01/08/2017
Thứ ba tuần 17 thường niên
Thánh Anphong Maria Ligôri, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ
* Thánh nhân sinh năm 1696 tại Napôli. Người từ bỏ nghề luật sư để làm linh mục, rồi sau lại nhận trách nhiệm giám mục để loan báo tình yêu của Chúa Kitô. Người đi giảng không mỏi mệt, siêng năng giải tội và rất nhân từ với các hối nhân. Người đã lập Dòng Chúa Cứu Thế nhằm mục đích loan báo Tin Mừng cho dân
các miền quê (1732). Người đã giảng dạy luân lý và viết nhiều tác phẩm về đời sống thiêng liêng. Người qua đời năm 1787.
BÀI ĐỌC I: Xh 33, 7-11;
34, 5b-9. 28
"Chúa đối diện nói chuyện với Môsê".
Trích sách Xuất
Hành.
Trong những ngày ấy, Môsê hạ nhà xếp, đem dựng ra một khoảng ở ngoài trại,
và đặt tên là "nhà xếp giao ước". Ai trong dân có điều gì muốn hỏi,
thì đến nhà xếp ở ngoài trại.
Khi ông Môsê đi đến nhà xếp, thì toàn dân chỗi dậy, ai nấy ra đứng trước
cửa trại mình nhìn theo ông Môsê, cho đến khi ông vào nhà xếp. Khi ông đã vào
nhà xếp giao ước, thì có một cột mây rơi xuống, và dừng lại tại cửa, và Chúa
đàm đạo cùng Môsê; mọi người trông thấy cột mây dừng lại trước cửa nhà xếp. Họ
đứng nơi cửa nhà xếp mình và sấp mình thờ lạy. Chúa đàm đạo cùng Môsê diện đối
diện, như người ta quen đàm đạo với bạn hữu mình. Khi ông trở về trại, thì người
hầu cận ông là Giosuê, con ông Nun, còn trẻ tuổi, không rời khỏi nhà xếp.
Ông Môsê đứng trước mặt Chúa mà khẩn cầu danh Người. Chúa đi ngang qua
trước mặt ông và hô lên: "Đức Chúa! Đức Chúa! Đấng cai trị mọi sự, là Đấng
từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, đầy lân tuất và chân chính. Chúa xót thương đến ngàn
đời, tha thứ gian ác, độc dữ và tội lỗi; (nhưng) trước mặt Chúa không ai coi
mình là vô tội. Sự gian ác tổ tiên đã phạm, Chúa phạt con cháu đến ba bốn đời".
Ông Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy Chúa và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu
con được ơn nghĩa trước mặt Chúa, thì xin Chúa đi với chúng con, (vì dân này là
dân cứng đầu), và xin Chúa tha thứ sự gian ác và tội lỗi chúng con. Xin nhận
chúng con làm cơ nghiệp của Chúa". Vậy ông Môsê ở đó với Chúa bốn mươi đêm
ngày, không ăn bánh và không uống nước; Chúa ghi mười lời giao ước vào bia
đá. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102,
6-7. 8-9. 10-11. 12-13
Đáp: Chúa là
Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).
1) Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những
người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con
cái Israel. - Đáp.
2) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan
nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn.
- Đáp.
3) Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa
theo điều oan trái chúng tôi. Nhưng cũng như trời xanh vượt cao trên mặt đất,
lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. - Đáp.
4) Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi
chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính
sợ Người. - Đáp.
ALLELUIA: Dt 4,
12
Alleluia, alleluia!
- Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và là ý muốn của
tâm hồn. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt
13, 36-43
"Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào,
thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến
gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng
cho chúng con nghe". Người đáp lại rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con
Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là
con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt
là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa
thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần
đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất
cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng
chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy
nghe". Đó là lời Chúa.
Suy niệm : Bài học kiên nhẫn
Ngày 13/5/1917 Ðức
Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng tại Fatima và cho biết Nước Nga sẽ trở lại. Cũng
chính năm đó, Lénine đã thực hiện cuộc cách mạng tháng mười để xóa bỏ mọi bất
công của chế độ quân chủ và xây dựng thiên đàng tại thế. 80 năm trước đây, lắng
nghe và tin vào những lời tiên báo của ba trẻ Fatima thật là phi lý. Nhưng thời
giờ của Thiên Chúa không phải là thời giờ của con người. Lucia, một trong ba trẻ
đã được diễm phúc chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên báo; các bức tường đã sụp
đổ, bạo động và máu nhường chỗ cho sự tha thứ, lòng nhân từ, tinh thần hòa giải.
Kiên nhẫn là một trong
những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử, nhưng chính
Thiên Chúa mới là Ðấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Ðó là bài học mà có
lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt
tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại. Ở thời đại
nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc
xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến hiện nay. Khi người
ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây lúa tốt tươi.
Qua dụ ngôn cỏ lùng,
có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch
của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được
sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh
của tối tăm. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta.
Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: "Sự
thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm". Sức
mạnh của tội ác, của ma quỷ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một
thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy
chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?
Cảm nghiệm sâu sắc về
nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần cảm thông, kiên nhẫn
và tha thứ cho người khác hơn. Ðó là bài học thực tiễn mà có lẽ mỗi người chúng
ta cần đào sâu, đồng thời cầu xin để mỗi ngày chúng ta phát hiện ra những tia
sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những người xung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 17 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: Exo
33:7-11, 34:5-9, 28; Mt 13:35-43.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa sẽ
trả lại cho con người tùy theo việc làm của họ.
Không ai có thể phủ nhận
sự hiện diện của ác thần mà chúng ta gọi là ma quỉ trong cuộc sống. Trong khi
người thiện tâm và cầu tiến luôn tìm cách vươn lên; thì có một thế lực luôn kéo
ghì con người xuống. Thánh Phaolô đã trình bày kinh nghiệm này như sau: "Điều
tôi muốn, tôi không làm; nhưng lại làm điều tôi không muốn... Ai có thể cứu tôi
khỏi tình trạng thảm thương này?" Nhiều người lo sợ ác thần đang có cơ hội
thắng thế và một ngày sẽ làm chủ thế giới này!
Các Bài Đọc hôm nay muốn
nêu bật sự đối nghịch giữa tình thương của Thiên Chúa dành cho con người với sự
phá hủy của ma quỉ, muốn lôi kéo con người về phía chúng. Trong Bài Đọc I, tác
giả Sách Xuất Hành trình bày sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người qua
"cột mây" trước Lều Hội Ngộ và sự đàm đạo với ông Moses như một người
bạn để mặc khải kế hoạch của Ngài cho dân chúng; trong khi quỉ thần luôn tìm
cách khích động dân phản động quay lưng lại với Thiên Chúa và các nhà lãnh đạo
của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ.
Thiên Chúa luôn gieo những hạt giống tốt vào thế gian; trong khi quỉ thần luôn
tìm cách gieo những cỏ lùng. Ngài sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho đến Ngày Tận Thế,
khi các thiên thần của Ngài sẽ đi gom nhặt tất cả các quỉ thần và đồng bọn của
chúng để tiêu diệt muôn đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Ngài qua "cột mây"
trước Lều Hội Ngộ.
1.1/ Thiên Chúa hiện diện
với con cái Israel dưới nhiều hình thức: Suốt
40 năm lang thang trong sa mạc, Thiên Chúa luôn tỏ sự hiện diện của Ngài dưới
nhiều hình thức khác nhau:
(1) Lều Hội Ngộ
và cột mây: "Ông Moses lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình
bên ngoài trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý Đức
Chúa thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại. Mỗi khi ông Moses ra Lều, toàn dân đứng
lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Moses cho đến khi ông vào
trong Lều. Mỗi khi ông Moses vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống,
đứng ở cửa Lều, và Đức Chúa đàm đạo với ông Moses. Khi thấy cột mây đứng ở cửa
Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình."
Ngày nay, Thiên Chúa vẫn
hiện diện với con người dưới hình thức khác nhau, nhất là trong Nhà Tạm, nơi
Ngài chờ con người đến thăm viếng và tâm sự với Ngài. Giống như con cái Israel,
chúng ta cần có thái độ cung kính trước sự hiện diện của Thiên Chúa, mỗi khi
chúng ta đến thăm viếng Thiên Chúa trong nhà thờ.
(2) Thiên Chúa nói với
dân qua người lãnh đạo: Trình thuật kể: "Đức Chúa đàm đạo với ông Moses, mặt
giáp mặt, như hai người bạn với nhau."
+ Đây là một đặc quyền
Thiên Chúa ban cho ông Moses, được đàm đạo với Ngài diện đối diện mà không phải
chết, dù đây chỉ là kiểu nói của người đời vì Thiên Chúa không có mặt người.
Đây cũng là hy vọng tối cao cho mỗi người chúng ta, khi chúng ta được nhìn thấy
Thiên Chúa như Ngài là, trong thị kiến tuyệt hảo (beatific vision). Theo mối thứ
sáu của Bát Phúc, chỉ có những ai có lòng thanh sạch mới được nhìn thấy Thiên
Chúa. Ông Moses phải là người có tâm hồn trong sạch.
+ Thiên Chúa vẫn đang
nói với chúng ta qua các nhà lãnh đạo: Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, các
cha, thầy, sơ, và các cha mẹ chúng ta; để qua họ, chúng ta nhìn thấy rõ hơn những
gì Ngài muốn trong cuộc đời chúng ta.
1.2/ Thiên Chúa luôn
trung tín và công bằng: Trong thị kiến hôm
nay, Đức Chúa mặc khải cho ông Moses những sự thật về Ngài: "Đức Chúa! Đức
Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín,
giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi,
nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của
cha ông."
(1) Tội lỗi và hình phạt:
Vì Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, Ngài sẽ tha thứ tội lỗi nếu tội nhân biết ăn
năn hối cải; nhưng họ vẫn phải lãnh nhận hình phạt tùy theo tội trạng của mình.
Hình phạt có thể là chính những thiệt hại con người gây nên cho mình; ví dụ, tội
kiêu căng sẽ bị mọi người xa tránh. Hay con người phải chịu những hình phạt vì
đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; ví dụ, 3 năm tù vì đã gây thiệt hại vật
chất cho tha nhân.
(2) Ông Moses bầu cử
cho dân chúng: Ông Moses vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: "Lạy
Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con.
Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội
lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài." Giống như tổ-phụ
Abraham bầu cử cho dân thành Sodom, ông Moses cũng bầu cử cho con cái Israel.
Ông xin Thiên Chúa luôn hiện diện với dân và nhận họ làm dân riêng của Ngài. Chỉ
những người được coi là nghĩa thiết với Thiên Chúa, mới có thể làm được điều
này.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ.
2.1/ Nghĩa biểu tượng
(allegorical) của dụ ngôn cỏ lùng: Bấy giờ,
Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng:
"Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe."
Rất ít dụ ngôn có nhiều những nghĩa biểu tượng như Chúa Giêsu cắt nghĩa về dụ
ngôn cỏ lùng:
+ Kẻ gieo hạt giống tốt:
là Con Người, chính Đức Kitô.
+ Kẻ thù đã gieo cỏ
lùng: là quỷ thần, những kẻ đối nghịch với Thiên Chúa.
+ Ruộng: là thế gian.
Nhiều người ví thế gian như một bãi chiến trường giữa thiện và ác.
+ Hạt giống tốt: là
con cái Nước Trời, những người muốn sống theo sự thật và sự tốt lành.
+ Cỏ lùng: là con cái
Ác Thần, những người từ chối sống theo đường lối của Thiên Chúa.
+ Mùa gặt: Như mùa gặt
phải đến với nhà nông, Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến với con người. Thợ gặt là
các thiên thần.
2.2/ Ngày Tận Thế sẽ xảy
đến: Mục đích của dụ ngôn thường chỉ muốn
nói lên một điều chính yếu. Điều chính yếu trong dụ ngôn cỏ lùng là sự hiện diện
của quỉ thần trong cuộc sống con người. Chúng cạnh tranh với Thiên Chúa để lôi
kéo con người theo chúng; nhưng chúng chỉ có quyền hạn trên con người cho tới
Ngày Tận Thế. Trong ngày đó, quỉ thần và con cái của chúng sẽ bị tiêu diệt muôn
đời, như lời Chúa Giêsu tuyên bố hôm nay: "Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng
rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến Ngày Tận Thế cũng sẽ xảy ra như vậy."
(1) Số phận của ma quỉ
và con cái của chúng: "Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung
mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước
của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến
răng."
(2) Số phận của con
cái Nước Trời: "Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong
Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải chịu
trách nhiệm về tất cả hành động khi còn sống trên dương gian này. Vì thế, chúng
ta phải cố gắng hết sức để sống theo những gì Thiên Chúa dạy bảo.
- Ngày Tận Thế chắc chắn
sẽ tới như ngày thu hoạch mùa màng của nhà nông. Trong Ngày đó, quỉ thần và ác
nhân sẽ bị tiêu diệt như cỏ lùng; còn người công chính sẽ được hưởng hạnh phúc
muôn đời. Chúng ta đừng dại dột để sống theo cám dỗ của chúng để khỏi bị tiêu
diệt muôn đời.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
01/08/2017 - THỨ BA TUẦN 17 TN
Th. An-phong Ma-ri-a
Li-gô-ri, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 13,36-43
MẶT TRẬN KHÔNG YÊN TĨNH
“Kẻ gieo hạt giống tốt là
Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là
con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỉ. Mùa gặt là ngày tận thế.”
(Mt 13,37)
Suy niệm: Người Việt Nam dễ phì
cười khi nghe chuyện có kẻ làm ruộng mà để mặc cỏ dại lớn lên cùng với lúa.
Nhưng đôi khi trường hợp này cũng xảy ra (chẳng hạn, bạn trồng lúa rẫy đại trà,
lại gặp mưa dai dẳng, cỏ sinh sôi rất nhanh, bạn sẽ không làm cỏ kịp.) Và như
thế, một cuộc đấu tranh sinh tồn sẽ diễn ra giữa lúa và cỏ dại. Cuộc đấu tranh
này không ồn ào, nhưng rất gay cấn và quyết liệt. Dù bạn là lúa hay cỏ, nếu bạn
để mình bị lấn lướt, chèn ép, thì bạn sẽ bị chết ngạt. Cuộc chiến giữa con cái
Nước Trời và con cái Ác thần đang diễn ra trên mặt đất này cũng thế. Thử hình
dung, nếu bạn biết được tất cả những gì đã xảy ra ở khắp mọi nơi tại Sài Gòn
hoặc Hà Nội trong 24 giờ vừa qua, và bạn làm một thống kê 2 cột về các việc tốt
lành và các việc xấu xa mà người ta đã nghĩ / nói / làm. Cột nào sẽ áp đảo cột
nào? Bạn có mơ nhận được một kết quả lạc quan không?
Mời Bạn: Ý thức rằng là môn đệ của Đức Kitô, chúng
ta đang ở trong một mặt trận nóng bỏng có tính một mất một còn. Ta đừng bao giờ
quên rằng ma quỉ thực sự hiện hữu và không ngừng làm việc, và rằng ma quỉ khôn
khéo nhiều lần hơn ta. Ta không thể nào thắng được đối phương nếu không bám
chặt lấy vị chủ tướng của mình là Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng Ác thần.
Sống Lời Chúa: Ý thức làm lành lánh dữ
và cổ võ ý thức này nơi người khác, để thế giới được thêm lúa và bớt cỏ lùng.
Cầu nguyện: Hát “Vì con muốn
làm men, muốn làm muối ướp cho mặn đời…”
(5 Phút Lời Chúa)
Chói lọi như mặt trời (1.8.2017 – Thứ ba Tuần 17 Thường niên)
Cuộc đời Kitô hữu là một nỗ lực không ngừng để nhổ cỏ lùng nơi mình, và khao khát vươn tới sự thánh thiện của chính Thiên Chúa.
Suy niệm:
“Chẳng phải ông đã gieo
giống tốt trong ruộng của ông sao?
Thế thì cỏ lùng ở đâu mà
ra vậy?” (Mt 13, 27).
Có lẽ một số Kitô hữu
trong Hội Thánh sơ khai đã đặt câu hỏi tương tự
khi họ thấy có những phần
tử xấu trong cộng đoàn của mình.
“Ông có muốn chúng tôi
nhổ đi không?”
Ông có muốn chúng tôi
trục xuất họ ra khỏi cộng đoàn không?
Có người tưởng rằng một
Hội Thánh phải gồm toàn những thánh nhân.
Hội Thánh không có chỗ
cho tội nhân, cho con cái Ác Thần (c. 38).
Lời từ chối của ông chủ
ruộng cho thấy sự nhẫn nại của Thiên Chúa.
“Đừng, sợ rằng khi gom cỏ
lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.
Cứ để cả hai cùng lớn lên
cho tới mùa gặt” (Mt 13, 28-29).
Thiên Chúa chấp nhận cỏ
lùng mọc chung với lúa,
con cái Nước Trời sống
chung với con cái Ác Thần cho đến tận thế.
Nhẫn nại và bao dung là
dấu hiệu của sự thánh thiện đích thực,
sự thánh thiện này biết
chờ đợi, biết tôn trọng tự do của con người.
Đôi khi chúng ta cũng có
thái độ nóng nảy của Giacôbê và Gioan,
khi đòi đốt cả làng người
Samari khi họ không chịu đón Chúa (Lc 9, 54).
Chúng ta vẫn sống trong
một thế giới vàng thau lẫn lộn.
Có khi không phân biệt
được lúa với cỏ lùng,
vì trong cái tốt vẫn ẩn
hiện bóng dáng của cái bất toàn,
và trong cái xấu thi
thoảng cũng lóe lên những tia sáng của chân lý.
Một người tốt có thể trở
nên cỏ lùng.
Một người xấu có thể trở
nên gié lúa trĩu hạt.
Chúng ta chưa thể nói gì
về một con người khi người ấy chưa nhắm mắt,
và khi chưa nghe lời phán
xử cuối cùng của Thiên Chúa.
Người đầu tiên được bảo
đảm vào Nước Trời lại là một tên gian phi.
Nhiều vị thánh hôm nay là
những người trước đây đã làm điều gian ác.
Nếu tôi tự đặt câu hỏi:
Tôi là lúa hay cỏ lùng?
Tôi sẽ thấy lúng túng khi
tìm câu trả lời.
Nơi trái tim tôi, tôi
thấy có sự giằng co giữa chọn Chúa và Ác Thần.
Có lúc tôi thấy mình như
đã thuộc trọn về Chúa,
có lúc lại thấy thế gian
và xác thịt như hoàn toàn thống trị mình.
Ngay trong điều tốt tôi
làm, vẫn có điều gì không tuyệt đối trong suốt.
Tôi hiểu rằng cỏ lùng vẫn
có chỗ trong thửa ruộng của lòng tôi.
Thiên Chúa vẫn chấp nhận
tôi như thế đó.
Nếu Ngài nghiêm phạt tôi
thì tôi đâu còn sống đến nay.
Dụ ngôn trên nhắc chúng
ta không được tiếm quyền xét xử của Thiên Chúa,
không đòi xóa sạch sự dữ
trong một sớm một chiều.
Nhưng chúng ta lại không
được để mặc cho sự dữ thao túng.
Chúng ta dám hy sinh mạng
sống để xây dựng một thế giới công bình.
Đức Giêsu đã bị sự dữ
nuốt chửng, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng.
Cuộc đời Kitô hữu là một
nỗ lực không ngừng để nhổ cỏ lùng nơi mình,
và khao khát vươn tới sự
thánh thiện của chính Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài
vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một
người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu
thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là
một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả
vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG TÁM
Tại Sao Thiên Chúa Cho Phép Sự Dữ Xảy Ra?
Thánh Kinh đảm bảo rằng “sự ác không lướt thắng được sự khôn ngoan” (Kn 7,30). Điều đó khích lệ chúng ta
xác tín rằng trong kế hoạch quan phòng của Đấng Tạo Hóa, rốt cục sự dữ cũng ‘chịu thua’ sự thiện. Trong ánh sáng của sự quan phòng thần linh,
chúng ta bắt đầu hiểu hai sự thật này: một là, “Thiên Chúa không muốn sự dữ vì chính nó”; hai là, “Thiên Chúa cho phép điều dữ xảy ra”.
Để hiểu tại sao “Thiên Chúa không muốn sự dữ vì chính nó”, chúng ta cần nhớ lại những lời trong Sách Khôn Ngoan: “Thiên Chúa không làm ra cái chết; Ngài cũng chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu
vong. Ngài đã sáng tạo muôn loài
cho chúng hiện hữu” (Kn 1,13-14).
Để hiểu tại sao Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra giữa những sự vật thể lý, rất cần nhớ lại rằng vật chất thể lý – trong đó có thân xác con người – là những thứ dễ hư nát và tiêu vong. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng điều này ảnh hưởng đến chính cơ cấu của bản tính vật chất của các tạo vật này. Nhưng điều này hoàn toàn lô-gíc. Thật khó mà hình dung rằng các thụ tạo vật chất có thể tồn tại mà không bị giới hạn trong tình trạng hiện hữu của thế giới vật chất chúng ta. Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng nếu “Thiên Chúa không làm ra cái chết” – như Sách Khôn Ngoan khẳng định – thì đồng thời Ngài vẫn cho phép cái chết xảy ra, trong viễn tượng của sự tốt lành phổ quát của toàn vũ trụ vật chất.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Gương Thánh Nhân
Ngày 01-08
Thánh ALPHONSÔ LIGUORI
Giám mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (1696 - 1787)
Thánh Alphongsô Maria Liguori sinh ngày 27 tháng
9 năm 1696 tại Marinella gần Naples và là con trưởng trong 7 anh em. Ngay từ trong nôi, Ngài là giao điểm tập hợp ân huệ đáng mơ ước như trí thông minh, danh giá, tài sản, thiên khiếu nghệ thuật và một tấm lòng đại độ.
Trong khi đó người mẹ rất đạo hạnh nghĩ rằng: - Các ân huệ tốt đẹp nhất sẽ chẳng có giá trị gì nếu không hướng về Chúa. Người lãnh nhiều phải trả nhiều.
Như vậy ân phúc kỳ diệu nhất mà Alphongsô nhận được chính là giáo huấn của người mẹ. Alphongsô học tiếng Hy lạp, tiếng Latinh, tiếng Pháp và toán. Ngài say mê âm nhạc và hội họa. Là một con người có chí. Alphongsô gây ảnh hưởng tốt đối với chúng bạn. Bằng sự trong trắng tế nhị và lòng đạo đức của mình. Một người bạn kể lại rằng: có lần thua cuộc chơi và giận dữ đến độ trở nên sỗ sàng. Alphongsô buồn phiền nghỉ chơi và nói: - "Chúa không muốn tôi được chút tiền đã khiến cho bạn làm phiền lòng Ngài"
Thế rồi Alphongsô biến mất vào vườn. Các bạn đổ xô đi tìm Ngài và gặp Ngài đang
quỳ cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ đặt trên cành cây. Người bạn xấu xúc động nói : - "Tôi đã làm phiền một vị thánh".
Alphongsô thành công rất sớm trên cùng đời. 17 tuổi Ngài đậu bằng tiến sĩ luật khoa cả về giáo luật lẫn dân luật và đã bắt đầu hành nghề luật sư. Khả năng hùng biện của Ngài hứa hẹn một tương lai sáng lạn. Nhưng tuổi trẻ cũng có cớ dẫn Ngài tới lỗi lầm với trong hậu quả bi thảm, năm 1723 trong một vụ kiện, Ngài biện hộ với một giọng nói hùng hồn. Lý lẽ vững chắc, làm cho cả tòa án phải ngỡ ngàng tán thưởng. Nhưng khi vừa dứt lời, đối thủ ôn hoà vạch ra một lỗi nhỏ mà Ngài không nhận thấy. Chính lỗi nhỏ đó đã tiêu hủy luận chứng lẫn danh tiếng của Ngài.
Thất bại Alphongsô rất đau buồn và đã đóng cửa phòng hai
ngày liền. Ngài suy nghĩ và tự hỏi rằng: "Đây không phải là lời mời gọi của Chúa hay sao ...? Bỏ nghề, Ngài nói : - "Oi thế gian, ta đã biết ngươi. Hỡi pháp đình, ngươi sẽ không còn gặp ta nữa".
Ngài tìm đường sống và dấn thân cho công cuộc bác ái. Một ngày kia,
đang khi thăm viếng các bệnh nhân trong một nhà thương, Ngài nghe hỏi: - "Ngươi làm gì ở thế gian này ?"
Nhìn chung quanh Ngài không thấy ai, nhưng Ngài vẫn nghe hỏi một lần nữa. Vào một nguyện đường dâng kính Đức Mẹ từ bi gần đó, Ngài hứa sẽ gia nhập dòng giảng thuyết và làm linh mục. Đặt thanh gươm trên bàn thờ Ngài nói:- "Lạy Chúa này
con đây, xin hãy làm nơi con điều đẹp lòng Chúa. Con là gì và con có chi, con xin hiến dâng để phụng sự Chúa".
Nghe tin này cha Ngài giận dữ, Ngài quyết bỏ nghề, bỏ cả vị hôn thê của Ngài sao ?
Ngài đã trả lời rằng: đối với Chúa chẳng có hy sinh nào gọi là quá lớn lao cả. Ngài cương quyết giữ ý định và cha Ngài không thèm nhìn
đến Ngài nữa. Năm 1726, Ngài thụ phong linh mục.
Thánh nhân rao giảng khắp vương quốc Naples. Cha Ngài giận dữ quyết không chịu nghe. Ngày
kia ông vào một thánh đường, đúng lúc con ông đang thuyết giảng. Thoạt đầu ông giận dữ, nhưng rồi dần dần ông mềm lòng. Ơn Chúa đã đến nhờ lời giảng dạy của con ông. Kết thúc giờ phụng vụ ra về ông nói: "Con tôi đã làm
cho tôi được biết Chúa".
Suốt đời, thánh Alphongsô không những chỉ nỗ lực trong công việc tri thức mà còn lo tiếp xúc với dân chúng. Ngài chỉ thích việc ngồi tòa hơn là việc nghiên cứu. Ngài mang đặc điểm của một linh mục truyền giáo. Thành quả của Ngài thực hiện được chính là dòng Chúa Cứu Thế, thành lập tại Scala tháng 11 năm 1732. Dầu cho từ đầu, hội dòng đã bị phân rẽ thành hai phe và thánh
Alphongsô phải khởi đầu lại, với hai người bạn, nhưng hội dòng cũng khởi sự lớn dần. Dòng được chuẩn nhận ngày 21 tháng 2 năm 1749.
Năm 1548 thánh nhân xuất bản bộ thần học luân lý, được đức giáo hoàng Bênêdictô XIV phê
chuẩn và gặt trong nhiều thành quả tức thời.
Năm 1762 Đức Clementô XIV đặt Ngài làm
giám mục cai quản địa phận Agata. Ngài nỗ lực thăng tiến lòng đạo đức trong điạ phận, khởi sự từ viêc canh tân hàng giáo sĩ. Năm 1775 Ngài được đức giáo hoàng Piô VI cho phép từ nhiệm để về sống trong dòng tại Nocera.
Những năm cuối đời, thánh Alphongsô đã trải qua rất nhiều đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Dầu trong "đêm tối của linh hồn" Ngài vẫn không nao núng và luôn kiên trì cầu nguyện. Ngài nói: "Ai cầu nguyện sẽ được cứu thoát, ai không cầu nguyện sẽ tự luận phạt". Cuối cùng Ngài tìm được bình an và qua đời năm 1787.
(daminhvn.net)
01 Tháng Tám
Bài Giảng Của Vị Giáo Trưởng
Trong một thị trấn nhỏ bên Liên Xô. Một số người Do Thái đang chờ đón vị giáo trưởng của họ. Ðã lâu lắm cộng đoàn của họ không có người lãnh đạo. Vị giáo trưởng lại cư ngụ trong một thành phố khác. Ông chỉ đến thăm cộng đoàn nhỏ bé này mỗi năm một lần. Ai ai cũng náo nức được gặp con người thánh thiện nổi tiếng này. Mọi người chuẩn bị những câu hỏi mà họ sẽ lần lượt nêu lên để xin vị giáo trưởng giải đáp.
Khi ông đến nơi, sự căng thẳng càng hiện lên trên nét mặt của nhiều người. Ai cũng đang trong tư thế giơ tay để đặt câu hỏi. Nhưng khi mọi người đã an tọa trong phòng họp, vị giáo trưởng không nói lời nào. Ông đưa mắt nhìn mọi người. Một hồi lâu, ông bỗng ngân nga một điệu nhạc. Mọi người đều bắt chước làm theo. Vị giáo trưởng lại cất tiếng hát lên một bài ca quen thuộc. Mọi người cũng hát theo ông... Mọi người tưởng nghi thức mở đầu ấy sẽ chấm dứt và vị giáo trưởng sẽ nói lên những lời vàng ngọc.
Nhưng không, trái với sự chờ đợi của mọi người, hết bài ca này đến bài ca khác, ông không ngừng bắt lên những bài ca mới. Khi các bài ca vừa dứt, ông bước xuống khỏi bục giảng và bắt đầu nhảy múa. Ông vừa nhảy vừa vỗ tay, không mấy chốc cả cử tọa cũng bước ra khỏi ghế và nhảy theo ông. Tiếng vỗ tay, tiếng hát, tiếng nhịp chân lôi kéo mọi người vào điệu múa khiến họ không còn nhớ đến những câu hỏi mà họ đã chuẩn bị từ mấy hôm trước. Cả cộng đoàn hòa nhịp với nhau trong đôi chân, cùng nắm tay nhau, cùng khăng khít với nhau trong phấn khởi, vui tươi, cảm thông, hiệp nhất...
Khi các điệu vũ đã chấm dứt, mọi người trở về chỗ ngồi của mình. Lúc bấy giờ, vị giáo trưởng mới lên tiếng nói và ông chỉ nói có vỏn vẹn một câu ngắn ngủi như sau: "Tôi tin chắc rằng tôi đã trả lời cho mọi thắc mắc của anh chị em".
Cô đơn là nguyên nhân gây ra mọi thứ xáo trộn, bệnh tật trong chúng ta. Cô đơn đưa chúng ta đến sầu muộn. Sầu muộn đưa chúng ta đến nổi loạn. Nổi loạn đưa chúng ta đến tội ác...
Có những người bị người khác đày đọa cô đơn, nhưng cũng không thiếu những người tự giam hãm vào cô đơn. Nhưng đày đọa kẻ khác vào cô đơn cũng có nghĩa là cắt bớt đi một sợi dây liên kết, là tiến dần đến chỗ cô đơn.
Ðể ra khỏi cô đơn, liều thuốc duy nhất chính là làm cho người khác bớt cô đơn. Một tiếng hát vui tươi cất lên để mời gọi mọi người cùng hát với mình, một tiếng vỗ tay tung ra để mời gọi mọi người cùng phấn khởi với mình, một nhịp bước đưa ra để mời gọi mọi người cùng nhảy múa với mình: khi hòa nhịp với nhau trong một niềm vui chung, người ta sẽ xóa đi được bao nhiêu vấn đề vướng mắc trong tâm tư.
Có ra khỏi chính mình để chia vui sẻ buồn với người, có ra khỏi chính mình để chỉ nghĩ đến những ưu tư phiền muộn của người, có ra khỏi chính mình để lo lắng cho người, để giúp đỡ người, chúng ta mới làm vơi đi được nỗi cô đơn của mình và cũng giúp người bớt cô đơn.
Cho thì có phúc hơn nhận lãnh: càng trao ban, càng ra
khỏi chính mình, chúng ta mới cảm thấy vơi nhẹ đi những ưu tư, lo lắng của mình...
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét