Dù giận Thiên Chúa nhưng vẫn cầu nguyện
Làm theo ý muốn của Thiên Chúa không có nghĩa là chúng ta
không càm ràm hoặc giận Ngài, điều quan trọng là chúng ta phải sống thực -
không giả dối, và rồi cuối cùng chúng ta thưa với Chúa: “Này con đây!”. Đức
Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Câu chuyện của lời thân thưa “Này con đây!”
Theo bài đọc trích thư gửi tín hữu Do thái, khi đến thế
gian, Chúa Kitô nói: “Lạy Cha, của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn
thiêu và của lễ đền tội, Ngài không muốn. Thì này con đây, con đến để thi hành
thánh ý Cha”. Lịch sử cứu độ chính là câu chuyện về lời thưa “Này con đây!”.
Sau khi Adam lẩn trốn vì sợ hãi Thiên Chúa, Chúa đã bắt đầu gọi mời và lắng
nghe những lời đáp lại “Này con đây! Con sẵn lòng. Con sẵn sàng.” Những lời ấy
được vang lên trong dòng lịch sử qua lời thưa của Abraham, của Mose, Elia,
Isaia, Gieremia, cho tới lời thưa xin vâng tuyệt hảo của Mẹ Maria, và chóp đỉnh
là lời thưa xin vâng của chính Chúa Giêsu. Lịch sử của lời thưa “Này con đây!”
không phải theo kiểu tự động, bởi vì Thiên Chúa ngỏ lời với những ai Ngài mời gọi.
Thiên Chúa luôn luôn trong cuộc đối thoại với những ai mà
Ngài ngỏ lời trên con đường này, con đường của tiếng thưa “Này con đây!”. Thiên
Chúa hết sức kiên nhẫn. Khi đọc sách ông Gióp, chúng ta thấy tất cả những lời
than vãn, những điều không hiểu, những phản ứng, và Chúa đã nói với ông, Chúa sửa
đổi tâm hồn ông… và cuối cùng, ông thú nhận: “Vâng. Lạy Chúa, Chúa thật phải lẽ.
Lâu nay con chỉ biết Chúa dựa vào những tiếng đồn thổi. Giờ đây mắt con đã nhìn
thấy Ngài”. Đó là lời thưa xin vâng, và đời sống Kitô hữu là thế, là thân thưa:
Này con đây, con đến để thực thi ý Chúa. Hết lần này đến lần khác… Thật là tuyệt
khi đọc Kinh Thánh, vì ở đó chúng ta tìm thấy những lời thân thưa của dân đối với
Chúa, đó là những câu trả lời và điều ấy quá đẹp: “Này con đây, con đến để làm
theo ý Ngài”.
Đừng bao giờ sống giả vờ trước Thiên Chúa
Làm thế nào để tôi có thể thưa lên lời xin vâng “Này con
đây!” đối với Thiên Chúa? Có lẽ tôi giống như Adam, tức là chạy trốn, ẩn núp và
không đáp lại. Hoặc là khi Chúa gọi tôi, thay vì thưa lên “Này con đây!” thì
tôi lại nói “Chúa muốn gì ở con chứ?”. Hoặc là tôi trốn chạy giống như Giona,
ông không muốn làm điều Chúa nói với ông. Hoặc là tôi chỉ giả bộ làm theo ý
Chúa, tức là chỉ sống kiểu bề ngoài thôi, giống như các kinh sư và luật sĩ, và
Chúa Giêsu đã mắng cho những người như thế là kẻ đạo đức giả. Hoặc là chúng ta
sống kiểu “”chọn đường khác mà đi” giống như các thầy Levi và thầy tư tế trong
câu chuyện người Samari nhân hậu. Vì thầy Levi và thầy tư tế trong câu chuyện ấy
đã bỏ mặc nạn nhân nửa sống nửa chết trên đường, và tránh qua một bên mà đi.
Chúng ta đáp lại Thiên Chúa trong cách thức nào?
Dù giận Thiên Chúa thì hãy cứ cầu nguyện
Thiên Chúa thích nói chuyện với chúng ta. Một số người nói với
tôi rằng: “Nhưng thưa Cha, nhiều lần khi con đi cầu nguyện, con tức giận với
Chúa…” Tôi đáp lại: Đúng thế, nhưng hãy cứ tiếp tục cầu nguyện! Thiên Chúa
thích những điều ấy, ngay cả khi bạn giận Ngài, và Ngài sẽ nói về những gì mà bạn
đang cảm nhận, được diễn tả trên gương mặt bạn. Ngài yêu mến bạn bởi vì Ngài là
Người Cha. Còn bạn, bạn sẽ thân thưa “Này con đây!” Hay là bạn ẩn núp? Hoặc là
chạy trốn? Hoặc là sống giả vờ? Hoặc là chọn con đường khác? Mỗi người chúng ta
có thể tự đưa ra câu trả lời. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thương ban ân sủng để
chúng ta tìm thấy lời đáp của chính mình.
Tứ Quyết SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét