Trang

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

13-04-2017 : THỨ NĂM TUẦN THÁNH - THÁNH LỄ TIỆC LY

13/04/2017
Thứ Năm tuần thánh.
Thánh lễ Tiệc Ly.


Bài Ðọc I: Xh 12, 1-8. 11-14
"Những chỉ thị về bữa Tiệc Vượt qua".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê và Aaron ở đất Ai-cập rằng: Tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm, tháng thứ nhất. Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: "Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm. Có bắt dê con cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Ðêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa. Ðêm ấy Ta sẽ đi qua xứ Ai-cập, sẽ giết các con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến súc vật, và Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ Ai-cập: vì Ta là Chúa. Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ là dấu hiệu; và khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi, và các ngươi sẽ không bị tai ương tác hại khi Ta giáng hoạ trên xứ Ai-cập. Các ngươi hãy ghi nhớ ngày ấy, làm lễ tưởng niệm, và phải mừng ngày đó trọng thể kính Thiên Chúa. Các ngươi sẽ lập lễ này để mừng vĩnh viễn muôn đời".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18
Ðáp: Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô (x. 1 Cr 10, 16).
Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.
2) Trước mặt Chúa, thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẽ gãy xiềng xích cho con. - Ðáp.
3) Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 11, 23-26
"Mỗi khi anh em ăn và uống, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: "Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến".
Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 13, 34
Chúa phán: "Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".

Phúc Âm: Ga 13, 1-15
"Ngài yêu thương họ đến cùng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".
Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Từ bỏ con người và nếp sống cũ để đi vào tinh thần và sự sống mới
Thánh lễ hôm nay rất phong phú; chứa nhiều mầu nhiệm. Ít nhất chúng ta phải suy nghĩ về ba đề tài chính trong ba bài đọc. Không thể bỏ rơi bài nào mà không làm thiệt hại cho mầu nhiệm cử hành hôm nay. Bài đọc I nhắc nhở hôm nay là ngày mừng lễ Vượt qua của người Dothái; bài đọc II thuật lại việc Ðức Kitô đã lập phép Thánh Thể trong bữa ăn vượt qua này; và bài Tin Mừng thúc giục ta bắt chước gương Chúa thi hành việc rửa chân cho anh em.
Lễ nghi rửa chân này xem ra không cần thiết; nhưng căn cứ vào giọng văn trang trọng của bài Tin Mừng, chúng ta chắc chắn sẽ khám phá được nhiều điều quan trọng, nếu biết tìm hiểu. Và cho được như vậy phải theo gương tác giả Yoan suy nghĩ việc rửa chân trong bối cảnh của lễ Vượt qua của người Dothái và của bữa Tiệc ly mà Ðức Kitô đã dùng để lập phép Thánh Thể.

A. Lễ Vượt Qua Của Người Do Thái
Bài sách Xuất hành có vẻ dễ hiểu; nhưng thật sự là một bản văn gọt dũa, cân nhắc, có nhiều ám chỉ. Phải là bàn tay tư tế, thông luật sau Lưu đày mới viết nên được một kiệt tác như vậy.
Chúa dạy dân Dothái hằng năm phải long trọng cử hành lễ Vượt qua như là một nhắc nhở, như là một kỷ niệm (c.14). Là vì theo nguồn gốc, đây không phải là một cuộc nhắc nhở kỷ niệm gì cả. Người Dothái trước kia là dân du mục, sống nay đây mai đó với chiên cừu, lạc đà và dê. Vào dịp đầu xuân, dân du mục có thói quen làm lễ lên đường, đưa đàn vật lên miền núi cho chiên cừu gặm có. Họ chọn ngày rằm để làm lễ đó, hầu có thể ra đi ngay ban đêm cho mát mẻ. Họ giết một con vật trong đàn để làm lễ tế, cầu xin cho mùa lên đường năm mới được tốt đẹp. Họ lấy máu tế vật bôi lên cửa lều trại để xua đuổi thần khí ám hại súc vật. Và để lên đường cho mau lẹ, họ nướng tế vật chứ không bung, nấu. Họ dùng bánh không men vì không có giờ ủ và để bánh lâu hư. Họ cũng ăn rau đắng để kháng trùng và trừ tà. Tất cả những yếu tố đó không nhắc nhở gì cả; nhưng chỉ là phong tục của dân du mục. Và là phong tục quan trọng, không thể bỏ qua, vì Vượt qua là xuất hành đầu năm xây dựng đời sống mới.
Thế mà năm ấy hoàng đế Aicập lại cấm người Dothái làm lễ ấy. Ông sợ công trình xây cất đình trệ. Và nhất là ông sợ Môsê dùng cơ hội này để đưa dân đi hẳn. Nhưng cưỡng lại làm sao được chương trình của Chúa! Người đã quyết định giải phóng dân khỏi cảnh nô lệ lầm than. Môsê truyền cho Dân cứ làm lễ Vượt qua, cứ trang bị lên đường. Và chính lúc Dân ăn lễ ấy, thần tiêu diệt của Chúa đã sát hại mọi con đầu lòng người Aicập. Pharaô vội vã giục dân ra đi. Thế là lễ Vượt qua năm ấy trở thành muôn đời đáng ghi nhớ.
Người Dothái ở bất cứ nơi nào và làm nghề gì hàng năm cử hành lễ Vượt qua, không phải để tiếp tục đời sống du mục nữa, nhưng để nhắc nhở, kỷ niệm cuộc giải phóng lạ lùng và tin tưởng Chúa còn giải phóng mình ra khỏi tình trạng hiện tại, vì dù sao đã lý tưởng gì cái kiếp sống hiện nay. Lễ Vượt qua vì thế căn cứ vào quá khứ để tin tưởng ở tương lai. Ðó là lễ của dân tín hữu, nên Luật chỉ cho những người cắt bì được dự lễ này. Ðó còn là lễ cho mọi người, ban ơn giải phóng mọi người, nên mọi người đều đồng tế. Sở dĩ phải chọn tế vật vào 6 ngày trước lễ, là để đánh dấu con vật đó đã được hiến dâng, không còn phàm tục nữa, nhắc nhở người ta thanh tẩy lòng trí mừng lễ. Việc ăn hết và đốt cháy mọi của còn lại cũng phải hiểu theo nghĩa đó: những gì đã dâng cúng không còn được dùng để chung với những cái phàm tục. Tất cả những yếu tố trên đây rất thuận lợi để Ðức Kitô dùng làm lễ Vượt qua của Người, khi Người ăn bữa Tiệc ly với các môn đệ.

B. Lập Phép Thánh Thể
Không tác giả nào đã kể lại đầy đủ bữa ăn lịch sử ấy. Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay chỉ giữ lại phần tối thiểu và cốt yếu. Nói đúng hơn người như chép lại một lời kinh phụng vụ, giống như các Kinh nguyện Thánh Thể mà chúng ta vẫn đọc. Ðối với người, cũng như đối với tất cả Giáo hội, bữa Tiệc ly chỉ còn là bữa ăn Thánh Thể. Mọi nghi lễ cũ đã bị đẩy vào dĩ vãng. Từ nay, lễ Vượt qua chỉ còn nhắc nhở một việc: hôm ấy Ðức Kitô đã cầm lấy bánh rượu để ban Thịt Máu Người cho môn đệ.
Nhưng muốn hiểu rõ ý nghĩa của việc trao ban này, phải luôn luôn nhớ khung cảnh của lễ Vượt qua Dothái. Thế mà như trên đã nói, lễ này mang nhiều ý nghĩa. Thoạt đầu dân du mục cử hành vượt qua như một lễ lên đường, từ giã nơi đồn trú trong mùa đông tháng giá, ra đi nhắm tới những vùng cỏ xanh tươi để súc vật được chăm nuôi nhờ thức ăn mới. Rồi Chúa đã dùng dịp lễ này để giải phóng Dân khỏi ách nô lệ và tập họp lại thành Dân được giải phóng. Ý nghĩa giải phóng mạnh mẽ đến nỗi hàng năm khi cử hành lễ Vượt qua, dân Chúa vẫn tin tưởng sẽ còn được giải phóng thêm nữa khỏi những trói buộc của kiếp sống hiện tại. Ðức Kitô lập Bí tích Thánh Thể để thay thế hẳn lễ nghi đạo cũ; thì theo cách thức Người vẫn làm: chẳng hủy bỏ cái gì một chỉ thăng hoa mọi sự, Người đã đem mọi ý nghĩa của Lễ Vượt qua đạo cũ vào Bí tích vừa thiết lập để thăng tiến chúng đến chỗ hoàn toàn. Như vậy, Thánh Thể cũng là một nghi lễ Vượt qua, một hành vi giải phóng, một cuộc Vượt qua giải phóng toàn diện và quyết liệt. Thêm vào đó, chúng ta còn phải nhớ, mọi người ăn lễ Vượt qua này đều đồng tế, đến nỗi người chủ tọa không "khác" lắm đối với mọi người.
Trước hết, ý nghĩa Vượt qua nổi bật trong bữa ăn Tiệc ly. Ngay khi bước vào bàn tiệc, Ðức Yêsu đã ý thức và đã tuyên bố: Người từng ao ước ăn bữa Vượt qua này với các môn đệ. Rồi lập tức Người làm cho họ hiểu ngay, đây không còn là lễ Vượt qua của dân du mục hay của người Dothái nữa, nhưng là Vượt qua của chính Người. Người sẽ vượt đời này về cùng Chúa Cha; Người cầm lấy bánh và nói: Ðây là Mình Ta sẽ bị nộp vì chúng con. Người cầm chén rượu và bảo: Ðây là Máu Ta sẽ đổ ra ký Giao ước mới. Chiên Vượt qua hôm nay là chính Người. Thánh Thể mà Người vừa trao là của Vượt qua sang thế giới mới, lương thực mà Người vừa ban cần để sống đời đời.
Và cuộc Vượt qua này giải phóng Người ra khỏi thân phận trần ai, đưa Người về vinh quang Người vẫn có bên Chúa Cha; đồng thời hủy Giao ước cũ, lập Giao ước mới trong Máu Người, giải phóng con người khỏi chế độ luật pháp, đưa họ vào ân sủng tình yêu.
Mọi ngăn cách đã bị hạ, nên mọi người ăn lễ Vượt qua đều đồng tế. Tính cách đồng đẳng giữa mọi người tham dự thật là rõ rệt trong lễ Vượt qua của người du mục và người Dothái. Ðó là một gia đình, một dân tộc mà mọi người là chi thể và đồng bào của nhau. Trong lễ Vượt qua của Ðức Kitô, tính cách hòa đồng, hiệp nhất còn sâu xa hơn nữa khi chính Người trở nên Thịt Máu cho mọi người dùng. Nhờ vậy công cuộc vượt qua và giải phóng cũng trở nên công việc của mọi người; vì khi Thánh Thể được trao ban cho mọi người trong ý nghĩa vượt qua và giải phóng, thì ai lãnh nhận cũng loan báo sự chết của Ðức Kitô cho đến khi Người trở lại, tức cũng tham gia cuộc vượt qua và giải phóng của Người.
Thế nên từ việc bánh rượu trong Thánh lễ trở nên Thịt Máu Chúa để thực hiện việc vượt qua, các yếu tố tự nhiên ấy không còn là lương thực tự nhiên nữa, nhưng nhờ lời thần linh đã vượt qua giới hạn của mình để trở nên Thánh Thể. Và khi đi từ cõi tục đến cõi thánh, tức là khi được hiến thánh, thì không những là vượt qua mà còn là giải phóng thực sự và sâu xa nữa. Người dâng Thánh Thể và nhận lấy Thánh Thể sẽ tham dự vào sự hiến thánh đó; họ cũng thôi là mình để trở nên chi thể Ðức Kitô; họ vượt qua giới hạn của mình để được chia sẻ sự sống tự do của Con Thiên Chúa. Họ phải chủ động thật sự khiến hơn bao giờ hết, trong Thánh lễ mỗi người đều thi hành chức vụ phó tế.
Ngày Chúa lập phép Thánh Thể là ngày tất cả con cái Chúa được thi hành chức vụ tư tế để vượt qua và giải phóng mình khỏi thân phận tội lỗi, hầu được tham dự vào sự sống giấu ẩn nơi Thiên Chúa Cha. Và cho được như vậy, hôm nay Phụng vụ muốn chúng ta phải cử hành nghi lễ rửa chân.

C. Rửa Chân
Ðây là hành vi hi hữu mà Ðức Kitô đã làm. Khi nào? Theo thánh Yoan, trong bữa Tiệc ly. Hơn nữa thánh Yoan còn trình bày câu chuyện này như sự việc duy nhất mà người còn nhớ lại về bữa ăn tối ấy. Ít ra người cũng coi việc rửa chân như có khả năng diễn tả con người Ðức Kitô hôm trước lễ Vượt qua.
Hôm ấy Ðức Kitô biết rõ Yuđa sắp nộp Người. Người còn ý thức Chúa Cha đã trao cho Người mọi sự. Người thấy đã đến Giờ Vượt Qua để về cùng Chúa Cha. Người liền đứng dậy khỏi bàn ăn.
Cử chỉ ấy phải làm cho môn đệ ngạc nhiên. Chúa đứng lên làm gì? Kìa! Người cởi áo, thắt lưng, đổ nước vào chậu và bắt đầu đi rửa chân cho môn đệ. Thật là lạ lùng! Xưa nay có bao giờ Người làm như vậy? Chẳng ai có thể tưởng tượng được một việc như thế. Chủ có đưa nước cho khách rửa chân thì cũng làm vào lúc khách mới đến nhà... nhưng bây giờ thì khách đang ngồi ăn rồi. Không ai hiểu được, nhưng chỉ một mình Phêrô dám cất tiếng hỏi: Thầy mà lại rửa chân cho con sao? - Phải! Bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau này con sẽ hiểu.
Sau này là bao giờ? Lâu quá đối với Phêrô. Ông chỉ biết hiện tại; mà hiện tại thì không thể nào có việc Thầy rửa chân cho môn đệ. Ngược lại thì có. Môn đệ được rửa chân cho Thầy, thì theo giáo dục xưa, giây phút đó sẽ huấn luyện môn đệ thắm thiết ghê! Phêrô cương quyết từ chối. Nhưng này: "Nếu Thầy không rửa cho con, thì con không được có phần với Thầy". Thế là "không những Thầy cứ rửa chân, mà rửa cả mình con nữa".
Tất cả ý nghĩa của câu chuyện có lẽ nằm trong mấy câu đối đáp này. Ðức Kitô rửa chân cho môn đệ để họ được có phần với Người. Và muốn có phần với Người, họ phải chấp nhận Người cúi mình rửa chân cho họ. Việc Người làm đây thật ý nghĩa và mầu nhiệm. Tác giả Yoan hay diễn tả mầu nhiệm theo kiểu này. Tức là người hay kể một sự việc như dấu hiệu nói lên mầu nhiệm sâu xa. Và vì thế, từ ngữ người dùng mang nặng ý nghĩa mầu nhiệm. Như ở đây, rõ rệt thái độ Ðức Kitô đứng lên khỏi bàn ăn sau khi đã biết giờ phải về cùng Chúa Cha, là để làm một hành vi vượt qua. Mà Vượt qua đối với Ðức Kitô là ra khỏi đời này, là trao ban Thịt Máu, là thí bỏ mạng sống, nên đứng lên khỏi bàn ăn, Người đã cởi áo ra, tức là lột xác và bỏ mình đi. Người hư vô hóa mình nên người tôi tớ, cúi lưng làm công việc của tên nô lệ ngoại quốc, vì ngay người tôi tớ Dothái cũng không buộc phải rửa chân cho chủ. Người đã hóa thành người Tôi Tớ đau khổ của Ðức Yavê, không còn sắc thái gì nữa và đã bị liệt vào số dân ngoại, bị đóng đinh ở ngoài thành. Hành vi rửa chân, như vậy là biểu tượng việc Người sắp hư vô hóa mình cho đến chết và chết trên Thập giá. Thế nên lúc này không ai hiểu được. Phải đợi khi Người đã chết và đã phục sinh, môn đệ mới khám phá ra được ý nghĩa. Thế nên không để cho Người rửa chân, không chấp nhận việc Người chịu chết, không để cuộc tử nạn của Người lan sang mình, Phêrô cũng như bất cứ ai, sẽ không được có phần với Người nghĩa là kết hợp với Người và đồng dự vào gia sản các Lời Hứa của Người.
Như vậy, lời giải thích sau này bảo rằng Ðức Kitô đã rửa chân để làm gương cho ta, thật ra không chắc đã được viết ngay từ đầu hay chỉ đã được thêm vào sau này. Ít ra khi muốn cắt nghĩa đến nơi đến chốn, cũng phải nói rằng, như Ðức Kitô đã bỏ mạng sống mình vì ta, thì ta cũng phải biết bỏ mạng sống mình vì anh em.
Thế thì lễ nghi rửa chân mà ta làm bây giờ không tầm thường đâu. Ðây không phải là một nghi thức làm cho qua. Cũng không phải chỉ là hành vi mỗi năm ta làm cho người khác. Có ý nghĩa đó. Và tôi xin mọi người nhìn nhận hành vi chủ tế rửa chân cho 12 người tiêu biểu đây như là cử chỉ biểu lộ những tâm tình chân thật muốn đền bù những thái độ bất công, bất nhân, bất nghĩa của chúng tôi đối với mọi người. Nhưng chưa đủ! Phụng vụ còn muốn lễ nghi rửa chân này biểu tượng hành vi lột xác, bỏ mình của Ðức Kitô để chúng ta cùng chấp nhận, đi vào mầu nhiệm tử nạn của Người, hư vô hóa chính mình chúng ta, để có như vậy, chúng ta mới cởi bỏ được con người cũ và người anh em đối diện với chúng ta bây giờ mới thật sự trở thành người anh em của ta không còn gì ngăn cách nữa.
Có như vậy, chúng ta mới thật sự cử hành nghi lễ rửa chân như Ðức Kitô đã làm. Có như vậy, chúng ta mới có tâm tình để tái hiện mầu nhiệm Tiệc ly như Ðức Kitô đã thiết lập chiều thứ Năm Tuần Thánh. Có như vậy, buổi chiều hôm nay, chúng ta mới thật sự cùng làm với Người cuộc vượt qua giải phóng, tức là từ bỏ con người và nếp sống cũ để đi vào tinh thần và sự sống mới tự do của con cái Thiên Chúa.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần Thánh
Bài đọcExo 12:1-8, 11-14; I Cor 11:23-26; Jn 13:1-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa: khiêm nhường phục vụ và yêu thương đến cùng.
Con người thường quan niệm: người có tài năng hay địa vị quan trọng không thể hạ mình làm các việc hèn kém; vì nếu làm như thế, người khác nhìn thấy sẽ khinh thường, và địa vị của họ sẽ bị giảm đi. Vì thế, nếu không được người khác nhận ra và trọng dụng tài năng, người có tài sẽ bất mãn và từ chối không tham gia; ví dụ, thành viên của HĐMV không được ăn nói trước công chúng, thành viên của ca đòan khi không được hát solo.
Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta thấy thế nào là tình yêu và phục vụ của Thiên Chúa. Ngài là Đấng uy quyền dựng nên và điều khiển muôn lòai, thế mà luôn hạ mình để phục vụ và yêu thương mọi người, cho dẫu con người vô ơn và không xứng đáng với tình yêu của Ngài. Trong Bài Đọc I, vì quá yêu thương và muốn giải thóat người Do-thái khỏi cảnh nhục nhằn và tủi hổ của kiếp nô lệ, Thiên Chúa đã “cõng dân Do-thái như đại bàng cõng con trên cánh” ra khỏi đất Ai-cập và đưa dân vào Đất Hứa. Ngài truyền cho dân phải cử hành Lễ Vượt Qua để tưởng nhớ đến tình yêu và những việc Ngài làm. Trong Bài Đọc II, Chúa Giêsu sẵn sàng chịu bẻ nhỏ tấm bánh là thân thể của Ngài, và hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho các môn đệ để tỏ tình yêu và nuôi sống các ông. Ngài cũng truyền cho các ông năng cử hành Thánh Lễ để dừng quên tình yêu của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ bài học khiêm nhường và yêu thương đến cùng bằng cách rửa chân cho các ông và Ngài cũng dạy: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lễ Vượt Qua của người Do-thái.
Lễ Vượt Qua là lễ trọng nhất trong ba lễ trọng của người Do-thái; vì là lễ kỷ niệm ngày Thiên Chúa đã dùng uy quyền của Ngài để đánh phạt vua Pharao, đưa dân Do-thái thóat khỏi làm nô lệ cho Ai-cập, và dẫn đưa dân vào Đất Hứa: “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời.” Có nhiều điều tương xứng với Lễ Vượt Qua mơi của Đức Kitô; nên cần một sự hiểu biết chi tiết về Lễ Vượt Qua của người Do-thái.
1.1/ Con Chiên Vượt Qua: Ngày mừng Lễ Vượt Qua là 14 tháng Nissan (tháng tư): “Đức Chúa phán với ông Moses và ông Aaron trên đất Ai-cập: Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm.”
- Mỗi gia đình phải có một con chiên để ăn mừng Lễ Vượt Qua, và phải có sẵn vào ngày 10 tháng này: “Ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên.”
- Phẩm chất của con chiên đó: “phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Israel đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên.” Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng.
1.2/ Cách ăn Lễ Vượt Qua: Vì dân Do-thái phải ra đi vội vã và trong đêm tối, nên họ phải chuẩn bị sẵn sàng mọi sự: “lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy.” Vì vua Pharao từ chối không để cho dân Do-thái ra đi, nên Thiên Chúa sẽ sát hại tất cả các con đầu lòng trên đất Ai-cập: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là Đức Chúa.” Nhà dân Do-thái nào có máu chiên bôi trên cửa, thiên thần sẽ đi qua, và không vào tàn sát các con đầu lòng của họ.
Cuộc đời con người là một hành trình vượt qua, từ đời này đến đời sau. Giống như người Do-thái, chúng ta dễ bị cám dỗ làm nô lệ cho vật chất để bằng lòng với cuộc sống đời này, mà quên đi cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Để tránh nguy hiểm này, chúng ta hãy noi gương họ làm hai việc quan trọng:
(1) Luôn chuẩn bị sẵn sàng để lên đường về Nhà Cha bằng cách: “lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy.” Đừng sở hữu quá nhiều của cải, chúng ta sẽ ngại ngùng không dám lên đường.
(2) Có máu chiên bôi sẵn trên cửa: Máu Chiên chúng ta cần là Máu cực thánh của Đức Kitô đã đổ ra. Tham dự Thánh Lễ và rước lễ thường xuyên bảo đảm chúng ta khỏi bị tiêu diệt muôn đời.
2/ Bài đọc II: Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.
Trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, Lễ Vượt Qua của Cựu Ước là hình ảnh Lễ Vượt Qua mới của Đức Kitô: Khi biết giờ Ngài sắp sửa vượt qua cuộc đời này để về cùng Thiên Chúa, Ngài đã yêu thương con người và yêu thương họ đến cùng; Chúa Giêsu làm cho con người hai việc chính:
2.1/ Hiến mình làm Chiên Vượt Qua để cứu độ con người: Máu chiên bôi trên cửa của nhà người Do-thái có sức mạnh để cứu các con đầu lòng và súc vật của họ; thịt chiên có sức mạnh để giúp họ vượt qua Biển Đỏ để vào Đất Hứa. Cũng vậy, Máu Thánh của Chúa Giêsu đổ ra có sức mạnh để cứu nhân lọai khỏi mọi tội; Mình Thánh giúp con người vượt qua mọi trở ngại của biển đời để vào đất Thiên Chúa hứa là thiên đàng.
2.2/ Lập Bí-tích Thánh Thể để tiếp tục ở lại với con người: Bữa Tiệc Ly chính là bữa tiệc Vượt Qua. Chúa Giêsu đã lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly.
(2) Bánh không men chính là Mình Chúa: Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”
(3) Máu của Chiên Vượt Qua chính là Máu Chúa: Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."
Giống như Thiên Chúa truyền cho người Do-thái phải tái diễn Lễ Vượt Qua mỗi năm, Chúa Giêsu cũng truyền các tín hữu phải cử hành Bữa Tiệc Ly thường xuyên để loan truyền và hưởng lợi ích từ cuộc tử nạn của Ngài: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” vì yêu thương con người.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khiêm nhường và yêu thương rửa chân cho các môn đệ.
3.1/ Chúa biết tất cả mọi sự sẽ xảy ra và Ngài sửa sọan tất cả: Thánh sử Gioan tường thuật ba điều quan trọng Chúa Giêsu biết rõ trước Cuộc Thương Khó của Ngài:
(1) Biết giờ của Ngài sắp về với Thiên Chúa: “Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.”
(2) Biết giờ phải từ biệt các môn đệ: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.”
(3) Biết giờ cứu độ cho con người sắp xảy ra: “Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người.”
3.2/ Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ: Ba điều biết quan trọng trên thúc đẩy Chúa Giêsu sẵn sàng tỏ tình yêu cho các môn đệ qua những việc mà các tông đồ không bao giờ dám nghĩ tới: Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
- Cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu và Phêrô: Ông thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" Đức Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!"
Phêrô, cũng giống như bao nhiêu con người, ông nghĩ Chúa Giêsu, là Thầy và là Chúa, không thể hạ mình làm công việc hèn hạ như vậy. Khi Chúa Giêsu làm như thế, Ngài tự hạ mình xuống như một người đầy tớ.
- Chúa Giêsu cắt nghĩa cho Phêrô: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." Ông Simon Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." Đức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!" Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch."
Các nhà chú giải đều nhìn hành động rửa chân như là biểu tượng của Bí-tích Rửa Tội: phải được rửa sạch trước khi tội được tha để chung hưởng hạnh phúc với Chúa.
3.3/ Chúa Giêsu cắt nghĩa bài học rửa chân: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy," là "Chúa," điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”
Rửa chân là công việc của đầy tớ. Chúa Giêsu làm công việc của đầy tớ để phục vụ các môn đệ. Ngài dạy các ông không có công việc hèn, nếu các ông muốn chứng tỏ tình yêu cho Thiên Chúa và cho tha nhân, hãy làm những công việc đó. Có một sự tương phản giữa cách thức suy nghĩ của Thiên Chúa và của con người: khi con người muốn làm lớn, họ tránh làm việc nhỏ. Chúa Giêsu dạy làm những việc nhỏ để trở thành lớn. Đây phải là bí quyết thành công Thiên Chúa muốn dạy con người: làm gương sáng trong những việc nhỏ là cách dạy tốt nhất, vì lời nói lung lay, gương bày lôi kéo. Nếu các nhà lãnh đạo và cha mẹ muốn thành công trong việc dạy dỗ, hãy làm gương sáng cho những người dưới quyền mình. Cha mẹ sẽ hiếm có cơ hội để chết cho con, nhưng những việc nhỏ như: nhịn ăn cho con, săn sóc con khi bệnh tật, đau khổ khi con buồn tủi, có hiệu quả tương tự như những việc lớn vậy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi yêu ai, chúng ta hãy bắt chước Thiên Chúa yêu người đó đến cùng; đừng yêu nửa chừng rồi bỏ, vì nếu làm như thế, chúng ta đã không trung thành, và hoang phí những gì mình đã cố gắng từ đầu. Làm như thế chúng ta sẽ mất thời giờ và có thể sẽ phải làm lại từ đầu lần nữa.
- Lãnh đạo bằng yêu thương và phục vụ, không bằng truyền lệnh và đòi được phục vụ, là cách lãnh đạo hiệu quả nhất. Khi con người cảm thấy mình được yêu thương và chăm sóc, họ sẽ theo nhà lãnh đạo đến cùng.
- Không có công việc hèn, chỉ có người hèn. Nếu muốn người khác làm việc đó, mình hãy làm gương thi hành trước. Chúng ta hãy cử hành Lễ Vượt Qua và “rửa chân cho anh chị em” thường xuyên để đừng bao giờ quên thế nào là yêu thương và phục vụ chân thành.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


13/04/17     TH NĂM TUN THÁNH
Thánh lễ Tiệc ly                            Ga 13,1-15

BÀI HỌC RỬA CHÂN

“Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 15,14)

Suy niệm: Các môn đệ đi theo Chúa Giê-su, được Ngài dạy dỗ phải trở nên như trẻ thơ, nhưng các ông vẫn mang nhiều tham vọng: tham chức quyền, muốn làm lớn. Chúa không chỉ dạy bằng lời nói mà còn bằng hành động. Sinh ra trong hang lừa, chịu đóng đinh chịu chết trên thập tự, cả cuộc sống dương thế của Chúa Giê-su mang đậm dấu ấn khiêm tốn phục vụ, như Ngài đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,45). Trong bữa tiệc ly, trước khi lập bí tích Thánh Thể và Thánh Chức Linh mục, Ngài làm công việc của một đầy tớ: quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Qua việc này, Chúa Giê-su thiết lập một quy tắc mới của Ngài: lãnh đạo là phục vụ: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”

Mời Bạn: Khiêm tốn vốn được coi trọng ngoài đời cũng như trong cộng đoàn Hội thánh. Thế nhưng, giữa chúng ta cũng như trong nhóm các môn đệ Đức Giê-su, mầm mống kiêu căng cao ngạo vẫn còn tiềm tàng hay bộc lộ ra cách này hay cách khác, để rồi từ đó bao nhiêu rối loạn trật tự đã nảy sinh. Nghi thức Rửa Chân trong Thánh lễ chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh nhắc lại cho chúng ta bài học quan trọng này.

Sống Lời Chúa: Với trách vụ được giao phó cho tôi hiện nay, tôi có khiêm tốn phục vụ người khác không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con muốn học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm tốn. Xin cho con noi gương Chúa sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho những người Chúa giao phó cho con. Amen.
(5 phút lời Chúa)


Phi ra chân cho nhau (13.4.2017 – Th năm Tun Thánh, Thánh l Tic ly)
Th Năm Tun Thánh là ngày l ca Tình Yêu theo đúng nghĩa nht. Yêu là cúi xung phc v, yêu là b đi mình cho tha nhân như Thy Giêsu. 


Suy nim:
Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái.
Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi.
Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến
cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu:
Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể.
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy.
Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài.
Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.
Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.
Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.
Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ,
Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.
Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.
Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.
Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ,
thì bây giờ Thầy làm cho trò.
Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.
Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.
Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.
Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.
Trong cả hai biến cố Rửa chân và bí tích Thánh Thể,
Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực.
Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân,
hay tham dự bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài.
Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu.
Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó.
“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).
“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19).
Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể
sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.
Muốn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu,
cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10).
Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong Thầy :
“Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi,
và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.
Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.
Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.
 Cầu nguyn:
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG TƯ
Sự Sống Của Thiên Chúa Được Đổ Tràn Vào Thế Giới
Mùa Phục Sinh, chúng ta đi vào trong một cảm nghiệm tâm linh sâu sắc có sức làm cho chúng ta nếm cảm đức tin của mình vào Đức Kitô Phục Sinh, “Chiên Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7). Người đã chịu hiến tế vì chúng ta, song sự chết đã không chế ngự được Người. Sứ mạng của Người đã không chấm dứt khi Người bị treo trên Thập Giá, sứ mạng ấy đã không chấm dứt khi Người kêu lên: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). Thật vậy, đó chính là lúc mà sự hoàn thành chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.
Chính Đức Kitô đã thánh hiến kỷ nguyên này qua cuộc Phục Sinh của Người từ cõi chết. Người đã hoàn thành trọn vẹn chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đức Kitô đã được phục sinh – như lời Người đã hứa. Sự chết không còn làm chủ được Người nữa, bởi vì Người là sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta.
Đức Giêsu nói về chính mình: “Ta là … sự sống” (Ga 14,6). Và, vào một dịp khác, Người tuyên bố: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Như vậy, nơi Người, nguồn cội của chính sự sống đã đi vào thế giới chúng ta.
Xuyên qua hiến tế của Đức Giêsu, sự sống thần linh đã được đổ chan hòa trên mọi dân tộc, và – một cách nào đó – trên toàn khắp vũ trụ. Một sức sống hoạt và tươi trẻ nào đó đã nạp vào toàn thể tạo vật kể từ khoảnh khắc chiến thắng của Người trên Thập Giá. Chính chúng ta bây giờ không còn là nô lệ của “nỗi sợ chết nữa” (Dt 2,15). Đức Kitô đã giải phóng chúng ta vĩnh viễn!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 13 – 4
Thứ Năm Tuần Thánh
(Thánh Lễ Tiệc Ly)
Xh 12, 1-8.11-14; 1Cr 11, 23-26; Ga 13, 1-15.

LỜI SUY NIỆM: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ mà nói: “Anh em có hiểu việc Thầy vừa làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật. Thầy là Thầy là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”
Chúng ta đang ở trong ngày thứ năm Tuần Thánh, tưởng niệm về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Người, đây là mẫu gương cho tất cả chúng ta khi phục vụ người anh em, đặc biệt với người nghèo và những người bị xã hội loại bỏ ra bên lề xã hội. Trước tiên phải có tình yêu chân thật, biết cởi bỏ bộ áo bên ngoài của mình đó là chức quyền vai vế của mình trong xã hội và Giáo Hội, để tỏ sự tôn trọng người đang được phục vụ. Nhưng sau khi đã làm công việc phục vụ rồi, thì phải biết mặc chiếc áo của mình lại và phải sống xứng đáng ngôi vị với trách nhiệm của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa hằng dùng Bí tích Giải Tội. để rửa sạch hồn xác chúng con. Xin cho chúng con luôn biết đến với Bí tích này; để chúng con dễ rửa chân cho nhau như lời Chúa đã truyền dạy.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 13-04
Thánh MARTINO I
Giáo Hoàng Tử Đạo (+656)
Thánh Martinô I sinh tại Tôđi, miền Umbria.

Đức Giáo hoàng đặt Ngài làm đại diện ở Constantinophe. Tại đây, Ngài đã nhiệt thành chống lại Nhất ý thuyết. Lạc giáo này dạy rằng: nơi Chúa Giêsu chỉ có một ý chí, ý chí thần linh. Như vậy là họ chối bỏ ý chí riêng của nhân tính Ngài.
Năm 649, khi Đức Thêdôre qua đời, thánh Martinô được cử lên ngôi kế vị thánh Phêrô. Ngay tháng 10 năm này, Ngài đã triệu tập công đồng Lêtêranô để kết án lạc thuyết. Làm như vậy Ngài đã liều chuốc lấy phản ứng độc hại của Contance II, một hoàng đế trẻ theo lạc giáo, và muốn bắt Giáo hội phải chấp nhận sắc lệnh "Type" về giáo lý của ông. Ngày 17 tháng 6 năm 653, quan thái thú đại diện hoàng đế là Calliopas ở Ravennna Italia đã bắt Đức giáo hoàng trong nhà thờ chính tòa. Ngài bị tố cáo đồng lõa trong cuộc phản loạn của quan thái thú tiền nhiệm là Olymius.
Sau đó Ngài bi đưa về Constantinople bằng tàu. Sẵn đau khổ vì bệnh đau khớp xương, cuộc hành trìnnh còn khổ cực thêm vì bị mất thực phẩm tối thiểu, bị cấm không được tắm rửa. Ngày 17 tháng 9, Ngài tới Constantinople và bị gian trong một nhà tù cho tới ngày 20 tháng 12. Tại một tòa án giả tạo với sư hiện diện của hoàng đế, Ngài bị truất ngôi và bị kết án tử hình.
Bi bỏ rơi trong ngục thất, thánh Martinô vô cùng cực khổ vì lạnh. Một phụ nữ lén cho Ngài một chiếc giường và một chiếc nệm. Khi ấy, Thượng phụ giáo chủ Constantinople hấp hối, ông ta sợ bị đoán phạt trước tòa Chúa nên xin Hoàng đế đừng xử tử tù nhân. Nhưng thánh Martinô lại bị lưu đày tới Cherson ở Crimea.
Tại đây, Ngài qua đời vì thiếu thốn, có lẽ vào ngày 03 tháng 4 năm 656.
(daminhvn.net)


13 Tháng Tư
Emmaus
Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đồng Emmaus nhằm giúp những người bần cùng tự tay xây dựng cuộc sống của họ.
Phong trào cộng đồng Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi đệ nhị thế chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.
Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đồng là : "Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác...". Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích cho người khác. Ðó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.
Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đồng của Ngài là để nhớ lại câu chuyện của hai người môn đệ Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai người môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của Ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.
Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đồng Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ để chế biến và bán lại, như một sản phẩm cho chính tay mình làm nên.
Hiện nay phong trào đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đồng. Tất cả mọi người trong cộng đồng đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.
Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó, có hai người môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Emmaus, trở về làng cũ của họ.
Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mộng công hầu khanh tướng, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mọi hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại trở thành khởi điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan... Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.
Ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: Hãy xây dựng lại từ đổ nát!
Ðó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy... Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư?
Chúa Giêsu của thành Emmaus đang nói với bạn: đừng thất vọng, Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
(Lẽ Sống)

Lectio Divina: Thứ Năm Tuần Thánh
Thứ Năm, 13 Tháng 4, 2017


Chúa Rửa Chân Cho Các Môn Đệ

Ga 13:1-15


1.  Bài Đọc – Lectio 

 a)  Lời nguyện mở đầu

 “Lạy Chúa, khi Chúa phán, hư không trở nên sinh động:  bụi tro trở thành người sống, hoang địa trở nên vùng trù phú…  Khi con chuẩn bị để cầu nguyện, con cảm thấy khô khan, con không biết phải nói gì.  Thật rõ ràng, con không ở trong sự hòa hợp với ý của Chúa, môi miệng con không đồng giai điệu với tâm hồn con, trái tim con không nỗ lực để được đồng điệu với trái tim Chúa.  Xin Chúa hãy đổi mới trái tim con, xin hãy thanh tẩy miệng lưỡi con để con có thể thưa chuyện với Chúa như Chúa muốn con làm điều ấy, để con có thể nói với những người khác như Chúa muốn, để con có thể nói với chính mình, với nội tâm của con, như Chúa muốn.”

(L. Renna)


b)  Bài đọc Tin Mừng

1 Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha.  Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng.  2 Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariốt, con của Simon, ý định nộp Người.  3 Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa.  4 Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng; 5 rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. 6 Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng:  “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?”  7 Chúa Giêsu đáp:  “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu.”  8 Phêrô thưa lại:  “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con.”  Chúa Giêsu bảo:  “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy.”  9 Phêrô liền thưa:  “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa.”  10 Chúa Giêsu nói:  “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch.  Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu.”  11 Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói:  ‘Không phải tất cả các con đều sạch đâu.’” 12 Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói:  “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng?  13 Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy.  14 Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.  15 Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con.”


c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Trong lắng nghe yêu thương, lời nói không cần thiết, bởi vì sự im lặng cũng là cách nói và thông tri về tình yêu.


2.  Suy gẫm Lời Chúa – Meditatio 

a)  Lời mở đầu Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu 

Đoạn Tin Mừng hôm nay được lồng trong toàn bộ bản văn bao gồm các chương 13 đến chương 17.  Vào lúc đầu, chúng ta có khung cảnh của Bữa Tiệc Ly nơi Chúa Giêsu chia sẻ với các môn đệ, trong đó Người đã hoàn thành cử chỉ rửa chân (Ga 13:1-30).  Sau đó, Chúa Giêsu xen đan một cuộc đối thoại dài chia tay với các môn đệ (Ga 13:31 – 14:31).  Các chương 15-17 có nhiệm vụ bổ túc sâu xa cho bài giảng của Chúa trước đó.  Ngay sau đó, Chúa Giêsu bị bắt giữ (Ga 18:1-11).  Dù sao chăng nữa, những sự việc được thuật lại trong các câu 13:17-26 được nối kết với câu 13:1 với Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu.  Thật là thú vị khi chúng ta để ý đến lời chú thích cuối cùng này:  từ câu 12:1 Lễ Vượt Qua không còn được gọi là lễ Vượt Qua của người Do Thái, mà là của Chúa Giêsu.  Từ bây giờ, Người, Chiên Thiên Chúa, là Đấng sẽ giải thoát con người khỏi tội lỗi.  Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu là việc có mục đích giải thoát loài người: một cuộc xuất hành mới cho phép đi từ bóng tối đến ánh sáng (Ga 8:12), và sẽ ban sự sống và lễ hội trong nhân loại (Ga 7:37).

Chúa Giêsu biết rằng Người sắp sửa kết thúc cuộc hành trình của mình về cùng Chúa Cha và, vì thế Người sắp sửa kết thúc cuộc vượt qua dứt khoát và riêng tư của Người.  Một sự ra đi như thế, về cùng Chúa Cha, xảy ra qua cây Thập Giá, thời điểm chính trong đó Chúa Giêsu sẽ thí mạng sống của Người vì lợi ích của nhân loại.

Nó đánh động người đọc khi nhận thức được phương cách Thánh Sử Gioan giới thiệu con người Chúa Giêsu thật rõ ràng, trong khi Chúa nhận thức được về những sự kiện cuối cùng trong đời của Chúa, và do đó, về sứ vụ của Người.  Vì vậy, để khẳng định rằng Chúa Giêsu không hề bị ngã lòng hoặc bị chế ngự bởi các sự kiện đe dọa mạng sống của mình, mà trái lại Chúa sẵn sàng dâng hiến mạng sống mình.  Trước đó, Thánh Sử đã cho thấy rằng giờ của Chúa chưa đến; nhưng bây giờ trong việc rửa chân cho các môn đệ, Chúa nói Người biết rằng giờ của Người đã gần kề.  Một nhận thức như thế là căn bản sự diễn đạt của thánh Gioan:  “Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng” (câu 1).  Tình yêu dành cho “những kẻ thuộc về Người”, cho những ai hình thành cộng đoàn mới, đã được hiển nhiên trong khi Người đang sống với họ, nhưng nó sẽ tỏa sáng một cách cao độ trong cái chết của Người.  Chúa Giêsu biểu lộ tình yêu qua cử chỉ rửa chân, trong đó có giá trị biểu trưng của nó, cho thấy một tình yêu liên tục được thể hiện qua sự phục vụ.    


b) Việc rửa chân

Chúa Giêsu tại một bữa ăn tối thông thường với các môn đệ của mình.  Người hoàn toàn ý thức về sứ vụ mà Chúa Cha trao phó cho Người: Việc cứu rỗi nhân loại tùy thuộc vào Người.  Với một nhận thức như vậy, Chúa muốn chỉ bảo cho “những kẻ thuộc về Người”, qua việc rửa chân, cách mà công cuộc cứu độ của Chúa Cha được thực hiện và để cho biết trong cử chỉ như là một sự dâng mạng sống của mình cho sự cứu rỗi nhân loại.  Ý muốn của Chúa Giêsu là loài người phải được cứu rỗi, và sự mong muốn khát khao khiến Người từ bỏ mạng sống của mình và dâng hiến. Chúa Giêsu nhận thức được rằng Chúa Cha cho phép Người hoàn toàn tự do hành động.

Ngoài ra, Chúa Giêsu biết rằng nguồn gốc và mục tiêu thật cho cuộc hành trình của Người là Thiên Chúa; Chúa biết rằng cái chết của mình trên Thập Giá, sự biểu lộ tối đa tình yêu của Người, là giây phút cuối cùng cuộc hành trình cứu độ của mình.  Cái chết của Chúa là một “cuộc ra đi”; đó là mức tột đỉnh chiến thắng sự chết của Người.  Trong việc dâng hiến mạng sống của mình, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta sự hiện diện của Thiên Chúa như sự viên mãn của cuộc sống và khỏi phải hư mất.

Với ý thức đầy đủ về căn tính và sự tự do hoàn toàn của mình, Chúa Giêsu sẵn sàng thực hiện cử chỉ tuyệt vời và khiêm nhường là rửa chân.  Một cử chỉ của tình yêu như thế được diễn tả với rất nhiều động từ (tám) làm cho cảnh trở nên mê hoặc và tràn đầy ý nghĩa.  Tác giả Phúc Âm trong việc trình bày cử chỉ cuối cùng của Chúa Giêsu đối với những kẻ thuộc về Người, dùng con số hùng biện này của các động từ tích tụ mà không lặp đi lặp lại để một cử chỉ như vậy còn mãi sâu đậm trong tâm trí các môn đệ và mỗi người đọc và để cho một điều răn mãi luôn được ghi nhớ, không bao giờ bị quên lãng.  Cử chỉ được Chúa Giêsu thể hiện có ý định cho thấy rằng tình yêu thật sự được biểu lộ qua các hành động phục vụ cụ thể.  Chúa Giêsu tự cởi áo và cột ngang thắt lưng một cái khăn hoặc tạp dề, biểu tượng của sự phục dịch.  Một cách chính xác hơn, Chúa Giêsu cởi áo của Người là một cách diễn tả ý nghĩa trọng đại của quà tặng mạng sống.  Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ điều giảng dạy gì qua cử chỉ này?  Chúa cho họ thấy rằng tình yêu được bày tỏ qua việc phục vụ, trong việc dâng hiến mạng sống mình cho người khác như Chúa đã làm.

Vào thời Chúa Giêsu, việc rửa chân được xem như là một cử chỉ biểu lộ lòng hiếu khách và sự chào mừng đối với các người khách.  Thông thường, việc này được làm bởi một người nô lệ hoặc bởi người vợ, coi như công việc của người vợ và cũng như của con gái đối với cha của họ.  Bên cạnh đó, theo tục lệ nghi thức rửa chân phải được thực hiện trước khi ngồi vào bàn ăn chứ không phải đang trong bữa ăn. Việc gài vào hành động của Chúa Giêsu như thế có ý nhấn mạnh đến hành động của Chúa rất đặc thù hoặc có ý nghĩa là dường bao.

Và vì thế, Chúa Giêsu quỳ xuống để rửa chân cho các môn đệ của Người.  Việc dùng đi dùng lại cái khăn mà Chúa Giêsu thắt ngang lưng nhấn mạnh đến thái độ của việc phục vụ là một nhân cách thường trực của Chúa Giêsu.  Trong thực tế, sau khi làm xong việc rửa chân, Chúa Giêsu sẽ không cởi bỏ cái khăn mà Người đã dùng nó như cái tạp dề.  Một chi tiết như thế có ý muốn nhấn mạnh rằng tình-yêu-phục-vụ không kết thúc với cái chết của Người.  Chi tiết nhỏ nhặt này cho thấy chủ đích của Tác Giả Phúc Âm muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa và tầm quan trọng của cử chỉ của Chúa Giêsu.  Bằng vào việc rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu có ý cho các ông thấy tình yêu của Người, mà đó cũng là tình yêu của Chúa Cha (Ga 10:30-38).  Hình ảnh Đức Giêsu mặc khải về Thiên Chúa thì thực sự gây chấn động:  Người không là Đấng Tối Cao độc quyền ngự trị trên Thiên Đàng, nhưng Chúa cho thấy Người như là một tôi tớ của nhân loại để nâng cao nó lên đến mức thiêng liêng.  Từ nguồn phục vụ thiêng liêng này tuôn chảy, cho cộng đoàn tín hữu, rằng sự tự do xuất phát từ tình yêu dâng hiến cho tất cả các thành viên của nó như “các chúa” (tự do) bởi vì họ là những tôi tớ.  Nó cũng giống như nói rằng chỉ có sự tự do mới tạo nên tình yêu đích thực.  Từ bây giờ, sự phục vụ mà các tín hữu sẽ làm cho loài người sẽ có mục đích là phục hồi lại mối quan hệ giữa loài người trong đó sự bình đẳng và tự do là một hệ quả của việc thực thi việc phục vụ đáp trả.  Đức Giêsu, với cử chỉ của Người có mục đích cho thấy rằng bất kỳ sự thống trị hoặc dự định áp đặt lên con người thì trái với thái độ của Thiên Chúa là Đấng thay vào đó lại phục vụ loài người để nâng họ lên bằng với mình.  Bên cạnh đó, các kỳ vọng của sự vượt trội của một người hơn một người khác không còn có bất kỳ một ý nghĩa nào, bởi vì cộng đoàn được thành lập bởi Chúa Giêsu không có bất kỳ đặc điểm của hình kim tự tháp, nhưng có những kích thước hàng ngang, trong đó mỗi người là để phục vụ cho những người khác, noi theo gương của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu.

Một cách tổng hợp, cử chỉ mà Chúa Giêsu đã làm nói lên các giá trị sau đây:  tình yêu đối với anh em đòi hỏi phải được thể hiện trong sự chấp nhận huynh đệ, hiếu khách, đó là, trong sự phục vụ trường cửu.


c)  Sự phản kháng của Phêrô

Phản ứng của ông Phêrô trước cử chỉ của Chúa Giêsu được thể hiện trong thái độ ngạc nhiên và phản đối.  Ngoài ra còn có một thay đổi trong cách ông liên hệ với Đức Giêsu:  Phêrô gọi Người là “Chúa” (Ga 13:6).  Trong một danh hiệu như thế, Chúa Giêsu được công nhận là ở vị trí ưu việt hơn, thay vào đó, lại mâu thuẫn với việc “rửa chân”, đó là một hành động của một kẻ kém cỏi hơn.  Sự phản đối được thể hiện một cách mạnh mẽ bởi những lời:  “Lạy Thầy, Thầy muốn rửa chân cho con sao?”  Trong mắt của Phêrô cử chỉ rửa chân thấp hèn này đối với ông dường như là một sự đảo ngược những giá trị quy định mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và loài người:  Chúa là Thầy, còn Phêrô là phàm nhân lệ thuộc vào Chúa.  Phêrô không chấp nhận sự bình đẳng mà Chúa Giêsu muốn tạo ra giữa loài người với nhau.

Để trả lời cho việc hiểu lầm như thế, Chúa Giêsu mời gọi Phêrô chấp nhận ý nghĩa việc Chúa rửa chân cho ông như là một bằng chứng cho tình yêu của Người đối với ông.  Một cách chính xác hơn, Đức Giêsu muốn ban cho ông một bằng chứng cụ thể rằng Người và Chúa Cha yêu mến ông như thế nào.

Nhưng trong phản ứng của Phêrô, ông vẫn chưa muốn chịu thua:  ông nhất quyết từ chối để cho Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho ông.  Theo Phêrô, mỗi một người cần phải làm theo vai trò của mình, một cộng đoàn hay một xã hội dựa trên sự bình đẳng là một việc không thể có.  Việc Chúa Giêsu từ bỏ ngôi vị cao quý của mình để hạ mình xuống ngang hàng với các môn đệ là điều không thể chấp nhận được.  Ý tưởng về một vị Thầy như thế làm Phêrô rối trí và đưa đến việc phản đối.  Không chấp nhận sự phục vụ vì tình yêu mến của Thầy mình, thì ông cũng không chấp nhận rằng Chúa chết trên thập giá cho ông (Ga 12:34; 13:37).  Có thể nói rằng Phêrô vẫn còn xa vời với sự hiểu biết về tình yêu đích thực là gì, và với một chướng ngại như thế là sự ngăn trở để Chúa Giêsu có thể chỉ cho ông thấy hành động của Người.

Cùng vào lúc ấy, nếu Phêrô chưa sẵn sàng để chia sẻ những động lực của tình yêu được thể hiện trong việc phục vụ lẫn nhau, thì ông cũng không thể chia sẻ tình bạn với Chúa Giêsu và thực sự chấp nhận nguy hiểm để từ bỏ chính mình.

Nghe theo lời khuyên dạy của Chúa Giêsu:  “Nếu Thầy không rửa chân cho con, thì con sẽ không được dự phần với Thầy” (câu 8), Phêrô tuân theo những lời răn đe của Thầy, nhưng không chấp nhận ý nghĩa sâu xa việc làm của Chúa Giêsu.  Ông cho thấy đã cởi mở hơn, sẵn sàng để Chúa rửa chân cho mình, nhưng không chỉ là chân, mà còn cả tay và đầu nữa.  Có vẻ như là Phêrô dễ dàng chấp nhận cử chỉ của Chúa Giêsu như là một hành động để thanh tẩy hoặc rửa tội hơn là một sự phục vụ.  Nhưng Chúa Giêsu trả lời rằng các môn đệ đã trở nên tinh khiết (“sạch”) vào lúc họ đã chấp nhận để cho họ được hướng dẫn bởi Lời của Chúa, từ bỏ những gì thuộc về thế gian.  Phêrô và các môn đệ không còn cần đến nghi thức thanh tẩy của người Do Thái nhưng bằng lòng để cho chân của họ được rửa bởi Chúa Giêsu; hay nói đúng hơn là cho phép mình được Chúa yêu thương, ban cho họ phẩm giá và sự tự do.


d)  Kỷ niệm Tình yêu

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu có ý định để cho hành động của mình có một giá trị lâu dài cho cộng đoàn của mình và đồng thời để lại đó một kỷ niệm hay một giới răn là phải luôn giữ đúng mối quan hệ anh em.

Đức Giêsu là Chúa, không phải trong chiều hướng thống trị, mà là trong chiều hướng Người truyền đạt tình yêu của Chúa Cha (Thần Khí của Người) để cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và đủ điều kiện trở nên giống Chúa Giêsu là Đấng tự do trao ban tình yêu của Người cho những kẻ thuộc về mình.  Chúa Giêsu đã có ý truyền đạt một tâm tình như thế cho những kẻ thuộc về Người, một tình yêu không loại trừ bất cứ ai, ngay cả Giuđa là kẻ sắp sửa phản bội Người.  Do đó, nếu các môn đệ gọi Người là Chúa, thì họ phải bắt chước giống như Người; nếu các ông coi Người là Thầy là Chúa, thì họ phải nghe lời Người.


e)  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm

-  Người chỗi dậy từ bàn ăn:  Bạn sống Bí Tích Thánh Thể như thế nào?   Bạn có cho phép mình được cảm động bởi tác động của lửa tình yêu mà bạn nhận được không hay bạn chỉ ngồi thụ động?  Bạn có phải đối diện với nguy cơ rằng Bí Tích Thánh Thể, trong đó bạn tham gia, bị lạc mất trong sự chiêm niệm Ái Kỷ, mà không dẫn đến sự cam kết của tình đoàn kết và chia sẻ không?  Sự dấn thân của bạn cho công lý, cho người nghèo khó, có sẽ đến từ đức tính gặp gỡ Chúa Kitô trong Thánh Thể, từ sự quen thuộc với Người không?

-  Người cởi áo khác ngoài:  từ Bí Tích Thánh Thể, đi vào đời sống hằng ngày, bạn có biết cách để loại bỏ cái áo khoác lợi ích cho riêng bạn, các toan tính của bạn, các quyền lợi riêng tư của bạn để cho phép bản thân mình được hướng dẫn bởi một tình yêu chân chính đối với tha nhân không?  Hay là, sau khi chịu phép Thánh Thể bạn không có khả năng rũ bỏ cái áo khoác áp đặt và kiêu căng để khoác lên mình một cái áo khoác của đơn sơ, của khó nghèo không?

-  Người lấy khăn và thắt ngang lưng:  đây là hình ảnh của “Giáo Hội của tạp dề”.  Trong đời sống của gia đình bạn, của cộng đoàn giáo hữu của bạn, bạn có đi trên con đường của phục vụ, chia sẻ không?  Bạn có trực tiếp tham gia trong việc phục vụ người nghèo khổ và bé mọn không?  Bạn có biết cách để nhìn thấy khuôn mặt của Đức Kitô đang trông chờ được phục vụ, yêu thương trong những người nghèo khó không?


3.  Cầu Nguyện – Oratio

 a)  Thánh Vịnh 116 (114-115): 12-13; 15-16; 17-18

Tác giả Thánh Vịnh đã tìm thấy chính mình trong thời gian và trong sự hiện diện của cộng đoàn phụng vụ hát lên lời tạ ơn hy lễ của mình.  Voltaire là người có một thị hiếu đặc biệt cho câu 12 đã phát biểu như sau:  “Tôi có thể dâng lên Chúa được những gì để cho xứng với tất cả mọi ân sủng mà Người đã dành cho tôi?”


Con lấy gì dâng lại cho Chúa
để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con?
Con sẽ lãnh chén cứu độ,
và con sẽ kêu cầu danh Chúa.


Trước mặt Chúa thật là quý hóa
cái chết của những bậc thánh nhân Ngài.
Con nài van Chúa, lạy Chúa!
Con là tôi tớ Ngài,
Con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài;
Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con.


Con sẽ hiến dâng lời ca ngợi làm hy lễ,
và con sẽ kêu cầu danh Chúa.
Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa,
trước mắt toàn thể dân Ngài.


b)  Lời nguyện kết

Bị mê hoặc với cách mà Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người với những kẻ thuộc về mình, lời cầu nguyện khởi nguyên như sau:


Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, chân con đang bẩn.
Xin hãy trở thành một người hầu của con, hãy đổ nước vào chậu;
Xin hãy đến, rửa chân cho con.
Con biết chứ, những gì con đang nói đây thì thật là táo bạo,
nhưng con sợ sự răn đe từ những lời của Chúa:
“Nếu Thầy không rửa chân cho con,
con sẽ không được dự phần với Thầy.”
Vậy thì Chúa hãy rửa chân con đi,
để con có thể được dự phần cùng Chúa.

(Bài giảng 5 về Isaia)


Và thánh Ambrose có một mong muốn mãnh liệt để được tương xứng với tình yêu của Chúa Giêsu, đã thố lộ như sau:


Ôi, lạy Chúa Giêsu của con,
xin hãy để cho con rửa đôi chân thiêng liêng của Chúa;
chân Chúa đã lấm bẩn khi Ngài bước vào tâm hồn con…
Nhưng con sẽ phải lấy nước từ giếng nước nào
để rửa chân cho Chúa đây?
Trong sự thiếu thốn đó
con chỉ có đôi mắt để khóc:
rửa chân Chúa bằng nước mắt của con,
chỉ có làm như thế thì bản thân con mới có thể trở nên tinh sạch.

(Luận về việc đền tội)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét