24/09/2017
Chúa Nhật 25 thường niên năm A
(phần I)
Bài Ðọc I: Is 55, 6-9
"Tư tưởng Ta
không phải là tư tưởng các ngươi".
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Hãy tìm Chúa khi còn
tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối
mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người
sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.
Vì tư tưởng Ta không
phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của
Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên
đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 144, 2-3.
8-9. 17-18
Ðáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người (c. 18a).
Xướng: 1) Hằng ngày
tôi sẽ chúc tụng Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại
và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được. - Ðáp.
2) Chúa nhân ái và từ
bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi người, và từ bi với
mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.
3) Chúa công minh
trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ
kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Pl 1,
20c-24. 27a
"Ðối với tôi,
sống là Ðức Kitô"
Trích thư Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, dù
tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với
tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt
này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng
nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức
Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh
em. Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! -
Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang
trên các tầng trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 20, 1-16a
"Hay mắt bạn
ganh tị, vì tôi nhân lành chăng".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như chủ nhà kia
sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm
thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ
ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng:
"Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng
đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm
như vậy.
Ðến khoảng giờ thứ mười
một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi
đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có
ai thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn
nho ta".
Ðến chiều chủ vườn nho
bảo người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ,
từ người đến sau hết tới người đến trước hết." Vậy những người làm từ giờ
thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.
Tới phiên những người
đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người
một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người
đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà
ông kể họ bằng chúng tôi sao"? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng:
"Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận
với tôi một đồng sao?" Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người
đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn
ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ
trước hết sẽ nên sau hết".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Thiên Chúa Nhân Lành
Bài Tin Mừng hôm nay rất
quen thuộc. Chúng ta đã nhiều lần nghe đọc. Nhưng có lẽ chúng ta vẫn chưa thấy
sáng tỏ hoàn toàn. Thái độ của người chủ hộ hợp lý nhưng có lẽ không mấy hợp
tình. Và nếu chúng ta chưa hoàn toàn chấp nhận được thái độ đó, chúng ta còn phải
tìm hiểu, bởi vì nói đã được dùng để gợi lên thái độ của Thiên Chúa đối với
chúng ta. Còn khúc mắc về thái độ ấy, lòng chúng ta tin vào Chúa vẫn chưa hoàn
toàn và đời sống đạo đức của chúng ta chưa chân thực. Chúng ta cứ tìm hiểu bài
Tin Mừng trước, vì quan trọng hơn. Rồi nhờ ánh sáng của chính Lời Chúa Cứu Thế,
chúng ta sẽ dễ hiểu hai bài đọc kia.
A. Lời Khuyên Của Tin
Mừng
Sách Tin Mừng theo
thánh Matthêô có nhiều dụ ngôn về Nước Trời, vì chính Ðức Yêsu thường dùng dụ
ngôn để nói với dân chúng. Có nhiều lý do để Người dùng hình thức này. Chân lý
được diễn tả sống động và phong phú hơn. Nhất là dụ ngôn có thể thoát khỏi giới
hạn của không gian và thời gian. Người ở mọi thời và ở mọi nơi cũng như ở mọi
trình độ văn hóa đều có thể cảm thấy, nghe thấy, trông thấy một cái gì của chân
lý qua hình ảnh và câu chuyện. Nhưng nói như vậy cũng có nghĩa là hình ảnh và
câu chuyện gợi lên mầu nhiệm hơn là chứng minh chân lý. Hình ảnh và chuyện kể
chẳng bao giờ hoàn toàn vì phải để chỗ cho mầu nhiệm và chân lý vượt xa hơn. Thế
nên đối với dụ ngôn, người ta luôn phải vươn tới chân lý và mầu nhiệm, chứ
không được dừng lại phê bình hình ảnh và câu chuyện.
Ðó là điều chúng ta phải
áp dụng khi tìm hiểu mọi dụ ngôn, không riêng gì dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm
nay. Người gia chủ đi thuê thợ làm vườn nho thật sớm. Ông mặc cả với họ công nhật
một đồng. Ba giờ sau, tức là vào khoảng 9 giờ sáng, ông lại gặp những người thợ
đứng không, chưa ai mướn. Ông thuê họ đi làm vườn nho cho ông và hứa sẽ trả
công đích đáng, tức là không trên một đồng vì đã mặc cả với những người trước
như thế. Vào lúc 12 giờ, rồi 15 giờ và 18 giờ, ông còn làm như vậy. Thái độ của
ông thật lạ lùng. Ông khác với mọi người. Chỉ còn một giờ nữa là tối, mà còn đi
thuê thợ. Nhưng trong dụ ngôn, chuyện kể không phải là điều cốt yếu. Nó dẫn đến
một cái gì xa hơn và người gia chủ ở đây đưa về một con người khác.
Vậy sau đó dụ ngôn đã
nói thế nào? Người gia chủ bảo viên quản lý trả công cho thợ, và bắt đầu từ người
mướn sau cùng. Họ được một đồng. Chắc họ đã phải trố mắt ra bỡ ngỡ và sung sướng
nhận đồng tiền không ngờ. Ðiều đó khiến những người trước chan chứa hy vọng. Họ
tưởng sẽ được nhiều hơn và đã thầm quý ông chủ. Ai ngờ, họ cũng chỉ nhận được một
đồng. Lập tức họ đã càm ràm. Chúng ta thông cảm với họ. Vì ở địa vị họ, ai cũng
dễ làm như thế. Họ là loài người chúng ta, đang khi người gia chủ lại không thuộc
thế gian này.
Hơn nữa, ở đây, họ còn
là dân Dothái và là hạng Biệt phái, những người đinh ninh đã giữ trọn Lề luật
và cho mình có quyền coi khinh những người khác, tưởng rằng hạng này sẽ chẳng
bao giờ được bằng mình. Chúng ta có thể nghĩ như thế dựa vào những điều Matthêô
viết trước đây. Vì trước khi kể dụ ngôn này, ông nói có người thanh niên đã đến
hỏi Ðức Yêsu phải làm gì để được sống đời đời. Và anh khoe đã giữ trọn Lề luật.
Nhưng đến khi Người bảo anh đi bán mọi sự và lại đây đi theo Người như Phêrô và
các Tông đồ, những người đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa, anh đã bỏ đi một cách buồn
phiền. Và Ðức Yêsu đã kết thúc câu chuyện của anh bằng câu: Kẻ trước hết sẽ nên
sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết. Người cũng dùng câu ấy để chấm dứt câu
chuyện về các người thuê mướn, khiến chúng ta như được mời gọi đồng hóa dân
Dothái giữ Lề luật và hạng Biệt phái với những kẻ đến trước và mướn trước còn
những người đến sau và mướn sau là các Tông đồ và Dân Mới, dân ngoại trở lại của
Nước Trời sau này. Dưới mắt người Dothái, dân ngoại và các Tông đồ đi theo Ðức
Yêsu chỉ là con nít và trẻ nhỏ sánh với các ông Biệt phái và Dân được tuyển chọn.
Nhưng ở đây Ðức Yêsu vừa tuyên bố Nước Trời là của những người bé nhỏ. Và Người
kể câu chuyện dụ ngôn hôm nay ở trong chiều hướng đó, khiến chúng ta khi hiểu
như thế, sẽ thấy bài dụ ngôn sáng sủa hơn.
Vậy, những người được
mướn trước đã phàn nàn thế nào? Họ nói: "Hạng cuối hết này chỉ làm có một
giờ, thế mà ông lại kể ngang hàng với chúng tôi là những kẻ đã vác nặng cả một
ngày trường với nắng nôi thiêu cháy". Họ so sánh, phân bì, ghen tương. Họ
không chịu cho anh em được bằng mình. Họ nói lên tâm trạng của Biệt phái và người
Dothái khi thấy Chúa thương xót người thu thuế tội lỗi và lương dân. Tâm địa còn
được nhiều dụ ngôn khác nói lên. Như trong truyện "người con phung
phá", người anh đã bất bình, không muốn chia sẻ tình thương của người cha
với đứa em... Và trong chuyện Zakhê, các Biệt phái đã bất bình khi thấy Chúa
Yêsu ngồi ăn với những thu thuế. Rồi trong chuyện xảy ra tại nhà ông Simon, người
ta cũng càm ràm khi thấy người phụ nữ tội lỗi được lòng thương xót của Chúa. Và
trong mọi câu chuyện trên, Ðức Yêsu đều muốn dạy người ta bài học này: "Ta
muốn lòng nhân nghĩa chứ không phải hy lễ!".
Ở đây cũng vậy, Người
muốn chúng ta đối với Nước Trời phải nên như trẻ nhỏ, không nên cậy dựa vào
công việc của mình và nhất là không được biệt phái, kỳ thị anh em. Người kể dụ
ngôn sau khi thấy người ta xua đuổi các trẻ nhỏ, không cho chúng đến với Người.
Nhưng Người bảo Nước Trời là của những người giống như chúng. Thế thì những người
thợ mướn cuối cùng đây cũng đáng thương. Người gia chủ đã thương họ khi gọi họ
vào làm khi trời đã xế. Ông muốn những người đến trước cũng đồng phận như kẻ đến
sau, phải nhìn nhận những người này như đồng liêu và tay chân của mình để sung
sướng khi thấy họ cũng được hạnh phúc như mình. Nhưng khốn nỗi, người ta lại
ích kỷ, không nghĩ như Chúa. Và đó là điều Chúa muốn nói lên trong bài dụ ngôn
để người ta sửa lại. Và lời khuyên này Isaia đã tiên báo và Phaolô sẽ thi hành.
Chúng ta hãy tìm hiểu hai bài đọc này.
B. Isaia Tiên Báo Ðường
Lối Của Chúa
Nhà tiên tri loan báo
Lời Chúa hôm nay vào khoảng cuối thời Lưu đày. Ðã 50 năm Dân Chúa phải xa quê
hương. Còn có hy vọng trở về nữa không? Các tiên tri cứ loan tin Chúa sẽ cứu đấy.
Nhưng bao giờ? Và cách nào? Cứ xem tình hình cụ thể, chẳng có gì hứa hẹn cả. Thế
nên nhiều người đã tính chuyện làm ăn lâu dài ở đất khách, người khác nản chí
đâm ra tội lỗi. Chỉ còn một thiểu số nhỏ nhoi tin vào Lời Hứa và chờ đợi. Họ được
các tiên tri khích lệ, mà Isaia là một.
Hôm nay ông nói: Hãy
tìm kiếm Chúa, vì Người còn cho gặp; hãy kêu khấn Người, vì Ngưòi còn ở gần
bên. Nghĩa là nhà tiên tri bao dân đừng nản chí, đừng bỏ Chúa vì Người còn cho
gặp và còn ở gần bên, chứ chưa đoạn tuyệt bỏ đi không đoái hoài đến chúng ta nữa.
Người chỉ chờ ác nhân bỏ đường lối của nó và trở lại để Người chạnh thương.
Vẫn là những lời
khuyên cũ kỹ ư? Dân nghe mãi những lời ấy rồi. Isaia biết như vậy. Ông phải đem
đến cho Dân những ý tưởng mới mẻ. Hoặc ông phải thay đổi cách Dân suy nghĩ. Và
đây là lời ông tuyên bố nhân Danh Chúa. Nói đúng hơn, ông xin Người nói thẳng
cho Dân cứng đầu cứng cổ này. Và Chúa phán: "Ý nghĩ của Ta không phải là ý
nghĩ của các ngươi... vì trời cao hơn đất bao nhiêu cũng vậy đường lối của Ta
vượt hơn đường lối của các ngươi".
Những lời thật đơn giản
và thật chắc chắn. Không cần biện minh gì cả. Trời với đất xa nhau. Chúa cũng
xa chúng ta như vậy và đường lối Người sánh với ý nghĩ của chúng ta cũng thế. Chúng
ta cứ quanh quẩn với những suy tư nhỏ bé của mình đang khi Chúa bao quát mọi sự
một cách tuyệt diệu. Ai khôn thì cứ tin tưởng vào Người; và ai tin Người thì cứ
lấy lời Người làm ánh sáng. Người bảo Người sẽ cứu Dân thì nhất định Người sẽ cứu
cho dù lúc này không thấy có dấu chỉ nào.
Và quả thật Chúa đã cứu
Dân một cách không ai ngờ được. Và việc giải cứu của Người vượt quá mọi dự liệu
của người ta. Người ta được cứu mà tưởng như mơ... Lúc đó mới thật phúc cho những
kẻ đã tin tưởng ở Lời Chúa và bẽ bàng thay cho những kẻ suy tính theo ý mình.
Thế mà nhiều người vẫn
không sống theo chân lý mạc khải ấy, kể cả những người vẫn đọc sách Isaia như
Biệt phái và Luật sĩ đời Ðức Yêsu. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy rõ họ vẫn suy
nghĩ theo ý mình và không mảy may quan tâm đến Ý Chúa. Nên một lần nữa Chúa
Yêsu lại phải dùng dụ ngôn để nhắc lại cho họ và kêu gọi họ hãy đi vào đường lối
của Người. Họ hãy chia sẻ lòng thương xót của Người muốn cứu vớt tất cả mọi người
là đồng liêu của họ, nhưng luôn luôn bị họ coi là rốt bét không đáng được công
như mình. Thánh Phaolô thì cư xử khác hẳn.
C. Phaolô Thi Hành Ý
Chúa
Thánh Tông đồ đã viết
những hàng thư này khi đang bị cầm tù. Người không rõ số phận sẽ ra sao: được
tha hay phải chết? Có điều chắc chắn "mọi lúc sao bây giờ cũng vậy, Ðức
Kitô phải được tôn vinh nơi thân mình tôi, dù tôi sống hay tôi chết". Ước
gì mọi người chúng ta có thể quả quyết như người. Người đã dâng cuộc đời mình
cho Ðức Kitô hay như người nói trong câu tiếp, đối với người sống chính là Ðức
Kitô. Nghĩa là Ðức Kitô là lẽ sống của người, thì dù sống hay chết, người vẫn
thuộc về Ðức Kitô và làm vinh hiển Chúa nơi thân xác tức là trong cuộc đời của
người. Người là Kitô hữu đầy đủ nhất và là gương mẫu của hết thảy chúng ta.
Vậy đối với người đã sống
hoàn toàn cho Chúa thì vấn đề sống hay chết không còn ý nghĩa gì nữa. Nói đúng
hơn không còn là vấn đề nữa; vì dù mạng sống của người ấy đã ở trong tay Chúa,
họ vẫn còn tự do để suy nghĩ hầu tìm ra ý nghĩa cao cả của Ý Chúa nhiệm mầu. Và
thánh Phaolô trong bài thư hôm nay đã làm như vậy. Một đàng Người chắc chắn dù
sống hay chết, cuộc đời của người vẫn làm vinh hiển Ðức Kitô; thế nên người cảm
thấy bình an, phấn khởi thật sự trước tương lai không rõ rệt. Ðàng khác, người
vẫn cố suy nghĩ về Ý Chúa nhiệm mầu trong cả hai trường hợp hoặc sống hoặc chết,
để có thể tôn vinh Chúa hơn khi kết hợp ý chí của mình vào thánh ý Chúa. Người
nghĩ: chết là điều tối hảo gấp bội vì được thoát ly khỏi đời này và được ở cùng
Ðức Kitô. Nhưng lưu trú trong thân xác lại khẩn trương vì người cần cho giáo
dân và các linh hồn. Nghĩ như vậy, thì người thấy ngay chắc chắn người còn được
sống để phục vụ vì Ý Chúa vẫn muốn xót thương cứu độ mọi người.
Thánh Phaolô quả thật
đã thi hành Lời Chúa khuyên trong bài Tin Mừng và được Isaia báo trước. Chúa muốn
chúng ta luôn tôn trọng quan điểm của Chúa và biết bỏ mình để làm theo Ý Người,
Mà Ý của Người là cứu thế và cứu hết mọi người, kể cả những người mà chúng ta vẫn
coi như là rốt hết. Người muốn cho họ cũng được hưởng lòng xót thương của Người
và Người muốn chúng ta chia sẻ thái độ phải có đối với những người anh em lỗi
phạm, nay được bổ túc bằng lời kêu gọi chúng ta đưa anh em vào trong hạnh phúc
viên mãn mà chính chúng ta đang ao ước cho mình.
Thánh lễ này theo Ý
Chúa cũng phải được cử hành trong chiều hướng đó. Chúa muốn tất cả mọi người được
đưa vào kết hợp trong một thân thể mầu nhiệm, để trong cuộc sống hằng ngày,
không ai loại trừ ai ; nhưng nhìn vào lòng Chúa xót thương mọi người, chúng ta
bỏ mọi ý nghĩ so sánh ghen tương của mình để cầu mong và giúp đỡ cho mọi anh em
được hạnh phúc như chúng ta và hơn chúng ta. Như vậy chúng ta sẽ đẹp lòng Chúa
và đã thi hành Lời Chúa nói với chúng ta qua các bài Kinh Thánh hôm nay.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 25 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Isa
55:6-9; Phil 1:20-24, 27; Mt 20:1-16.
GIỚI THIỆU CHỦ
ĐỀ: Khôn ngoan đích thực.
Con người yêu mến sự
khôn ngoan nên không ngừng tìm kiếm những giải pháp khôn ngoan nhất cho các vấn
nạn của cuộc đời. Có nhiều người bỏ cả cuộc đời để nghiên cứu, để đề xướng, để
sống và chết cho lý tưởng mình cưu mang, chẳng hạn: các triết gia của các môn
phái duy linh (Plato), duy lý (Descartes), duy vật (K. Marx, ông tổ của chủ
nghĩa cộng sản), hiện sinh (Hegel)… Các học thuyết họ đề xướng được mọi người
hoan nghênh đón nhận trong một thời gian rồi cũng dần dần lui vào bóng tối vì
không giải quyết được tòan bộ các vấn nạn của cuộc đời. Chỉ có cuốn Kinh Thánh
vẫn tồn tại từ bao ngàn năm qua vì nó cung cấp cho con người sự khôn ngoan đích
thực đến từ Thiên Chúa, là nguồn gốc mọi sự và cùng đích mọi lòai. Bài đọc I
hôm nay giới thiệu cho chúng ta một sự khôn ngoan trên hết mọi khôn ngoan, đó
là sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa. Thánh Phaolô sẵn sàng chấp nhận những gì mà
thế gian cho là điên rồ: đau khổ và chết cho Tin Mừng. Phúc Âm dạy chúng ta
lòng thương xót và rộng lượng của Thiên Chúa trong cách đối xử với con người,
nhất là những người kém may mắn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Khôn ngoan của Thiên Chúa và của con người.
Tiên tri Isaiah so
sánh sự khôn ngoan của Thiên Chúa với sự khôn ngoan của con người trong việc đối
xử với kẻ gian ác: Theo cách cư xử con người, “Mắt đền mắt, răng đền răng” (Exo
21:24; Lv 24:20). Kẻ giết người phải chịu tử hình; có ăn năn cũng muộn rồi.
Theo cách cư xử của Chúa, Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn họ bỏ
tư tưởng và đường lối họ đang theo mà trở về để được Người xót thương tha thứ.
Con người thường có
khuynh hướng lọai suy: Họ lấy sự suy nghĩ và tiêu chuẩn của con người để áp dụng
cho Thiên Chúa. Tiên tri Isaiah phản đối cách suy diễn này khi tuyên sấm cách
xác quyết về vị thế của Thiên Chúa: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư
tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta.”
Không phải chỉ có sự
khác biệt về khôn ngoan giữa Thiên Chúa và con người, nhưng nhiều khi còn hòan
tòan đối ngược nhau! Giữa Thiên Chúa và con người có một khỏang cách bao la như
khỏang cách giữa trời và đất; và không có một khôn ngoan nào trên trần thế có
thể so sánh được với sự khôn ngoan của Thiên Chúa, như lời Ngài phán: “Trời cao
hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư
tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.”
2/ Bài đọc II: Khôn ngoan của thánh Phaolô: muốn được chịu gian khổ và chết
cho Tin Mừng.
Con người thường có
khuynh hướng trốn tránh đau khổ và sợ chết, nhưng thánh Phaolô lại muốn được chịu
đau khổ vì Tin Mừng và hy vọng được chết để làm chứng cho Chúa. Lý do: Đối với
con người không có đức tin, chết là hết, là đi vào cõi tiêu diệt; nên họ sợ đau
khổ và sợ chết. Còn đối với thánh Phaolô, chết là một mối lợi vì sẽ được về
chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa, nên ngài mong muốn được chết.
Tuy muốn chết để về với
Chúa, nhưng vì lòng nhiệt thành vì Tin Mừng, ngài cũng muốn sống để làm ích tha
nhân. Ngài băn khoăn giữa cái chết và cái sống: Nếu sống ở đời này mà công việc
của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị
giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều
này tốt hơn bội phần, nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.
Sau cùng, thánh Phaolô
đã đi tới kết luận là ngài không cần phải lo lắng chọn đàng nào, nhưng đặt trọn
vẹn tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: “Không ai trong chúng ta sống
cho chính mình và cũng không ai chết cho chính mình. Nếu chúng ta sống là sống
cho Chúa, nếu chúng ta chết là chết cho Chúa. Vì thế, dù sống hay chết, chúng
ta đều thuộc về Chúa” (Rom 14:8). Ngài khuyên các tín hữu Philipphê bao lâu còn
sống hãy sống làm sao cho xứng đáng với Tin Mừng đã lãnh nhận: “Hãy luôn đứng vững,
cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang
lại cho anh em.”
3/ Phúc Âm: Lòng thương xót của Thiên Chúa và sự ghen tị của con người.
3.1/ Lòng thương xót của
Thiên Chúa: Ngài muốn mỗi người có việc làm
để sinh sống. Có mấy điều chúng ta cần hiểu trước khi tìm ra ý nghĩa của Tin Mừng
hôm nay:
- Giờ làm việc bên
Do-Thái là từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Giờ thứ nhất tương ứng với 6 giờ
sáng, giờ thứ ba là 9 giờ sáng, giờ thứ sáu là 12 giờ trưa, giờ thứ chín là 3
giờ chiều, giờ mười một là 5 giờ chiều, và giờ mười hai là 6 giờ chiều (hết giờ
làm việc).
- Thợ làm thuê: họ làm
tùy theo nhu cầu mỗi ngày. Hôm nào không có ai thuê là không có tiền để sinh sống.
Họ thường tập họp tại những chỗ công cộng như chợ búa để người thuê dễ dàng nhận
ra.
- Tiền công nhật mỗi
ngày là một quan tiền (khỏang 8 dollars một ngày). Đây là mức sinh sống tối thiểu
của một gia đình.
- Mùa nho chín của
Do-Thái rơi vào tháng 9, và phải hái hết trong tháng 9 trước khi mùa mưa đến, nếu
không nho sẽ bị ủng thối. Chủ vườn rất cần thợ dẫu chỉ làm ít tiếng trong ngày.
Chúa ví Nước Trời giống
như chuyện gia chủ vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của
mình. Có những người được mướn làm từ đầu ngày, có người được mướn trễ hơn 3,
6, 9 tiếng. Có những người được mướn chỉ làm một tiếng. Điểm chính ở đây là tất
cả mọi người đều được kêu gọi để làm việc, chứ không chỉ dành cho một số người
mà thôi. Những người được mướn trễ không phải vì họ lười biếng, nhưng vì không
ai mướn họ. Nước Trời cũng thế, có những người được Chúa chọn ngay từ ban đầu
như những người Do Thái. Có những người được chọn khi Chúa Giêsu sai các Tông Đồ
đi rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ các nước lân cận của Do-Thái như Syria,
Lebanon, Turkey, Jordan, Egypt… Có những người được đón nhận Tin Mừng nhờ các
nhà truyền giáo từ những nước này như Việt-Nam, Thái Lan, Lào… Sau cùng, vẫn có
những người được chọn trước khi Ngày Phán Xét tới.
3.2/ Sự rộng lượng của
Thiên Chúa: Ông chủ muốn trả lương tất cả mọi
người đồng đều vì ông muốn tất cả đều có một số tiền tối thiểu để sinh sống.
Ông không đối xử bất công với những người làm từ đầu vì ông đã thỏa thuận lương
với họ và họ đã bằng lòng. Cũng vậy trong kế họach cứu độ của Thiên Chúa. Ngài
không đối xử bất công với người Do-Thái khi cho những Dân Ngọai vào Nước Trời.
3.3/ Sự ghen tị của con
người: Vì phải lãnh luơng sau cùng nên những
người đã làm từ đầu nghĩ mình sẽ được lãnh lương nhiều hơn; nhưng khi thấy mình
cũng chỉ được một quan nên họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: "Mấy người
sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi
là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt."
Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất
công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần
của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng
bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi
sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?"
Cách đối xử của ông chủ
là lời cảnh tỉnh cho các môn đệ: Đừng đòi hỏi đặc quyền vì đã làm môn đệ Chúa từ
đầu. Nó cũng là lời cảnh tỉnh cho dân Do-Thái: Họ hãnh diện vì được chọn làm
dân riêng của Chúa ngay từ đầu, và khinh thường Dân Ngọai là những người không
đáng được nhận vào làm dân Chúa. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người:
Đừng đòi hỏi phải được đối xử đặc biệt vì đã theo Chúa lâu năm, đã làm cho Chúa
nhiều hơn. Sau cùng, trong con mắt đức tin: một em bé mới sinh qua đời cũng được
hưởng Nước Trời như một cụ già sống lâu trăm tuổi.
3.4/ Thái độ con người
khi làm việc: vì phần thưởng hay vì lòng “mến
Chúa yêu người”? Nếu con người làm việc vì phần thưởng hay tiền công, họ đã được
trả công hay lãnh nhận phần thưởng ngay ở đời này. Nhưng nếu họ làm vì lòng “mến
Chúa yêu người,” họ sẽ được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng ở đời sau. Những
người đến làm việc từ đầu ngày, họ đã thỏa thuận với chủ về lương bổng; trong
khi những người đến làm sau, họ nghe lời chủ đi làm và trông cậy hòan tòan vào
lòng thương xót của chủ sẽ trả công cho họ xứng đáng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải luôn
nhớ: Đừng bao giờ lấy tiêu chuẩn của con người áp dụng cho Thiên Chúa trong tư
tưởng, cách suy nghĩ, cũng như trong hành động. Nếu muốn học khôn ngoan, thì
không có khôn ngoan nào của con người có thể so sánh với khôn ngoan của Thiên
Chúa. Hãy để giờ tìm kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa trong Kinh Thánh thay
vì những sách vô bổ của thế gian này.
- Sống là sống cho
Chúa và tha nhân. Chết là về với Chúa. Đừng sợ đau khổ và ngay cả cái chết để
làm chứng cho Tin Mừng.
- Chúng ta phải có
lòng thương xót và rộng lượng như Thiên Chúa trong cách đối xử với tha nhân, chứ
không phải chỉ sống công bằng là đủ. Đừng đòi hỏi được hưởng đặc quyền vì đã đến
trước và đừng ganh tị khi thấy người khác được hưởng đặc ân.
- Làm việc vì lòng mến
Chúa yêu người chứ không làm vì bất ký lý do nào khác. Nếu làm vì các lý do
khác, chúng ta đã được lãnh ở đời này rồi. Nếu làm vì lòng mến Chúa yêu người,
Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ta xứng đáng.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Mt 20,1-16a
KHÔNG BIẾT DÙNG ĐỒNG HỒ
“Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn
nho.” (Mt 20,7)
Suy niệm: Vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày là cái
đồng hồ. Ba cây kim, một dài hai ngắn, cho ta biết được thời giờ để có những
sinh hoạt thích hợp. Bài dụ ngôn hôm nay phác họa hình ảnh Thiên Chúa nhân lành
qua một chi tiết dí dỏm: có vẻ như Ngài không biết dùng đồng hồ như con người!
Các giờ được kể ra (giờ một, ba, sáu, chín, mười một) cho thấy một ông chủ tất
bật ra vào để chiêu mộ thợ, bất kể sáng hay chiều, sớm hay muộn. Ưu tư chính của
ông chủ không phải là giờ giấc, nhưng là sợ các người thợ không có công ăn việc
làm. Chuyện ông chủ không biết dùng đồng hồ ấy còn rõ ràng hơn nữa khi tính tiền
công cho thợ. Người thợ làm từ sáng sớm cũng như người lao động từ năm giờ chiều,
đều lãnh lương như nhau: một quan tiền, lương công nhật người Do Thái thời đó.
Trả lương như ông chủ này chắc chắn sẽ thua lỗ te tua!
Mời Bạn: Bạn đã rút ra kết luận rồi
đó: Thiên Chúa chính là người chủ nhân hậu. Ngài sẵn lòng ban tặng ơn cứu độ
cho mọi người, được diễn tả qua hình ảnh gọi vào vườn nho và lãnh một quan tiền.
Ngài không dùng đồng hồ, một loại thước đo giá trị, công trạng, bởi vì Ngài quá
nhân lành.
Chia sẻ: Bạn rút ra bài học gì từ sự
kiện Thiên Chúa không biết dùng đồng hồ?
Sống Lời Chúa: Tập không nhìn đồng hồ khi
đang cầu nguyện hay tham dự thánh lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã dạy
cho chúng con biết lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết noi
gương bằng đời sống quảng đại với người lân cận. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
TÔI ĐÂU CÓ BẤT CÔNG (24.9.2017 – Chúa nhật 25 Thường niên, Năm A)
Ðức Giêsu mời chúng ta đổi cái nhìn về Thiên Chúa.
Ngài công bình, nhưng không cứng nhắc trong luật lệ.
Suy niệm:
Trong dụ ngôn người cha
nhân hậu (Lc 15),
chúng ta đã từng thấy
thái độ của người con cả
nổi giận không chịu vào
nhà,
vì anh thấy cha tỏ ra quá
bao dung
đối với đứa em hư đốn,
chẳng những cha tha thứ
mà còn mở đại tiệc ăn mừng,
“Ðã bao năm con hầu hạ
cha… thế mà chưa bao giờ…
còn thằng con của cha
đó... Vậy mà...”
Anh thấy mình bị cha đối
xử bất công !
Trong dụ ngôn trên đây,
người làm sớm cũng cằn nhằn
vì ông chủ trả hậu hĩ cho
người mới làm một tiếng.
Cả hai dụ ngôn đều phản
ánh một căng thẳng có thực
do việc Ðức Giêsu thường
giao du với tội nhân.
Ngài quý trọng từng con
chiên lạc,
đem đến cho họ niềm vui
sống và sự tự tin.
Ngài mời họ hoán cải và
hứa ban cho họ Nước Trời.
Như thế, rốt cuộc những
người Do Thái tội lỗi
cũng được hưởng hạnh phúc
như các ông Pharisêu
suốt đời tuân giữ chi li
Lề Luật.
Người Pharisêu bị sốc vì
thái độ của Ðức Giêsu.
Họ cảm thấy quyền lợi của
mình bị xâm phạm.
Khi nhìn thái độ bực bội
của người làm từ sớm,
chúng ta hiểu được thế
nào là ghen tỵ.
Người làm sớm cằn nhằn
ông chủ vườn nho
không phải vì ông đã đối
xử bất công đối với họ
(họ vẫn được trả đủ tiền
lương mà),
nhưng vì ông đã trả cho
người làm sau
ngang hàng với họ, là
những kẻ vất vả suốt ngày.
Nếu ông trả cho người làm
sau ít hơn,
chắc họ chẳng hề tỏ vẻ
khó chịu.
Người ghen tỵ không vui
được với người vui
vì họ không biết yêu thương.
Họ coi người kia là kẻ
thù, chứ không phải là bạn,
nên sự thành công của ai
đó trở thành mối đe dọa.
Ðức Giêsu mời chúng ta
đổi cái nhìn về Thiên Chúa.
Ngài công bình, nhưng
không cứng nhắc trong luật lệ.
Ngài có trái tim để tự do
yêu,
có lòng tốt để bất ngờ
trao tặng,
Thiên Chúa là Thiên Chúa
của người trộm lành,
là chủ của người thợ chỉ
làm có một tiếng.
Thiên Chúa công bình lại
là người cha đầy yêu thương.
Ðức Giêsu cũng mời ta đổi
cái nhìn về tha nhân,
bớt tự hào về mình, thêm
trân trọng người khác,
phá bỏ những hàng rào của
nhỏ mọn, ghen tương.
Ðến khi nào người con cả
mới chịu vào nhà
để niềm vui của cha, của
em là của anh?
Ðến khi nào người làm từ
sáng sớm
biết chia vui cùng người
mới làm buổi chiều?
Ðến khi nào tôi mới thật
sự vui với người kế bên
chỉ vì người ấy là bạn
tôi?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con
quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi
tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao
dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình
an, trong sáng,
không một biến cố nào làm
xáo trộn,
không một đam mê nào
khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi
gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những
người thù ghét con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG CHÍN
Một Đức Tin Trưởng
Thành
Trong Đức Kitô
Qua việc trao ban Bí
Tích Thêm Sức, Giáo Hội đẩy đến mức viên mãn sự sống ân sủng mà chúng ta đã
tham dự vào nhờ Phép Rửa. Để điều này có thể trở thành một thực tại sống động,
chúng ta lặp lại những lời cam kết đức tin trong giao ước với Thiên Chúa – là
giao ước được ký kết vào ngày chúng ta lãnh nhận Phép Rửa.
Ngày lãnh nhận Phép Rửa,
những lời cam kết đó đã được cha mẹ và người đỡ đầu nói lên thay cho chúng ta.
Giờ đây chính chúng ta sẽ tuyên bố giao ước này. Chúng ta tuyên bố từ bỏ Satan
và tuyên xưng đức tin của mình. Chúng ta đạt đến một đức tin cá nhân và trưởng
thành vào Đức Ki-tô. Chúng ta có thể nói: “Đó là đức tin của tôi!”.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
24 Tháng Chín
Hãy Có Ánh Sáng
Năm 1963, trên màn ảnh
truyền hình, dân chúng Hoa Kỳ đang hồi hộp theo dõi hai phi hành gia Armstrong
và Aldrin đặt chân xuống mặt trăng, thì tại Houston thuộc tiểu bang Texas, một
cậu thanh niên tên là Thomas Franklin Caraway bị đưa lên ghế điện vì tội cướp của,
giết người... Cậu vừa lên 18 tuổi.
Trước đó, trong thời
gian chờ đợi bị xử tử, cậu đã đọc và nghiền ngẫm quyển kinh thánh mà một người
nào đó đã tặng cậu. Khi một ký giả hỏi cậu thích đoạn nào nhất, cậu giở lại
trang đầu quyển kinh thánh và đọc đoạn: "Hãy có ánh sáng và tức thì ánh
sáng đã có". Cậu lặp đi lặp lại: "Và đã có ánh sáng. Ngày càng trôi
qua, tôi càng nghĩ đến điều đó. Tất cả ý nghĩa của cuộc sống nằm ở đó: ánh sáng
đã che chở chúng ta khỏi những đêm dài tăm tối".
Giữa bốn bức tường đen
tối của nhà tù, Tình Yêu của Thiên Chúa đã đánh động được Thomas. Không có sự dữ
nào mà Thiên Chúa không thể biến thành sự thiện... Thiên Chúa quyền năng không
bao giờ mong muốn và tạo nên sự dữ cho con người, nhưng Tình Yêu của Người mãnh
liệt đến nỗi có thể biến sự dữ thành một cơ may phúc lộc cho con người.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét