Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

30-07-2017 : (phần I) CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN năm A

30/07/2017
Chúa Nhật 17 thường niên năm A.
(phần I)


BÀI ĐỌC I:   1 V 3, 5. 7-12
"Xin ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, tại Gabaon, ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng và phán rằng: "Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi". Salomon thưa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Đavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?"

Điều Salomon kêu xin như trên đã đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng: "Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi".  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 118, 57 và 72. 76-77. 127-128. 129-130
Đáp:  Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp của Chúa biết bao! (c. 97a)

1) Lạy Chúa, con xưng thực kỷ phần của con là tuân giữ những lời ban dạy của Ngài. Đối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. -  Đáp.
2) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con. -  Đáp.
3) Bởi thế nên con yêu quý chỉ thị Ngài hơn vàng, và hơn cả vàng ròng tinh khiết. Bởi thế nên con tự chọn tất cả huấn lệnh của Ngài; hết thảy đường lối gian tà con đều ghét bỏ. -  Đáp.
4) Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo. Sự mạc khải lời Ngài soi sáng và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. -  Đáp.

BÀI ĐỌC II:   Rm 8, 28-30
"Người đã tiền định cho chúng ta trở nên giống hình ảnh Con Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa thì Người giúp họ được sự lành, họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA:  1 Pr 1, 25
Alleluia, alleluia! - Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 13, 44-46   hoặc 44-52
"Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

"Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa rằng: "Có".

Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Phúc cho ai có niềm tin

Tư tưởng của các bài đọc Kinh Thánh hôm nay chưa hoàn toàn dứt khỏi giòng suy nghĩ của Chúa Nhật trước. Bài đọc 1 còn nói đến sự khôn ngoan. Và trong bài Tin Mừng dài còn gợi lên vấn đề và số phận kẻ dữ. Tuy nhiên ta có thể nói hôm nay, Kinh Thánh chú trọng đến người khôn nhiều hơn. Và ta có thể nhờ cả ba bài đọc trong Thánh lễ hôm nay để thấy Chúa dạy chúng ta phải sống khôn ngoan thánh thiện như thế nào.

A. Người Khôn Theo Cựu Ước
Cựu Ước ca tụng Salômon là người khôn ngoan nhất đời. Và các sách Khôn Ngoan coi ông như sư tổ. Chúng ta hẳn đã được nghe nhiều truyện về sự khôn ngoan xét xử của ông. Ðặc biệt ai mà không biết truyện nữ hoàng phương Nam nghe tiếng sự khôn ngoan của ông đã làm một cuộc hành trình đến tận Yêrusalem để chứng nghiệm. Ngay trong đoạn trích sách các Vua quyển 1 hôm nay cũng chứng tỏ Salômon thật là người khôn ngoan, xứng đáng được gọi là minh quân.
Thuở ấy ông mới lên ngôi kế vị cha là Ðavít. Ông hành hương đến Gabaon, cách Yêrusalem chừng 9 cây số về phía tây, vì Gabaon bấy giờ là cao đàn lớn, tức là nơi thờ phượng chính yếu. Ở đó, ông đã được Thiên Chúa hiện ra. Người hỏi ông xin gì? Ông không xin những điều như các vị hoàng đế thời ấy hằng ước nguyện, tức là được giàu sang và thế lực. Ông chỉ xin "được tấm lòng biết nghe để phân xử việc dân, để biết biện minh điều phải trái". Ông chỉ xin sự khôn ngoan.
Chính việc ông đến Gabaon để dâng lễ đã là một thái độ khôn ngoan rồi. Khác với Saul và Ðavít, ông không phải là vị vua được xức dầu, theo nghĩa được Chúa tuyển chọn. Ông làm vua theo di chúc của cha là Ðavít, tức là theo truyền thống loài người cha truyền con nối. Sự kiện này không thuận lợi một tí nào ở nơi một dân tộc mà truyền thống ai trị dân chỉ điều hành thay mặt Chúa. Salômon cần được tư cách thần quyền ấy. Ông đã khôn ngoan đi dâng lễ ở Gabaon. Và ông đã được Chúa công nhận khi hiện ra với ông.
Ông cũng khôn ngoan khi trả lời câu Chúa hỏi. Ông vào đề rất khéo, gợi đến lòng nhân nghĩa lớn lao của Người, đặc biệt đối với Ðavít thân phụ ông. Ông hạ mình tự xưng còn như một đứa trẻ bé mọn, chưa biết ngõ ra lối vào, tức là các cách cư xử ở đời. Thế nên ông chỉ xin được sự khôn ngoan của bậc trị dân, là biết phân xử công minh... Và ông thật sự đã khôn ngoan khi quan niệm chính việc trị dân này. Theo ông, muốn cai trị khôn ngoan phải có tấm lòng biết nghe Luật Chúa, nghe tiếng nói của lương tri, nghe lẽ phải của chân lý để đem ra mà phân xử và biện minh.
Tuy nhiên ngày nay ta có thể nói: Salômon vẫn chưa khôn ngoan hoàn toàn. Ông xin được ơn cai trị khôn ngoan mà quên nghĩ đến việc sống khôn ngoan. Nghĩa là ông sẽ khôn việc của người, mà dại việc của mình. Lịch sử đã cho thấy như vậy. Ông phân xử việc dân một cách tuyệt diệu; nhưng đời tư của Salômon lại mù quáng sống theo dục vọng, để cho nhiều phụ nữ dân ngoại kéo vào con đường tà giáo lầm lạc. Như vậy, ông vẫn chưa phải là người khôn ngoan hoàn toàn. Lý tưởng khôn ngoan của Cựu Ước còn phải được bổ khuyết. Nói đúng hơn, sự khôn ngoan xử thế chưa bảo đảm hạnh phúc. Tiếng nói cuối cùng, lời mạc khải hoàn toàn về sự khôn ngoan đã được chính Ðấng Khôn Ngoan tuyên bố trong bài Tin Mừng hôm nay khi Người mô tả con người khôn ngoan của Nước Trời.

B. Người Khôn Trong Nước Trời
Kẻ khôn ngoan đó là người kia gặp thấy một kho báu giấu trong ruộng liền vui mừng đi bán tất cả những gì anh có mà tậu thửa ruộng ấy. Kẻ đó cũng là thương gia nọ rảo tìm ngọc quý, gặp được một viên ngọc trai đắt giá, liền đi bán sạch mọi điều ông có mà mua lấy. Cuối cùng kẻ khôn ngoan đó cũng là người gia chủ biết rút tự trong kho tàng của ông ra điều mới và điều cũ.
Chúng ta đã hiểu những ví dụ ấy chưa? Hồi Chúa Yêsu kể các dụ ngôn như thế cho các môn đệ, họ đã hiểu. Họ biết Người nói về họ và Người khuyên bảo họ. Hầu hết những người trong bọn họ đều đã may mắn gặp được Ðức Yêsu. Họ thấy Người có lời hằng sống, nên họ bỏ mọi sự kể cả cha mẹ, lưới thuyền để đi theo Người. Một vài người đã trở thành môn đệ một cách hơi khác. Họ giống như thương gia rảo tìm ngọc quý, tức là ưu tư thao thức đi tìm chân lý. Họ đã tò mò nhìn theo Ðức Yêsu, rồi đến ở với Người và đã khám phá ra Người.
Nhưng bây giờ, sau khi đã được làm quen với giáo lý mới mẻ của Người, họ còn phải tiến bộ hơn nữa, bắt chước người gia chủ biết rút tự trong kho điều mới và điều cũ. Muốn hiểu hình ảnh này, chúng ta phải nhớ tới thời xa xưa, khi mà của cải và phương tiện vật chất không được dồi dào và khó mua sắm. Người nào khôn cũng phải có kho, có lẫm. Và hễ có được của gì là phải chất vào kho để khi cần thì lôi ra; và thường lôi của mới trước và của cũ sau. Thế thì người khôn ngoan trong Nước Trời cũng vậy, phải lấy giáo lý mới của Ðức Yêsu ra mà sống; nhưng đồng thời cũng không được bỏ những cái cũ là giáo lý của Cựu Ước.
Như vậy, đối với Chúa Yêsu, người khôn chính là kẻ phải biết từ bỏ mọi sự mà đi theo Người; và khi đã đi theo Người, phải sống hết lời mạc khải mới và cũ của Chúa. Ai làm như thế sẽ là những cá tốt trong ngày cánh chung. Còn ai không đón nhận Nước Trời mà Ðức Yêsu mang lại, sẽ là cá xấu bị loại ra trong ngày sau hết.
Do đó, Ðức Kitô đã đề ra một lý tưởng về sự khôn ngoan khác với Salômon. Vị hoàng đế khôn ngoan này đã nghĩ rất đúng khi quan niệm người khôn phải biết nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Nhưng ông thu hẹp phạm vi áp dụng nguyên trong lãnh vực chính trị xã hội. Ông đã khôn ngoan trong việc xử thế trị dân, nhưng đã ra mù quáng trong đời tư khi chạy theo dục tình và phụ nữ ngoại bang. Cuối cùng cơ đồ do ông gây dựng đã sụp đổ ngay sau khi ông mất vì nó chỉ có vẻ hào nhoáng bên ngoài, còn bên trong thì hư nát.
Ðức Kitô đã đến tuyên bố đây có Ðấng còn cao trọng hơn Salômon. Người đặt lý tưởng khôn ngoan nơi thái độ biết hy sinh từ bỏ mọi sự vì Nước Trời và biết sử dụng mọi khả năng trong kho tàng của mỗi người. Và như vậy bất cứ ai cũng có thể trở thành người khôn. Và người khôn như vậy sẽ xây dựng được cơ đồ tồn tại đến muôn đời, không sợ bị loại bỏ trong ngày chung thẩm.
Nói đúng hơn khi kể dụ ngôn về lưới cá tiếp theo hai dụ ngôn về kho tàng và viên ngọc, dường như thánh Matthêô muốn cảnh giác chúng ta đừng quá vui mừng vì đã tìm được Nước Trời mà quên viễn tượng ngày phán xét. Người ta phải lo việc phần rỗi với lòng kính sợ vì "kính sợ Chúa là đầu sự khôn ngoan".
Tất cả những giáo lý trên đã được thánh Phaolô đem ra thực hành. Và ít có ai xứng đáng hơn người để mang tước hiệu "người ký lục đã được thụ giáo về Nước Trời". Chính người đã khẳng định nhiệt tình với Luật cũ hơn bất cứ đồng bạn Biệt phái nào; nhưng lại được mạc khải cho biết chiều sâu, chiều rộng, chiều dài của kế hoạch thâm sâu cứu độ mới. Chúng ta hãy nghe người khuyên nhủ chúng ta hôm nay về niềm tin của người khôn.

C. Niềm Tin Của Người Khôn
Người khôn, như Chúa dạy, phải biết rút tự trong kho ra điều mới và điều cũ. Thánh Phaolô, trong câu đầu bài thư hôm nay cũng nói: với những ai yêu mến Thiên Chúa, thì Người đồng công cộng tác biến mọi sự nên lành. Chúng ta cứ đồng hóa người khôn với người yêu mến Thiên Chúa, thì mọi sự đều nên lành cho người ấy. Không những các điều mới và cũ đều tốt cho họ, mà hoàn cảnh thuận cũng như nghịch đều nên lành cho họ. Bởi lẽ người ấy đã nằm trong tiền định của Thiên Chúa.
Quan niệm tiền định này có thể gây ra nhiều thắc mắc. Nó thường khiến chúng ta hình dung Thiên Chúa từ đời đời đã quyết định cho một số người được cứu vớt và một số người khác phải hư đi. Rồi nó khiến chúng ta đưa ra những kết luận kỳ quặc: nào là con người mất tự do; cố gắng hay không, số phận cũng đã được đặt định rồi.
Chúng ta không biết rằng suy nghĩ như vậy là lầm lạc và rối đạo. Khi nói Thiên Chúa tiền định cứu vớt chúng ta, thánh Phaolô muốn nói đến ý chí cương quyết của Thiên Chúa muốn cứu vớt mọi người. Quan niệm tiền định của người gắn liền với ý tưởng Thiên Chúa muốn cứu chuộc mọi dân nước. Người muốn cứu rỗi tất cả chúng ta nguyên vì lòng nhân đạo của Người, trước khi chúng ta có ý tưởng trở về với Người để được rỗi. Người sáng nghĩ ra kế hoạch chuộc tội trước khi chúng ta có ý tưởng về việc đó. Người yêu chúng ta trước đang khi chúng ta còn là tội nhân chẳng có gì đáng thương.
Quan niệm tiền định chỉ có ý nghĩa như vậy. Nó nói lên bước đi trước nhưng không của Thiên Chúa đến với chúng ta. Nó cho ta thấy Người yêu thương chúng ta trước. Người đặt ra kế hoạch cứu độ mọi người, trước mọi suy tư hành động về phía chúng ta.
Và như vậy, quan niệm tiền định chỉ nói lên lòng tốt nhưng không của Thiên Chúa; ý chí thương yêu cứu độ từ đời đời của Người. Còn việc người này người nọ được cứu độ hay không là tùy ở người ấy có muốn đón nhận ơn Chúa và đáp lại kế hoạch cứu độ của Người hay lại từ chối và bác bỏ. Thiên Chúa biết trước thái độ của mỗi người, nhưng Người không định. Thái độ của con người là do chính con người định đoạt. Họ có thể quyết định theo Chúa hay không theo Chúa. Còn chính Thiên Chúa thì Người đã tiền định cứu vớt mọi người và đã sai Con Một Người chịu chết để đền bù tội lỗi của hết thảy chúng ta.
Và ý chí tiền định cứu độ này thật là quyết liệt và dứt khoát. Thánh Phaolô trong câu nói cuối cùng của bài thơ hôm nay đã khẳng định điều ấy. Người nói vì Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta được cứu độ, nên Người đã kêu gọi chúng ta; kêu gọi rồi, Người giải án tuyên công cho chúng ta, tức là tha thứ tội lỗi cho chúng ta và ban cho chúng ta quyền làm nghĩa tử và thừa tự; và sau khi đã được như thế, chúng ta sẽ được tôn vinh sau này ở trên trời.
Phúc cho ai có niềm tin như vậy. Ðó là người khôn của Nước Trời, là người nắm lấy tất cả Lời Hứa Cũ và Mới, là người được cả đời sau lẫn đời này, chứ không nhu Salômon chỉ ao ước được cuộc sống hiện tại. Vì con người như thế sẽ "đồng hình đồng dạng với hình ảnh của Con Thiên Chúa" và Ngài nên Trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.
Chúng ta giờ đây tham dự Thánh lễ. Chúng ta mong gì nếu không phải là muốn được kết hợp với Chúa Yêsu Kitô nên một thân thể, để chúng ta đồng hình đồng dạng với Người và để Người là Ðầu của tất cả chúng ta là anh em đông đúc của Người. Chúng ta làm được công việc ấy là đi vào tiền định của Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta. Chắc chắn chúng ta được giải án tuyên công và sau này được tôn vinh hiển trị. Công việc duy nhất hàng ngày phải làm là cố gắng đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô và tôn dương Người là Trưởng tử của một đàn em đông đúc, tức là cố gắng sống theo gương Chúa Yêsu và phục vụ Người nơi anh em. Cố gắng ấy, chúng ta làm được khi có niềm tin của người khôn trong Nước Trời, niềm tin mà giờ đây chúng ta sốt sắng tuyên xưng để đi vào mầu nhiệm Thánh lễ.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 17 Thường Niên, Năm A
Bài đọcI Kgs 3:5-12; Rom 8:28-30; Mt 13:44-52

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lựa chọn khôn ngoan.
Nếu đặt trước mặt chúng ta một trăm ngàn lượng vàng và một cuốn Kinh Thánh, chúng ta sẽ chọn cái gì? Chắc chắn nhiều người sẽ chọn 100,000 lượng vàng!
Tại sao? Vì họ sẽ trở thành giầu to (100 triệu dollars) mà chẳng phải làm gì! Trong khi đó, nếu chọn cuốn Kinh Thánh, nhiều người không biết phải làm gì! Ngay cả nếu cho không, họ cũng không có thời giờ để đọc! Ngay cả có thời giờ để đọc, Kinh Thánh cũng không dễ để hiểu!
Thế mà có người ngược đời như Vua Solomon trong bài đọc I hôm nay: Chúa là Vua quyền năng hỏi ông muốn xin gì Chúa cũng sẽ ban? Ông đã không xin cho được tất cả của cải trong thế gian này mà chỉ xin cho được ơn khôn ngoan! Chắc chắn nhiều người chúng ta sẽ kết luận: Đúng là ông vua khùng!
Vua Solomon có khùng không hay chúng ta là những người khùng? Các bài đọc hôm nay sẽ giúp chúng ta thấu hiểu điều đó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự quan trọng của khôn ngoan
1.1/ Tại sao xin khôn ngoan mà không xin những thứ khác? Có ít nhất 4 lý do:
- Thứ nhất, có khôn ngoan là có tất cả, người có khôn ngoan sẽ làm ra của cải. Nếu một người khôn ngoan tiên đoán được tương lai, ông có thể trở thành giầu to. Ví dụ: nếu người đó, cách đây 3 năm, biết giá dầu sẽ tăng vùn vụt như hiện nay. Chính vì sự khôn ngoan của Vua Solomon mà Nữ hoàng phương Nam từ xa đã mang lễ vật tới để học hỏi cho được sự khôn ngoan của nhà vua.
- Thứ hai, của cải có thể chắp cánh bay vì nó ở bên ngoài chủ nhân, nhưng khôn ngoan không thể mất vì nó ở bên trong và sẽ đi theo chủ nhân đến muôn đời. Biết bao nhiêu người thừa hưởng những gia tài to lớn của cha mẹ để lại hay trúng số độc đắc; nhưng nếu không biết đầu tư hay tiêu xài, những của cải này rồi cũng thuộc về người khác!
- Thứ ba, của cải không mang lại hạnh phúc trong khi khôn ngoan là lý do trọng yếu để con người đạt hạnh phúc. Biết bao nhiêu người đã mất sự bình an trong tâm hồn và hạnh phúc cá nhân cũng như gia đình sau khi trở thành giầu có. Nhiều người đã thốt lên: Nếu biết trước cuộc đời họ và gia đình sẽ trở nên như hôm nay thì không bao giờ họ đã ao ước cho trở nên giàu có hay trúng độc đắc!
- Sau cùng, của cải không tồn tại muôn đời! Chính Chúa Giêsu đã gọi những kẻ chỉ lo tích trữ của cải thế gian là: “Đồ ngu! Nếu như ngay đêm nay Ta gọi ngươi về thì ngươi đem theo được gì?” Hay: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, hỏi được lợi ích chi?” Đã có không biết bao người giàu có trong lịch sử mà không bao giờ được nhắc tới, nhưng lịch sử lại nhắc tên những người để lại cho hậu thế nhưng công trình nghiên cứu và khám phá nhờ sự khôn ngoan của họ.
1.2/ Vua Solomon xin Chúa ban cho khôn ngoan để làm gì? Trước hết, để cai trị dân chúng cần có một đầu óc hiểu biết để phân biệt tốt và xấu. Đây là điều tối quan trọng cho những người cai trị quốc gia vì trước khi hành động họ phải biết thiết lập những luật lệ căn bản để bảo vệ dân chúng. Làm sao để thiết lập những luật lệ nếu ngay vua đã không phân biệt được tốt hay xấu? Thứ đến Vua Solomon thấu hiểu Chúa đã trao một dân được lựa chọn và đông đảo của Ngài cho ông để cai trị, và ông phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa những người này. Một mình Vua không thể cáng đáng hết mọi công việc, nhà Vua phải biết cách chọn người để cai trị với mình. Trong lịch sử Do-thái đã ghi lại nhiều ông vua bất công và bất tài, thay vì cai trị dân chúng trong công bằng và nhân từ, đã dùng uy quyền của mình để bóc lột dân chúng và đưa họ đến chỗ làm nô lệ cho ngoại bang.
Điều Vua xin rất đẹp lòng Chúa, vì đã chứng tỏ Vua là một con người chín chắn và hiểu biết. Nhà Vua đã không xin cho được sống lâu, giầu có, hay chiến thắng quân thù, vì ông biết tất cả những điều này là phụ thuộc so với khôn ngoan. Sống lâu mà không khoẻ mạnh hạnh phúc chỉ là kéo dài những chuỗi ngày khổ cực. Giầu có như đã nói ở trên. Chiến thắng quân thù cũng không khó lắm nếu có khôn ngoan, và nhất là phải chiến thắng chính mình nữa! Nhưng Vua đã xin cho hiểu biết để phân biệt điều gì đúng điều gì sai. Vì thế, Chúa đã ban cho Vua được khôn ngoan và hiểu biết chưa từng có ai trên đời này được như vậy.
2/ Bài đọc II: Khôn ngoan của Thiên Chúa không phải là bất cứ loại khôn ngoan nào của thế giới, nhưng là khôn ngoan để biết mục đích của cuộc đời và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
2.1/ Mục đích của cuộc đời: Ba câu hỏi mà con người ở mọi thời luôn ưu tư khắc khoải để tìm câu trả lời là: Con người ta từ đâu đến? Con người sống cuộc đời này để làm gì? Và khi chết rồi con người sẽ đi đâu? Những câu hỏi này không thể được trả lời cách thích đáng nếu Thiên Chúa không mặc khải, và con người không thể hiểu được nếu Thiên Chúa không ban sự khôn ngoan của Ngài cho con người. Thánh Phaolô trong Thư gởi các tín hữu Rôma quả quyết: “Mọi sự xảy ra trong cuộc đời là cho sự tốt lành của những người yêu mến Thiên Chúa, là những người đã được kêu gọi theo như ý định của Ngài.”
2.2/ Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: Biết mục đích của cuộc đời không chưa đủ, con người còn phải biết cách làm sao để đạt được mục đích ấy mới trọn vẹn. Thánh Phaolô phác họa tổng quát kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: “Những ai Thiên Chúa đã biết Ngài cũng định trước cho trở nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa; những ai Chúa định trước Ngài cũng kêu gọi; những ai Chúa đã kêu gọi Ngài cũng cho trở nên công chính; những ai Chúa đã cho trở nên công chính, Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang.”
Nhiều người lấy đoạn này để chứng minh thuyết tiền định. Điều này không đúng, vì ơn cứu độ được ban cho mọi người; nhưng con người có tự do để lãnh nhận hay từ chối kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô chỉ muốn nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa biết trước mọi sự, vì đối với Thiên Chúa, mọi sự đều xảy ra như trong hiện tại. Thiên Chúa biết những ai tiếp nhận hay từ chối ơn cứu độ của Ngài.
3/ Phúc Âm: Người khôn ngoan dám hy sinh tất cả để mua lấy Nước Trời.
Trước khi đi vào 4 trường hợp Chúa Giêsu nói, chúng ta cần hiểu rõ tiến trình của sự lựa chọn. Để biết lựa chọn khôn ngoan, một người cần phải:
(1) Biết hậu quả (mục đích) gây ra bởi sự chọn lựa của mình: Chọn lựa điều nào là phải lãnh hậu quả của điều đó mang tới. Nếu một người chọn Nước Trời, niềm vui của anh sẽ là được sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa; nếu chọn tiền của thế gian, niềm vui của anh sẽ là có thật nhiều tiền, nhưng tiền của chỉ có giá trị tạm thời bao lâu anh còn sống, anh và sẽ không đạt được Nước Trời.
(2) Biết cách đạt mục đích mình mong muốn: Nếu chọn Nước Trời, anh phải chọn sống theo tiêu chuẩn của Nước Trời; đó là phải bỏ ý riêng mình, làm theo những gì Chúa Giêsu dạy, và vác thánh giá (đau khổ) hàng ngày để theo Chúa. Nếu chọn tiền của, anh có thể sống theo tiêu chuẩn của thế gian: làm gì tùy ý thích, ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ tối đa... cuộc đời sau sẽ ra sao không cần biết tới.
(3) Can đảm lựa chọn: Sau khi đã biết hết hậu quả của việc lựa chọn và cách đạt được mục đích, anh phải can đảm lựa chọn một trong hai. Anh không thể chọn cả hai (bắt cá hai tay): vừa chọn sống đời đời với Thiên Chúa, vừa chọn có nhiều tiền của để tiêu xài. Người bắt cá hai tay sẽ mất tất cả hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau.
3.1/ Như người tìm được kho tàng chôn dấu trong ruộng, ông về bán hết tài sản để mua thửa ruộng đó. Để có thể làm được điều này, ông cần có khôn ngoan để nhận ra những tài sản ông hiện đang có không thể so sánh với kho tàng trong ruộng và cần phải làm ngay. Ông không thể vừa muốn kho tàng chôn giấu vừa muốn giữ các tài sản của mình. Nếu không nhận ra sự quan trọng của Nước Trời trong cuộc đời, chắc chắn chúng ta không dám hy sinh tất cả cuộc đời vì Nước Trời; và các thánh Tử Đạo chắc chắn sẽ không dám chết cho Nước Trời.
3.2/ Như người lái buôn tìm được viên ngọc quí, ông về bán hết những viên ngọc ông đang có để lấy tiền mua viên ngọc quí. Cũng thế, người lái buôn cần có kinh nghiệm buôn ngọc để nhận ra giá trị thực sự của viên ngọc quí; nếu không viên ngọc đó cũng tầm thường như bao viên ngọc khác. Chỗ khác trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng nói tới không nên đặt ngọc trước miệng heo vì nó có biết viên ngọc có giá trị gì đâu, nó chỉ muốn cám heo ăn mà thôi. Tương tự như trên, người lái buôn chỉ có thể chọn một trong hai giải pháp.
3.3/ Như lưới người ngư phủ quăng xuống biển và bắt được rất nhiều cá, ông ngồi lựa chọn: cá tốt cho vào giỏ, cá xấu quăng đi. Các thiên thần của Chúa cũng làm như vậy trong Ngày Phán Xét. Người khôn ngoan biết chắc chắn sẽ có Ngày Phán Xét này, và ông không muốn làm cá xấu để bị quăng ra ngoài, nhưng muốn làm cá tốt để được thiên thần của Chúa thu vào kho lẫm trên trời. Lúc đó, con người có hối hận cũng quá muộn màng, anh sẽ cảm thấy ý nghĩa của câu Chúa nói: “Được lời lãi hết thế gian mà mất linh hồn, hỏi được ích gì?”
3.4/ Bất cứ luật gia nào đã được huấn luyện cho Nước Trời cũng giống như người chủ nhà: ông mang ra kho tàng của ông chứa đựng cả cái cũ và cái mới. Người khôn ngoan là người biết đánh giá trị đúng của cả cái cũ lẫn cái mới: ông không luôn theo thời để loại đi tất cả cái cũ vì ông biết rằng chưa chắc cái mới đã tốt bằng cái cũ; đồng thời ông cũng không thủ cựu đến độ chỉ khăng khăng ôm lấy cái cũ vì ông biết cái mới là hoàn hảo hơn của cái cũ. Các nhà chú giải đều đồng ý hiểu Chúa Giêsu muốn nói về Cựu Ước và Tân Ước ở đây.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hay coi thường sự khôn ngoan và coi trọng của cải, danh vọng, quyền bính. Vì thế, chúng ta ít chịu chú trọng đến việc học hỏi, mở mang kiến thức; nhất là học hỏi và suy gẫm Lời Chúa.
- Chúng ta không biết có khôn ngoan là có tất cả. Khôn ngoan không những giúp chúng ta sống vui vẻ, bình an, hạnh phúc ở đời này, mà còn giúp đạt tới Nước Trời đời sau.
- Bao lâu chúng ta không biết đủ giá trị của Nước Trời, chắc chắn chúng ta sẽ không dám bán mọi sự chúng ta đang có để mua lấy Nước Trời; và bằng lòng với những gì chúng ta đang sở hữu ở thế gian này. Chỉ khi nào chúng ta xác tín Ngày Phán Xét sẽ đến, chúng ta mới có thể thay đổi cuộc sống và giữ cẩn thận luật pháp Chúa dạy mà thôi.
- Các bậc làm cha mẹ cũng ở bậc lãnh đạo và cũng cần có sự khôn ngoan hiểu biết như Vua Solomon, để biết phân biệt tốt xấu và để biết cách hướng dẫn gia đình bước đi vững vàng theo thánh chỉ của Chúa. 
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

30/07/17    CHÚA NHT TUN 17 TN – A
Mt 13,44-52

VÌ VIÊN NGỌC QUÝ GIÊ-SU


“Tìm được viên ngọc quý, vị doanh nhân ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.” (Mt 13,46)

Suy niệm: Với rất nhiều người, tiền bạc là kho báu của đời họ; với một số người khác, quyền lực, danh tiếng lại là thứ ngọc quý giá số một. Với người này, thú vui cuộc đời là kho báu đáng tìm kiếm; đang khi ấy, với người khác, kiến thức lại là loại châu ngọc quý giá không gì sánh bằng. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói với ta rằng Nước Trời mà Ngài đem đến trần gian phải được xem là kho báu, là viên ngọc quý báu nhất, và ta phải tìm mọi cách có được kho báu, viên ngọc ấy. Dù một thoáng tình cờ như người nông dân hay dành cả cuộc đời săn lùng như vị doanh nhân, cả hai đều có cách ứng xử giống nhau: vui mừng bán tất cả để tậu thửa ruộng hay sắm viên ngọc quý. Vui mừng, hạnh phúc hy sinh tất cả để được vào Nước Trời cũng phải là cách hành xử của ta.

Mời Bạn: Bạn không cảm thấy vui mừng và hạnh phúc khi sống tình thân với Đức Giê-su? Bạn tiếc nuối, ngại ngùng khi phải hy sinh để sống những đòi hỏi của Nước Trời? - Vì bạn chưa thấy được giá trị cao đẹp của viên ngọc quý Giê-su, của kho báu Nước Trời. Hãy đào sâu Tin Mừng của Ngài hơn để bạn thêm lòng tin vào Ngài.

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín Đức Giê-su đích thực là viên ngọc quý giá nhất trần gian, đáng để tôi hạnh phúc hy sinh mọi sự để có được Ngài trong cuộc đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tuyên xưng Ngài là viên ngọc quý nhất của đời con. Mọi thứ khác chỉ là ngọc quý thứ hai, đứng sau Ngài. Vì thế, con sẵn lòng và vui mừng “bán tất cả những gì mình có” để có được Chúa, có được Nước Trời cao quý của Chúa. Amen.
(5 phút Lời Chúa)

VUI MNG BÁN TT C (30.7.2017 – Chúa nht 17 Thường niên, Năm A)
Ch ai thy được nhng thc ti vô hình và ngây ngt trước giá tr ca chúng, người y mi hn nhiên và vui tươi đánh đi tt c kho báu phù phiếm ca đi này đ ly kho báu bt dit trên tri.


Suy nim:
Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ may mắn.
Người nông dân nghèo phải làm thuê cho điền chủ
tình cờ gặp được kho báu chôn trong ruộng.
Người buôn ngọc tình cờ gặp được viên ngọc tuyệt vời,
có giá trị lớn lao mà người bán không hề biết.
Sau đó phản ứng của cả hai rất giống nhau:
ra đi, bán tất cả những gì mình có và mua...
Không thấy có dấu vết của sự nuối tiếc
hay ngần ngại giằng co.
Tất cả diễn ra thật nhanh
và tràn ngập niềm vui thanh thản.
Ai cũng rõ họ hạnh phúc biết chừng nào
khi chiếm được kho báu và viên ngọc.
Cuộc đời họ chuyển sang một giai đoạn mới.
Thái độ của hai người trên được coi là bình thường.
Ở địa vị ta, ta cũng làm như thế.
Kho báu và viên ngọc là những thứ thấy được,
có giá trị hiển nhiên và hết sức hấp dẫn.
Chúng hứa hẹn một sự giàu sang mà ai cũng thèm thuồng,
nên người ta dễ bán tất cả để mua được chúng.
Bị ảnh hưởng bởi não trạng hưởng thụ vật chất,
chúng ta thường coi kho báu duy nhất ở đời này
là tiền bạc, quyền uy và khoái lạc.
Khi nói Nước Trời là kho báu bền vững,
Ðức Giêsu là viên ngọc quý đích thực,
chúng ta lại thấy đó là cái gì mơ hồ,
xa xôi, ít lôi cuốn, thậm chí không có thật.
Chính vì thế chúng ta thường ngần ngại khi từ bỏ,
dè sẻ, nuối tiếc khi phải hy sinh cho Chúa.
Vậy vấn đề là khả năng thấy, nhờ lòng tin.
Bản thân tôi có thấy Ðức Giêsu là viên ngọc quý,
và Nước Trời là kho báu không?
Chỉ ai thấy được những thực tại vô hình
và ngây ngất trước giá trị của chúng,
người ấy mới hồn nhiên và vui tươi
đánh đổi tất cả kho báu phù phiếm của đời này
để lấy kho báu bất diệt trên trời (x.Mt 6,20).
Có khi tình cờ, qua một biến cố, một người bạn,
qua một cuốn sách, một đoạn Lời Chúa, một kỳ tĩnh tâm,
tôi chợt gặp Ðức Giêsu như viên ngọc ngời sáng,
hấp dẫn, mời gọi tôi bay lên khỏi cái tôi tầm thường:
tôi có dám bán nỗi đam mê ích kỷ của mình
để mua lấy tình bạn với Ngài không?
Nếu ta còn ngần ngại khi phải bán đi tất cả
thì chỉ vì ta chưa thấy.
Nhưng nếu ta cứ can đảm bán đi,
ắt ta sẽ thấy.
Niềm vui chỉ đến với người dám bán tất cả.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG BẢY
Sự Dữ Có Nhiều Bộ Mặt
Trước hết chúng ta phải hiểu mình muốn nhắm đến điều gì trong ý niệm “sự dữ” và “đau khổ”. Nó mặc lấy rất nhiều hình thức. Chẳng hạn, người ta thường phân biệt giữa ý nghĩa thể lý và ý nghĩa luân lý. Sự dữ luân lý được phân biệt với sự dữ thể lý chủ yếu ở sự kiện rằng nó có bao hàm tội lỗi, vì nó tùy thuộc vào ý chí tự do của con người.
Sự dữ luân lý phân biệt với sự dữ thể lý bởi vì sự dữ thể lý không thiết yếu và không trực tiếp liên quan đến ý chí của con người. Nói vậy không có nghĩa rằng sự dữ thể lý không thể bị gây ra bởi con người hay không thể là hậu quả của tội lỗi con người. Thực tế, rất nhiều sự dữ thể lý do chính con người gây ra. Đôi khi sự dữ thể lý xảy ra do sự ngu muội hay bất cẩn của con người, nhiều trường hợp khác nó xảy ra một cách gián tiếp do sự cẩu thả hoặc do những hành động trực tiếp tác hại.
Nhưng chúng ta biết rằng trên thế giới có nhiều nguyên nhân của sự dữ thể lý xem ra không liên can gì đến con người. Chẳng hạn, ta có thể nghĩ đến các vụ thiên tai hay những trường hợp rối loạn tâm thần không do con người gây ra.
Đối diện với những vấn nạn ấy, chúng ta cảm thấy – như Gióp – rằng thật khó đưa ra câu trả lời. Chúng ta tìm kiếm câu trả lời không ở nơi chính mình, nhưng phải khiêm tốn và tín nhiệm để tìm nơi Lời Chúa. Trong Cựu Ước, chúng ta gặp thấy một tuyên bố trứ danh và rất hàm súc: “Từ chân trời này, đức khôn ngoan vươn mạnh tới chân trời kia, cai quản mọi loài thật tốt đẹp” (Kn 7,30; 8,1).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II




Gương Thánh Nhân
30 Tháng Bảy

Thánh Phêrô Chrysologus
(406-450?)


Thánh Phêrô Chrysologus sinh ở Imola, nước Ý, ngài được rửa tội, được giáo dục và chịu chức phó tế bởi Ðức Cornelius, là Giám Mục của Imola.

Thánh Phêrô có biệt danh là "Chrysologus" (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại hạng của ngài. Vào năm 433, Ðức Giáo Hoàng Sixtus III tấn phong ngài làm giám mục của Ravenna. Ngài thi hành nhiều công việc bác ái về thể xác cũng như tinh thần, và chăn dắt đàn chiên với sự cần cù và thận trọng.

Ngài tẩy sạch mọi vết tích của việc sùng bái ngẫu tượng cũng như các lạm dụng khác được phát sinh trong giáo đoàn, ngài cũng cảnh giác họ về việc khiêu vũ thiếu đứng đắn. Ngài nhận xét, "Ai muốn đùa giỡn với ma quỷ thì không thể hoan hỉ với Ðức Kitô."

Thánh Phêrô Chrysologus từ trần ở Imola năm 450, và năm 1729 ngài được đặt làm Tiến Sĩ Hội Thánh vì các bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài hiện còn lưu truyền đến ngày nay.

Lời Bàn

Chắc chắn rằng thái độ của Thánh Phêrô Chrysologus đối với việc học đã đem lại cho ngài tài hùng biện. Theo quan điểm của thánh nhân, ngoài việc trau dồi đức tính, việc học hỏi là sự thăng tiến lớn lao cho trí óc con người và giúp hỗ trợ tôn giáo. Sự ngu dốt không phải là một đức tính, và cũng không giúp gì cho trí óc. Kiến thức là nguồn hãnh diện không khác gì khả năng của thể xác, về hành chánh hay tài chánh. Là một con người đích thực thì phải phát triển kiến thức -- dù kiến thức đạo hay đời -- theo khả năng và cơ hội của mỗi người.

Lời Trích

Eutyches, người lãnh đạo lạc giáo từ chối nhân tính của Ðức Kitô, sau khi bị Giáo Hội kết án, ông tìm sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, trong đó có Thánh Phêrô Chrysologus. Thánh nhân thành thật nói với ông ta: "Vì lợi ích cho đức tin và sự bình an, chúng ta không thể phán xét vấn đề mà không có sự đồng ý của vị giám mục Rôma." Ngài thúc giục Eutyches hãy đơn sơ chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể và ngài nhắc cho ông biết rằng, nếu sự bình an trong Giáo Hội khiến thiên đàng vui mừng thì sự chia cắt chắc chắn sẽ đem đến lo buồn.


Trích từ NguoiTinHuu.com

30 Tháng Bảy

Người Tử Tù

Tại một nhà tù nọ, có một người đàn ông bị kết án tử hình. Nhưng người ta thấy anh không hề tỏ ra nao núng, trái lại lúc nào cũng vui tươi ca hát.

Ngày nọ, các quản giáo bắt gặp anh đang chơi tây ban cầm trong sân chơi của trại tù. Ðám đông bu quanh anh, lúc đầu còn nhút nhát, về sau mọi người cùng hát theo tiếng đàn của anh. Thấy thế, ban giám đốc nhà tù mới ra lệnh không cho anh được chơi đàn nữa.

Nhưng ngày hôm sau, tù nhân đã có bản án tử hình ấy vẫn tiếp tục ra sân chơi và đàn ca như mọi ngày. Ðám đông tù nhân cũng tuôn đến ca hát với anh. Không chịu nổi nữa, những người canh tù sấn đến túm lấy anh và chặt đứt những ngón tay của anh. Họ nghĩ rồi đây anh sẽ không còn chơi đàn được nữa và như vậy đám đông cũng không còn tụ tập được nữa. Nhưng ngày hôm sau, cũng người tử tội ấy, cũng đám đông ấy tụ tập lại trong sân tù và với đôi tay cụt, anh vẫn có thể đàn được những điệu nhạc càng thảm thiết hơn. Lần này, những tên canh tù lôi anh đi và đập nát chiếc đàn.

Ngày hôm sau, con người đáng thương ấy cũng trở lại sân chơi và cất tiếng hát vang. Tiếng hát ca của anh dặt dìu, tha thiết và mời gọi đến nỗi đám đông cũng kéo đến hòa cùng tiếng hát với anh. Lần này, những tên canh tù mới đưa anh đi và họ cắt lưỡi anh. Họ nghĩ rằng tiếng đàn đã bị dập tắt, tiếng ca cũng sẽ bị tắt lịm và như vậy, không còn ai sẽ tụ tập trong sân nữa.

Nhưng trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngày hôm sau, người tử tội vẫn trở lại sân chơi. Lần này, anh không đàn, không hát, nhưng nhảy múa theo một điệu nhạc câm mà chỉ mình anh mới có thể nghe được. Không mấy chốc, đám đông tù nhân kéo đến và họ nhảy múa xung quanh con người khốn khổ ấy.

Câu chuyện trên đây nhắc chúng ta nhớ đến một vũ công Ấn Ðộ tên là Sudha Chandran. Chính lúc cô đạt đến tuyệt đỉnh của danh vọng cũng là lúc bàn chân phải của cô phải bị cưa. Nhưng người vũ công đầy ý chí này đã không bỏ cuộc... Sau khi bình phục, cô đã ráp chân giả và luyện tập cho đến khi nhuần nhuyễn trở lại như trước. Khi được hỏi: "Làm thế nào để có thể nhảy múa bình thường trở lại?". Cô trả lời: "Chúng ta không nhất thiết cần có chân mới có thể nhảy múa được".

Thiên Chúa không ban cho chúng ta một số lượng nén bạc đồng đều. Kẻ được năm nén, người được hai nén, kẻ chỉ được một nén... Một nén đó có thể là một nén của nghèo nàn, bất hạnh, rủi ro, mất mát. Nhưng trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, nén bạc vẫn có thể sinh lời được những hoa trái của yêu thương, của tin tưởng, của lạc quan vui sống...

Chúng ta không nhất thiết cần có đôi chân mới nhảy múa được. Chúng ta có thể nhảy múa với tâm hồn phấn khởi, chúng ta có thể ca hát với lòng tin yêu, vui sống..

Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Chúa. Dù tù đày, dù bệnh tật, dù khốn khổ đến đâu, nếu chúng ta có lòng mến, thì cuộc sống trơ trụi, nghèo hèn của chúng ta vẫn luôn là bài ca chúc tụng, tri ân dâng lên Chúa.

Lẽ Sống



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét