29/07/2017
Thứ bảy tuần 16 thường niên
Thánh nữ Mácta.
Lễ nhớ
* Mácta là chị của cô Maria và ông Lagiarô ở Bêtania. Trong sách Tin Mừng, thánh nữ xuất hiện ba lần: lần thứ nhất trong
bữa ăn ở Bêtania, khi cùng với cô em là Maria tiếp đãi Đức Giêsu; lần thứ hai khi ông Lagiarô được Chúa cho phục sinh,
lúc đó thánh nữ đã
tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu; và lần cuối trong bữa tiệc đãi Chúa Giêsu sáu ngày trước lễ Vượt Qua. Trong cả ba câu chuyện, ta luôn thấy thánh nữ đóng vai trò chủ nhà.
BÀI ĐỌC I: Xh 24, 3-8
"Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi".
Trích sách Xuất
Hành.
Trong những ngày ấy,
Môsê đến thuật lại cho dân chúng nghe tất cả những lời và lề luật của Chúa và
toàn dân đồng thanh thưa rằng: "Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã
phán". Vậy Môsê ghi lại những lời Chúa đã phán. Và sáng sớm, ông chỗi dậy,
lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel. Ông
sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên
Chúa những con bò tơ làm lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu, và
rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe và họ
thưa rằng: "Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã
phán". Ông lấy máu rảy lên dân chúng và nói: "Đây là máu giao ước
Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó". Đó là
lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 49, 1-2.
5-6. 14-15
Đáp: Hãy hiến dâng
Thiên Chúa lời khen ngợi (c. 14a).
1) Chúa là Thiên Chúa
đã lên tiếng gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống. Từ Sion đầy
mỹ lệ, Thiên Chúa hiển linh huy hoàng; Thiên Chúa chúng ta ngự tới, Người sẽ
không yên lặng. - Đáp.
2) "Hãy tập họp
cho Ta các tín đồ đã ký lời giao ước của Ta cùng hy sinh lễ". Và trời cao
sẽ loan truyền sự công chính của Người, vì chính Thiên Chúa, Người là thẩm
phán. - Đáp.
3) Hãy hiến dâng Thiên
Chúa lời khen ngợi, và làm trọn điều khấn hứa cùng Đấng Tối Cao. Ngươi hãy kêu
cầu Ta trong ngày khốn khó, Ta sẽ giải thoát ngươi và ngươi sẽ kính trọng ta. -
Đáp.
ALLELUIA: Gc 1, 21
Alleluia, alleluia. -
Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời gieo trong lòng, lời đó có thể cứu thoát
linh hồn anh em. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 13, 24-30
"Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: Nước trời giống như người kia gieo
giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến
gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất.
Khi lúa lớn lên và trổ
bông, thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: "Thưa
ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà
có?" Ông đáp: "Người thù của ta đã làm như thế". Ðầy tớ nói với
chủ: "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ". Chủ nhà đáp:
"Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ
để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy
nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm
cho ta".
Ðó là lời Chúa.
PHÚC ÂM (kính thánh
Mácta): Ga 11, 19-27
"Con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, nhiều người
Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay
tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa
Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy
nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ
ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha
thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại".
Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết
cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin
điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng
Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian". Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc: Lc 10, 38-42
"Martha đã đón Chúa vào nhà mình, Maria đã chọn phần tốt nhất".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào
một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người
em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc
thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu
hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với".
Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ
có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất".
Đó là lời Chúa.
Suy niệm : Cỏ Lùng và Lúa
Chứng kiến những tiêu
cực trong Giáo Hội xét như là một cơ cấu, nhiều người trong chúng ta dễ rơi vào
cơn cám dỗ nổi loạn và tìm những giải pháp cực đoan. Chúng ta muốn rời bỏ Giáo
Hội, vì chúng ta không muốn thấy những tệ đoan trong Giáo Hội. Như dụ ngôn
trong Tin Mừng hôm nay gợi lên, chúng ta không muốn để cho cỏ lùng được mọc lên
bên cạnh lúa tốt, chúng ta muốn phân cách rạch ròi người lành với kẻ dữ.
Truyện thánh Jean
d'Arc vào thế kỷ 15 có thể đem lại cho chúng ta bài học thích đáng. Cảm nhận được
tiếng gọi đặc biệt của Chúa, cô gái quê 13 tuổi đã đứng lên lãnh đạo quân đội
Pháp chống lại cuộc xâm lăng của nước Anh. Nhưng cô bị người Anh bắt giữ và đem
ra xử tử như một người lạc giáo. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó cấu kết với
thế quyền để tiêu diệt cô; họ tìm đủ cách để đe dọa và thị oai cô gái; họ buộc
cô phải đặt tay trên Phúc Âm và thề rằng cô chỉ nói sự thật mà thôi. Một viên
thẩm phán của tòa án tôn giáo lúc bấy giờ đặt câu hỏi: "Cô có nghĩ rằng cô
đang ở trong tình trạng sạch tội không?". Cô gái trả lời: "Nếu tôi
không ở trong tình trạng ân sủng, thì xin Chúa cho tôi được sạch tội; còn nếu
tôi đang ở trong tình trạng ân sủng, thì xin Chúa giữ tôi luôn ở trong tình trạng
ấy".
Không bắt bẻ được cô
gái, các viên chức của tòa án tôn giáo gồm 1 Hồng y, 6 Giám mục, trên 30 nhà thần
học, 7 bác sĩ, hàng trăm nguyên cáo cảm thấy tức tối vô cùng. Họ bảo rằng họ là
Giáo Hội, còn cô chỉ là một thứ cỏ lùng. Jean d'Arc trả lời: "Ðối với tôi,
ở đâu có Chúa Kitô, thì ở đó có Giáo Hội, không thể có mâu thuẫn giữa Chúa Kitô
và Giáo Hội của Ngài".
Tuy không chứng minh
được sự lạc giáo của cô gái, tòa án tôn giáo lúc bấy giờ vẫn kết án tử hình cô
và ra lệnh thiêu sống cô. Hai mươi lăm năm sau, một tòa án của Giáo Hội đã đảo
lộn phán quyết của tòa án tôn giáo nói trên, và năm 1920, Jean d'Arc đã được
Giáo Hội tôn phong hiển thánh và được đặt làm quan thày của Nước Pháp. Thánh nữ
Jean d'Arc đã hiểu được thế nào là cỏ lùng trong cánh đồng Giáo Hội.
Giáo Hội vốn không phải
là một xã hội hoàn hảo. Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện, nhưng lại gồm những
con người tội lỗi, đó là ý nghĩa của dụ ngôn mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe
và suy niệm hôm nay. Chúng ta có một Giáo Hội gồm nhiều vị thánh, nhưng cũng có
vô số tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành các thánh trong giây phút,
còn các vị thánh thì trở nên thánh thiện hơn; các tội nhân cần sự tha thứ của
chúng ta; còn các thánh thì khơi dậy sự cảm phục và quyết tâm cải hóa của chúng
ta. Người Pháp thường nói: "Ðể hiểu mọi sự, thì cần phải tha thứ mọi sự".
Chúng ta luôn được mời gọi để nhìn Giáo Hội như một đoàn người đang lữ hành,
trong đoàn người này, có người đang cố gắng tiến đến gần Chúa, có kẻ lại xa rời
Ngài.
Làm người Kitô hữu
chính là nhập cuộc vào đoàn người lữ hành ấy với cố gắng, với thiện cảm và nhất
là với cảm thông. Những kẻ cuồng tín cũng giống như một vụ cháy rừng. Lửa bốc
cháy và tiêu diệt cả những mầm non: lửa cần thiết cho cuộc sống, nhưng lửa cần
phải được làm chủ và sử dụng vào mục đích. Yêu mến Giáo Hội là luôn thức tỉnh để
nhận ra những tiêu cực và tệ đoan trong Giáo Hội. Ðó là sự thức tỉnh của thánh
Phanxicô Assisiô thời Trung cổ. Thế nhưng, con đường canh tân mà thánh nhân đã
chọn không phải là nổi loạn hoặc lìa bỏ Giáo Hội, mà là canh tân chính bản thân
bằng cuộc sống hy sinh, từ bỏ, và nhất là cảm thông. Ðó là cách thế tốt nhất để
đương đầu với cỏ lùng chen lẫn lúa tốt trong cánh đồng Giáo Hội.
Nguyện xin Chúa hướng
dẫn chúng ta trên đường của các thánh, đó là con đường của yêu thương, cảm
thông và tha thứ.
Veritas Asia
Suy niệm : Chiêm Niệm Và Hoạt Ðộng (Lễ thánh Mát-ta)
"Mácta, con lo
lắng chi nhiều việc chỉ có một điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất rồi". Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Mácta đáng cho chúng ta
suy nghĩ thêm. Các nhà chú giải đề ra hai điểm:
Trước hết Chúa Giêsu
không có ý định giảm giá trị của việc đón rước Chúa mà Mácta đang làm, nhưng
Ngài trực tỉnh Mácta về nguy hiểm mà chị đang lao vào đó là thái độ ganh tị. Kế
đến Chúa Giêsu làm nổi bật một điểm tốt mà Maria đã rút ra từ hoàn cảnh, đó là
đến ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Người nói.
Việc lắng nghe có ưu
tiên hơn "vì con người không chỉ sống nguyên bởi bánh mà thôi nhưng còn bởi
mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Vì thế hãy tìm Nước Thiên Chúa trước, rồi
mọi sự khác sẽ được ban cho dư đầy" (Mt 4,4). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không
đề ra một sự chọn lựa giữa một trong hai điều hoặc thái độ làm việc của Mácta
hoặc thái độ chiêm niệm của Maria để rồi chỉ chấp nhận có một thái độ duy nhất
của Maria thôi.
Không có sự đối
nghịch giữa hoạt động và chiêm niệm trong đời sống của người Kitô, bởi vì cả
hai đều phát xuất từ một nguồn mạch là Lời Chúa và cùng hướng đến một việc, một
mục tiêu là phục vụ Nước Chúa. Việc
lắng nghe Lời Chúa được hướng đến hành động và hành động cần được nuôi dưỡng bằng
Lời Chúa. Ðây là hai khía cạnh của mối phúc thật "lắng nghe và tuân giữ Lời
Chúa". Ðó là khi trả lời cho người phụ nữ trong dân chúng cất tiếng chúc tụng
Mẹ Chúa cũng như khi trả lời cho những kẻ báo tin cho Chúa biết là có Mẹ và anh
em Chúa đang chờ, nhưng Chúa trả lời "những kẻ nghe Lời Chúa mà đem ra thực
hành, kẻ đó mới là Mẹ Ta và anh em Ta" (Mt 12, 50).
Hai chị em Mácta và
Maria nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô cũng như cho mọi người Kitô qua mọi thời đại
về hai thái độ luôn bổ túc cho nhau. Ðể tiếp nhận Lời Chúa hiện diện nơi chính
Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ cầu nguyện chiêm niệm mà thôi, cũng không phải
chỉ có hoạt động vì hoạt động. Nhưng chiêm niệm và hoạt động phải là hai chiều
kích luôn được kết hợp với nhau của cùng một chức vụ, đây là hai yếu tố không
thể nào thiếu vắng đi được trong việc theo Chúa.
Trong những hoàn cảnh
cụ thể và tùy theo hoàn cảnh ấy, người đồ đệ Chúa có thể hòa hợp việc làm một
cách cụ thể giữa cầu nguyện và hoạt động theo một chương trình riêng. Nhưng thật
là sai lầm nếu chúng ta muốn canh tân Giáo Hội mà không cầu nguyện, nghĩa là
không lắng nghe Lời Chúa, không đối thoại với Ngài, ngõ hầu để hoạt động của
chúng ta có thể trổ sinh kết quả. Người đồ đệ của Chúa cần dành thời giờ im lặng
để lắng nghe Lời Chúa và đối thoại với Ngài. Trong ý nghĩa này chiêm niệm là phần
tốt nhất mà Maria đã chọn, nhưng không phải tách rời ra khỏi việc làm. Ðức tin
phải có sức tác động qua đức bái ái. Ðàng khác, cầu nguyện không làm cho người
đồ đệ xa lạ với cuộc sống và những vấn đề của con người, nhưng ngược lại cầu
nguyện làm cho người đồ đệ có thêm sức mạnh hoạt động biến đổi xã hội, ngõ hầu
Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc.
Lạy Chúa,
Xin giúp chúng con hiểu
và thành công hòa hợp được hai yếu tố không thể tách rời của đời sống Kitô đích
thực là làm việc và cầu nguyện. Ước chi việc chúng con làm đều phát xuất từ lời
cầu nguyện là việc lắng nghe Lời Chúa và được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa, sức
mạnh trao ban trong những giây phúc chúng con trở về lắng nghe Chúa nói.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 16 TN1, Năm Lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: "Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi
hành."
Cuộc đời con người được
ví như một bãi chiến trường giữa sự thiện và sự ác; trong con người có cả những
điều tốt lành và tội lỗi. Quan niệm này có thể tìm thấy nơi những tác phẩm được
khám phá tại các hang động của Biển Chết (The Dead Sea Scrolls). Trong cuốn Luật
Cộng Đồng có ghi chép: Thiên Chúa để cho con cái của sự sáng giao chiến với con
cái của bóng tối bao lâu còn sống ở đời này. Khi tới Ngày Phán Xét, con cái của
sự sáng sẽ tồn tại mãi mãi; trong khi con cái của bóng tối sẽ bị tận diệt muôn
đời. Vì thế, bao lâu Thiên Chúa để cho con người sống trên thế gian, họ phải cố
gắng tập luyện nhân đức và diệt trừ mọi tội lỗi.
Các bài đọc hôm nay muốn
nêu bật những nguy hiểm của tội lỗi và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa trong khi chờ
đợi con người thay đổi. Trong bài đọc I, Thiên Chúa ban cho con cái Israel có
cơ hội để ăn năn sau khi đã vi phạm trầm trọng mối liên hệ của họ với Thiên
Chúa qua việc đúc một con bò vàng để thờ lạy. Họ nhận ra tội lỗi và hứa với ông
Moses: "Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân
theo." Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn để nói lên lòng kiên
nhẫn của Thiên Chúa trong việc sửa dạy con người. Kẻ thù của Thiên Chúa sẽ gieo
cỏ lùng vào lòng con người; nhưng các tín hữu phải cố gắng để nhận ra và khử trừ
cỏ lùng, đừng để chúng bóp nghẹt sự thật và tiêu diệt những điều tốt lành trong
con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: "Mọi lời
Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành."
1.1/ Thiên Chúa kiên nhẫn
cho dân cơ hội thứ hai: Lần đầu, khi
ông Moses lên núi Sinai để đàm đạo và lãnh nhận Thập Giới từ Thiên Chúa viết
cho con cái Israel, họ bảo ông Aaron đúc cho họ một con bò vàng và họ đã sụp xuống
thờ lạy nó như một vị thần đã đưa họ ra khỏi đất nô lệ Ai-cập. Thiên Chúa nhìn
thấy mọi việc làm của họ, và Ngài bảo ông Moses mau xuống chân núi để chứng kiến
cảnh dân chúng thay dạ đổi lòng. Ông Moses đi xuống và khi chứng kiến cảnh tượng
dân chúng sụp lạy con bò vàng, ông đã tức giận dùng hai bia đá của Thiên Chúa
cho dân đập nát con bò vàng, tán nhuyễn ra, hòa với nước, và bắt dân uống.
Nếu Thiên Chúa không
cho con cái Israel có cơ hội trở lại, họ đã chết hết trong sa mạc; nhưng Ngài
đã nhận lời chuyển cầu của ông Moses mà tha thứ tội vạ cho dân chúng. Ông Moses
đã vâng lời Thiên Chúa, làm hai bia đá khác, và trở lên núi để diện kiến Đức
Chúa. Sau đó, ông Moses xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều
luật. Toàn dân đồng thanh đáp: "Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi
hành."
1.2/ Dân chúng nhận ra tội
lỗi và thề hứa sẽ giữ tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy: Để tha thứ tội vạ cho dân, ông Moses lấy một nửa phần máu
từ những con bò đã sát tế để hy tế kỳ an tế Đức Chúa, đổ vào những cái chậu,
còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ
thưa: "Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân
theo." Bấy giờ, ông Moses lấy máu rảy lên dân và nói: "Đây là máu
giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này."
Nhiều khi con người phải
trải qua kinh nghiệm mới học được bài học để đời như trường hợp con cái Israel;
nhưng tốt hơn, họ phải để ý học biết tình thương của Thiên Chúa và của ông Moses
đã dành cho họ. Cả hai đã yêu thương, lo lắng cho tương lai của họ bằng cách viết
ra Thập Giới, những điều cực kỳ quan trọng để bảo đảm mối liên hệ của họ với
Thiên Chúa và với nhau. Nếu không có Thập Giới hướng dẫn, họ chắc chắn lại tái
phạm và bị tiêu diệt.
2/ Phúc Âm: Sợ rằng khi
gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.
2.1/ Dụ ngôn cỏ
lùng: Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn
dạy các môn đệ: Thiên Chúa luôn gieo những điều thiện hảo; nhưng kẻ thù của
Ngài là ma quỉ luôn chờ cơ hội (lúc ngủ, lúc mỏi mệt, lúc không đề phòng) để
gieo điều xấu vào lòng con người. Nhiều người không kiên nhẫn muốn Thiên Chúa
phải nhổ cỏ lùng ngay; nhưng Ngài bảo phải chờ đợi cho đến mùa gặt. Lý do: nếu
họ nhổ ngay, họ sẽ nhổ cả lúa chung với cỏ lùng.
Điều khó cho các nhà
chú giải ở đây là cách giải thích của Chúa Giêsu: Ngài giải thích thửa ruộng là
thế giới, lúa tốt là con cái sự sáng, và cỏ lùng là con cái ma quỉ. Điều này
đúng trong Ngày Phán Xét khi mọi sự đã rõ ràng; nhưng không giải thích được tại
sao phải chờ cho tới mùa gặt; một khi đã biết cỏ lùng muôn đời sẽ là cỏ lùng,
không bao giờ có thể trở thành lúa.
Giải thích hợp lý hơn
có lẽ một người phải hiểu dụ ngôn không bao giờ chủ trương áp dụng mọi điều; nó
chỉ muốn nói lên một điều chính. Điều chính ở đây là thời gian chờ đợi để lúa
có thể phân biệt với cỏ lùng; chứ không phải nguy hiểm của cỏ lùng cần phải nhổ
ngay. Trong cuộc sống, con người luôn phải đương đầu với điều tốt và điều xấu
bao lâu còn sống trên trần gian. Những điều tốt và điều xấu không xác định được
người tốt hay người xấu cho đến Ngày Phán Xét. Trong này đó, Chúa sẽ phân định
cho chúng ta thấy ai là người tốt và ai là người xấu. Trong khi chờ đợi ngày đó
đến, chúng ta hãy cố gắng làm tốt tránh xấu. Không ai có thể hãnh diện xác nhận
mình là tốt vì không biết điều xấu nó mọc lên lúc nào. Nếu có làm xấu cũng đừng
nản lòng, nhưng biết ăn năn trở lại và cậy trông vào lòng nhân từ Chúa. Chúng
ta cũng đừng kết tội ai là cỏ lùng khi nhìn thấy việc xấu của họ.
2.2/ Thiên Chúa kiên nhẫn
chờ đợi: Kết quả tốt đòi thời gian. Để
hạt giống thành lúa phải đợi 3 tháng, để cây cho trái đòi 3 năm, để một con người
thành tài đòi 25 năm, thành nhân đòi 100 năm hay cả cuộc đời! Thời gian chờ đợi
đòi kiên nhẫn. Kẻ thù của con người là thiếu kiên nhẫn mặc dù họ đã biết “dục tốc
bất đạt; có công mài sắt có ngày nên kim.” Con người hôm nay dường như không có
kiên nhẫn để đợi chờ; làm điều gì họ cũng muốn có kết quả ngay. Chính sự mất
kiên nhẫn làm con người đau khổ và thất bại.
Tuy nhiên, kiên nhẫn
có giới hạn. Mọi việc đều có thời gian của nó; nếu quá thời gian sẽ phải chặt
đi để dành cơ hội cho người khác như dụ ngôn cây vả không sinh trái. Nếu cành
nho không sinh trái sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa!
Công bằng của Thiên
Chúa sẽ tỏ rạng trong Ngày Phán Xét. Khi mùa gặt tới: cỏ lùng sẽ bị cắt và
quăng vào lửa, lúa sẽ được gặt và trữ vào kho lẫm. Khi những điều này xảy ra,
không ai có quyền than trách Chúa không nhân từ hay không công bằng; vì mọi người
đều có cơ hội đồng đều mà Ngài dành cho họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần học hỏi
Kinh Thánh để thấu triệt những gì Thiên Chúa muốn. Một sự quán thông Kinh Thánh
sẽ giúp chúng ta định vị những cỏ lùng trong đời sống, trước khi có thể tiêu diệt
chúng được.
- Nhiều người đã ăn
năn trở lại khi cảm thấy Chúa quá nhân từ đối với các tội lỗi của họ. Ngài
không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn họ ăn năn thống hối và được sống.
- Chúng ta cần phải
kiên nhẫn với chúng ta và với tha nhân trong tiến trình trở nên tốt. Đừng kết
án ai khi thời gian chưa tới. Hy vọng của chúng ta: Còn thời gian là còn cơ hội
để trở lại.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên OP
Th.
Mác-ta
Ga 11,19-27
KIÊN
VỮNG ĐỨC TIN
“Con vẫn tin Thầy là
Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống.” (Ga 11,27)
Suy
niệm: Khi gặp một thử thách,
thất bại, một biến cố đau buồn như chết chóc, bệnh tật, có người nản lòng mất
đức tin, có người lại thêm kiên vững trong đức tin. Đây chính là lúc đức tin
được tôi luyện (x. 1Pr 1,6-9). Mác-ta để lại tấm gương sáng ngời về đức tin.
Đang đau buồn về cái chết của người em, thế mà khi nghe tin Chúa đến, cô đã
đứng dậy đi đón Ngài: đó là một đức tin lên đường. Trong câu
chuyện với Chúa, cô đã tỏ ra tin tưởng khi nói: “Nếu có Thầy ở đây, em
con đã không chết.” Cô có một đức tin đặt vào Chúa. Niềm
tin đó không chỉ trong chốc lát mà bền bỉ và còn tăng tiến; Mác-ta tuyên xưng
một cách rõ ràng và mạnh mẽ: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức
Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”
Mời Bạn: Đức tin của Mác-ta
giúp bạn ý thức về niềm tin của bạn. Niềm tin ấy phải sống động, mời gọi bạn đến với
Chúa, chứ không để những thử thách lôi bạn đi xa Ngài; thứ đến, niềm tin ấy
phải được đặt vào chính con người của Đức Giê-su Ki-tô, là Thiên Chúa, chứ
không vào ai khác hay một điều gì khác.
Chia sẻ: Là ki-tô hữu, bạn có
để tính “hữu sự vái tứ phương” khi gặp tai ương hoạn
nạn len lỏi vào trong cách ứng xử của mình không?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời
thánh Phaolô: “Tôi biết tôi đã tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ
quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày
đó” (2Tm 1,12).
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, con tin
Chúa là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Xin cho niềm tin này như ánh sao
dẫn con vượt qua những thử thách gian truân đến với Chúa. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Đón Người vào nhà (29.7.2017 – Thứ bảy: Thánh Martha)
Đời sống của người Kitô hữu là kết hợp của Mácta và Maria. Vừa đón, vừa tiếp; vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa; nhưng dù hoạt động hay cầu nguyện, lúc nào cũng hướng về Chúa.
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm
nay, khuôn mặt Maria khá nổi bật.
Chúng ta dễ thấy là Thầy
Giêsu nghiêng về cô em hơn.
Mácta đón Thầy vào nhà
trong tư cách là chị.
Còn Maria sau đó là người
tiếp Đức Giêsu.
Maria thanh thản, lặng lẽ
ngồi bên chân Thầy để lắng nghe.
Còn chị Mácta thì ngược
lại.
Hẳn là chị phải xuống bếp
ngay để lo bữa ăn.
Cuộc viếng thăm của Thầy
Giêsu và các môn đệ là khá bất ngờ.
Làm sao để đãi một số vị
khách như thế?
Đó là mối lo chính đáng
của chị Mácta.
Mácta là người đảm đang,
thạo việc, nhanh nhẹn.
Nhưng trong tình thế này,
chị thấy rất cần sự giúp đỡ của cô em.
Rõ ràng là Mácta bị cuống
lên vì thấy mình có nhiều việc phải làm gấp.
Chị không muốn khách phải
chờ đợi lâu,
và chị cũng muốn đãi
khách một bữa ăn tương đối thịnh soạn.
“Xin Thầy bảo em giúp con
một tay !”
Đó là ước mơ của Mácta,
rất đỗi bình thường.
Tiếc thay, Thầy Giêsu lại
đang kể chuyện cho Maria,
và cô này đang lắng nghe
một cách thích thú (c. 39).
Nhờ Thầy kêu em xuống bếp
là phá vỡ câu chuyện còn dang dở của Thầy.
Mácta bị mối lo về bữa ăn
chi phối khiến chị quên cả lịch sự cần có.
Chị quên rằng Thầy Giêsu
không chỉ cần bữa ăn, mà còn cần tình bạn.
Và tiếp khách cũng là một
cách phục vụ không kém giá trị.
Thầy Giêsu nhìn thấy sự
căng thẳng, lúng túng của Mácta.
và nhận ra lòng tốt của
chị, khi chị muốn dọn một bữa ăn xứng đáng.
Thầy gọi tên chị hai lần
cách trìu mến: Mácta, Mácta.
Ngài nhẹ nhàng trách chị
vì đã lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá.
“Chỉ cần một chuyện thôi.
Maria đã chọn phần tốt hơn” (c. 42).
Thầy Giêsu không bảo rằng
điều Mácta làm là điều không tốt.
Chắc chắn Thầy và trò đều
cần bữa ăn ngon sau những ngày rong ruổi.
Nhưng ngồi nghe Thầy vẫn
là điều tốt hơn, cần hơn.
Vì thế Thầy sẽ không kêu
cô em xuống bếp để phụ giúp cô chị.
Điều mà Maria đã chọn,
chẳng ai có thể lấy đi.
Chị Mácta là thánh nữ
được tôn kính trong Giáo Hội.
Chúng ta phải bắt chước
chị qua công việc tận tụy và đầy trách nhiệm.
Nhưng chúng ta phải làm
một cách an bình, khiêm tốn, vui tươi,
không coi việc mình làm
là quan trọng hơn việc người khác.
Cuộc sống hôm nay dễ làm
ta trở nên Mácta, bị đè nặng bởi công việc.
Nhưng phải cố dành giờ để
làm Maria mỗi ngày.
Phải thu xếp để khỏi phải
ở dưới bếp quá lâu, để có người thay mình.
Đời sống của người Kitô
hữu là kết hợp của Mácta và Maria.
Vừa đón, vừa tiếp; vừa
làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa;
nhưng dù hoạt động hay
cầu nguyện, lúc nào cũng hướng về Chúa.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng
những lúc
được an nghỉ trước nhan
Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh
thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được
lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ
của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Bảy
29 THÁNG BẢY
Vấn Đề Đau Khổ
Đối với nhiều người,
thực tại sự dữ và đau khổ là trở ngại chính khiến họ khó chấp nhận sự thật về sự
quan phòng của Thiên Chúa trên đời sống của họ. Trong một số trường hợp, trở ngại
này được thấy là rất lớn lao. Người ta chua cay nguyền rủa Thiên Chúa vì những
sự dữ và những đau khổ tung hoành trên thế giới, đến độ họ từ chối sự thật về
Thiên Chúa và phủ nhận chính sự hiện hữu của Ngài. Đây là quan điểm của tư tưởng
vô thần.
Một cách ít triệt để
hơn, nhưng không kém nhũng nhiễu, đó là trường hợp nhiều người chất vấn Thiên
Chúa và những ý định của Ngài. Khi người ta cố gắng dung hòa giữa chân lý về sự
quan phòng thần linh với thực tại sự dữ và đau khổ mà họ cảm nghiệm, thì bao
nhiêu ngờ vực, cật vấn, hay những mâu thuẫn lồ lộ bật lên.
Để thấu hiểu vấn đề
này, chúng ta cần trở lại với Thánh Kinh. Cái nhìn về thực tại sự dữ và đau khổ
được trình bày đầy đủ trong những trang Thánh Kinh. Thánh Kinh tiên vàn là một
quyển sách vĩ đại nói về đau khổ. Vì đau khổ là một trong những thực tại mà
Thiên Chúa dạy cho con người nhận hiểu “bằng nhiều cách … qua các tiên tri; và
trong những ngày sau hết … qua chính Con của Ngài” (Dt 1,1). Ý nghĩa của đau khổ
bật ra trong mạc khải của Thiên Chúa về chính Ngài cũng như bật ra trong chính
Tin Mừng cứu độ. Đó là lý do vì sao con đường duy nhất thích hợp để tìm câu trả
lời cho vấn nạn về sự dữ và đau khổ trên trần gian này không nằm ở đâu khác
ngoài Thánh Kinh.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 29-7
Xh 24, 3-8; Mt 13,
24-30
LỜI SUY NIỆM: Đức
Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác; “Nước Trời ví như chuyện
người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của
ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông,
thì cỏ lùng cũng xuất hiện.” (Mt 13,24-26)
Trong cuộc sống hiện tại
của chúng ta đang sống, biết bao tội ác, điều xấu và các tệ nạn đang có mặt khắp
mọi nơi, nó xen lẫn với cái tốt làm cho những con người hướng về “chân thiện mỹ”
ngại ngùng lo sợ. Điều này Chúa Giêsu cho chúng ta biết, nó còn tiếp diễn cho đến
ngày tân thế, và cuối cùng sẽ có phán xét. Chính Ngài sẽ loại bỏ cỏ lùng và đốt
nó trong lửa không hề tắt, và Lúa Ngải sẽ thu vào kho lẫm của Ngài. Chúng ta phải
tỉnh thức và cầu nguyện luôn, đừng ngủ mê, kẻo kẻ thù sẽ gieo cỏ lùng vào trong
tâm hồn của mình.
Mạnh Phương
Gương Thánh nhân
Ngày 29-07
Thánh MARTHA
Chúng ta biết chắc về
thánh Martha qua 2 giai thoại trong Tin Mừng. Khi bà nhiệt thành đón rước Chúa
Giêsu (Lc 10, 38-42) hay khi bà tín thác vô giới hạn vào Chúa Giêsu trước cái
chết của Laxarô (Ga 11,1-44). Martha, theo tiếng tramêô, có nghĩa là bà chủ. Bà
hai anh em Maria và Lazarô ở làng Bêtania, là những người bạn thân tình của
Chúa Giêsu. Người hay đến trú ngụ ở nhà họ để nghỉ ngơi sau những chuyến hành
trình mệt nhọc.
Martha đóng vai gia chủ,
đã tỏ ra rất hiếu khách và tận tụy. Ngày kia, trong lúc bận rộn với việc phục dịch,
bà nói: - Thưa Thày, Thày không màng nghĩ tới sao, em tôi để cho tôi một mình
phục dịch ? Vậy xin Thầy bảo nó đỡ đần tôi .
Chúa Giêsu đáp lại : -
Martha, Martha, con lo lắng xôn xao về nhiều chuyện. Cần thì ít thôi, Maria đã
chọn phần tốt nhất rồi và sẽ không bị ai giựt mất.
Như thế Chúa Giêsu đã
cho Martha biết rằng đối với Người không có gì quý hơn một tâm hồn biết suy tư
cầu nguyện, Martha đã hiểu, bà sẽ để lộ đức tin ấy ra dịp Lazarô từ trần. Bà nhắc
tin cho Chúa Giêsu: - Thưa thầy, kẻ Thầy thương đang ốm liệt.
Vượt đường xa, Chúa
Giêsu đã đến. Nhưng Người cố ý đến chậm, khi Lazarô đã chết. Đức tin của Martha
vẫn không thay đổi.
- Thưa Thầy, nếu thầy
có mặt ở đây, em con đã không chết.
Và bà thêm : - Nhưng
ngay lúc này, con biết là bất cứ điều gì Thầy xin với Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ
ban cho thầy.
Khi Chúa Giêsu cho biết
Người là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Người thì dù chết cũng sẽ sống,
rồi Người hỏi : - Con có tin thế không ?
Martha đã mau mắn
tuyên xưng: - Vâng, thưa Thầy, con tin Thầy là đức Kitô Con Thiên Chúa, đấng phải
đến trong thế gian.
Và bà đã không lầm.
Chúa Giêsu đã phục sinh Lazarô.
Tin Mừng không nói rõ
các bạn hữu của Thiên Chúa sẽ ra sao. Chắc chắn Martha có mặt trong số phụ nữ
theo Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn và xức xác Người trước khi mai táng.
Có truyền thuyết nói rằng
ba chị em làng Bêtania đã bị người Do thái bắt thả trôi trên một con thuyền
không buồm không chèo không lái. Nhưng họ đã trôi dạt và cặp bến Marseille nước
Pháp. Lazarô đã trở thành Giám mục tiên khởi Chúa thành này. Riêng Martha Ngài
đã rao giảng Tin Mừng ở Aix Avignon và Tarascon. Một huyền thoại còn kể thêm việc
thánh nữ tiêu diệt quái vật Tarasque. Dân chúng khổ cực vì con vật dữ tợn, mồm
phun lửa, đuôi cắn xé. Thánh nữ đã dùng cây thánh giá áp đảo con vật, rồi trói
chặt nói lại. Quái vật bị hạ sát và nó bị tiêu diệt, người ta gọi là Tarascon.
(daminhvn.net)
29 Tháng Bảy
Một Tiếng Cám Ơn
Trong một bài huấn
đức ngắn ngủi trước khi đọc kinh truyền tin, Ðức Gioan Phaolô I, vị Giáo Hoàng
của mỉm cười, đã kể một câu chuyện như sau:
Trong một gia đình
nọ, một người đàn bà phải lo phục dịch cho một người chồng, một người anh và
hai người con trai lớn. Bà phải làm tất cả mọi sự trong nhà: từ đi chợ, nấu ăn,
giặt giũ đến quét dọn trong nhà. Một ngày Chúa Nhật nọ, sau một buổi sáng đi dạo
ngoài trời trở về, những người đàn ông bỗng nhận thấy có một điều lạ trong nhà,
bàn ăn đã được chuẩn bị cho bữa trưa, nhưng thay vì thức ăn, họ chỉ thấy toàn cỏ
khô. Mọi người đều nhao nhao phản đối người đàn bà... Chờ cho mọi người im tiếng,
người đàn bà mới bình tĩnh giải thích:
"Tất cả thức
ăn đều có sẵn rồi, nhưng cho phép tôi được nói một điều. Tôi phải chuẩn bị thức
ăn hằng ngày cho các người, tôi phải dọn dẹp trong nhà, tôi phải giặt giũ quần
áo cho các người, tôi phải làm mọi sự trong nhà này, nhưng chưa bao giờ các người
mở miệng khen lấy một tiếng, hay nói một lời cám ơn... Các người chỉ chực có một
thiếu sót của tôi để la ó, phản đối mà thôi".
Vô ơn là thái độ thường
xuyên của mỗi người trong chúng ta. Chúng ta dễ thấy những thiếu sót của người
khác đối với chúng ta, nhưng chúng ta lại thiếu nhạy cảm đối với những gì người
khác đang làm cho chúng ta. Một chút tế nhị, một chút cảm thông, một lời nói an
ủi vỗ về, một tiếng cám ơn, đó là men làm dậy niềm vui trong cuộc sống của
chúng ta.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Thánh Nữ
Martha – Lc 10:38-42
Thứ Bảy, 29 Tháng 7,
2017
Tuần XVI Thường
Niên
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Cha của
chúng con và là Đấng bảo vệ chúng con,
Không có Chúa, thì
không có gì là thánh thiện,
Không có gì là giá trị.
Xin Chúa hướng dẫn
chúng con đến sự sống đời đời
Bằng cách giúp chúng
con sử dụng cách khôn ngoan
Những ân sủng Chúa đã
ban cho thế gian.
Chúng con cầu xin nhờ
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con của Chúa,
Đấng hằng sống và hiển
trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
Một Thiên Chúa, đến
muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Luca 10:38-42
Khi ấy, Chúa Giêsu vào
một làng kia, và có một phụ nữ tên là Máctha rước Người vào nhà mình. Bà
có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa và nghe lời Người. Máctha
bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy
Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy
bảo em con giúp con với”.
Nhưng Chúa đáp:
“Máctha, Máctha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần
mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất”.
3. Suy Niệm
- Tính năng động của câu chuyện. Hoàn cảnh của
Chúa Giêsu là một vị Tôn Sư rày đây mai đó đã cho bà Máctha cơ hội rước Người
vào nhà mình. Câu chuyện này trình bày thái độ của cả hai chị em:
bà Maria ngồi bên chân Chúa Giêsu là để dốc toàn tâm lắng nghe lời Người; bà
Máctha thì trái lại, hoàn toàn bị chi phối bởi việc thết đãi, bà đến gần Chúa
Giêsu và phàn nàn về thái độ của em bà. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và
Máctha chiếm một chỗ lớn trong câu chuyện (các câu 40b-42):
Máctha bắt đầu với một câu hỏi hoa mỹ: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một
mình mà Thầy không quan tâm sao?”; sau đó bà xin Chúa Giêsu can thiệp kêu gọi
người em trở lại với công việc nhà mà em bà đã lơ là: “Xin Thầy bảo em
con giúp con với”. Chúa Giêsu đáp lời với một giọng trìu mến; đây là ý
nghĩa của việc gọi tên hai lần: “Máctha, Máctha”: Chúa nhắc nhở bà
rằng bà lo lắng bối rối về “nhiều thứ”, và trong thực tế bà chỉ cần có “một điều
duy nhất” mà thôi và Người kết luận rằng người em đã chọn phần tốt nhất, và sẽ
không bị ai lấy mất. Thánh Luca đã xây dựng câu chuyện này trên sự tương
phản: hai cá tính khác biệt của các bà Máctha và Maria; người thứ nhất
thì lo lắng lăng xăng vì “nhiều thứ”, người thứ hai thì không làm một việc gì,
bà chỉ dành mọi tâm trí để nghe lời Thầy. Mục đích của sự tương phản này
là để nhấn mạnh đến thái độ của bà Maria, người đã dốc toàn tâm trí để lắng
nghe lời Thầy, vì thế trở thành một mẫu mực cho mọi tín hữu.
- Con người của bà Máctha. Bà là một trong những
người có sáng kiến rước Chúa Giêsu vào nhà mình. Trong việc tận tụy để
đón tiếp Thầy, bà đã tràn đầy những lo âu cho các thứ khác nhau phải được chuẩn
bị và bởi sự căng thẳng khi thấy rằng mình phải làm tất cả mọi việc. Bà
phải gánh vác quá nhiều việc, bà lo lắng, và trải nghiệm một sự căng thẳng lớn.
Vì thế, bà Máctha “đến gần Chúa Giêsu” và thưa với Người một lời cầu xin chính
đáng để được giúp đỡ: tại sao em gái bà để bà làm hết mọi việc.
Chúa Giêsu trả lời vì thấy rằng bà chỉ lo lắng thôi, bà đã bị chi phối trong
lòng giữa việc mong muốn phục vụ Chúa Giêsu với bữa ăn xứng đáng với Chúa và việc
đặt hết tâm trí để lắng nghe Chúa. Do đó, Chúa Giêsu không phải vì không
hài lòng với việc phục dịch của bà Máctha, mà là chỉ vì sự lo lắng của
bà. Nhưng trước đó, Chúa Giêsu đã giải thích trong bài dụ ngôn người gieo
giống mà hạt giống rơi vào bụi gai gợi nhớ lại tình trạng những kẻ nghe Lời
Chúa, nhưng lại để cho mình bị chi phối bởi những nỗi lo lắng khác (Lc
8:14). Vì thế, Chúa Giêsu đã không phản đối việc làm của bà Máctha, giá
trị của việc chấp nhận và chào đón liên quan đến con người của Chúa nhưng Người
cảnh giác bà về những nguy cơ mà bà có thể gặp: “Hãy tìm kiếm Nước Trời đầu
tiên, và còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12:31).
- Con người của bà Maria. Bà là người đón nhận
Lời Chúa: bà được mô tả với hình thức không hoàn hảo: “bà đã lắng
nghe”, một hành động lắng nghe Lời Chúa Giêsu liên tục. Thái độ của bà
Maria thì tương phản với thái độ đầy lo lắng và căng thẳng của chị bà.
Chúa Giêsu nói rằng bà Maria đã chọn “phần tốt nhất” tương ứng với việc lắng
nghe Lời Chúa. Từ Lời của Chúa Giêsu, người đọc biết rằng có hai phần mà
trong đó một cái thì có chất lượng tốt hơn cái kia, nhưng chỉ có một phần là tốt
nhất: đón nhận Lời của Chúa. Thái độ này không có nghĩa là trốn
tránh nhiệm vụ của mình hoặc trách nhiệm hằng ngày, mà chỉ có sự hiểu biết rằng
lắng nghe Lời Chúa thì thì ưu tiên hơn mọi việc phục dịch, hơn mọi hoạt động.
- Quân bình giữa
hành động và chiêm niệm. Thánh Luca đặc biệt quan tâm liên kết việc lắng
nghe Lời Chúa với mối quan hệ với Chúa. Đó không phải là vấn đề về việc
phân chia thời gian dành riêng cho việc cầu nguyện và các việc phục vụ khác, mà
là sự chú ý đến Lời Chúa chiếm ưu tiên và đi kèm với các việc phục vụ. Ước
muốn lắng nghe Thiên Chúa không thể bị thay thế bởi các hoạt động khác:
điều cần thiết là dành một thời gian nhất định và dành riêng để đi tìm kiếm
Chúa. Lòng cam kết trau dồi lắng nghe Lời Chúa xuất phát từ việc chú tâm
đến Thiên Chúa: tất cả mọi thứ có thể đóng góp: môi trường của không
gian, của thời gian. Tuy nhiên, ước muốn gặp gỡ Thiên Chúa phải xuất phát
từ con tim của người ta. Không có một yếu tố kỹ thuật nào mà tự dưng hướng
dẫn người ta đến gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là vấn đề của tình yêu: thật cần
thiết để lắng nghe Chúa Giêsu, ở bên cạnh Người, và sau đó là món quà được truyền
đạt, và tình yêu thương bắt đầu. Sự quân bình giữa việc lắng nghe và phục
vụ liên quan đến tất cả mọi tín hữu; trong đời sống gia đình cũng như trong đời
sống nghề nghiệp và xã hội: Chúng ta có thể làm được những gì để những
người đã lãnh nhận phép rửa tội được kiên trì và đạt được sự trưởng thành trong
đức tin? Chúng ta nên tự giáo dục mình lắng nghe Lời Chúa. Đây là
con đường khó khăn nhất, nhưng chắc chắn nhất để đạt được sự trưởng thành của đức
tin.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá
nhân
- Tôi có biết cách để tạo ra trong đời tôi những
hoàn cảnh và hành trình của việc lắng nghe không? Tôi có tự giới hạn mình
chỉ lắng nghe Lời Chúa trong Nhà Thờ không, hay đúng hơn, tôi có dành cho mình
thời gian và nơi chốn thích hợp để tìm lắng nghe sâu sắc và riêng tư không?
- Tôi có giới hạn mình trong việc sử dụng Lời Chúa
cho riêng mình hay tôi công bố để nó trở nên ánh sáng cho người khác và không
là ngọn đèn chỉ thắp sáng cho cuộc sống riêng của mình không?
5. Lời nguyện kết
Lạy CHÚA, ai được vào
ngụ trong nhà Chúa,
Được ở trên núi thánh
của Ngài?
Là kẻ sống vẹn toàn,
luôn làm điều ngay thẳng,
Bụng nói sao nghĩ vây,
Miệng lưỡi chẳng vu
oan, không làm hại người nào.
Chẳng làm ai nhục nhã.
(Tv 15:1-2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét