các thánh. Họ hát một bài ca mới rằng:
"Lạy Ngài, Ngài đáng lãnh sách và tháo ấn, vì
Ngài đã chịu chết và đã lấy máu Ngài mà cứu chuộc chúng con thuộc mọi chi tộc,
mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, về cho Thiên Chúa. Ngài đã làm chúng con trở
thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa; và chúng con sẽ được cai trị địa cầu".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b
Ðáp: Ngài
đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5, 10).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới; hãy vang
lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo
tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. - Ðáp.
2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người; hãy hát mừng
Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban
cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. - Ðáp.
3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan
hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là
vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. - Ðáp.
Alleluia: x. Cv 16, 14b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng
chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 19, 41-44
"Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình
lại cho ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy
thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: "Chớ chi hôm nay ngươi hiểu
biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất
khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi
tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng
sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ
ngươi được thăm viếng".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Giờ Chúa Viếng Thăm
Nhìn trong văn mạch, biến cố được nhắc đến trong Tin
Mừng hôm nay, đi liền sau biến cố Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Nhưng
không như bao lần khác, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối cùng này để thực
hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu rỗi, hòa giải giữa con người với Thiên Chúa,
và giữa con người với nhau. Ðây là giờ Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu
rỗi, tuy nhiên, những vị lãnh đạo Do thái tại Giêrusalem, như chúng ta sẽ thấy
trong cuộc khổ nạn của Chúa, họ không những từ chối, mà còn xách động dân chúng
chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào Thập giá và tha
Baraba cho họ. Như thế, dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa khi Ngài cỡi trên lưng
lừa tiến vào thành thánh, thì sự nồng nhiệt đó cũng chỉ là thoáng qua, và Chúa
Giêsu nhận thấy ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến bị con người khước từ hơn là đón nhận.
Ðiều xẩy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xẩy đến
cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa
viếng thăm đem đến ơn lành. Theo quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng
thăm là giây phút Ngài thực hiện lòng nhân từ. Thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa
này trong hai bài thánh ca ở đầu sách Tin Mừng của Ngài, đó là bài ca của ông
Dacaria và của Ðức Maria. Trong bài ca chúc tụng của mình, Dacaria đã nêu bật
lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa: chính vì lòng nhân nghĩa mà "Thái dương từ
cao xanh khấng viếng thăm ta". Còn về phần mình, ý thức giờ Thiên Chúa viếng
thăm đang xẩy ra không những cho bản thân, mà còn cho cả dân tộc và toàn thể
nhân loại, Ðức Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của việc Thiên Chúa viếng
thăm: "Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia, trên những kẻ
kính sợ Người". Chỉ có một lý do cho cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, đó là
thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người được Ngài viếng thăm. Do đó, nếu
không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người không những gây thiệt hại cho
chính mình, mà còn cho cả người khác nữa.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết lắng nghe tiếng Chúa
cảnh tỉnh, đồng thời biết mở rộng tâm hồn đón nhận những giây phút ân sủng của
Chúa để được sống an vui hạnh phúc.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 33 TN2
Bài đọc: Rev
5:1-10; Lk 19:41-44.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khóc!
Con người khóc vì nhiều lý do: (1) Vì tiếc, vì không
đạt được điều mình muốn: Em bé muốn xem tivi; bố mẹ bắt vào đi ngủ. (2) Vì
thương, thân nhân và bạn hữu khóc thương người chết; vì họ không còn được sống
nữa. (3) Vì tội nghiệp, khi thấy một người chịu quá nhiều đau khổ, nhất là chịu
đau khổ cho mình. (4) Vì vui sướng, khi nhìn thấy kết quả vinh quang sau khi đã
trải qua bao hy sinh gian khổ để đạt được (cầu thủ TVH khi đạt huy chương
vàng). Trong Bài đọc I, Thánh Gioan khóc nức nở vì sợ không đạt được ý muốn.
Ngài muốn biết những gì trong Cuộn Sách, vì nó liên quan đến lịch sử của nhân lọai
sắp xảy ra; nhưng không tìm được ai xứng đáng để mở 7 ấn niêm phong của Cuộn
Sách. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khóc vì tội nghiệp cho dân Thành Giêrusalem, vì
họ không nhận ra ý nghĩa và mục đích sự thăm viếng của Ngài. Chúa cũng khóc vì
Ngài biết Thành sẽ bị phá hủy bình địa (70 AD), và dân Thành sẽ tan tác như
chiên không người chăn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I:
Thị kiến Cuộn Sách và 7 ấn niêm phong
“Tôi thấy trong tay hữu Đấng ngự trên ngai một Cuộn
Sách viết cả trong lẫn ngoài, được niêm bảy ấn. Rồi tôi thấy một thiên thần
dũng mãnh lớn tiếng công bố: "Ai xứng đáng mở cuốn sách và tháo ấn niêm
phong?" Nhưng không ai ở trên trời, dưới đất hay trong lòng đất, có thể mở
Cuộn Sách và nhìn vào đó.”
- Cuộn Sách chứa đựng ý muốn kỳ diệu của Thiên Chúa
liên quan đến mọi biến cố sẽ xảy ra trong thời kỳ sau hết như đã nói từ ban đầu
(x/c Rev 1:9). Nội dung của Cuộn Sách có những gì? Có nhiều ý kiến khác nhau;
nhưng đa số các học giả đồng ý nội dung của Cuộn Sách là những gì được viết
trong (Rev 6:1-8:1).
- Gioan khóc nức nở, vì không ai được coi là xứng
đáng mở cuốn sách và nhìn vào đó. Nếu không ai mở Cuộn Sách, làm sao con người
biết được những gì sẽ xảy ra? Gioan muốn biết, đó là lý do tại sao ông khóc.
- Một trong các vị Kỳ Mục bảo tôi: "Đừng khóc nữa!
Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giuđa, Chồi Non của Đavít đã chiến thắng,
Người sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong." Truyền thống Do-Thái tin Đấng
Thiên Sai sẽ xuất thân từ chi tộc Giuđa và là chồi non của Nhà Đavít.
- “Con Chiên, trông như thể đã bị giết; Chiên đó có
bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt
đất. Con Chiên đến lãnh cuốn sách từ tay hữu Đấng ngự trên ngai.” Con Chiên là
danh hiệu chính thức của Đức Kitô, được dùng 28 lần trong Sách Khải Huyền. Ngài
được gọi là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Jn 1:29).
- Khi Con Chiên đã lãnh cuốn sách từ tay của Đấng ngự
trên Ngai, thì bốn Con Vật và 24 vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Con Chiên,
mỗi vị tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu
nguyện của dân thánh.
- Các vị hát một bài ca mới: Bài ca mới tương xứng với
tên mới được tặng cho Người chiến thắng, cho Jerusalem mới, cho trời mới đất mới,
và cho vũ trụ được đổi mới.
- Ngài xứng đáng lãnh nhận Cuộn Sách và mở ấn niêm
phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa: Bằng Cuộc
Thương Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển, Đức Kitô đã bắt đầu một vương
quốc mới cho Thiên Chúa.
- Muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn
ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân: 4 danh từ này có ý
nói tất cả mọi dân tộc trên địa cầu. Sách Khải Huyền giới hạn trong vòng các
Kitô hữu trên địa cầu, những người đã đáp trả lời mời gọi và tháp tùng Con
Chiên mà thôi.
- Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành
những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này: Những
người đi theo Con Chiên là dân của Con Chiên, họ trở thành những tư tế để ca ngợi
và phụng thờ Thiên Chúa; và cùng với Con Chiên, họ sẽ làm chủ mặt đất.
2/ Phúc Âm:
Chúa Giêsu khóc thương Thành Jerusalem.
2.1/ Chúa Giêsu khóc:
Mang thân xác con người, Chúa Giêsu có đầy đủ cảm xúc như một con người. Tin Mừng
đã tường thuật 2 lần Chúa khóc:
(1) Vì thương Thành Jerusalem như trình thuật hôm
nay (Lk 19:41). Trong Cuộc Thương Khó, chặng thứ 8 của 14 Đàng Thánh Giá, Chúa
Giêsu đứng lại yên ủi dân Thành Jerusalem vì họ khóc thương Ngài. Chúa Giêsu
yên ủi họ: “Đừng khóc thương Ta, nhưng hãy khóc thương các ngươi và con cháu của
các ngươi” (Lk 23:28). Chúa Giêsu biết rõ mục đích tại sao Ngài chịu đau khổ,
nhưng dân Thành không biết. Điều có lẽ Chúa muốn nhấn mạnh cho họ biết ở đây là
họ hãy khóc thương cho chính họ và cho con cháu của họ; vì tội lỗi của họ và
con cháu mà Chúa đã phải gánh lấy Cuộc Thương Khó mà Ngài đang chịu.
(2) Vì tiếc thương Lazarô (Jn 11:35)? Nhiều người
tin Chúa khóc vì thương Lazarô không còn sống nữa; nhưng suy nghĩ này cần được
xét lại vì không có căn bản vững chắc. Có lẽ việc ông đừng trở lại thế gian có
lẽ hạnh phúc cho ông hơn vì ít lâu nữa ông sẽ cùng được chung phần vinh quang với
Chúa, và kẻ thù không có lý do để giết Chúa Giêsu. Ngài khóc là vì thấy sự chết
gây đau khổ cho con người. Ngài muốn Mary và mọi người hiểu: “Ai sống và tin
vào Ngài, sẽ không chết bao giờ” (Jn 11:25). Nếu ai cũng hiểu như thế, cái chết
sẽ là một niềm vui.
2.2/ Hai lý do tại sao Chúa khóc:
(1) Vì dân Thành Jerusalem không nhận ra Chúa: Khỏang
lưng chừng Đồi Olive, ngày nay có một nguyện đường gọi là Nguyện Đường Chúa
Khóc. Truyền thống tin chính tại đây, Chúa Giêsu đã nhìn thấy tòan bộ Đền Thánh
Jerusalem và sự huy hòang của nó, và Ngài đã khóc vì thương dân Thành. Lý do
Ngài khóc vì tội nghiệp họ đã không nhận ra Đấng đem bình an: “Phải chi ngày
hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ,
điều ấy còn bị che khuất mắt ngươi không thấy được.” Nguyên ngữ Jerusalem ghép
bởi 2 chữ: động từ yrw, có nghĩa là “thiết lập,” và danh từ salem,
có nghĩa là “bình an.” Chúa Giêsu là Đấng từ Trời xuống thiết lập bình an và
chính Ngài đang ở giữa họ; nhưng họ đã không nhận ra Ngài.
(2) Vì Thành sẽ bị phá hủy tan tành: “Thật vậy, sẽ tới
những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng
sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên
hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng
thăm.” Lời tiên tri này ứng nghiệm năm 70 AD, khi quân đội Rôma đem quân vây
hãm và phá hủy bình địa Đền Thờ và Thành. Cho tới ngày nay Đền Thờ vẫn chưa được
xây lại và vết tích của hoang tàn đổ nát vẫn còn cho các du khách viếng
Jerusalem.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Con người khóc vì tiếc và vì thương. Cái khóc của
con người có thể sai vì lý do tiếc hay thương có thể sai. Cái khóc của Chúa
Giêsu luôn luôn đúng vì lý do tại sao Ngài khóc là sự thật. Chúng ta cần tìm hiểu
rõ lý do tại sao mình khóc.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
17/11/16 THỨ NĂM TUẦN
33 TN
Th. Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri
Lc 19,41-44
Th. Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri
Lc 19,41-44
Suy niệm: Thành Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giê-su do vua
Hê-rô-đê Cả – người đã giết các hài nhi ở Bê-lem – khởi công xây dựng từ năm 20
tr. CN mãi đến năm 64 s. CN. mới hoàn thành, chỉ tồn tại được 6 năm thì bị
tướng Ti-tô phá bình địa, chỉ còn lại vài “bức tường than khóc” như hiện nay.
Dù thành thánh còn dang dở sau “46 năm” xây dựng (x. Ga 2,20), và dù rất mực
căm ghét Hê-rô-đê, người Do thái cũng rất tự hào về ngôi đền thờ nguy nga lộng
lẫy này. Thế nhưng, đứng từ trên cao nhìn xuống, Chúa Giê-su đã than khóc nó vì
Ngài thấy trước sẽ tới ngày “không
còn hòn đá nào trên hòn đá nào” bởi vì thánh đô đã không đón
nhận Tin Mừng bình an đến với mình.
Mời Bạn: Với
thái độ tự mãn và vụ hình thức, người Do Thái đã dừng lại ở đền thờ hoành
tráng, lễ nghi trọng thể; vì thế họ đã khước từ Chúa Giê-su lẫn Tin Mừng của
Ngài. Cũng thế, nếu mang danh là tín hữu mà dừng lại ở đền thờ và những lễ nghi
thì niềm tin đó chỉ là hữu danh vô thực, và tôn giáo chỉ còn là cái xác không
hồn. Đón nhận Tin Mừng bình an của Đức Ki-tô không chỉ là “đi lễ, đọc kinh”, mà
còn là hoán cải và phục vụ trong cả cuộc sống.
Sống Lời Chúa: Khi
nhận lời chúc bình an trong thánh lễ, bạn hãy nhớ đem bình an đó đến cho người
khác bằng những hành vi bác ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều khi chúng con tạo nên cảm giác an toàn giả tạo
bằng việc chu toàn một số công việc đạo đức bên ngoài cho yên lương tâm. Xin
Chúa giúp con thay đổi nếp nghĩ của mình mỗi ngày bằng cách sống đức tin bằng
những việc bác ái thiết thực.
Đức
Giêsu khóc
Hãy để Thiên Chúa đi vào đời bạn và chi phối những chọn lựa của
bạn. Chỉ trong Thiên Chúa mọi sự mới có nền tảng vững bền.
Suy niệm:
Người ta có thể khóc vì
nhiều lý do.
Khóc vì buồn thương, khóc
vì tình yêu của mình bị từ chối.
Khóc vì tiếc nuối một
điều tốt đẹp bị hủy hoại.
Một người đàn ông khóc là
chuyện không thường xảy ra.
Chính vì thế chúng ta ngỡ
ngàng khi thấy Đức Giêsu khóc.
Con Thiên Chúa nhập thể
biết đến nỗi đau của phận người.
Giọt nước mắt của Ngài
cho thấy Ngài thật sự có một trái tim.
Đức Giêsu khóc khi đến
gần và trông thấy thành phố Giêrusalem.
Trong thành Giêrusalem có
ngôi Đền thờ lộng lẫy (Lc 21, 5).
Đền thờ ấy là Đền thờ thứ
hai được xây sau khi dân lưu đày trở về.
Còn Đền thờ thứ nhất do
Salômôn xây, đã bị quân Babylon phá hủy.
Vua Hêrôđê Cả đã trùng tu
và nới rộng Đền thờ thứ hai này.
Công việc sửa sang kéo
dài từ năm 20 trước công nguyên,
đến năm 64 sau công nguyên
mới hoàn tất.
Vào thời gian này, người
Do Thái nổi dậy chống lại quân Rôma.
Vào lễ Vượt qua năm 70,
thành phố bị vây hãm (c. 43).
Đền thờ bị thiêu hủy sau
tám mươi tư năm tu sửa.
Đây là một bi kịch lớn mà
Đức Giêsu đã linh cảm với nỗi đớn đau.
Bài Tin Mừng hôm nay
nằm ngay sau biến cố Đức
Giêsu lên Giêrusalem lần cuối (Lc 19, 28).
Ngài biết đây là lần
cuối, nên giữa bầu khí tung hô của dân chúng,
Đức Giêsu lại rơi vào nỗi
đau buồn, xót xa.
Ngài sẽ là vị ngôn sứ
phải chết ở trong thành này (Lc 13, 33).
Như mọi người Do Thái
khác, Đức Giêsu quý thành phố và Đền thờ.
Thành phố Giêrusalem là
thủ đô của đất nước.
Đền thờ là nơi mỗi năm
Ngài lên đó dự các lễ lớn đôi ba lần.
Đây là nhà Cha của
Ngài, là nhà cầu nguyện (Lc 2, 49; 19, 46).
Nhưng mọi điều tốt đẹp
Ngài đang thấy, có ngày sẽ đổ vỡ tan hoang.
“Không để hòn đá nào trên
hòn đá nào” (c. 44).
Thiên Chúa là Đấng đã đi
thăm Dân Israel (Lc 1, 68; 7, 16; 19, 44).
Ngài thăm Dân Ngài qua
Người Con là Đức Giêsu (Lc 1, 78).
Ngài đến thăm để đem ơn
cứu độ, đem lại bình an (c. 42).
Hôm nay Thiên Chúa vẫn
tiếp tục đi thăm nhân loại.
Ngài vẫn sai Con của Ngài
đến với chúng ta để ban ơn bình an.
Nhưng con người hôm nay
có thể khép lòng, và để lỡ cơ hội quý báu.
“Ngài đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).
Làm sao mỗi Kitô hữu nhận
ra thời điểm Ngài đến thăm mình? (c. 44).
Thế giới Tây phương hôm
nay đang có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa.
Họ nhân danh tự do tôn
giáo để loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội.
Nhưng không có Trời thì
ai ở được với ai.
Nhân loại bị kéo vào
những cuộc chiến tranh, thù hận không lối thoát.
Hãy để Thiên Chúa đi vào
đời bạn và chi phối những chọn lựa của bạn.
Chỉ trong Thiên Chúa mọi
sự mới có nền tảng vững bền.
Nếu không, như
Giêrusalem, chúng ta chỉ còn là những bức tường than khóc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con
Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con
của loài người,
con của trái đất, con của
một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc
của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào
thập giá.
Xin cho chúng con biết
yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo
nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến
tranh,
một quê hương đang mở ra
trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn
bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của
cha ông.
Xin cho chúng con đừng
nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện
nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước
nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó
thật cụ thể
cho những đồng bào quanh
chúng con.
Ước gì chúng con biết
phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và
đôi tay.
Và ước gì chúng con biết
khiêm tốn
cộng tác với muôn người
thiện chí.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG MƯỜI MỘT
Ân Sủng Thánh Hóa Tình Cảm Nhân Loại
Sự đồng ý đón nhận nhau giữa một người nam và một
người nữ khi họ cử hành hôn nhân Kitô giáo không chỉ là một diễn tả tình cảm
nhân loại mà hai người cam kết trọn đời. Họ nói ‘vâng’ với nhau trong đức tin,
một đức tin mà họ dứt khoát chọn lựa cho cả đời mình. Mầu nhiệm này của cuộc
hôn nhân giữa họ là một phản ảnh của sự kết hợp thần nhiệm và của tình yêu phu
phụ giữa Đức Kitô và Giáo Hội.
Vì thế, hôn nhân giữa hai Kitôhữu trước hết là một
hành vi của đức tin. Tình cảm nhân loại của họ được chuyển hóa và được làm cho
nên thánh thiện nhờ ân sủng. Vì họ đã ký thác tình yêu và cuộc hôn nhân của họ
cho Thiên Chúa, nên Ngài nhất định sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng nó bằng ân phúc của
Ngài. Chính Đức Kitô cho biết rằng ở đây không chủ yếu là tự họ ràng buộc với
nhau, mà đúng hơn chính Cha trên trời đang ràng buộc họ với nhau. Và công việc
quan trọng đệ nhất của họ là liệu sao để không phá vỡ sự kết hợp thánh thiện
này.
Một đôi vợ chồng sẽ thành công trong việc bảo vệ cuộc
hôn nhân của mình nếu họ nhớ rằng chính Thiên Chúa đã trở thành người bảo vệ sự
kết hợp giữa họ. Và khi họ trải qua những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, họ
sẽ chạy đến với Thiên Chúa trong lòng tin tưởng vững vàng vào sự quan phòng và
vào tình yêu thương của Ngài.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 17 – 11
Thánh nữ Êlisabeth Hungari
Kh 5,1-10; Lc 19,41-44.
Lời suy niệm: “Khi đến gần Giêrusalem và trong thấy thành,
Đức Giêsu khóc thương mà nói: Phải chi hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem
lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi
không nhìn thấy được.”
Những giọt nước mắt của Chúa Giêsu cũng chính là giọt
nước mắt của Thiên Chúa. Đặc biệt trong thế giới ngày hôm nay về sự ô nhiễm môi
trường làm ảnh hưởng đến “Ngôi Nhà Chung” mà ĐTC Phanxicô đã đề cập đến trong
thông điêp Lauđatô si’ và ngày 1/9/2016 ĐTC xác quyết rằng những tội chống lại
thiên nhiên cũng là tội ác chống lại chính chúng ta và là tội chống lại Thiên
Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. ĐTC Phanxicô đang kêu gọi các tín hữu
nhìn nhận tội lỗi gây hại cho thiên nhiên và con người, biết thống hối và quyết
tâm thay đổi lối sống. Xin cho chúng con ơn tha thứ và thông truyền lòng thương
xót của Chúa trong toàn thể căn nhà chung của chúng con.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 17-11
Thánh ELISABETH Nước Hungaria
Nữ Tu (1207 - -1231)
Em bé 4 tuổi mặc ái nhung đeo vàng, người ta dẫn tới
Thuringia, là con vua Hungaria. Tên Ngài là Elisabeth và vừa được đính hôn với
hoàng tử Luy (Louis) mười một tuổi con của Landgrave miền Thuringia, và theo
thói thường Ngài lớn lên tại cung điện Thuringia.
Elisabeth xem ra đã được tiền định với niềm vui, được
cầu nguyện hãm mình và mỗi ngày hy sinh một điều thích thú. Nếu trong cuộc chơi
mà thành công rực rỡ, Ngài không quá vui và ngừng lại. Một phần những cái người
ta cho Ngài thường là tới tay người nghèo. Nhưng Ngài sớm thấy một đau khổ
khác, không phải mọi người đều vui lòng khi thấy Ngài lớn lên trong đạo đức, tốt
lành và quảng đại như vậy. Công chúa Sophia, mẹ của Luy tức giận vì sự hoàn thiện
này.
Khi bà dẫn Elisabeth với cô con gái mình tới nhà thờ,
cả hai trang điểm như công chúa thì Elisabeth lại cởi vương miện bằng đá ra mà
nói không muốn mang nó đến trước Thiên Chúa phải đội mão gai. Thế là công chúa
và con mình khinh bỉ và tuyên bố rằng: Ngài bất xứng để làm vợ của bá tước.
Nhưng khi Luy đã trở lại triều đình chàng ngây ngất vì vị hôn thê trẻ của mình.
Chàng chọn làm châm ngôn những đức tính: đạo đức, trong sạch và công bình.
Chàng đã cử hành hôn phối sớm hết sức có thể, lúc chàng 20 và nàng 14.
Năm sau họ có con đầu lòng và 2 năm sau nữa sinh con
thứ. Các đày tớ của thánh nữ nói về Ngài: "Bà kêu đến Chúa trong mọi hành
vi, bà sống khiêm tốn, rất bác ái và say mê cầu nguyện". Ngày sống của nữ
bá tước được phân phối cho công việc cầu nguyện, làm việc bác ái, cùng với các
phụ nữ dệt len cho người nghèo. Rảo quanh các làng quê phân phát các đồ cứu trợ.
Luy, một hiệp sĩ hào hùng, rất lịch thiệp, là bạn trung thành nâng đỡ Elisabeth
trong đường thánh thiện Ngài đeo đuổi. Ông yêu vợ có khuôn mặt và tâm hồn dịu
hiền của mình. Người ta thích kể lại một huyền thoại làm đẹp cuộc đời thánh nữ
như sau:
Vào một ngày mùa đông. Luy đi săn về gặp vợ cong
mình xuống dưới sức nặng các đồ ăn giấu trong vạt áo. Ông hỏi: - Em mang gì đó
?
Vạch áo ra ông chỉ thấy những bó hoa hồng trắng rất
đẹp không mùa xuân nào có được. Vị bá tước xúc động vì phép lạ, Ngài ưu ái người
vợ lý tưởng của mình hơn nữa.
Còn chính thánh nữ thì tăng gấp việc bác ái. Ngài
săn sóc các bệnh nhân nghèo, cấp đồ ăn cho họ, băng bó các vết thương. Vào một
ngày thứ năm tuần thánh, Ngài đã hôn chân các người cùi Ngài tập hợp lại. Dưới
những chiếc áo sang trọng, Ngài dấu một chiếc áo nhặm. Không ai nghi ngờ sự khắc
khổ của Ngài. Isentrude, người đày tớ theo Ngài và có nhiệm vụ đánh thức Ngài
ban đêm để cầu nguyện làm chứng: "Ngài hoàn thành những công trình bác ái
trong tâm hồn vui tươi và không đổi nét mặt".
Chính Elisabeth đã nói về những người nhân đức mà mặt
mày ủ dột: "Họ có vẻ muốn làm khiếp đảm Thiên Chúa nhân lành. Trong khi
Ngài yêu thích những kẻ cho một cách vui tươi".
Luy phải ra trận. Đây là lúc nữ bá tước đau đớn nhất
và tăng gấp lời cầu nguyện và đánh tội. Thánh nữ vẫn thường bối rối lo sợ có những
bất công mà lãnh Chúa thường gặp phải. Gặp buổi đói ăn, thánh nữ nhiệt thành
nâng dỡ người nghèo. Phân phát hết lúa gạo dự trữ, Ngài hy sinh cả nữ trang và
đá quí, Ngài thiết lập những nhà thương. Dân chúng gọi Ngài là "mẹ".
Khi chồng trở về, thánh nữ thường cười nói: - Em đã dâng cho Thiên Chúa cái thuộc
về Ngài bảo vệ của cải của chúng ta,
Nhưng đã đến lúc những thử thách lớn lao đưa
Elisabeth tới đỉnh cao thánh thiện. Luy tham gia đoàn quân thánh giá và vong mạng
năm 1227. Vài ngày sau thánh nữ sinh hạ người con thứ ba. Ngài như điên lên vì
đau đớn, nhưng đã chứng tỏ lòng đai độ từ bỏ thánh nữ đã có từ buổi thiếu thời.
Hình ảnh cổ truyền còn diễn tả thánh nữ, bị người em bất xứng của Luy xua đuổi
và cấm dân chúng không được cho trú ngụ, khóc lóc ôm con nhỏ đi vào đường mòn sỏi
đá giữa mùa đông lạnh lẽo với hai người con níu bên tay...
Thực tế là người em rể đã một thời không cho Ngài được
thừa hưởng của cải của chồng Ngài. Elisabeth từ chối mọi thỏa hiệp với ông ta
và không muốn nhận được cấp dưỡng bằng cái Ngài coi là của cắp của dân nghèo.
Ngài thích được rẫy bỏ hơn và tự kiếm kế sinh nhai. Như thế với lương tâm Kitô
giáo Ngài đã chọn được nên nghèo khó. Thực vậy, Ngài đã phải trú ngụ trong một
chuồng heo cũ và đã biết khốn cực là gì. Người đày tớ theo Ngài kể rằng: -
"Bị bắt bớ bởi những chư hầu của chồng, thiếu mọi thứ của cải và vì thiếu
thốn, Ngài đã phải gửi con đến những miền xa để chúng được nuôi dưỡng ở đó.
Dầu vậy, Ngài vẫn cảm tạ Chúa và đã bóc lột Ngài như
thế, và trong một nguyện đường các anh em hèn mọn Ngài đã đặt tay lên bàn thờ
thề hứa từ bỏ tất cả.
Cậu của Ngài là giám mục miền Bamberg rất muốn Ngài
tái giá và còn gọi Ngài tới lâu đài Haute Francoine nơi đặt các xương cốt của
chồng Ngài. Nhận xương cốt, Ngài nguyện vâng phục và tạ ơn Thiên Chúa.
"Lạy Chúa, con yêu biết bao. Nhưng Chúa biết
con không hối tiếc việc hy sinh người yêu của con cho Chúa. Anh đã tự hiến mình
cho Chúa, con cũng hiến dâng anh con cho Chúa để yểm trợ thánh địa. Nếu được
con cho cả thế giới để đổi lấy anh, rồi chúng con cùng đi ăn xin với nhau.
Nhưng con xin chứng tỏ rằng: nếu trái với ý Chúa, con sẽ không muốn chuộc lại sự
sống của anh, cả đến sợi tóc đi nữa... Nguyện ý Chúa thành sự trong chúng
con".
Người góa phụ trẻ không muốn có phần gì đối với vinh
hoa trần thế nữa, đã mặc áo dòng ba Phanxicô và dùng tiền của chồng để lại để
điều hành một nhà thương là nơi bà ngồi ăn chung với các bệnh nhân nghèo khó.
Sau cùng Ngài ở trong một ngôi nhà bằng cây vách đất. Ngài dệt vải để nuôi thân
và chịu những hy sinh cực khổ hơn nữa.
Cha giải tội của Ngài là Conrad thấy sự diụ hiền của
Ngài có vẻ tạo nên cảm tình của hai người bạn từ hồi trẻ và nay theo Ngài, nên
không cho Ngài giữ họ gần mình nữa. Thay vào đó là một đứa trẻ vô giáo dục và một
bà điếc lác khó chịu. Elisabeth đối xử với họ cách âu yếm như với bạn bè và
dành lấy những công việc gớm ghiếc nhất. Một đứa trẻ bất toại Ngài săn sóc bắt
Ngài thức dậy mỗi đêm sáu lần và chính Ngài giặt giũ áo quần hôi hám của nó.
Khi đứa trẻ chết, Ngài thayvào đó một dứa trẻ phong cùi và nói: - Tôi không
đang cởi giây giầy cho em. Đối với tôi Chúa Giêsu đang ở vào đại vị của em.
Đứa trẻ chết, lại một người bị bịnh trứng tóc sống
bên Ngài. Vị hướng dẫn còn dùng đến những cư xử nghiệt ngã lạ lùng. Nhà chép sử
nói rằng: "ông ta có thể đánh vào mặt Ngài, nhưng thánh nữ đủ mạnh để chịu
dựng như một người đang chiêm niệm. Ngài qua những giờ ngây ngất và nét mặt trở
bên rực sáng.
Nhưng Elisabeth yếu dần và qua đời lúc mới 24 tuổi,
vào ngày 19 tháng 10 năm 1231. Từng đoàn người lũ lượt hành hương kính viếng mộ
Ngài và đã có rất nhiều phép lạ xảy ra tại đó. Bốn năm sau Đức giáo hoàng
Gregoriô IX đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.
(daminhvn.net)
17 Tháng Mười Một
Trong Mọi Sự, Hãy Nghĩ Ðến Cùng Ðích
Một ngày nọ, triết gia Diogene của Hy Lạp đã đến giữa
chợ Athène và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau: "Ở đây có
bán sự khôn ngoan".
Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc được lời
rao báo, mới cười thầm trong bụng... Muốn biết đằng sau căn lều ấy có những gì,
ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi
là sự khôn ngoan.
Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của
chủ... Anh đưa cho Diogene 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan.
Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogene nói với người đầy tớ một cách trang
trọng như sau: "Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: Trong tất cả
mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích".
Vị khoa cử thành Athène vô cùng thích thú vì lời
khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để
chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông đều có thể
đọc thấy...
"Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng
đích".
Có lẽ đó cũng là khuôn vàng thước ngọc mà Giáo Hội
muốn ngỏ với mọi người chúng ta trong những ngày tháng cuối cùng của năm Phụng
Vụ này. Mỗi năm qua đi: đó là hình bóng của đời người và lịch sử của thế giới
này.
"Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng
đích". Người lực sĩ nghĩ đến phần thưởng đang chờ đợi mình. Người học sinh
nghĩ đến ngày đỗ đạt thành tài... Ðiểm đến thúc đẩy con người hăng say làm việc.
Thời Noe, mọi người ăn uống, vui chơi và cười nhạo
khi ông cho đóng tàu để phòng nạn Hồng Thủy. Ðối với họ, chuẩn bị để đương đầu
với tai nạn, chuẩn bị để làm một cuộc hành trình dài là một chuyện viển vông,
là điều ngu xuẩn...
Hãy vui hưởng cuộc sống, hãy sống như thể con người
sẽ không bao giờ chết: đó là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Sống như
thế là sống không định hướng, sống như thế là sống không mục đích. Thánh Phaolô
đã gọi những người đó là những người chỉ biết thờ cái bụng của mình...
Cái chết là cửa để bước vào cuộc sống mai hậu. Và cuộc
sống mai hậu ấy tùy thuộc vào những tích chứa, những xây dựng của chúng ta
trong cuộc sống tại thế này. Nếu trong cuộc sống này, chúng ta hướng tất cả mọi
hoạt động của chúng ta vào cùng đích ấy, nếu chúng ta hành động, suy nghĩ như
thể chúng ta sẽ ra đi tức khắc, thì chắc chắn khi bước qua ngưỡng cửa ấy, chúng
ta sẽ không ngỡ ngàng, thất vọng...
Nhưng dĩ nhiên, không phải từ sức mình, chúng ta có
thể xây dựng cho mình tương lai vĩnh cửu ấy. Sự sống trường sinh là ân ban
nhưng không của Chúa. Thiên Chúa chỉ chờ đợi nơi chúng ta sự ưng thuận và đáp
trả tích cực mà thôi... Ước gì từng suy nghĩ, từng hành động, từng gặp gỡ, từng
hơi thở của chúng ta đều là một đáp trả tích cực của chúng ta đối với lời mời gọi
vào sự sống bất diệt của Chúa. Ước gì trong tất cả mọi sự, sự khôn ngoan hướng
dẫn chúng ta chính là cõi phúc trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ước
gì trong từng bước lữ hành về cõi phúc ấy, chúng ta có thể nếm được niềm vui và
hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này...
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét