Giáo Hội Công Giáo
Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ, Bài 44
Vũ Văn An
24/Sep/2017
Điều gì xẩy ra khi ngài còn phục vụ ở Á Căn Đình?
Ngược với khuôn mạo hiện
nay của ngài như một hình tượng truyền thông, Đức Hồng Y Bergolio phần lớn giữ
một khuôn mạo khiêm tốn lúc còn ở Buenos Aires. Những bạn bè biết ngài trong thời
gian ấy thẩy đều bỡ ngỡ trước sự biến đổi lúc làm giáo hoàng của ngài, khả năng
mới mẻ trong việc chiếu tỏa sự ấm áp và tự phát, được nhiều người gán cho hiệu
quả của ơn chức vụ.
Dịp duy nhất khiến Đức
Hồng Y Bergoglio bị kéo vào trận cuồng phong chính trị diễn ra trong cuộc tranh
luận quốc gia ở Á Căn Đình về hôn nhân đồng tính năm 2010, nhưng ngài làm thế vì
ngài là chủ tịch của hội đồng giám mục lúc ấy, nên cảm thấy có nghĩa vụ phảỉ bảo
vệ lập trường cứng rắn của đa số. Lúc tư riêng, ngài cho mọi người hay ngài sẵn
sàng chấp nhận một giải pháp thỏa hiệp đối với các cuộc kết hợp theo dân luật.
Cải cách mang dấu ấn của
ngài là phái nhiều linh mục vào các khu ổ chuột, có tên là “biệt thự khốn cùng”
để chia sẻ cuộc sống của người nghèo. Đức Hồng Y Bergoglio dành rất nhiều thì
giờ của ngài cho các khu này. Một trong các linh mục của ngài, Cha Juan Ismendi,
cho hay các khu ổ chuột là nơi Đức Hồng Y Bergoglio lấy “dưỡng khí” cần thiết để
suy nghĩ về việc Giáo Hội phải nên như thế nào.
Đức Hồng Y Bergoglio
cũng đóng một vai trò lãnh đạo giữa các giám mục của Châu Mỹ La Tinh, giúp soạn
ra văn kiện năm 2007 nhằm kêu gọi một cuộc “truyền giáo cho đại lục”, giúp Đạo
Công Giáo phục hồi từ các mất mát của nó đối với phái ngũ tuần và tin lành nói
chung, và cũng xa gần ủng hộ một phong trào hướng tới việc hội nhập toàn thể đại
lục, dưới danh hiệu Patria Grande (Đại
Quê Hương).
Ngài đóng vai trò gì trong “Cuộc Chiến Bẩn Thỉu” của Á
Căn Đình?
Trong thời gian trên,
vai trò của ngài đã là một điều để tranh luận. Năm 2005, một nhà báo Á Căn Đình
cánh tả và là cựu du kích chiến tên Horacio Verbitsky, vốn thân cận với chính
phủ của Nữ Tổng Thống Christina Kirchner, tố cáo Đức Hồng Y Bergoglio đồng loã
trong việc bắt giam và tra tấn hai tu sĩ Dòng Tên cấp tiến trong cuộc Chiến
Tranh Bẩn Thỉu.
Các cáo buộc trên liên
tiếp bị bác bỏ, bởi cả một trong các tu sĩ Dòng Tên bị tra tấn, Cha Farnz
Jalics, người đã nói thẳng thừng rằng ngài và các đồng linh mục tranh đấu
“không bị Cha Bergoglio tố cáo”. Em gái của Đức Giáo Hoàng, Maria Elena
Bergoglio, cũng nói rằng gia đình trốn khỏi Ý trong thập niên 1920, một phần vì
chống lại bầu khí phátxít đang lớn dần dưới thời Mussolini; bà nhấn mạnh rằng
anh trai bà không thể phản bội lại di sản này.
Một cuốn sách gần đây
của nhà báo Ý Nello Scavo, tựa là Danh Sách Của Bergoglio, ví vị giáo hoàng
tương lai là Oscar Schindler của Á Căn Đình, tránh không phản đối công khai để
có thể giúp đỡ nhiều người ở hậu trường. Một trường hợp như thế là một luật sư
Á Căn Đình và là nhà tranh đấu nhân quyền tên là Alicia Oliveira, có 3 đứa con
được Cha Bergoglio cho trú tại một trường học Dòng Tên khi mẹ chúng phải đi ẩn
trốn. Bà cho hay hai lần mỗi tuần, Cha Bergoglio đều đem bà tới gặp các con, bất
chấp sự kiện đã có lệnh bắt giam bà.
Bà nói với Scavo
“Không ai cần giải thích cho tôi hay Cha Bergoglio là ai. Ngài giúp đỡ nhiều
người bị bách hại trốn thoát, đặt chính mạng sống của ngài vào thế nguy hiểm”.
Sau khi trở thành giáo hoàng, các hành động đầu tiên của
ngài là gì?
Quyết định đầu tiên của
bất cứ vị giáo hoàng nào là chọn một tên hiệu, và trong trường hợp này, tên hiệu
gây ngạc nhiên rất lớn: Phanxicô, gợi lại hình ảnh Thánh Phanxicô đầy hình tượng
của thế kỷ 12 và 13 và tình yêu của vị thánh dành cho “Công Nương Nghèo”. Quan
tâm của vị tân giáo hoàng đối với người nghèo đã được nói một cách ngắn gọn vào
ba ngày sau, khi ngài tỏ ý mong ước có “một Giáo Hội nghèo cho người nghèo”.
Một số các nhà chuyên
môn về ngôi vị giáo hoàng nói rằng không vị giáo hoàng nào đã lấy tên Phanxicô,
vì cùng một lý do như không vị nào lấy tên Giêsu hay Phêrô, vì chỉ có một vị có
tên đó mà thôi. Bởi thế, việc chọn tên này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy đây là
một vị giáo hoàng không bị trói buộc bởi tập quán.
Khi ngài tự giới thiệu
ngài cho thế giới, tân giáo hoàng lại phá truyền thống một lần nữa, bằng cách
xin đám đông ở Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô cầu nguyện cho ngài trước khi
ngài ban phép lành. Mấy ngày sau đó, ngài tiếp tục làm theo lối riêng của ngài:
dùng xe búyt hơn là xe limousine của giáo hoàng, bỏ điện giáo hoàng để ngụ tại
một căn phòng khiêm tốn ở một khách sạn của Vatican, bỏ các bản văn dọn sẵn để
nói ứng khẩu, và lao vào đám đông gần như không e dè gì.
Ngài cũng cho biết rõ:
là một nhà quản trị, ngài không bị bất cứ ai lèo lái. Ngài giữ lịch riêng, qua
mặt các người canh cửa, theo truyền thống, vẫn kiểm soát việc ra vào để gặp xếp,
và tự động gọi điện thoại, đôi khi gọi người lạ hoắc từng viết thư xin chuyện
vãn với ngài.
Kết quả thuần của đức
đơn sơ, và nhân cách dễ dãi của ngài, là để làm sống dậy uy thế và sức hấp dẫn
của ngôi vị giáo hoàng. Trước khi ngài được bầu, các câu truyện nổi bật của
truyền thông về Giáo Hội Công Giáo tập chú vào các tai tiếng lạm dụng tình dục,
các biến cố gây tai họa (meltdowns) của Vatican, và các tranh cãi chính trị gây
thương tổn. Dù không có điều nào trong các điều vừa kể đã biến đi, nhưng sau
khi đức Phanxicô lên ngôi, câu chuyện cốt lõi đã trở thành “Vị giáo hoàng minh
tinh nhạc rock đang khiến thế giới bốc lửa!”.
Chóp đỉnh nghị trình của ngài có những cuộc cải tổ nào?
Đức Phanxicô từng nói
rằng cải tổ trong Giáo Hội là một diễn trình hai bước. Thứ nhất, người ta phải
làm cho “các thái độ” ra đúng đắn, nghĩa là phải có viễn kiến và các ưu tiên,
thì rồi các cơ cấu và chính sách sẽ đến sau.
Về các thái độ, Đức
Phanxicô dự tính một viễn kiến mới mẻ về việc lãnh đạo trong Giáo Hội, bác bỏ
điều ngài gọi là “tâm lý học ông hoàng”, ủng hộ các vị mục tử mang “mùi chiên của
họ” vì họ gần gũi với người dân thường.
Ngài cũng đã kêu gọi một
Giáo Hội biết ưu tiên hóa việc vươn tay ra bên ngoài, nhất là để chào đón những
người đã bỏ đi, trong tinh thần của dụ ngôn người con trai hoang đàng trong
Thánh Kinh. Một trong những câu nói ngài ưa thích là giáo hội nào dành quá nhiều
thì giờ ở phòng áo lễ sẽ bị bệnh; muốn khỏe mạnh, phải ra ngoài phố.
Về cơ cấu, Đức
Phanxicô đã lập ra tân Hội Đồng Hồng Y, gồm 8 (sau tăng lên 9) nhà lãnh đạo khắp
thế giới, thuộc mọi lục địa, với ý niệm bảo đảm để tiếng nói của các giáo hội địa
phương được nghe tốt hơn ở Rôma. Ngài cũng lập ra hai Ủy Ban để xem xét việc cải
tổ, một ủy ban nghiên cứu Viện Các Công Trình Tôn Giáo, vốn được gọi là Ngân
Hàng Vatican, và ủy ban kia lo nghiên cứu các cơ cấu kinh tế và hành chánh bao
quát hơn.
Nói chung, Đức
Phanxicô cho biết rõ ngài muốn nền tài chánh của Vatican hoạt động theo hướng
trong sáng và trách nhiệm giải trình nhiều hơn, dù về mặt công khai, ngài vốn
thả nổi khả năng có thể đóng cửa ngân hàng này nếu nó chứng tỏ không thể cải tổ.
Ngài cũng thay đổi các
nhân viên chủ chốt; nói chung, ngài thích các nhà ngoại giao ôn hòa hơn những
người kiên định về tín lý, và ngài triệu tập thượng hội đồng giám mục thế giới
vào tháng Mười để nói về hôn nhân, trong đó, có vấn để gây tranh cãi là cho
phép người Công Giáo ly dị và tái hôn rước lễ.
Ngài có lập trường nào về các cuộc chiến văn hóa?
Trong cuộc phỏng vấn nổi
tiếng của ngài với tờ báo của Dòng Tên hồi tháng Chín năm 2013, Đức Phanxicô
nói rằng “giáo huấn của Giáo Hội rất rõ ràng” đối với các vấn đề như ngừa thai,
phá thai, và hôn nhân đồng tính, nên “không cần phải nói về các vấn đề này bất
cứ lúc nào”. Các nhà bình luận coi các phát biểu này như dấu chỉ cho thấy vị
giáo hoàng đương nhiệm không chú tâm vào các cuộc chiến văn hóa của Tây Phương,
và tạo ra khá nhiều lo lắng nơi các giới phò sự sống.
Robert Royal, một trí
thức Công Giáo đáng kính và là chủ tịch của trung tâm nghiên cứu Faith and
Reason (Đức Tin và Lý Trí), đặt trụ sở ở Washington D.C., mô tả phản ứng trên
như sau: “Khi NARAL [nhóm tranh đấu quyền phá thai] gửi cho bạn thiệp cám ơn,
thì rõ ràng có điều gì đó lầm lẫn trong thông đạt”.
Khắp thế giới, các
giám mục cảm thấy có bổn phận phải làm những người phò sự sống an tâm bằng cách
nói với họ rằng không phải Đức Giáo Hoàng hết hỗ trợ họ đâu.
Đức Hồng Y Sean
O’Malley của Boston, chẳng hạn, nói rằng “tôi nghĩ ngài nói về tình yêu và lòng
thương xót để cho người ta thấy ngữ cảnh giáo huấn của Giáo Hội về phá thai.
Chúng ta chống đối phá thai, không phải vì chúng ta nhỏ mọn hay cổ lổ sĩ, mà vì
chúng ta yêu thương người ta”.
Thực vậy, không có dấu
chỉ nào cho thấy Đức Phanxicô muốn xem xét lại toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội về
luân lý tính dục và ta có mọi lý do để tin rằng ngài cũng cam kết đối với “Tin
Mừng Sự Sống” y như các vị tiền nhiệm.
Mấy ngày sau khi cuộc
phỏng vấn của tờ báo Dòng Tên được công bố, Đức Phanxicô đọc một bài diễn văn
trước Liên Đoàn Quốc Tế Các Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo. Trong bài diễn văn này,
ngài trình bầy một sứ điệp phò sự sống rất mạnh. Ngài nói: “Mọi trẻ em chưa
sinh ra, bị kết án một cách bất công phải bị phá thai, đều mang gương mặt của
Thiên Chúa, Đấng trước khi được sinh ra và ngay sau khi sinh ra, đả cảm nhận sự
bác bỏ của thế giới”.
Sự thay đổi dưới triều
Đức Phanxicô, do đó, không phải là sự thay đổi về nội dung, mà chỉ là vấ đề chiến
lược. Ngài tin Giáo Hội đã đưa ra các lập trường rõ rệt về các cuộc chiến văn
hóa, và nay là lúc làm hai việc khác: tỏa chiếu gương mặt thương xót lên những
người đang lao đao với các vấn đề đạo đức khó khăn và đề cao tin mừng xã hội của
Giáo Hội. Dù hai điểm ưu tiên này không hủy bỏ giáo huấn của Giáo Hội, song
chúng chắc chắn hiệu chuẩn lại cách người tín hữu thông thường tiếp nhận giáo
huấn này.
Đâu là các ưu tiên chính trị của ngài?
Dù Đức Phanxicô từng
nói rằng người giáo dân, chứ không phải các giáo sĩ, phải dẫn đầu việc giải quyết
các vấn đề chính trị của thời đại, song điều này không có nghĩa ngài không có
gì để nói về vấn đề này.
Thí dụ, Đức Phanxicô từng
cảnh cáo chống lại các thái quá của điều ngài gọi là “chủ nghĩa tư bản man rợ”.
Trong một bài diễn văn với 20,000 công nhân thất nghiệp ở Cagliari, Ý, hồi
tháng Chín năm 2012, ngài cho biết: “chúng ta không muốn hệ thống kinh tế hoàn
cầu hóa này gây hại cho chúng ta đến thế. Các người nam nữ phải nằm ở tâm điểm
[hệ thống kinh tế] chứ không phải tiền bạc”.
Khi ngài đến thăm Ba
Tây hồi tháng Bẩy, ngài dừng chân tại một favela, tức khu ổ chuột, gọi là
Varginha, được coi như “Giải Gaza” của Rio vì đây là hiện trường của các vụ xô
xát đẫm máu giữa các băng đảng giành quyền kiểm soát cũng như giữa các băng đảng
và cảnh sát. Năm 2012, các cơ quan an ninh đã tổ chức một cuộc tấn công ồ ạt,
và các giới chức ở Rio khoe khoang rằng ngày nay hòa bình đã trở lại, một lập
trường bị Đức Giáo Hoàng thẳng thừng thách thức.
Hôm đó, ngài nói:
“không một chút ‘xây dựng hòa bình’ nào lâu bền cả, và cũng không có sự hòa hợp
và hạnh phúc nào đạt được trong một xã hội làm ngơ, đẩy một phần của mình qua
bên lề hay trừ khử họ. Một xã hội loại này chì đơn giản làm mình ra nghèo nàn,
đánh mất một điều gì đó có tính chủ yếu”.
Đức Phanxicô cũng lưu
ý tới quyền lợi của di dân và hòa bình. Ngày 8 tháng Bẩy năm 2013, ngài tới
thăm Đảo Lampedusa, một địa điểm chính cho các di dân nghèo khổ tìm cách tới Âu
Châu, để lên án “việc hoàn cầu hóa lòng dửng dưng”. Ngài cũng phát động một áp
lực toàn diện chống lại sự can thiệp quân sự của Tây Phương vào Syria, qua lời
kêu gọi một ngày hoàn cầu ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình vào hôm mồng 7
tháng Chín.
Nhiệm kỳ của Đức Phanxicô cho ta biết điều gì về tương
lai Giáo Hội?
Dù quá sớm để lượng định
di sản lâu dài của Đức Phanxicô, ít nhất cũng có 3 điểm khá rõ ràng cho thấy
Giáo Hôi đang đi về đâu dưới sự dìu dắt của ngài.
Thứ nhất, Đức Phanxicô
đang tượng trưng cho việc đi lên của thế giới đang phát triển và vai trò lãnh đạo
mà các cá nhân và phong trào ở bên ngoài Tây Phương sẽ đảm nhiệm. Đến giữa thế
kỷ này, 3 phần 4 người Công Giáo sẽ sống ở Nam Bán Cầu, và càng ngày các thiên
hướng và ưu tiên của họ càng có khuynh hướng đặt định ra các sắc thái. Theo chiều
hướng này, Đức Phanxicô là biểu tượng tối hậu của việc biến đổi dân số học sâu
xa đang lên khuôn lại Đạo Công Giáo.
Thứ hai, sau 35 năm dưới
sự lãnh đạo của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Bênêđíctô XVI, trong đó phần lớn
người ta tri cảm Đạo Công Giáo như dạt qua cánh hữu, điều xem ra rõ ràng là Đức
Phanxicô muốn đem Giáo Hội trở lại cánh giữa, cả trong các ưu tiên chính trị lẫn
sinh hoạt tín lý và phụng vụ nội bộ. Ngoài nhiều khía cạnh khác, điều này hàm
nghĩa đề cao tin mừng xã hội của Giáo Hội, tức các quan tâm đối với người
nghèo, hòa bình, và môi trường, cùng với nghị trình phò sự sống.
Thứ ba, Đức Phanxicô
cũng hiệu chuẩn lại các chờ mong đối với các vị lãnh đạo Công Giáo, nhất là các
vị giám mục của Giáo Hội. Vì cung giọng mới ngài đưa ra, người Công Giáo khắp
thế giới hiện nay chờ mong các giám mục của họ sống và ăn mặc khiêm tốn hơn,
năng lui tới với người dân bình thường hơn, ra ngoài và biểu lộ một tinh thần
ngược xuôi hơn đối với việc truyền giáo, và tỏa chiếu một gương mặt cảm thương
hơn cho sứ điệp Công Giáo.
Liệu có thành công
không? Vẫn còn nhiều tranh luận về việc này, nhưng đây là một tình tiết nhỏ
nhưng nói lên khá nhiều: hồi tháng Năm, một vị Hồng Y cựu trào người Ý, người
bình thường lúc nào cũng trịnh trọng, ăn vận bảnh bao theo lối giáo sĩ, nay xuất
hiện tại một nhà hàng ở Rôma, ăn vận xoàng xĩnh trông thấy. Được hỏi về sự thay
đổi, ngài đưa ra câu trả lời khá dí dỏm: do “hiệu quả Phanxicô”.
Vị Hồng Y trên nói rằng:
“dưới thời vị giáo hoàng này, sống đơn giản là hợp thời trang!”
Hết
Kỳ sau: Các Tài Liệu Nên Đọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét