Trang

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Hãng hàng không United và tính vô luân của lợi nhuận tư bản

Hãng hàng không United và tính vô luân của lợi nhuận tư bản
Vũ Văn An4/11/2017


Như mọi người biết, tại phi trường Chicago hôm Chúa Nhật đã xẩy ra vụ một hành khách hợp pháp và không làm điều gì trái phép đã bị vũ lực kéo lê trên sàn máy bay và tống cổ ra ngoài, để hãng lấy chỗ ngồi của ông ta cho nhân viên của mình sử dụng.

Tổng giám đốc United lên tiếng xin lỗi khách hàng nói chung về vụ đòi lại chỗ ngồi đã bán rồi này, chứ không xin lỗi về tác phong tồi tệ đối với vị khách hàng bị lôi khỏi máy bay. Chỉ do áp lực của công chúng, nên vào ngày thứ Ba vừa qua, ông ta mới chịu xin lỗi vị này, Ông David Dao, một người Mỹ gốc Hoa Việt.

Cả viên tổng giám đốc United và một số chuyên gia không hành đều biện minh cho việc đòi lại chỗ ngồi đã bán của United vì điều này có ghi trong Khế Ước Chuyên Chở (Carriage Contract) khi khách hàng mua chỗ ngồi trên bất cứ máy bay nào của bất cứ hãng hàng không nào.

Nhưng theo Cha James Martin S.J., đây là một hành vi vô luân của chủ nghĩa tư bản. Nó đặt qui định trước con người, lợi nhuận trước nhân phẩm.

Cho mua chỗ quá số chỗ hiện có trong chuyến bay (overbooking) là cách phần lớn các hãng máy bay sử dụng để tối đa hóa lợi nhuận. Các chỗ ngồi không có người ngồi có nghĩa là mất thu nhập. Và điều này có nghĩa một số người nào đó nhất định sẽ bị tống cổ (bumped) khỏi chuyến bay. Nhưng trong sự tính toán kinh tế của hãng hàng không, điều này được coi là điều chấp nhận được. Sự bất tiện của hành khách là điều phụ thuộc so với lợi nhuận.

Ai cũng thấy trong đó có vấn đề. Ông Dao mua vé của United, nên ông có quyền hy vọng mình sẽ dùng được nó. Vì đây là yếu tính của chủ nghĩa tư bản: tiền trao cháo múc. Nhưng United quyết định họ đã nhận cho mua chỗ quá số chỗ trên chuyến bay, nên khi một số nhân viên của hãng, vào phút chót, cần chỗ trên chuyến bay, họ yêu cầu các hành khách đã mua chỗ nhường lại chỗ đã mua với một khoản bồi thường thích đáng nào đó. Một số hành khách chấp nhận nhường.

Nhưng, một người, Ông Dao, không muốn nhường lại chỗ ngồi. Tại sao ông phải nhường lại? Ông đã trả tiền cho chỗ ngồi và mong tới nơi để chữa trị cho một bệnh nhân, vì ông vốn là một bác sĩ. Vả lại, ông đã ký khế ước với United. Còn, chuyện United có quyền tống khứ ông, theo Cha Martin, là một chuyện trá ngụy. Họ chẳng có chi gọi là cấp cứu cả. Bất luận mấy hàng chữ in nhỏ (của khế ước) muốn nói gì, Ông Dao vẫn có quyền mong được bay hôm đó.

Cũng thế, luận điểm cho rằng việc cho đặt chỗ quá số chỗ ngồi trên chuyến bay nhằm giảm giá vé, và do đó, thực sự giúp khách hàng, theo Cha Martin, cũng là một mánh lới, vì mục đích của công ty kinh doanh không phải là giảm giá vé mà là tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông. Giảm giá vé nhằm gia tăng số lượng vé bán, nhờ thế, gia tăng thu nhập. Các hãng hàng không không hề thương người.

Khi Ông Dao không sẵn lòng nhường chỗ ngồi mà ông đã mua hay đã thuê như United muốn hiểu, ông ta bị nhân viên an ninh dùng vũ lực kéo lê ra khỏi chỗ ngồi đến độ bị thương chẩy máu.

Nhìn cảnh ấy, ai cũng phải cho rằng không đúng. Nên trên liên mạng, nhiều người biểu lộ sự giận dữ không những vì cảnh tượng tàn bạo, không văn minh này mà còn vì sự vô luân của một hệ thống dẫn đến việc hạ giá nhân phẩm con người. Nếu qui định kinh doanh và luật lệ tư bản dẫn đến việc này, thì đó là những qui định và luật lệ bất công. Mục đích không thể biện minh cho phương tiện.

Một ai đó có thẩm quyền, các phi công, các tiếp viên, các phi hành đoàn dưới đất, rất có thể hiểu ra rằng đây là một cuộc tấn công vào phẩm giá một con người. Nhưng không ai chặn đứng nó cả. Tại sao không? Không phải vì họ là người xấu: cả họ nữa có lẽ cũng phải kinh hoàng. Nhưng vì họ đã bị điều kiện hóa phải tuân theo qui định.

Các qui định ấy nói: thứ nhất, đôi khi chúng ta cho người ta mua quá số chỗ ngồi vì chúng ta muốn tối đa hóa lợi nhuận. Thứ hai, chúng ta có thể tống khứ một ai đó vì chúng ta đã để họ mua quá số chỗ ngồi, hay nếu chúng ta quyết định chúng ta cần lại các chỗ ngồi ấy, bất kể người ta có thể có lý mong được sử dụng chúng hay bất kể việc cần lại này gây phiền toái thế nào cho họ. Và thứ ba, bi thảm hơn cả, nhân phẩm không thể cản đường các qui định này.

Cha Martin kết luận “Rượu độc tư bản và văn hóa kinh doanh đã dẫn tới việc một con người bị kéo lê dọc sàn máy bay”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét