Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

24-07-2017 : THỨ HAI - TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

24/07/2017
Thứ hai tuần 16 thường niên


Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 14, 5-18
"Các ngươi biết rằng Ta là Chúa, khi Ta tỏ vinh quang cho Pharaon".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, người ta báo tin cho vua Ai-cập hay: dân chúng đã trốn đi rồi; Pharaon và quần thần của ông liền đổi lòng đối với dân chúng và nói: "Sao chúng ta lại để dân Israel ra đi, còn ai phục dịch chúng ta nữa?" Vua chuẩn bị xe và đem toàn quân đi với mình. Vua đem theo sáu trăm xe hảo hạng và tất cả loại xe trong xứ Ai-cập, cùng các vị chỉ huy toàn thể quân đội. Chúa để cho lòng Pharaon, vua xứ Ai-cập, ra cứng cỏi, ông đuổi theo con cái Israel, nhưng những người này ra đi cách hùng dũng. Những người Ai-cập theo dấu chân họ và bắt gặp họ đóng trại gần biển. Toàn thể kỵ binh, chiến xa và bộ binh của Pharaon trú ở Phihahirô, đối diện với Beelsêphon.
Lúc Pharaon đến gần, con cái Israel ngước mắt lên thấy quân Ai-cập đuổi theo mình. Họ quá khiếp sợ, kêu lên cùng Chúa, và nói cùng Môsê rằng: "Có lẽ ở Ai-cập không đủ đất để chôn chúng tôi hay sao, mà ông đem chúng tôi lên chết trong sa mạc này? Ông dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập với mục đích gì? Chẳng phải khi ở Ai-cập chúng tôi đã nói với ông lời này sao?, là: "Ông hãy mặc chúng tôi làm nô lệ cho người Ai-cập, còn hơn là chết trong sa mạc". Môsê liền nói với dân chúng rằng: "Xin anh em đừng sợ, hãy vững lòng, và anh em sẽ thấy Thiên Chúa hôm nay của chúng ta thế nào? Vì chưng, những người Ai-cập mà hiện giờ anh em thấy đây, anh em sẽ không bao giờ thấy họ nữa. Chúa sẽ chiến đấu cho anh em, nên xin anh em khỏi lo chi".
Chúa phán cùng Môsê rằng: "Có gì mà kêu đến Ta? Hãy bảo con cái Israel cứ lên đường. Còn ngươi đưa gậy lên và giơ tay trên biển, hãy phân rẽ biển ra, cho con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai-cập ra chai đá, chúng sẽ rượt theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ tỏ vinh quang cho Pharaon, toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy biết. Người Ai-cập sẽ biết Ta là Chúa khi Ta tỏ vinh quang cho Pharaon?, chiến xa và kỵ binh của vua ấy".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Xh 15, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Chúng ta hãy ca tụng Chúa, vì Người uy linh cao cả (c. 1a).
Xướng: 1) Tôi sẽ ca tụng Chúa, vì Người uy linh cao cả. Người đã ném ngựa và người xuống biển khơi. Chúa là sức mạnh và là khúc ca của tôi, chính Người đã cho tôi được cứu thoát. Người là Thiên Chúa tôi, tôi sẽ tôn vinh Người; Người là Chúa tổ phụ tôi, tôi sẽ hát ca mừng Chúa. - Ðáp.
2) Chúa như là người chiến sĩ, danh thánh Người thật toàn năng. Người đã ném xe cộ và đạo binh của Pharaon xuống biển, và dìm xuống Biển Ðỏ các tướng lãnh của ông. - Ðáp.
3) Các vực thẳm đã chôn sống họ, họ rơi xuống đáy biển như tảng đá to. Lạy Chúa, tay hữu Chúa biểu dương sức mạnh, lạy Chúa, tay hữu Chúa đánh tan quân thù. - Ðáp.

Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 12, 38-42
"Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ". Người trả lời: "Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona. Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy. Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Giona. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó: vì bà từ biên thuỳ trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Salomon".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Phép Lạ Trong Cuộc Ðời
Tại sao những người kinh sư và pharisiêu cứ một mực đòi Chúa làm một dấu lạ đặc biệt, cho dẫu những phép lạ Ngài đã thực hiện trong thời đó không phải là hiếm có? Chính vì họ không có tâm hồn trong sạch và ngay thẳng. Họ đến với Chúa với thái độ ganh tỵ, quá khích, tranh giành ảnh hưởng. Vì thế, họ đã không nhận ra những phép lạ Chúa Giêsu đã làm cũng như không hiểu được ý nghĩa và giá trị của phép lạ. Những phép lạ Ngài làm chỉ nhằm ích lợi cho và vì con người, để con người nhận ra tình thương cứu độ Thiên Chúa đã và đang hoạt động, đang hiện hữu nơi một con người cụ thể với tên là Giêsu. Chính Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ, làm cho con người được cùng nhau sống hạnh phúc và sung mãn trong Nước của Ngài.
Trong cuốn sách nổi tiếng rất quen thuộc với chúng ta có tựa đề Phép Lạ Trong Những Cái Thường Ngày, tác giả đã đưa ra những tư tưởng, những lời khuyên rất sâu sắc và thiết thực, làm mẫu mực cho những suy tư và tâm tình sống của chúng ta. Có lẽ trong chúng ta ai cũng đồng ý với ý tưởng của tác giả. Một khi chúng ta nhìn tha nhân và thế giới quanh ta với cái nhìn trong sạch, một khi đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của ta, thì không có gì là không giúp chúng ta nhận ra sự quan phòng của Chúa. Chúa luôn can thiệp trong mọi giây phút của cuộc đời chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta có sẵn sàng hay có đủ kiên nhẫn và khiêm nhường để nhận ra sự can thiệp của Ngài không. Hãy nhắm mắt lại và để tâm quan sát mọi cơ phận của ta cũng như mọi hoạt động, những chuyển động đang diễn ra trong ta và trong thế giới chúng ta đang sống, với sức sống của muôn loài thụ tạo. Từ cái to lớn vĩ đại nhất cho đến cái vi phân tử, rồi niềm tin, tư tưởng, ý nghĩ, tâm tư, tình cảm của con người, đâu đâu chúng ta cũng gặp thấy quyền năng và sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Tất cả những điều kỳ diệu đó là gì nếu không phải là những phép lạ trong cuộc đời ta.
Cảm tạ Chúa đã cho chúng con có phước được biết Chúa và được làm con Chúa. Chúng con biết rằng đức tin sẽ trở nên án phạt cho con nếu con để sự kiêu ngạo, tính ích kỷ thống trị con. Xin củng cố đức tin và xin ban sức mạnh của tình yêu Chúa cho chúng con, nhờ đó đức tin mà chúng con đã lãnh nhận được trổ sinh nhiều hoa trái, đem lại ơn cứu độ cho chúng con và cho tất cả mọi người, đó là phép lạ lớn nhất của cuộc đời con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 16 TN1, Năm lẻ
Bài đọcExo 14:5-18; Mt 10:38-42.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đừng thử thách Thiên Chúa.
Thiên Chúa không mắc nợ gì con người; trái lại, con người mắc nợ tất cả với Thiên Chúa. Để khơi niềm tin, Thiên Chúa sẽ cho con người cơ hội để nghe những lời khôn ngoan và chứng kiến các phép lạ. Con người phải biết nắm lấy những cơ hội này để phát triển niềm tin. Con người không thể tiếp tục đòi những dấu lạ xảy ra theo ý mình muốn, và càng không thể thử thách sự kiên nhẫn của Thiên Chúa trước khi đặt niềm tin vào Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những trường hợp con người thử thách Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, vua Pharao và người Ai-cập tiếp tục thử thách Thiên Chúa, mặc dù đã được nghe lời yêu cầu của Moses phóng thích dân Israel khỏi Ai-cập và đã chứng kiến những thiên tai khủng khiếp của Thiên Chúa đổ xuống trên nước ông. Nhà vua tiếc vì khối nô lệ khổng lồ dân Israel cung cấp cho Ai-cập; nên đã huy động toàn thể quân đội đuổi theo dân Israel để bắt họ về. Ngay cả dân Israel, dù đã được dạy dỗ và chứng kiến bao quyền năng của Thiên Chúa; vẫn run sợ và ta thán khi thấy quân đội của vua Pharao đuổi theo mình. Trong Phúc Âm, khi một số kinh-sư và luật sĩ đòi Chúa Giêsu làm phép lạ trước mặt họ để họ có thể tin nơi Ngài; Chúa Giêsu từ chối lời yêu cầu của họ, nhưng hứa sẽ cho họ thấy phép lạ Con Người sống lại sau ba ngày trong huyệt mộ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Chúa sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên.

1.1/ Phản ứng của người Ai-cập: Sau thiên tai cuối cùng, các thiên thần đi khắp xứ để giết các con đầu lòng của người Ai-cập; vua Pharao đã đồng ý để Moses đưa dân ra khỏi Ai-cập, vì nhà vua không thể chịu nổi hậu quả của thiên tai.
(1) Sợ không còn người làm nô lệ: Nhưng khi dân Israel xuất hành khỏi Ai-cập, "vua Pharao và bề tôi liền thay lòng đổi dạ với dân. Chúng nói: "Ta đã làm gì vậy? Ta đã thả cho Israel đi, thành ra bọn chúng hết làm nô lệ cho ta! Nhà vua cho thắng chiến xa và đem quân đi theo.
Vua lấy sáu trăm chiến xa tốt nhất, và tất cả các chiến xa của Ai-cập, chiếc nào cũng có chiến binh." Lý do nhà vua và người Ai-cập đuổi theo là họ sợ mất mối lợi nô lệ mà dân Israel phục vụ họ. Điều này cho ta thấy lý do chính đáng Thiên Chúa muốn giải phóng dân. Con người không có quyền đối xử với người khác như những nô lệ.
(2) Đức Chúa làm cho lòng Pharao vua Ai-cập ra chai đá? Có nhiều người thắc mắc về tình thương của Thiên Chúa trong câu này: "Đức Chúa làm cho lòng Pharao vua Ai-cập ra chai đá, và vua ấy đuổi theo con cái Israel, trong khi con cái Israel đi ra, giơ tay đắc thắng." Tại sao Thiên Chúa thương dân Israel và trừng trị người Ai-cập? Tại sao Thiên Chúa không làm cho nhà vua nhận ra lẽ ngay để đừng chai đá mà tiếp tục lãnh hình phạt?
Chúng ta biết đây chỉ là lối diễn tả của người Do-thái, vì họ tin mọi việc xảy ra đều là do thánh ý của Thiên Chúa, chứ họ không quan tâm đến việc giải thích hợp lý cách thần học như thời đại chúng ta. Theo quan điểm thần học, Thiên Chúa ban cho con người có trí tuệ để nhận ra điều phải hay trái, và có tự do để thi hành. Thiên Chúa đã bảo Moses và các kỳ-mục vào xin phép nhà vua để phóng thích dân Israel. Khi vua không chịu, Thiên Chúa mới gởi các thiên tai tới, không chỉ một vài lần, mà tới bảy lần. Vì thế, lỗi không phải là ở Thiên Chúa, mà tại sự cứng lòng và lối cư xử bất công của nhà vua và dân Ai-cập với đồng loại của mình.

1.2/ Phản ứng của con cái Israel:
(1) Yếu lòng tin dù đã thấy những việc Thiên Chúa làm qua 7 thiên tai: Khi con cái Israel nhìn thấy quân đội Ai-cập tiến đến sau lưng họ, con cái Israel kinh hãi, liền lớn tiếng kêu cầu Đức Chúa. Họ nói với ông Moses: "Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc? Ông làm gì chúng tôi vậy, khi ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập? Đó chẳng phải là điều chúng tôi từng nói với ông bên Ai-cập sao? Chúng tôi đã bảo: Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc!"
Người anh hùng thà chết vinh hơn sống nhục; con cái Israel thà sống nhục hơn chết vinh. Hai tội của con cái Israel chúng ta có thể nhận ra ở đây: (1) Họ không có niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa dù đã thấy quá nhiều các uy quyền của Ngài qua việc chọn Moses và 7 thiên tai. (2) Họ chọn làm nô lệ cho người Ai-cập để có của ăn dư thừa, hơn là tự do mà phải sống thiếu thốn! Khi đức tin bị thử thách, con người phải chứng minh cho Thiên Chúa biết niềm tin của họ.
(2) Đức tin của nhà lãnh đạo Moses: Ông Moses nói với dân: "Đừng sợ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em: những người Ai-cập anh em thấy hôm nay, không bao giờ anh em thấy lại nữa. Đức Chúa sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên." Những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ thực thi. Ông Moses bày tỏ đức tin vững vàng của ông vào Thiên Chúa cho dân Israel thấy, ông làm tất cả những gì Ngài truyền.
2/ Phúc Âm: Chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Jonah.

2.1/ Niềm tin cần thiết để có dấu lạ: Trong hầu như tất cả phép lạ Chúa Giêsu làm, Ngài đòi con người phải chứng tỏ niềm tin của mình trước. Khi không có dấu chỉ của niềm tin, Chúa không làm phép lạ như trình thuật Chúa về quê hương Nazareth trong Tin Mừng của Chủ Nhật vừa qua.
(1) Đòi hỏi của các luật sĩ và kinh sư: "Bấy giờ có mấy luật sĩ kinh sư và mấy người kinh-sư nói với Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ."" Họ đã từng được nghe hay chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Điều họ yêu cầu hôm nay chỉ là một thử thách. Chúa biết đối với những người cứng lòng như họ, có làm bao nhiêu phép lạ nữa cũng không lay chuyển được sự ngoan cố của họ.
(2) Câu trả lời của Chúa Giêsu: Người đáp: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Jonah. Quả thật, ông Jonah đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy." Tuy Chúa không thỏa mãn lời yêu cầu của họ, nhưng Chúa hứa sẽ cho họ thấy sự kiện Chúa chết ba ngày trong phần mộ và sẽ phục sinh khải hoàn.

2.2/ Kẻ có cơ hội đến nhiều, sẽ bị phán xét nặng hơn:
(1) Dân thành Nineveh: Tiên tri Jonah sau khi đã nhận ra uy quyền của Thiên Chúa qua biến cố sống trong bụng cá 3 ngày, đã vâng lời đi rao giảng tại Nineveh. Khi ông mới chỉ rao giảng có một ngày, toàn thể dân thành, từ nhà vua đến dân chúng, từ con người đến thú vật, đều ăn năn xám hối, xức tro trên đầu, và mặc áo nhặm đền tội. Vì thế, Chúa nói: "Trong cuộc phán xét, dân thành Nineveh sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa." Những luật sĩ và kinh sư sẽ bị kết án nặng nề hơn dân thành Nineveh, vì họ đã được nghe chính Chúa dạy dỗ và tỏ uy quyền.
(2) Nữ hoàng Phương Nam: là người đã từ phương xa mang theo bao lễ vật lặn lội tới để được nghe những lời khôn ngoan của vua Solomon. Vì thế, "trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Solomon; mà đây thì còn hơn vua Solomon nữa."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta không bao giờ được quyền đòi Thiên Chúa phải tỏ khôn ngoan và uy quyền. Chúng ta phải khiêm nhường học hỏi và nhìn ra những điều này trong trời đất.
- Chúng ta phải chứng minh niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, khi đức tin của chúng ta bị thử thách. Đừng bao giờ chọn những lợi lộc vật chất thay vì chọn Thiên Chúa.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


24/07/17    TH HAI TUN 16 TN
Th. Sa-bê-li-ô Ma-lup, linh mục           Mt 12,38-42

“NGOẠI TÌNH” NIỀM TIN


“Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ.” (Mt 12,39)

Suy niệm: Tâm lý con người thời nào cũng thích ba đặc tính mới - độc - lạ. Vì thế, không lạ gì khi người ta hết tìm mẫu này đến dạng kia, kiểu nọ nhằm thu hút thị hiếu của người tiêu dùng. Nếu chỉ trong lãnh vực làm ăn thì cũng là điều bình thường, đằng này người ta đem cả cái tâm lý ấy vào trong niềm tin của mình. Nghe ở đâu có hiện tượng “linh – thiêng” thì hăm hở tìm đến để thỏa mãn lòng hiếu kỳ. Được thỏa mãn rồi lại đi tìm nơi khác. Lời cảnh báo “thế hệ gian ác và ngoại tình” của Thầy Giê-su quả là nặng và khó nghe thật, nhưng lại đúng, vì đã từng xảy ra trong lịch sử dân Chúa vào thời Cựu ước. Chúng ta, những người thuộc Giao ước mới, cũng sẽ bị Chúa khiển trách nặng nề như vậy nếu cứ mãi đòi Chúa làm dấu lạ cho mình. Có khi người tín hữu cũng “ngoại tình đức tin” như bao người khác vậy.

Mời Bạn: Không ít lần tôi và bạn mong Chúa làm những phép lạ, nhất là trong các nghịch cảnh. Bạn có nghĩ mình đang rơi vào cám dỗ “ngoại tình đức tin” không? Bạn hãy tin tưởng phó thác vào Chúa, như người con hiếu thảo.

Chia sẻ: Mỗi lần nhận được ơn, chắc bạn mừng lắm. Còn những lúc không được như ý, có thể bạn không thể tránh khỏi sự chán nản. Bạn nghĩ cần làm gì trong những lúc ấy?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm tôi là dấu chỉ của Thiên Chúa nhân lành trong cuộc đời này, để niềm xác tín ấy giúp mình sống trọn niềm tin vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết cám ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù thuận hay nghịch, để con  trung tín và kiên vững đi trên con đường của Thầy Giê-su. Amen.
(5 phút Lời Chúa)

Đòi du l (24.7.2017 – Th hai Tun 16 Thường niên)
Đc Giêsu không làm du l đ biu din quyn năng ca mình trước con người. Ngài ch làm du l đ phc v nhu cu con người và loan báo Nước Chúa.


Suy nim:
Sinh trong một gia đình người Pháp giàu có, quý phái và đạo đức,
Anh Charles de Foucauld mất đức tin từ năm 16 tuổi.
Hai năm sau Anh học ở trường sĩ quan Saint-Cyr nổi tiếng của Pháp,
đã đi thám hiểm nước Ma rốc ở châu Phi và được huy chương vàng.
Sau thời gian đó anh đã muốn suy nghĩ về đời mình.
Đời sống đạo đức của người chị em họ đánh động Anh nhiều.
Anh đi nhà thờ dù chẳng tin gì, chỉ thích lặp đi lặp lại lời nguyện này:
“Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu, thì xin làm cho con nhận biết Chúa.”
Chúa đã làm cho Anh nhận biết Ngài vào một ngày cuối tháng 10-1886.
Khi được chị họ giới thiệu với cha sở Huvelin ở Paris, anh đã xin học đạo.
Nhưng cha lại bảo anh vào tòa giải tội và xưng tội.
Anh ngần ngại, nhưng đã chấp nhận quỳ xuống,
và bất ngờ nếm được niềm vui khôn tả của người con lưu lạc trở về.
Đời Anh đã bắt đầu sang trang từ giây phút ấy.
Chúa đưa Anh trở lại không bằng những dấu lạ lùng,
nhưng qua bà chị họ đạo đức, qua cha sở Huvelin nhiều kinh nghiệm.
Ơn hoán cải của Anh không dựa trên những dấu lạ làm Anh ngất ngây,
nhưng đến từ khiêm nhường tìm kiếm và quỳ xuống đón nhận.
Chỉ ai biết quỳ xuống mới nhận ra dấu bình thường là dấu lạ.
Đức Giêsu không vui khi người Pharisêu và những người đương thời
muốn thấy dấu lạ và tìm kiếm dấu lạ (cc. 38-39).
Họ chờ mong một dấu lạ làm họ lóa mắt, gây ấn tượng mạnh,
khiến họ không thể chối cãi và buộc họ phải tin.
Tiếc rằng Đức Giêsu không bao giờ có ý muốn làm thứ dấu lạ như vậy.
Ngài không làm dấu lạ để biểu diễn quyền năng của mình trước con người.
Ngài chỉ làm dấu lạ để phục vụ nhu cầu con người và loan báo Nước Chúa.
Dấu lạ là dấu chỉ mời gọi chứ không cưỡng bức người xem phải tin.
Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ, nhưng họ vẫn không tin, vẫn đòi dấu lạ mới,
và còn bảo dấu lạ của Ngài là nhờ dựa vào tướng quỷ (Mt 12, 24).
Khăng khăng đòi dấu lạ cho thấy lòng họ dứt khoát từ chối Đức Giêsu.
Chẳng có dấu lạ nào làm họ thay đổi được cái nhìn về Ngài.
Đức Giêsu đã từng trách các thành vùng Galilê vì họ không sám hối (Mt 11,20).
Nay Ngài cũng quở trách một số người Pharisêu như vậy.
Vào ngày phán xét, chính dân Ninivê và Nữ hoàng Phương Nam sẽ kết án họ,
vì họ đã cứng lòng không tin Đức Giêsu (cc. 41-42).
Làm thế nào chúng ta nhận ra những dấu lạ Chúa vẫn làm cho đời ta,
để ta không đòi hỏi thêm dấu lạ nữa,
nhưng mãn nguyện với những gì mình nhận được?
Làm thế nào để chúng ta hạnh phúc
vì vẫn được nghe giảng bởi chính Đấng còn hơn Giôna nữa,
vẫn được tiếp xúc với Đấng còn khôn ngoan hơn vua Salômôn nữa?
Cầu nguyn:

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG BẢY
Tạo Vật Mang Dấu Ấn Của Đức Kitô
Trong Thư Cô-lô-sê, chúng ta thấy rằng chân lý về sự tiền định trong Đức Kitô có mối gắn kết chặt chẽ với chân lý về việc sáng tạo trong Người. Thánh Phao-lô viết: “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất” (Cl 1,15-16).
Ở đây chúng ta nắm bắt được một sự thật kỳ diệu. Ngay từ thuở đầu sáng tạo, thế giới mang trong mình nó ơn gọi và thậm chí mối đảm bảo được tiền định trong Đức Kitô, bởi vì thế giới được tạo dựng trong Đức Kitô và được cung hiến cho Thiên Chúa như tặng phẩm đầu tiên của sự quan phòng. Thế giới đã được tạo thành nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Kitô, Đấng mở ơn cứu độ ra cho mọi con người và, cuối cùng, cho thế giới. “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,19).
Sự viên mãn cuối cùng của trái đất, nhất là sự chuyển hóa của con người, được đạt đến chính là nhờ tác động của sự viên mãn vốn hiện diện nơi Đức Kitô. Đức Kitô đem lại cho chúng ta sự viên mãn của Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, chính trong Đức Kitô mà chương cuối cùng của lịch sử thế giới – nhất là lịch sử con người – được hoàn tất.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


24 Tháng Bảy
Một Lời Thề Hứa

Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1990 vừa qua, du khách trên khắp thế giới đã đổ xô về làng Oberammergau bên Tây Ðức để thưởng thức tuồng Thương Khó Chúa Giêsu... Việc diễn tuồng Thương Khó này là một lời thề hứa mà dân làng Oberammergau đã trung thành giữ từ trên 400 năm nay.
Năm 1633, một nạn dịch khủng khiếp đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng trong vùng Bavaria. Ðể đề phòng nạn dịch, dân làng Oberammergau đã đóng kín các cửa làng để không một người lạ mặt nào có thể lọt vào trong làng... Chẳng may, một người đào huyệt trong làng đã bị lây. Anh ta quyết định được chết trong ngôi làng thân yêu của mình. Anh đã qua mắt được những người canh cửa để lọt vào trong và rồi lây bệnh cho nhiều người khác trong làng...
Chỉ trong vòng hai tuần lễ, 88 người dân làng đã bị thiệt mạng, ngay cả hai vị linh mục trong xứ cũng không tránh khỏi ôn dịch. Một vị linh mục khác được sai đến. Dân làng không biết làm gì khác hơn là cùng với vị linh mục đến trước Thánh Thể Chúa để thề hứa. Qua sự cam đoan của linh mục chính xứ cũng như của những người đại diện, toàn dân đã cam kết rằng nếu được Chúa cho tai qua nạn khỏi, họ sẽ trình diễn tuồng Thương Khó của Chúa cứ 10 năm một lần...
Năm 1634, nghĩa là một năm sau khi nạn dịch chấm dứt, dân làng Oberammergau đã giữ lời hứa với Chúa. Già trẻ lớn bé, tất cả mọi người trong làng đã sốt sắng tham dự vào việc trình diễn tuồng Thương Khó. Lần trình diễn đầu tiên ấy chỉ thu hút được khoảng 200 khán giả đến từ các làng lân cận. Và kể từ năm 1680, họ đã quyết định trình diễn 10 năm một lần. Ðến năm 1770 thì khách thập phương đã bắt đầu đổ xô về Oberammergau...
10 năm một lần: khoảng cách của 10 năm là để dân làng được chuẩn bị chu đáo hơn. Diễn viên của vở tuồng phải là người dân làng. Các nhân vật được chọn lựa và huấn luyện kỹ càng. Riêng người được chọn đóng vai Chúa Giêsu và Ðức Mẹ sẽ được dân làng chào hỏi một cách kính cẩn bằng chính danh hiệu của Chúa Giêsu và Ðức Mẹ. Và trong suốt thời gian chuẩn bị cũng như trình diễn, tất cả mọi nhân vật đều được mời gọi để sống chính tâm tình của các nhân vật lịch sử trong vở tuồng... Vì là một lời thề của tổ tiên để lại, cho nên đêm trước buổi trình diễn đầu tiên, toàn dân làng sẽ tham dự Thánh lễ và sốt sắng rước Mình Thánh Chúa. Buổi tình diễn sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều... Và vì đây là một buổi trình diễn có tính cách tôn giáo, cho nên toàn dân làng Oberammergau không cho phép bất cứ một cuộc thu hình nào.
Kinh thánh thuật lại rằng trên đường tiến về Ðất Hứa, có lần nhiều người Do Thái bị rắn cắn chết giữa sa mạc.. Chúa đã truyền lệnh cho Môi Sen đúc một con rắn đồng và treo lên cây. Tất cả những ai bị rắn cắn nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành...
Chúa Giêsu đã ví con rắn đồng ấy với chính Ngài bị treo trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta hãy ngắm nhìn Ngài trong cảnh bị treo ấy. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã gắn liền với tội lỗi của từng người trong chúng ta. Người dân làng Oberammergau đã hiểu được mối tương quan ấy. Họ diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để tưởng nhớ công lao cứu sống của Ngài.
Một cách nào đó, mỗi người chúng ta cũng là một diễn viên của vở tuồng Thương Khó Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống chính tâm tình của Chúa Giêsu. Tân tình của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn chính là cảm mến, vâng phục, yêu thương đối với Chúa Cha và quảng đại, tha thứ đối với tha nhân. Ngắm nhìn Ngài trên thập giá, chúng ta cũng được mời gọi sống lại tâm tình ấy. Và đó cũng chính là sức sống của người Kitô chúng ta, bởi vì người Kitô luôn được mời gọi để sống cho Thiên Chúa và tha nhân...
Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét