Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 25)

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 25)
Vũ Văn An7/28/2017



Tại sao người Công Giáo liên kết mạnh mẽ đến thế với phong trào phò sự sống?

Giáo Hội Công Giáo dành cho việc bảo vệ sự sống con người, và do đó, chống đối phá thai, an tử, và dùng tế bào gốc phôi thai để nghiên cứu một vị trí ưu tiên rõ ràng trong các quan tâm chính trị của mình, song song với việc bảo vệ gia đình truyền thống, đặt căn bản trên sự kết hợp suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà, và do đó, chống đối hôn nhân đồng tính. Các nhà lãnh đạo Công Giáo thường so sánh việc tranh đấu cho sự sống với phong trào hủy bỏ nạn nô lệ ở thế kỷ 19; các ngài cho rằng Giáo Hội đã không ở tuyến đầu trong việc xác định các vấn đề nhân quyền của thời ấy, nên các ngài thề hứa lần này sẽ không mắc cùng một sai lầm như thế nữa.

Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, năm 2009, nói rằng “Về phương diện lịch sử, tôi nghĩ ta hoàn toàn có lý khi so sánh vấn đề phò sự sống với vấn đề nô lệ. Ngày nay, nhìn lại các giám mục Hoa kỳ đối với nạn nô lệ, chúng ta phải mắc cỡ, vì lúc ấy mình đã không tiên tri chút nào. Chỉ có một hay hai trường hợp trừ, không giám mục nào ở thế kỷ 19 dám đứng lên mà nói ‘điều này xấu ngay trong nội tại và chúng ta phải chấm dứt nó ngay bây giờ’. Có lúc, các vị còn viết thế này ‘chúng tôi xin để vấn đề này cho các người thế gian’. Như thể chúng ta đang ở Sao Hỏa không bằng! Chúng ta nhìn lại mà mắc cỡ về những điều như thế, và mắc cỡ là đúng, nhưng nhất định chúng ta sẽ không như thế nữa đối với vấn đề phá thai”.

Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đôi khi bị coi là phò sự sống một cách hăng hái hơn ở Âu Châu, nơi các thập tự chinh Công Giáo hàng đầu nằm ở chỗ khác: như bảo vệ tôn giáo chống lại phong trào duy tục trong Liên Hiệp Âu Châu, chẳng hạn, hay mối tương quan với Hồi Giáo. Ngay những người Âu Châu bảo thủ nhất đôi khi cũng tố cáo các đồng đạo Hoa Kỳ của họ là đã thiển cận, chỉ chú tâm vào vấn đề phá thai. Một phần, sự khác nhau này phản ảnh bầu khí chính trị. Phá thai là vấn đề phần lớn đã lắng dịu ở hầu hết các nước ở Âu Châu, thành thử người Công Giáo Âu Châu có xu hướng đầu tư năng lực của họ vào các vấn đề khác. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, cuộc tranh luận về phá thai vẫn còn đang sôi nổi, nên Giáo Hội cảm thấy có nghĩa vụ phải lên tiếng.

Phải chăng lập trường phò sự sống này đã được khắc cố định vào đá?

Các giá trị thì nhất định đã được khắc cố định vào đá rồi, nhưng bối cảnh chính trị thì thay đổi. Trong tương lai, điều chắc là việc chống đối tân thế giới kỹ thuật sinh học (biotechnology) đầy dạn sĩ sẽ phát xuất như nhau từ phe tả thế tục và từ phe hữu tôn giáo, kể cả các cuộc tranh luận về việc sinh vô tính (cloning), chép hình di truyền (genetic profiling) và các “chimeras”, tức các lai giống nhân tạo giữa người và thú vật. Thực tế này hiện nay đã khá rõ rõ ràng tại Âu Châu, nơi việc sử dụng các thực phẩm thay đổi gen (genetically modified foods), trong căn bản, đã bị chặn đứng bởi phe tả chính trị, chứ không phải phe hữu. Một loạt các vấn đề kỹ thuật sinh học khác đang ló dạng cũng có một phản ứng tương tự. Jeremy Rifkin, chẳng hạn, thường đứng chung hàng với các giới cấp tiến về môi trường; ông vốn là cố vấn cho Romano Prodi, một cựu thủ tướng Ý trung dung thiên tả (left-of-center). Rifkin cũng là người phê bình thời đại kỹ thuật sinh học gay gắt nhất, đến độ có biệt danh, do tờ Times đặt cho, là “người bị ghét nhất trong khoa học”. Như trong lãnh vực thực phẩm biến chế gen chẳng hạn, Rifkin nói rằng chúng đe dọa nhân loại bằng một “hình thức tận diệt từng chút nhưng gây chết chóc y như việc hỏa thiêu hạch nhân”.

Rifkin nhìn nhận rằng sự phân loại tả hữu ngày trước nay đang biến dạng. Ông viết: “thời đại kỹ thuật sinh học sẽ đem theo nó cả một sự đồng hình đồng dạng của nhiều viễn kiến chính trị và lực lượng xã hội khác nhau, y hệt như thời đại kỹ nghệ đã làm. Cuộc tranh luận hiện nay về việc sinh vô tính các bào thai người… đang tháo gỡ các liên minh và phạm trù cũ. Đây chính là lúc bắt đầu một nền chính trị sinh học mới”.

Trong phần lớn các vấn đề kỹ thuật sinh học mới, Giáo Hội Công Giáo có lẽ sẽ đứng về phe chống đối, trên cơ sở tôn trọng sự sống cũng như sự lo lắng cho rằng mục tiêu tối hậu của các kỹ thuật này là phá hủy tính độc đáo của con người. Khi bảo vệ các giá trị này, các giám mục và các nhà tranh đấu phò sự sống rất có thể mỗi lúc mỗi thấy mình phải đồng hành với các đồng minh không quen thuộc của phe tả thế tục. Ngay trong điều có lẽ được coi như một trong các phép lạ hàng đầu của khoa học di truyền, Giáo Hội và ít nhất một số thành phần của phe tả, một lần nữa, thấy mình quen biết nhau đến có thể chuyện trò với nhau được.

Có phải việc Công Giáo chống hôn nhân đồng tính cuối cùng cũng đã phát sinh ra tranh chấp không?

Dám chắc như thế. Các cơ quan bác ái Công Giáo ở Boston, chẳng hạn, hồi tháng Tư năm 2006, buộc phải ngưng việc cung cấp các dịch vụ nhận con nuôi sau khi không được miễn trừ việc luật lệ tiểu bang đòi các cơ sở nhận tài trợ công cộng phải phục vụ các cặp đồng tính. Ở Illinois, năm 2011, Tiểu Bang rút việc tài trợ công cộng dành cho các dịch vụ nhận con nuôi khỏi các cơ sở Công Giáo vì các cơ sở này từ chối làm việc với các cặp đồng tính, thực tế đẩy Giáo Hội ra khỏi nghiệp vụ nhận con nuôi. Cũng một sự kiện như thế đã xẩy ra tại San Francisco và Thủ Đô Washington, và thứ áp lực này không chỉ có ở Hoa Kỳ mà thôi. Tháng Hai năm 2007, chính phủ Anh tuyên bố các cơ sở nhận con nuôi tư nhân nào từ khước phục vụ các cặp đồng tính sẽ không còn nhận được tiền bồi hoàn cho các dịch vụ của họ nữa, kết quả khiến các cơ quan bác ái Công Giáo tại Anh mất hơn 9 triệu dollars tiền bồi hoàn.

Mà chuyện đồng tính luyến ái cũng không phải là mặt trận duy nhất trong cuộc va chạm càng ngày càng gia tăng giữa nhà nước và Giáo Hội. Năm 2011, chương trình Phục Vụ Di Dân và Tị Nạn của các giám mục Hoa Kỳ mất một khế ước với chính phủ liên bang nhằm trợ giúp các nạn nhân của nạn buôn người ở ngoại quốc, một khế ước mang lại cho cơ quan này khoảng 14 triệu dollars tài trợ công cộng giữa các năm 2006 và 2011. Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản quyết định không tái tục khế ước, phần lớn vì cơ quan này từ khước việc cung cấp các dịch vụ phá thai hay ngừa thai. Hóa ra, đó mới chỉ là khúc dạo đầu cho một cuộc tranh luận gay gắt hơn nhiều giữa các giám mục và chính phủ Obama về các qui định để thi hành cuộc cải tổ chăm sóc y tế, đòi phải bảo hiểm ngừa thai và dùng thuốc bị Giáo Hội coi như các hình thức phá thai, mở màn cho cả một cảnh chua cay chính trị lẫn hàng loạt vụ kiện vẫn chưa được giải quyết.

Một số nhà lãnh đạo Công Giáo tin rằng vì các chuẩn mực xã hội ở Tây Phương đang di chuyển khỏi các xác tín luân lý của Giáo Hội, nên tương lai chắc chắn sẽ đem lại nhiều thù nghịch lớn lao hơn nữa. Năm 2010, Đức Hồng Y Francis George nói rằng “tôi hy vọng được chết trên giường, vị kế nhiệm của tôi sẽ chết trong tù, còn vị kế nhiệm của ngài sẽ chết như một tử đạo ở công trường”. Trong cái năng động tính chính trị ở Tây Phương, các lập trường của Giáo Hội về các vấn đề sự sống xem ra kết cục sẽ đẩy Giáo Hội vào thế phải liên minh trên thực tế (de facto) nhiều hơn với phe hữu chính trị, khiến Giáo Hội khó duy trì được việc tự coi mình là super partes, tức đứng trên mọi phe phái.

Tại sao Giáo Hội nói nhiều như thế về tự do tôn giáo?

Việc bảo vệ tự do tôn giáo dường như kết cục sẽ trở thành quan tâm xã hội và chính trị hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo trong thế kỷ 21. Ta thấy sự xôn xao quanh vấn đề này ở khắp nơi. Khắp Trung Đông, nỗi lo sợ trước hậu quả của Mùa Xuân Ả Rập đã ám ảnh cộng đồng Kitô Giáo tuy nhỏ nhưng có tầm quan trọng cao về biểu tượng này. Ở Hoa Kỳ, các giám mục Công Giáo đã phát động một ủy ban đặc nhiệm mới về tự do tôn giáo, sẵn sàng cho một mùa tranh tụng cao gồm nhiều tranh chấp giữa Giáo Hội và nhà nước. Từ Vatican, Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, đã đề xuất ý niệm “đại kết tử đạo” làm căn bản mới cho việc hợp nhất Kitô Giáo, phản ảnh các thực tại bách hại Kitô Giáo trên thế giới. Mẫu số chung là người Kitô hữu tin rằng quyền tự do của họ đang lâm nguy, dưới một hình thức nào đó.

Hai chuyển động lịch sử sâu xa đang đẩy vấn đề tự do tôn giáo lên quan tâm hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo.

Chuyển động thứ nhất là việc Kitô Giáo ở Tây Phương đang quá độ từ khối đa số tạo nền cho văn hóa trở thành một nền văn hóa phụ (subculture). Sự chuyền dịch này đã diễn ra từ lâu, song song với diễn trình tục hóa, và được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI lột tả khi ngài cho rằng ở Tây Phương hiện nay, Kitô Giáo phải sống trong thân phận “một khối thiểu số có óc sáng tạo”. Trong tư cách một nền văn hóa phụ, Kitô giáo không thể coi lòng tốt của nhà nước hoặc của xã hội rộng lớn bên ngoài kia là chuyện đương nhiên nữa. Đối với người Công Giáo, việc xói mòn lòng kính trọng theo truyền thống mà Giáo Hội vốn được hưởng từ các chính khách, các triều đình, các phương tiện truyền thông, và các tác nhân tạo văn hóa khác, nay đã bị cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục làm cho gia tốc. Về phương diện xã hội học, các nền văn hóa phụ có xu hướng loay hoay lo duy trì bản sắc riêng biệt của mình, và điều này không có chi là phi lý cả. Họ rất cẩn trọng, không để cho bản sắc này bị xâm lấn, nhất là từ phía nhà nước. Việc này mô tả đầy đủ điều đang diễn ra ngày nay ở cấp lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo: các ngài coi việc nói lên các quan tâm về tự do tôn giáo như ưu tiên hàng đầu.

Chuyển động thứ hai là việc xuất hiện một Giáo Hội thực sự có tính hoàn cầu, một Giáo Hội trong đó, 2 phần 3 dân số Công Giáo của thế giới đang sống tại Nam Bán Cầu; và tỷ lệ này sẽ tăng tới 3 phần 4 vào giữa thế kỷ này. Sự chuyển dịch về dân số này càng diễn biến, người ta càng hiểu rõ rằng phần lớn người Công Giáo sẽ phải sống tại các khu xóm nơi họ không còn coi tự do tôn giáo là chuyện đương nhiên được nữa. Tại những nơi này, các đe dọa đối với tự do tôn giáo không phải là chỉ thị bảo hiểm nữa hay “các miễn trừ cấp bộ trưởng” đối với các luật lệ liên bang về thuê mướn và sa thải công nhân nữa. Thay vào đó, là các đe dọa tới chính mạng sống hay tứ chi, khi các tín hữu cầm bằng mạng sống trong tay mỗi lần đi thờ phượng, hay mở kinh doanh buôn bán, hoặc ra ngoài phố để làm những việc này.

Thực vậy, đầu thế kỷ 21, người ta đã mục kích sự xuất hiện cả một tân thế hệ các vị tử đạo Kitô Giáo. Trợ Giúp Các Giáo Hội Túng Thiếu, một cơ quan bác ái Công Giáo quốc tế, ước lượng mỗi năm, có khoảng 150,000 Kitô hữu bị giết do lòng thù ghét đức tin hay vì các việc bác ái được thúc đẩy bởi đức tin. Hội Nhân Quyền Quốc Tế, một cơ quan quan sát thế tục đặt trụ sở tại Frankfurt, Đức Quốc, ước lượng rằng khoảng 80 phần trăm mọi hành vi kỳ thị tôn giáo trên thế giới hiện nay là nhằm vào các Kitô hữu. Điển hình đau lòng nhất có lẽ là Iraq, nơi đã mất khoảng 2 phần 3 dân số Kitô Giáo kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần đầu tiên năm 1991. Phần lớn việc mất mát này là do bạo lực và bất ổn giáng xuống mọi người dân Iraq, nhưng không ai chối cãi rằng việc lan tràn các nhóm duy Hồi Giáo cực đoan và các vụ tấn công liên tiếp của chúng vào các nhà thờ, cơ sở làm ăn và các cá nhân Kitô Giáo cũng là sức đẩy mạnh mẽ tạo ra cuộc xuất hành đau lòng này.

Từ Trung Đông tới bán đảo Ấn Độ, từ các miền của Hạ Sahara Châu Phi tới các vùng khác nhau của Đông Á Châu, hàng triệu Kitô hữu đang sống trong đe dọa, và hàng ngàn đã phải trả giá máu vì đã khước từ việc từ bỏ đức tin. Trong Giáo Hội Công Giáo, nơi viễn kiến trí thức, đà chính trị và các ưu tiên mục vụ càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở Nam Bán Cầu, tự do tôn giáo sẽ là vấn đề thuộc ưu tiên hàng đầu.

Công lý cho người nghèo quan trọng ra sao đối với Giáo Hội Công Giáo? 

Dù giáo huấn xã hội Công Giáo, từ lâu, vốn cổ vũ phương thức đặc biệt, gọi là “ưu tiên chọn người nghèo”, điều chắc là phương thức này vẫn sẽ là quan tâm hàng đầu trong một Giáo Hội, nơi các nhà lãnh đạo xuất thân từ các vùng trên thế giới mà đa số những người bị loại ra ngoài các cơ hội mới do việc hoàn cầu hóa đem là người Công Giáo. Một tài liệu do Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh công bố năm 2011 đã minh họa được thứ suy nghĩ sẽ được mở rộng trong trí tưởng tượng của Giáo Hội về chính trị.

Nói một cách ngắn gọn, tài liệu trên minh nhiên bác bỏ các chính sách kinh tế “tân cấp tiến” và cũng minh nhiên chấp nhận “một thẩm quyền chính trị có tính thế giới thực sự” để điều hòa nền kinh tế hoàn cầu, một nền kinh tế không bị thống trị bởi các đại cường như Hiệp Chúng Quốc. Như một biện pháp tiên khởi, tài liệu này kêu gọi lập ra một định chế, hay một vài định chế, để đảm nhiệm vai trò một “ngân hàng trung ương của thế giới”. Tài liệu cũng đề nghị một thứ “thuế Tôbin” đánh trên các giao dịch tài chánh, công chúng cung cấp vốn cho các ngân hàng, và có nhiều qui định hơn đối với các “thị trường trong bóng tối”.

Ngôn từ trên có chỗ mạnh mẽ đến độ một số người thực sự nghĩ rằng Tòa Thánh gián tiếp ủng hộ phong trào Chiếm Đóng Wall Street: “Điều gì đã đẩy thế giới vào một hướng đi đầy vấn đề như thế đối với nền kinh tế của nó và đối với hòa bình? Trước nhất và trên hết, đó là chủ nghĩa cấp tiến kinh tế, một chủ nghĩa bác bỏ mọi qui định và kiểm soát… Hệ thống tư duy kinh tế nào tiên thiên đặt ra các định luật để điều hành thị trường và phát triển kinh tế, mà không đo lường chúng với thực tại, có nguy cơ trở thành khí cụ phụ thuộc quyền lợi của các quốc gia, trên thực tế, đang nắm thế thượng phong về kinh tế và tài chánh”.

Điều thích đáng là giới chức chịu trách nhiệm đối với tài liệu trên là một người Châu Phi, Đức Hồng Y Peter Turkson của Ghana, vì tài liệu này trình bầy rõ ràng các yếu tố chủ chốt của điều ta gần như có thể gọi là một “đồng thuận Châu Phi” trong Đạo Công Giáo. Một cách đo lường tầm quan trọng của nó là dấu chỉ cho thấy việc chuyển dịch dân số diễn ra từ lâu trong Giáo Hội, với việc trung tâm trọng lực đã từ Bắc chuyển xuống Nam, cũng đang được cảm nhận tại Rôma.

Về các vấn đề luân lý tính dục và các “cuộc chiến văn hóa”, người Công Giáo ở Nam Bán Cầu, nói chung, rất bảo thủ so với người Châu Âu và Châu Mỹ: họ chống đối hôn nhân đồng tính, chống phá thai, gắn bó với gia đình truyền thống. Tuy nhiên, khi chuyển qua các câu truyện về chính sách kinh tế và địa chính trị, thì ý kiến Công Giáo tại các nước đang mở mang thường lại hết sức cấp tiến. Các giám mục, linh mục, tu sĩ và cả giáo dân Nam Bán Cầu thường:

• Nghi ngờ chủ nghĩa tư bản thị trường và việc hoàn cầu hóa phi qui định;
• Lo sợ ảnh hưởng có tính hoàn cầu của Hoa Kỳ;
• Ủng hộ Liên Hiệp Quốc và hình thức cai trị hoàn cầu;
• Ủng hộ vai trò mạnh mẽ của nhà nước trong nền kinh tế.

Người ta có thể tranh luận các giá trị của các tri cảm trên hay các động thái chính sách có thể từ chúng phát sinh ra. Tuy nhiên, về phương diện mô tả, chúng đã nói lên quan điểm nền tảng của các nhà lãnh đạo Công Giáo càng ngày càng có nhiều tiếng nói quyết định do các thực tại mới về dân số và văn hóa trong Giáo Hội của thế kỷ 21 đem lại. Nói cách khác, tài liệu của Tòa Thánh năm 2011 này không phải là tiếng vọng của chủ nghĩa xã hội Âu Châu đang chết dần nay được hâm nóng lại. Mà đúng hơn, nó là gợn sóng đầu tiên của làn sóng Phương Nam.

Giáo Hội có ưu tư trước “cuộc va chạm văn minh” với Hồi Giáo không?

Dĩ nhiên là có, và vì nhiều lý do hiển nhiên. Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín là tiếng chuông cảnh tỉnh trước sự đe dọa của chủ nghĩa cực đoan duy Hồi Giáo, một chủ nghĩa đã có tầm cỡ hoàn cầu thực sự, ở một thập niên sau đó. Tại Nigeria, chẳng hạn, Boko Haram là một phong trào có vũ trang lấy tên từ một câu trong ngôn ngữ địa phương Hausa có nghĩa đại khái là “Cấm Tây Phương”. Thành lập năm 2001, Boko Haram bị tố cáo chịu trách nhiệm đối với 10,000 cái chết trong thập niên qua, trong đó có khoảng 620 cái chết trong sáu tháng đầu năm 2012. Nó chuyên tấn công các mục tiêu Kitô Giáo, kể cả các nhà thờ trong lúc đang cử hành phụng vụ Chúa Nhật.

Cuộc vận động với Hồi Giáo hiện khá rõ rệt ở mọi cấp bậc trong Giáo Hội Công Giáo. Thí dụ, trong số các hình ảnh mới đây về các vị giáo hoàng, hình ảnh Đức Bênêđíctô XVI đứng chung với một giáo sĩ Hồi Giáo ở Đền Xanh tại Istanbul năm 2006, mặt hướng về mihrab [hốc tường chỉ hướng Mecca] im lặng cầu nguyện, thường được xếp lên hàng đầu. Hồi còn là một thần học gia, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger vốn cho biết ngài không ưa những buổi cầu nguyện liên tôn. Thành thử sự kiện ngài phải đi ngược lại quan điểm cá nhân trong những thời điểm như thế chứng tỏ ngài hết lòng dấn thân vào việc hòa giải với thế giới Hồi Giáo xiết bao.

Khi Đức Bênêđíctô được bầu làm giáo hoàng, nhiều quan sát viên tiên đoán rằng ngài sẽ là vị giáo hoàng “va chạm văn minh”, theo kiểu nói của Samuel Huntington; họ cho rằng ngài sẽ liên kết Phương Tây Kitô Giáo chống lại sự đe dọa duy Hồi Giáo. Bài diễn văn ngài đọc tại Regensburg, Đức, hồi tháng Chín năm 2006 xem ra đã đi theo hướng này, tạo thuốc súng cho nhiều cuộc phản đối khắp thế giới Hồi Giáo, vì đã liên kết Muhammad với bạo lực. Thế nhưng, từ ngày có cuộc tranh cãi ấy, Đức Bênêđíctô XVI đã gặp gỡ người Hồi Giáo ở rất nhiều dịp, mở ra nhiều cuộc đối thoại mới, và đã thực hiện nhiều chuyến đi thành công tới các quốc gia Hồi Giáo. Cả Đức Giáo Hoàng lẫn các nhà lãnh đạo Công Giáo cao cấp khác đều không bỏ các ưu tư của các ngài về bạo lực và thiếu khoan dung đối với các nhóm thiểu số tôn giáo tại một số quốc gia Hồi Giáo, những cuộc tranh cãi chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục phát sinh nhiều đau lòng có tính liên tôn trong thế kỷ 21. Thế nhưng, bất chấp những điểm này, điều cũng quá rõ ràng là hòa dịu với Hồi Giáo là ưu tiên liên tôn hàng đầu của triều giáo hoàng Bênêđíctô XVI, và của Giáo Hội Công Giáo đầu thế kỷ 21.

Ở cốt lõi viễn kiến của Đức Bênêđíctô là điều chính ngài mô tả là “liên minh văn minh”, trong cuộc viếng thăm Jordan hồi tháng Năm năm 2009, cuộc du hành đầu tiên của ngài tới một quốc gia đa số theo Hồi Giáo. Lối mô tả của ngài khéo léo ở chỗ đã nhại theo kiểu nói “va chạm văn minh” của Huntington. Suy nghĩ của ngài là: các Kitô hữu và người Hồi Giáo nên chung vai sát cánh để bảo vệ các giá trị chung như quyền sống, chăm sóc người nghèo, chống đối chiến tranh và thối nát, và một vai trò mạnh mẽ cho tôn giáo trong sinh hoạt công cộng.

Trong cuộc phỏng vấn dài in thành sách năm 2010 với một nhà báo Đức, Đức Bênêđíctô được hỏi xem ngài đã từ bỏ ý niệm thời trung cổ cho rằng các vị giáo hoàng có nhiệm vụ phải cứu Phương Tây khỏi phong trào Hồi Giáo hoá. Ngài đã trả lời: “Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác, trong đó, chiến tuyến đã được vạch khác hẳn. … Trong thế giới này, chủ nghĩa duy tục triệt để đứng ở một bên, còn vấn đề Thiên Chúa, dưới nhiều hình thức khác nhau, đứng ở bên kia”.

Ý niệm người Kitô hữu và người Hồi Giáo là liên minh tự nhiên trong trận chiến chống chủ nghĩa duy tục triệt để không phải chỉ là chuyện tưởng tượng mà thôi. Nhiều nhà phân tích tin rằng cơ sở tự nhiên của giai cấp trung lưu Hồi Giáo Âu Châu cuối cùng sẽ là các đảng phái trung hữu (center-right) bảo vệ nền luân lý truyền thống và vai trò mạnh mẽ của tôn giáo trong sinh hoạt công cộng. Đến một mức nào đó, tương lai này nay đã xuất hiện ở Đức, nơi, một cách khá nghịch lý, một nhóm nhỏ nhưng đang lớn dần các người Hồi Giáo trở thành các đảng viên Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Ở Phi Luật Tân, có lúc, đảng cầm quyền trong nước có tên là Dân Chủ Kitô Giáo Hồi Giáo (Christian Muslim Democrats), một liên minh các đảng trung hữu gồm cả xu hướng Kitô Giáo lẫn Hồi Giáo. Một số chuyên viên coi trải nghệm này như chứng cớ chứng minh rằng sự đối kháng có thể được chuyển đổi thành sự hợp tác trong những điều kiện thuận lợi. Dù sao, vì tất cả điều may cũng như điều rủi, ít ai hoài nghi rằng mối tương quan với Hồi Giáo và với các xã hội Hồi Giáo, tốt xấu gì, cũng vẫn sẽ là quan tâm chính trị và văn hóa hàng đầu của Đạo Công Giáo trong một tương lai có thể dự đoán được.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét