01/10/2017
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN – A
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
(phần I)
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Bài đọc I: Cv 1,12-14:
“Họ kiên trì cầu nguyện cùng Bà Maria, Mẹ Chúa Giêsu”.
Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ xuống khỏi núi gọi là Núi Cây Dầu
mà trở về Giêrusalem, núi này ở gần Giêrusalem, bằng quãng đường được đi trong
này sabát. Và khi đã trở vào thành, các ông lên lầu gác, nơi Phêrô và Gioan,
Giacôbê và Anrê, Philípphê và Tôma, Batôlômêô và Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê
và Simon Giêlôtê, và Giuđa con ông Giacôbê, trú ngụ. Mọi người đều đồng tâm
kiên trì cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, và Bà Maria Mẹ Chúa Giêsu với
các anh em Người.
Đáp ca: 1 Sm 2,1.4-5.6-7.8
Đáp: Tâm hồn tôi nhảy
mừng trong Chúa, Đấng Cứu độ tôi (c. 1a).
1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong
Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa
cứu độ tôi.
2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được
mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát
khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải
héo tàn.
3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa
dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng
lên cao.
4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc
kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi
báu vinh quang.
Bài đọc II: Gl 4,4-7:
“Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ”
Anh em thân mến,
Khi đã tới lúc thời gian đầy đủ, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi
người phụ nữ, sinh dưới chế độ Lề Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ
Lề Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con,
Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng:
“Abba”, nghĩa là Lạy Cha. Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con,
mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa
Alleluia: Lc 1,28
All. All. - Kính chào Trinh Nữ Maria đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng
Trinh Nữ, Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - All.
Bài Tin Mừng: Lc 1,26-38:
“Này Trinh nữ sẽ
thụ thai và sinh một Con trai”.
Khi ấy, Thiên thần Gapriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên
là Nazareth, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc
chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng:
“Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các
người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ
thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi
là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người.
Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng
Maria thưa với Thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến
người nam?”. Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối
Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Đấng Bà sinh ra, sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con
Thiên Chúa. Và này, Eliasabeth chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi
già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì
không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ
Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên thần cáo biệt Bà.
Suy niệm :
“Hỡi Maria, xin đừng sợ, vì Bà được đầy ơn phước trước Thiên Chúa, Bà sẽ
cưu mang và sinh hạ một con trai và đặt tên trẻ ấy là Giêsu” (Lc 1,30-31).
Thời gian viên mãn đã
đến, người trinh Nữ mà dấu chỉ của lời loan báo trước đây đã được thực hiện một
cách sáng tỏ. Đó là Đức Maria, Đấng làm tâm hồn chúng ta tràn đầy tin tưởng và
niềm vui, cùng thiên thần Gabriel, chúng ta cất lên lời chào: “Kính Mừng Maria,
Hãy Vui Lên”.
Qua lời chào và mời gọi
của Thiên Chúa: “Hỡi Maria, hãy vui lên”, vì thời giờ thực hiện lời hứa đã đến.
Như vậy, làm sao Mẹ Maria không vui lên được khi biết chính mình đã được chọn để
thực hiện lời Chúa hứa, làm dấu chỉ loan báo hòa bình sắp đến. Mỗi lần chúng ta
chào Mẹ qua Kinh Kính Mừng, thì chính khi ấy chúng ta được tham gia vào niềm
tri ân và niềm vui của Mẹ đối với Thiên Chúa.
“Mẹ là Đấng Đầy Ơn Phước”,
vì chính Mẹ được Thiên Chúa chúc phúc, Mẹ hoàn toàn thuộc về tôi tớ Giavê, như
được loan báo nơi sách tiên tri Isaia: “Đây là tôi tớ Ta, Đấng Ta tuyển chọn,
Người đẹp lòng Ta mọi đàng” (Is 42,1). Mẹ được đầy ơn phúc vì Đấng sắp ngự đến
nơi Mẹ là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Mẹ Maria là người được đầy tràn niềm vui,
vì Mẹ đã được Thiên Chúa cho nếm trước niềm vui là Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể
trong lòng Mẹ. Nhờ Thiên Chúa mạc khải, Mẹ Maria hiểu được sứ mệnh của Mẹ như
là dấu chỉ của niềm hy vọng, dấu chỉ Thiên Chúa chu toàn lời hứa của Ngài cho
dân Israel. Suốt đời Mẹ là bài ca trung thành của Thiên Chúa, như Mẹ đã thốt
lên nơi nhà ông Zacaria: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Ngài đã trung tín với lời
hứa cho Abraham và con cháu ông”.
“Thiên Chúa ở cùng
Bà”. Đó là lời Mẹ đã từng suy niệm, khi tiên tri Isaia loan báo trước về biến cố
cứu rỗi sắp đến. Vì vậy, những lời Thiên Chúa ở cùng Bà”. Giây phút quan trọng
nhất của lịch sử đã đến, đó là lúc Maria được hay tin Đấng là: “Emmanuel: Thiên
Chúa ở cùng chúng ta”. Mẹ vui mừng vì chính Đấng được gọi là Emmanuel: Thiên
Chúa ở cùng chúng ta, ở trong chính cung lòng Mẹ. Chúng ta hiệp với Mẹ trong niềm
vui mừng và cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã đến ở với nhân loại.
“Hỡi Maria đừng sợ”.
Kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính mình không khỏi làm cho con
người run sợ, không những Mẹ cảm nghiệm, nhưng Mẹ còn được mạc khải cho biết giờ
đây lời hứa thành sự thật nơi Mẹ. Đây là một điều mà không bao giờ Mẹ dám nghĩ
đến. Nhưng Thiên Chúa đã mạc khải chính những ý định của Ngài cho Mẹ. Vì thế, Mẹ
rất vui mừng, nhưng niềm vui mừng ấy đi kèm với niềm run sợ, một sự run sợ
thánh.
Kinh nghiệm sống đời
Kitô của chúng ta cũng có hai tâm tình này như Mẹ Maria: “Vui và Sợ”. Mẹ Maria
nhờ ơn Chúa giúp để thắng vượt cái sợ và Mẹ đã phó thác tin tưởng hoàn toàn
trong Ngài. Xin Mẹ giúp chúng ta tham dự vào niềm vui của Mẹ, được trở thành dấu
chỉ thực hiện ơn cứu rỗi của Ngài nơi anh chị em xung quanh.
Lạy Cha là Chúa trời đất,
chúng con chúc tụng Cha, vì Cha đã không mạc khải những mầu nhiệm cao cả ấy cho
kẻ khôn ngoan kiêu ngạo, nhưng Cha đã mạc khải cho những kẻ bé mọn và khiêm tốn.
Cha đã chọn Đức Maria để thực hiện lời hứa cứu rỗi chúng con, nhờ lời cầu khẩn
của Đức Maira và nhân danh Đấng Emmanuel là Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Chúa ở
cùng chúng con, xin cho chúng con nhận ra sự hiện của Người và tiếp rước Người
đến ở với chúng con.
Lạy Mẹ Maria, chúng
con Kính Mừng Mẹ, Đấng “Đầy Ơn Phước”, Mẹ đã lãnh nhận mọi ơn lành của Thiên
Chúa để giúp chúng con chu toàn thánh ý Chúa. Thiên Chúa ở cùng Mẹ để Thiên
Chúa ở cùng với chúng con, chúng con sẽ cảm nhận được điều này như Mẹ nếu chúng
con biết sống trung thành với ơn gọi làm con cái Thiên Chúa.
Xin Mẹ cầu bầu cho
chúng con được luôn sống trong niềm vui như Mẹ, đó là luôn có Chúa hiện diện
bên cạnh trong cuộc sống hằng ngày của chúng con. Amen
(Trích trong ‘Sống Tin
Mừng’ – Radio Veritas Asia)
Chúa Nhật 26 Quanh
Năm Năm A
Bài Ðọc I: Ed 18, 25-28
"Nếu kẻ gian
ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, nó sẽ được sống".
Trích sách Tiên tri
Êdêkiel.
Ðây Chúa phán:
"Các ngươi đã nói rằng: "Ðường lối của Chúa không chính trực". Vậy
hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái
lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ
công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết.
Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ
được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không
phải chết".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5.
6-7. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Chúa (c.
6a).
Xướng: 1) Lạy Chúa,
xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng
dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, và con
luôn luôn cậy trông vào Chúa. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, xin hãy
nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin đừng nhớ
lỗi lầm khi con còn trẻ và tội ác, nhưng hãy nhớ con theo lòng thương xót của
Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.
3) Chúa nhân hậu và
công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho con nhận biết đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ
khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. -
Ðáp.
Bài Ðọc II: Pl 2, 1-5 {hoặc 1-11}
"Anh em hãy cảm
nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, nếu
có sự an ủi nào trong Ðức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự
hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm
cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng
chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh
tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt
trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy
nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có
trong Ðức Giêsu Kitô.
{Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải
dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà
nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề
ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết
trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh
hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất
và trong hoả ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức
Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.}
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! -
Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và
Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 21, 28-32
"Nó hối hận và
đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các
ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao?
Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: "Này con,
hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!" Nó thưa lại rằng: "Con
không đi". Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và
cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: "Thưa cha, vâng, con đi". Nhưng
nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp:
"Người con thứ nhất". Chúa Giêsu bảo họ: "Tôi bảo thật các ông,
những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan
đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những
người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó,
các ông cũng không hối hận mà tin ngài".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ăn Năn Thống Hối
Ai là người con thứ nhất
theo bài Tin Mừng hôm nay? Và ai là người con thứ hai? Phải chăng ở đây chỉ có
ý nói đến các Biệt phái và Luật sĩ ở thời Chúa Yêsu? Hay là Lời Chúa vẫn còn có
giá trị cho chúng ta đang sống ở thời này? Ðể giúp suy nghĩ đúng về các lời
trong bài Tin Mừng này, chúng ta theo Phụng vụ sẽ đọc lại cả hai bài Kinh Thánh
kia, là bài sách Êzêkiel và bài thư Phaolô.
A. Mọi Người Ðều Phải
Trở Lại
Thoạt đầu, chúng ta có
thể nghĩ bài sách Êzêkiel rất đơn sơ: kẻ công chính mà bỏ đường công chính để
phạm tội cũng sẽ phải chết, còn kẻ ác nhân biết bỏ điều ác đã làm để thi hành
công chính thì sẽ được sống. Chân lý ấy không có gì khó hiểu. Ðó là chuyện thường
tình. Nhưng được viết trong Kinh Thánh và trở nên những lời Kinh Thánh, những
câu khẳng định kia không còn đơn giản như người ta có thể nghĩ.
Trước hết, trên khắp
thửa đất Israel bấy giờ người ta vẫn bô bô câu cách ngôn này: "Cha ăn nho
xanh, con sẽ ghê răng", nghĩa là tội lỗi của cha mẹ sẽ để hậu quả lại cho
con cái. Và trong xã hội thời xưa, nhiều khi người ta phạt tội cha cho tới đời
con và đời cháu. Không biết còn có xã hội loài người nào hiện nay cư xử như thế
nữa không? Dù sao sự kiện ấy cũng cho chúng ta thấy rằng ở thời Êzêkiel không dễ
gì có thể đưa ra một châm ngôn khác để quyết rằng mạng nào có tội mạng ấy phải
chết, và ai nấy đều có trách nhiệm về hành động của mình. Nói đúng ra, bấy giờ
người ta để ý đến trách nhiệm của tập thể quá đến nỗi hầu như không còn nói đến
trách nhiệm của cá nhân.
Nhất là nơi dân
Dothái. Ý thức tập thể ngay từ đầu đã quá mạnh. Người dân không thấy rõ trách
nhiệm của mình. Ngay cả khi các ngôn sứ kêu gọi ăn năn thống hối, người ta dường
như cũng cứ chờ đợi cả xã hội cải tạo đời sống chứ từng cá nhân cảm thấy bất lực
trước vận mạng của dân tộc mình. Nhưng với những lời như bài nói hôm nay, ông
kêu gọi mọi người phải nỗ lực. Người đang công chính phải cố gắng giữ vững đường
lối và tiếp tục thi hành công chính. Kẻ gian ác hãy tỉnh ngộ, canh tân đổi mới
đời sống để khỏi bị án phạt. Ðó là điều ông nhắm, là giáo huấn lúc này của ông
vì ông thấy nếu mọi người không ý thức trách nhiệm của mình, thì làm sao có thể
cầm giữ lại được con đường sa đọa mà Dân Chúa đang đi vào.
Như vậy bảo rằng ông
rao giảng một giáo lý mới, khác hẳn truyền thống xưa nay, thiết tưởng cũng
không đúng. Ông khuyến khích người ta ý thức phần trách nhiệm cá nhân của mình
để mọi người nỗ lực sống thánh thiện hơn chứ không phải ông phủ nhận hoàn toàn
trách nhiệm giữa loài người với nhau. Sống trong xã hội mà mọi người đang có ý
thức mạnh về điều mà người ta thường nói: đồng hội đồng thuyền, Êzêkiel nói mạnh
đến trách nhiệm cá nhân và tự do của mỗi người để mọi người đều cố gắng hầu cứu
vãn "hội" và "thuyền" đang chở mình đi trong giòng lịch sử.
Sở dĩ chúng ta cần nói
như vậy để tránh xa cảm giác cho rằng vấn đề tôn giáo là chuyện cá nhân; đạo đức
là vấn đề của mỗi người, việc lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục chỉ tùy thiện
chí của mỗi người. Không, ngay từ đầu Thiên Chúa đã sáng tạo một nhân loại liên
đới mật thiết với nhau, cả trong sự tội cũng như trong ơn cứu độ. Một Ađam đã
sa ngã khiến hệ lụy còn đè nặng trên con cháu; nhưng một Ađam Mới đã đến mở đường
cứu độ cho hết mọi con người. Loài người liên đới mật thiết với nhau, nhưng
trong sự liên đới này mỗi người lại có tự do tuyệt đối và vì thế có trách nhiệm
cũng tuyệt đối luôn. Ở đây không thể nào đi sâu vào giải thích vấn đề nhiệm mầu
này. Nhưng cần phải nêu lên để chúng ta hiểu rõ giáo lý của Lời Chúa hôm nay.
Qua miệng Êzêkiel, Người kêu gọi mọi hạng người phải nỗ lực sống thánh thiện. Kẻ
công chính hãy cố gắng tiếp tục thi hành công chính, kẻ gian ác phải mau từ bỏ
tội lỗi và trở về đường ngay.
Và đó là đường lối của
Chúa. Người muốn cứu độ mọi người. Người muốn con người được sống và sống dồi
dào. Người không muốn kẻ công chính hư đi và chẳng muốn kẻ tội lỗi bị luận phạt.
Nơi Người chỉ có tình thương. Chỉ muốn hạnh phúc cho hết mọi người. Còn thật sự
con người sẽ được hạnh phúc hay không, là tùy ở chính họ có muốn hay không muốn
được hạnh phúc, vì làm sao có thể ép buộc ai hạnh phúc khi họ không muốn? Tuy
nhiên vì bản chất tốt lành của Người, vì tình yêu bao la của Người, Thiên Chúa
luôn đặt hạnh phúc ở tầm tay mọi người. Kẻ công chính hãy tiếp tục thi hành
công chính để khỏi mất hạnh phúc và kẻ tội lỗi hãy thật lòng trở lại để được hạnh
phúc.
Thế nên, nếu bảo
Êzêkiel là ngôn sứ về trách nhiệm cá nhân, thì cũng đừng quên trước hết phải
nói ông là tiên tri về tình yêu đằm thắm của Thiên Chúa (xem ch. 16). Chính
tình yêu sâu xa lênh láng này hôm nay dùng miệng Êzêkiel để kêu gọi mọi hạng
người trong Dân Chúa nỗ lực để được hạnh phúc. Lời ấy thiết tưởng không bao giờ
không thức thời. Và khi chúng ta đã ý thức như vậy, việc tìm hiểu bải Tin Mừng
hôm nay sẽ có giá trị thiết thực cho hết mọi người chúng ta.
B. Trở Lại Là Tin Vào
Chúa Yêsu
Thật vậy, nếu không ý
tứ chúng ta chỉ đọc bài Tin Mừng trong lịch sử mà thôi. Chúng ta thấy Chúa Yêsu
đang nói với các Thượng tế và hàng niên trưởng của dân Dothái lúc bấy giờ. Người
đưa ra một thí dụ về người con thứ nhất và người con thứ hai để trách họ không
biết hối hận về thái độ của họ đối với Yoan Tẩy giả và theo đó đối với Người.
Ðể hiểu rõ chúng ta
hãy xây dựng lại bối cảnh của bài Tin Mừng như sau: Hôm ấy, các Thượng tế và
Niên trưởng của Dân đến chất vấn Ðức Yêsu: "Quyền đâu mà ông làm các điều ấy?".
Họ có ý nói đến việc Chúa xua đuổi phường con buôn ra khỏi đền thờ. Ðáp lại,
Người cũng chất vấn họ một câu: "Thanh tẩy của Yoan từ đâu đến?". Trả
lời được câu hỏi này, tức khắc không cần trả lời câu trên nữa, vì nếu tin Yoan
cũng sẽ tin Người, bởi lẽ Yoan đã làm chứng về Người.
Các Thượng tế và Niên
trưởng lúng túng. Họ không dám trả lời. Vì nếu nói tin Yoan, họ phải tin Người;
còn nếu bảo không, họ sợ dân chúng phản đối vì ai ai cũng tin Yoan là sứ giả của
Thiên Chúa. Trước thái độ không dứt khoát như thế, Chúa Yêsu đã hành động, như
bài Tin Mừng hôm nay kể.
Người lấy thí dụ về
hai người con để ám chỉ. Kìa hạng thu thuế và đàng điếm trước kia không giữ Luật
pháp nay nghe lời Yoan, họ đang trở lại hối hận tội lỗi của mình. Còn các ông,
Thượng tế và Niên trưởng, cứ bảo mình giữ Luật Chúa thế mà chẳng ăn năn thống hối
gì theo lời rao giảng của Yoan, cho dù đã và đang thấy bao nhiêu người đang trở
lại. Ai là người con thứ nhất khó bảo và ai là người con thứ hai? Người ta cứ
tưởng người con thứ nhất khó bảo, còn đứa con thứ hai thường được thương hơn
nên dễ vâng lời hơn. Nhưng vâng lời đích thực không phải ở ngoài miệng, mà ở việc
làm. Hạng thu thuế và đàng điếm đang đến với Yoan để xin rửa: họ làm sự công
chính. Còn nhiều kẻ vỗ ngực tự xưng là giữ Luật pháp thì lại không làm gì cả!
Và cũng đừng tưởng họ
không làm gì. Hãy nghe Chúa Yêsu kể tiếp ví dụ về bọn tá điền. Khi chủ vườn nho
sai người đến hỏi huê lợi, chúng đã lần lượt bắt giết tất cả và cuối cùng đã giết
cả người con của chủ vườn sai đến nữa. Người báo trước, các Thượng tế và Niên
trưởng cũng sẽ xử với Người như vậy.
Lời Người có làm rung
động lòng họ không? Dù sao hôm nay Người cũng muốn nói với họ: nếu quả thật họ
là người công chính, họ hãy thi hành công chính đi. Này kìa tội nhân đang thống
hối ăn năn để đi vào Nước Trời, họ cũng hãy tin vào Con Thiên Chúa đã được sai
đến thu hoạch hoa quả đạo đức trong đời sống của mọi người.
Chắc chắn chúng ta
không giống họ. Chúng ta đã tin Chúa Yêsu Kitô. Nhưng đó có phải là đức tin có
việc làm hay không? Vì tin mà không làm thì có khác nào người con thứ hai trong
bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng làm gì?
C. Và Hãy Lo Cho Ðược
Ðồng Tâm Ý Hợp
Mở đầu bài thư hôm
nay, thánh Phaolô có giọng long trọng khác thường. Ðiều người sắp nói chắc phải
quan hệ. Nhưng cũng không phải là điều buồn. Ngược lại nó sẽ làm cho nỗi vui mừng
của người nên trọn. Tuy nhiên chúng ta cũng phải biết, đối với một Tông đồ như
thánh Phaolô, cái gì có thể làm cho người vui mừng và rất vui mừng, nếu nó
không làm cho giáo đoàn của người tốt đẹp hơn? Phải nói rằng chỉ có sự thăng tiến
và hạnh phúc của giáo đoàn mới làm cho tâm hồn người được thỏa mãn. Nhất là đối
với một giáo đoàn như giáo đoàn ở Philip. Thánh Phaolô rất cưng giáo đoàn này.
Và họ cũng rất chung thủy, thắm thiết với người. Thế nên điều làm cho thánh
Tông đồ vui mừng hoàn toàn đối với giáo đoàn này, chính là điều giáo đoàn này cần
phải làm cho họ được nên trọn lành và công chính hơn. Rồi đây xét cho cùng
chúng ta sẽ thấy đó cũng là điều cần thiết cho chúng ta hơn cả.
Vậy sau khi mở đầu bằng
những lời rất thắm thiết, thánh Phaolô khuyên bảo giáo đoàn Philip: Hãy lo cho
được đồng tâm ý hợp với nhau! Phải chăng vì họ đang chia rẽ lục đục? Dường như
không. Vì nếu có chắc chắn thánh Phaolô đã kể ra. Ðàng này chúng ta chỉ thấy
người nói đến những điều rất thường như đừng làm vì ganh tị, vì hư danh... đừng
chỉ dán mắt vào những điều sở đắc nơi mình, song cả vào những điều sở đắc của
người khác nữa. Không, thánh Tông đồ khuyên nhủ sự hiệp nhất không phải vì anh
em có những cái tiêu cực to lớn nào... nhưng có thể nói, vì đã tin vào Ðức Yêsu
Kitô, thì anh em "hãy có nơi mình tâm tư như đã có ở nơi Người". Vì
chúng ta đã đi theo Chúa Yêsu thì chúng ta phải bắt chước Người và sống như Người.
Thế mà một bản thánh
ca rất quen thuộc ở thời bấy giờ đã mô tả Ðức Yêsu Kitô như đoạn tiếp theo của
bài thư hôm nay. Thánh Phaolô có lẽ đã chép lại bản ấy và gửi cho giáo đoàn
Philip. Cũng có thể bấy giờ người đang ở trong tù, không có điều kiện để viết
nhiều, người đã bảo một ai ở ngoài chép lại, đính vào những lời mở đầu tâm huyết
trên đây. Bản thánh ca ấy ngày nay phụng vụ còn hát một cách đặc biệt trong tuần
lễ thánh, để mọi người thấm thía chân dung của Chúa Cứu thế:
"Ngài, phận là phận
một Vị Thiên Chúa...
song Ngài đã hủy mình
ra không,
lĩnh lấy thân phận tôi
đòi...
Ngài đã hạ mình thấp
hèn hơn nữa
trở thành vâng phục
cho đến chết
và chết trên thập giá.
Bởi vậy Thiên Chúa đã
siêu tôn Ngài
và ban cho Ngài Danh
hiệu...
hầu mọi miệng lưỡi phải
tuyên xưng:
Yêsu Kitô Là
Chúa"
Chúng ta phải khâm phục
tài đức của người xưa. Chúa Yêsu Kitô mới tử nạn-phục sinh có mấy chục năm, mà
thần học của Hội Thánh đã phát huy đầy đủ trong bộ áo văn chương nghệ thuật và
thi vị như thế! Ngày nay người ta khó viết hơn được như vậy. Mọi vẻ đẹp của Ðức
Yêsu Kitô đã được gói ghém trong mấy câu thơ này. Thiên tính của Người ngang
hàng với Thiên tính nơi Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên Người đã hủy mình ra không
khi mặc lấy thân phận con người là tôi đòi sánh với Thiên Chúa. Và Người đã đồng
hóa, giống hẳn người ta. Rồi hơn thế nữa, Người đã hạ mình thấp hèn, trở thành
vâng phục, không phải vâng phục bôi bác như con cái Israel nói Luật mà không
làm Luật, nhưng vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá.
Ðó là những phận vụ
công chính mà Ðức Yêsu Kitô đã làm. Người để gương lại cho chúng ta. Thánh
Phaolô khuyên người dân Philip hãy có những tâm tư như thế để đừng làm gì vì
ganh tị, vì hư danh; nhưng thật lòng khiêm nhường, coi kẻ khác trổi trang hơn
mình, hầu có thể đồng tâm ý hợp, làm nên cộng đoàn bác ái là bản chất của Hội
Thánh và là Nhiệm Thể của Ðức Yêsu Kitô.
Tuy nhiên nơi Người
không phải chỉ có mầu nhiệm vâng phục, song sau đó, đáp lại còn có hành động của
Thiên Chúa. Và ở đây bản thánh ca đã mượn lại nghi thức phong vương ngày xưa
nơi các triều đình để gợi lên những gì Thiên Chúa đã làm cho Ðức Yêsu Kitô.
Trước hết có nghi lễ
giới thiệu: Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài; rồi có nghi lễ phong tước: Thiên Chúa
ban cho Ngài Danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu; và sau cùng có sự hoan hô, chấp
nhận, tùng phục của hết mọi người: nên mọi gối đều phải quỳ xuống bái lạy và mọi
miệng lưỡi phải tuyên xưng: Yêsu Kitô là Chúa.
Chúng ta sung sướng vì
bản thánh ca này. Chúng ta hứa sẽ thuộc, sẽ hát để diễn tả đầy đủ mọi tâm tư đối
với Chúa Yêsu. Nhưng thánh Phaolô bảo chúng ta phải có những tâm tư ấy ở nơi
mình để chúng ta đồng tâm ý hợp-điều này tất nhiên sẽ đến-; nhưng nhất là để
chúng ta trở nên tốt hơn. Chúng ta sẽ đáp ứng lời kêu gọi của Thiên Chúa qua miệng
Êzêkiel khi người tuyên bố ai ai cũng phải nỗ lực tiến bộ hơn về mặt thánh thiện.
Và chúng ta sẽ vâng lời chính Ðức Yêsu theo như lời Người nói trong bài Tin Mừng
hôm nay là chúng ta phải đón nhận Người.
Chúng ta sẽ đón nhận
Người khi rước lễ. Nhưng để việc đón nhận này không phải chỉ là một cử chỉ bên
ngoài nhưng thật sự là ước muốn chân thật, chúng ta hãy mang vào trong mình những
tâm tư của Người mà thánh Phaolô đã dùng một bản thánh ca để gợi lên. Có như vậy
việc suy niệm Thánh Kinh và việc tham dự thánh lễ hôm nay mới chân thực; chúng
ta mới khá hơn và đời sống cộng đoàn mới có khả năng tiến bộ. Chúng ta cố gắng
làm như vậy!
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 26 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Eze
18:25-28; Phil 2:1-11; Mt 21:28-32.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
- Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hai điều:
(1) Nhìn vào bản thân
để xét mình: Một trong những tật xấu nhất của con người mà Bài đọc I và Phúc Âm
lên án hôm nay là thái độ kiêu ngạo, tự cho mình là công chính. Tật xấu này làm
cho con người xúc phạm đến Thiên Chúa và khinh thường tha nhân: Xúc phạm đến
Thiên Chúa vì chê đường lối của Thiên Chúa không công chính ngay thẳng vì Ngài
đối xử với người công chính ngang hàng như những người tội lỗi. Khinh thường
tha nhân là những người tội lỗi và không muốn cho họ có cơ hội ăn năn trở lại.
(2) Nhìn vào Thiên
Chúa: Tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa không phải là tiêu chuẩn và đường
lối của con người. Ngài không chỉ xét xử theo công bằng, nhưng còn theo lòng
thương xót. Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn họ ăn năn xám hối
và được sống.
- Đường lối nào ích lợi
cho con người hơn? Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta những cái nhìn chính xác về
2 đường lối này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúa mở lối cho tất cả mọi người
Những người tự cho
mình là công chính khó chịu khi thấy Chúa tỏ lòng thương xót cho những người tội
lỗi, họ than phiền: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng." Hay
khi thấy Thiên Chúa đối xử tốt với Dân Ngọai, họ ghen tị và phân bì: Tại sao
Thiên Chúa lại đối xử với người công chính ngang hàng với những tội nhân?
Thiên Chúa trả lời họ:
“Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới
không ngay thẳng?” Chương 18 của Tiên tri Êzêkiel liệt kê tất cả 4 trường hợp
có thể xảy ra:
(1) Những người công
chính luôn luôn thực hành điều chính trực sẽ sống. Có thể nói không ai trong
con người thuộc lọai người đầu tiên này, trừ Đức Mẹ.
(2) Những người công
chính từ bỏ lẽ công chính để làm điều bất chính sẽ chết.
(3) Những kẻ gian ác từ
bỏ điều dữ chúng đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh sẽ sống. Đa số
con người ở trong trường hơp này.
(4) Những kẻ gian ác
không chịu từ bỏ mọi tội phản nghịch chúng đã phạm sẽ chết.
Điều mà Bài đọc muốn
nhấn mạnh đến hôm nay là trường hợp thứ (3). Đây là một trong những chủ đề
chính của tiên tri Êzêkiel: “Thiên Chúa không muốn những kẻ gian ác phải chết,
nhưng muốn chúng ăn năn xám hối và được sống.” Nêu lên điều này tiên tri muốn
chứng minh: đường lối của Thiên Chúa rất khác với đường lối con người. Theo luật
công bằng của con người, hễ đã có tội là phải đền trả: mắt đền mắt, răng đền
răng, và mạng đền mạng. Án tử hình cho tội giết người trong quốc gia chúng ta
đang sống là một ví dụ điển hình.
2/ Bài đọc II: Duy trì sự hiệp nhất trong tinh thần khiêm nhường.
2.1/ Thánh Phaolô liệt kê
3 nhân đức cần thiết để xây dựng cộng đòan và 3 tật xấu cần tránh vì chúng phá
hủy cộng đòan.
- Ba đức tính cần có để
xây dựng cộng đòan theo đường lối của Thiên Chúa:
(1) Liên kết với Đức
Kitô: Qua BT Rửa Tội, chúng ta đều là những chi thể của một thân thể, và mọi
người đều có bổn phận giữ cho chi thể của Chúa Kitô tòan vẹn.
(2) Bác ái huynh đệ: Một
con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Một người anh em bị hư mất thân thể của Chúa
Kitô bớt tòan vẹn.
(3) Và hiệp thông
trong một Thánh Thần: Các ơn thánh lãnh nhận nơi cùng một Thánh Thần là để xây
dựng cộng đòan và bảo trì sự hiệp nhất trong cộng đòan.
Và thánh Phaolô khuyên
chúng ta: “Hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn,
cùng một ý hướng như nhau.”
- Ba tật xấu cần tránh
vì chúng phá hủy cộng đòan theo đường lối con người:
(1) Ghen tị: Khó chịu
khi thấy người khác hơn mình và tìm mọi dịp để hạ bệ người khác.
(2) Tìm hư danh: Làm đủ
mọi cách để được tiếng khen, ngay cả việc tự mình khen mình, và khó chịu khi
người khác được khen.
(3) Và tìm lợi ích
riêng: Luôn lo thu tích cho mình những lợi nhuận và không bao giờ chịu để ý đến
nhu cầu của người khác.
Và Thánh Phaolô khuyên
các tín hữu Philipphê: “Hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi
người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa
anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.”
2.2/ Để chống lại thái độ
kiêu ngạo của những người tự cho mình là công chính, thánh Phaolô nêu bật cho
chúng ta gương khiêm nhường và vâng lời của Đức Kitô: Sự hủy mình ra không (Kenosis) qua sự khiêm nhường và
vâng lời tuyệt đối của Con Thiên Chúa: Chỉ trong 6 câu ngắn ngủi, Thánh Phaolô
đã lột tả được trọn vẹn kế họach cứu độ của Thiên Chúa qua con đường đau khổ: Đức
Giêsu Kitô là Thiên Chúa, nhưng Ngài không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị
ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân
nô lệ, trở nên giống phàm nhân, và sống như người trần thế. Thánh Gioan Kim Khẩu
cho đây mới là sự khiêm nhường đích thực vì tuy Ngài ở địa vị cao trọng của
Thiên Chúa nhưng đã chấp nhận một địa vị thấp hèn của con người. Hơn thế nữa,
Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên
cây thập tự.
2.3/ Vinh quang tột đỉnh
nhờ khiêm nhường và vâng lời tuyệt đối: Vinh
quang chiếm được nhờ sự hủy mình ra không: Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn
Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Danh được Thiên
Chúa ban cho Chúa Kitô là Đức Giêsu, có nghĩa là Đấng Cứu Độ. Khi nào nghe Danh
Thánh Giê-su, cả trên trời, dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ;
và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức
Giê-su Ki-tô là Chúa."
3/ Phúc Âm: Nghe và làm theo ý Chúa
3.1/ Giống như tư tưởng của
Bài đọc I, các Kinh-sư và Biệt-phái là hai hạng người tự cho mình là công chính nên luôn tìm cách phê bình Chúa Giêsu khi Ngài ngồi đồng
bàn với những người thu thuế và tỏ lòng thương cảm cho những cô gái điếm. Để
các Kinh-sư và Biệt-phái nhận ra con người thật của họ, Chúa đưa ra câu truyện:
Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này
con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Nó đáp: "Con không đi
đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và
cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đi!" nhưng rồi lại không
đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời:
"Người thứ nhất."
Giống như trong Bài đọc
I, chúng ta có thể liệt kê 4 trường hợp có thể xảy ra mặc dù Phúc Âm chỉ liệt
kê 2 trường hợp:
(1) Nghe và làm theo lời
cha;
(2) Không nghe nhưng
sau hối hận làm theo lời cha;
(3) Nghe nhưng không
làm theo lời cha;
(4) Không nghe và cũng
không làm theo lời cha.
Điều đáng mong ước hơn
cả là trường hợp thứ (1); thứ đến là trường hợp thứ (2) mà cả Bài đọc I và Phúc
Âm chú ý tới; mặc dù không tòan hảo nhưng vẫn hơn xa hai trường hợp sau. Trường
hợp thứ (3) dành cho những người con chỉ yêu cha bằng chóp lưỡi đầu môi nhưng
không thể hiện bằng hành động; hứa hẹn rất nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu. Trường
hợp cuối cùng dành cho những đứa con hoang đàng.
Đối chiếu với 4 trường
hợp có thể xảy ra trên đây, chúng ta thấy ngay dụng ý của Chúa: Những người thu
thuế và những cô gái điếm thuộc trường hợp thứ (2) vì tuy họ không nghe theo ý
Chúa từ ban đầu, nhưng sau hối hận và làm theo ý Chúa; trong khi các Kinh-sư và
Biệt-phái thuộc trường hợp thứ (3), vì tuy họ nghe theo ý Chúa từ đầu, nhưng
không chịu làm theo ý Chúa. Không những thế, họ còn chê trách và ngăn cản những
người muốn trở về cùng Chúa. Họ quên đi rằng con người có khả năng để thay đổi:
từ xấu nên tốt và ngược lại.
Vì thế, Đức Giêsu nói
với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm
vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính
cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô
gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối
hận mà tin ông ấy."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa mở lối cho tất
cả: người công chính cũng như tội nhân. Ngài không muốn tội nhân phải chết,
nhưng muốn họ ăn năn xám hối và được sống. Nếu Chúa xét xử như đường lối của những
người tự cho mình là công chính thì chẳng ai có thể được cứu, vì mọi người đều
là tội nhân trước mặt Chúa. Bắt Chúa phải xét xử công chính là tự khai án tử
cho mình. Muốn được cứu độ, con người chỉ còn cách trông nhờ vào lòng thương
xót của Thiên Chúa.
- Ba tật xấu phá hủy cộng
đòan cần tránh: ghen tị, tìm hư danh, và tìm lợi ích riêng. Muốn xây dựng cộng đòan,
mọi người cần có 3 đức tính: liên kết với Đức Kitô, bác ái huynh đệ, và hiệp nhất
trong cùng một Thánh Thần. Gương khiêm nhường và vâng lời của Chúa Kitô là mẫu
gương cho chúng ta noi theo.
- Vì các Kinh-sư và Biệt-phái
chỉ lo vun xới cho danh vọng và những đặc quyền của họ; nên không bao giờ họ hiểu
được nỗi đau khổ của Thiên Chúa khi nhìn thấy dù chỉ một người con của mình bị
hư mất.
- Điều lý tưởng nhất
là lời nói phải đi đôi với hành động. Nước Trời chỉ dành cho những ai nghe và
làm theo ý Chúa.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Mt 21,28-32
ĐI LÀM VƯỜN NHO CHO CHÚA
“Các ông nghĩ sao:
Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con hãy
đi làm vườn nho.’ Nó đáp: ‘Con không muốn đâu!’ Nhưng sau đó nó hối hận, nên lại
đi. Ông đến gặp người thứ hai và cũng bảo vậy. Nó đáp: ‘Thưa Ngài, con đây!’
nhưng rồi lại không đi.” (Mt
21,28-30)
Suy niệm: Tục ngữ có câu: “Trăm voi không được bát nước
sáo”. Nói có mà không làm tất nhiên không bằng nói không mà làm có. Và
hơn nữa Chúa đánh giá chất lượng dựa trên tiêu chuẩn chẳng những chúng ta có
làm mà còn làm với tâm tình con thảo đi làm “vườn nho” cho Cha
của mình.
Phần bạn,
bạn nghĩ sao? Trong dụ ngôn, Chúa Giê-su hỏi: “Ai trong hai người con đó đã thi
hành ý muốn của người cha?” Câu hỏi của Chúa đặt ra cho chúng ta bây giờ còn cụ
thể hơn nữa: Không phải là “Ai trong hai người con đó” mà là “Bạn là ai trong
hai người con đó”? Hôm nay bạn đã thi hành ý muốn của Chúa là Cha của bạn chưa?
Chia sẻ: Bạn có cảm thấy thao thức trước biết bao nhiêu nhu cầu cấp
bách trong Giáo Hội và bạn có thấy mình có trách nhiệm trước những nhu cầu ấy
không? Còn công tác nào trong nhóm/đoàn thể của bạn đã cùng nhau đề ra mà chưa
thực hiện?
Sống Lời Chúa: Cụ thể, công việc Chúa muốn giao cho bạn trong “vườn nho” Chúa là gì?
Hôm nay bạn đã thực hiện việc đó chưa?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, biết bao nhiêu câu hỏi Chúa đặt ra cho con hôm
nay mà con chưa thể trả lời, biết bao nhiêu công việc bề bộn trong vườn nho
Giáo Hội mà con thờ ơ không bận tâm đến. Xin cho con biết hồi tâm rút lại lời
nói “không” và quay trở lại “đi làm vườn nho cho Cha”.
(5 phút Lời Chúa)
HỐI HẬN NÊN LẠI ĐI (1.10.2017 – Chúa nhật 26 Thường niên, Năm A)
Kitô giáo là tôn giáo của lòng tin. Lòng tin bên trong phải được biểu lộ ra bên ngoài: “Ðức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).
Suy niệm:
“Người thu thuế và gái
điếm vào Nước Trời trước các ông.”
Lời nói của Ðức Giêsu như một trái bom nổ
trước mặt các thượng tế, kinh sư, pharisêu,
những người đáng kính vì đạo đức và học thức,
những người đáng trọng vì chức vụ.
Làm sao những người hư hỏng và tội lỗi
lại có thể qua mặt các bậc đáng kính như vậy?
Lời nói của Ðức Giêsu như một trái bom nổ
trước mặt các thượng tế, kinh sư, pharisêu,
những người đáng kính vì đạo đức và học thức,
những người đáng trọng vì chức vụ.
Làm sao những người hư hỏng và tội lỗi
lại có thể qua mặt các bậc đáng kính như vậy?
Ðức Giêsu đã soi sáng
trước bằng một dụ ngôn.
Người cha sai hai đứa con đi làm vườn nho.
Ðứa con thứ nhận lời, nhưng sau lại không đi làm.
Ðứa con cả từ chối, sau hối hận nên lại đi.
Con thứ tượng trưng cho các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo.
Họ tuyên bố mình sống nghiêm chỉnh theo Lề Luật.
Tiếc thay chính sự đạo đức của họ
lại làm cho họ tự mãn và khép kín
đến nỗi không thể tin vào Ðức Giêsu
và đón lấy Ngài như quà tặng bất ngờ của Thiên Chúa.
Ðứa con cả tượng trưng cho những người tội lỗi,
những người bị đặt bên lề xã hội và tôn giáo.
Ðời sống của họ là một sự nhơ nhuốc đáng buồn.
Nhưng chính tội lỗi đã làm cho họ khiêm tốn
và dễ dàng hoán cải trước lời mời của Gioan.
Rốt cuộc, họ lại là những người tin vào Ðức Giêsu
và gặp được ơn cứu độ trước nhiều người khác.
Người cha sai hai đứa con đi làm vườn nho.
Ðứa con thứ nhận lời, nhưng sau lại không đi làm.
Ðứa con cả từ chối, sau hối hận nên lại đi.
Con thứ tượng trưng cho các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo.
Họ tuyên bố mình sống nghiêm chỉnh theo Lề Luật.
Tiếc thay chính sự đạo đức của họ
lại làm cho họ tự mãn và khép kín
đến nỗi không thể tin vào Ðức Giêsu
và đón lấy Ngài như quà tặng bất ngờ của Thiên Chúa.
Ðứa con cả tượng trưng cho những người tội lỗi,
những người bị đặt bên lề xã hội và tôn giáo.
Ðời sống của họ là một sự nhơ nhuốc đáng buồn.
Nhưng chính tội lỗi đã làm cho họ khiêm tốn
và dễ dàng hoán cải trước lời mời của Gioan.
Rốt cuộc, họ lại là những người tin vào Ðức Giêsu
và gặp được ơn cứu độ trước nhiều người khác.
Ði làm hay không đi làm
vườn nho
đồng nghĩa với tin hay không tin vào Ðức Giêsu.
Niềm tin có khả năng biến đổi cuộc sống.
Niềm tin thực sự luôn chuyển thành hành động.
“Chúng tôi phải làm gì, dân chúng hỏi Ðức Giêsu,
để được gọi là làm việc của Thiên Chúa?”
“Làm việc của Thiên Chúa là tin vào Ðấng Ngài sai đến”
Ðó là câu trả lời của Ðức Giêsu (Ga 6,28-29).
Tin là một việc làm, một dấn thân nghiêm túc.
Niềm tin vào Ðức Giêsu
đòi hỏi một sự hoán cải và từ bỏ.
Giới lãnh đạo Do Thái Giáo sợ tin vào Ðức Giêsu.
Họ sợ mất chỗ đứng và quyền lợi,
sợ phải thay đổi quan niệm của họ về Thiên Chúa.
đồng nghĩa với tin hay không tin vào Ðức Giêsu.
Niềm tin có khả năng biến đổi cuộc sống.
Niềm tin thực sự luôn chuyển thành hành động.
“Chúng tôi phải làm gì, dân chúng hỏi Ðức Giêsu,
để được gọi là làm việc của Thiên Chúa?”
“Làm việc của Thiên Chúa là tin vào Ðấng Ngài sai đến”
Ðó là câu trả lời của Ðức Giêsu (Ga 6,28-29).
Tin là một việc làm, một dấn thân nghiêm túc.
Niềm tin vào Ðức Giêsu
đòi hỏi một sự hoán cải và từ bỏ.
Giới lãnh đạo Do Thái Giáo sợ tin vào Ðức Giêsu.
Họ sợ mất chỗ đứng và quyền lợi,
sợ phải thay đổi quan niệm của họ về Thiên Chúa.
Kitô giáo là tôn giáo của
lòng tin.
Lòng tin bên trong phải được biểu lộ ra bên ngoài:
“Ðức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).
Lòng tin không phải chỉ là một tuyên xưng ngoài miệng
nhưng là một tuyên xưng bằng cuộc sống:
“Không phải mọi kẻ nói với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa,
là sẽ được vào Nước Trời,
nhưng là kẻ làm ý Cha Thầy” (Mt 7,21).
Lòng tin bên trong phải được biểu lộ ra bên ngoài:
“Ðức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).
Lòng tin không phải chỉ là một tuyên xưng ngoài miệng
nhưng là một tuyên xưng bằng cuộc sống:
“Không phải mọi kẻ nói với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa,
là sẽ được vào Nước Trời,
nhưng là kẻ làm ý Cha Thầy” (Mt 7,21).
Tôi phải tránh lối giữ
đạo hình thức:
có tiếng là Kitô hữu, nhưng lại không thuộc về Ðức Kitô,
bởi có một khoảng cách rất xa
giữa điều tôi tuyên xưng và điều tôi sống.
có tiếng là Kitô hữu, nhưng lại không thuộc về Ðức Kitô,
bởi có một khoảng cách rất xa
giữa điều tôi tuyên xưng và điều tôi sống.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là
điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ
khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô
tội
mà lại đứng chung với các
tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn
yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của
mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào
ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối
mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành
động cụ thể,
và chấp nhận những cắt
tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban
cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do
và được yêu mến.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG MƯỜI
Tình Yêu Hóa Thành
Lương Thực
Thánh Thể là điểm hẹn
đặc biệt để chúng ta gặp gỡ tình yêu của Đức Kitô. Đức Giêsu nói với các môn đệ:
“Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. (Ga 15,9). Đây là một tình yêu lạ
lùng, một tình yêu tự mở ra cho mỗi người chúng ta. Đây là một tình yêu chuyển
hóa thành của ăn của uống lấp đầy cơn đói khát sự sống thiêng liêng đích thực.
Vâng, chính Đức Giêsu mời gọi chúng ta “uống … rượu của cây nho” (Mc 14,25).
“Ở lại” trong Đức
Kitô, đó là điều kiện tiên vàn và thiết yếu để trổ sinh hoa quả. Cũng như Đức
Giêsu chỉ sinh hoa kết quả khi Ngài vâng theo ý muốn cứu độ của Cha, các môn đệ
của Ngài chỉ sinh hoa quả khi họ sẵn sàng đón nhận thánh ý Thiên Chúa và loại
trừ tội lỗi ra khỏi đời sống mình.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Gương Thánh Nhân
Ngày 01-10
Thánh TÊRÊXA HÀI ĐỒNG
GIÊ SU
Đồng Trinh (1873 -
1897)
Thánh Têrêxa trong Hài
Đồng Giêsu sinh ngày 2 tháng giêng năm 1873 tại Alencon, nước Pháp. Ngài là con
thứ chín của hai ông bà Louis Martin và Xélie Guérin.
Trước kia hai ông bà
đã có ý nguyện dâng mình phục sự Chúa trong tu viện mà không thành. Bù lại, năm
người con còn sống đều đã hiến thân theo đời sống tu trì. Khi sinh ra Têrexa, mẹ
Ngài đã nói: - Tôi chỉ ao ước có nhiều con để dẫn chúng về trời.
Nhưng khi mới lên bốn,
Têrêxa đã mất mẹ, bà chết vì căn bệnh ung thư. Nhưng được sự dịu hiền của người
cha đã bao bọc thánh nữ suốt quãng thời thơ ấu. Một buổi chiều, níu tay cha,
Têrêxa chỉ nhìn lên trời mà nói: - Cha ơi ! xem kìa, tên con đã được viết trên
trời.
Dù còn nhỏ từ tuổi lên
ba, Ngài nhớ rằng mình đã không từ chối Chúa điều gì. Ngài đã cố sửa tính cứng
dầu, ích kỷ và hay thay đổi. Lúc lên mười, Ngài ngã bệnh nặng. Nhưng Ngài đã thấy
tựơng Đức Trinh Nữ mỉm cười với mình và cơn bệnh biến mất.
Têrêxa luôn nghĩ tới
những sự trên trời, Ngài nói rằng: Chúa Giêsu đã chết trên thánh giá để cứu rỗi
các linh hồn, nhưng thật đáng buồn khi có rất nhiều người không đáp lại lời mời
gọi của Chúa. Bởi thế, thánh nữ đã cầu nguyện và thống hối để đưa các linh hồn
về trời. Có một kẻ cướp tên là Pranzini bị kết án tử hình. Thánh nữ đã tự ý cầu
nguyện cho hắn được ơn hối cải. Ngài còn xin một dấu chỉ chứng tỏ hắn hối cải.
Và rồi, tên cướp đã từng từ chối sự giúp đỡ của linh mục, lúc lên đoạn đầu đài,
bỗng quay nhìn thánh giá và hôn ba lần.
Từ nhỏ đã quyết nên
thánh, Têrêxa muốn được sớm tận hiến cho Chúa. Mười lăm tuổi, Ngài đã ước ao được
gia nhập dòng kín. Không được phép, Ngài hành hương đi Roma để xin phép Đức giáo
hoàng, Đức Leo XIII đã chỉ trả lời: - Nếu Chúa muốn.
Đức giám mục Bayyeux
đã cho phép Ngài vào dòng ngay. Nơi đây đã có ba người chị của Ngài. Nhận được
tên Têrêxa Của Chúa Giêsu Hài Đồng, Ngài thêm và của Thánh Nhan. Ngày khấn
dòng, Ngài cầu nguyện: - Oi Chúa Giêsu, con xin ơn bình an và tình yêu vô bờ bến.
Xin cho con được tử đạo trong lòng hay nơi thân xác, hay tốt hơn, được tử đạo cả
hai.
Chính nhờ "đường
con thơ tin tưởng và phó thác" mà thánh nữ đạt đến tuyệt đỉnh thánh thiện
và hoàn tất ơn gọi sống tình yêu và đau khổ, Ngài đã: - Quyết không bỏ qua một
hy sinh nhỏ bé nào.
Ngài đã chịu bề trên
hiểu lầm và đối xử một cách nghiêm khắc, chịu giá lạnh và hy sinh liên tục,
Ngài bị trách mắng bất công, bị thử thách đủ loại, mà chỉ đáp lại bằng nụ cười.
Người ta chỉ gặp thấy nơi Ngài thứ sánh sáng an bình và không thể đoán biết nổi
những đau khổ mà dường như Ngài muốn dấu cả Chúa nữa:
- Con cố gắng mỉm cười
khi phải đau khổ... để Chúa nhân lành như bị lừa bởi dáng vẻ bề ngoài, cũng
không biết rằng: con phải đau khổ nữa.
Lạnh lẽo Ngài không
chà tay, đau chân Ngài chú ý kẻo chân đi khập khiễng, Ngài âm thầm thực hiện những
việc giúp đỡ phiền hà nhất. Một chị bạn làm bể chiếc bình, nhưng Ngài bị la rầy
mà Ngài vẫn cúi đầu nhận lỗi. Một chị bạn đã găm kim vào da thịt Ngài khi giúp
Ngài đội khăn mà Ngài vẫn cám ơn không hề kêu trách. Một nữ tu già kỳ chướng cần
được sự giúp đỡ, Têrêxa tận tụy phục vụ bà và chỉ mỉm cười đáp lại những phiền
trách của bà.
Người ta hỏi Ngài:- Chị
nói thế nào là ở như một trẻ thơ trước mặt Chúa ?
Ngài trả lời: - Là
khiêm tốn đón chờ mọi sự bởi Chúa nhân lành, như một trẻ thơ chờ đón tất cả bởi
tay cha nó. Mọi sự khác chẳng quan hệ gì.
Thật viễn vông khi muốn
vài chục người chung quanh quí chuộng. Tôi chỉ mong được yêu thương ở trên trời
bởi vì chỉ ở trên đó mới hoàn hảo mà thôi.
Ngài không đòi được
soi sáng nữa, khiêm tốn và phó thác, Ngài tin rằng: - Tôi không mơ ước được thấy
Chúa và các thánh của Ngài như nhiều người khác ao ước được nhìn thấy và thấu
hiểu mọi sự, mà chỉ muốn ở lại trong cuộc sống đức tin.
Giáo thuyết rất đơn
sơ, nhưng sâu sắc của Ngài được nuôi dưỡng không ngừng bằng những suy ngắm và
được trình bày trong cuốn MỘT TÂM HỒN. Chị Ngài, mẹ ANÊ thời đó, đã truyền cho
Ngài viết lại những ý ức này. Sợ rằng việc này "làm phân tâm", nhưng
vì vâng lời Ngài đã thực hiện. Thế là chúng ta có được một sứ điệp khôn sánh về
đức khiêm hạ, sức mạnh tình yêu và phó thác. Con người muốn bé nhỏ ấy lại có những
ước muốn vô cùng. - Con thấy mình có ơn gọi làm chiến sĩ, làm linh mục, làm
tông đồ, làm tiến sĩ và chịu tử đạo.
Và Ngài lại chỉ thực
hiện những hy sinh nhỏ, được biến nên trong sáng bởi tình yêu đại độ. - Một
phương thế để nên trọn lành ư ? Con chỉ biết có tình yêu.
Tháng 6 năm 1894, có
triệu chứng đầu tiên thánh nữ bị bệnh lao. Dầy vậy Ngài vẫn tiếp tục các bổn phận
và không tìm cách giảm bớt một công tác nào. Không hiểu biết, người ta trách
Ngài biếng nhác. Hơn nữa, Ngài còn bị thử thách nặng nề trong tâm hồn. Ngập
chìm trong tăm tối, Ngài như bị mất đức tin, nhưng vẫn dũng cảm trung thành với
Chúa. Khi người ta mang đến một ly thuốc đỏ đẹp Ngài nói:
- Ly thuốc nhỏ này,
người ta tưởng là đầy rượu ngon, thực sự chưa bao giờ tôi đã phải uống một thứ
thuốc nào đắng hơn. Đó là hình ảnh đời tôi. Dưới mắt người khác nó đầy màu sắc
vui mắt, người ta tưởng tôi uống một thứ rượu ngon ngọt, nhưng thực sự nó là
thuốc đắng.
Sau những đau đớn dữ dằn,
Ngài nói: Con không hối hận vì đã hiến mình cho tình yêu
Khi sắp từ trần, Ngài
hứa: - Trên trời con sẽ làm mưa hoa hồng xuống.
Ngày 30 tháng 9 năm
1897 Ngài qua đời tại phòng bệnh dòng kín Lisieux. Ngày 17 tháng 5 năm 1925
Ngài được tôn vinh lên hàng các thánh.
(daminhvn.net)
01 Tháng Mười
Chợ Hoa
Trong những thập
niên vừa qua, đã có rất nhiều hội chợ hoa được tổ chức khắp nơi. Nhưng vĩ đại
nhất có lẽ là hội chợ hoa Osaka, Nhật Bản, khai mạc dạo đầu tháng Tư và kết
thúc ngày cuối tháng Chín năm 1990 vừa qua.
Hội chợ hoa này được
tổ chức tại thị xã Tsurumi, một vùng đất đang phát triển theo kế hoạch xây dựng
cho thế kỷ 21. Trên một khoảng đất rộng 140 mẫu tây, 3 triệu loại hoa và thảo mộc
khác nhau trên khắp thế giới đã tề tựu về để khoe sắc tranh hương chào đón du
khách.
Vừa bước vào trung
tâm hội chợ, một bức tường lớn đan bằng đủ loại hoa, màu sắc rực rỡ đập ngay
vào mắt du khách. Khuôn viên phía tây dành cho các loại hoa cần chăm sóc trong
nhà kiếng, cùng với các loại hoa điện tử nhân tạo. Khách được xem các loại hoa
lớn nhất thế giới từ Nam Dương đưa sang. Du khách cũng có thể say mê với những
loại hoa nhân tạo mà hình dạng và màu sắc biến đổi không ngừng, tạo nên hình ảnh
của thế giới thần tiên.
Vắng người hơn, ở
phía đông, là khuôn viên dành cho các loại hoa: tất cả các loại hoa đều được trồng
giữa núi rừng thiên nhiên hùng vĩ.
Giữa hai khuôn viên
là một con sông nhỏ, dưới lòng sông có thiết kế những vòi phun nước. Nước lên mạnh
yếu tùy thuộc theo điệu nhạc phát ra từ dàn âm thanh nổi tuyệt hảo ở hai bờ
sông. Cứ nửa tiếng đồng hồ, có một câu chuyện thần thoại được dòng sông kể lại
bằng hệ thống phun nước, hòa với tiếng nhạc và ánh đèn màu về đêm, tạo nên một
khung cảnh rất nên thơ và thanh bình.
Hoàng đế Nã Phá
Luân của nước Pháp đã có lần phát biểu như sau: "Nơi nào hoa tàn, nơi đó
con người không thể sống...". Ai trong chúng ta cũng yêu hoa, ai trong
chúng ta cũng thích sống với sự hiện diện của hoa. Vui, chúng ta thích ngắm
hoa, buồn, chúng ta cũng thích nhìn hoa. Hoa dường như gần gũi và thông cảm với
con người... Nhìn hoa sen, chúng ta tưởng tượng ra cảnh gió mát trên bờ hồ. Ngắm
hoa mai, chúng ta như muốn đi vào mùa Xuân bất tận. Nhìn hoa hồng, chúng ta như
thấy dậy lên những tình cảm thanh cao. Ngắm hoa huệ giữa đồng, chúng ta chợt
nghĩ đến cảnh đời sớm nở tối tàn...
Tháng Mười hằng năm,
cùng với những cánh hoa dâng lên Mẹ, chúng ta chiêm ngắm Mẹ. Mẹ là đóa hoa đẹp
nhất của vũ trụ. Nhìn lên Mẹ, chúng ta hưởng nếm được tất cả mọi hương sắc của
thánh thiện...
Mẹ là đóa hoa luôn gần
gũi và cảm thông với chúng ta. Lúc nào Mẹ cũng có thể nở nụ cười của khích lệ,
cổ vũ cho chúng ta. Lúc nào Mẹ cũng có thể hướng ánh mắt cảm thông, tha thứ về
phía chúng ta...
Chạy đến với Mẹ, chiêm
ngắm hương thơm thánh thiện của Mẹ, chúng ta hãy xin Mẹ biến chúng ta thành những
cánh hoa để giúp cho đời thêm tươi thắm... Giữa sa mạc khô cằn tình người, xin
Mẹ luôn làm nở lên trong chúng ta những cánh hoa của yêu thương, bác ái, cảm
thông, tha thứ, phục vụ... Giữa sa mạc khô cằn niềm tin và hy vọng, xin Mẹ làm
nở lên trong chúng ta những cánh hoa của tin tưởng, phó thác, cậy trông...
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét