23/07/2017
Chúa Nhật 16 thường niên năm A.
(phần I)
Bài Ðọc I: Kn 12, 13.
16-19
"Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn trở lại".
Trích sách Khôn Ngoan.
Ngoài Chúa, không có
chúa nào khác chăm sóc mọi sự, ngõ hầu minh chứng rằng Chúa không đoán xét bất công.
Vì chưng, sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh, và vì Người là Chúa mọi
sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người. Chúa chỉ tỏ sức mạnh Chúa ra khi có kẻ
không tin vào uy quyền của Chúa, và triệt hạ kẻ kiêu căng không nhìn biết Người.
Vì là chủ sức mạnh,
nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung: vì
khi Chúa muốn, mọi quyền hành tuân lệnh Người. Khi hành động như thế, Người dạy
dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con
cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 85, 5-6.
9-10. 15-16a
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa nhân hậu và khoan dung (c. 5a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, vì
Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy
Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài. - Ðáp.
2) Các dân tộc mà Chúa
tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ ca tụng danh Ngài.
Vì Ngài cao cả và làm những điều kỳ diệu; duy một mình Ngài là Thiên Chúa. -
Ðáp.
3) Nhưng lạy Chúa,
Ngài là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình, rất mực khoan dung và thủ
tín. Xin đoái nhìn đến con và xót thương con. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 8, 26-27
"Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than
khôn tả".
Trích thư Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, có
Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện
thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng
than khôn tả. Mà Ðấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi
vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 6, 64b và
69b
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống
đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 13, 24-30
{hoặc 24-43}
"Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như người kia
gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến
gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ
lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: "Thưa ông, thế ông
đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?"
Ông đáp: "Người thù của ta đã làm như thế". Ðầy tớ nói với chủ:
"Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ". Chủ nhà đáp:
"Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ
để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: "Các anh
hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất
vào lẫm cho ta".
{Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: "Nước trời
giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt
giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi
chim trời đến nương náu nơi ngành nó".
Người lại nói với họ một
dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy
đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".
Chúa Giêsu dùng dụ
ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà
không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: "Ta sẽ mở miệng
nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế
gian". Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp
Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho
chúng con nghe". Người đáp rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng
là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian
ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các
thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào,
thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu
tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả
chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói
như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".}
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Rút ra cả cái
mới cũ mà xây dựng cuộc đời
Chúa vừa nói với chúng ta những lời dễ hiểu. Thế gian này là thửa ruộng
có cỏ xấu mọc chen với lúa tốt, có người dữ sống lẫn với người lành. Hiện tượng
này có thật; ai ai cũng thấy và nhiều khi làm khổ chúng ta. Hơn nữa, nhiều lần
chúng ta cũng giống như những người tôi tớ trong bài Tin Mừng, muốn xin lửa bởi
trời xuống đốt sạch phường gian ác đi, để thế giới này được bình an và hạnh
phúc hơn. Nhưng không hiểu sao một vấn đề xa xưa như vậy mà vẫn còn y nguyên từ
đời này qua đời khác. Và khi ngoái cổ nhìn lại chỗ vừa nhổ xong, họ lại thấy cỏ
xấu muốn mọc lên. Loài người muốn kêu lên Thiên Chúa để Người giúp đỡ. Nhưng họ
chẳng tìm được an ủi nào, trừ những Lời mạc khải chúng ta vừa nghe đọc. Thế nên
chúng ta cần thành kính đọc đi đọc lại những bài Thánh Kinh hôm nay để tìm thấy
lẽ sống trước một vấn đề nan giải. Chúa dạy chúng ta thế nào đối với hiện tượng
lành-dữ pha phôi, xen lẫn ở trần gian này?
A. Lời Sách Khôn Ngoan
Cựu Ước có bảy cuốn sách mệnh danh là sách Khôn ngoan. Trong số đó có một
cuốn được gọi thẳng là sách Khôn Ngoan. Bài đọc 1 hôm nay trích một đoạn trong
sách ấy. Và đoạn trích này cho chúng ta một ý tưởng sơ khởi về các sách Khôn
ngoan trong Cựu Ước.
Ðại khái, đó là những tác phẩm được viết ra khi dân Dothái đã tiếp xúc
nhiều với triết học của các cường quốc lân bang, đặc biệt khi họ đã liên lạc
nhiều với người Hylạp. Họ cũng bắt chước các nhà hiền triết của các dân tộc ấy
suy nghĩ về các huyền nhiệm day dứt lương tâm con người. Hiện tượng kẻ lành người
dữ chung đụng và chung sống với nhau là một trong những thắc mắc lớn. Làm sao
không thể khiến trái đất này chỉ còn có những người lành?
Một số tác giả người Dothái được Chúa linh ứng suy nghĩ về những huyền
nhiệm như thế. Và sách vở họ viết ra làm thành các sách Khôn Ngoan của Cựu Ước.
Những vấn đề họ nêu lên có màu sắc triết học. Nhưng cách thức họ trình bày, và
nhất là suy tư của họ lại quy về tôn giáo, khiến những sách tôn giáo này trở
nên những sứ điệp mạc khải ý Chúa nhiệm mầu. Người ta phải nghe với niềm tin và
chỉ lãnh hội được nếu có ơn Chúa.
Vậy sách Khôn ngoan và đặc biệt đoạn trích hôm nay nghĩ thế nào về hiện
tượng kẻ lành người dữ chung đụng ở trần gian?
Ngay ở câu đầu bài trích hôm nay, tác giả Sách Thánh đã cho chúng ta một
cái nhìn đức tin. Chúng ta hãy dịch lại cho đúng lời của ông (theo bản dịch của
Nguyễn Thế Thuấn): "Ngoài Chúa ra không có thần nào lo đến chúng sinh để
Ngài phải trình bày là Ngài đã không xét xử bất công". Nghĩa là Thiên Chúa
là Ðấng duy nhất cai trị vạn vật. Mọi sự đều do Ngài sắp đặt. Và chẳng có ai
hơn Ngài để Ngài phải báo cáo về công việc điều hành của Ngài.
Với những lời lẽ như thế, sách Khôn ngoan đã nói lên lập trường của niềm
tin. Người có đức tin không coi mình là chúa tể vạn vật. Họ không được đứng ra
vặn hỏi trời đất, dường như mọi sự phải ra như họ suy nghĩ. Không, con người phải
nhận biết thân phận của mình. Các nhà khoa học lớn nhất chỉ là những người khám
phá ra các định luật sâu xa trong trời đất để tuân theo. Vì cả khi dùng khoa học
làm chủ thiên nhiên, họ vẫn phải chấp nhận các đặc tính của tạo vật. Thế nên
các nhà khoa học là những người rất khiêm tốn, ít nhất đối với thực tại thiên
nhiên. Thế thì vì sao con người lại tự phụ cư xử như chúa tể đối với các vấn đề
con người?
Khi bực tức trước hiện tượng lành dữ pha trộn trong thế gian, họ không tự
đặt làm thẩm phán xét xử kẻ sống và người chết sao? Cha Yves de Montchueil có một
nhận xét rất ý vị: thường thường người ta phân biệt có hai hạng người trong xã
hội; những người tốt đứng từ bàn chân người ta trở lên, còn những người xấu đứng
từ bàn chân người ta trở xuống. Tức là ai cũng coi mình là thước đo, là ranh giới.
Những người như mình hay được mình quý là tốt; còn những ai không như mình và
không đẹp ý mình đều xấu. Và không biết được mấy người thuộc loại trên! Chỉ
nguyên điều đó đã chứng tỏ vấn đề lành dữ tốt xấu vô cùng phức tạp và người ta
có thể cãi nhau, đánh nhau mãi mãi để phân biệt người lành kẻ dữ.
Cũng may con người không phải là chúa tể vạn vật. Họ không phải là thước
đo mọi sự. Họ không phải là thẩm phán tối cao. Nếu vậy cả trong vấn đề lành dữ
này, họ phải lãnh ý Thiên Chúa; họ phải tìm hiểu, khám phá quan điểm của Ngài.
Và đó là điều mà câu đầu bài sách Khôn ngoan hôm nay muốn dạy chúng ta.
Tư tưởng thứ hai của bài này là Thiên Chúa điều khiển mọi sự một cách
toàn năng, nên Ngài khoan dung lạ lùng. Chứ không như những ai ít quyền thế, vì
khả năng có hạn nên luôn luôn muốn xử cứng đối với những ai hơi khó bảo. Thật vậy,
bậc trượng phu sợ gì sự chống đối. Chỉ kẻ yếu thế mới vội vàng tác oai. Phạm tội
là phản loạn cùng Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa diệt hết kẻ dữ, há chẳng tỏ ra Người
không toàn năng sao?
Nhưng lý do cuối cùng của thái độ bao dung của Ngài, chính là lòng bác ái
bao la muốn cho tội nhân trở lại mà được sống. Thế nên thái độ của người công
chính ở đời, của người đi theo đường lối của Thiên Chúa, là phải nhân đạo, phải
thương người, phải muốn cho tội nhân sám hối ăn năn, chứ không phải là mong cho
họ bị tiêu diệt.
Thiết tưởng bài học của sách Khôn ngoan đã khá đủ để chúng ta suy nghĩ và
sửa mình. Nhưng Phụng vụ hôm nay còn muốn góp ý thêm qua bài Tin Mừng để hiện
tượng kẻ lành người dữ chung đụng ở trần gian được soi sáng một cách thỏa đáng.
B. Lời Của Tin Mừng
Chúng ta chỉ nói đến một dụ ngôn, dụ ngôn cỏ xấu mọc xen với lúa tốt. Lời
Chúa ở đây rất sống động. Ðó là một màn kịch nhỏ, mau lẹ nhưng đầy ý nghĩa. Người
ta thấy thái độ nông nổi của tôi tớ. Còn ông chủ thì chín chắn và thực tình muốn
xây dựng. Ông chỉ đích danh tác giả gây ra cỏ lùng; nhưng đồng thời ông cũng muốn
tôi tớ phải khiêm cung: này, ý tứ khi nhặt cỏ lùng, lỡ ra các anh lại nhổ lúa cả
rễ một thể. Nghĩa là phán đoán của các anh chưa bảo đảm đâu. Hơn nữa các anh đừng
quên bổn phận của các anh vì "hãy cứ để chúng mọc lên cả hai cho đến mùa gặt".
Giống tốt cũng phải mọc lên và sinh bông trái; nếu không, đến mùa gặt là ngày tận
thế, giống tốt cũng chỉ là cỏ và khi ấy cũng sẽ bị bó lại để thiêu đi. Thật ra
người ta không thu cỏ lùng trước đâu. Người ta thường chỉ gặt lúa mang về nhà.
Còn rươm rạ sẽ cắt sau. Nhưng ở đây vì tôi tớ đang muốn biết về số phận của cỏ
lùng, nên buộc lòng người chủ phải nói đến nó trước.
Như vậy, qua bài Tin Mừng, Chúa Yêsu cho chúng ta thấy thêm nhiều yếu tố
của vấn đề lành dữ lẫn lộn trong thế gian. Nguyên nhân gây nên sự dữ là Satan,
kẻ thù của Thiên Chúa. Người ta không nên dán nhãn hiệu lãnh dữ vào trán nhau
vì tất cả đang còn thay đổi, đang thời lớn lên. Hãy cố gắng sinh bông trái kẻo
trở thành cỏ dại bị thiêu đi sau này. Tuy nhiên ý tưởng cốt yếu ở đây là thời tận
thế, lúc chung cuộc. Người ta phải đợi đến ngày ấy để thấy kẻ dữ bị thiêu đi và
người lành sáng chói lên.
Nhưng ý tưởng của phần giải thích dụ ngôn dường như lại nhấn mạnh đến
hình phạt dành cho kẻ dữ. Chúng ta không nên lấy làm lạ vì sự chuyển hướng này.
Nó cho chúng ta thấy ở mỗi thời Lời Chúa muốn mạc khải một khía cạnh riêng biệt.
Vì người khôn trong Nước Trời phải biết bắt chước người gia chủ "rút ra cả
cái mới cũ" mà xây dựng cuộc đời.
Chúng ta hãy cố ghi lại hết mọi mạc khải Chúa mở ra cho chúng ta trong
hai bài đọc trên đây. Một đàng bài Cựu Ước cho chúng ta thấy người công chính
phải dành quyền xét xử cho Thiên Chúa và bắt chước Ngài mà có lòng nhân đạo, ước
mong cho người tội lỗi ăn năn hối cải. Với bài Tin Mừng, Chúa dạy chúng ta còn
phải khiêm nhường hơn nữa. Ðừng dán nhãn hiệu cỏ lùng, cỏ xấu cho ai; và ai ai
cũng phải cố gắng sinh hoa kết quả để khỏi trở thành cỏ dại bị thiêu trong ngày
tận thế. Và nếu chúng ta để ý , thì trong phần giải thích dụ ngôn, chúng ta đã
thấy tác giả Thánh Kinh muốn ám chỉ rằng cỏ dại mọc ngay trong lòng Giáo Hội chứ
không riêng gì ở giữa thế gian vì ông viết: Con Người sẽ sai các thiên thần của
Ngài đi nhặt khỏi Nước của Ngài mọi cớ vấp phạm và hết thảy những phường tác
quái.
Tất cả những giáo lý trên khiến chúng ta phải khiêm nhường hơn, vì cỏ dại
có thể mọc cả trong mảnh vườn nhà chúng ta và ngay trong lòng chúng ta. Mọi tâm
tình bực tức với kẻ dữ không còn nữa. Ngược lại từ nay chúng ta phải cầu xin
lòng nhân đạo của Chúa nhiều hơn. Và ở đây, chúng ta thấy những lời thư Phaolô
hôm nay đầy an ủi.
C. Lời Thư Phaolô
Tình cảnh chúng ta rất yếu hèn. Cỏ dại có thể đang mọc trong thân xác
chúng ta. Dục vọng và nết xấu nhiều khi không che giấu được. Và lương tâm chúng
ta nhiều khi phải rên xiết. Ai giúp chúng ta vươn lên tới Chúa để sinh hoa kết
quả? Thánh Phaolô ý thức sâu xa về thân phận con người. Và ngài đã tìm thấy ơn
cứu độ nơi mầu nhiệm tử nạn-phục sinh của Chúa Yêsu Kitô. Chính nơi sự yếu đuối
mà sức mạnh của Thiên Chúa đã tỏ ra tuyệt diệu. Người đã giơ cánh tay uy hùng
phục sinh Ðức Yêsu. Người đã ban Thần trí uy dũng xuống trên các xác phàm, khiến
hôm nay Phaolô viết: "Thần Khí đỡ đần tình cảnh yếu hèn của ta".
Người đỡ đần chúng ta ngay trong việc đầu tiên khi chúng ta đến với Thiên
Chúa. Cầu nguyện thế nào cho phải, đâu chúng ta có biết. Nhưng chính Thần Khí
chuyển cầu cho ta. Người dùng chính sự yếu hèn của ta, khiến nó thốt lên những
lời rên xiết bay lên trước tòa Chúa. Và khi con người biết thú nhận thân phận yếu
hèn và cầu xin ơn cứu độ như vậy, thì họ sẽ được cứu vớt.
Hôm nay chúng ta cũng cầu xin Thần trí đến đỡ đần tình cảnh yếu hèn của
chúng ta. Chúng ta không phải là những người thánh thiện hơn ai. Ngược lại
chúng ta nhìn nhận mình yếu đuối tội lỗi khốn khổ. Chúng ta đến đây không phải
vì xứng đáng hơn mọi người, nhưng chính vì hèn hạ hơn bất cứ ai để xin ơn cứu độ.
Chúng ta mặc lấy tâm tình của Chúa Yêsu Kitô trong mầu nhiệm bàn thờ, là
mầu nhiệm Thánh giá và là mầu nhiệm cầu xin ơn tha thứ cho hết mọi tội nhân.
Chúng ta muốn ơn của thánh lễ cứu độ này tràn xuống trên tất cả chúng ta và lan
ra khắp mặt địa cầu, để đem ơn tha thứ, đổi mới và thánh hóa mọi nơi mọi người.
Cỏ xấu trong thế gian sẽ bớt đi, mất đi không phải do ý chí tự cao tự đại muốn
tiêu diệt mọi người khác mình, nhưng nhờ lòng nhân đạo của Thiên Chúa bao dung
muốn cho mọi người được cứu vớt. Chúng ta hãy chia sẻ tình yêu của Chúa trong
Thánh lễ này để thực hiện nó trong đời sống.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 16 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Wis
12:13, 16-19; Rom 8:26-27; Mt 13:24-43 (hay 24-30)
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kiên nhẫn chờ đợi sự công bằng và nhân từ của Thiên Chúa.
Khi chứng kiến những cảnh
thê lương, hậu quả của những trận lũ lụt hay động đất, con người hay thắc mắc:
Chúa nhân từ ở đâu sao không can thiệp mà lại để những điều đau thương xảy ra
gây đau khổ cho dân lành? Nếu không tìm được câu trả lời, họ tự kết luận: hoặc
Thiên Chúa không có uy quyền để ngăn cản, hoặc có uy quyền nhưng không nhân từ để
ngăn cản, và họ gạt Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống! Khi phải đương đầu với những
bất công xảy ra cho cá nhân, cho gia đình, hay xã hội, con người cũng thắc mắc:
Chúa công bằng ở đâu mà lại để cho kẻ dữ hoành hành làm thiệt hại cho dân lành?
Như vậy trời cao không có mắt, và họ cũng gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống! Nói
tóm, con người thách đố Thiên Chúa trong sự quan phòng của Ngài cho thế giới
theo như cách suy tư và hành động của con người! Con người muốn điều khiển
Thiên Chúa, chứ không muốn để Thiên Chúa điều khiển mình.
Các bài đọc hôm nay muốn
làm nổi bật sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong việc quan phòng thế giới; đồng
thời cũng nói lên những giới hạn về sự hiểu biết của con người. Trong bài đọc
I, tác giả Sách Khôn Ngoan chứng minh Thiên Chúa luôn hành động khôn ngoan và đối
xử nhân từ cũng như công bằng với hết mọi người. Trong bài đọc II, thánh Phaolô
mặc khải cho chúng ta một chân lý: vì con người không biết cách cầu nguyện thế
nào cho đúng, nên Thiên Chúa ban cho con người chính Thần Khí của Ngài, để giúp
con người dâng lên những lời cầu nguyện thích hợp, vừa đẹp lòng Thiên Chúa vừa
sinh ích lợi cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trả lời một vấn nạn thường
xuyên bị chất vấn bởi con người: Tại sao Thiên Chúa không tiêu diệt kẻ gian ác,
mà cứ để chúng sống phây phây, ức hại dân lành?
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa toàn năng, nhân từ và công bằng.
1.1/ Chính do sức mạnh của
Chúa mà Chúa hành động công minh: Đọc lại
các Sách Khôn Ngoan của Cựu Ước, chúng ta sẽ thấy rõ những giới hạn về hiểu biết
của con người. Chẳng hạn trong Sách Ông Job, ông không hiểu tại sao Thiên Chúa
để người lành phải đau khổ. Các bạn của ông vịn vào truyền thống cho là vì tội
lỗi của tổ tiên, của chính ông hay của con cái. Ông xét thấy điều đó không đúng
và băn khoăn, khắc khoải, muốn chính Thiên Chúa cho ông câu trả lời. Khi Thiên
Chúa hiện ra và chất vấn, ông đã phải đưa tay bịt miệng mà thưa: “điều đã nói
ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (Job 42:6).
Thực ra, ông bị đau khổ chỉ vì Thiên Chúa muốn ông chứng minh cho Satan biết niềm
tin yêu ông dành cho Ngài không lệ thuộc vào những sự tốt lành Ngài đã ban cho
và chúc lành cho ông (Job 1:6-2:7).
Thiên Chúa có khôn
ngoan và uy quyền để dựng nên và quan phòng thế giới; con người quá yếu ớt và hạn
hẹp để hiểu biết những công việc của Thiên Chúa. Bổn phận của con người là phải
khiêm nhường nhận ra giới hạn của mình, và đừng bao giờ trách Thiên Chúa bất
công. Tác giả Sách Khôn Ngoan cũng khuyên con người: “Chính do sức mạnh của
Chúa mà Chúa hành động công minh, và vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương
tay với muôn loài. Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng, thì Ngài
tỏ sức mạnh; còn ai đã biết mà vẫn to gan, thì Ngài trị tội.”
1.2/ Thiên Chúa vừa nhân
từ vừa công bằng: Nhân từ và công bằng là 2
đặc tính của Thiên Chúa. Các thánh ví hai đức tính này như hai cánh của con
chim hoặc hai chân của một người. Chim không thể bay với một cánh và con người
không thể đi lại với một chân. Khi một người quá chú trọng đến sự công bằng của
Thiên Chúa, anh có thể sẽ rơi vào sự thất vọng, vì anh không tin Ngài có thể
tha thứ những tội lỗi to lớn của anh. Khi một người quá chú trọng đến khía cạnh
nhân từ của Thiên Chúa, anh dễ bị rơi vào tình trạng “lạc quan miền Thượng.”
Ngài sẽ tha thứ hết tất cả mà chẳng cần phải ăn năn!
Làm sao Thiên Chúa
dung hòa được hai nhân đức này? Tác giả Sách Khôn Ngoan trả lời: “Chúa xử khoan
hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản
chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn... Ngài đã
cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.”
2/ Bài đọc II: Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý
Thiên Chúa.
2.1/ Con người chúng ta
không biết cầu nguyện thế nào cho phải: Nếu
thật tâm nhận xét, tất cả chúng ta đều không biết cách cầu nguyện thế nào cho
phải. Trong Phúc Âm, các môn đệ nhận ra điều này, nên đến xin Chúa Giêsu dạy
cho các ông biết cách cầu nguyện, và Ngài đã dạy cho các ông một Kinh nguyện vô
giá; đó là Kinh Lạy Cha. Có ít nhất là 3 lý do chứng minh con người không biết
cách cầu nguyện.
(1) Con người không biết
những gì sẽ xảy đến trong tương lai: Con người chỉ biết những gì xảy ra trong
giây phút hiện tại; vì thế, một điều có thể tốt trong giây phút hiện tại, nhưng
sẽ không tốt cho con người trong tương lai. Ví dụ, xin cho giàu có thể đưa con
người đến chỗ bị thiệt hại mạng sống hay mất hạnh phúc.
(2) Con người không biết
điều gì tốt cho mình: Có những điều con người xin tưởng là tốt, nhưng mang lại
nhiều cay đắng cho con người. Ví dụ, xin cho có quyền cao, chức trọng; nhưng
con người không biết những hậu quả cay đắng mà con người không thể chịu được.
Hay con cái xin cha mẹ cho được đi chơi đêm mà không biết hậu quả xấu sẽ xảy ra
từ việc đi chơi đêm này.
(3) Con người không biết
lời cầu xin của mình có hại cho người khác: Thiên Chúa có bổn phận bảo vệ mọi
người, vì tất cả đều là con cái Ngài dựng nên dù họ có biết hay không. Ví dụ,
xin Thiên Chúa trừng trị kẻ gian ác thích đáng và ngay lập tức. Ngài nói rõ ý định
của Ngài: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và
được sống” (Eze ).
2.2/ Chính Thần Khí cầu
thay nguyện giúp cho chúng ta: Vì chúng ta
không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nên Thiên Chúa ban cho chúng ta Thần
Khí của Ngài. Thánh Phaolô nói rõ: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta
là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng
chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết
khôn tả.”
Động từ Hy-lạp dùng ở
Rom 8:23 là stenázô, có nghĩa là rên xiết trong lòng. Danh từ
dùng trong trình thuật ở đây là stenámois alalêtois, “những tiếng
rên xiết không diễn tả được thành lời.” Danh từ này có nguồn gốc trong Sách Xuất
Hành, khi Thiên Chúa nghe thấy những tiếng rên xiết của con cái Israel phải làm
nô lệ bên Ai-cập. Họ bị đối xử bất công bởi các người đốc công và bị vất vả khổ
cực tư bề; nhưng không biết kêu cầu đến ai, chỉ biết rên xiết trong lòng (Act
7:34; Exo 3:7-10).
Tại sao Thiên Chúa ban
Thần Khí của Ngài cho con người? Thánh Phaolô cắt nghĩa:
“Ai trong loài người
biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người
trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu
không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận
thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết
những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1 Cor 2:11-13). “Và Thiên Chúa, Đấng
thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp
cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.”
3/ Phúc Âm: Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.
3.1/ Dụ ngôn cỏ lùng: Giống như dụ ngôn Người Gieo Giống, Chúa Giêsu cắt nghĩa
cho các môn đệ dụ ngôn Cỏ Lùng khi các ông đến hỏi Ngài. Thiên Chúa luôn gieo
những điều thiện hảo vào lòng con người. Kẻ thù của Chúa là ma quỉ luôn chờ cơ
hội để gieo điều xấu. Con người muốn nhổ cỏ lùng ngay; nhưng Thiên Chúa bảo phải
chờ đợi cho đến mùa gặt; lý do: nếu nhổ ngay, người ta sẽ nhổ cả lúa chung với
cỏ lùng.
Điều khó cho các nhà
chú giải ở đây là cách giải thích của Chúa: Chúa giải thích thửa ruộng là thế
giới, lúa tốt là con cái sự sáng, và cỏ lùng là con cái ma quỉ. Điều này đúng
trong Ngày Phán Xét khi mọi sự đã rõ ràng; nhưng không giải thích được tại sao
phải chờ cho tới mùa gặt; một khi đã biết cỏ lùng muôn đời sẽ là cỏ lùng, không
bao giờ có thể trở thành lúa. Giải thích hợp lý hơn: Dụ ngôn không bao giờ chủ
trương áp dụng mọi điều; nó chỉ muốn nói lên một điều chính. Điều chính ở đây
là thời gian chờ đợi để lúa có thể phân biệt với cỏ lùng; chứ không phải nguy
hiểm của cỏ lùng cần phải nhổ ngay. Nếu muốn áp dụng vào cuộc sống: Con người
luôn phải đương đầu với điều tốt và điều xấu bao lâu còn sống trên trần gian.
Những điều tốt và điều xấu không xác định được người tốt hay người xấu cho đến
Ngày Phán Xét. Trong ngày đó, Chúa sẽ phân định cho chúng ta thấy ai là người tốt
và ai là người xấu. Trong khi chờ đợi ngày đó đến, chúng ta hãy cố gắng làm tốt
tránh xấu. Không ai có thể hãnh diện xác nhận mình là tốt vì không biết điều xấu
nó mọc lên lúc nào. Nếu có làm xấu cũng đừng nản lòng, nhưng biết ăn năn trở lại
và cậy trông vào lòng nhân từ Chúa. Cũng đừng kết tội ai là cỏ lùng khi nhìn thấy
việc xấu của họ.
3.2/ Thiên Chúa kiên nhẫn
chờ đợi: Kinh nghiệm dạy cho chúng ta, để có
kết quả đòi phải có thời gian: hạt giống thành lúa phải đợi 3 tháng, cây có
trái đòi 3 năm, con người thành tài đòi ít là 25 năm, và thành nhân đòi 100 năm
hay cả cuộc đời! Trong thời gian chờ đợi con người phải kiên nhẫn. Kẻ thù của
con người là sự thiếu kiên nhẫn, mặc dù nhiều người đã biết “dục tốc bất đạt
hay có công mài sắt có ngày nên kim.” Con người hôm nay dường như không có kiên
nhẫn để chờ; làm điều gì họ cũng muốn có kết quả ngay. Chính sự mất kiên nhẫn
làm con người đau khổ và thất bại.
Tuy nhiên, kiên nhẫn
cũng có giới hạn, mọi việc đều có thời gian của nó; nếu quá thời gian, cây sẽ
phải chặt đi để dành cơ hội cho cây khác như dụ ngôn cây vả không sinh trái. Nếu
cành nho không sinh trái sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa! Công bằng sẽ tỏ rạng
trong Ngày Phán Xét, khi mùa gặt sẽ tới: cỏ lùng sẽ bị cắt và quăng vào lửa,
lúa sẽ được gặt và trữ vào kho lẫm. Khi những điều này xảy ra, không ai có quyền
than trách Chúa không nhân từ hay không công bằng, vì mọi người đều có cơ hội đồng
đều mà Ngài dành cho họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hãy để Thiên Chúa
cai trị và điều khiển thế giới theo đường lối khôn ngoan, nhân từ, và công bằng
của Thiên Chúa. Chúng ta là ai mà dám chất vấn những việc làm của Thiên Chúa! Tốt
hơn, chúng ta hãy học biết giới hạn của con người chúng ta.
- Chúng ta có bao giờ
ước tính được chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng ta, nếu để một con người bình thường
như chúng ta điều khiển thế giới này? Chúng ta có kiên nhẫn để cho tội nhân có
cơ hội ăn năn trở lại không? Án tử hình là một ví dụ của con người.
- Có bao giờ chúng ta
tự hỏi: Tại sao một Thiên Chúa nhân từ lại để cho con mình chịu khổ đau chết quằn
quại trên thập giá? Hay tại sao một Thiên Chúa công bằng không tru diệt hết những
con người tội lỗi mà lại hy sinh người con một để cứu chuộc họ?
Lm. Anthony ĐINH MINH TIỂN, OP.
Mt
13,24-43
TIN
TƯỞNG VÀ PHÓ THÁC
“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa
gặt.” (Mt
13,30)
Suy niệm: Anh Marcilio Andrino
(Braxin) bị khối u não ác tính giai đoạn cuối, gây tràn dịch não khiến anh hôn
mê vào năm 2008. Anh được chữa lành và khối u biến mất nhờ một phép lạ của Mẹ
Thánh Têrêsa Calcutta. Khi đượcc hỏi: “Nếu Marcilio không bị bệnh thì
cách sống và đức tin của chị hiện giờ sẽ rất khác không?”, vợ anh đã
trả lời: “Trải qua những giây phút vô cùng khó khăn khi Marcilio bị bệnh đã
giúp đức tin của chúng tôi được định hình và vững chãi như bây giờ”. Hằng
ngày đối diện với những đau khổ và sự dữ trong cuộc sống, hẳn có lúc chúng ta
đã có lần tự hỏi “Thiên Chúa tốt lành sao Ngài lại để sự dữ hoành hành
như vậy?” Đành rằng Thiên Chúa không tạo nên sự dữ, nhưng Ngài có thể
biến những đau khổ và sự dữ có mặt trong đời thành những giá trị hữu ích cho
chúng ta.
Mời Bạn: Nhờ biết đón nhận
những đau khổ, chúng ta nhận ra những giới hạn của mình để sống khiêm tốn, phó
thác và tin tưởng nơi Chúa. Nhờ biết kết hợp với những đau khổ của Đức Giê-su,
chúng ta sẽ được hiệp thông và góp phần vào ơn cứu độ của chính mình. Bạn có
sẵn sàng để đón nhận và biến những đau khổ trở nên hữu ích cho phần rỗi của
mình chưa?
Chia sẻ: Chia sẻ một kinh
nghiệm vượt qua đau khổ, và bạn đã trưởng thành trong đời sống đức tin như thế
nào?
Sống Lời Chúa: “Ơn Ta đủ cho
con” (2Cr
12,9)
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con biết nhận ra, những hạnh phúc và những khổ đau, là những điều
tốt nhất Chúa dành cho chúng con. Để chúng con biết tin tưởng và sống phó thác
vào Chúa. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
ĐỪNG NHỔ CỎ LÙNG (23.7.2017 – Chúa nhật 16 Thường niên, Năm A)
Kitô hữu không dung túng sự dữ, họ dám hy sinh để xây dựng một thế giới yêu thương. Nhưng họ không dùng bạo lực để chống lại ác nhân.
Suy niệm:
Cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?
Cỏ lùng trong ruộng khiến các đầy tớ ngỡ ngàng.
Thửa ruộng vốn chỉ được gieo giống tốt.
Vậy mà khi lúa mọc lên và trổ bông.
cỏ lùng lại xuất đầu lộ diện.
Bởi đâu mà có cỏ lùng, có người xấu?
Bởi đâu mà ở nơi ta tưởng là trong ngần
lại bất ngờ có dấu hiệu của sự vẩn đục?
Có tác động xấu xa nào của Thần Dữ đẩy đưa?
Có sự ưng thuận chiều theo nào của con người?
Cỏ lùng trong ruộng khiến các đầy tớ ngỡ ngàng.
Thửa ruộng vốn chỉ được gieo giống tốt.
Vậy mà khi lúa mọc lên và trổ bông.
cỏ lùng lại xuất đầu lộ diện.
Bởi đâu mà có cỏ lùng, có người xấu?
Bởi đâu mà ở nơi ta tưởng là trong ngần
lại bất ngờ có dấu hiệu của sự vẩn đục?
Có tác động xấu xa nào của Thần Dữ đẩy đưa?
Có sự ưng thuận chiều theo nào của con người?
Ông có muốn chúng tôi nhổ
đi không?
Chúa có muốn chúng tôi tiêu diệt mọi kẻ xấu không?
Ngài có muốn chúng tôi xây dựng một Giáo Hội toàn bích,
một xã hội chỉ gồm toàn những người tốt không?
Lắm khi chúng ta nóng nảy như Gioan và Giacôbê,
đòi đốt cả làng người Samari, vì họ không tiếp Chúa.
Chúa có muốn chúng tôi tiêu diệt mọi kẻ xấu không?
Ngài có muốn chúng tôi xây dựng một Giáo Hội toàn bích,
một xã hội chỉ gồm toàn những người tốt không?
Lắm khi chúng ta nóng nảy như Gioan và Giacôbê,
đòi đốt cả làng người Samari, vì họ không tiếp Chúa.
Ðừng, sợ rằng khi nhổ cỏ
lùng, lại làm hư rễ lúa.
Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.
Như thế Thiên Chúa để cho cỏ mọc chung với lúa.
Ngài chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn.
Ngài nhẫn nại với tội nhân, với cỏ lùng.
Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa được.
Nhưng người xấu có thể hoán cải nên người tốt.
Chính vì thế Thiên Chúa cứ kiên tâm chờ đợi.
Chờ đợi vì tin vào sự hoán cải của con người.
Chờ đợi vì tôn trọng tự do lựa chọn của họ.
Chờ đợi vì nuôi một niềm hy vọng lớn lao.
Sự thánh thiện của Thiên Chúa ở nơi sự chờ đợi.
Ngài còn chờ đợi cho đến ngày tận thế.
Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.
Như thế Thiên Chúa để cho cỏ mọc chung với lúa.
Ngài chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn.
Ngài nhẫn nại với tội nhân, với cỏ lùng.
Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa được.
Nhưng người xấu có thể hoán cải nên người tốt.
Chính vì thế Thiên Chúa cứ kiên tâm chờ đợi.
Chờ đợi vì tin vào sự hoán cải của con người.
Chờ đợi vì tôn trọng tự do lựa chọn của họ.
Chờ đợi vì nuôi một niềm hy vọng lớn lao.
Sự thánh thiện của Thiên Chúa ở nơi sự chờ đợi.
Ngài còn chờ đợi cho đến ngày tận thế.
Trong thế giới và Giáo
Hội không có hai hạng người:
hạng cỏ lùng và hạng lúa tốt.
hạng cỏ lùng và hạng lúa tốt.
Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở
nơi tim mỗi người.
Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt,
giữa cái thiện và cái ác, giữa thiên thần và Satan.
Ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của tôi,
tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt.
Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng ở trong tôi.
Ngài chờ tôi được thanh luyện dần dần,
để rồi mọi sự trong tôi thành lúa tốt.
Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt,
giữa cái thiện và cái ác, giữa thiên thần và Satan.
Ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của tôi,
tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt.
Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng ở trong tôi.
Ngài chờ tôi được thanh luyện dần dần,
để rồi mọi sự trong tôi thành lúa tốt.
Kitô hữu không dung túng
sự dữ,
họ dám hy sinh để xây dựng một thế giới yêu thương.
Nhưng họ không dùng bạo lực để chống lại ác nhân.
Họ nhẫn nại biến đổi trái tim kẻ thù,
vì họ tin vào sức mạnh của tình yêu,
tin vào Ðức Giêsu, Ðấng đã bị sự dữ nuốt chửng
nhưng cuối cùng là Ðấng toàn thắng.
họ dám hy sinh để xây dựng một thế giới yêu thương.
Nhưng họ không dùng bạo lực để chống lại ác nhân.
Họ nhẫn nại biến đổi trái tim kẻ thù,
vì họ tin vào sức mạnh của tình yêu,
tin vào Ðức Giêsu, Ðấng đã bị sự dữ nuốt chửng
nhưng cuối cùng là Ðấng toàn thắng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng
con.
Mỗi lần con nghe lời
Chúa,
xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
có bộ mặt chán nản và
thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG BẢY
Thông Dự Vào Ánh
Sáng
Chúng ta đọc thấy
trong Thư Cô-lô-sê: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở
nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đầy ánh sáng.
Ngài đã giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào Vương Quốc Thánh Tử
chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl
1,12-14).
Vương Quốc của Thiên
Chúa là Vương Quốc của “Thánh Tử chí ái”, theo một nghĩa rất đặc biệt, bởi vì
chính nhờ công cuộc của Người mà “ơn cứu chuộc” và việc “thứ tha tội lỗi” được
hoàn thành. Những lời của Tông Đồ Phao-lô ám chỉ đến tội lỗi của con người. Vì
thế, sự tiền định tác động hiệu năng không duy chỉ do mối quan hệ của con người
với việc sáng tạo thế giới và chỗ đứng của con người trong thế giới. Một cách
căn bản, sự tiền định đối với con người có liên hệ với công cuộc cứu chuộc của
Chúa Con – là Đức Giê-su Kitô.
Công cuộc cứu chuộc ấy
trở thành một diễn tả cụ thể sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta nhận
ra rằng Thiên Chúa, Cha chúng ta, cai quản mọi sự một cách đầy quan tâm, nhất
là đối với những thụ tạo mà Ngài đã trao ban cho sự tự do.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
23 Tháng Bảy
Những Lọ Ðựng Muối Tiêu
Sưu tầm là một giải
trí rất phổ thông hiện nay. Người ta sưu tầm tem, nhãn hiệu, lon bia, chai lọ,
sách quý... và lâu lâu đem triển lãm.
Tại một nhà thờ nọ
tại Chicago bên Hoa Kỳ, trong một cuộc triển lãm các vật sưu tầm, người ta thấy
có cả một khu dùng để triển lãm các lọ đựng muối tiêu. Một ông khách nọ vừa bước
vào, sau khi mua một cái bánh Hamburger ở cửa vào, đã vội vã đi một vòng quan
sát. Khi tới khu triển lãm các lọ đựng muối tiêu, ông mới sực nhớ ra cái
Hamburger của mình nhạt quá. Thế là ông đã cầm lấy một lọ muối và xốc nhiều lần.
Nhưng xốc đến lọ thứ mười hai mà ông vẫn chưa thấy muối. Ông đành phải trở lại
cửa xin người bán hàng cho ít muối và phàn nàn: "Gần hai trăm cái lọ muối
thế kia mà không có lấy một hột muối".
Ðó là hình ảnh của cuộc
đời Kitô chúng ta. Mang lấy danh hiệu là muối đất, nhưng lắm lúc chúng ta chỉ
là những lọ trống không. Muối dùng để ướp đồ ăn cho khỏi ươn thối. Muối dùng để
sát trùng, chữa những vết thương. Muối dùng để nêm cho thức ăn được thêm đậm
đà...
Trong một xã hội đang
thối rữa vì những tệ đoan, người Kitô cần phải là muối để thanh tẩy và đem lại
cho cuộc sống thêm đậm đà hương vị. Một lời nói, một hành động của chúng ta, nếu
có chút muối của Ðức Tin, Ðức Ái sẽ mang lại cho những người xung quanh niềm
vui và sức sống.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét