23/09/2015
Thứ Bảy sau Chúa Nhật 24 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm
6, 13-16
"Con hãy gìn giữ huấn lệnh
cho tinh tuyền, cho tới ngày Chúa lại đến".
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, cha chỉ thị cho
con trước mặt Thiên Chúa, Ðấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Ðức
Giêsu Kitô, Ðấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô lời tuyên xưng thẳng thắn,
con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới
ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà tới thời đã định, Ðấng phúc lộc
và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các
chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm,
không một ai trong loài người đã xem thấy, hay có thể xem thấy: Vinh dự và quyền
năng (xin kính dâng) cho Người muôn đời. Amen!
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Ðáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái
trá (c. 2c).
Xướng: 1) Toàn thể địa cầu, hãy
reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước
thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên
Chúa; chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là
dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.
3) Hãy vào trụ quan nhà Người với
lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh
Người. - Ðáp.
4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo,
lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế
hệ. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa,
xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng
theo luật đó. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 8, 4-15
"Hạt rơi trong đất tốt,
là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp
lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói
rằng: "Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo,
có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt
khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi
vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt,
đã mọc lên và kết quả gấp trăm".
Khi nói những lời đó, Người kêu
lên rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi
Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: "Phần các con, thì cho
các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ
ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế
này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người
đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ.
Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời
Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử
thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi
đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ
không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời
với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được
hoa trái".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Dụ Ngôn Người Gieo
Giống
Dụ ngôn, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa
là so sánh, là thí dụ. Trong Tin Mừng, là những câu truyện Chúa Giêsu đưa ra dựa
trên những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người nghe, để giúp
họ hiểu ý nghĩa những sự thật có liên quan đến niềm tin mà Ngài muốn trình bày.
Tin Mừng hôm nay thuật lại cho
chúng ta dụ ngôn về người gieo giống.
Trước hết, cần lưu ý đến sự khác
biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích dụ ngôn. Khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu
xem ra nhấn mạnh đến sự hiệu nghiệm của hạt giống hay đúng hơn sự thành công của
người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi vào bụi
gai, nhưng cũng có hạt rơi trên đất tốt và sinh hoa kết quả gấp trăm. Còn khi
giải thích dụ ngôn cho các môn đệ, Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh đến thái độ cộng
tác của con người để làm cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả. Thật ra, hai khía
cạnh này không đối nghịch nhau, nhưng được tổng hợp để diễn tả thực tại phong
phú của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chắc chắn được phát triển,
nhưng phần cộng tác của con người trong việc phát triển Nước Chúa cũng không thể
bỏ qua được.
Hạt giống Lời Chúa là yếu tố
chính của dụ ngôn. Hạt giống này tự nó có sức trổ sinh hoa trái, nhưng khi được
gieo vãi thì gặp những hoàn cảnh đối nghịch tùy vào thái độ chấp nhận cộng tác
của con người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở đây là chính Thiên Chúa,
Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không ơn cứu rỗi cho mọi người. Thiên
Chúa có sáng kiến trước, nhưng con người cũng cần cộng tác vào: hai yếu tố này
không thể bỏ qua được.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người
chúng ta canh tân đời sống, cộng tác với ơn Chúa ban để trở thành những mảnh đất
tốt đón nhận và làm phát triển hạt giống Lời Chúa. Xin Chúa củng cố chúng ta
trong niềm xác tín đó.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy Tuần 24 TN1
Bài đọc: I Tim
6:13-16; Lk 8:4-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin Thiên Chúa phải thực
hành những gì Ngài dạy.
Tin một đàng làm một nẻo cũng
như học mà không hành. Một đức tin như thế sẽ chẳng giúp gì cho con người tin cả
đời này và đời sau. Ở đời này, sẽ không sinh hoa kết quả của niềm tin; ở đời
sau, sẽ không được hưởng hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Nhưng nếu một người
tin và thực hành Lời Chúa, người đó sẽ thu nhận được kết quả ngay từ đời này
như: niềm tin tưởng vững mạnh nơi Thiên Chúa, cuộc sống hòa thuận vui vẻ, tâm hồn
bình an, yêu thương mọi người; và đời sau sẽ được chung hưởng hạnh phúc với
Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay khuyên các
tín hữu phải thực hành những gì mình tin tưởng và tuyên xưng. Trong Bài Đọc I,
thánh Phaolô nhắc nhở cho Timothy biết những gì ông đã tuyên xưng vào Thiên
Chúa. Mục đích là để Timothy biết giữ cẩn thận những gì Chúa đã truyền và để đạt
được những gì Thiên Chúa đã hứa ở đời sau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng dụ
ngôn "Người Gieo Giống" để nhắc nhở cho các môn đệ biết quí trọng và
thực hành Lời Chúa trong cuộc đời; để họ có thể sinh hoa kết trái.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Kitô là vua và là Chúa.
1.1/ Nhìn lại những gì xảy ra trong
quá khứ: Thánh Phaolô muốn Timothy nhìn
lại hai điều xảy ra trong quá khứ:
(1) Lời tuyên xưng của Đức Kitô
trước toà tổng trấn của Phongxiô Philatô: Trong Cuộc Thương Khó, Đức Kitô bị
mang ra trước tòa tổng trấn để xét xử. Người Do-thái phải tìm một lý do chính
trị để bắt Philatô phải buộc tội Chúa Giêsu; chứ lý do tôn giáo sẽ không đủ để
buộc tội. Họ bàn với nhau rồi tố cáo Chúa Giêsu với Philatô: "Người này đã
xưng mình là vua; bất cứ ai xưng mình là vua, là chống lại Caesar."
Vì thế, quan Philatô hỏi Chúa
Giêsu: "Ông là Vua dân Do-thái sao?" Người trả lời: "Chính ngài
nói đó." (Lk 24:3). Người Do-thái không muốn nhận Đức Kitô là vua và là
Chúa của họ; nhưng đó lại là kế-hoạch của Thiên Chúa: Đức Kitô sẽ là vua cai trị
tất cả mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cắt nghĩa
rõ ràng chức vụ vua của Ngài trong trình thuật Gioan: "Chính ngài nói rằng
tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho
sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi" (Jn 18:37). Chức vụ
vua người Do-thái của Chúa Giêsu được Philatô cho đóng trên Thập Giá bằng ba thứ
tiếng Latin, Do-thái, và Hy-lạp, cho dù họ đã phản đối cách viết như thế.
(2) Lời tuyên xưng của Timothy
khi lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội và khi lãnh nhận chức vụ Giám-quản: Timothy đã
tuyên nhận Đức Kitô là vua, và là Chúa của lòng mình; như Đức Kitô đã tuyên
xưng trước Phongxiô Philatô. Người tín hữu phải tin và tuyên xưng như thế mới
được cứu rỗi (Rom 10:9, Phi 2:11).
1.2/ Những gì cần phải làm ở hiện tại: Tuyên xưng thế nào, phải sống như thế ấy. Thánh Phaolô
truyền cho Timothy: "Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền,
không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xuất hiện."
Cũng thế, khi người tín hữu tuyên nhận Đức Kitô là vua của lòng mình, họ phải
giữ cẩn thận những gì Ngài dạy dỗ.
1.3/ Những gì sẽ xảy đến trong
tương lai: Đàng sau lời tuyên xưng của
Đức Kitô trước tòa Tổng Trấn và niềm xác tín của các tín hữu vào lời tuyên xưng
này, là Thiên Chúa, Đấng sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy địa vị độc tôn của Đức
Kitô vào đúng thời đúng buổi. "Ngài là Chúa Tể duy nhất, Đấng đáng chúc tụng,
là Vua các vua, Chúa các chúa. Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự
trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy.
Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời. Amen."
2/ Phúc Âm: Phải biết quí trọng và thực hành Lời Chúa.
2.1/ Chúa Giêsu thuật cho dân chúng
nghe dụ ngôn "Người Gieo Giống:" Có
người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, bốn
trường hợp có thể xảy ra:
(1) Có hạt rơi xuống vệ đường:
Những hạt này sẽ bị người ta giẫm lên và chim trời ăn mất.
(2) Hạt khác rơi trên đá: Những
hạt này có thể mọc lên, nhưng bị héo đi vì thiếu ẩm ướt.
(3) Có hạt rơi vào giữa bụi gai:
Những hạt này mọc lên, nhưng gai làm nó chết nghẹt.
(4) Có hạt lại rơi nhằm đất tốt:
Khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm.
Nói xong, Người hô lên rằng:
"Ai có tai nghe thì nghe."
2.2/ Chúa Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn
"Người Gieo Giống:" Các môn đệ
không hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì, nên họ yêu cầu Ngài cắt nghĩa thêm về dụ
ngôn. Chúa Giêsu cắt nghĩa: Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là Lời Thiên
Chúa, chỗ hạt giống được gieo vào là tâm hồn mỗi người.
(1) Hạt rơi xuống vệ đường: Những
kẻ bên vệ đường là những kẻ đã nghe, nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ,
kẻo họ tin mà được cứu độ. Họ nghe, nhưng không hiểu, vì không chú ý hay cho Lời
Chúa là không quan trọng.
(2) Hạt khác rơi trên đá: Những
kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không đâm
rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Đây là những kẻ không
chịu thực hành Lời Chúa, để làm cho đức tin nên vững mạnh.
(3) Có hạt rơi vào giữa bụi gai:
Hạt rơi vào bụi gai là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và
vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới
mức trưởng thành. Đây là trường hợp của những người không dành cho Lời Chúa địa
vị ưu việt trong cuộc đời và cũng không tìm dịp để thi hành Lời Chúa.
(4) Có hạt lại rơi nhằm đất tốt,
và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm. Hạt rơi vào đất tốt: đó là những
kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì
mà sinh hoa kết quả.
Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ khán giả
cách thức để Lời Chúa có hiệu quả trong cuộc đời: Trước tiên, họ phải chuẩn bị
tâm hồn trước khi lắng nghe và học hỏi Lời Chúa; khi tâm hồn chưa sẵn sàng, có
nghe cũng chẳng hiểu. Kế đến, họ phải dành thời giờ để suy niệm và tìm cách cụ
thể để áp dụng Lời Chúa trong cuộc đời. Sau cùng, Lời Chúa sẽ đòi họ phải hy
sinh từ bỏ nếp sống hưởng thụ và theo tiêu chuẩn của thế gian; họ phải can đảm
để sống theo đường lối của Thiên Chúa. Nếu họ chịu theo cách thức này, họ sẽ
sinh hoa quả gấp bội cả đời này và đời sau.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải sống những gì
chúng ta đã tuyên xưng vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô. Đừng tuyên xưng một đàng
rồi làm một nẻo. Nếu đã tuyên nhận Ngài là vua và là Chúa, thì đừng để bất cứ
ai hay bất cứ sự gì thay thế địa vị của Ngài trong tâm hồn.
- Là người tín hữu, phải biết
quí trọng Lời Chúa trên hết mọi sự và luôn tìm dịp áp dụng trong cuộc sống.
Khinh thường Lời Chúa sẽ không biết cách sống. Biết mà không thực hành Lời Chúa
sẽ chẳng sinh ích lợi gì cho cuộc đời.
Lm. Anthony ĐINH MINH
TIÊN, OP.
Th. Pi-ô Pi-ét-ren-xi-na, linh
mục Lc 8,4-15
TÔI LÀ MẢNH ĐẤT
NÀO?
“Ai có tai nghe thì nghe.” (Lc
8,8)
Suy
niệm: Có
câu chuyện quen thuộc kể một người nông dân nhặt được một quả trứng đại bàng,
anh mang về bỏ vào ấp chung với ổ trứng gà. Chú đại bàng nở ra cùng với bầy gà
và đi kiếm ăn như những chú gà. Một hôm có con đại bàng bay qua, tiếng kêu của
đồng loại làm chú đại bàng con thức tỉnh, chú miệt mài tập luyện và một ngày
kia chú vỗ cánh bay cao vút lên bầu trời như một cánh đại bàng thực thụ. Câu
chuyện này còn có một cái kết khác, khi thấy đại bàng bay ngang qua, chú đại
bàng con nghĩ: “Họ là đại bàng, còn ta chỉ là gà”, và chú an
phận sống trong kiếp gà cho đến cuối đời. Câu chuyện cho thấy, chúng ta hoàn
toàn có thể chọn cho mình thái độ sống, đúng như ơn gọi dành cho chúng ta mà
Thiên Chúa mong muốn, như câu nói của người xưa “Chúng ta không được chọn
nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta được chọn cách mình sẽ sống”.
Mời Bạn: Thánh Âu-tinh nói: “Chúa dựng nên con không
cần có con, nhưng để cứu độ con Chúa cần sự cộng tác của con”. Không
ai được tiền định sinh ra là một người tốt lành hay tội lỗi, nhưng bạn hoàn toàn
có thể làm cho tâm hồn của mình trở thành mảnh đất khô cằn hay tươi tốt, nhờ việc
biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong những lựa chọn hằng ngày, để Lời ấy
biến đổi tâm hồn mình và sinh hoa kết trái. Bạn có sẵn sàng để mình trở thành mảnh
đất tươi tốt cho hạt giống Lời Chúa chưa?
Sống Lời Chúa: Đọc và suy ngẫm đoạn Lời Chúa sau: “Trước hết hãy
tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn lại những thứ khác Ngài sẽ ban cho” (Mt
6,33).
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết
dám lựa chọn chính Chúa, dám nghe và làm theo Lời Chúa dạy trong cuộc sống nhiều
cạm bẫy này. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Với tấm lòng cao thượng
Dù thửa đất tốt
là trái tim cao thượng và quảng đại, Nhưng nắm giữ Lời Chúa cũng đòi một nỗ lực
không ngừng.
Suy niệm:
Đức Kitô hào phóng gieo vãi lời của Thiên Chúa khắp nơi.
Ngài như người gieo hạt giống, tung gieo trong gió,
có vẻ như chẳng để ý đến chuyện có hạt rơi vào đất cằn khô,
và một số hạt không
bao giờ sinh huê lợi.
Các Kitô hữu sơ khai đã đọc dụ ngôn này và thấy nơi đó một lời nhắn nhủ.
Họ thấy mình
chính là người đã nhận được hạt giống lời Chúa.
Nhưng không
phải hạt giống nào cũng thành cây lúa trĩu hạt.
Có những hạt giống bị thui chột bởi những lý do
bên ngoài và bên trong.
Làm sao để mọi hạt giống được
gieo trong tim ta, đều
sinh hoa trái?
Câu hỏi của Giáo hội sơ khai cũng là câu hỏi của Giáo hội bây giờ.
Thửa đất là trái tim con người xưa
nay vẫn thế.
Hạt giống Lời Chúa hôm xưa và hôm nay cũng vẫn là một.
Cả bốn hạng người trong dụ ngôn đều đã
nghe (cc. 12. 13. 14. 15),
nghĩa là đều đã đón nhận Lời Chúa vào trái tim, vào
trung tâm đời mình.
Nhưng có Lời bị đánh cắp.
Quỷ đến và lấy Lời đã
gieo ra khỏi trái
tim người nghe
vì sợ họ tin mà được cứu độ (c.
12).
Quỷ giống như chim trời đến ăn mất hạt giống rơi xuống vệ đường
(c. 5).
Tại quỷ hay tại trái
tim con người như đất vệ đường
quá cứng?
Hạt giống nằm chơ vơ, trở thành mồi ngon cho bao tấn công đe dọa.
Nhưng có Lời không mọc rễ.
Nghe Lời và vui
vẻ đón nhận vẫn chưa đủ.
Hạt giống cần có nhiều đất để mọc rễ nuôi sống cây.
Đất nhiều sỏi đá chỉ cho một lòng
tin nhất thời, khi mọi sự dễ dàng,
nhưng không đủ sức đứng vững khi thử thách ập tới.
Đã và đang có những Kitô hữu quỵ ngã trước những thách đố cam go,
vì Lời Chúa chưa bao giờ mọc rễ trong tim họ.
Thử thách của đời
Kitô hữu làm lộ ra tình
trạng “không rễ” của ta,
và đòi ta tránh gặp gỡ Lời Chúa một cách hời hợt, nông cạn.
Nhưng có Lời bị chết ngộp.
Ngộp vì những thứ trói buộc của cuộc đời phù vân này,
những lo âu trăn trở, những thèm muốn khoái lạc, giàu
sang.
Cây lúa có mọc lên cũng bị chết ngộp bởi bụi gai ở ngay nơi tim tôi.
Cuối cùng có Lời được nắm giữ.
Dù thửa đất tốt là trái tim cao thượng và quảng đại,
Nhưng nắm giữ Lời Chúa cũng đòi một nỗ lực không
ngừng.
Bất chấp những tấn công từ bên
ngoài,
hay thèm muốn bên
trong,
cần có thái độ kiên trì để vượt qua những khủng hoảng không
tránh
khỏi.
Xin được trân trọng nghe Lời Chúa
trong thánh đường và
trong cuộc sống.
Xin được khiêm tốn nghe Lời Chúa
qua các bậc thầy và qua
trẻ thơ.
Ước gì Lời Chúa giúp ta làm cho đất của tim mình xốp hơn và mềm lại,
bớt đá sỏi, thêm đất màu, bớt bụi gai, thêm ẩm ướt.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.
Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con
tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng ngàn cây xanh
cho một thế giới mới
Ước gì mồ hôi con
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.
Ước gì máu con
hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn
vì bất công và ích kỷ.
Chúc tụng Chúa là Cha,
đã dẫn
con đi đến cùng,
đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với tràn trề bình an và niềm
vui.
ĐHY Roger Etchegaray
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG CHÍN
Các Bạn Là Con Cái Của Thiên
Chúa
Các bạn là ai ?
Các bạn là thế hệ môn đệ mới của
Đức Kitô, những người đã lãnh nhận Phép Rửa. Qua bí tích đầu tiên đó các bạn được
đón nhận vào cộng đoàn Giáo Hội. Đối với hầu hết chúng ta, bí tích khai tâm này
được lãnh nhận trong những tuần lễ đầu đời của mình. Cha mẹ ruột và cha mẹ đỡ đầu
đưa chúng ta đến lãnh nhận Phép Rửa. Từ đó, chúng ta sống trong ơn thánh hóa.
Thiên Chúa đã đặt ấn tín vô hình và vĩnh viễn trên chúng ta. Chúng ta là con
cái của Thiên Chúa, linh hồn chúng ta được khắc ghi ân sủng.
Ân sủng này và ấn tín thiêng
liêng này của Phép Rửa, chúng ta có được là nhờ Đức Kitô – nhờ cái chết và sự
Phục Sinh của Ngài. Thực vậy, qua Phép Rửa chúng ta được dìm vào trong cái chết
của Đức Kitô, và như vậy chúng ta có thể sống lại với Người trong sự sống mới.
Tông đồ Phaolô dạy chúng ta trong thư gởi giáo đoàn Rôma: “Vì được dìm vào
trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế,
cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa
Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”(Rm 6,4).
Kể từ giây phút được lãnh Phép Rửa,
chúng ta trở thành người thông phần vào sự sống mới trong Đức Kitô – sự sống của
Con Thiên Chúa. Và chúng ta trở thành những dưỡng tử của Thiên Chúa. Chúng ta
được nâng lên phẩm giá làm con trong Đức Kitô, người Con Duy Nhất của Chúa Cha.
Vì Chúa Con chia sẻ trọn vẹn sự sống trong mối hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa
Thánh Thần, nên chúng ta cũng lãnh nhận sự sống mới trong Phép Rửa. Chúng ta đã
được thanh tẩy nhân danh Ba Ngôi Chí Thánh: Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và
Chúa Thánh Thần.
Phép Rửa là sự tái sinh con người
nhờ nước và Thánh Thần (Ga 3,5). Vì vậy chúng ta trở nên thông phần vào sự sống
mới trong Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa. Chúng ta đang mang trong mình chúng ta
mối đảm bảo sự sống đời đời.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 23-9
1Tm6,13-16; Lc 8,4-15
LỜI SUY NIỆM: “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình.
Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta dẫm lên và
chim trời ăn mất”
Trong dụ ngôn người đi
gieo hạt giống của mình sẽ gặp bốn thế đất: trên vệ đường, trên đá, trong bụi
gai, trên đất tốt. Mỗi thế đất đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của hạt
giống; Ai ai cũng mong có những vùng đất tốt để gieo hạt giống của mình, đây là
một sự lý tưởng và cần thiết. Nhưng không vì thế mà người gieo hạt giống lại hà
tiện hạt giống của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho gia đình chúng con, mỗi người ra sức làm tốt vùng đất của mình, để hạt giống
đức tin luôn được phát triền và sinh nhiều hoa lợi cho Nước Trời.
Mạnh Phương
23 Tháng Chín
Cậu Bé Ðau Liệt Trong Bức Tranh
Một trong những bức
tranh bất hủ của danh họa Rafaello, người Italia, hiện đang được cất giữ trong
bảo tàng viện Vatican: đó là bức họa Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabôrê.
Trong bức tranh,
người ta thấy có ba tầng. Ở tầng cao nhất của bức tranh là khuôn mặt và toàn
thân Chúa Giêsu trong cảnh chiếu sáng rực rỡ giữa các tầng mây. Ở� tầng dưới của bức tranh và kề sát với Chúa Giêsu là ba vị
tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trong tình trạng ngây ngất trước sự biến dạng rực
rỡ của Chúa Giêsu. Và ở tầng thấp nhất của bức tranh, người ta thấy một nhóm
môn đệ và một gia đình đang quây quanh một em bé đang đau liệt: tất cả đều chìm
ngập trong một khung cảnh ảm đạm, mờ ảo.
Có lẽ danh họa
Rafaello đã cố gắng giải thích cho chúng ta về sứ điệp của bài Tin Mừng tường
thuật cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng và là Ðấng
cứu chữa con người. Ðứa bé đau liệt trong bức tranh là chính mỗi người trong
chúng ta, là toàn thể nhân loại đang chịu đựng vì không biết bao nhiêu bệnh tật
trong thân xác lẫn tâm hồn. Trong đám môn đệ đang quây quanh cậu bé đau liệt,
Rafaello đã làm nổi bật hai cử chỉ: cử chỉ của một người môn đệ đang trỏ tay chỉ
về cậu bé và cử chỉ của một người môn đệ khác đang chỉ tay về Chúa Giêsu...
Phải chăng Rafaello đã
không muốn đánh thức ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đang say sưa chiêm
ngưỡng Thánh nhan rực rỡ của Chúa Giêsu mà quên đi cảnh nhân loại đang quằn quại
trong đau thương khốn khổ?
Trong đời sống đạo,
chúng ta dễ rơi vào hai thái cực: hoặc chỉ chăm chú cầu nguyện mà không đếm xỉa
gì đến lòng bác ái đối với tha nhân, hoặc ngược lại, xem hành động bác ái là một
lời cầu nguyện mà không màng đến đời sống nội tâm.
Nơi Chúa Giêsu, cầu
nguyện đưa đến hoạt động và hoạt động dẫn đến cầu nguyện. Mỗi một gặp gỡ của
Ngài với tha nhân cũng là một lời cầu nguyện và mỗi một lời cầu nguyện của Ngài
cũng ôm trọn lấy tất cả những ai mà Ngài đã hoặc sẽ gặp gỡ.
Chúng ta hãy chiêm ngắm
mẫu gương của Chúa Giêsu... Cả cuộc đời của chúng ta phải là một lời nguyện
dâng lên Thiên Chúa, chứ không chỉ có những lời kinh mà chúng ta đọc ngoài môi
mép.
Người ta không lên xe
để ở mãi trên đó... Một môn sinh không đến thụ giáo để ở mãi bên cạnh thầy
mình... Cũng thế, chúng ta không leo lên núi cao để ở lại mãi trên đó. Sau cơn
ngây ngất của ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Tacôbê, Chúa Giêsu
đã kêu gọi các ngài hãy trở lại với thực tế: đó là thực tế của những cuộc gặp gỡ,
đương đầu và cuối cùng là cái chết.
Từ đỉnh cao của sự cầu nguyện, từ bốn bức tường của nhà thờ, từ cung thánh của những giây phút ngất ngây trong sự kết hiệp, chúng ta hãy quay lại với cuộc sống, nơi đó có những nghĩa vụ để thi hành, nơi đó có những con người để gặp gỡ và yêu thương.
Từ đỉnh cao của sự cầu nguyện, từ bốn bức tường của nhà thờ, từ cung thánh của những giây phút ngất ngây trong sự kết hiệp, chúng ta hãy quay lại với cuộc sống, nơi đó có những nghĩa vụ để thi hành, nơi đó có những con người để gặp gỡ và yêu thương.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét