Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

Giải đáp phụng vụ: Xin lễ cầu cho mình khi còn sống là hiệu lực hơn không?

Gii đáp phng v: Xin l cu cho mình khi còn sng là hiu lc hơn không?

Nguyễn Trọng Đa
22/Sep/2017

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, liệu Thánh lễ cầu cho người khi còn sống là hiệu lực hơn (mạnh hơn) so với Thánh lễ cầu nguyện sau khi đã chết không? Thánh Anselmô (Anselm) và ĐGH Biển Đức XV đã nói Thánh lễ cầu cho khi còn sống là hiệu lực hơn. Xin cha bình luận việc này cho nhiểu người biết. - S. T., Chicago, Hoa Kỳ.


Đáp: Trong khi bạn đọc trên không cung cấp nguồn của các ý kiến này của thánh Anselmô (Anselm) và ĐGH Biển Đức XV, tôi vẫn cho đó là ý riêng của bạn ấy.

Bằng cách nào chúng ta có thể nói rằng Thánh Lễ này là "mạnh hơn" (hiệu lực hơn) so với Thánh lễ kia?

Trước tiên, cần phải nói rõ rằng bản thân Thánh Lễ có cùng một giá trị của mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, mà Thánh lễ tái thực hiện. Do đó giá trị của Thánh lễ là vô hạn, và không Thánh Lễ nào là mạnh hơn các Thánh lễ khác.

Vì vậy, mọi sự khác biệt về giá trị phải được tìm kiếm trong hiệu lực đối với người, mà Thánh lễ cầu nguyện cho.

Trong trường hợp người chết đang ở trong luyện ngục, mọi lợi ích được nhận cách thụ động, vì linh hồn không còn có khả năng thực hiện các hành động lập công mới. Trong khi một linh hồn đã được cứu độ, Thánh lễ không thể làm người ấy tăng lên trong sự thánh thiện, nhưng chỉ làm sạch các khiếm khuyết, vốn cản trở sự đi vào dứt khoát của linh hồn trong vinh quang.

Tuy nhiên, một người sống vẫn có khả năng phát triển trong ơn thánh hóa. Và như vậy một Thánh lễ, cầu cho một người đã ở trong ơn Chúa, có hiệu lực cung cấp sự gia tăng ơn thánh, mà người đó có thể sẵn sàng đón nhận để trở nên giống Chúa Kitô hơn.

Như một lời nguyện chuyển cầu, một Thánh Lễ được dâng cho một người trong tình trạng tội trọng có thể cung cấp ân sủng cần thiết cho sự ăn năn, mặc dù sự hoán cải luôn là sự chấp nhận tự do của ân sủng được cung cấp.

Trong khi Thánh lễ có thể được dâng cho các ý chỉ khác (thí dụ cho người bệnh), tôi tin rằng lời nói về việc Thánh lễ cầu cho người sống thì có hiệu lực hơn Thánh lễ cầu cho ngưởi chết, chủ yếu nằm ở điểm trên liên quan đến khả năng gia tăng sự thánh thiện. Thánh Lễ được dâng cũng có thể giúp tăng sự thánh thiện, bằng cách giúp người ta đối mặt với các đau khổ và thử thách, để kết hiệp sâu xa hơn với Chúa Kitô.

Chỉ có người sống mới có thể trở nên thánh thiện hơn, thậm chí đến mức có thể lên thẳng thiên đường sau khi chết. Một số người có thể bị bối rối bởi ý tưởng rằng có thể có sự khác biệt về sự thánh thiện ở trên thiên đàng. Các thánh đôi khi sử dụng một hình ảnh hữu ích để mô tả khả năng này.

Trong cuộc đời, bằng cách tự do thích ứng với ân sủng, mỗi người chuẩn bị khả năng của mình để được tràn đầy ơn Chúa. Ở trên trời, một số người sẽ giống như ly uống rượu; một số người khác, giống với ly bia; một số người khác, giống thùng rượu; và một số người khác, giống tàu chở dầu. Điều quan trọng là mọi người sẽ được đầy ơn cho mình, và không ai cảm thấy thiếu thứ gì cần thiết cho hạnh phúc.

Lẽ tất nhiên, Giáo Hội khuyên nên cầu nguyện và xin lễ cho cả người sống và người chết, vì không ai bị loại khỏi đức ái của chúng ta.

Sau khi trả lời như trên, một số độc giả đã góp ý thêm như sau.

Một độc giả kỹ tính đã tìm kiếm trực tuyến các lời trích dẫn của thánh Anselmô (Anselm) và ĐGH Biển Đức XV, và đã tìm được nhiều trang có lời trích dẫn tương tự, bao gồm các sai sót ngữ pháp như sau: "Là một tiến sĩ Giáo hội, thánh Anselmô (Anselm) tuyên bố rằng chỉ một Thánh lễ cầu cho chính bản thân mình trong cuộc đời có thể có giá trị hơn một ngàn Thánh lễ cầu cho mình sau khi chết", và ĐGH Biển Đức XV nói: "Thánh Lễ sẽ có lợi ích nhiều hơn, nếu người ta xin lễ này khi còn sống hơn là Thánh lễ cho sau khi mình đã chết... Các hoa quả của Hy tế Thánh Lễ có hiệu quả lớn hơn rất nhiều khi mình còn sống, hơn là sau khi chết, vì sự áp dụng được thực hiện cho các người chuẩn bị tốt khi cỏn sống là trực tiếp hơn, chắc chắn hơn và phong phú hơn".

Như bạn đọc này nêu ra, không có trang mạng nào cung cấp sự qui chiếu tài liệu nguồn cho các trích dẫn này. Và một việc tìm kiếm trực tuyến các tác phẩm của thánh Anselm không tìm thấy bất kỳ văn bản nào tương thích với trích dẫn trên cả.

Điều này không chứng minh rằng các trích dẫn là sai, hoặc chúng là không có căn cứ tín lý. Nhưng điều này nhắc nhở chúng ta cảnh giác với việc sử dụng Internet không trích nguồn như một nguồn tri thức, và hãy luôn cố gắng xác minh nguồn trích dẫn của mình.

Một bạn đọc ở Camp Hill, bang Pennsylvania, đã hỏi: "Một số người đã nói với con rằng một Thánh lễ cho người sống là "hiệu quả hơn", nếu người được cầu tham dự Thánh Lễ ấy. Cha trả lời như thế nào cho câu nói này? Con nghĩ rằng nếu chính mình tham dự Thánh lễ cầu cho mình, khi không bị ngăn cản bởi một số lý do nghiêm trọng như sức khoẻ kém chẳng hạn, thì Thánh lễ sẽ là hiệu quả hơn".

Tôi xin trả lời, nhìn chung, chúng ta nên tránh tập trung câu hỏi về hiệu quả của một Thánh Lễ trong một cách thức vốn làm giảm, điều chỉnh hoặc giới hạn tính hiệu quả vô hạn của hy tế thánh của Chúa Kitô.

Nó giống như câu hỏi là cái gì là hiệu quả hơn, hoặc tự lái xe hoặc nhờ ai lái xe cho mình? Cuối cùng, điều quan trọng là bạn đi tới đích.

Việc Chúa ban ân sủng không thể được tiêu chuẩn hóa. Cho dù một người nhận được nhiều lợi ích tinh thần hơn từ việc tham dự Thánh lễ, hay nhờ ai đó xin lễ cho mình, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ sự tự do của Thiên Chúa đến sự sẵn sàng chủ quan của người đó để thích ứng với ân sủng Chúa ban.

Nếu có sự khác biệt nào được tìm thấy, đó là, đối với người Công Giáo, việc tham dự Thánh lễ (trừ khi bị cản trở một cách hợp pháp) là một phương tiện cần thiết cho sự thăng tiến thiêng liêng, và thậm chí là một phương tiện cần thiết cho sự cứu độ. Tuy nhiên, việc xin lễ cầu nguyện không hưởng cùng một mức độ của sự cần thiết, và một số người có thể đạt được sự thánh thiện, ngay cả khi không ai nhớ đến việc xin lễ cầu nguyện cho họ nữa. (Zenit.org 5 và 19-6-2007)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét