Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

02-04-2017 ; (phần I) CHÚA NHẬT V MÙA CHAY năm A

02/04/2017
Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm A
(phần I)

Bài Ðọc I: Ed 37, 12-14
"Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: "Hỡi dân Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn dắt các ngươi vào đất Israel. Hỡi dân Ta, các ngươi sẽ biết Ta là Chúa, lúc Ta mở cửa mồ các ngươi, và kéo các ngươi ra khỏi mồ, Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống, Ta sẽ cho các ngươi an cư trên đất các ngươi, và các ngươi biết rằng: Ta là Chúa, chính Ta đã phán và đã thi hành".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-6. 7-8
Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ (c. 7).
Xướng: 1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu; dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. - Ðáp.
2) Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. - Ðáp.
3) Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn con mong đợi Chúa con, hơn người lính gác mong trời rạng đông. - Ðáp.
4) Hơn người lính gác mong hừng đông dậy. Israel đang mong đợi Chúa con: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 8, 8-11
"Thánh Thần của Ðấng làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.
Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 11, 25a và 26
Chúa phán: "Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời".

Phúc Âm: Ga 11, 1-45
"Ta là sự sống lại và là sự sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. (Maria này chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Em trai bà là Ladarô lâm bệnh). Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển".
Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư?" Chúa Giêsu đáp: "Một ngày lại chẳng có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng". Người nói thế, rồi lại bảo họ: "Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khoẻ lại". Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Ladarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: "Ladarô đã chết. Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông". Lúc đó Tôma, cũng có tên là Ðiđimô, nói với đồng bạn: "Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người".
Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách Giêrusalem chừng mười lăm dặm). Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".
Nói xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: "Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em". Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp Người. Những người Do-thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ. Vậy khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân Người và nói: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết". Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: "Ðã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi".
Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Ga 11, 3-7. 17. 20-27. 33b-45
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển".
Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa".
Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".
Người xúc động và hỏi: "Ðã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.
Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi".
Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Từ Tinh Thần Phục Sinh Sang Ðời Sống Phục Sinh
Cả ba bài Kinh Thánh hôm nay đều nói lên sự sống lại; không phải sự sống lại của Chúa mà là của ta, để ta sống lại trong tinh thần, hầu có khả năng tham dự Tuần lễ Phụng vụ lớn nhất trong năm, cử hành từ Chúa nhật tới. Ðó cũng là phương pháp Ðức Kitô đã dùng đối với các môn đệ của Người. Chỉ ít ngày trước khi bước vào tuần lễ Vượt qua, ra đi chịu chết một cách nhục nhã trên Thập giá, Người củng cố đức tin của các môn đệ. Người cho Lazarô sống lại để khi thấy Người nằm xuống, họ vẫn không mất niềm tin ở nơi Người. Thế nên bài Kinh Thánh chủ chốt trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là bản văn Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc. Nhưng hai bài kia cũng rất giàu ý nghĩa.

A. Từ Phục Sinh Thân Xác Ðến Phục Sinh Tâm Hồn
Không ai có thể lầm về bài sách Êzêkiel. Ông là vị Tiên tri bấy giờ đang sống với dân lưu đày ở Babylon. Thoạt đầu Dân cứ tưởng cuộc lưu đày chỉ tạm thời thôi. Chúa phạt Dân một lúc rồi sẽ cứu độ. Người ta chờ được giải phóng từng ngày, từng giờ. Giêrêmia đã cảnh giác người ta: không như vậy đâu, hãy thích nghi với hoàn cảnh mới, hãy xây dựng đời sống trên những cơ sở mới mà thi hành Ý Chúa. Nhưng phải đợi khi Yêrusalem bị tàn phá, Dân mới thôi ảo tưởng... Khốn nỗi, họ lại bước sang một thái cực khác. Chẳng hy vọng có ngày hồi hương nữa, họ đâm chán Chúa và muốn bỏ Người. Êzêkiel bấy giờ được sai đến. Ông rao giảng niềm tin: Chúa sẽ ra tay cứu Dân. Người sẽ đem Dân lưu lạc về. Bài sách của ông chúng ta vừa nghe nằm trong lời giáo huấn đó. Và vì ông có óc tưởng tượng mãnh liệt, ông diễn tả việc Chúa hồi phục dân như việc mở cửa mồ cho người chết sống lại. Thật ra hình ảnh đó cũng không quá đáng. Dân lưu đày bấy giờ cũng như kẻ chết ở trong mồ. Mọi khí phách đều đã tiêu tan và nhất là không còn hy vọng nào chỗi dậy được nữa. Chỉ có Chúa có thể cứu độ. Và đưa Dân ra khỏi cảnh nô lệ sẽ khác nào như làm cho kẻ chết sống lại ra khỏi mồ. Hơn nữa Chúa còn hứa sẽ đặt Thần trí Người vào trong những xác chết kia, để sống lại rồi, ra khỏi nơi lưu đày Dân sẽ sống theo tinh thần của Chúa.
Bài sách Êzêkiel chắc chắn đáng suy nghĩ trong Mùa Chay. Những người tội lỗi nhất vẫn không có gì phải thất vọng. Những gia đình nhiều rủi ro nhất vẫn còn lý do để cậy trông. Hơn nữa chúng ta phải cầu nguyện cho tất cả Giáo hội được niềm tin mãnh liệt vào mầu nhiệm Phục sinh. Mọi vấn đề và khó khăn trong cơ thể của Chúa không phải là không có lối thoát. Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại: đó là lời Êzêkiel còn để lại cho chúng ta. Và thật sự Người đã làm như thế. Người đã đưa dân ra khỏi nơi lưu đày. Người đã ban tinh thần và định mệnh mới cho Dân. Dùng hình ảnh phục sinh thân xác, lời tiên tri khuyên nhủ ta tin vào sức mạnh phục sinh tinh thần. Niềm tin này cần cho mọi thời và cho chúng ta.
Nhưng có phúc hơn Êzêkiel, chúng ta còn có niềm tin vào quyền năng Chúa phục sinh thân xác thật sự để đưa chúng ta vào sự sống đời đời.

B. Từ Sự Sống Lại Ðến Sự Sống Ðời Ðời
Quả thật Ðức Kitô đã không phục sinh thân xác Lazarô để ông sống thêm một số năm tháng ở trần gian; nhưng qua việc làm cho ông sống lại Người muốn ban cho chúng ta sự sống đời đời. Vì thế câu then chốt trong bài Tin Mừng hôm nay là chính lời Chúa phán: "Phục sinh và sự sống chính là Ta! Ai tin vào Ta, thì dẫu chết cũng sẽ sống và mọi kẻ sống mà tin vào Ta, sẽ không phải chết bao giờ. Ngươi có tin thế không?" (c.25). Và để giúp người ta tin như thế, Người đã cho Lazarô sống lại.
Câu truyện này, thánh Yoan đã thuật lại khá dài; và theo một cách thức khác hẳn khi kể chuyện Chúa chữa người mù. Có thể nói trong câu chuyện người mù, phép lạ đi trước để sau đó nói lên sự xung đột giữa ánh sáng và tối tăm, và tối tăm đã không triệt được sự sáng. Còn ở đây, phép lạ lại đến cuối cùng để củng cố và bảo đảm cho niềm tin đã nói trên. Thế nên vai chính ở đây không phải là Lazarô, mà là các môn đệ, chị em Martha và Maria, và nhất là người Dothái. Dĩ nhiên tất cả đều tùy thuộc vào Ðức Kitô.
Người muốn dẫn đưa mọi người vào niềm tin ở nơi Người là sự sống lại và là sự sống. Không phải bây giờ Người mới dạy người ta điều đó. Từ ngày ra đi rao giảng Tin Mừng. Người không ngớt làm cho mọi người tin Người có sự sống đời đời đem đến cho người ta. Nhưng hôm nay, sắp bước vào con đường khổ tử nạn, Người thấy phải khẳng định mạnh mẽ, quyết liệt hơn để củng cố niềm tin của mọi người cũng như để nói lên ý nghĩa của việc Người chấp nhận sự chết.
Người thấy ngay cơ hội đã đến, khi người ta báo tin Lazarô bạn Người lâm bệnh. Vì "vinh quang Thiên Chúa" (c.4), Người còn lưu lại hai ngày nơi đang ở; chứ như vì tình bạn thắm thiết đó là những ngày chẳng sung sướng gì. Ðến khi Người ngỏ ý ra đi, các môn đồ lại muốn cản chân. Người phải nhắc lại cho họ bài học hôm trước. Nào là chúng ta phải lao công vào việc của Ðấng đã sai Ta, bao lâu còn là ngày; nào là việc Lazarô đã chết mà Ta không có mặt ở đó là để Thiên Chúa được hiển vinh, vì để các ngươi tin. Cuối cùng họ đã phải chịu "ra đi để chết với Người".
Họ có lý, vì cuộc lên đường này sẽ dẫn Người đến thập giá. Nhưng Người còn có lý hơn, vì nhìn xa hơn và đã thấy trước mầu nhiệm Phục sinh. Chẳng vậy mà Người lại chọn ngày thứ ba để lên đường, sau hai ngày ở lại đau khổ vì nghĩ đến người bạn đã chết.
Người đã chuẩn bị đức tin của môn đồ để hiểu việc Người sắp làm. Nhưng còn bao nhiêu người khác nữa: nào Martha, nào Maria, nào vô số người Dothái đến chia buồn với họ. Người chọn Martha là chủ nhà để dạy dỗ bà và mọi người khác về niềm tin Người là sự phục sinh và là sự sống. Lazarô đối với Người không quan trọng, mặc dầu Người rất thương ông. Người chẳng hỏi thăm gì về cái chết của ông. Người chỉ quan tâm đến đức tin của những người đang có mặt. Martha lưu ý Người rằng: "Ðã nặng mùi rồi, vì đã được 4 ngày". Người trả lời ngay: Ta đã chẳng nói với ngươi rồi sao? Là nếu ngươi tin, ngươi sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa. Và để khẳng định một lần cuối cùng mục đích và ý nghĩa của việc sắp làm, Người ngước mắt lên mà nói: "Ngõ hầu họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói thế rồi, Người lớn tiếng gọi Lazarô; và ông đã ra khỏi mồ... khiến nhiều người tin vào Người. Nhưng đó chỉ là niềm tin tạm, niềm tin khởi đầu. Phải đợi đến hôm thấy chính mộ của Người đã trống và Ðấng chịu đóng đinh hiện đến trước mắt họ, niềm tin vào Người từ đó mới không lay chuyển. Nhưng để có niềm tin hoàn toàn này, đã phải có niềm tin hôm nay sau khi Lazarô được gọi ra khỏi mồ.

C. Từ Tinh Thần Phục Sinh, Sang Ðời Sống Phục Sinh
Chúng ta ngày nay có niềm tin đầy đủ. Không những chúng ta tin Ðức Yêsu Kitô Chúa chúng ta đã chết và đã sống lại, mà chúng ta còn tuyên xưng thân xác chúng ta sẽ được phục sinh trong ngày sau hết. Hơn nữa chúng ta còn tin rằng khi đã cùng chết với Người trong bí tích Rửa tội, chúng ta đã được Người ban cho sự sống phục sinh và đời đời của Người. Nói cách khác chúng ta đã là những người được phục sinh trong tinh thần chờ ngày được sống lại trong thân xác.
Niềm tin thật rõ ràng và thật chắc chắn. Nhưng có sống động không? Người tín hữu có sống đức tin của mình không? Cứ dấu nào, người tín hữu biết mình đang sống đức tin Con Thiên Chúa đã phục sinh và đã ban ơn phục sinh cho mình? Thánh Phaolô trả lời trong bài Thánh thư: nếu Ðức Kitô ở trong anh em thì tuy thân xác vẫn là đồ chết dở (vì tội), nhưng Thần khí là sự sống (vì đức công chính). Thánh Tông đồ cho chúng ta phương thế để đạt được điều Êzêkiel từng trông chờ. Nhà Tiên tri mong đợi Chúa ban Thần trí cho Dân để họ được phục hồi như kẻ chết được ra khỏi mồ. Chúng ta đã nhận được Thần trí ấy nhờ mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh của Ðức Kitô, vì sau khi Người được vinh hiển thì Thánh Thần đã được đổ xuống chan hòa trên mọi xác phàm. Chúng ta mà để Thần trí ấy hoạt động trong chúng ta thì đời sống chúng ta sẽ không còn những công việc của xác thịt nữa, nhưng mọi hành vi ngôn ngữ đều đã đầy Thánh Thần. Và như thánh Phaolô nói tiếp, nếu Thần khí của Ðấng đã cho Ðức Yêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tái sinh thân xác chết dở của chúng ta. Nghĩa là thân xác chúng ta sẽ được sống lại vinh hiển, nhờ Thần khí của Chúa cư ngụ trong chúng ta.
Do đó chúng ta có thể có sự phục sinh và sự sống đời đời ngay từ bây giờ, nếu chúng ta mang trong mình chính Ðức Kitô phục sinh. Người đang đến ban ơn đó cho chúng ta trong thánh lễ. Người sẽ theo chúng ta vào đời để tác sinh, hầu chúng ta luôn làm những công việc không phải của xác thịt nhưng của Thần khí. Chúng ta sẽ tích cực trong mọi công việc tốt lành, đặc biệt trong mọi công việc đem lại phục hồi cho Dân Nước. Chúng ta sẽ thể hiện lời tiên tri Êzêkiel và tin chắc nhân loại sẽ phục sinh trong ngày sau hết như Lazarô đã sống lại trong bài Tin Mừng. Và được như vậy là vì Ðức Yêsu Kitô đã sống lại và đã ban ơn phục sinh của Người cho chúng ta.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật V Mùa ChayNăm A
Bài đọcEze 37:12-14; Rom 8:8-11; Jn 11:1-45 (11:3-7, 17, 20-27, 33b-45).

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có uy quyền trên cả sự chết lẫn sự sống.
 Ai cũng mong được sống mãi, nhưng ai cũng phải đối diện với cái chết. Chết có phải là hết không? Trong lịch sử, đã có nhiều người cho chết là hết; nhưng đại đa số đều tin linh hồn bất tử vì linh hồn con người không được cấu tạo bằng chất liệu như thân xác. Nhưng những câu hỏi như: linh hồn đi đâu sau khi chết, linh hồn của kẻ lành và kẻ dữ có cùng chung một số phận, con người sẽ làm gì trong cuộc sống đời sau... chỉ tìm thấy câu trả lời thỏa đáng trong đạo Công Giáo.
Các bài học hôm nay chuyển hướng từ bầu khí Mùa Chay để hướng chúng ta tới bầu khí của sự sống lại và sự sống. Trong bài đọc I, trình thuật hôm nay là đoạn kết của “thị kiến ruộng xương khô.” Thiên Chúa có uy quyền tạo dựng và Ngài cũng có uy quyền tái tạo dựng. Ngài truyền cho ngôn sứ Ezekiel tuyên sấm trên các xương khô để chúng tháp nhập lại với nhau, có gân để giữ, có da để bọc; nhưng chưa có hơi thở để sống. Thiên Chúa cho chúng hơi thở và chúng trở thành những con người sống. Trong bài đọc II, thánh Phaolô trong chương 8 của Thư Rôma, so sánh hai lối sống theo xác thịt và theo thần khí. Lối sống làm nô lệ cho xác thịt chỉ đưa con người tới sự hủy diệt; nhưng lối sống theo thần khí sẽ làm cho con người được sống và sống muôn đời. Trong Phúc Âm, thánh Gioan tường thuật Chúa Giêsu làm một phép lạ chưa từng nghe nói tới. Ngài cho Lazarô sau khi đã chết 4 ngày được sống lại. Ngài cũng mặc khải cho con người chiều kích cánh chung hiện tại: “bất cứ ai sống và tin vào Ngài sẽ không bao giờ phải chết.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi.
1.1/ Quan niệm của người Do-thái về Sheol: Danh từ này có nhiều nghĩa: huyệt mộ, vực sâu, nơi tăm tối, nơi ở của người chết... Quan niệm về Sheol của người Do-thái thay đổi theo thời gian. Thoạt đầu, người Do-thái tin Sheol là chỗ ở chung cho tất cả, vì mọi người đều phải chết (Psa 89:47-48). Những người tin Thiên Chúa và giữ cẩn thận Lề Luật sẽ được Ngài chúc lành cho thịnh vượng, con đông, và sống lâu khi còn ở đời này; nhưng một khi từ giã cuộc đời, mọi người đều phải vào Sheol. Khi con người đã vào đó là không bao giờ có cơ hội được sống lại hay trở về nhà (Job 7:9-10). Tuy Sheol là nơi tăm tối, người Do-thái tin Thiên Chúa nhìn thấy Sheol và tất cả những người trong đó (Job 26:6, Psa 139:8). Dần dần, quan niệm này biến đổi và Sheol trở thành nơi ở của những người gian ác và tội lỗi, những người đã quên Thiên Chúa (Psa 9:17). Có lẽ quan niệm này biến đổi cùng lúc với quan niệm của người Do-thái về cuộc sống trường sinh.
Tác giả của một số Thánh Vịnh và Sách Ngôn Sứ ví cuộc sống khổ cực của dân Do-thái trong nơi lưu đày như đang ở trong Sheol, và việc được trở về đất Israel được ví như người được ra khỏi huyệt mộ: “Vì hồn con ngập tràn đau khổ, mạng sống con âm phủ gần kề, thân kể như đã vào phần mộ, ví tựa người kiệt sức còn chi! Con nằm đây giữa bao người chết, như các tử thi vùi trong mồ mả đã bị Chúa quên đi, và không được tay Ngài săn sóc” (Psa 88:4-6).
1.2/ Chỉ có Thiên Chúa mới có uy quyền đưa con người ra khỏi Sheol: Đưa ra khỏi huyệt mộ, vực sâu, hay Sheol được nhắc đến nhiều lần trong Cựu Ước (Psa 30:3, 49:15, 71:20, 86:13, 88:4-6, Lam 3:54ff, Jon 2:3-7). Thiên Chúa có uy quyền giải thoát người ở trong Sheol khi họ kêu cầu Ngài (Psa 116:3-6).
Trình thuật của Ezekiel, ngôn sứ nơi lưu đày, tiếp tục truyền thống này khi Ezekiel tuyên sấm: “Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel.” Trình thuật này nằm trong bối cảnh của “thị kiến cánh đồng xương khô.” Trong chương 37, đã có 2 lần Thiên Chúa bảo Ezekiel tuyên sấm: lần thứ nhất trên xương để chúng nhập vào nhau, lần thứ hai trên gió để chúng cung cấp hơi thở và làm cho các thân xác được sống lại.
Nhưng trong trình thuật ngắn hôm nay, Thiên Chúa nói: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh.” Một người có thể nhận ra ngay tác giả muốn ám chỉ những gì Thiên Chúa đã làm khi tạo dựng con người trong Sách Sáng Thế 2:7. Nhưng đâu là sự khác biệt giữa sự tuyên sấm lần thứ hai của Ezekiel và lần này? Rất khó giải thích, vì trong tiếng Do-thái, họ chỉ có một chữ ruah dùng cho gió, hơi thở, thần khí của một người, và Thánh Thần.
Điều quan trọng là khi nhìn thấy các điều này xảy ra, “bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa.” Khi con người nhìn thấy Thiên Chúa mở huyệt và đưa con người ra khỏi huyệt, họ sẽ nhận ra Ngài là Đức Chúa; vì không một ai có thể làm được điều này. Điều này có thể xem là đã được thực hiện khi Thiên Chúa cho các người Do-thái được hồi hương từ các nơi lưu đày; nhưng đa số các thánh Giáo Phụ cho là Cuộc Phán Xét trong Ngày Tận Thế, khi hồn nhập vào thân xác để chịu phán xét.
2/ Bài đọc II: Lối sống theo Thần Khí và lối sống theo xác thịt

Chương 8 của Thư Rôma phải được đọc chung với chương 6-7. Lý do là vì con người đã được Đức Kitô giải phóng để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi, Lề Luật, và sự chết để sống theo Thần Khí. Nhiều người hiểu lầm thánh Phaolô là ngài quảng bá tư tưởng: con người chỉ cần đặt niềm tin vào Đức Kitô là được cứu độ và không cần làm gì cả. Trong chương 8, thánh Phaolô cắt nghĩa con người được Đức Kitô giải phóng khỏi phải làm nô lệ cho tính xác thịt, để được tự do sống theo Thần Khí.
2.1/ Sống theo tính xác thịt: là sống theo các cảm xúc của con người như sự tham lam của con mắt, sự ham muốn của trái tim, và mọi đam mê dục vọng. Người sống theo tính xác thịt chẳng khác loài cầm thú, vì chúng hành động theo bản năng tự nhiên; nhưng con người không được phép sống như thế, vì ngoài thân xác, Thiên Chúa còn ban cho con người có linh hồn, trí tuệ, và ý chí để điều khiển các quan năng của xác thịt. Thánh Phaolô diễn tả điều này như sau: “Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em.” Thần Khí của Thiên Chúa cũng là Thần Khí của Đức Kitô ngự trong các tín hữu để hướng dẫn và ban sức mạnh để các tín hữu có thể sống theo sự thật, những gì Đức Kitô dạy bảo: “Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa.”
2.2/ Sống theo thần khí của Đức Kitô: Thánh Phaolô liệt kê ba lợi điểm của những người sống theo Thần Khí:
(1) Thần Khí làm cho con người được sống: Sống theo thần khí mới là sống thật, sống theo tính xác thịt là làm nô lệ cho tội lỗi và hậu quả là cái chết.
(2) Thần Khí làm cho con người được trở nên công chính: bằng tin và thực hành những gì Đức Kitô truyền dạy. Lề Luật không có sức mạnh làm cho con người nên công chính.
(3) Thần Khí sẽ làm cho con người sống lại từ cõi chết: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.”
3/ Phúc Âm: “Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ!"

Trình thuật hôm nay, chương 11, được đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu sắp hoàn tất cuộc đời rao giảng trên dương thế của Ngài. Theo cấu trúc của Tin Mừng Gioan, bắt đầu Cuộc Thương Khó là chương 13. Trong chương 11, Ngài cho Lazarô sống lại. Đây là một yếu tố quyết liệt cho cuộc đời rao giảng của Ngài trước khi bắt đầu Cuộc Thương Khó. Ngài muốn cho mọi người thấy rõ nếu Ngài có uy quyền làm cho kẻ chết sống lại, Ngài cũng có thể tự mình sống lại như Ngài đã báo trước cho các môn đệ. Sự chết không có một sức mạnh chi trên Ngài cả. Điều này cũng có tác động mạnh trên khán giả vì họ cũng là những người ham sống và mong muốn được sống đời đời.
Chương 12 là phản ứng của con người trước phép lạ Ngài làm cho Lazarô sống lại, và đó là lý do quyết liệt để những người trong Thượng Hội Đồng của người Do-thái quyết định án tử cho Ngài (Jn 11:53) và cho cả Lazarô (Jn 12:10-11), vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu. Các người Pharisees đã ghen tị khi thấy ảnh hưởng của Chúa Giêsu trên dân chúng nên họ bảo nhau: “Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!” (Jn 12:19). Chúng ta có thể phân tích trình thuật thành 4 hồi như sau.
3.1/ Chúa Giêsu với các môn đệ: Tại sao khi nghe tin Lazarô đau nặng, Chúa Giêsu không đi Bethany ngay, nhưng còn chờ hai ngày nữa mới đi? Có ý kiến cho rằng Chúa Giêsu muốn Lazarô thực sự chết và bắt đầu có mùi, để người chứng kiến không nghi ngờ về quyền năng làm cho sống lại của Ngài. Có ý kiến cho rằng Chúa Giêsu không muốn làm vì ảnh hưởng của người khác, như khi Đức Mẹ yêu cầu tại tiệc cưới Cana (Jn 2:1-11) hay khi các anh em Ngài thúc giục Ngài đi Jerusalem (Jn 7:1-10). Chúa Giêsu muốn Ngài làm khi nào Ngài muốn. Cả hai ý kiến đều có thể xảy ra.
Trong Gioan không có 3 lần tường thuật phản ứng của các môn đệ khi Chúa Giêsu báo trước cho các ông về những gì sắp xảy ra cho Ngài tại Jerusalem như trong Tin Mừng Nhất Lãm. Đây là lần duy nhất các môn đệ ngăn cản Chúa Giêsu trong Gioan khi Chúa Giêsu muốn trở lại miền Judah: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?"
Ban ngày của người Do-thái có 12 giờ, được tính từ lúc bình minh (6 AM) tới hoàng hôn (6 PM), ban đêm được chia thành canh, và là giờ nghỉ ngơi, chứ không phải để làm việc. Lý do là họ không có đèn điện như chúng ta ngày nay. Có nhiều sự thật chứa đựng trong câu nói kế tiếp của Chúa Giêsu với các môn đệ: "Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!" Thứ nhất, cuộc đời con người đã được ấn định bởi Thiên Chúa. Nếu con người muốn làm gì thì hãy làm đi kẻo trễ; khi Chúa muốn gọi con người về, con người không thể xin hoãn để hoàn tất điều muốn làm. Câu này cũng tương tự như câu Chúa nói với các môn đệ tuần trước (Jn 9:4). Thứ hai, con người có đủ giờ để làm việc mà không cần phải vội vã. Đừng bao giờ để nước đến chân mới nhảy. Sau cùng, con người phải biết lợi dụng thời giờ để sinh ích cho mình và cho tha nhân. Đừng lười biếng hay phung phí thời giờ.
Chúa Giêsu có thói quen dùng chữ có hai ý nghĩa trong Gioan; ví dụ: sinh bởi ơn trên hay sinh một lần nữa (Jn 3:3-8); nước uống hay nước hằng sống (Jn 4:10-15); và trong trình thuật hôm nay: koimasthai vừa có nghĩa “ngủ” vừa có nghĩa “chết, ngủ muôn đời.” Các môn đệ hiểu theo nghĩa thứ nhất, nên họ nói với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại." Bấy giờ Người mới nói rõ: "Lazarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy." Ông Thomas, gọi là Didymus, nói với các bạn đồng môn: "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!"
3.2/ Chúa Giêsu với Martha: Trong Tin Mừng Nhất Lãm cũng như trong Gioan, Martha biểu lộ tâm tính của một người luôn nhanh nhẩu hoạt động; trong khi Maria là người luôn thâm trầm hướng về đời sống nội tâm. Nghe tin Chúa Giêsu đến, cô nhanh nhẩu chạy ra đón Ngài và nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." Martha tin Chúa Giêsu có uy quyền chữa bệnh. Còn việc Chúa Giêsu làm cho người chết sống lại, có lẽ cô chưa bao giờ nghĩ tới.
(1) Cánh chung đời sau: Người Do-thái sống thời Chúa Giêsu đã có niềm tin vào sự sống đời sau. Điều này được biểu tỏ trong Sách Daniel và II Maccabees. Vì thế, khi Chúa Giêsu nói: "Em chị sẽ sống lại!" Martha nghĩ Chúa Giêsu nói về cánh chung đời sau, nên thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết."
(2) Cánh chung hiện tại: Chúa Giêsu cắt nghĩa: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?" Theo Chúa Giêsu, con người không cần phải đợi tới đời sau mới được hưởng sự sống đời đời. Nếu họ tin vào Ngài, họ đã bắt đầu được sống đời đời ngay từ cuộc đời này, cái chết chỉ là một sự thay đổi tạm thời từ đời này sang đời sau, trong khi mối liên hệ của họ với Thiên Chúa không gì có thể thay đổi được. Khi một người không sợ ngay cả cái chết, lúc đó họ mới thực sự sống, và sống tròn đầy.
3.3/ Chúa Giêsu với Maria: Tục lệ của người Do-thái là khóc thương người chết trong vòng từ 7 ngày cho đến một tháng, tùy sự liên hệ và sự thương tiếc. Có lẽ vì không muốn cho quan khách biết việc Chúa Giêsu đến hay đã được dặn bởi Chúa Giêsu, Martha về nhà và nói nhỏ với Maria: "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!" Nghe vậy, cô Maria vội đứng lên và đến với Đức Giêsu. Tuy vậy, những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Maria để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.
(1) Phản ứng của Maria: Giống như chị Martha biểu lộ lòng thương em, khi em Maria vừa thấy Chúa Giêsu, liền phủ phục dưới chân Người và nói: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Khi chứng kiến nỗi khổ đau của Maria và thân hữu của cô, trình thuật kể “Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến” và “Ngài khóc.” Hai động từ Hy-lạp dùng để diễn tả cảm xúc của Chúa Giêsu là embrimasthai và tarassein. Động từ thứ nhất xảy ra 5 lần trong Tân Ước: 3 lần trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mk 1:43, 14:5; Mt 9:30), có nghĩa là “ngăn cấm” một người không cho ai được biết việc gì đã xảy ra cho họ; hai lần trong Gioan (Jn 11:33, 38) được dịch là “bị cảm nhận sâu xa” bởi thần khí, vì điều ngăn cấm đó xảy ra cho chính mình. Động từ thứ hai xảy ra 13 lần trong Tân Ước, hai lần trong Gioan (5:4, 7) có nghĩa “khuấy động;” 4 lần khác (11:33, 12:27, 13:21, 14:1) có nghĩa “bị thử thách.”
Có một số người không tin Thiên Chúa có thể bị khuấy động và thử thách bởi con người (Stoics); nhưng theo tác giả Thư Do-thái, Chúa Giêsu mặc lấy thân xác con người có nghĩa Ngài trở nên giống chúng ta về mọi phương diện chỉ trừ tội lỗi. Ngài đồng cảm với con người, và rất nhiều lần trong Tin Mừng diễn tả Chúa Giêsu “có hay tỏ lòng thương xót” cho con người. Ngài yêu 3 chị em Martha, và Ngài đồng cảm với họ tới nỗi Ngài đã bật khóc khi chứng kiến nỗi đau khổ của họ.
3.4/ Chúa Giêsu với Lazarô: Mộ của người chết bên Do-thái thời Chúa Giêsu không phải là những ngôi mộ riêng biệt, nhưng là những nhà mồ. Tùy vào số người trong gia đình mà nhà mồ được chia thành nhiều ngăn, nó có hình dạng giống như phòng ngủ với giường tầng hai bên và một lối đi chính giữa. Lối vào là một tảng đá có thể khép lại như cửa kéo. Người chết được cuốn khăn chung quanh chân tay, mặt được cuốn riêng, rồi cả thân thể được ướp thuốc thơm và bọc trong một bao vải. Thi thể người chết sẽ được đặt lên giường và để tự nó thối rữa đi, xương cốt còn lại sẽ được thu gọn để lấy chỗ chôn những người khác.
(1) Niềm tin của Martha: Đức Giêsu truyền: "Đem phiến đá này đi." Cô Martha là chị người chết liền nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày." Đức Giêsu bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Martha có thể nghĩ Chúa Giêsu muốn nhìn mặt em mình lần cuối, nhưng mặt đã bị băng kín và đã có mùi rồi. Martha có thể chỉ tin uy quyền của Chúa Giêsu cách giới hạn trong việc chữa bệnh, chị không tin Chúa Giêsu có uy quyền làm cho em chị đã chết 4 ngày được sống lại. Chúa Giêsu nhấn mạnh niềm tin vào Thiên Chúa làm được mọi sự, ngay cả việc làm cho người đã chết được sống lại.
(2) Niềm tin của Chúa Giêsu: Ngài biết Chúa Cha luôn nhận lời Ngài cầu xin dù bất cứ sự gì. Mục đích của việc cho Lazarô sống lại là để khơi mào đức tin của dân chúng đang đứng chung quanh Ngài, chứ không phải để làm vinh danh cá nhân Ngài. Chúa Giêsu muốn dân chúng tin Ngài là Đấng Messiah, được sai đến bởi Chúa Cha. Cầu nguyện xong, Người kêu lớn tiếng: "Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ!" Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi." Chúng ta thử tưởng tượng chính mình được chứng kiến cảnh tượng này và toàn thân sẽ toát lạnh vì sợ hãi. Xưa nay, chưa từng có ai được chứng kiến cảnh người đã chết trong mộ 4 ngày nhờ một lệnh truyền được bước ra khỏi mộ.
(3) Niềm tin của những người Do-thái: Trong số những người Do-thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nếu Ngài không bởi Thiên Chúa mà đến, Ngài sẽ không thể làm được một phép lạ lớn lao như vậy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức Kitô muốn chúng ta sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, để Ngài dẫn chúng ta đến sự thật trọn hảo. Chúng ta đừng sống theo những đam mê của xác thịt.
- Thiên Chúa có quyền trên sự sống và sự chết. Chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng vào Ngài và đừng sợ cái chết, nó chỉ là sự thay đổi tạm thời trước khi chúng ta được sống muôn đời với Ngài.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


02/04/17 CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC – A
                                                          Ga 11,1-45

PHÉP LẠ CHỮA LÀNH HỒN XÁC

“Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.” (Ga 11,4)

Suy niệm: Căn bệnh “thập tử nhất sinh” của anh La-da-rô được Chúa Giê-su coi là dịp để vinh quang Thiên Chúa được biểu lộ. Quả thật, nhiều người đã tôn vinh Thiên Chúa và tin vào Đức Giê-su qua việc Ngài phục sinh anh La-da-rô. Mặt khác, Đức Giê-su chỉ yêu cầu Mát-ta một điều, đó là “tin”. Mát-ta đã tin và tuyên xưng: “Thưa Thầy, con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” Như vậy, phép lạ được Chúa thực hiện là để tôn vinh Thiên Chúa và để củng cố đức tin cho người ta. Đồng thời, phép lạ cũng đòi hỏi thái độ tin của người cầu xin.

Mời Bạn: Khi chữa lành, làm cho La-da-rô sống lại, Đức Giê-su cũng đã chữa lành, phục sinh tâm hồn những người khác, vì nhờ phép lạ, họ đã tin vào Ngài. Chớ gì chúng ta đừng tìm kiếm phép lạ chỉ vì nó lạ và mang lại lợi gì cho phần xác, nhưng hãy tìm kiếm những gì sinh ích lợi cho đức tin và để cho vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện. Ngay cả bệnh tật, khổ đau, nghịch cảnh cũng là những dịp để Thiên Chúa được tôn vinh: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”.

Chia sẻ: Thuật lại một trường hợp bệnh phần xác hay phần hồn của bạn đã trở nên dịp để Thiên Chúa được tôn vinh.

Sống Lời Chúa: Trong mọi hoàn cảnh, bạn lặp lại lời tuyên tín của Mátta: “Con tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chữa lành hồn xác con để con luôn biết tôn vinh và sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày. Amen.

(5 phút Lời Chúa)

THY LÀ S SNG LI (2.4.2017 – Chúa nht 5 Mùa Chay, Năm A)
Thiên Chúa là Thiên Chúa ca s sng, đi này và đi sau. Ngài say mê s sng ca con người. Ước gì chúng ta dám ct đi nhng phiến đá che m đ người chết có th bước ra.


Suy nim:
Bệnh tật và cái chết đeo đẳng lấy đời người.
Bệnh tật làm con người bị tê liệt.
Còn cái chết thì như một nhát dao
cắt đứt tất cả mọi dự tính về cuộc sống.
Ngay cả đối với người tín hữu,
cái chết vẫn là một mầu nhiệm làm họ run rẩy.
Ðức Giêsu trong Vườn Dầu cũng sợ hãi trước cái chết.
Cái chết đưa đến chia ly
nên có nước mắt, tiếc thương, nhung nhớ.
Hai chị em Macta và Maria rất đau buồn
trước cái chết của người em là Ladarô.
Cả hai đều tiếc vì Thầy không có mặt lúc ấy.
Bốn ngày đã trôi qua, đá đã lấp cửa mồ.
Thi hài người chết đã bắt đầu rữa nát.
Chẳng còn chút hy vọng nào...
Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng,
Ðức Giêsu vẫn trở lại Giuđê
để đến thăm gia đình mà Ngài có lòng quý mến.
Ngài biết Ngài sẽ làm gì để tôn vinh Chúa Cha,
và qua đó chính Ngài cũng được tôn vinh.
Dầu vậy, trước nỗi đau của hai chị em,
Ðức Giêsu vẫn thổn thức và xao xuyến.
Ngài bật khóc trên đường đi đến mộ.
Trước ngôi mộ đá, Ngài đã cất tiếng cảm tạ Cha,
vì Cha đã nhận lời Ngài xin
khi cho Ngài quyền làm cho người chết được sống lại.
Làm sao nói hết được niềm vui của ba chị em,
và sự kinh ngạc của những người chứng kiến.
Trong sứ điệp nhân ngày Giới trẻ Thế giới năm 1996,
Ðức Thánh Cha đã yêu cầu các bạn trẻ
“hãy trở nên những ngôn sứ của sự sống và tình yêu,
những ngôn sứ của niềm vui.”
Thế giới văn minh nhưng có nhiều bóng tối sự chết:
chiến tranh, đói kém, phá thai, tự tử, sida,
những vụ ám sát, đặt chất nổ, tai nạn giao thông...
Cái chết thân xác phản ánh một cái chết nguy hiểm hơn,
cái chết của tình yêu ở trong lòng con người.
Cái chết thắng thế khi con người sống buông xuôi,
chán chường và khép kín trong ích kỷ.
Ðức Giêsu là sự sống lại và là sự sống.
Ngài trả lại sự sống cho Ladarô.
Ngài lau khô nước mắt cho Macta và Maria.
Khi gắn bó với Ðức Giêsu, chúng ta cũng có khả năng
thông truyền sự sống và niềm vui cho thế giới.
Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống, đời này và đời sau.
Ngài say mê sự sống của con người.
Ước gì chúng ta dám cất đi những phiến đá che mộ
để người chết có thể bước ra.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG TƯ
Sự Thật Sẽ Giải Phóng Các Ngươi
Đấng đã chết trên Thập Giá từng tuyên bố: “Các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ngươi” (Ga 8,32). Chính đó là lý do thúc đẩy Đức Giêsu tiến tới với thập giá. Nơi Thập Giá, sự thật về tội lỗi con người, về tội lỗi của thế gian được kết đọng lại. Và dù con người có cố gắng phủ nhận sự thật đó mấy đi nữa, dù con người ngày nay có cố gắng xóa bỏ cảm thức tội lỗi khỏi lương tâm mình mấy đi nữa, Thập Giá vẫn luôn luôn làm chứng cho sự thật đó.
“Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài, để những ai tin vào Người thì không phải hư mất, song được sự sống đời đời” (Ga 3,16). Ngôi Lời bị đóng đanh! Chúa Con đã đến thế gian không phải để xét xử thế gian nhưng là để cứu độ thế gian” (Ga 12,47).
Hỡi con người của buổi bình minh thiên niên kỷ mới! Xin đừng lẩn tránh sự phán xét của Thập Giá Chúa Kitô. Thập Giá là sự phán xét cứu độ. Thập Giá là lời trao ban sự sống đời đời. Lời cứu độ này được thốt lên – một lần cho tất cả – giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa không rút lại lời này. Lời này không tan biến.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 02 – 4
Chúa Nhật V Mùa Chay
Ed 37, 12-14; Rm 8, 8-11; Ga 11, 1-45.

LỜI SUY NIỆM: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng. Nghe vậy Đức Giêsu bảo: Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa; qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.”
Qua câu chuyện Chúa Giêsu làm phép lạ cho Ladarô chết chôn bốn ngày sống lại, giúp cho mỗi người chúng ta suy xét về cách cầu nguyện với đức tin của mình. Chúng ta thấy được niềm tin  và sự cầu nguyện của Mácta: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng ban cho Thầy.” Mỗi người trong chúng ta luôn đã có cầu nguyện cho những gì chúng ta đang cần, nhưng rồi trong chờ đợi ơn ban của Chúa chúng ta cũng có khi đã trách móc và còn có khi giận dỗi Ngài. Điều này Đức Thánh Cha Phanxicô có chia sẻ với chúng ta: “Dù giận Thiên Chúa thì hãy cầu nguyện.”
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn biết cầu nguyện cùng Thiên Chúa trong tâm tình của người con đứng trước Cha của mình và xin Chúa ban Chúa Thánh Thần giúp chúng con nhận ra tình thương và ơn ban của Ngài.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 02-04
Thánh PHANXICÔ PAOLA
Ẩn tu - (1416 - 1507)

Phanxicô chào đời tại Paola miền Calabria ngày 27 tháng 5 năm 1416. Cha mẹ Ngài là những người nghèo khổ nhưng rất đạo đức. Lập gia đình đã lâu mà không có con, họ xin thánh Phaxicô khó khăn cần bầu. Họ được nhận lời và khi đưa con trẻ tới bờ giếng rửa tội, họ đã đặt tên cho con trẻ là Phanxicô để tỏ lòng biết ơn.
Người mẹ thánh thiện đã muốn tự mình nuôi dưỡng đứa trẻ và có thể nói, bà đã cho con hấp thụ nền đạo đức cùng với dòng sữa mẹ. Bởi thế ngay từ thuở ấu thơ, Phanxicô đã yêu thích cầu nguyện và hy sinh là hết lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.
Một ngày trời lạnh, bà mẹ thấy con quỳ lần chuỗi ngoài vườn, bà bảo: - Cầu nguyện lâu như vậy sao con không lấy nón mà đội ?
Phanxicô nói mình phải để đầu trần vì : "Việc đó lại không phải để lòng tôn kính Đức Trinh Nữ là Nữ Vương Thiên quốc sao ?"
Một trẻ em đạo đức cũng là một gương mẫu vâng phục. Người ta kể lại rằng: ngày kia bà thân mẫu bảo Phanxicô ngừng cầu nguyện để giải trí đôi chút, thánh nhân đã mau mắn trả lời: "Mẹ biết con rất thích nói chuyện và Chúa, nhưng con xin vâng theo lời mẹ dạy".
Lúc 13 tuổi, Phanxicô vào dòng thánh Marcô của các cha dòng Phanxicô, để thực hiện lời khấn của cha mẹ Ngài, khi Ngài bị bệnh sưng mắt. Tại tu viện, Phanxicô dù không có lời khấn, nhưng đã sống đời gương mẫu nhiệm nhặt. Các thày dòng cảmkích vì gương mẫu của thánh nhân đã tìm cách giữ Ngài lại trong dòng. Nhưng hai năm sau, Phanxicô cùng với cha mẹ đi hành hương Roma. Trở về, Ngài biết rõ ý Chúa muốn kêu gọi mình cách khác. Được sự đồng ý của cha mẹ, Ngài lui vào nơi thanh vắng và nhiệt tâm sống đời cầu nguyện hy sinh.
Hương thơm nhân đức của vị ẩn sĩ 15 tuổi lan rộng khắp nơi. Đến năm 19 tuổi, vì sự khẩn nài tha thiết Ngài đã nhận một số bạn trẻ. Họ làm ba phòng và một nhà nguyện gần hang đá của Ngài. Hàng ngày một lần đến cử hành thánh lễ và ban các phép bí tích. Đó là nguồn gốc của dòng Anh em rất hèn mọn (Minimes), được tòa thánh phê chuẩn năm 1506. Các tu sĩ của dòng này kiên trì thực hành Đức khiêm tốn và Bác ái. Ngoài ba lời khấn họ còn giữ chay trường.
Chắc chắn trong dòng không ai sống đời nhiệm nhặt khắc khổ, khiêm tốn và vui tươi hơn thánh Phanxicô. Đời sống như một hiến tế không ngừng ấy làm đẹp lòng Chúa, khiến thánh nhân được ơn làm nhiều phép lạ.
Chúng ta ghi lại một vài phép lạ như sau:
- Một lần kia, thánh nhân muốn đi từ Calabria về Sicilia. Nhưng vì không có tiền trả lộ phí cho mình và cho một người bạn đường, các thủy thủ đã không cho Ngài xuống tàu Thánh nhân liền trải áo xuống nước và cùng với người bạn đường áp con tàu kỳ lạ này về Sicilia.
- Một lần khác công nhân xây cất tu viện của Ngài thiếu nước Ngài làm cho một cái giếng nước chảy ra từ một phiến đá. Giếng này không bao giờ cạn.
- Đặc biệt nhất phải kể đến việc Ngài phục sinh cho đứa cháu của mình. Em Ngài là Birgitta có một đứa con muốn vào tu dòng của cậu. Nhưng với sự quyến luyến tự nhiên của một người mẹ, bà luôn tìm cách ngăn cản. Đứa bé đã chết. Bà tìm đến gặp anh mình để mong được an ủi. Bà nói: - Chính em đã gây ra cái chết này, nếu em đồng ý cho nó đi tu thì nó đã không phải chết.
Thánh nhân trả lời em mình: - Nếu nó còn sống thì em có đồng ý không ?
- Dĩ nhiên nhưng bây giờ thì đã quá muộn rồi.
Không nói thêm một lời, Phanxicô đến gần đứa trẻ và làm cho nó sống lại. Người mẹ dường như không tin ở mắt mình nữa. Người ta còn nói có tới 60 người được thánh nhân làm cho sống lại như vậy.
Đức giáo hoàng Phaolô II muốn biết rõ những lời đồn thổi về thánh nhân. Ngài sai một người đến tìm hiểu những thực. Vị sứ giả đến tu viện mà không báo tin trước. Thấy Phanxicô, Ngài muốn cung kính hôn tay thánh nhân, nhưng vị tu sĩ đã phản đối.
Ngài nói: - Chính con phải hôn đôi tay đã 33 năm dâng hy lễ mới phải. Vị sứ giả rất đỗi kinh ngạc vì Phanxicô đã không hề biết tới Ngài trước đây. Để sáng tỏ hơn, Ngài đàm luận riêng với thánh nhân và rất thán phục vì những lời đáp đầy khôn ngoan và đức tin của Thánh nhân. trở về trình bày cho Đức Giáo hoàng, vị sứ giả cho biết những lời đồn thổi về công việc và công đức của thánh Phanxicô Paola còn kém xa sự thực rất nhiều.
Vua Luy XI đau nặng. Ông muốn mời thánh nhân đến Pháp để xin được chữa lành. Thánh nhân còn ngập ngừng, nhưng vâng lệnh Đức giáo hoàng, Ngài liền lên đường không một suy nghĩ đắn đo. Đáp lại nguyện vọng sống lâu của nhà vua Thánh nhân trả lời : - Cuộc sống của vua Chúa cũng có giới hạn như bao người khác. Lệnh của Thiên Chúa không thể xoay đổi được, tốt hơn cả là hãy vâng theo ý Chúa và dọn mình chết lành.
Cảm động vì những lời khuyên này, nhà vua đã hối cải và qua đời cách thánh thịên.
Phanxicô vội trở về Italia. Nhưng vua Charles VIII đã giữ không lại. Cả vua Luy XII sau này cũng vậy. Thánh nhân được coi như vị cố vấn soi sáng lương tâm và trong cả việc nước của hai vị vua nước Pháp ấy. Tại đây Ngài thiết lập nhiều nhà dòng.
Khi cảm thấy sắp phải lìa trần, thánh nhân như được tiếp nhận một tin vui. Ngày thư năm tuần thánh, Ngài tập họp các tu sĩ lại, khuyên họ giữ chay trường và luật dòng. Cầm than nóng trong tay Ngài nói: - Cha đoan quyết với con rằng: đối với người yêu mến Chúa, việc hoàn thành điều mình đã hứa với Chúa không khó hơn việc Cha cầm lửa trong tay này dâu.
Sau đó dựa vào một tu sĩ, Ngài dự lễ và rước mình thánh Chúa. Vì được ơn nói tiên tri và làm phép lạ, được mọi người từ vua quan tới dân chúng kính trọng, Ngài cột giây vào cổ và muốn người chết như một tội nhân. Ngày thứ sáu tuần thánh sau khi chỉ định người kế vị, chúc lành cho con cái, Ngài hôn thánh giá và tắt thở. Hôm ấy là ngày 02 tháng 04 năm 1507.
(daminhvn.net)


02 Tháng Tư
Ve Sầu Kêu Ve Ve
"Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè. Ðến kỳ gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối rối...".
Trên đây là bốn câu đầu trong bài thơ mà cụ Nguyễn Văn Vỉnh đã dịch từ chuyện ngụ ngôn "Con ve và con kiến" của thi sĩ Pháp La Fontaine.
Ở Việt Nam chúng ta cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cứ mỗi độ hè về là ve sầu xuất hiện và kêu inh ỏi.
Theo sinh vật học thì có đến 23 loại ve sầu, mỗi loại có chu kỳ khác nhau: loại 2 năm, loại 3 năm. loại 17 năm v.v... Trước khi xuất hiện trên mặt đất, ve đã làm kiếp nhộng sống ngầm dưới đất đến 17 năm. Ngay sau khi ra khỏi trứng, nhộng đã chui xuống đất và sống yên lặng 17 năm.
Sinh vật học còn cho rằng, khi chu kỳ 17 năm chấm dứt, các con nhộng này có thể nghe được một tín hiệu bí mật kêu chúng ra khỏi lòng đất và hàng trăm triệu con nhộng đã đáp lại tiếng kêu gọi đó, bò lên mặt dất, tìm cây cối hay vật gì thẳng gốc với mặt đất để bám chặt vào, rồi lột voe, biến thành con ve với hai cánh dài để bay... Nhưng cuộc sống của ve rất ngắn ngủi: vì chúng chỉ sống được năm tuần lễ vừa đủ để làm một công tác duy nhất làđẻ trứng rồi chết.
Kiếp sống của con ve sầu có thể làm cho chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của Chúa Giêsu: trong 33 năm sống kiếp con người, Ngài đã sống ẩn dật đến 30 năm.
Nếu đối với kiếp ve sầu, 17 năm sống dưới đất như nhộng không phải là vô ích, thì với Chúa Giêsu, 30 năm sống ẩn dật của Ngài cũng mang một ý nghĩa và giá trị đặc biệt. Kiếp sống lam lũ của người thợ mộc, những vất vả trong cuộc sống hằng ngày: tất cả đều mặc cho cuộc sống con người một ý nghĩa.
Chúa Giêsu đến để chiếu rọi ánh sáng vào cuộc sống con người. Ánh sáng đầu tiên đã được chiếu rọi vào cuộc sống chúng ta chính là những năm tháng ẩn dật ấy của Chúa Giêsu. Trong ánh sáng ấy, chúng ta sẽ hiểu dược dù nghèo hèn đến đâu, dù tối tăm đến đâu, công việc từng ngày của chúng ta là những đóng góp vào công cuộc cứu rỗi của Chúa. Con ve sầu phải tôi luyện trong suốt 17 năm trời mới có thể xuất hiện để sinh ra một mầm sống mới. Những lam lũ vất vả từng ngày của người Kitô chúng ta cũng có sức mang lại mầm sống mới cho rất nhiều người.
Ước gì ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi vào cuộc sống của chúng ta, để, dù vất vả lao nhọc và đau khổ từng ngày, chúng ta luôn vui vẻ tiến bước vì tin rằng cuộc sống của chúng ta đang mang lại sức sống cho nhiều người.
(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét