30/07/2017
Chúa Nhật 17 thường niên năm A.
(phần II)
Phụng Vụ Lời
Chúa: Chúa Nhật 17 Thường Niên năm A
CHÚA
NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN - NĂM A
1V 3,5.7-12; Rm 8,28-30; Mt 13,44-52
ĐÂU LÀ CHỌN LỰA KHÔN NGOAN NHẤT?
“Tìm được một viên ngọc quý,
ông ta ra đi, bán tất cả những gì
mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,46)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc
I (1V 3,5.7-12)
Khuôn
mặt của vua Salomon lần đầu tiên được giới thiệu trong bối cảnh ông đi dâng “một
ngàn lễ vật toàn thiêu” cho Đức Chúa tại Gabaon. Chính điều này đã làm đẹp lòng
Đức Chúa và Người đã ban cho ông một điều ước.
Nổi bật
ba điểm chính trong lời đối thoại của Salomon dâng lên Chúa: 1) Vua Salomon
luôn xác tín những gì ông được thừa hưởng từ vua Đavid, thân phụ của ông, đều
là ân ban nhưng không của Thiên Chúa; 2) đồng thời vua cũng luôn ý thức rằng
mình nhỏ bé, thấp hèn và không có khả năng để có thể chu toàn sứ mạng quá nặng
nề vừa được Chúa trao phó; 3) chính vì thế ưu tư duy nhất của vua lúc bấy giờ,
trong tư cách là tôi tớ của Chúa, là ước mong có được một “quả tim biết lắng
nghe” để cai trị dân Chúa và để biết phân biệt phải trái.
Lời cầu
xin cho được tài phân biệt để xét xử của vua Salomon đã hoàn toàn đẹp lòng
Chúa. Chính vì thế, vua chẳng những được Chúa ban gấp bội phần ơn đã xin: là một
tâm hồn khôn ngoan minh mẫn; mà Người còn ban cho vua những điều tốt lành khác
như: giàu có, vinh quang, sống lâu, bách chiến bách thắng…
2. Bài đọc
II (Rm 8,28-30)
Thánh
Phaolô cho thấy rõ ý định cứu độ của Thiên Chúa qua mấy động từ chính: tiền định
– kêu gọi – làm cho nên công chính – cho hưởng vinh quang. Chuỗi hành động này
của Thiên Chúa được đặt nền trên nguyên tắc căn bản: mọi người được đồng hình đồng
dạng với Con của Người, “Trưởng Tử của một đàn em đông đúc.” Và như thế, Thánh
Phaolo muốn mọi người đi đến xác tín quan trọng là: tất cả những gì Thiên Chúa
làm đều nhằm sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người.
Vấn đề
được đặt ra cho những tín hữu thành Rôma là hãy sống sao để chứng tỏ mình là
người yêu mến Thiên Chúa đồng thời hãy biết đón nhận mọi sự Thiên Chúa muốn gởi
đến như những phương thế để sinh ích lợi cho cuộc sống của mình.
3. Bài
Phúc âm (Mt 13,44-52)
Đoạn
phúc âm này là phần cuối cùng của một loạt các dụ ngôn mà thánh sử Matthêu xếp
chúng vào phần “bài giảng bằng dụ ngôn.” Hai dụ ngôn đầu, ví Nước Trời giống
như kho báu và ngọc quý, có cùng một bố cục như nhau: tìm thấy – bán tất cả –
mua bằng được. Tuy nhiên điểm khác biệt chính của hai dụ ngôn “sinh đôi” này là
kho báu được chôn trong ruộng - điều mà người ta không chủ ý đi tìm nhưng chỉ
vô tình phát hiện ra; đang khi viên ngọc quý - điều mà giới thương buôn luôn
ráo riết chủ ý săn lùng. Và cho dù vô tình tìm thấy hay chủ ý tìm kiếm, nhưng một
khi đã khám phá ra thì thái độ khôn ngoan chỉ là một: bán mọi sở hữu để được
chiếm hữu điều quý giá nhất.
Dụ
ngôn Nước Trời được ví như chiếc lưới thả xuống biển bắt được mọi loài nhấn mạnh
tới tính bất ngờ khi ngày tận thế đến và không ai có thể thoát ra khỏi “chiếc
lưới tận thế” này; kẻ gian ác sẽ được tách ra khỏi người công chính để bị ném
vào lò lửa, nơi họ phải khóc lóc và nghiến răng.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1.
Khi ý thức sự nhỏ bé, hèn kém của mình trước sứ mạng nặng nề phải thi hành, vua
Salomon đã không xin cho được giàu có, vinh quang hay sống lâu… mà chỉ xin cho
được một quả tim biết lắng nghe để phân biệt phải trái khi cai trị dân chúng. Lời
cầu xin cho có đủ khả năng để làm tròn bổn phận mình hằng ngày của vua Salomon
đã trở nên lời cầu xin mẫu mực và ưu tiên hàng đầu cho mọi lời cầu xin hằng
ngày. Xin ơn cho đủ khôn ngoan sáng suốt để chu toàn cách tốt nhất bổn phận
mình, có là mối bận tâm lớn nhất trong cuộc trò chuyện hằng ngày của tôi với
Chúa hay không?
2.
“Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người.” Thiên
Chúa đã làm tất cả mọi sự chỉ để muốn cho con người được cứu độ, tuy nhiên Người
hoàn toàn tôn trọng tự do của mỗi người và kiên nhẫn đợi chờ tình yêu đáp trả của
con người. Vậy đâu là thái độ khôn ngoan của con người? Mỗi người được mời gọi
chọn Chúa làm đối tượng cho tình yêu của mình và luôn xác tín rằng mọi điều
Chúa cho xảy đến với mình luôn là cơ hội giúp đức tin trưởng thành hơn nữa.
3.
Đâu là hành động khôn ngoan khi đối diện với Nước Trời như kho báu mà vô tình
chúng ta gặp được, hay như viên ngọc quý mà chúng ta phải cất công tìm kiếm? Vui
mừng chấp nhận “mất” tất cả chỉ để “được” điều quý giá nhất. Hành trình theo
Chúa của mỗi kitô hữu là một chuỗi liên tục những biện phân: khám phá – tìm kiếm
– tìm thấy – bán mọi sự – thủ đắc Nước Trời. Nước Trời có là đối tượng mà tôi
đang ưu tư kiếm tìm, hay muốn sở hữu bằng mọi giá khi dám đánh đổi mọi sự?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nước trời là một
kho tàng vô cùng cao quý mà Thiên Chúa ân thưởng cho những người khôn ngoan dám
chấp nhận đánh đổi bằng tất cả những gì mình có. Với lòng khao khát kiếm tìm hạnh
phúc nước trời, chúng ta cùng dâng lời cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin:
1.
Vua Salomon xin Chúa ban cho tâm hồn khôn ngoan để lãnh đạo dân Chúa. Chúng ta
cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần,
luôn khôn ngoan và nhiệt tâm trong sứ vụ dẫn đường chỉ lối cho con người thời đại
tìm về với Chúa là nguồn Chân - Thiện - Mỹ.
2. Nước
Trời giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc quý. Chúng ta cùng cầu xin cho
những người thành tâm thiện chí luôn khao khát chân lý, biết mở lòng cho Chúa
Thánh Thần soi dẫn, nhận biết Đức Kitô là viên ngọc quý mà Thiên Chúa Cha ban tặng
cho nhân loại, cùng quyết tâm tin theo Người.
3.
Người thương gia đã bán tất cả của cải để mua lấy viên ngọc quý. Chúng ta cùng
cầu xin cho mọi kitô hữu, cách riêng các bạn trẻ, luôn hướng đến nước trời là mục
tiêu và lý tưởng cao đẹp nhất của đời người, sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức
và cả những mơ ước chính đáng để đạt được nước trời.
4.
Các kitô hữu được mời gọi nên thánh trong bổn phận hằng ngày. Chúng ta cùng cầu
xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn khôn ngoan sáng suốt để chu
toàn cách tốt nhất bổn phận của mình; đồng thời, biết tích cực trở nên men muối
và ánh sáng cho trần gian qua những việc lành bác ái.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ! Chúng con
cảm tạ Chúa đã hứa ban nước trời cho những ai khao khát kiếm tìm. Xin nhậm lời
chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn khôn ngoan trong mọi quyết định và
hành động ở đời này hầu xứng đáng hưởng phúc thiên đàng đời sau. Chúng con cầu
xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
SCĐ CHÚA NHỰT XVII THƯỜNG NIÊN A
CHỦ
ĐỀ :
THIÊN CHÚA LUÔN BAN
NHỮNG SỰ TỐT LÀNH CHO CHÚNG TA
"Nước
Trời giống như kho báu giấu trong ruộng" (Mt 13,44)
Sợi chỉ đỏ
: Thiên Chúa luôn yêu thương loài người nên luôn ban cho
loài người những sự tốt lành. Những sự tốt lành ấy là : ơn khôn ngoan (bài đọc
I), luật Chúa (đáp ca), Nước Trời (Tin Mừng) và được nên giống hình ảnh Con của
Ngài (bài đọc II)
I. DẪN
VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Hằng ngày, hằng phút, hằng giây chúng ta
sống trong tình thương ấp ủ của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta không ý thức điều
đó, cho nên nhiều khi chúng ta bi quan chán nản, và mặt khác chúng ta không đáp
lại tấm lòng của Chúa.
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy nhớ
đến những ơn lành Chúa đã ban, và khơi lên trong lòng mình những tâm tình cảm mến
và biết ơn Ngài.
II. GỢI
Ý SÁM HỐI
- Chúng ta ít suy gẫm về tình thương của
Chúa đối với chúng ta.
- Chúng ta ít biết ơn Chúa mặc dù đã nhận
được rất nhiều ơn từ bàn tay rộng rãi của Ngài.
- Ơn quý trọng nhất mà Chúa ban cho ta
là Nước Trời. Nhưng xem ra chúng ta không coi trọng ơn này.
III. LỜI
CHÚA
1. Bài đọc I (1V 3,5.7-12)
Salomon lên ngôi vua kế vị Đavít.
Salomon biết mình còn trẻ nên thiếu khả năng. Ông cũng biết rằng trách nhiệm rất
nặng nề. Ông còn ý thức rằng vương quyền của Oâng là do Thiên Chúa ban, để phục
vụ cho dân của Chúa. Bởi vậy khi Thiên Chúa bảo ông muốn xin bất cứ điều gì thì
Ngài sẵn sàng ban cho, Salomon chỉ xin một điều duy nhất, đó là được khôn
ngoan. Thiên Chúa rất hài lòng về lời xin đó, nên đáp lại Ngài chẳng những ban
cho ông được khôn ngoan, mà còn nhiều ơn khác nữa.
2. Đáp ca (Tv 118)
Thánh vịnh này cảm tạ Chúa vì Ngài đã
ban Luật cho dân Ngài. Tác giả rất đề cao Luật Chúa :
- Luật pháp Chúa quý hơn vàng bạc châu
báu
- Luật pháp Chúa là nguồn vui sướng
- Luật pháp Chúa là phần gia nghiệp
3. Tin Mừng (Mt 13,44-52)
Đoạn Tin Mừng này gồm 3 dụ ngôn :
- Hai dụ ngôn đầu (kho báu dấu trong ruộng
và viên ngọc quý) dạy rằng Nước Trời là thứ quý giá nhất, đáng cho người ta bán
mọi thứ để đổi lấy.
- Dụ ngôn thứ ba (mẻ lưới gồm nhiều thứ
cá) mang cùng một ý nghĩa với dụ ngôn lúa và cỏ lùng (Tin Mừng tuần vừa qua) :
Hiện tại trong Nước Trời có người tốt và kẻ xấu lẫn lộn. Nhưng đến ngày tận thế
thì sẽ có sự lọc lựa : kẻ tốt sẽ được thưởng, còn kẻ xấu sẽ bị phạt.
4. Bài đọc II (Rm 8,28-30)
Thánh Phaolô nói đến tình thương Thiên
Chúa đối với kẻ mến yêu Ngài :
- Ngài giúp họ được sự lành
- Ngài kêu gọi họ nên thánh
- Ngài tiền định cho họ nên giống hình ảnh
Con của Ngài.
- Ngài kêu gọi họ và sẽ ban cho họ được
vinh quang.
IV. GỢI
Ý GIẢNG
1.
Thương thì cho
Thương thì cho : thương ít cho ít,
thương nhiều cho nhiều. Nếu muốn biết người nào đó thương mình thật không thì
hãy xem người đó có cho mình cái gì không.
Nhưng nói như trên cũng chưa đúng lắm,
vì còn tuỳ của cho là tốt hay xấu, có ích hay có hại đối với người nhận nữa.
Người ta nuôi chim bồ nông, hằng ngày cho chúng ngửi thuốc phiện. Rồi người ta
tròng vào cổ chúng một cái vòng, xong thả chúng đi kiếm cá trên mặt biển. Vì có
cái vòng trên cổ nên những chú bồ nông này chỉ nuốt được những con cá nhỏ. Còn
cá lớn thì chúng cứ ngậm trong miệng. Tới lúc cơn ghiền thuốc phiện hành, chúng
bó buộc phải trở về tàu, nhả cá lớn ra. Những người nuôi chim này cũng cho,
nhưng không phải vì thương các chú chim bồ nông kia đâu. Thương thật thì phải
cho những thứ tốt, những thứ có ích cho người nhận.
Thiên Chúa yêu thương loài người, và
thương thật tình.
- Chính vì thương nên có nhiều điều tuy
chúng ta cứ nằng nặc xin Ngài nhưng Ngài biết có hại cho chúng ta nên Ngài
không cho : …
- Ngài cho chúng ta những điều mà Ngài
biết là tốt nhất, có ích cho chúng ta nhất. Đó là những điều mà các bài đọc hôm
nay kể cho ta biết : sự khôn ngoan, luật Chúa, ơn làm con Chúa và nhất là Nước
Trời.
2.
Ơn khôn ngoan
Bài đọc 1 khiến chúng ta nhớ lại những
chuyện về những lời ước : một vị thần tiên cho hai vợ chồng nghèo 3 điều ước.
Chồng ước một thứ, vợ ước một thứ ngược lại, cuối cùng họ đã sử dụng hết 3 điều
ước nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Chuyện vua Salomon cũng thuộc loại đó,
nhưng ý nghĩa lại rất khác. Vua Salomon xem ra "dại" nhưng thực ra là
quá "khôn". Chúa đã bảo ông : "Ngươi muốn gì cứ xin, Ta sẽ ban
cho ngươi". Ông dại quá, không xin giàu có, không xin sống lâu, không xin
một thế lực hùng mạnh… mà lại xin khôn ngoan. Tuy nhiên thực ra ông quá khôn, bởi
vì Khôn ngoan là nền tảng và nguồn gốc của mọi thứ khác : nhờ khôn ngoan nên
sau đó ông giàu có, triều đình ông vững bền, đất nước ông giàu mạnh… và nhất là
ông được Thiên Chúa che chở bảo vệ.
Trong 7 ơn của Chúa Thánh Thần, đứng đầu
là ơn Khôn ngoan.
Khôn ngoan là gì ? Thưa là nhận biết cái
gì là đúng cái gì là sai, cái gì là chính cái gì là phụ, cái gì là quan trọng
cái gì là thứ yếu, cái gì là bền vững cái gì là chóng qua. Sách Thánh còn chỉ
cho chúng ta biết : "Kính sợ Chúa là đầu mối sự khôn ngoan"
Chúng ta hãy tự kiểm điểm xem chúng ta
có khôn ngoan hay không :
- Nhiều người ham tiền. Đối với họ, tiền
là trên hết, hay nói cách khác, không có gì trọng bằng tiền. Nhưng thử hỏi tiền
có bền vững mãi mãi không ? Dĩ nhiên là không. Rất nhiều bằng chứng về điều
này… Vậy, người suốt đời lo kiến tiền và chạy theo tiền là người dại.
- Nhiều người hám danh. Họ ham được
khen, họ thích địa vị. Họ bỏ tiền ra để mua danh. Nhưng thử hỏi Danh có bền vững
mãi không ? Cũng không. Và cũng có rất nhiều bằng chứng… Cho nên hám danh cũng
là dại.
- Nhiều người mê tình : tình yêu trai
gái, tình bạn, tình dục v.v. Cũng thế thôi.
Một câu chuyện : Người kia có 3 người bạn.
2 người trước là bạn rất thân, người thứ ba thường thường vậy thôi. Ngày kia
ông bị tòa bắt xử liền xin 3 người bạn đi theo để biện hộ. Người bạn thứ nhất từ
chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được. Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa
quan nhưng lại không dám vào. Chỉ có người thứ ba tuy không được ông yêu thích
nhưng tỏ ra trung thành vào tận tòa án biện hộ cho ông ta không những trắng án
mà còn được thưởng nữa.
Người bạn thứ nhất là Tiền bạc. Khi ta
chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Người
bạn thứ hai là Bà Con Bạn Hữu. Họ khóc lóc đưa ta tới huyệt rồi về. Người bạn
thứ ba là các Việc Lành. Chúng theo ta đến tòa phán xét và đưa ta vào cửa thiên
đàng. (Trích "Phúc")
3.
Bỏ để được
Bỏ ít để được nhiều là khôn. Bỏ cái tầm
thường để được cái quý giá là khôn.
Hai người trong bài Tin Mừng hôm nay rất
khôn ngoan : người thứ nhất khám phá một kho tàng dấu trong một thửa ruộng. Anh
vội về nhà bán hết tài sản rồi trở lại mua thửa ruộng đó. Người thứ hai thấy được
một viên ngọc quý, cũng về nhà bán hết tài sản để trở lại mua viên ngọc quý đó.
Ai trong chúng ta khám phá một kho tàng hay một viên ngọc quý mà không làm như
hai người ấy ! Đương nhiên chúng ta sẽ làm như họ thôi. Chúng ta dám bỏ tất cả
vì chúng ta biết mình sẽ được lại cái còn quý giá hơn nhiều.
Qua bài Tin Mừng này, Đức Giêsu không dạy
chúng ta cách kiếm thêm nhiều tiền bạc của cải, mà dạy chúng ta kiếm một thứ
còn quý hơn tiền bạc của cải vô cùng, đó là Nước Trời. Tiền bạc của cái mang lại
sung sướng về vật chất, Nước Trời mang hạnh phúc cả vật chất lẫn tinh thần, cả
tự nhiên lẫn siêu nhiên. Tiền bạc của cải giúp ta sung sướng đời này, Nước Trời
làm ta hạnh phúc mãi mãi.
Chúng ta dám bỏ tất cả để được một kho
tàng, để được một viên ngọc quý. Tại sao chúng ta không dám bỏ tất cả để được
Nước Trời ?
4.
Chuyện minh họa
a/ Tìm lại được kho báu của mình
Một viên chức kia luôn cố gắng vươn lên
ngày càng cao trên chiếc thang danh vọng, vì thế mà ông bỏ hết thời giờ và công
sức vào việc tạo dựng sự nghiệp, chẳng còn thời giờ chăm sóc vợ con, cũng chẳng
có giờ để giải trí. Nhìn cách sống của ông, ai cũng biết kho báu mà ông tìm nằm
ở đâu.
Thế rồi ông bị một cơn đau tim quật ngã,
phải vào bệnh viện, nằm ở đấy nhiều ngày trong tình trạng hôn mê. Trong những
cơn mê, ông thấy lại cuộc sống của mình, những công việc của mình và những người
mình gặp gỡ. Và ông cảm thấy mọi sự, mọi người đều như xa lạ quá. Cảm giác ấy
khiến ông rất cô đơn và chán nản. Một ngày kia ông bắt đầu tỉnh lại, ông thấy một
số khuôn mặt mờ mờ hiện ra trước mắt. Một lúc sau nhìn rõ hơn thì đó là những
khuôn mặt của vợ con ông, những người duy nhất ngày đêm túc trực bên giường bệnh
của ông, trong khi các bạn bè đồng nghiệp đều biến đâu mất hết.
Biến cố ấy đảo ngược lại mọi giá trị đời
ông. Nó giúp ông hiểu rằng gia đình chính là mục tiêu ông phải nhắm tới và cũng
chính là kho báu của đời ông.
b/ Kho tàng chôn dưới đất
Một anh thợ may nằm mơ gặp một vị thần
cho biết là có một kho báu chôn dưới đất trong sân của hoàng cung. Anh liền lên
đường tìm đến hoàng cung. Tuy nhiên anh không vào được vì ở đó lính gác đông
quá. Nhưng anh không bỏ cuộc. Anh nán lại đấy nhiều ngày và tìm cách kết thân với
vị chỉ huy. Khi đã thân thiết với nhau rồi, anh thành thật bày tỏ ý định của
mình là vào hoàng cung đào lấy kho báu. Anh đề nghị vị chỉ huy hợp tác và hứa sẽ
chia đôi.
Vị chỉ huy nghe xong phì cười và cũng chia
xẻ lại : Tôi cũng vừa có một giấc mơ, trong đó tôi cũng thấy một vị thần cho biết
là có một kho báu đang chôn trong sân nhà của một người thợ may giống hệt như
anh vậy.
Nghe xong, người thợ may vội vàng trở về
nhà và đào bới mảnh đất sau vườn. Quả thật ở đó có một kho vàng.
Lời bàn : Kho báu mà Thiên Chúa dành cho
mỗi người được chôn dấu không phải ở đâu xa, mà ngay trong con tim người đó.
c/ Kho tàng bị quên lãng
Vincent Van Gogh là một họa sĩ nổi tiếng
thế giới. Một hôm ông bệnh nặng, và dĩ nhiên phải gọi bác sĩ đến. Sau một thời
gian điều trị lâu dài, ông khỏi bệnh. Nhưng vì không có tiền trả cho bác sĩ nên
Van Gogh đã cố gắng vẽ một bức tranh để tặng. Tuy nhiên ông bác sĩ này không
thích hội họa nên cũng chẳng biết thưởng thức bức tranh. Ông lấy nó làm tấm chắn
cửa sổ. Với thời gian, nắng mưa đã làm cho bức tranh ấy hư hao dần và cuối cùng
mục nát.
Về sau, người ta tìm thu thập những bức
tranh của Van Gogh. Mỗi bức trị giá hàng trăm ngàn đôla. Nhưng có một bức không
ai tìm lại được. Đó chính là bức tranh nhà danh họa đích thân vẽ tặng cho vị
bác sĩ nọ.
Lời bàn : Thiên Chúa cũng tặng cho mỗi
người chúng ta một kho tàng vô giá là phẩm vị làm con của Ngài. Đừng để nó bị
tàn phai hủy hoại như bức tranh kia.
V. LỜI
NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh
chị em thân mến
Nước Trời quả là một kho tàng vô giá, một
viên ngọc quý báu mà bất cứ người khôn ngoan nào cũng đều nhất quyết chiếm cho
bằng được. Với ước mong chiếm hữu được Nước Trời, chúng ta cùng dâng lời cầu
xin.
1- Chúa đã trao phó cho Đức Thánh Cha
nhiệm vụ săn sóc Hội Thánh trên khắp hoàn cầu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho
Người được lòng tin mạnh mẽ / lòng trông cậy vững vàng / và lòng yêu mến thiết
tha.
2- Xưa Chúa đã lưu lạc nơi đất khách quê
người / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa an ủi đỡ nâng / những kẻ đang phải sống
xa gia đình / xa quê hương yêu dấu của mình.
3- Giáo lý của Chúa thật quý báu và cần
thiết biết bao / cho đời sống đức tin của người kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu
xin cho các tín hữu / biết chuyên cần học hỏi giáo lý của Chúa / để nhờ đó mà
hiểu biết yêu mến Chúa nhiều hơn.
4- Muốn được vào Nước Trời / người tín hữu
phải từ bỏ những gì không phù hợp với lề luật Chúa / chấp nhận hy sinh gian khổ
/ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết chọn con đường
hẹp là con đường dẫn đến cõi trường sinh.
CT : Lạy
Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con được phúc làm con Chúa, được
Hội Thánh là mẹ chăm sóc, được Tin Mừng Chúa hướng dẫn trong cuộc sống thường
ngày. Xin cho cuộc đời chúng con là một lời cảm tạ Chúa không ngừng. Chúng con
cầu xin nhờ…
VI.
TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Đức Giêsu đã hứa
"Hãy xin thì sẽ được". Ngài còn dạy chúng ta những điều tốt nhất cần
phải xin trong Kinh Lạy Cha. Trong tâm tình con thảo, chúng ta hãy sốt sắng xin
những điều ấy trong lời kinh sau đây.
VII. GIẢI
TÁN
Chúng ta sung sướng biết mình đang sống
trong tình thương ấp ủ của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Chớ gì tâm tình này luôn
tràn ngập tâm hồn chúng ta suốt cả tuần này.
LM. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa Nhật XVII Thường Niên (A)
Chúa
Nhật, 30 Tháng 7, 2017
Ba dụ ngôn về Vương Quốc Thiên Chúa
Khám phá ra các dấu hiệu của Thiên
Chúa trong đời sống hằng ngày
Mt 13:44-52
1.
Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí
Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các
môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng
của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra
được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của
Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là
sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống
lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng
để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh,
trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất
là những người nghèo khó và đau khổ.
Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ
Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng
cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch
của tình anh em, công lý và hòa bình.
Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải
cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài
Đọc
a)
Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 13:44: Dụ ngôn về kho tàng chôn giấu
Mt 13:45-46: Dụ ngôn về người lái buôn đi tìm viên ngọc
quý
Mt 13:47-50: Dụ ngôn về lưới thả dưới biển
Mt 13:51-52: Dụ ngôn để kết thúc bài giảng bằng các dụ
ngôn
b)
Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Trong ngày Chúa Nhật XVII Thường Niên tuần
này chúng ta suy niệm về ba dụ ngôn tạo nên phần cuối cùng của Bài Giảng bằng
các Dụ Ngôn: kho tàng chôn giấu, người
buôn ngọc quý và lưới thả dưới biển. Các
dụ ngôn của Chúa Giêsu giúp chúng ta điều chỉnh lại cách nhìn của chúng ta để
thấy rõ hơn sự hiện diện của Thiên Chúa trong những điều bình thường nhất của
cuộc sống. Khi đọc, tốt nhất là chúng ta
hãy giữ trong tâm trí những điều sau:
“Kho tàng chôn giấu, người buôn ngọc quý hay lưới thả dưới biển cho tôi những
gì? Kinh nghiệm của tôi sẽ giúp tôi như
thế nào để hiểu các dụ ngôn về kho tàng, về ngọc trai, về lưới cá?”
c)
Phúc Âm:
44 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân
chúng rằng: “Nước Trời giống như kho
tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở
về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. 45 Nước Trời cũng giống như người buôn nọ, đi
tìm ngọc quý. 46 Tìm được một viên ngọc
quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy. 47 Nước Trời lại giống như lưới thả dưới biển,
bắt được mọi thứ cá. 48 Lưới đầy, người
ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn:
cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. 49 Trong ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra
khỏi người lành, 50 rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
51 Các ngươi có hiểu những điều đó
không?” Họ thưa: “Có.”
52 Người liền bảo họ: “Bởi thế,
những thầy thông giáo am tường về Nước Trời cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ
trong kho của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”
3.
Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời
sống chúng ta.
4.
Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá
nhân.
a)
Phần nào trong đoạn Tin Mừng đánh động tôi nhất? Tại sao?
b)
Theo kinh nghiệm sống của tôi, tôi hiểu gì về kho tàng chôn giấu, về người
buôn ngọc quý, hay cái lưới thả ở dưới biển?
c)
Kinh nghiệm này của tôi đã giúp tôi hiểu được các dụ ngôn về kho tàng,
viên ngọc và cái lưới như thế nào?
d)
Điều khác biệt giữa dụ ngôn kho tàng và dụ ngôn viên ngọc là gì?
e)
Bài Tin Mừng nói gì về sứ vụ sẽ được thực hiện bởi các môn đệ của Chúa
Kitô?
5.
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a)
Bối cảnh của các dụ ngôn được kể bởi Chúa Giêsu:
Các sách Phúc Âm có nhiều dụ ngôn của
Chúa Giêsu. Thánh sử Mátthêu thậm chí
còn nói: “Tất cả những điều Chúa Giêsu
nói với đám đông, Người dùng các dụ ngôn; và Người không nói gì với họ mà không
dùng dụ ngôn” (Mt 13:34). Đây là phương
thức phổ thông về giảng dạy được dùng vào thời ấy. Theo cách này, Chúa Giêsu làm cho dân chúng
hiểu được Người. Trong các dụ ngôn, Người
bắt đầu từ những điều rất bình thường của đời sống và Người xử dụng chúng ở thể
tỷ để giúp người ta hiểu cặn kẽ hơn về những điều ít được biết đến về Nước
Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần
này, Chúa Giêsu bắt đầu với ba điều ai cũng biết trong đời sống: kho tàng được chôn giấu trong ruộng, người
lái buôn đi tìm những viên ngọc và lưới cá mà các ngư phủ thả xuống biển.
b)
Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:
Mt 13:44: Dụ ngôn về kho tàng chôn giấu
Ở đây chữ được xử dụng để so sánh hầu
làm sáng tỏ những điều về Vương Quốc Thiên Chúa là kho tàng chôn giấu trong ruộng. Không ai biết rằng có một kho tàng trong ruộng
ấy. Tình cờ, một người tìm được. Anh ta không biết rằng mình sẽ tìm thấy
nó. Anh tìm thấy, hớn hở và hân hoan đón
nhận sự bất ngờ. Kho tàng được tìm thấy
chưa thuộc về quyền sở hữu của anh ta, nó sẽ là của anh nếu anh thành công
trong việc tậu mãi được nó. Lề luật vào
thời ấy là như thế. Vì vậy, anh ta trở về
bán tất cả những gì anh có để mua thửa ruộng ấy. Bằng vào việc mua thửa ruộng, anh ta cũng thu
được kho tàng.
Chúa Giêsu không giải thích dụ ngôn. Điều tương tự cũng áp dụng ở đây như đã nói
trong những lần trước: “Ai có tai thì
hãy nghe” (Mt 13:9, 43). Hoặc: “Vương Quốc Thiên Chúa là thế đấy. Các ngươi đã nghe nói. Bây giờ hãy cố gắng mà hiểu!” Nếu Chúa Giêsu không giải thích dụ ngôn, thì
tôi cũng thế. Đây là công việc của mỗi
người chúng ta. Nhưng tôi muốn đưa ra một
lời đề nghị bắt đầu từ những gì tôi đã hiểu.
Thửa ruộng là đời sống của chúng ta.
Trong đời sống chúng ta có kho tàng ẩn chứa, không phải là kho tàng quý,
nhưng mà qúy báu hơn tất cả những thứ khác.
Bất cứ ai gặp phải kho tàng ấy có sẽ đánh đổi mọi thứ người đó có để mua
kho tàng này không? Bạn đã tìm thấy nó
chưa?
Mt 13:45-46: Dụ ngôn về người buôn ngọc quý
Trong dụ ngôn đầu tiên, chữ được dùng để
so sánh là “kho tàng chôn giấu trong ruộng”.
Trong dụ ngôn này, sự phân biệt lại khác. Chữ được dùng so sánh không phải là viên ngọc
quý, nhưng là hoạt động, nỗ lực của người lái buôn đi tìm những viên ngọc
quý. Tất cả chúng ta đều biết rằng các
viên ngọc ấy hiện hữu. Điều quan trọng
không phải là biết rằng chúng hiện hữu, mà là đi tìm chúng không ngừng nghỉ cho
đến khi ta tìm ra chúng.
Cả hai dụ ngôn có một số điểm tương đồng
và một số điểm tương phản. Trong cả hai
trường hợp đều nói về một cái gì quý giá:
kho tàng và viên ngọc. Cả hai đều
nói về sự tìm kiếm điều mình ước ao, và trong cả hai trường hợp người ấy đi và
đánh đổi tất cả những gì anh ta có để mua lấy cho được vật quý giá đã tìm thấy. Trong dụ ngôn đầu tiên, sự tìm được là do
tình cờ. Trong dụ ngôn thứ hai, sự tìm
được là kết quả của nỗ lực kiếm tìm. Ở
đây chúng ta thấy hai khía cạnh căn bản của Vương Quốc Thiên Chúa. Vương Quốc ấy hiện hữu, nó ẩn dấu trong đời sống,
chờ đợi những ai tìm thấy nó. Vương Quốc
là kết quả của sự tìm kiếm (thu được).
Đây là hai khía cạnh căn bản của đời sống con người: lòng biết ơn về tình yêu đã chào đón chúng ta
và đến gặp chúng ta, và sự tuân giữ trung thành đưa chúng ta đến gặp điều
kia.
Mt 13:47-50: Dụ ngôn về lưới thả dưới biển
Ở đây Nước Trời được ví như một lưới cá,
không phải là bất cứ một loại lưới nào, mà là loại lưới thả chìm xuống dưới biển
và bắt được mọi thứ cá. Đó là một cái gì
tiêu biểu trong đời sống của những người đang lắng nghe, đa số họ là những ngư
phủ sống bằng nghề chài lưới. Đây là một
kinh nghiệm mà họ đã quá quen thuộc, thả lưới để bắt tất cả mọi thứ cá, một số
là cá tốt và một số thì kém hơn. Ngư dân
không thể ngăn chặn các con cá kém hơn khỏi lọt vào lưới, bởi vì anh ta không
thể kiểm soát được những gì xảy ra trong vùng nước biển sâu nơi thả lưới. Anh ta sẽ chỉ biết khi lưới được kéo lên và
ngồi cùng với những đồng nghiệp mà lựa ra.
Khi ấy họ sẽ phân loại những cá tốt với cá xấu. Một lần nữa, Chúa Giêsu không giải thích ngụ
ngôn. Người chỉ đưa ra một gợi ý: “Trong ngày tận thế cũng như vậy.” Khi ấy, kẻ dữ sẽ bị tách biệt ra khỏi người
lành.
Mt 13:51-52: Lời kết luận của bài giảng các dụ ngôn
Trong sách Tin Mừng của thánh Mátthêu,
bài giảng các dụ ngôn kết thúc bằng một cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và
các người nghe và các cử chỉ như một chìa khóa dẫn đến bài đọc tất cả các dụ
ngôn. Đức Giêsu hỏi: “Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa:
“Có!” Sau đó Chúa Giêsu kết luận
với những lời rất đẹp này: “Bởi thế mỗi
người kinh sư trở thành môn đệ của Nước Trời cũng giống như chủ nhà kia lấy ra
từ trong kho của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.
Lời kết là một dụ ngôn khác. “Những
vật mới cũng như cũ mà người chủ nhà mang ra từ kho của mình” là những vật
trong đời sống mà Chúa Giêsu vừa mới đưa ra trong các dụ ngôn: hạt giống gieo trong ruộng (Mt 13:4-8), hạt cải
(Mt 13:31-32), men bột (Mt 13:33), kho tàng chôn giấu (Mt 13:44), người buôn ngọc
quý (Mt 13:45-46), lưới thả dưới biển (Mt 13:47-48). Kinh nghiệm của mỗi người về những việc này
là kho tàng của người ấy. Những kinh
nghiệm mà mỗi người tìm thấy trong sự so sánh sẽ cho phép người đó hiểu rõ hơn
về những việc của Nước Thiên Chúa! Đôi
khi những dụ ngôn không có ý nghĩa nhiều đối với chúng ta và không mang lại sứ
điệp của chúng, nguyên nhân không hẳn là vì thiếu học hỏi, mà là thiếu kinh
nghiệm trong đời sống hoặc thiếu chiều sâu trong đời sống của người ấy. Những ai sống hời hợt bên ngoài mà không có
chiều sâu về kinh nghiệm đời sống, sẽ không có kho để từ đó đem ra những điều mới
cũng như cũ.
c)
Đào sâu hơn: Sự giảng dạy về các
dụ ngôn
Các dụ ngôn của Chúa Giêsu là một dụng cụ
sư phạm dùng đời sống hằng ngày để cho chúng ta thấy những việc trong đời sống
thường nhật nói với chúng ta về Thiên Chúa như thế nào. Những dụ ngôn làm sự hiện thực nên minh bạch
và mặc khải sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa. Chúng biến đổi cái nhìn của một người thành một
cái nhìn chiêm niệm. Một dụ ngôn về những
điều của đời sống và do đó là một sự giảng dạy mở ngỏ có liên quan cả đến chúng
ta. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm
về những việc trong đời sống. Sự giảng dạy
bằng dụ ngôn bắt đầu với kinh nghiệm của một người về những việc thông thường để
có thể hiểu về Nước Trời: hạt giống, muối,
ánh sáng, con chiên, hoa cỏ, phụ nữ, trẻ nhỏ, người cha, cái lưới, cá, kho
tàng, ngọc trai, v.v.
Chúa Giêsu thường không giải thích các dụ
ngôn của Người. Thông thường, Người kết
thúc với câu này: “Ai có tai thì hãy
nghe!” (Mt 11:15; 13:9-43) hay là “Chỉ có thế.
Các ngươi đã nghe! Bây giờ hãy cố
mà hiểu!” Chúa Giêsu chất dứt các dụ
ngôn của mình với một câu nói mở, Người đã không kết thúc chúng. Đây là một dấu hiệu cho thấy Chúa Giêsu tin
tưởng vào khả năng của con người có thể khám phá ra ý nghĩa của dụ ngôn bắt đầu
từ kinh nghiệm riêng của họ về đời sống.
Thỉnh thoảng, theo lời yêu cầu của các môn đệ, Người sẽ giải thích ý
nghĩa (Mt 13:10-36). Ví dụ, các câu
36-43 giải thích dụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng.
Cũng có thể đây là những lời giải thích phản ảnh giáo huấn của các cộng
đoàn Kitô hữu tiên khởi. Các cộng đoàn
đã gặp nhau và thảo luận về dụ ngôn của Chúa Giêsu, tìm hiểu về những gì Chúa
Giêsu có ý muốn nói. Do đó, dần dần, các
giáo huấn của Chúa Giêsu bắt đầu được đồng hóa vào giáo lý của cộng đoàn và điều
này sau đó trở thành lời giải thích của dụ ngôn.
6.
Thánh Vịnh 19:7-14
Luật pháp Chúa thì hoàn mỹ
Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức
cho tâm hồn.
Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người
dại nên khôn.
Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng, làm
hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch, cho
đôi mắt rạng ngời.
Lòng kính sợ CHÚA luôn trong trắng, tồn
tại đến muôn đời.
Quyết định CHÚA phù hợp chân lý, hết thảy
đều công minh,
thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn
lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong
nguyên chất.
Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi;
ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi
ích.
Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của
mình?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng
hay.
Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu
ngạo,
đừng để tính xấu này thống trị con.
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
không còn vương trọng tội.
Lạy CHÚA là núi đá cho con trú ẩn,
là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui
nhận
bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
và bao tiếng lòng con thầm thĩ
mong được thấu đến Ngài.
7.
Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa
về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc
làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải
cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con,
được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà
còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng
sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến
muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét