Trang

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Giải đáp phụng vụ: Có thể dùng các lời nguyện trong Sách Nghi thức Rôma năm 1962 cho nghi thức Đính hôn không?

Giải đáp phụng vụ: Có thể dùng các lời nguyện trong Sách Nghi thức Rôma năm 1962 cho nghi thức Đính hôn không?
Nguyễn Trọng Đa7/25/2017



Giải đáp phụng vụ: Có thể dùng các lời nguyện trong Sách Nghi thức Rôma năm 1962 cho nghi thức Đính hôn không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con sẽ đính hôn để kết hôn, và đã khám phá nghi thức đính hôn, do cha Philip Weller đưa vào trong bản dịch Anh ngữ của ngài cho cuốn Nghi thức Rôma (1962). Người bạn của con và con thích dùng nghi thức này, vốn chứa các lời nguyện tuyệt vời, và có nghi thức làm phép nhẫn đính hôn cảm động nữa. Liệu một linh mục có được phép sử dụng nghi thức ấy không? Liệu nó đã bị xóa bỏ bởi “Nghi thức chúc phúc đôi đính hôn”, vốn được tìm thấy trong Sách các Phép gần đây không, thưa cha? - E. L., Allentown, Pennsylvania, Hoa Kỳ.


Đáp: Về khả năng sử dụng các công thức này, tôi nghĩ rằng một câu trả lời đầu tiên có thể được tìm thấy trong huấn thị Universae Ecclesiae (ngày 30-4-2011) của Ủy ban Tòa Thánh “Ecclesia Dei” (Giáo Hội của Thiên Chúa) "về việc áp dụng Tông thư dưới dạng Tự sắc Summorum Pontificum (Các Vị Giáo hoàng) của ĐTC Biển Đức XVI". Huấn thị làm rõ các quy tắc về điểm này. Xin mời đọc:

"Kỷ luật phụng vụ và kỷ luật Giáo Hội

24. Các sách phụng vụ của hình thức ngoại thường (forma extraordinaria) sẽ được sử dụng là chúng viết sao thì làm vậy. Bất cứ linh mục nào muốn cử hành Thánh lễ theo hình thức ngoại thường của nghi lễ Roma phải biết các chữ đỏ ghi sẵn, và tuân theo chúng cách trung thành trong cả buổi lễ.

"35. Theo đoạn 28 của Huấn thị này và không ảnh hưởng đến những gì được quy định bởi đoạn 31, việc sử dụng Sách Nghi thức phong chức (Pontificale Romanum) và sách Nghi thức Rôma (Rituale Romanum), cũng như sách Nghi thức của Giám mục (Caeremoniale Episcoporum) có hiệu lực vào năm 1962, được cho phép".

Số 31 (“Chỉ có các Tu hội đời sống thánh hiến và các Tu đoàn đời sống tông đồ, vốn tùy thuộc vào Ủy ban Tòa thánh Ecclesia Dei, và các Tu đoàn mà trong đó vẫn duy trì việc sử dụng sách phụng vụ theo hình thức ngoại thường, mới có thể sử dụng sách Nghi thức phong chức Rôma có hiệu lực vào năm 1962, để ban các chức nhỏ và chức lớn”) đề cập đến các chức thánh, nên không liên quan đến cuộc thảo luận của chúng ta ở đây.

Vì vậy, như một nguyên tắc chung, chúng tôi có thể trả lời là có, nghĩa là các lời nguyện từ Sách Nghi thức Rôma năm 1962 có thể được sử dụng.

Tuy nhiên, có hai cảnh báo cần nói về các bản văn của Cha Weller. Trước hết, chúng ta phải nhớ rằng nỗ lực của ngài là một bản dịch riêng, chứ không là một bản văn chính thức. Các bản văn chính thức của các nghi thức đã được dịch, đã là và vẫn là bằng tiếng Latinh, mặc dù cả ĐTC Piô XII và Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã chấp nhận việc sử dụng hạn chế ngôn ngữ địa phương trong một số nghi thức. Cha Weller đã cung cấp bản dịch của ngài trước tiên để giúp dạy giáo lý cho tín hữu. Do đó, phần giới thiệu cuốn sách của ngài khẳng định:

"Một lời giới thiệu được đưa ra cho các phần khác nhau, và các bài bình luận ngắn trong các nghi thức thực tế, cả hai đều nhằm giúp cho các linh mục trong việc giải thích các nghi thức thánh, khi chúng được cử hành, cũng như tài liệu cho việc dạy giáo lý và soạn bài giảng".

Ngoài ra, trong ấn bản năm 1964 của cuốn sách này, ngay sau khi Công đồng chung Vatican II công bố Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, cha đã viết trong phần giới thiệu:

"Bởi vì "Hiến chế về Phụng vụ Thánh” (35.3) chỉ đạo các linh mục ‘phải dùng mọi cách để dạy các bài giáo lý gắn liền với Phụng vụ hơn’, tôi đã cung cấp các giới thiệu cho các phần chính và một số bình luận trong các nghi thức. Đây chỉ thuần túy là các gợi ý, mà theo đó linh mục có thể dựa bất cứ bình luận nào cha cho là phù hợp. Sự cung cấp này cũng được thực hiện cho sự tham gia bằng việc đọc của cộng đoàn càng nhiều càng tốt, cho phù hợp với 'Hiến chế'".

Cũng cần phải nêu ra rằng, mặc dù Cha Weller đưa nghi thức Đính hôn vào bản dịch Anh ngữ cho cuốn Nghi thức Rôma, nhưng nó thực sự không là một phần của chính cuốn Nghi thức Rôma năm 1962, vốn không có nghi thức chính thức cho Đính hôn. Tuy nhiên, cha đã không sáng tạo ra nghi thức ấy, và nó đã được sử dụng ở một số nơi trong một thời gian nào đó. Do đó Bách khoa toàn thư Công Giáo năm 1906 (1906 Catholic Encyclopedia) giải thích:

"Đính hôn chính thức không phải là tập quán ở Hoa Kỳ hay ở các nước nói tiếng Anh nói chung, như nó là tập quán trong một số quốc gia, nơi đó nghi thức này đôi khi là long trọng (trước mặt các nhân chứng Giáo Hội) và đôi khi là riêng tư (được làm ở nhà, trước mặt gia đình hoặc bạn bè làm nhân chứng). Nơi các nước nói tiếng Anh, nghi thức đính hôn, nếu diễn ra, nói chung là không có sự có mặt của một bên thứ ba. Tại Tây Ban Nha (S.C.C., ngày 31-1-1880; ngày 11-4-1891) và tại Nam Mỹ (Acta et Decreta Conc. Pl. Amer Lat., trg. 259, trong ghi chú 1), một khế ước đính hôn được Giáo Hội xem là không hợp lệ, trừ khi các văn bản viết tay được chuyển giao giữa các bên ký kết hợp đồng. Sự thực hành này cũng có ở các nước khác, nhưng việc tuân thủ nó là không cần thiết để xác nhận hợp đồng”.

Theo Giáo luật có hiệu lực vào thời điểm đó, các cuộc đính hôn được xem như là các hợp đồng song phương hoặc đơn phương, tùy theo hợp đồng được cả hai bên đồng ý, hoặc được một bên soạn thảo và bên kia chấp nhận ( Bộ Giáo luật 1917, điều 1017, # 1). Đính hôn chính thức tạo ra một số trở ngại nhất định đối với hôn nhân, và ở một số quốc gia, chúng cũng có thể có các hiệu quả dân sự và gây ra các trường hợp "vi phạm lời hứa", nếu một sự đính hôn tan vỡ. Các luật như thế đã bị bãi bỏ ở hầu hết các quốc gia, mặc dù ở một số nơi, chúng chỉ bị xóa khỏi các sách quy chế vào khoảng năm 2010.

Giáo luật hiện hành (Điều 1062) không tạo sức mạnh như thế cho cuộc đính hôn, và cuộc đính hôn được xem như một lời hứa chính thức nhưng không thành luật. Quy định này được dành sự xem xét cho các Hội Đồng Giám Mục, vốn sau khi thấy rằng cuộc đính hôn đã mất mọi hiệu quả dân sự trong thực tế ở hấu hết các nước phương Tây, thường chọn là không qui định gì cho vấn đề này.

Các chuyên viên Giáo luật ở các nước nói tiếng Anh, viết vào thời điểm sách của cha Weller được xuất bản, đã khẳng định và thậm chí đề nghị sử dụng bản dịch của cha, chính xác bởi vì nó đụng đến một lĩnh vực, vốn không được bao gồm trong các nghi thức chính thức, và có thể là hữu ích để tạo ra sự ổn định cho một cuộc hôn nhân tương lai, trong một số hoàn cảnh nhất định.

Do đó, trong khi người ta xem xét các sự khác biệt Giáo luật này, và thấy rằng sách ấy, trong một nghĩa chính thức, là không phải một bản văn phụng vụ chính thức, nghi thức vẫn có thể được sử dụng như là cái gì đó hữu ích về mặt tinh thần cho một đôi lứa, khi họ dự định đi vào cuộc hôn nhân thánh, và muốn làm cho ý định của họ trở nên công khai trong một bối cảnh Giáo Hội.

Tuy nhiên, mục tiêu tâm linh này cũng có thể được hoàn tất bằng cách sử dụng “Nghi thức chúc phúc đôi đính hôn” trong Sách các Phép, vốn cũng là hài hòa hơn với nghi thức hôn nhân hiện tại, và với các hiệu quả giáo luật của việc đính hôn.

Tôi muốn nói rằng, do sự giống nhau của các nghi thức, việc sử dụng bản dịch của Cha Weller sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho các người dự định kết hôn, theo hình thức ngoại thường. (Zenit.org 25-7-2017)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét