Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Gia Đình Vinh
Sơn Phaolô
VATICAN. ĐTC cám ơn và khuyến khích toàn thể Đại gia đình
dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô và ngài đề cao giá trị và thời sự tính của Thánh
Nhân.
ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp công bố
hôm 27-9-2017, lễ kính Thánh Vinh Sơn Phaolô và cũng là dịp kỷ niệm 400 năm
đoàn sủng của thánh nhân, dấn thân phục vụ và săn sóc người nghèo.
ĐTC nhắc đến sự kiện năm 1617, Thánh Vinh Sơn Phaolô bấy
giờ 40 tuổi, đã khám phá ơn gọi, đoàn sủng, cứu giúp những người nghèo. Trong
tư cách là một cha sở miền quê, ngài chứng kiến tình trạng lầm than trầm trọng
về vật chất cũng như tinh thần của các nông dân. Được gọi đến bên giường của một
người thợ xay bột sắp qua đời, cha xúc động đến tận thẳm sâu trong tâm hồn.
Vinh Sơn Phaolô trước đó đã vào hàng giáo sĩ với chủ ý tiến thân trên đường
”công danh sự nghiệp”, nay ngài ý thức về sứ mạng đích thực là loan báo Tin Mừng
và cứu giúp những người nghèo khổ.
Trong sứ điệp sau khi gợi lại những nét nổi bật trong
cuộc đời và hoạt động bác ái của thánh Vinh Sơn Phaolô, ĐTC khẳng định rằng:
”Nơi trọng tâm Gia đình Vinh Sơn có sự tìm kiếm ”những người lầm than nhất và bị
bỏ rơi”, với ý thức quyết liệt rằng mình không xứng đáng cung cấp cho họ những
việc phục vụ khiêm tốn nhất của chúng ta” (Correspondance, Entretiens,
documents, XI, 392).
”Chứng tá bác ái của thánh Vinh Sơn mời gọi chúng ta
luôn tiến bước, sẵn sàng để cho mình được cái nhìn và Lời Chúa làm cho ngạc
nhiên. Chứng tá ấy yêu cầu chúng ta hãy có tâm hồn bé nhỏ, hoàn toàn sẵn sàng
và khiêm tốn ngoan ngãn, thúc đẩy chúng ta sống hiệp thông huynh đệ và can đảm
thi hành sứ mạng trên thế giới. Chứng tá của thánh Vinh Sơn cũng yêu cầu chúng
ta loại bỏ những ngôn ngữ phức tạp, những thứ hùng biện tự tham chiếu và những
gắn bó với an ninh vật chất, có thể trấn an nhất thời, nhưng không phú an bình
của Thiên Chúa và thậm chí còn cản trở sứ mạng”.
ĐTC cũng viết rằng: ”Đức bác ái không hài lòng với những
tập quán tốt lành quá khứ, nhưng biết biến đổi hiện tại. Đó là điều càng cần
thiết ngày nay, trong những biến chuyển phức tạp của xã hội hoàn cầu hóa, trong
đó một số hình thức làm phúc bố thí và trợ giúp, tuy được những ý hướng quảng đại
thúc đẩy, nhưng chúng có nguy cơ nuôi dưỡng những hình thức bóc lột và bất hợp
pháp, không mang lại những lợi ích thực sự và lâu bền”.
Sau cùng, ĐTC khẳng định rằng ”Tấm gương của thánh
Vinh Sơn thúc đẩy chúng ta dành chỗ và thời giờ cho người nghèo, những người
nghèo mới này nay, quá nhiều người nghèo hiện nay, biến những tư tưởng và cơ cực
của họ thành của chúng ta, vì một Kitô giáo không có tiếp xúc với những người
đau khổ thì trở thành một Kitô giáo thiếu thực tế, không có khả năng động chạm
đến thân mình Chúa Kitô. Gặp gỡ người nghèo, dành ưu tiên cho người nghèo, mang
lại tiếng nói cho người nghèo, để sự hiện diện của họ không bị thứ văn hóa phù
du bóp nghẹt. Tôi nồng nhiệt hy vọng việc cử hành Ngày Thế giới người nghèo vào
chúa nhật 19-11 tới đây sẽ giúp chúng ta ”trong ơn gọi theo Chúa Giêsu nghèo”,
ngày càng trở thành dấu chỉ cụ thể rõ ràng hơn về tình bác ái của Chúa Kitô đối
với những người rốt cùng và túng thiếu nhất, và phản ứng chống lại thứ văn hóa
gạt bỏ và phung phí” (Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Thế giới người nghèo 13-6-2017)
G. Trần Đức Anh OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét