30/01/2017
Thứ Hai tuần 4 thường niên
MỒNG BA TẾT ĐINH DẬU.
THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM.
Ngày Mồng 3 Tết Âm Lịch
Thánh Lễ Cầu Cho
Công Ăn Việc Làm
Bài Ðọc I: St 1,26 - 2,3
"Hãy sinh sôi nẩy nở cho
nhiều đầy mặt đất và thống trị nó".
Bài trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: "Chúng ta
hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển,
chim trời, dã thú khắp mặt đất và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất".
Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con
người giống hình ảnh Chúa, Người tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa.
Người tạo thành họ có nam có nữ.
Thiên Chúa chúc phúc cho họ và
phán rằng: "Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó;
hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất".
Thiên Chúa phán: "Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang
hạt giống trên mặt đất và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta
ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi loài dã thú trên mặt đất, chim
trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Và đã xảy ra như vậy.
Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi
sáng: đó là ngày thứ sáu.
Thế là trời đất và mọi trang điểm
của chúng đã hoàn thành. Ngày thứ bảy Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã
làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ
ngơi. Người chúc phúc và thánh hóa ngày thứ bảy, vì trong đó Người nghỉ việc tạo
thành.
Ðó là lời Chúa.
- - - - - - - - - - - -
Hoặc: St 2, 4b-9. 15
"Thiên Chúa đem con người
đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa".
Bài trích sách Sáng Thế.
Trong ngày Thiên Chúa tạo dựng
trời đất, thì chưa có bụi cây nào mọc ngoài đồng, không có một cây rau cỏ nào nẩy
mầm ngoài đồng ruộng, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa rơi xuống đất, và chưa
có người để trồng trọt, nhưng lúc đó mạch nước từ đất vọt lên, tưới khắp mặt đất.
Vậy Thiên Chúa lấy bùn đất nắn
thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống.
Thiên Chúa lập một vườn tại E-đen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài
đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với
cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết lành biết dữ. Vậy Thiên Chúa đem con người
đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn.
Ðó là lời Chúa.
- - - - - - - - - - - - -
Hoặc: 2Cor 9, 8-11
"Thiên Chúa đã cung cấp
bánh để nuôi họ".
Bài trích thơ thứ hai của Thánh
Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Thiên Chúa có
quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc: để anh em vừa luôn sung túc mọi mặt,
vừa được dư dật dể làm các thứ việc phúc đức, như đã chép rằng: "Người đã
rộng tay bố thí cho kẻ nghèo khó, đức công chính của Người sẽ tồn tại muôn đời".
Ðấng đã cung cấp hạt giống cho kẻ
gieo, và bánh để nuôi mình, thì cũng sẽ cung cấp cho anh em hạt giống dư đầy,
và sẽ làm phát triển hoa quả sự công chính của anh em. Như thế, anh em được
giàu có mọi bề, để thi hành mọi việc bác ái; qua tay chúng tôi, phúc đức đó sẽ
làm phát sinh lời cảm tạ Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp ca: Tv 103, 1-2a, 14-15, 24,
27-28
Ðáp: Lạy Chúa, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài.
(24c)
Xướng 1) Linh hồn tôi ơi, hãy
chúc tụng Chúa, lạy Chúa là Thiên Chúa của tôi, Ngài rất ư vĩ đại! Ngài mặc lấy
oai nghiêm huy hoàng, ánh sáng choàng thân như mang áo khoác. - Ðáp.
2) Ngài khiến cỏ xanh mọc ra cho
súc vật, và cây cối để con người xử dụng, để từ trong đất con người tạo ra cơm
bánh, và rượu làm hoan hỉ lòng người; khiến cho mặt người lấp lánh dầu thơm, và
bánh cơm tâm can người được bỗ dưỡng. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, thực nhiều thay
công cuộc của Ngài! Ngài đã tạo thành vạn vật cách khôn ngoan, địa cầu đầy dẫy
loài thụ tạo của Ngài. - Ðáp.
4) Hết thảy mọi vật đều mong chờ
ở Chúa, để Ngài ban lương thực cho chúng đúng thời giờ. Khi Ngài ban cho thì
chúng lãnh, Ngài mở tay ra thì chúng no đầy thiện hảo. - Ðáp.
Alleluia và Câu Xướng Trước Phúc
Âm: Tv 67, 20
(Mùa Chay: bỏ Alleluia)
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng
Chúa ngày nọ qua ngày kia; Thiên Chúa là Ðấng cứu độ, Người vác đỡ gánh nặng
chúng tôi. - Alleluia.
Hoặc: Mt 11, 28
Alleluia, alleluia! - Chúa phán:
Hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, "hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bổ sức
cho". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 5, 16-20
"Chúa Cha yêu Chúa Con,
và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Gioan.
Khi ấy, các người Do thái gây sự
với Chúa Giêsu, vì Người đã chữa bệnh trong ngày sabbat. Chúa Giêsu trả lời họ
rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Bởi thế,
các người Do thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật
nghỉ ngày sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với
Thiên Chúa.
Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:
"Thật, Ta bảo thật cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì,
nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như
vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu thương Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc
mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ
phải thán thục".
Ðó là lời Chúa.
- - - - - - - - - - - -
Hoặc: Mt 6, 31-34
"Các con chớ áy náy lo lắng
về ngày mai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ rằng: "Các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: "Chúng ta sẽ ăn
gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?" Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều
đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con
hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người
sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày
mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".
Ðó là lời Chúa.
- - - - - - - - - - - - -
Hoặc: Mc 4,26-29
"Người kia đã gieo hạt
xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân
chúng rằng: "Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất,
người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào
người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết
thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã
đến mùa".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm :
Mt 25, 14-30
Bao lâu trái đất này còn,
Còn gieo còn gặt còn vun còn trồng;
Bốn mùa xuân hạ thu đông,
Ngày đêm thời tiết không ngừng luân phiên ( St 8, 22
).
Hằng năm Giáo Hội không
ngừng dùng ngày mồng ba tết để cầu xin cho công ăn việc làm, xin Chúa thánh hóa
công việc của mỗi người,đặc biệt xin " Chúa gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi
". Có người nghĩ rằng công việc là do bàn tay lao động của mình. Trí óc là
do khả năng tích lũy của mình. Đất đai tự nó tốt, tự nó có mầu có mỡ. Không,
Giáo Hội là người Mẹ hiền luôn nhìn thấy những gì do mình, điều gì do Chúa.
Chính vì vậy, giữa bôn ba của cuộc đời, giữa những ngày vui chơi ăn tết, con
người vì vẻ bề ngoài, vì lao mình vào các thú vui, vì say xưa chè chén, họ sao
nhãng việc thiêng liêng, quên đi " Làm bởi bay, ban bởi Ta ". Chính
vì thế, Giáo Hội dành ngày mồng ba tết để xin Chúa thánh hóa ruộng vườn, mùa
màng, cây cối và xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm. Thánh Phaolô đã viết một
câu mạnh mẽ nhưng hoàn toàn hợp lý :" Không làm việc thì đừng ăn ",
na ná như câu :" Đừng nằm chờ sung rụng "...
THIÊN CHÚA SAI CON CỦA
NGÀI ĐẾN TRẦN GIAN ĐỂ NÊU GƯƠNG LAO ĐỘNG CHO CON NGƯỜI : Khi tạo dựng vũ trụ, dựng
nên con người, Thiên Chúa đặt con người trong vườn địa đàng và cho con người hưởng
dùng mọi vật Ngài tạo dựng nên. Tuy nhiên, khi Ông bà Ađam và Evà phạm tội, Ông
bà phải lao động cực nhọc, vất vả mới có của ăn để nuôi thân và nuôi con cái.
Lao động bắt đầu từ khi con người sa ngã, ngang nhiên chống lại Chúa. Lao động
vất vả nhưng luôn có giá trị bởi vì không có Chúa, con người dù có làm mấy đi nữa
cũng không mang lại hiệu quả bao nhiêu...
Khi Con Thiên Chúa là Đức
Giêsu Kitô được sai đến trần gian qua cung lòng thanh sạch của Đức Trinh Nữ
Maria bởi phép Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu lớn lên ở Nagiarét, Ngài đem lại cho
lao động một ý nghĩa cao vời. Chúa lao động để nêu gương cho nhân loại bởi vì
lao động mang lại ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống con người. Một ngày Chúa
trao ban cho mỗi người 24 tiếng đồng hồ để con người như nhau nhưng tùy khả
năng, tài trí làm lợi cho Chúa, cho Giáo Hội, cho bản thân, cho tha nhân. Chúa
Giêsu đã cùng thánh cả Giuse và mẹ Maria lao động để mang lại cho lao động ý
nghĩa cứu rỗi.
CON NGƯỜI LUÔN PHẢI LAO ĐỘNG
: Dù làm việc bằng chân tay, hay làm việc bằng trí óc, mọi người đều phải làm
việc. Chúa Giêsu đã nói :" Cha Ta làm việc, Ta cũng làm việc không ngừng
". Chắc chắn, ở Nagiarét, Chúa Giêsu có lúc cũng đã phải đổ mồ hôi, mệt nhọc,
vất vả vì lao động. Tuy nhiên, gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse đã
lao động với tất cả tình yêu, với tất cả niềm tin và đem lại cho lao động một ý
nghĩa tôn giáo tuyệt vời. Khi Chúa làm việc lao động, Ngài muốn chúng ta hãy
luôn kết hợp với Ngài, như Ngài luôn kết hợp với chúng ta. Ai luôn kết hợp với
Ngài, Chúa luôn kết hợp với người ấy, thì người ấy sinh hoa kết quả dồi dào (
Ga 15, 45b ). Con người noi gương Chúa luôn phải lao động không ngừng vì theo
thánh Phaolô dạy :" Không làm việc thì đừng có ăn ".Câu nói xem ra mạnh
mẽ đấy, nhưng quả thực không lao đ8ộng làm sao có lương thực để nuôi thân, có của
cải để độ trì. Do đó, bất cứ ai đã sinh ra ở trần gian muốn tồn tại phải làm việc
hoặc bằng trí óc hoặc bằng chân tay.
LAO ĐỘNG MANG Ý NGHĨA CỨU
RỖI : Khi nhìn vào gia đình thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu, ai cũng hiểu rất
rõ dù Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài đã làm người, nên Ngài làm việc không ngừng.
Thánh Giuse lao động để nuôi gia đình. Mẹ Maria làm việc nội trợ để tạo nên hạnh
phúc gia đình. Cả gia dình thánh đã làm việc để nâng lao động lên tầm cao mới,
nghĩa là làm cho lao động có một ý nghĩa cứu độ.Chính Thiên Chúa đã nêu gương
lao động cho con người. Do đó, con người làm việc không chỉ để nuôi sống bản
thân mình mà còn góp tay vào công trình cứu độ nhân loại...Thực tế, Thiên Chúa
đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài và giao cho con người trông coi
vũ trụ, tô đẹp vũ trụ.Lao động và tín thác nơi Chúa vì chính Chúa là mục tử
chăn dắt chúng ta, nên chúng ta không còn thiếu thốn gì ( Tv 22, 1 ).
ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG CỦA
CON NGƯỜI, CỦA MỖI NGƯỜI : Chúa đã thánh hóa công ăn việc làm do tự lòng tin của
chúng ta. Đọc Kinh Tiền Tụng chúng ta nhận ra rằng :" Chính Thiên Chúa đã
dựng nên con người giống hình ảnh Chúa và giao trách nhiệm trông coi trái đất.
Chúa còn sai Con một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động, và thực
hiện công trình cứu độ muôn dân ". Chúa đã lao động để làm gương cho nhân
loại, cho con người. Chúa giúp con người làm việc làm ra cơm áo và hơn nữa để
xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế.
Lạy Chúa, Chúa đã muốn
cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm
nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm Nhâm
Thìn này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự việc chung là
hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Amen.
( Lời nguyện nhập lễ, lễ
ngày Mồng Ba Tết ).
30/01/17
THỨ HAI TUẦN 4 TN
MỒNG BA TẾT. Thánh hóa
công việc làm Mt 25,14-30
THÁNH HÓA BẢN THÂN
“Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai nén,
tôi đã gây lời được hai nén khác đây.” (Mt 25,22)
Suy niệm: Steve Jobs, một thiên
tài công nghệ, khuyên ta: “Công ăn việc làm chiếm phần lớn cuộc đời
bạn, và cách duy nhất giúp bạn thật sự mãn nguyện là làm những gì bạn tin là vĩ
đại. Và cách duy nhất để làm việc vĩ đại là yêu thích điều bạn làm.” Như
mọi người, các Ki-tô hữu cũng chăm chỉ lao động để (1) tự sinh sống hay nuôi
gia đình; (2) như một cách bày tỏ lòng yêu mến những người thân, và (3) như một
phương cách đóng góp vào việc xây dựng cuộc sống xã hội. Ngày đầu năm mới, khi
mong Chúa thánh hóa công ăn việc làm là ta cầu xin Ngài cho công ăn việc làm
trong năm mới thành phương thế cứu độ ta; những lao nhọc, từng giọt mồ hôi giúp
ta cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Đối
với Chúa, việc bạn làm không quan trọng bằng cách bạn làm. Nhờ vậy, trước mặt
Ngài, công việc của người quét đường cũng có giá trị như vị tổng thống. Trong
năm mới Đinh Dậu, qua những vất vả, mệt nhọc của lao động, bạn xin Chúa cho
mình sống tương quan với Chúa và với người khác được tốt đẹp, hài hòa hơn.
Sống Lời Chúa: Trong
năm mới này, tôi sẽ làm việc trong tinh thần trách nhiệm, công bằng, để đẹp
lòng Chúa, hài lòng người khác, và như món quà tình yêu với gia đình mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa
đã cho chúng con qua một năm, tuy vất vả lao nhọc, nhưng công ăn việc làm đem
lại cuộc sống an vui cho chúng con. Xin Chúa chúc lành cho công ăn việc làm
trong năm mới được ổn định, thuận lợi. Xin giúp con biết thánh hóa chính bản
thân qua công ăn việc làm ấy.
Mồng ba Tết Nguyên đán Đinh Dậu
Thánh hoá công ăn việc làm
Tôi tớ tốt lành và
trung tín
Lời Chúa:
Mt 25, 14-30
Bấy giờ, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này:
“Người kia sắp đi xa, gọi tôi tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa
cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy khả năng
riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm nén lấy số tiền ấy
đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm nén khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai
nén gây lời được hai nén khác. Còn người đã lãnh một nén thì đi đào lỗ chôn
giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến
và yêu cầu họ thanh toán sổ sách. Người đã lãnh năm nén tiến lại gần, đưa năm
nén khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm nén, tôi đã gây lời
được năm nén khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! anh đúng là tôi tớ
tốt lành và trung tín! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao
nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Người đã lãnh hai nén
cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai nén, tôi đã
gây lời được hai nén khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! anh đúng là
tôi tớ tốt lành và trung tín! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ
giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Rồi người đã lãnh
một nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc,
gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu
nén bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này!” Ông chủ đáp: “Anh
thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu
nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi cho các chủ ngân hàng,
để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy nén bạc
khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười nén. Vì phàm ai đã có, thì được cho
thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy
đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó,
người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
Suy niệm:
Lao động đúng là vinh quang của con người,
Thiên Chúa vẫn cần con người cộng tác cho công cuộc
sáng tạo còn dang dở…
Ngài vẫn muốn nhờ con người mà làm cho thế giới này
đẹp hơn, dễ sống hơn,
làm cho trái đất này trở thành một ngôi làng ấm áp,
xinh xắn, gần gũi
cho hơn bảy tỉ người sống như anh chị em.
Từng ngày bao người vẫn cộng tác với Thánh Thần để
biến đổi bộ mặt trái đất.
Có một lời nguyện rất hay của Phụng vụ Giờ Kinh tóm
kết về giá trị của lao động:
“Ước gì những công việc chúng con phải làm, vừa nuôi
dưỡng chúng con,
vừa mưu ích cho những người chúng con chịu trách
nhiệm,
lại vừa làm cho triều đại Chúa mau đến.”
Như thế lao động là một bổn phận của người Kitô hữu.
Lao động không phải là một hình phạt của tội nguyên
tổ.
Thống trị mặt đất và làm bá chủ mọi loài (St 1, 28).
là sứ mạng Thiên Chúa trao cho con người ngay sau khi
nó được tạo dựng.
Trước khi phạm tội, con người đã được Đức Chúa “đặt
vào vườn Êđen,
để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2, 15).
Làm việc với đất, với vườn, với đủ thứ cây trái là một
vinh hạnh lớn.
Thánh Phaolô cũng thấy cái thú trong việc “làm lụng
vất vả”
để nuôi thân và để “giúp đỡ những người đau yếu” (Cv
20, 35).
Có pha một chút tự hào, vị tông đồ lừng danh này khoe:
“Những gì cần thiết cho tôi, và cho những người sống
với tôi,
đôi tay này đã tự cung cấp” (Cv 20, 34).
Chẳng biết từ đâu Phaolô nghe được câu này mà ông bảo
là của chính Chúa Giêsu:
“Cho thì có phúc hơn là nhận”
Làm việc chính là “cho”, và “cho” thật là một hồng
phúc.
Đầu tư là vấn đề nóng bỏng của mọi nền kinh tế.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dám ví đời sống Kitô hữu
với chuyện làm ăn.
Ông chủ Giêsu đi vắng thời gian lâu (c.19), giao của
cải cho tôi tớ đầu tư sinh lợi.
Chẳng phải ai cũng được số nén bạc như nhau,
nhưng mỗi người phải cố gắng tối đa với những gì mình
đã lãnh nhận.
Hai người đầu tiên đã đi làm ăn và sinh lợi tương
xứng,
được ông chủ coi là “tôi tớ tốt lành và trung tín.”
(cc. 21.23).
Người thứ ba lại đào lỗ đưới đất và chôn dấu nén bạc
duy nhất của mình.
Nén bạc của anh thứ ba còn nguyên, không sinh lợi,
vì thế anh bị coi là “tôi tớ xấu xa, biếng nhác và vô
dụng” (cc. 26.30).
Trong khi chờ Chúa trở lại, chúng ta nỗ lực sử dụng
tài năng Chúa ban.
Làm sao sinh lợi được nhiều nhất và hiệu quả nhất từ
số vốn mình nhận?
Làm sao để Thiên Chúa được vinh danh hơn trên mặt đất
này?
Đầu tư đòi sáng tạo của
khối óc và đam mê của trái tim.
Đầu tư đòi chấp nhận liều
lĩnh, nỗ lực và căng thẳng.
Nhưng chúng ta dám chấp
nhận sự dấn thân này chỉ vì yêu Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang
lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài
vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một
người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu
thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là
một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả
vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Thứ Hai sau Chúa Nhật 4 Quanh
Năm
Bài Ðọc I (Năm I): Dt 11,
32-40
"Nhờ đức tin, họ chiến
thắng các vương quốc. Thiên Chúa dự liệu cho chúng ta một cái gì tốt hơn".
Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, tôi còn phải
nói gì nữa? Tôi không có đủ thời giờ thuật lại về Gêđêon, Barac, Samson,
Giephtê, Ðavít, Samuel và các tiên tri. Nhờ đức tin, họ chiến thắng các vương
quốc, thực thi công bình, được hưởng lời hứa, bịt miệng sư tử, dập tắt hoả hào,
thoát khỏi lưỡi gươm, chế ngự bệnh tật, hùng dũng trong trận chiến; đánh đuổi
các đạo quân ngoại bang, làm cho những người chết sống lại để trao trả cho các
phụ nữ của họ. Có những người đành chịu hành hạ, mà không muốn được giải thoát,
hy vọng được phục sinh hoàn hảo hơn. Lại có những người đành chịu nhục nhã, đòn
vọt, kể cả xiềng xích và tù ngục. Họ bị ném đá, cưa xẻ, thử thách, bị giết bằng
gươm. Họ mặc áo da cừu da dê, lưu lạc khắp nơi, thiếu thốn mọi điều, bị áp bức,
ngược đãi. Thế gian chẳng xứng với họ. Họ lang thang trong hoang địa, trên núi
non, trong hang đá, dưới hầm đất. Và tất cả họ đều nhờ bằng chứng đức tin mà
lãnh nhận lời hứa tốt lành, thế mà họ chưa được lãnh nhận điều đã hứa, là vì
Thiên Chúa đã dự liệu cho chúng ta một cái gì tốt hơn, kẻo họ đạt đến hoàn hảo
mà không có chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 30, 20. 21. 22. 23.
24.
Ðáp: Lòng chư vị hãy can trường mạnh bạo, hết thảy chư vị
là người cậy trông ở Chúa (c. 25).
Xướng: 1) Lạy Chúa, vĩ đại thay
lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những kẻ kính sợ Ngài, lòng
nhân hậu Ngài ban cho những ai tìm nương tựa Ngài, ngay trước mặt con cái người
ta. - Ðáp.
2) Chúa che chở họ dưới bóng
long nhan Ngài cho khỏi người ta âm mưu làm hại. Chúa giấu họ trong lều trại của
Ngài, cho khỏi miệng lưỡi người đời tranh luận. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa, vì Ngài đã tỏ
lòng nhân hậu với con, trong nơi thành trì kiên cố. - Ðáp.
4) Phần con, trong lúc gian
truân, con đã nói: "Con bị loại ra khỏi long nhan Ngài rồi". Nhưng
Chúa đã nghe lời con khẩn nguyện, khi con lên tiếng kêu cầu tới Chúa. - Ðáp.
5) Chư vị thánh nhân của Chúa,
hãy mến yêu Ngài, Ngài gìn giữ những kẻ trung thành. Nhưng Ngài trả miếng thực
là đầy đủ cho những ai sử sự kiêu căng. - Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng
rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 5, 1-20
"Hỡi thần ô uế, hãy ra
khỏi người này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ
sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một
người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả
mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã
trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá
gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả
và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta
chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi ông Giêsu, Con Thiên
Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông,
xin chớ hành hạ tôi". Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hỡi thần ô uế,
hãy ra khỏi người này". Và Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó
thưa: "Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm". Và nó nài xin Người
đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.
Gần đó, có một đàn heo đông đảo
đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: "Hãy cho chúng
tôi đến nhập vào đàn heo". Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền
xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển
và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các
trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy
kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng.
Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế
nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới
họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người
không cho mà rằng: "Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ
biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con". Người đó liền
đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã
làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Số Phận Của Chúa Giêsu
Người Do thái thời Chúa Giêsu có
một cái nhìn rất miệt thị đối với dân ngoại, họ xem dân ngoại là những kẻ sống
dưới ách nô lệ của ma quỷ, do đó cũng cư trú trong những vùng nhơ bẩn chẳng kém
gì bãi tha ma. Nhưng đối với Chúa Giêsu, ranh giới giữa Do thái và dân ngoại
không còn nữa. Ngài không chỉ đến với dân Do thái, mà cả với dân ngoại nữa.
Chính cho dân ngoại mà Chúa Giêsu cũng mang ơn cứu độ đến, và ơn cứu độ ấy được
thánh Marcô mô tả bằng những hình ảnh rất sống động: Chúa Giêsu trục xuất cả một
đạo binh ma quỉ ra khỏi người bị quỉ ám, nguyên một bầy heo lao mình xuống biển.
Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại qua miệng người vừa được chữa lành.
Thế nhưng, sự thành công của
Chúa Giêsu dưới cái nhìn của Marcô thật là yếu ớt. Dường như tất cả những người
mà Ngài tìm đến đều có thái độ dè dặt đối với Ngài. Chỉ có ma quỉ là kẻ duy nhất
biết rõ Ngài là ai nhưng chẳng bao giờ có thể hoán cải được nữa. Các luật sĩ và
biệt phái thì càng lúc càng tỏ ra chai lỳ, bà con thân thuộc thì chỉ nhìn về
Ngài với những tính toán vụ lợi, đám đông dân chúng thì không nhận ra được ý
nghĩa đích thực của sứ mệnh thiên sai của Ngài, còn dân ngoại thì nài nỉ Ngài
quay trở lại quê hương Ngài để họ khỏi phải mang họa vào thân, và khi Chúa
Giêsu chiến thắng được ma quỉ, thì đó cũng là lúc loài người tẩy chay Ngài.
Trong một tình thế bi đát như vậy, cái chết trên Thập giá là chuyện tất yếu đối
với Chúa Giêsu. Trong cái nhìn của Marcô, mỗi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với
người đương thời của Ngài là một tiên báo về cuộc tử nạn của Ngài, Ngài là một
con người triền miên bị khước từ.
Suy nghĩ về số phận của Chúa
Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại thân phận của người Kitô hữu chúng
ta trong trần thế. Là môn đệ Chúa Giêsu, là chấp nhận lội ngược dòng. Không thể
đi theo Chúa Giêsu mà lại sống theo triết lý: người ta sao, tôi vậy. Làm chứng
cho Ðấng đã từng bị khước từ, người Kitô hữu bị khước từ đã đành, mà ngay cả
khi phục vụ một cách vô vụ lợi, họ cũng không hẳn được người đời thương mến.
Nói như thánh Phaolô: bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Chúa
Giêsu, đó là số phận của người Kitô hữu trong trần thế này.
Nguyện xin Chúa ban thêm can đảm
và sức mạnh, để chúng ta kiên trì trong mọi khổ đau vì Danh Ngài.
Veritas
Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 4 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb
11:32-40; Mk 5:1-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Gian
nan thử luyện đức tin.
Cuộc đời con người là bãi chiến
trường chống lại ba kẻ thù: ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Để chống lại ba kẻ
thù nặng ký này, con người cần luyện tập để có một đức tin vững mạnh nơi Thiên
Chúa. Để luyện tập đức tin, con người cần có những gian nan thử thách, bắt đầu
từ những thử thách nhỏ, dần dần tới chỗ to lớn hơn. Nếu phải đương đầu ngay với
thử thách to lớn, con người sẽ ngã quị ngay.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh
việc thử luyện đức tin. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái mời gọi con người
nhìn lại lịch sử để học những tấm gương anh hùng của các nhân chứng đức tin. Họ
cũng là những con người yếu đuối, tội lỗi, và nhát đảm; nhưng nhờ có một niềm
tin vững mạnh nơi Thiên Chúa, họ đã vượt qua được mọi trở ngại trong cuộc đời.
Trong Phúc Âm, một người hầu như đã hòan tòan bị điều khiển bởi quyền lực của
quỉ thần, được Chúa Giêsu chữa lành. Sau khi đã được giải thóat, anh muốn đi
theo làm môn đệ Chúa; nhưng Ngài truyền cho anh ở lại địa phương, và loan truyền
cho dân chúng biết những gì Ngài đã làm cho anh.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức tin gíup con người vượt qua tất cả.
1.1/ Đức tin của các nhân vật trong
lịch sử: Để giúp các tín hữu có đức tin vững
mạnh, tác-giả mời gọi họ nhìn lại gương đức tin của các chứng nhân trong lịch sử
như các ông Gideon, Barak, Samson, Jephthah, David, Samuel và các ngôn sứ. Tuy
họ cũng là những con người yếu đuối và tội lỗi như bao người; nhưng nhờ “đức
tin, các vị này đã chinh phục các quốc gia, thực hành công lý, đạt được những
gì Thiên Chúa đã hứa; các ngài đã khoá miệng sư tử, dập tắt lửa hồng mãnh liệt,
thoát khỏi lưỡi gươm. Các ngài đã lướt thắng bệnh tật mà trở nên mạnh mẽ, đã tỏ
ra dũng cảm tại chiến trường, và đẩy lui được quân ngoại xâm.”
1.2/ Gian nan thử đức tin: Để đạt được những mục đích này, các chứng nhân đã phải trải
qua rất nhiều gian nan thử thách: “Có những phụ nữ đã nhận được sự sống lại từ
sự chết. Có những người bị tra tấn mà không muốn được giải thoát, để được hưởng
một sự sống lại tốt đẹp hơn. Có những người phải chịu nhạo cười và roi vọt, hơn
nữa còn bị xiềng xích và bỏ tù; họ bị ném đá, bị cưa đôi, bị chết vì gươm; họ
phải lưu lạc, mặc áo da cừu da dê, chịu thiếu thốn, bị áp bức và hành hạ… Nhờ đức
tin, tất cả các nhân vật đó đã được chứng giám, thế mà họ không đạt được những
điều Thiên Chúa đã hứa.
1.3/ Chúng ta được chung phần vinh
quang với họ: “Quả thật, Thiên Chúa đã trù
liệu cho chúng ta một phần phúc tốt hơn, nên không muốn cho họ đạt tới hạnh
phúc trọn vẹn mà không có chúng ta.” Tác giả muốn nói, tất cả những nhân vật lịch
sử này đã dựng nên một gia sản đức tin cho chúng ta. Nhờ họ, đức tin chúng ta
được nuôi dưỡng và thúc đẩy chúng ta vượt qua mọi gian nan trở ngại trong cuộc
đời.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu giải thóat một người khỏi làm nô lệ cho quỉ thần.
2.1/ Người bị quỉ ám sống trong
nghĩa trang: Gherasa là Kursi ngày nay, nằm
phía bên kia của Biển Hồ. Vùng này có rất nhiều núi đá, thích hợp cho việc chôn
cất người chết. Hiện nay, còn rất nhiều dấu vết của mồ mả. Như đã đề cập đến
trong bài trước, nghĩa trang là chỗ ở của quỉ thần, và đêm tối là thời gian họat
động của họ. Khi Chúa Giêsu đã dùng quyền năng để truyền cho sóng biển phải im
lặng để sang tới vùng đất của dân Gherasa; người lại dùng quyền năng để giải
thóat một người khỏi làm nô lệ cho quỉ thần. Người này được Marcô mô tả như
sau: “Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được,
dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng
xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể
kiềm chế anh được. Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi,
tru tréo và lấy đá đập vào mình.”
2.2/ Chúa Giêsu đương đầu với quyền
lực của quỉ thần: Cuộc đối thọai giữa Chúa
Giêsu và thần ô uế cho chúng ta thấy quyền lực của quỉ thần trên con người. Có
lúc người bị quỉ ám xưng mình là tôi: "Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối
Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ
tôi!" Có lúc, anh xưng mình là chúng tôi: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng
tôi đông lắm.” Một đạo binh của quân đội Rôma có khỏang 6,000 binh lính; điều
này xác định con người có thể bị giam giữ bởi rất nhiều quỉ thần. Việc quỉ thần
xin cho nhập vào đàn heo có khỏang chừng 2,000 con cũng là một bằng chứng cho
thấy số đông của quỉ thần.
2.3/ Chúa Giêsu đương đầu với cám dỗ
của thế gian: Với một phép lạ như thế, một
người chờ đợi dân làng sẽ mừng vui và mời Chúa Giêsu ở lại với họ; nhưng phản ứng
của dân Gherasa hòan tòan ngược lại.
(1) Họ không muốn thay đổi vì đã
quá quen với quỉ thần: “Họ đến cùng Đức Giêsu và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn
mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo, chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào.
Họ phát sợ.” Thay vì phải sợ quyền lực của quỉ thần, họ sợ Người có quyền lực
trên quỉ thần!
(2) Họ coi của cải vật chất hơn
linh hồn con người: Họ không muốn phải hy sinh của cải vật chất, cho dù cứu được
một mạng người. Họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
2.4/ Phản ứng của người được chữa
lành: Được Chúa Giêsu giải thóat cho khỏi
quyền lực của quỉ thần, và tìm lại được niềm tin đã mất, anh nài xin cho được ở
với Người. Nhưng Người bảo: "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho
họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào."
Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức
Giêsu đã làm cho anh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin là quà tặng quí giá
Thiên Chúa ban để giúp chúng ta chiến đấu chống lại ba thù. Nếu không có đức
tin, chúng ta không thể đứng vững trước những gian nan của cuộc đời.
- Để có một đức tin vững mạnh,
chúng ta cần luyện tập. Gian nan không thể thiếu để giúp chúng ta luyện tập đức
tin.
- Chúng ta cần luyện tập đức tin
mỗi ngày và bắt đầu bằng vượt qua những gian nan thử thách nhỏ. Nếu không chịu
luyện tập, chúng ta không thể nào đương đầu với gian nan thử thách lớn sẽ đến
trong cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Tên tôi là đạo binh (30.1.2017 – Thứ hai Tuần 4 Thường niên)
Thế giới chúng ta sống thì văn minh hơn, khoa học hơn, hạnh phúc hơn, nhưng vẫn không thiếu cảnh những người sống như bị ám, như bị ma nhập.
Suy niệm:
Trừ quỷ là việc Đức Giêsu
vẫn hay làm.
Bài Tin Mừng hôm nay kể
chuyện Ngài trừ quỷ ở vùng đất dân Ngoại.
Tài kể chuyện của Máccô
được thể hiện rõ nét qua bài Tin Mừng này.
Hiếm khi có câu chuyện
sống động và ly kỳ đến thế!
Đức Giêsu và các môn đệ
vượt biển để đến vùng đất Ghêrasa.
Vừa ra khỏi thuyền thì
gặp ngay người bị ám bởi thần ô uế.
Anh sống ở nơi mồ mả, nơi
thường được coi là chỗ ở của quỷ ma.
Anh mạnh ghê gớm đến nỗi
không xiềng xích nào có thể kiềm chế được.
Sống cô độc, đe dọa người
khác, tự hành hạ và làm hại chính bản thân,
đó là thân phận bi đát mà
anh không sao thoát khỏi (cc. 3-5).
Rõ ràng anh hoàn toàn bị
quỷ dữ chiếm đoạt, chẳng còn chút tự do.
Nhưng lạ thay, chính anh
lại chạy đến với Đức Giêsu để gặp Ngài.
Quỷ dữ nơi anh biết rõ
Đức Giêsu là ai, là Con Thiên Chúa Tối Cao.
Nhưng cái biết đó lại
khiến nó phải run sợ xin Ngài đừng hành hạ (c. 7).
Quỷ dữ biết danh tánh của
Đức Giêsu, nhưng không chế ngự được Ngài.
Bây giờ Ngài bắt nó phải
khai danh tánh của nó, trước khi Ngài hành động.
Hóa ra đây không phải là
một quỷ, mà là một lũ quỷ đông đảo (c. 9).
Đạo binh quỷ này khẩn
khoản xin Đức Giêsu một ơn,
đó là chỉ đuổi chúng ra
khỏi người này, chứ đừng đuổi ra khỏi vùng này,
vì chúng hy vọng sẽ tìm
được một con mồi khác (c. 10).
Đạo binh thần ô uế xin
được nhập vào đàn heo vốn bị coi là ô uế.
Sự đồng ý của Đức Giêsu
khiến toàn bộ những gì ô uế bị hủy diệt.
Ngài đã thanh tẩy chẳng
những anh bị quỷ ám, mà cả vùng anh ở nữa.
Khi người bị quỷ ám được
tự do, anh ấy trở nên khác xưa.
Anh ngồi đó, ăn mặc hẳn
hoi, trí khôn tỉnh táo (c. 15).
Người dân trong vùng
khiếp sợ nên xin Đức Giêsu đi khỏi đất của họ.
Chỉ có anh vừa được trừ
quỷ là xin ở với Ngài như môn đệ (c. 18).
Nhưng ơn gọi làm môn đệ
phải đến từ Thầy Giêsu.
Ngài khuyên anh nên về
nhà, ở lại vùng đất của mình,
để loan báo mọi điều Chúa
đã làm cho anh và thương xót anh (c. 19).
Anh đã vâng lời và trở
nên người loan báo về Đức Giêsu nơi dân Ngoại.
Đối với anh, Đức Giêsu
chính là Chúa.
Thế giới chúng ta sống
thì văn minh hơn, khoa học hơn, hạnh phúc hơn,
nhưng vẫn không thiếu
cảnh những người sống như bị ám, như bị ma nhập.
Có những người sống trong
cô độc và trở nên nguy hiểm cho tha nhân.
Có những kẻ tự giết mình
từng ngày trước khi tự tử.
Tru tréo và lấy đá rạch
mình không phải là chuyện hiếm (c. 5).
Ăn mặc hẳn hoi và trí
khôn tỉnh táo
là niềm mơ ước của biết
bao gia đình có người thân bị bệnh.
Bệnh tâm thần là căn bệnh
mà ít nhiều chúng ta đều dễ mắc.
Lắm khi con người thấy bó
tay, không tự mình giải thoát mình được.
Xin Chúa Giêsu tiếp tục
trừ quỷ cho chúng ta, cho vùng đất chúng ta sống.
Xin Ngài tiếp tục tẩy trừ
sự ô uế đang thao túng ở lòng con người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng
thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con
thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do
chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi
của thân xác,
tự do trước đam mê của
trái tim,
tự do trước những thành
kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi
hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu
bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự
do như Chúa.
Chúa tự do trước những
ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với
người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những
thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại
nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau,
nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và
nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG GIÊNG
Kỹ Thuật: Đồng Minh Hay Kẻ
Thù?
Kỹ thuật và những máy móc tinh xảo
là những sản phẩm và là công cụ của lao động con người. Chủ thể thật sự của lao
động vẫn là chính con người. Không bao giờ một công cụ lại có thể được nâng lên
hàng chủ thể. Nó không thể được đặt trên người lao động hay người sử dụng nó –
bởi vì nếu làm thế, trật tự của thực tại đã bị đảo lộn. Đó sẽ là điều không may.
Phương tiện và cứu cánh của lao động đã bị xáo trộn!
Kinh nghiệm hiện đại cho thấy rằng
sự áp dụng kỹ thuật – một khi không được hướng dẫn và được soi sáng bởi một trật
tự đạo đức cao hơn – có thể trở thành một kẻ thù thay vì là một đồng minh của
con người. Một ví dụ của điều này đó là khi sự tự động hóa trong công nghiệp hất
cẳng con người, tước đi chỗ làm của nhiều người lao động. Một ví dụ khác: những
trường hợp máy móc được đề cao và con người bị hạ xuống chỉ còn là một cái gì
đó phục vụ cho máy móc (Laborem exercens 5).
Chúng ta được mời gọi làm chủ
trái đất và làm chủ những sự thay đổi – chứ không phải phó mặc cho nó thống trị
mình. Chỉ có thể làm chủ được như vậy nếu chúng ta vượt qua được sự đứt đoạn giữa
đạo đức và kinh tế – chính sự đứt đoạn này đã làm cho những thành tựu ngoạn mục
của thời hiện đại không thể phục vụ hoàn toàn cho thiện ích của con người.
- suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
30 Tháng Giêng
Tình Yêu Là Sức Mạnh Vạn Năng
Ngày 30 Tháng Giêng cách đây
đúng 40 năm, Mahatma Gandhi, người cha già của dân tộc Aán Ðộ đã vĩnh viễn ngã
gục sau mấy nhát gươm của một thanh niên Aán Giáo quá khích.
Hôm đó, như thường lệ, Gandhi
được hai người cháu dìu đi cầu nguyện. Cả một đám đông đang đi theo đằng sau
Ngài. Bỗng nhiên, một thanh niên từ trong đám đông sấn tới đâm bổ vào Người của
vị cha già dân tộc. Ba nhát gươm đâm xới xả vào một thân thể khô gầy vì không
biết bao nhiêu hy sinh cho đất nước.
Thinh lặng bao chùm lấy đám
đông. Người ta chỉ còn nghe được hai tiếng từ miệng của vị thánh "Rama,
Rama" nghĩa là "Chúa ơi, Chúa ơi". Với một cố gắng cuối cùng,
Ngài giơ hai tay lên, đan lại trong một cử chỉ cầu nguyện và tha thứ, rồi ngã gục.
Người thanh niên Aán Giáo quá
khích đã sát hại Gandhi vì anh không thể chấp nhận ssược sự kiện Gandhi bày tỏ
lòng quảng đại yêu thương ngay cả với những người Hồi Giáo.
400 triệu người Aán Ðộ đã
than khóc và để tang cho vị cha già của dân tộc. Không khí buồn thảm cũng bao
trùm khắp thế giới. Mọi người đều cảm nhận rằng ngày hôm đó trái đất trở nên cằn
cỗi, nghèo nàn hơn, bởi vì đã mất đi một người con vĩ đại, một người con đã
lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc mà không cần dùng đến khí giới
của bạo động và hận thù. Chính Ngài đã từng nói: Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn
nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có.
Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn
nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay.
Chiến tranh và không biết bao
nhiêu vấn đề mà thế giới ngày nay đang phải giải quyết, dường như thế giới chỉ
muốn giải quyết bằng bạo động, bằng vũ khí giết người. Sức mạnh vạn năng mà thế
giới đang có trong tay là tình yêu, chỉ có một số ít người đang dùng đến.
Mục sư Luther King, người da
đen, đang sử dụng khí giới của tình yêu. Oâng đã ngã gục, nhưng hàng triệu người
da đen được đứng lên làm người như người da trắng. Giám mục Desmond Tutu, người
Nam Phi da đen cũng đang đi theo vết chân của Gandhi và Luther King. Mẹ Têrêxa
thành Calcutta cũng đang dùng khí giới của tình thương để cho những người không
nhà không cửa, những người hấp hối đầu đường xó chợ được sống và chết như những
con người.
Tất cả những mẫu gương trên đây
chỉ là những phản ánh của một tình yêu trọn vẹn hơn, đó là tình yêu của Ðấng đã
chịu chết cho người mình yêu. Chính Ngài đã nói: Khi nào Ta chịu treo lên khỏi
đất, Ta sẽ kéo tất cả mọi người về với Ta.
Người Kitô chúng ta đang ở trong
sức kéo ấy. Ngài đã cho chúng ta được sát nhập vào thân thể của Ngài và truyền
cho chúng ta chính sức sống của Ngài. Người Kitô chỉ có thể là người Kitô khi họ
sống bằng chính Sức Sống và Tình Yêu của Ngài.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét