MỪNG XUÂN ĐINH DẬU
2017
NHỮNG NĂM DẬU TRONG
LỊCH SỬ GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM (*)
Theo Khâm định
Việt sử thông giám cương mục, bộ sách sử do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn
thảo vào khoảng năm 1856–1884, sự xuất hiện của một nhà truyền giáo phương Tây
đến Việt Nam được ghi nhận trong quyển thứ 33 [1] như sau: “Theo sách
Dã Lục [2], thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê
Trang Tông, người Tây Dương tên là I-nê-khu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần
Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy [3], ngấm ngầm
truyền giáo về tả đạo Gia tô”.
Như vậy, nếu lấy sự kiện
được ghi trong sử sách nêu trên, đến nay Tin Mừng được rao giảng trên đất nước
Việt Nam đã được 584 năm (1533–2017). Trong hơn năm thế kỷ đó, có 40 năm Dậu.
Nhân dịp Xuân về, đón
năm mới Đinh Dậu, nhìn lại những sự kiện trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại
Việt Nam diễn ra trong các năm Dậu, vừa như một cách chào năm Đinh Dậu 2017,
vừa để “ôn cố tri tân”.
***
THẾ KỶ 16
Ất Dậu 1585
Hai linh mục Luis de
Fonseca, O.P. (Bồ Đào Nha) và Grégoire de la Motte, O.P. (Pháp) từ Malacca tới
Việt Nam năm 1580, giảng đạo tại Quảng Nam thời Chúa Nguyễn Hoàng suốt 6 năm (1580–1586).
Năm 1585 (Ất Dậu), cha Fonseca bị binh lính của chúa Nguyễn Hoàng sát hại lúc
ngài đang dâng thánh lễ. Năm sau (1586), cha Grégoire de la Motte cũng bị sát
hại.
THẾ KỶ 17
Ất Dậu 1645
– Cha Alexandre de
Rhodes (Ðắc Lộ) bị chúa Nguyễn (lúc đó là chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) trục
xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam. Ngày 3.7.1645 cha Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ)
rời Đàng Trong đi Macau. Đến nơi, cha bắt tay viết Tường trình về Đàng
Trong và được ấn hành tại Paris năm 1652. Sách dày 135 trang. Đây là
bản phúc trình hoạt động của cha Đắc Lộ ở Đàng Trong trong các năm 1644– 1645.
Trong sách, ngài kể lại cuộc bách hại đạo năm 1644 và cuộc tử đạo của thày
giảng Anrê Phú Yên.
– Tháng 12/1645, cha Đắc
Lộ từ Macau đi Roma. Đến nơi, ngài phúc trình cho Tòa Thánh về những tiến triển
mau chóng trong việc truyền giáo tại Việt Nam, nhất là xin Tòa Thánh gửi một số
giám mục đến cánh đồng phì nhiêu này để củng cố nền móng Giáo Hội. Cha mang
theo thủ cấp của thầy giảng Anrê Phú Yên (chịu tử đạo năm 1644 và được giáo
hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước vào ngày 5 tháng 3 năm 2000) về cất giữ
tại trụ sở trung ương dòng Tên ở Roma.
Quý Dậu 1693
Ngày 1.7.1693, Đức cha
Deydier (Hội Thừa sai Paris), đại diện Tông tòa Đông Đàng Ngoài (nay là giáo
phận Hải Phòng), qua đời. Sau đó, vào năm 1696, Tòa Thánh đặt các giám mục xuất
thân từ dòng Đa Minh đảm nhiệm đại diện Tông tòa, bắt đầu từ Đức cha Raimondo
Lezzoli, O.P.
THẾ KỶ 18
Ất Dậu 1765
– Dòng Thánh Augustinô
kết thúc hoạt động truyền giáo tại VN, sau hơn 60 năm (1701–1765), với 15 vị
thừa sai – trong đó có giám mục Ilario Costa di Gesu (1735–1754), 6 linh mục
Việt Nam và 2 linh mục khác (người Bồ Đào Nha), hoạt động tại khu vực Cửa Hàn
(Đà Nẵng), làm tuyên úy cho cộng đoàn nhỏ bé người Bồ Ðào Nha phần nhiều là
những thương gia đi qua đi lại, hoặc trú ngụ tại đó từ trước năm 1596.
– Năm Ất Dậu 1765, chúa
Trịnh Doanh (1740–1767) ra sắc chỉ cấm đạo (trước đó, năm Giáp Tuất 1754, viên
chúa Trịnh này đã có sắc chỉ cấm đạo).
– Năm sinh của thánh Đa
Minh Xuân (Dominicus Henarès), giám mục, tử đạo. Ngài sinh năm 1765 tại Baena,
Cordova, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh. Ngài là giám mục phụ tá Đại diện Tông tòa
Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 25.6.1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng,
được Ðức Lêô XIII phong chân phước ngày 27.5.1900, và Đức Gioan Phaolô II tôn
phong hiển thánh ngày 19.6.1988.
THẾ KỶ 19
Ất Dậu 1825
Vua Minh Mạng truyền cho
quan Biện hiệp ra chỉ dụ riêng cho quan trấn Quảng Nam về việc phải tăng cường
ngăn chặn việc truyền bá đạo Công giáo. Nội dung chỉ dụ:
“Quan Biện Hiệp vâng
lệnh hoàng thượng truyền rằng: Tà đạo của người Âu châu làm hư hỏng lòng người.
Từ lâu các thuyền Âu châu khi đến buôn bán đã để lại nhiều thừa sai trong nước.
Những đạo trưởng này dụ dỗ và làm hư hỏng nhân dân, đồng thời sửa đổi và phá đổ
các tập tục tốt lành trong nước. Như thế không phải là một cái họa cho chúng ta
sao? Chính vì thế, chúng ta cần phải chống lại tệ nạn này để dẫn đưa nhân dân
trở về chính đạo. Vì lẽ đó, chúng tôi, các quan hằng tuân giữ các lệnh truyền
của hoàng thượng, gửi cho quan trấn thủ Quảng Nam chỉ dụ của vua để khi có tàu
Pháp đến thì phải chú tâm xem xét cẩn thận. Hơn nữa, cũng phải canh chừng cẩn
thận các quan ải trên núi, dưới đất hay cửa biển hầu ngăn chặn bất cứ đạo
trưởng Âu châu nào lén lút xâm nhập để họ không thể trà trộn trong dân chúng và
gieo rắc tà đạo trong đất nước. Các đạo trưởng này kế tiếp nhau không gián đoạn
và coi đó như là một việc thông thường. Minh Mệnh năm thứ sáu, ngày 1, tuần
trăng thứ nhất (12.2.1825)”.
Đinh Dậu 1837
Thánh Gioan Tân (Jean
Charles Cornay), sinh năm 1809 tại Loudun, Poitiers, Pháp, linh mục thuộc Hội
Thừa sai Paris, địa phận tông tòa Tây Ðàng Ngoài, bị xử lăng trì ngày 20.9.1837
(đời vua Minh Mạng) tại Sơn Tây.
Ất Dậu 1885
Đức Mẹ hiện ra che chở
các tín hữu Trà Kiệu trong hai ngày 10–11.9.1885 (Ất Dậu) giữa
cơn nguy biến diễn do Văn Thân gây ra. Về biến cố này, trang tin điện tử của
giáo phận Đà Nẵng viết:
“Trà Kiệu có một bề dày
lịch sử cả đạo lẫn đời. Về lịch sử dân sự, Trà Kiệu nguyên là kinh đô Simhapura
(Sư Tử Thành) của Vương quốc Champa vào cuối thế kỷ II sau Công nguyên. Nhiều
hiện vật khảo cổ cũng đã được phát hiện dưới lòng đất trong khu vực này; mà
hiện nay, một số tượng đá thời vương quốc Champa đã được thu tập và hình thành
một “bảo tàng Chămpa” nho nhỏ tại Nhà xứ Trà Kiệu, do công của Cha Antôn Nguyễn
Trường Thăng (Quản xứ Trà Kiệu từ 1975–1989).
Về lịch sử giáo hội Công
Giáo, Trà Kiệu và cộng đoàn Dân Chúa Trà Kiệu được biết đến như là “chứng nhân
đức tin” trong thời kỳ bách hại, với những cuộc tấn công không ngừng nghỉ của
lực lượng “Văn Thân” nhằm triệt phá xứ đạo này. Cũng chính trong bối cảnh bị bách
hại đó, Trà Kiệu đã được biết đến vì được “ơn lạ” của Thiên Chúa: Đức
Mẹ đã hiện ra để che chở và giải thoát đoàn con cái Chúa đang trong cơn nguy
biến (ngày 10–11.9.1885). Và cũng từ biến cố này, một ngôi đền được dựng
nên trên ngọn đồi Bửu Châu (cách nhà thờ Xứ Trà Kiệu khoảng 500 m) để kính nhớ
và dâng tiến Đức Trinh Nữ Maria với tước hiệu “Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Năm
1958, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, đương nhiệm giám mục Quy Nhơn, đã chọn
Trà Kiệu làm Trung tâm Thánh Mẫu của giáo phận Quy Nhơn và đã tổ chức Đại hội
Thánh Mẫu đầu tiên tại Trà Kiệu từ ngày 31.1.1959 đến ngày 2.2.1959.
Bốn năm sau (18.1.1963),
khi tân giáo phận Đà Nẵng được thành lập, tách khỏi giáo phận Mẹ Quy Nhơn, Trà
Kiệu đã trở thành Trung tâm Thánh Mẫu của tân giáo phận. Đại hội Thánh Mẫu lần
II được tổ chức từ ngày 29/5–31.5.1971 cũng do Đức cha Phêrô–Maria Phạm Ngọc
Chi, lúc này là giám mục Chính tòa giáo phận Đà Nẵng. Từ đó, hằng năm vào ngày
Lễ Đức Mẹ Đi Viếng 31.5, như một thông lệ, giáo dân từ các nơi tìm đến với Mẹ
Trà Kiệu. Đại hội Thánh Mẫu Trà Kiệu lần III chính thức được tổ chức nhân dịp
kỷ niệm 110 năm Đức Mẹ hiện ra vào chính ngày 31/5 với khoảng 35.000 khách hành
hương tham dự. Kể cả trong thời kỳ khó khăn, vẫn có những kỳ Đại Hội tiếp theo:
lần IV (năm 1997), lần V (năm Thánh 2000) và hằng năm vẫn được tổ chức với
lượng người tham dự mỗi năm một thêm đông. Mỗi kỳ đại hội, ngoài cuộc kiệu rước
trọng thể cung nghinh Mẹ Trà Kiệu từ nhà thờ xứ xuống nhà thờ Núi, những buổi
diễn nguyện tôn vinh Đức Mẹ và Thánh Lễ đại trào; cộng đoàn dân Chúa và khách
hành hương lại có dịp sống gần Mẹ và sống gần nhau trong tâm tình tạ ơn, khẩn
nguyện và quyết sống trọn vẹn đời sống chứng tá đức tin, như các bậc tiền nhân
anh dũng. Hiện nay, ngoài dịp đại hội hằng năm (bắt đầu từ chiều 30/5 và kết
thúc vào chiều 31/5), mọi ngày trong năm đều có khách hành hương từ mọi nơi đến
viếng Mẹ, đặc biệt từ đầu tháng 5 đến hết tháng 8 dương lịch”.
Tân Dậu 1861
Diễn ra 9 cuộc tử đạo
(đời vua Tự Ðức) của các thánh:
–
Thánh giám mục Gioan Ven (Jean Théophane Vénard), sinh năm 1829 tại St.
Loup-sur-Thouet, Poitiers, Pháp, thuộc Hội Thừa sai Paris, đại diện Tông tòa
Tây Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 2.2.1861 tại Ô Cầu Giấy (Hà Nội).
–
Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu, sinh năm 1812 tại Gò Vấp, Gia Ðịnh, linh mục địa
phận Tông tòa Tây Đàng Trong, bị xử trảm ngày 7.4.1861 tại Mỹ Tho.
–
Thánh Giuse Tuân, sinh năm 1821 tại Trần Xá, Hưng Yên, linh mục dòng Ða Minh,
bị xử trảm ngày 30.4.1861 tại Hưng Yên.
–
Thánh Gioan Ðoàn Trịnh Hoan, sinh năm 1798 tại Kim Long, Thừa Thiên, linh mục,
bị xử trảm ngày 26.5.1861 tại Ðồng Hới (Quảng Bình).
–
Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng (Ðắc), sinh năm 1808 tại Kẻ Lái, Quảng Bình,
trùm họ, bị xử trảm ngày 26.5.1861 tại Ðồng Hới (Quảng Bình).
–
Thánh Phêrô Bình (Petrus Almato), sinh năm 1830 tại San Feliz Saserra, Tây Ban
Nha, linh mục dòng Ða Minh, phục vụ tại địa phận Tông tòa Ðông Ðàng Ngoài, bị
xử trảm ngày 1.11.1861 tại Hải Dương.
–
Thánh giám mục Vinh (Berrio Ochoa), sinh năm 1827 tại Elorrio (Vizcaya), Tây
Ban Nha, dòng Ða Minh, đại diện Tông tòa Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày
1.11.1861 tại Hải Dương.
–
Thánh giám mục Thể (Etienne Théodore Cuénot), sinh năm 1802 tại Belieu,
Besançon, Pháp, thuộc Hội Thừa Sai Paris, đại diện Tông tòa Ðông Ðàng Trong,
chết rũ tù ngày 14.11.1861 tại Bình Ðịnh.
–
Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang, sinh năm 1832 tại Trà Vi, Nam Ðịnh, thầy giảng
dòng ba Ða Minh, bị xử trảm ngày 6.12.1861 tại Hải Dương.
THẾ KỶ 20
Kỷ Dậu 1909
– Ngày 11.4.1909, Ðức
giáo hoàng Piô X phong chân phước cho 15 vị Tử đạo Việt Nam (xếp theo năm tử
đạo):
* Dưới đời vua Thiệu
Trị:
+ Inê Lê Thị Thành (Ðê),
sinh năm 1781 tại Bái Ðền, Thanh Hóa, giáo dân, chết rũ tù ngày 12.7.1841 tại
Nam Ðịnh.
+ Phêrô Phạm Khanh, sinh
năm 1780 tại Hòa Duệ, Nghệ An, linh mục, bị xử trảm ngày 12.7.1842 tại Hà Tĩnh.
* Dưới đời vua Tự Đức:
+ Giuse Nguyễn Văn Lựu,
sinh năm 1790 tại Cái Nhum, Vĩnh Long, trùm họ, chết rũ tù ngày 2.5.1854 tại
Vĩnh Long.
+ Anrê Nguyễn Kim Thông
(Năm Thuông), sinh năm 1790 tại Gò Thị, Bình Ðịnh, Thầy giảng, chết rũ tù ngày
15.7.1855 tại Mỹ Tho.
+ Lôrensô Nguyễn Văn
Hưởng, sinh năm 1802 tại Kẻ Sài, Hà Nội, linh mục, bị xử trảm ngày 13.2.1856
tại Ninh Bình.
+ Phaolô Lê Bảo Tịnh,
sinh năm 1793 tại Trịnh Hà, Thanh Hóa, linh mục, bị xử trảm ngày 6.4.1857 tại
Bảy Mẫu (Nam Định).
+ Micae Hồ Ðình Hy, sinh
năm 1808 tại Như Lâm, Thừa Thiên, giáo dân, Quan Thái Bộc, bị xử trảm ngày
22.5.1857 tại An Hòa (Huế).
+ Phanxicô Trần Văn
Trung, sinh năm 1825 tại Phan Xã, Quảng Trị, giáo dân, Cai đội, bị xử trảm ngày
6.10.1858 tại An Hòa (Huế).
+ Phaolô Lê Văn Lộc,
sinh năm 1830 tại An Nhơn, Gia Ðịnh, linh mục, bị xử trảm ngày 13.2.1859 tại
Gia Ðịnh.
+ Emmanuel Lê Văn Phụng,
sinh năm 1796 tại Ðầu Nước, Cù Lao Giêng, giáo dân, trùm họ, bị xử trảm ngày
31.7.1859 tại Châu Ðốc (An Giang).
+ Phêrô Ðoàn Công Quý,
sinh năm 1826 tại Búng, Gia Ðịnh (nay thuộc Bình Dương), linh mục, bị xử trảm
ngày 31.7.1859 tại Châu Ðốc (An Giang).
+ Phêrô Bắc (Pierre
Franҫois Neron), sinh năm 1818 tại Bornay, Saint–Claude, Pháp, Hội Thừa sai
Paris, linh mục địa phận tông tòa Tây Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 3.11.1860 tại
Sơn Tây.
+ Matthêu Nguyễn Văn
Phượng (Ðắc), sinh năm 1808 tại Kẻ Lái, Quảng Bình, trùm họ, bị xử trảm ngày
26.5.1861 tại Ðồng Hới (Quảng Bình).
+ Ðức cha Thể (Etienne
Théodore Cuénot), sinh năm 1802 tại Belieu, Besançon, Pháp, giám mục Hội Thừa
Sai Paris, địa phận tông tòa Ðông Ðàng Trong, chết rũ tù ngày 14.11.1861 tại
Bình Ðịnh.
+ Giuse Nguyễn Duy
Khang, sinh năm 1832 tại Trà Vi, Nam Ðịnh, Thầy giảng dòng ba Ða Minh, bị xử
trảm ngày 6.12.1861 tại Hải Dương.
– Ngày 12.6.1909, ba
linh mục của giáo phận Vinh bị chính quyền thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo vì
tham gia chống Pháp: Đậu Quang Lĩnh, thư ký Toà giám mục; Nguyễn Thần Đồng,
chính xứ Chính toà Vinh; Nguyễn Văn Tường, quản lý Nhà chung Xã Đoài.
Quý Dậu 1933
– Ngày 10.1.1933, Đức
giáo hoàng Piô XI bổ nhiệm linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (Địa phận
tông tòa Sài Gòn) làm giám mục phó đại diện Tông tòa Phát Diệm, và ngày
11.6.1933, đã diễn ra lễ tấn phong giám mục tại Ðền thánh Phêrô, do Ðức giáo
hoàng Piô XI chủ phong.
– Đức cha Nguyễn Bá Tòng
trở thành vị giám mục Việt Nam tiên khởi, sau đúng 400 năm Tin Mừng được rao
giảng tại Việt Nam (1533–1933).
Ất Dậu 1945
– Ngày 14.6.1945, Tòa
Thánh bổ nhiệm linh mục Anselmô Lê Hữu Từ, bề trên Ðan viện Xitô Phước Sơn
(Nho Quan), làm giám mục đại diện Tông tòa Phát Diệm. Ngài là vị giám mục thứ
năm người Việt Nam, sau bốn vị trước đó: Đức cha G.B. Nguyễn Bá Tòng (1933),
Đức cha Đa Minh Maria Hồ Ngọc Cẩn (1935), Đức cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục
(1938), Đức cha Gioan Maria Phan Đình Phùng (1940).
– Ngày 29.10.1945, ngài
được Đức cha G.B. Nguyễn Bá Tòng (chủ phong) và Đức cha Đa Minh Maria Hồ Ngọc
Cẩn (phụ phong) tấn phong giám mục tại Phát Diệm.
Đinh Dậu 1957
– Sau 169 năm rời khỏi
Việt Nam (1788–1957), năm 1957, các tu sĩ Dòng Tên được Giáo hội Việt Nam mời
trở lại. Ngày 13.9.1958, Dòng Tên nhận trách nhiệm điều khiển Giáo hoàng Học
viện Thánh Piô X tại Ðà Lạt, đồng thời khuếch trương nhiều hoạt động khác nhau
trong các lãnh vực văn hóa xã hội.
– Ngày 5.7.1957, Đức
giáo hoàng Piô XII thiết lập giáo phận Tông tòa Nha Trang, và đặt Đức cha Paul
Raymond– Marie–Marcel Piquet, thuộc Hội Thừa sai Paris, làm đại diện Tông tòa
tiên khởi. Giáo phận mới được tách từ giáo phận Tông tòa Quy Nhơn (gồm hai tỉnh
Khánh Hòa và Ninh Thuận) và từ giáo phận Tông tòa Sài Gòn (gồm hai tỉnh Bình
Thuận và Bình Tuy).
Kỷ Dậu 1969
Dòng Phanxicô Việt Nam
được nâng lên hàng Tỉnh dòng, sau 40 năm được thành lập tại Việt Nam
(1929–1969).
Tân Dậu 1981
– Ngày 24.3.1981, Đức
giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang,
chính xứ nhà thờ Chính tòa Hà Nội, làm giám mục phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội.
– Ngày 26.3.1981, Đức
giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm linh mục Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên
giám đốc Tiểu chủng viện Thừa sai Kon Tum, làm giám mục phó giáo phận Kon Tum.
– Ngày 1.5.1981, Hội
đồng Giám mục họp thường niên tại Hà Nội.
– Ngày 19.6.1981 Đức
giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm linh mục Giuse Trinh Chính Trực, chính xứ
nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột, làm giám mục phó giáo phận Ban Mê Thuột.
– Ngày 15.12.1981, Ðức
cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến, giám mục phó giáo phận Phát Diệm từ trần, thọ 81
tuổi.
Quý Dậu 1993
– Ngày 1.2.1993, phái
đoàn Toà Thánh, do Đức ông Claudio Celli dẫn đầu, sang Việt Nam.
– Ngày 22.3.1993, Đức
giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm linh mục Gioan B. Phạm Minh Mẫn, giám đốc
Đại chủng viện Thánh Quý (Cần Thơ), làm giám mục phó giáo phận Mỹ Tho.
– Ngày 18.10.1993, Đại
hội Thường niên HĐGMVN lần đầu tiên họp tại Sài Gòn.
THẾ KỶ 21
Ất Dậu 2005
– Ngày 19.2.2005, Đức
giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm linh mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, chính
xứ Phú Hậu (Huế), làm giám mục phụ tá Tổng giáo phận Huế. Ngài là vị giám mục
Việt Nam cuối cùng được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm, vì gần hai
tháng sau, ngày 2.4.2005, Đức giáo hoàng qua đời.
– Ngày 8.11.2005, Đức
tân giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm linh mục Giuse Võ Đức Minh, chính xứ
Chính tòa Đà Lạt, làm giám mục phó giáo phận Nha Trang. Ngài là vị giám mục
Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm dưới thời Đức tân giáo hoàng Bênêđictô XVI
(được bầu làm giáo hoàng ngày 19.4.2005).
––––––––––––––––––––––––
(*) Bài đã đăng trên Bản
tin Hiệp Thông số 98 của Hội đồng Giám mục Việt Nam
[1] Quyển thứ 33 của Khâm
Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Chính Biên,
chép sử “Từ Quý Mão, năm
Cảnh Trị thứ nhất (1633)
đến Ất Mão, Lê Gia Tông,
năm Đức Nguyên thứ hai (1675), gồm 13 năm”.
[2] Sách Dã Lục: sách do
tư nhân, chứ không do sử quan viết (chính biên).
[3] Nam Chân và Giao
Thủy nay thuộc tỉnh Nam Định.
Thành Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét