Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Trắng đen phân minh hay cả trắng lẫn đen

Trắng đen phân minh hay cả trắng lẫn đen
Vũ Văn An7/21/2017


Đọc tin tức và bình luận thời sự hiện nay, kể cả tin tức và bình luận tôn giáo, ít khi có biến cố nào trắng đen phân minh, phần lớn có cả đen lẫn trắng. Hai câu truyện trong những ngày qua làm nổi bật viễn ảnh vừa nói.

Hàng giáo phẩm ca ngợi mẹ đẻ của đạo luật phá thai

Thomas D. William, một cựu linh mục Công Giáo, ngày 21 tháng 7, viết trên tờ Crux rằng khi nghe tin Simone Veil qua đời ngày 30 tháng Sáu, 2017, Hội Đồng Giám Mục Pháp gửi đi một thông điệp trên Twitter, nói rằng “Chúng tôi chào kính sự vĩ đại của bà như một nữ lưu của quốc gia, ý chí của bà, trong cuộc đấu tranh cho một Âu Châu huynh đệ, xác tín của bà tin rằng phá thai là một bi kịch”.

Thông điệp trên khiến nhiều quan sát viên ngỡ ngàng vì không thấy nói chi tới những mạng sống vô tội bị sát hại vì đạo luật phá thai của bà, đạo luật mà người Pháp hiện nay vẫn gọi là “Loi Veil” (Đạo Luật Veil).

Thực vậy, Simone Veil chính là tác giả của đạo luật hợp pháp hóa việc phá thai ở Pháp, tiếp theo phán quyết Roe v. Wade của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Và đạo diễn của vở kịch này chính là Tổng Thống Giscard d’Estaing, người, vào năm 1974, đã khôn khéo đẩy Simone Veil đang tương đối từ trong bóng tối ra ánh sáng chính trị và cử làm tổng trưởng y tế, đứng ở tuyến đầu của mặt trận hợp pháp hóa phá thai.

Theo một bình luận gia lúc đó, “bất cứ ai chống đối bà đều bị coi là đáng ghét nếu không muốn nói là vô luân” vì lúc đó, truyền thông đã biến bà thành “một thần tượng không ai dám đụng tới”.

Đạo Luật Veil được thông qua dễ dàng năm 1975 và dù không triệt để như luật lệ phá thai của Mỹ, hiện nay, hàng năm ở Pháp, ít nhất diễn ra 200,000 vụ phá thai. Veil coi chiến thắng này là thành tựu đáng tự hào nhất của bà.

Dư luận Pháp nói chung cũng phản ảnh sự hãnh diện đó, nên tờ Guardian gọi bà là “lương tâm của Nước Pháp”. Trong một tuyên bố, tân tổng thống Macron cho rằng đời bà là một gợi hứng điển hình vì đã quan tâm tới những thành phần yếu kém nhất của xã hội (?).

Chính vì thế, lễ an táng của bà đã được tổ chức tại Les Invalides, nơi có mộ của hoàng đế Napoléon, với đầy đủ lễ nghi quân cách, với cờ Pháp có tua đen và cờ Âu Châu kéo nửa chừng. Ở đấy, tổng thống Macron ca ngợi tinh thần bất khuất của bà.

Trong một tuyên bố, ông viết: “chủ nghĩa nhân bản bất nhân nhượng của bà, được tạo nên từ các kinh hoàng của trại tập trung, biến bà thành đồng minh vĩnh viễn của những người yếu kém nhất, và là kẻ thù không đội trời chung của bất cứ thỏa hiệp chính trị nào với phe cực hữu”.

Có lẽ để tránh bị coi là cực hữu, nên Hội Đồng Giám Mục Pháp đã không một lời chỉ trích thành tích của Simone Veil bất chấp sự kiện, vì Đạo Luật Veil, hàng năm, ít nhất 200,000 trẻ chưa sinh đã không bao giờ được thấy ánh sáng mặt trời, dù các em thuộc những người yếu kém nhất trần gian.

Chưa hết, dư luận Pháp mến mộ bà đến nỗi đã yêu cầu để bà được chôn tại Pantheon, nơi dành để chôn các bậc thượng trí của Pháp như Voltaire, Jean-Jack Rousseau, Victor Hugo, Alexandre Dumas, Marie Curie và Louis Braille. Bà là người đàn bà thứ năm được chôn ở đây, cạnh 76 người đàn ông.

Thực ra, Simone Veil có cả đen lẫn trắng. Trắng có thể nhiều hơn đen. Bà vốn là người sống sót thảm họa Diệt Chủng Do Thái của Đức Quốc Xã, suốt đời đấu tranh cho công bằng xã hội. Bởi thế, Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger, Tổng Giám Mục Paris trong các năm 1981 và 2005, một người vốn cũng gốc Do Thái và có mẹ chết tại trại tập trung Auschwitz, “chưa bao giờ trách cứ bà về các đạo luật phá thai và ngừa thai”.

Dù là tác giả Đạo Luật Phá Thai, Veil vẫn tin rằng phá thai là biện pháp cuối cùng. Bà nói: “Phá thai luôn phải là một trường hợp trừ, phương thuốc cuối cùng đối với các tình huống tuyệt vọng”.

Đạo luật của bà đòi nhiều giới hạn hơn là các phán quyết Roe v. Wade và Doe v. Bolton của Hoa Kỳ: chỉ được tiến hành lúc thai nhi được 10 tuần, chứ không sau đó; các bác sĩ buộc phải cho các bà mẹ biết các nguy cơ của việc này đối với sức khỏe và các lần thai nghén sau của họ cũng như cung cấp cho họ tên và danh sách những nơi nhận con nuôi .

Đức Phanxicô không minh nhiên nhắc đến Simone Veil, nhưng ngài nói đến một nhân vật tương tự như bà ở Ý đó là Emma Bonino, một người cũng ở tuyến đầu tranh đấu cho phá thai được hợp pháp hóa trong thập niên 1970 và sau đó được bổ nhiệm làm ngoại trưởng và giữ chức Tổng Ủy Viên cấp Âu Châu.

Tháng Hai năm 2016, ngài ca ngợi bà này như một “người vĩ đại bị bỏ quên” của Ý, so sánh bà với các nhân vật lịch sử như Konrad Adenauer và Robert Schuman. Một cách trùng hợp, một ờ báo cho chạy hàng tít nói tới việc Bonino được đưa vào “Pantheon của Đức Giáo Hoàng”.

Biết rõ Bonino là một nhân vật gây tranh cãi, nên Đức Phanxicô cho rằng bà cho ta nhiều lời khuyên tốt đẹp về việc Ý phải học hỏi Châu Phi. Còn về việc bà này suy nghĩ khác với Giáo Hội, Đức Phanxicô cho biết: “đúng thế, nhưng không hệ gì. Chúng ta phải nhìn vào con người, vào những điều họ làm”.

Đức Phanxicô ve vãn Putin

Chủ trương trên đang được phản ảnh rõ nét trong chuyến đi sắp tới của Đức Hồng Y Parolin tới Nga. Theo Claire Giangravè, viết trên tờ Crux cùng ngày 21 tháng Bẩy, Đức Hồng Y Parolin đang chuẩn bị cho chuyến đi Nga vào tháng Tám tới. Và chuyến đi này “cho thấy bước chủ yếu trong việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô ve vãn Tổng Thống Putin, với một mắt hướng về các khả thể đại kết đầy tham vọng với Giáo Hội Chính Thống và mắt kia hướng về Trung Đông”.

Trong một phim tài liệu ngắn chiếu trên Đài RAI của Ý về chuyến đi này, Đức Hồng Y Parolin nói tới “nền ngoại giao biết xem xét các nhân tố có thực trên thực tế”. Còn Lucio Caracciolo, giám đốc tập san Limes của Ý, thì gọi Đức Phanxicô là “vị giáo hoàng của địa chính trị” (geopolitical pope).

Về chiểu tự, địa chính trị nói tới ảnh hưởng của địa lý đối với nền chính trị và các liên hệ quốc tế. Nhưng trên thực tế, thuật ngữ này bao trùm khá nhiều ý niệm đi từ các liên hệ quốc tế, các hiện tượng xã hội, chính trị và lịch sử tới một thứ định mệnh thuyết lịch sử và địa lý nào đó.

Hình như cái định mệnh thuyết này nay đã chuyển dịch khỏi Hoa Kỳ mà hướng về Nga mất rồi, nên gần đây, người tâm huyết của Đức Phanxicô là linh mục Sparado, Dòng Tên, không ngần ngại vạch mặt chỉ tên Hoa Kỳ đang đi theo đường lối “đại kết hận thù”.

Giangravè cho rằng đại kết trên khiến vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình quay mặt khỏi phía Tây mà nhìn về phía Đông, về phía Nga và Trung Hoa. Với ngài, trực giác dường như cho rằng các thay đổi đang diễn ra tại các thành trì xưa của chủ nghĩa Cộng Sản có thể đem lại một mảnh đất mầu mỡ cho đối thoại và sự lớn mạnh của Kitô Giáo trong bối cảnh một Tây Phương càng ngày càng duy tục và cá nhân chủ nghĩa.

Bất chấp chính sách nội trị và ngoại giao có tính độc tài, nếu không muốn nói là hoàn toàn gây hấn, của Putin, Đức Hồng Y Parolin mong gặp được một người sẵn lòng lắng nghe ở nơi ông ta, vì dù gì, ông ta cũng là người tự cho mình là quán quân của luân lý và là người bênh vực các Kitô hữu bị bách hại tại Trung Đông.

Thực ra, Đức Phanxicô nhìn thấy cả đen lẫn trắng nơi ông Putin, cũng như nơi Bonino. Và trong thế giới đời thực, thế giới đa nguyên, ít ai có thể làm gì được nếu không liên minh với những “nhân tố có thực trên thực tế”.

Một trong các nhân tố ấy là ông Assad. Cả thế giới Tây Phương lên án Assad và cho rằng ông ta đáng bị loại trừ vì đã dùng vũ khí hóa học sát hại dân mình. Đức Phanxicô không minh nhiên đề cập đến việc này, nhưng với ngài, Assad là một nhân tố mình phải đối thoại với nếu muốn giải quyết cuộc đổ máu vô nghĩa tại Syria.

Không phải ngài tin vào “định mệnh thuyết” mà dựa vào các cộng đồng Kitô Giáo Syria và vùng phụ cận, những người này tin rằng Assad đỡ nguy hiểm hơn những người mưu toan lật đổ ông ta.

Về điểm này, Đức Phanxicô quả ăn ý với Putin. Nhưng khi đụng tới Ukraine, Đức Phanxicô biết rõ nanh vuốt của Putin. Tuy không công khai chỉ trích, ngài đã gửi tới Ukraine 12 triệu dollars viện trợ, một ngân khoản không nhỏ đối với một quốc gia, tức Tòa Thánh, mà tổng ngân sách hàng năm, theo ký giả John Allen, chỉ là 300 triệu dollars.

Không công khai chỉ trích không hẳn là không có duyên do. Vì chính nhờ thế, mà có cuộc gặp mặt lịch sử tại Cuba giữa Đức Phanxicô và Thượng Phụ Kirill, sau 1000 năm phân cách. Cuộc viếng thăm Nga sắp tới của Đức Hồng Y Parolin có thể đem lại khả thể một cuộc viếng thăm Nga chính thức của Đức Phanxicô không chừng.

Dù gì, Đức Phanxicô cũng là nhà lãnh đạo của 1 tỷ 200 triệu người Công Giáo, mà một số đang lao đao vì bị bách hại tàn nhẫn và đại đa số vẫn mong sao mọi người tin Chúa Giêsu trở thành một đoàn chiên duy nhất. Khi một vị giáo hoàng nỗ lực làm điều này, thì nói như ông Đặng Tiểu Bình, mèo đen hay mèo trắng không thành vấn đề, miễn là bắt được chuột.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét