27/09/2017
Thứ Tư tuần 25 thường niên
Thánh Vinh sơn Phaolô, linh mục.
Lễ nhớ.
* Thánh nhân sinh năm 1581 tại Gát-côn, nước Pháp. Người làm linh mục rồi đi Pa-ri phục vụ một giáo xứ. Người sáng lập Tu Hội Thừa Sai để giúp đào tạo các giáo sĩ và nâng đỡ những người
nghèo. Được thánh
nữ Lu-y Ma-ri-lắc cộng tác, người đã lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Người là gương mẫu hoàn hảo về việc sống đức bác ái như Chúa Kitô dạy, luôn sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn. Người nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi bất cứ ai đang gặp đau khổ. Người qua đời tại Pa-ri năm 1660.
Bài Ðọc I: (Năm I) Esd
9, 5-9
"Thiên Chúa không bỏ rơi
chúng tôi trong cảnh nô lệ".
Trích sách Esdra.
Tôi là Esdra, khi dâng lễ tế ban
chiều, tôi vùng dậy khỏi cơn âu sầu, áo trong áo ngoài đều rách hết, tôi quỳ gối
xuống, giơ tay lên Chúa là Thiên Chúa tôi mà thưa rằng: "Lạy Chúa, con hổ
ngươi thẹn thuồng không dám ngước mặt lên cùng Chúa: vì những sự gian ác của
chúng con chồng chất trên đầu chúng con, và tội lỗi chúng con cao lên tới trời.
Kể từ thời cha ông chúng con cho tới ngày nay, tội lỗi chúng con đã quá nhiều,
và vì sự gian ác của chúng con, nên chúng con, vua chúa, tư tế của chúng con, bị
trao vào tay vua các dân ngoại, bị gươm đao, bị lưu đày, bị cướp bóc và bị thẹn
mặt như ngày nay.
"Và hiện giờ đây, Chúa vừa
tạm ban cho chúng con một chút lòng thương xót, là để cho chúng con sống sót phần
nào, và cho chúng con một nơi ẩn náu trong chốn thánh của Chúa, để soi sáng mắt
chúng con, và ban cho chúng con một chút sự sống trong cảnh nô lệ của chúng
con, vì chúng con là nô lệ mà Thiên Chúa không bỏ rơi chúng con trong cảnh nô lệ,
nhưng Chúa đã khiến các vua Ba-tư thương xót chúng con, mà cho chúng con còn sống
để chúng con xây cất nhà Thiên Chúa chúng con, tu bổ những nơi hoang tàn, và
cho chúng con một chỗ ở trong xứ Giuđêa và tại Gierusalem".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tb 13, 2. 3-4. 6. 7. 8.
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa cao cả muôn đời (c. 1b).
Xướng: 1) Chúa trừng phạt, rồi lại
tha thứ. Chúa đẩy xuống âm phủ, rồi lại đem ra; và không một ai thoát khỏi tay
Chúa. - Ðáp.
2) Bởi vì thế, Chúa đã phân tán
các ngươi giữa các dân tộc không nhìn biết Chúa, để các ngươi tường thuật các
việc kỳ diệu của Người, để các ngươi làm cho họ biết rằng ngoài Người ra, không
có Thiên Chúa toàn năng nào khác. - Ðáp.
3) Hãy ngắm nhìn những việc Chúa
làm cho chúng ta, hãy tuyên xưng Người với lòng cung kính và run sợ, hãy suy
tôn vua muôn đời trong những việc làm của các ngươi. - Ðáp.
4) Tôi tuyên xưng Người nơi tôi
bị lưu đày, vì Người tỏ ra uy quyền trước dân phạm tội. - Ðáp.
5) Hỡi tội nhân, hãy sám hối ăn
năn, hãy thực hiện sự công chính trước mặt Thiên Chúa, hãy tin rằng Người tỏ
lòng từ bi với các ngươi. - Ðáp.
Alleluia: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời
Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 1-6
"Người sai các ông đi
rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai
Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa
lành các bệnh tật. Ðoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa
lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: "Khi đi đàng, các con đừng mang gì
cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà
nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các
con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố
cáo họ". Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa
lành bệnh tật khắp nơi.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Trung Thành Với Lệnh
Truyền Của Chúa
Chúng ta vừa đọc lại bài tường
thuật của thánh sử Luca nói về việc Chúa sai nhóm Mười Hai Tông Ðồ ra đi rao giảng
Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Ðây là cuộc sai đi trước biến cố Phục Sinh để
chuẩn bị cho cuộc sai đi quyết định sau Phục Sinh, khi đó Chúa sẽ nói với các
ông một cách vĩnh viễn: "Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao
ban cho Thầy. Vậy, các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm
phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều
Thầy đã truyền cho các con, và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận
thế".
Hai lần sai đi này, trước và sau
Phục Sinh, trước và sau biến cố vượt qua của Chúa Giêsu, rất quan trọng và bổ
túc cho nhau. Nếu lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh, sau biến cố vượt qua mà
không có lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh thì người ta sẽ dễ dàng rơi vào
cám dỗ quả quyết rằng, những đồ đệ của Chúa Giêsu tự bày vẽ công việc cho mình
để thành lập cộng đoàn Giáo Hội do theo sáng kiến riêng chứ không phải do ý muốn
của Chúa Giêsu. Ngược lại, nếu lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh mà không có
lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh thì người ta cũng sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ
khác nữa cho rằng, Chúa Giêsu đã thất bại trong dự án của Ngài sau khi bị giết
chết trên thập giá. Nhưng các sách Phúc Âm đã ghi lại cho chúng ta hai lần sai
đi trước và sau Phục Sinh, và điều này làm nổi bật ý định của Chúa Giêsu, một ý
định vượt qua giới hạn thời gian, Chúa đã kêu gọi huấn luyện và sai các tông đồ
ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được
tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con
người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền
năng do Chúa ban cho.
Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo
Hội qua các thời đại trong lịch sử nhân loại đều nằm trong chương trình của
Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người. Hơn nữa,
chúng ta thấy tác giả Phúc Âm thánh Luca mô tả sứ mệnh của các tông đồ được
Chúa sai đi bằng hai cụm từ rao giảng và chữa lành bệnh tật.
Nói theo ngôn ngữ ngày nay,
chúng ta có thể nói rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn.
Rao giảng và chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho
cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với
nhau. Người đồ đệ của Chúa khi làm công việc của Chúa, công bố sự thật của
Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Khi làm công việc này không
thể nào lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội,
phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em chung quanh.
Nhà thờ để phụng thờ Thiên Chúa,
nhà thương để chăm sóc bệnh nhân, nhà dưỡng lão để săn sóc người cao niên, nhà
học tập dành cho người trẻ, nhà ở cho người nghèo, nhà cứu trợ cho anh chị em gặp
nạn, đó là những nhà, những loại công tác nằm trong sứ mệnh của người đồ đệ của
Chúa. Lịch sử hai ngàn năm qua của Giáo Hội cho thấy những đồ đệ của Chúa còn
luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa: rao giảng và chữa lành, mặc dù không
thiếu những sơ sót lỗi lầm mà giờ đây những đồ đệ chân thật của Chúa không ngần
ngại ăn năn xin tha thứ và dốc quyết thực hiện tốt đẹp hơn trong tương lai.
Lạy Chúa,
Xin thương ban cho chúng con quyền
năng của Chúa để chúng con được canh tân và dấn thân nhiều hơn nữa, để chu toàn
tốt hơn sứ mệnh Chúa đã trao phó cho trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Xin
Chúa hãy thương hiện diện với chúng con và cùng hoạt động với chúng con luôn
mãi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin
Vui’)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần 25 TN1,
Năm lẻ.
Bài đọc: Ezr
9:5-9; Lk 9:1-6.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải nhận ra tình thương Thiên Chúa và tội lỗi của mình.
Có những người ngông cuồng, chẳng chịu vâng lời những gì Thiên Chúa dạy bảo,
nhưng khi phải chịu hậu quả, thì lại đổ lỗi cho Thiên Chúa không thương xót và
trách mắng Ngài đủ điều. Làm như thế, chẳng những họ vẫn phải mang hậu quả, mà
còn càng ngày càng lấn sâu trong tội lỗi. Nhưng nếu họ biết kiểm điểm quá khứ,
họ sẽ nhận ra tội lỗi của họ và tình thương Thiên Chúa. Ngài luôn cho họ cơ hội
trở về để làm lại cuộc đời.
Các Bài Đọc hôm nay có mục đích giúp con người nhận ra tội lỗi mình và tình
thương Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tư tế Ezra nhận ra tội lỗi của mình, của
cha ông, và của mọi con cái Israel thời đại ông, là nguyên do của việc lưu đày.
Ông cũng nhận ra uy quyền và tình thương Thiên Chúa dành cho ông và con cái
Israel, qua việc thay đổi lòng dạ của các vua Ba-tư để họ phóng thích dân
Do-thái, cho hồi hương để tái thiết đất nước, và xây dựng lại Đền Thờ ở
Jerusalem. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu huấn luyện các tông-đồ, ban mọi quyền hành
cho các ông, và sai các ông ra đi để chữa lành và loan truyền Tin Mừng. Ai tin
và đón nhận, sẽ nhận được ơn cứu độ và chữa lành; ai không tin, sẽ không được
lãnh nhận những điều đó. Các tông-đồ sẽ phủi bụi ở chân lại để làm cớ tố cáo sự
cứng lòng của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã không bỏ rơi dân Ngài trong cảnh nô lệ.
1.1/ Hình phạt phải chịu xứng đáng
với tội lỗi của Israel: Lịch sử của sách
Erza là Thời Lưu Đày của dân tộc Do-thái bên Assyria và Babylon. Trước Thời Lưu
Đày, Thiên Chúa đã không ngừng gởi các ngôn sứ của Ngài đến sửa dạy và đe dọa
lưu đày sẽ xảy ra, nếu họ cứng lòng không chịu ăn năn, hối cải. Hai tội mà các
ngôn sứ không ngừng tố cáo là: (1) tội quay lưng lại với Thiên Chúa và chạy
theo thờ lạy các thần ngoại bang; (2) tội lỗi đức công bằng, tước đoạt tài sản và
đối xử bất công với những người cô thân, cô thế. Họ chẳng những đã không chịu
nghe, mà còn bắt giam các ngôn sứ, đánh đập, và giết đi. Hậu quả là Thiên Chúa
để cho quân thù phá tan hoang đất nước, cả miền Bắc (721 BC) và miền Nam (587
BC), đem tất cả đi lưu đày, và san phẳng Đền Thờ.
Sống cực khổ trong Thời Lưu Đày, nhiều người vẫn chưa nhận ra tội lỗi của mình
và trách Thiên Chúa đã để cho quân thù dày xéo dân tộc Thiên Chúa đã lựa chọn;
nhất là quân thù cũng tội lỗi như họ hay còn hơn nữa! Nhưng tư tế Ezra đã không
giống như những người này, ông nhận ra lý do tại sao Thiên Chúa để mặc cho quân
thù dày xéo Israel. Trình thuật kể tâm trạng của ông: "Vào giờ đó, tôi mới
ra khỏi cơn sầu khổ, trỗi dậy; áo dài trong, áo choàng ngoài xé rách, tôi quỳ gối,
giơ tay lên Đức Chúa, Thiên Chúa của tôi và thưa: "Lạy Thiên Chúa của con,
con thật xấu hổ và nhục nhã khi ngẩng mặt nhìn Ngài, lạy Thiên Chúa của con, vì
tội chúng con quá nhiều đến nỗi dâng ngập đầu, lỗi chúng con cứ chồng chất lên
mãi tới trời."
Không chỉ nhận ra tội lỗi của mình, của tổ tiên, và của tất cả mọi con cái
Israel. Ông nhận thấy hình phạt mà dân tộc phải chịu là xứng đáng: "Từ thời
tổ tiên chúng con cho đến ngày nay, vì chúng con đã mắc lỗi nặng và phạm tội,
nên các vua và các tư tế của chúng con đã bị nộp vào tay vua chúa các nước ngoại
bang; chúng con đã bị nộp cho gươm giáo, phải đi đày, bị cướp bóc và bẽ mặt hổ
ngươi như ngày hôm nay."
1.2/ Ân huệ được nhận lãnh hoàn
toàn do tình hương của Thiên Chúa.
(1) Thiên Chúa bày tỏ tình thương khi con người còn là tội nhân: Vua Ba-tư ký
chiếu chỉ phóng thích cho dân Do-thái hồi hương để kiến thiết xứ sở và xây dựng
lại Đền Thờ. Các Vua Ba-tư còn giúp đỡ vật chất để họ có thể xây dựng Đền Thờ
cách nhanh chóng. Ezra nhận ra bàn tay Thiên Chúa trong sự quan phòng kỳ diệu
này: "Và bây giờ, chỉ mới đây thôi, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng con, ban
cho chúng con ân huệ này là để lại cho chúng con một số người sống sót, và cho
chúng con được một chỗ ở vững chắc trong nơi thánh của Ngài; như thế, Thiên
Chúa chúng con đã toả ánh sáng làm cho đôi mắt chúng con được rạng ngời, và làm
cho chúng con được hồi sinh đôi chút trong cảnh nô lệ."
(2) Tình thương Thiên Chúa được bày tỏ qua các vua Dân Ngoại: Từ xưa tới nay,
chẳng có vua Dân Ngoại nào đối xử tử tế với kẻ thù của mình; thế mà các vua
Ba-tư đã phóng thích dân Do-thái, cho về hồi hương, và giúp vật chất để họ xây
dựng lại Đền Thờ. Điều này chứng tỏ tình thương và uy quyền của Thiên Chúa đã
dành cho con cái Israel. Họ phải xấu hổ vì một người Dân Ngoại đã tuyệt đối
vâng lời làm theo những gì Thiên Chúa truyền; còn họ, dân riêng của Ngài, lại
chạy theo các thần ngoại và luôn bất tuân lệnh Ngài: "Tuy chúng con là những
kẻ nô lệ, Thiên Chúa chúng con đã không bỏ rơi chúng con trong cảnh nô lệ đó.
Ngài đã làm cho các vua Ba-tư tỏ lòng yêu thương chúng con, khiến chúng con được
hồi sinh mà dựng lại Nhà Thiên Chúa chúng con, tái thiết ngôi Nhà đã hoang tàn,
và xây lại tường thành tại Jerusalem ở Judah."
2/ Phúc Âm: Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành
bệnh nhân.
2.1/ Ân sủng được Đức Kitô trao cho
các môn đệ để ban phát cho mọi người: Trong
khi còn ở thế gian, Chúa Giêsu không những vất vả ngược xuôi để rao giảng Tin Mừng
và chữa lành mọi vết thương hồn xác, Ngài còn chọn lựa các môn-đệ, huấn luyện để
các ông tiếp tục sứ vụ của Ngài. Điều này chứng tỏ tình yêu của Chúa Giêsu dành
cho các thế hệ tương lai.
(1) Chữa lành mọi bệnh tật hồn xác: Trước khi sai các ông đi rao giảng cho dân
chúng, Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền
phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.
(2) Rao giảng Tin Mừng: Rồi Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và
chữa lành bệnh nhân. Chúa Giêsu dạy các môn đệ một điều hết sức quan trọng:
"Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc,
cũng đừng có hai áo." Tại sao Chúa Giêsu truyền điều này? Trước tiên, người
lữ hành dễ dàng ra đi mọi nơi là người có ít hành trang nhất. Thời Chúa Giêsu
và các thế kỷ đầu, con người chưa có phương tiện di chuyển như bây giờ, cách phổ
thông nhất là đi bộ; con người cũng chưa có những phương tiện truyền thông như
bây giờ, cách thức duy nhất là trực tiếp đến và nói với khán giả. Hơn nữa, nếu
những nhà rao giảng quá chú trọng đến vật chất, họ sẽ có rất ít thời gian và
lòng nhiệt thành cho việc rao giảng Tin Mừng.
2.2/ Phản ứng của con người: Chúa Giêsu biết trước phản ứng của con người dành cho các
môn đệ, như họ đã từng dành cho Ngài. Vì thế, Ngài căn dặn các ông:
(1) Những người tiếp nhận các môn đệ: "Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở
lại đó và cũng từ đó mà ra đi." Nếu khán giả nhận ra các ông là những sứ
giả của Ngài, họ sẽ đón tiếp các ông vào nhà và đối xử tử tế với các ông. Phần
thưởng cho những người này là họ sẽ có dịp nghe Tin Mừng, được chữa lành các vết
thương hồn xác, và có sự bình an.
(2) Những người từ chối các môn đệ: Con người có tự do để tiếp nhận hay từ
chối. Nếu họ chọn không đón nhận các môn đệ, họ sẽ phải lãnh mọi hậu quả của việc
từ chối: họ đã bỏ lỡ cơ hội được lắng nghe Tin Mừng, được chữa lành, và không
nhận được lời chúc bình an của các môn đệ. Đối với những người cứng lòng này,
Chúa Giêsu căn dặn: "Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành,
anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa luôn yêu thương và cho chúng ta nhiều cơ hội để lắng nghe và học hỏi
Tin Mừng. Chúng ta hãy biết thành tâm đón nhận và tận dụng khi cơ hội tới.
- Nếu chúng ta khinh thường và bỏ lỡ cơ hội, chúng ta phải lãnh nhận mọi hậu quả
do việc hững hờ gây ra. Lúc đó, chúng ta đừng trách Thiên Chúa đã gây ra đau khổ
cho chúng ta.
Lm.
Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Th. Vinh-Sơn Phao-lô, linh mục Lc 9,1-6
SỨ MỆNH HÀNG ĐẦU
“Các ông ra đi, rảo qua các
làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.” (Lc 9,6)
Suy niệm: Loan báo Tin Mừng Nước Trời là sứ mệnh hàng đầu của Chúa
Giê-su và của cả Giáo hội. Ngài đã đến trần gian và ở lại 33 năm là để thi hành
sứ mệnh này. Kế tiếp Ngài, các người được Ngài mời gọi, đi theo, ở với và rồi
được sai đi cũng mang trọng trách ấy cho đến “khi Chúa đến.” Trước
tiên, loan báo Tin Mừng hệ tại ở việc “đi”: đi vào giữa lòng đời và đi ra vùng
ngoại biên. Loan báo còn là làm chứng, thực hiện những dấu chỉ, trong đó có dấu
chỉ chữa trị những vết thương tinh thần và cả thể lý của những kẻ môn đệ Chúa
Ki-tô được sai đến. Lời loan báo, giới thiệu Tin Mừng được đón nhận dễ dàng hơn
khi có các dấu chỉ yêu thương, hy sinh, quảng đại… kèm theo. Điều này đòi hỏi
các môn đệ phải nỗ lực thích nghi, sáng kiến trong sứ vụ. Nói cách khác, để chu
toàn sứ mệnh, người môn đệ không thể ở yên một chỗ, nhưng phải di chuyển và đưa
ra những kế hoạch cụ thể, thích hợp.
Mời Bạn: Sứ mệnh cao cả song đầy
chông gai này sẽ khiến nhiều môn đệ Chúa Ki-tô chùn bước. Bạn hãy cậy nhờ đến sự
trợ giúp của Chúa: “Ơn Ta đủ cho con” (1Cr 12,9), cùng với lòng nhiệt thành yêu
mến các linh hồn, nỗ lực không mệt mỏi loan báo Tin Mừng bằng lời nói và việc
làm cụ thể, để hoàn thành sứ mệnh.
Sống Lời Chúa: Thực hiện ngay sứ mệnh
tông đồ của bạn bằng cách: - cầu nguyện và cổ võ cho ơn thiên triệu linh mục,
tu sĩ; - tham gia các hoạt động tông đồ giáo dân tại giáo xứ mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy sai con đi làm chứng nhân cho Chúa. Con
xin sẵn lòng đáp lại tiếng Chúa gọi mời. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Đừng mang gì (27.9.2017 – Thứ tư Tuần 25 Thường niên)
Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ bảo ta đừng đem gì? Đâu là những nét đặc trưng của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ 21?
Suy niệm:
Sau một thời gian sống
bên Thầy Giêsu,
thấy việc Thầy làm và
nghe lời Thầy giảng,
giờ đây nhóm Mười Hai đã
tương đối cứng cáp
để được chia sẻ chính
công việc Thầy đã làm.
Đó là rao giảng Nước
Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân (c. 2).
Nhưng trước khi được chia
sẻ công việc,
họ được chia sẻ quyền trừ
quỷ và chữa bệnh của Thầy (c. 1).
Sứ vụ họ sắp làm là một
thực tập cho sứ vụ lớn sau này (Lc 24, 46-47).
Thầy Giêsu sai nhóm Mười
Hai lên đường với những chỉ thị rõ rệt.
Không thấy Thầy bảo phải
chuẩn bị hành trang.
Ngược lại, Thầy cấm không
được mang theo gì cả.
“Đừng mang gậy, bao bị,
lương thực, tiền bạc, hai áo” (c. 3).
Ngay cả những người giảng
rong theo phái Khắc Kỷ,
tuy rất khắc khổ, nhưng
cũng được mang theo gậy và bị để ăn xin.
Thầy Giêsu muốn môn đệ
của mình hoàn toàn cậy trông vào Thiên Chúa,
và hoàn toàn cậy trông
vào lòng tốt của con người.
Họ phải tập chấp nhận
sống bấp bênh và thiếu thốn trong bình an.
Không mang đồ dự trữ,
không gậy để bảo vệ khi đi đường,
các môn đệ buộc phải mang
theo lòng tín thác vô bờ nơi Thiên Chúa.
Thầy còn chỉ thị cho cả
nhóm biết về chuyện ăn ở của họ.
Họ sẽ đến ở chung nhà với
dân chúng, ăn uống những gì họ cho.
“Khi anh em vào bất cứ
nhà nào, thì ở lại đó…” (c. 4).
Đừng đi từ nhà nọ sang
nhà kia để tìm chỗ tiện nghi hơn.
Khi ăn ở nơi nhà dân,
người tông đồ có cơ hội gần gũi với họ,
và chia sẻ cuộc sống thật
của họ, để dễ loan báo Tin Mừng hơn.
Nhưng cũng phải bình an
chấp nhận những từ khước (c. 5).
Có khi trong cả một
thành, không tìm được một gia đình để trú chân.
Thái độ phủi bụi chân lại
cho thấy một sự dứt khoát đoạn tuyệt,
không muốn dính dáng gì
với những người ở đó nữa (x. Cv 13, 50).
Khuôn mặt của người được
sai cách nay hai ngàn năm thật là đẹp.
Vừa quyền năng để trừ mọi
thứ quỷ và bệnh tật,
vừa khiêm tốn cậy dựa vào
lòng quảng đại của người khác.
Vừa có gì để cho, vừa có
gì để nhận:
cho Tin Mừng cứu độ và sự
chữa lành, nhận sự giúp đỡ vật chất.
Vừa gần gũi thân thiết
với nỗi đau thân xác của con người,
với những lo âu rất đời
thường trong một gia đình,
vừa thanh thoát với tiền
bạc, không bị chi phối bởi nhu cầu vật chất.
Nhóm Mười Hai sẽ phải đối
diện với sức mạnh của ác thần
đang tác oai tác quái
trong đời nhiều người.
Họ sẽ phải dùng quyền
Thầy trao để giải phóng con người khỏi nô lệ.
Nếu hôm nay Đức Giêsu sai
chúng ta đi, Ngài sẽ bảo ta đừng đem gì?
Đâu là những nét đặc
trưng của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ 21?
Đâu là những bệnh tật và
nô lệ của con người hôm nay?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm :
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết
chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người
tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói
về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả
năng
đẩy lui bóng tối của sự
dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau
khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể
xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá
nhỏ.
Xin dạy chúng con biết
nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG CHÍN
Được Xức Dầu Là Được Tăng Lực
Đức Giám Mục, chung quanh có các
linh mục hữu trách cộng đoàn giáo xứ, kêu xin Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người
chúng ta ân sủng của Ngài: “Xin ban cho họ… thần trí khôn ngoan và thông hiểu,
thần trí lo liệu và sức mạnh, trần trí suy biết và đạo đức, xin ban cho họ đầy
lòng kính sợ Chúa”.
Lời cầu nguyện ấy được nối tiếp
bởi việc xức dầu thánh. Đức Giám Mục đã kêu xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng
ta trở thành đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Thực vậy, Con
Thiên Chúa đã làm người để dẫn dắt mọi người đến sự viên mãn của Chúa Thánh Thần,
Đấng mà Ngài không ngừng ban tặng cho con cái loài người. Đây là Đức Kitô, Đấng
Mêsia, có nghĩa là Đấng được xức dầu. Người là Đấng đầu tiên được Thánh Thần xức
dầu và thông ban sức mạnh. Qua Bí Tích Thêm Sức, bằng một cách thế đặc biệt,
chúng ta trở thành người thông dự trong Thánh Thần mà Đức Kitô đã mang đến cho
chúng ta.
Đức Giám Mục vừa xức dầu trên
trán những người lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức vừa cầu nguyện: “Hãy lãnh nhận ấn
tín ơn Chúa Thánh Thần”, và từng người đáp lại: “Amen” (ước gì được như vậy).
Sau đó Đức Giám Mục chào những người lãnh nhận Bí tích Thêm Sức: “Bình an của
Chúa ở cùng con !” (Ga 20,19). Đây chính là những lời mà Đức Kitô Phục sinh đã
nói khi Ngài ban Thánh Thần cho các tông đồ. Vâng, chúng ta hãy hoan hỷ trong
ân sủng mà Chúa Thánh Thần đang trao ban các bạn trẻ của chúng ta. Chúa Thánh
Thần là nguồn suối bình an của Thiên Chúa vọt lên trong con người và đem lại
cho họ sự sống đời đời. Hãy chúc tụng Thiên Chúa !
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 27-9
Er 9, 5-9; Lc 9, 1-6
LỜI SUY NIỆM: Chúa Giêsu sai Mười
Hai Tông Đồ đi rao giảng. Các Tông đồ là những người đã được Chúa Giêsu kêu gọi
và chon lựa, Ngài cho họ ở với Ngài, Ngài giáo huấn họ, Ngài gây niềm tin và
tình yêu thương với họ. Để chính họ sẽ là những con người tiếp nối công
trình khai mở cho nhân loại nhận biết về Thiên Chúa độc Nhất, về tình yêu
thương và cứu độ của Thiên Chúa. Ngày hôm nay, mỗi người Ki-Tô hữu cũng phải như
các Tông Đồ xưa. Tất cả chúng ta đều có bổn phận phải làm ngôn sứ cho Ngài, tùy
vào ơn sủng và khả năng Chúa ban. Chúng ta phải tích cự làm tốt vai trò ngôn sứ
của mình.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
NGÀY 27-09
THÁNH VINHSƠN PHAOLÔ - LINH MỤC
(1581 - 1660)
Gia đình Phaolô là những nông
dân tại Pouy, gần Dax. Vincentê sinh năm 1581 là con thứ ba trong gia đình sáu
người con. Trong những ngày còn thơ ấu, Ngài lo chăn cừu cho cha. Giữa miền đồi
lộng gió này, Vincentê đã trải qua nhiều giờ trong ngày để chiêm ngắm cảnh đồng
quê và hướng lòng lên cùng Chúa. Thời gian này cũng cho Ngài những kinh nghiệm
đầu tiên về số phận của người dân quê. Từ đó, lòng bác ái sớm nẩy nở trong tâm
hồn Vincentê. Có lần thu góp được 30 xu, số tiền đáng kể đối với Ngài, nhưng
Ngài đã tặng tất cả cho những người cùng khốn. Lần khác trên đường tới nhà máy
xay Ngài âm thầm lấy một số bột bố thí cho người nghèo.
Thấy con mình có lòng bác ái lại
thông minh, ông Gioan đệ Phaolô quyết hy sinh cho Vincentê theo ơn gọi làm giáo
sĩ. Vincentê theo học các cha dòng Phanxicô tại Dax. Nhưng để tiếp tục chương
trình đại học của Vincentê, cha Ngài đã phải bán bầy cừu lo cho tương lai của
con. Dầu vậy, khi học thần học tại Toulouse, Vincentê cũng vừa lo học vừa lo dậy
kèm tư gia kiếm tiền bớt gánh nặng cho gia đình.
Sau khi thụ phong linh mục trong
hai năm trời Vincentê biến mất. Cho đến ngày nay người ta vẫn không biết rõ
trong thời gian này Vincentê ra sao. Người ta kể lại rằng có một góa phụ tại
Toulouse đã công đức tất cả tài sản của bà. Trên đường từ Marseille tới
Narbonne để nhận gia tài Ngài đã bị bọn cướp bắt bán cho một ngư phủ. Không
quên nghề Ngài lại bị bán cho một người hồi giáo làm thợ kim hoàn. Sau cùng
Ngài lại bị rơi vào tay một người phản đạo tên là Gautier. Nhờ đời sống thánh
thiện cha đã cải hóa được ông. Chính ông đã đưa cha trở lại đất Pháp. Năm sau,
ông theo cha đi Roma và vào hội bác ái để đền tội cho đến ngày qua đời.
Từ đây, cha Vincentê bắt đầu thi
hành chức vụ linh mục của Ngài. Ngài được chỉ định làm tuyên úy cho nữ hoàng
Marguerrite de Valois. Lúc này, cha Vincentê có dịp quen biết cha Phêrô
Berulle, Đấng sáng lập dòng giảng thuyết và sau này làm Hồng y. Dưới ảnh hưởng
của cha Phêrô Bérulle, cha Vincentê bắt đầu nhiệt tình sống đời hy sinh nhiệt
tình. Theo lời khuyên của Ngài, cha Vicente nhận làm tuyên úy cho gia đình
Gondi. Hướng dẫn một số một nông dân trong vùng này, Vincentê đã khám phá ra
tình trạng phá sản về tôn giáo và luân lý. Chính sự dốt nát và biếng nhác của
nhiều giáo sĩ là duyên cớ gây nên tình trạng này. Ngài quyết tâm sửa đổi thực
trạng.
Vincentê đã trở nên bạn của người
nghèo và dùng mọi phương tiện khả năng có được để hoạt động nhàm tái tạo cuộc sống
luân lý và tôn giáo của họ. Một thử nghiệm nhỏ như một linh mục quản sở tại
Chatillon les Dober cho Ngài thấy rõ vấn đề còn rộng lớn hơn nhiều. Dầu nỗ lực
cải tiến họ đạo, Ngài vẫn ưu tư cho công cuộc được bành trướng rộng rãi hơn. Trở
lại Paris với sự trợ giúp của bà Gondi Ngài bắt đầu công cuộc nâng đỡ cảnh khốn
cùng bất cứ ở nơi đâu, Ngài tổ chức "hội bác ái" trên khắp đất Pháp
cung cấp áo xống thuốc men cho người nghèo khổ hết sức rợ giúp những nô lệ bị bắt
chèo thuyền từ Paris tới Marseille. Ngài thành lập một hội dòng Lazarits với mục
đích truyền đạo cho dân quê và đào tạo giáo sĩ. Từ hội dòng bác ái ấy còn mọc
lên hội nữ tử bác ái mà y phục của họ toàn thế giới biết đến như là biểu tượng
của lòng bác ái nối liền với danh hiệu Vincentê.
Một linh mục nhà quê đã trở nên
quan trọng đối với toàn quốc từ căn phòng tại xứ thánh Lazane Ngài bành trướng ảnh
hưởng ra khắp nước Pháp, tới Balan, Ý, Hebrider Madagascar và nhiều nơi khác nữa.
Nữ hoàng Anne d'Austria nhiếp chính cho tới khi vua Luy lên cầm quyền đã hỏi ý
Ngài trong việc đặt giám mục chống lại Mazania, Ngài đã không ảnh hưởng được tới
đường lối của vị giám mục này lại còn bị khổ vì ông khi nội chiến xảy ra.
Ngài quyên góp để hàn gắn những
tàn phá do cuộc chiến xảy ra tại Loraine. Ngài lo chuộc các nô lệ tại Bắc Phi.
Các nỗ lực trên cùng với các nhu cầu và việc quản trị hội dòng ngày càng mở rộng
đã giam Ngài tại phòng riêng xứ thánh Lazane. Ngày lại ngày bận bịu viết thơ
cho các Giám mục lẫn Linh mục nghèo khổ, cho biến cố vị vọng lẫn nhu cầu nghèo
khổ trong nước. Các thư tín của Ngài hợp thành một tuyển tập làm say mê người đọc
vì trong đó pha trộn những ưu tư cho nước Chúa lẫn đức bác ái ngập tình người.
Các thư tín và các bài giảng
thuyết của Vincentê cho thấy Ngài là một trong những nhà phục hưng của Giáo hội
Pháp thế kỷ XVI. Những cuộc tĩnh tâm Ngài tổ chức tại St. Lazane cho các tiến
chức và những cuộc tĩnh tâm hàng tháng Ngài tổ chức cho các giáo sĩ tại Paris
(có cả những khuôn mặt lớn tham dự như De Rotz, Bossuet...) cho thấy ảnh hưởng
sâu rộng của Ngài trong cuộc chấn hưng đạo đức .
Năm 1660, cha Vincentê ngã bệnh
liệt giường và đau đớn vì bệnh tật Ngài vẫn vui tươi tin tưởng : - Chúa còn phải
chịu hơn tôi gấp bội.
Đối diện với cái chết Ngài bình
tĩnh : - 18 năm qua, mỗi tối tôi vẫn dọn mình chết. Ngày 27 tháng 9 năm 1660,
cha Vincentê từ trần và được tuyên thánh năm 1737.
(daminhvn.net)
27 Tháng Chín
Tuyên Úy Của Tù Nhân
Hôm nay là ngày kính nhớ
thánh Vinh Sơn đệ Phaolô. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 17, linh mục Vinh Sơn được
cử đi làm tuyên úy cho các tù khổ sai bị trói vào những cột chèo lớn trên các
thuyền buồm của đế quốc Pháp. Với bản chất nóng nảy, hiếu thắng, cục mịch... cộng
với những phản ứng thô lỗ mà có lẽ vị linh mục tuyên úy đã bị tiêm nhiễm trong
suốt thời kỳ ở với tù nhân, cha Vinh Sơn đã được một nữ bá tước ra mời làm trưởng
nhóm của một số linh mục đang phục vụ như những thừa sai giữa giới nghèo trong
khắp nước Pháp... Cha Vinh Sơn đã chấp thuận lời đề nghị.
Một khúc quanh lịch sử không
những bắt đầu với cha mà còn cho cả Giáo Hội nữa: các linh mục dòng thánh Vinh
Sơn đệ Phaolô mà chúng ta thường gọi là các cha Lazaristes đã ra đời từ đó.
Ngoài ba nhân đức thông thường ma các tu sĩ phải khấn giữ, họ còn cam kết phục
vụ hoàn toàn cho giới nghèo.
Thời gian sau, với sự cộng
tác của chị Louise de Marillac, cha Vinh Sơn đã thiết lập dòng Nữ Tử Bác Ái
cũng đeo đuổi cùng một mục đích: đó là phục vụ người nghèo... Cha Vinh Sơn đã định
nghĩa dòng nữ này như sau: nhà dòng của họ là nhà thương, nhà nguyện của họ là
nhà thờ giáo xứ, khu nội cấm của họ là các ngả đường phố xá.
Chúc thư và cũng là tinh thần
của thánh Vinh Sơn đệ Phaolô được chứa đựng trong các lá thư của ngài. Chúng ta
hãy đọc qua một đoạn sau đây: "Hãy cố gắng bằng lòng ngay giữa những điều
làm cho chúng ta bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí con khỏi những điều đang làm
con giao động. Chúa sẽ lo liệu cho mọi sự... Cha van xin con, hãy tín thác nơi
Chúa. Con sẽ có mọi sự tâm hồn con khao khát".
Chúa Giêsu đã bắt đầu bằng con số
không: Ngài nghèo đến nỗi không có nơi gối đầu. Thế nhưng ngày nay, khi nhìn
vào Giáo Hội, người ta nghĩ ngay đến quốc gia Vatican, với một bảo tàng viện
phong phú nhất, với những vương cung thánh đường lộng lẫy, với những cuộc biểu
dương rầm rộ. Người ta cũng có thể nhìn vào các tòa giám mục đồ sộ.
Các vị sáng lập dòng cũng thường
bắt đầu với con số không. Nhưng ngày nay, có ai chối cãi được rằng những cơ sở
lớn mà người ta thường thấy trong các đô thị lại thuộc về các hội dòng.
Giáo Hội và cách riêng các hội
dòng có phục vụ người nghèo và có thuộc về người nghèo không?... Có lẽ, nhiều hội
dòng mà mục đích nguyên thủy là phục vụ người nghèo và sống nghèo, cần phải đấm
ngực tự thú rằng mình đã quá đi xa tinh thần của Ðấng sáng lập... Sống nghèo
trước hết đó là sống tín thác vào Chúa quan phòng. Có thể nói đó là nhân đức trỗi
vượt và cũng là mẫu số chung của các vị thánh: phó thác hoàn toàn vào Tình Yêu
của Chúa.
Chúa kêu mời chúng ta chớ có lo
lắng thái quá về ngày mai. Càng lo lắng, con người càng nuôi dưỡng sự tham lam
và càng thiếu lòng tin tưởng vào Chúa. Lòng tin của chúng ta được đo lường bằng
chính sự phó thác vào Chúa.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét