Trang

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

02-09-2017 : THỨ BẢY - TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN

02/09/2017
Thứ bảy đầu tháng, tuần 21 thường niên.


Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tx 4, 9-11
"Chính anh em đã được Thiên Chúa dạy cho biết phải thương yêu nhau".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, về tình bác ái huynh đệ, thì chúng tôi không cần viết cho anh em: vì chính anh em đã được Thiên Chúa dạy cho biết phải thương yêu nhau. Vì chưng anh em đã thi hành điều đó với mọi anh em trong toàn xứ Macêđônia. Nhưng, anh em thân mến, chúng tôi xin anh em hãy tiến tới hơn nữa, hãy cố gắng sống cho hoà thuận, thi hành các việc bổn phận, dùng tay mà làm việc như chúng tôi đã truyền dạy anh em, ăn ở lương thiện với những người ngoài, và khỏi cần nhờ đến ai.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 7-8. 9
Ðáp: Chúa ngự trị cai quản chư dân trong đường chính trực (c. 9).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên; cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót. - Ðáp.
3) Trước thiên nhan Chúa, vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chánh trực. - Ðáp.

Alleluia: 2 Tx 2, 14
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 25, 14-30
"Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng mỗi người, đoạn ông ra đi. Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Cũng vậy, người lãnh hai nén cũng làm lợi ra hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: "Thưa ông, ông đã trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác". Ông chủ bảo người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi". Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: "Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc, đây tôi đã làm lợi được hai nén khác". Ông chủ bảo người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi".
"Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: "Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt chỗ không gieo và thu nơi không phát, nên tôi khiếp sợ đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại ông". Ông chủ trả lời người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc, nghiến răng".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Trách Nhiệm Của Các Bậc Cha Mẹ
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến việc một ông chủ trước khi đi xa, đã trao cho đầy tớ, mỗi người một số nén bạc để làm lợi thêm, và khi trở về, ông chủ đã gọi các đầy tớ đến tính sổ. Ðã có nhiều lối giải thích suy tư về các nén bạc; ở đây chúng ta lồng dụ ngôn trong khung cảnh: ông chủ là Thiên Chúa, đầy tớ là các bậc cha mẹ, nén bạc là con cái.
Ðiều răn thứ tư dạy con cái phải thảo kính cha mẹ; điều này có nghĩa là nếu con cái lỗi phạm giới răn này thì sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt. Bổn phận của con cái là tôn kính, yêu mến và đền đáp công ơn cha mẹ: đó là bài học cơ bản của các kẻ làm con. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không phải là vị thẩm phán chí công, nếu không xét xử những bậc cha mẹ không làm tròn bổn phận của mình. Nếu con cái phải thảo kính cha mẹ, thì cha mẹ cũng phải tôn trọng yêu thương con cái. Mỗi người con là một nén bạc Chúa trao, cha mẹ là những đầy tớ có nghĩa vụ canh giữ và làm lợi nén bạc này. Dĩ nhiên, chỉ một mình Thiên Chúa mới là chủ duy nhất và tuyệt đối trên mỗi người con: bổn phận của cha mẹ là cộng tác dưỡng nuôi thân xác, hướng dẫn tinh thần và thiêng liêng, để con cái lớn lên trong sự thật và trong niềm kính sợ yêu mến Thiên Chúa.
Nếu con cái là hình ảnh của cha mẹ tiếp liền sau hình ảnh của Thiên Chúa, thì điều này nhắc nhớ cha mẹ phải là những người sinh con hai lần: một lần cho trần gian, và một lần cho Thiên Chúa. Ðịnh mệnh vĩnh cửu của con người không phải ở trần gian này, nhưng là trời cao. Do đó, cha mẹ phải luôn hướng dẫn tâm hồn con cái hướng về trời cao khi chúng còn thơ bé, và cả khi chúng đã lớn khôn nữa.
Trách nhiệm của các bậc cha mẹ thật nặng nề, nhưng cũng vô cùng cao cả. Nếu cha mẹ chu toàn bổn phận Chúa trao, chắc chắn trong ngày Chúa đến, họ sẽ được nghe lời này: "Hỡi tôi tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi". Và đó là điều chúng ta phải cầu xin cho các bậc làm cha mẹ.
Veritas Asia

02/09/2017
THỨ BẢY TUẦN 21 TN
Mt 25,14-30

CHUNG HƯỞNG NIỀM VUI

“Quả vậy, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ… người này năm nén, người kia hai nén, người khác một nén…” (Mt 25,14-15)

Suy niệm: Để thu hút đầu tư, người mình thường “rao” mình có nhân công rẻ. Vì thế, không lạ gì các chủ xí nghiệp trả cho công nhân một mức lương rẻ mạt. Kết quả là đời công nhân là một chuỗi nhọc nhằn trong mồ hôi và nước mắt, được đánh dấu bằng những cuộc đình công ngày càng rộng lớn hơn. Chúa Giê-su khi kể dụ ngôn nén bạc, đã ví Nước Trời như một cuộc kinh doanh. Thiên Chúa như một nhà đầu tư giao vốn cho con người kinh doanh với yêu cầu phải sinh lời mà không được phép thua lỗ. Điểm khác biệt là Thiên Chúa không phải là ông chủ “ăn cướp cơm chim” như suy nghĩ của anh chàng có một nén lười biếng. Trái lại, ngài là một vị Thiên Chúa công bằng mà lại quảng đại, “ai đã có lại càng được cho thêm.” Hơn nữa, những ai đã cộng tác với Ngài để sinh lời cho Nước Trời thì cũng được Ngài mời vào chung hưởng niềm vui với Ngài.

Bạn thấy đó, những gì bạn đang có là những “nén bạc” Chúa trao cho bạn. Ngài đã chọn bạn làm “đối tác làm ăn” với Ngài để sinh lời cho Nước Trời. “Làm ăn” với Chúa tất nhiên phải dám hy sinh, chịu khó; nhưng nếu đã cùng chung gian khổ với Chúa, chắc chắn bạn không phải thua thiệt mà trái lại sẽ được chung hưởng hạnh phúc Nước Trời với Ngài.

Sống Lời ChúaĐể sinh lời cho Nước Chúa, mời bạn đem tinh thần Tin Mừng (nhân ái, công bằng,…) “đầu tư” vào việc làm ăn, học tập, giao tiếp,… của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là gia nghiệp con được hưởng. Xin Chúa giúp con biết dùng những nén bạc Chúa ban để xây dựng cho Nước Chúa mau trị đến.
(5 phút Lời Chúa)



Vào mà hưởng nim vui (2.9.2017 – Th by Tun 21 Thường niên)
Sng đi Kitô hu là chp nhn dùng tt c kh năng ca mình đ làm cho nhng gì Chúa ban sinh li nhiu nht. Điu đó cn đến công sc, tính toán, sáng to, và nht là tình yêu. 


Suy nim:
Người ta vẫn hay có cái nhìn tĩnh và buồn về đời sống Kitô hữu.
Đó là một đời sống cam chịu, nhẫn nhục, cúi đầu vâng phục Ý Chúa,
một đời sống khổ đau vì phải bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá.
Nhìn như thế đúng nhưng không đủ.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một cái nhìn khác,
tươi tắn hơn nhiều, chủ động và tích cực hơn nhiều.
Thiên Chúa được ví như một ông chủ sắp đi xa.
Vì tin tưởng các đầy tớ của mình, nên khi vắng nhà (c. 14),
ông không ngại giao phó cho họ những món tiền rất lớn, tùy khả năng.
Người được năm yến, kẻ được hai, người được một (c. 15).
Mỗi yến bạc tương đương với sáu ngàn ngày công.
Hẳn các đầy tớ hiểu ý chủ muốn mình đầu tư sinh lợi.
Anh nhận được năm yến đã đi ngay lập tức và làm ăn với số vốn ấy.
Chúng ta không rõ anh đã đầu tư thế nào và bao lâu,
chỉ biết anh đã sử dụng cách hiệu quả những gì anh nhận được.
Sau một thời gian, tiền lời bằng số vốn bỏ ra.
Anh nhận được hai yến cũng vậy, cũng sinh lợi được hai yến khác.
Anh được một yến cũng đi,
nhưng là đi đào lỗ dưới đất để chôn giấu yến bạc (c. 18).
Anh không dám đầu tư vì sợ làm ăn lỗ lã.
Anh sợ số bạc lớn bị mất, nên anh muốn chôn giấu nó cho an toàn.
Khi ông chủ trở về để nghe báo cáo sổ sách của các đầy tớ,
ông đã khen hai anh đầy tớ vất vả làm ăn bằng những lời giống nhau:
“Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tốt lành và trung tín!
Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh.
Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (c. 21. 23).
Còn anh đầy tớ chôn giấu yến bạc dưới đất vì sợ hãi ông chủ,
đã bị chủ chê là đầy tớ xấu xa và biếng nhác.
Yến bạc của chủ còn nguyên chẳng hề là điều đáng tự hào.
Ông chủ ngạc nhiên vì tại sao anh lại không gửi tiền vào ngân hàng
để đồng vốn có thể sinh lợi (c. 27).
Anh bị tước mất yến bạc anh đã giữ kỹ, và tống vào chỗ tối tăm.
Một đầy tớ không sinh lợi từ số vốn được trao là một đầy tớ vô dụng (c. 30).
Mỗi Kitô hữu cũng là một người đầy tớ, một quản lý của Chúa,
được tin cậy giao phó, được yêu cầu đầu tư, được mong mỏi sinh lợi.
Sống đời Kitô hữu là chấp nhận dùng tất cả khả năng của mình (c. 15)
để làm cho những gì Chúa ban sinh lợi nhiều nhất.
Điều đó cần đến công sức, tính toán, sáng tạo, và nhất là tình yêu.
Yến bạc là khả năng và hoàn cảnh thuận lợi để ta làm việc cho Chúa.
Kitô hữu không phải là người thích an nhàn hay hưởng thụ.
Họ nỗ lực phấn đấu từng ngày để đời mình sinh hoa trái cho Chúa.
Ngày Phán xét, chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên nỗ lực sinh lợi của mình.
Mỗi người chúng ta không rõ mình đã nhận bao nhiêu yến bạc.
Điều quan trọng là không được giấu đi, và vui vẻ tận dụng điều mình có.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG CHÍN
Đứng Trước Thách Đố Rao Giảng Tin Mừng
Sứ mạng căn bản của Giáo Hội là rao giảng cho thế giới Tin Mừng cứu độ. Khi mang Tin Mừng cứu độ vào giữa lòng thế giới, Giáo Hội cố gắng nhận hiểu các đặc nét văn hóa của người ta. Giáo Hội muốn chia sẻ mọi tâm tư của con người, các giá trị và phong tục của họ, những khó khăn mà họ phải đương đầu, những hy vọng và ước mơ của họ.
Một khi Giáo Hội biết và hiểu được những khía cạnh văn hoá đa dạng này của một dân tộc, Giáo Hội sẽ có thể bắt đầu cuộc đối thoại về sự cứu độ. Với thái độ vừa kính trọng vừa thẳng thắn và trong niềm xác tín, Giáo Hội đứng ở vị trí giới thiệu Tin Mừng cứu độ cho tất cả những ai thành tâm khao khát lắng nghe và đáp trả.
Đức Phaolô VI đã từng nói về các tôn giáo ngoài Kitô giáo : “Các tôn giáo ấy mang trong mình âm vang của bao ngàn năm kiếm tìm Thiên Chúa… Các tôn giáo ấy nắm giữ một di sản lớn lao các truyền thống tín ngưỡng thâm sâu. Các tôn giáo ấy đã dạy cho bao thế hệ con người biết cầu nguyện. Các tôn giáo ấy chứa đựng bao hạt giống được ươm trồng bởi chính Ngôi Lời và có thể thực sự sẵn sàng để đón nhận Tin Mừng” (EN 53).
Trong niềm trân trọng giá trị của các tôn giáo này, Giáo Hội vẫn thường nhận ra trong đó những tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng giống như gió “muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8). Tuy nhiên Giáo Hội luôn xác tín rằng mình phải hoàn thành trọng trách của mình là đem lại cho thế giới chân lý mạc khải cách trọn vẹn, chân lý về ơn cứu độ nơi Đức Giê-su Kitô. Chúng ta hãy nguyện cầu để tất cả mọi người đều nhận biết Đức Giê-su Kitô, Đấng Cứu Độ trần gian.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



2 Tháng Chín
Chân Phước John Francis Burté và Ðồng Bạn
(k. 1792; d.1794)


Các linh mục này là nạn nhân của cuộc Cách Mạng Pháp. Mặc dù họ tử đạo trong thời gian khác nhau, nhưng được Giáo Hội mừng kính cùng một lúc vì tất cả đã hy sinh mạng sống với cùng một lý do. Hiến Chương Dân Sự về Tu Sĩ (1791) của nhà cầm quyền buộc tất cả các linh mục phải tuyên thệ những điều chung qui là chối bỏ đức tin. Họ đã từ chối và đã bị hành quyết.
John Francis Burté gia nhập dòng Phanxicô lúc 16 tuổi và sau khi thụ phong linh mục ngài dạy thần học cho các đệ tử sinh. Sau này ngài là giám đốc tu viện lớn ở Balê cho đến khi ngài bị bắt và bị giam trong tu viện dòng Camêlô.
Appolinaris Posat sinh năm 1739 ở Thụy Ðiển. Ngài gia nhập dòng Capuchin và nổi tiếng là một người thuyết giảng, một cha giải tội và nhà giáo dục các tu sĩ. Ðược sai sang Ðông Phương để truyền giáo, ngài đến Balê để học các ngôn ngữ Ðông Phương khi cuộc Cách Mạng Pháp bắt đầu. Từ chối không chịu tuyên thệ, ngài bị bắt và bị giam trong tu viện Camêlô.
Severin Girault, một người Dòng Ba, là tuyên uý cho một số các nữ tu ở Balê. Bị cầm tù với những người khác, ngài là người đầu tiên bị chết trong cuộc tàn sát ở tu viện.
Ba vị này cùng với 182 người khác -- kể cả vài giám mục và nhiều linh mục dòng cũng như triều -- đã bị thảm sát tại tu viện Camêlô ở Balê ngày 2 tháng Chín, 1792. Tất cả được phong chân phước vào năm 1926.
John Baptist Triquerie, sinh năm 1737, gia nhập Ðan Viện Phanxicô. Ngài là tuyên uý và là cha giải tội cho các tu sĩ dòng Thánh Clara Khó Nghèo trong ba thành phố trước khi ngài bị bắt vì không chịu tuyên thệ. Cùng với 13 linh mục triều, ngài bị chém đầu ở Laval ngày 21 tháng Giêng 1794. Ngài được phong chân phước năm 1955.
Lời Bàn
"Tự Do, Bình Ðẳng, Huynh Ðệ" là châm ngôn của cuộc Cách Mạng Pháp. Nếu mỗi cá nhân có "các quyền lợi không thể thay đổi", như Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập khẳng định, thì những quyền này không thể xuất phát từ những thoả ước của xã hội (có thể rất mong manh) nhưng phải được phát xuất trực tiếp từ Thiên Chúa. Chúng ta có tin điều đó không? Chúng ta có hành động theo điều đó không?
Lời Trích
"Biến động xảy ra ở Pháp vào cuối thế kỷ 18 đã tàn phá mọi sự thiêng liêng và đã xúc phạm cũng như trút sự tức giận lên Giáo Hội và các mục tử. Những người vô đạo đức lên nắm quyền đã che đậy sự giận dữ Giáo Hội dưới chiêu bài triết lý lừa bịp... Dường như thời bách hại tiên khởi đã trở lại. Giáo Hội, nàng dâu không tì vết của Ðức Kitô, trở nên lộng lẫy với các triều thiên tử đạo" (Sử Liệu Tử Ðạo).


Trích NguoiTinHuu.com


02 Tháng Chín
Khuôn Mặt Giuđa

Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa đó là câu chuyện danh họa Leonardo da Vinci đi tìm người mẫu để họa khuôn mặt của Giuđa, kẻ phản bội.

Leonardo đang miệt mài trong bức tranh "Bữa Ăn Cuối Cùng" của Chúa Giêsu với các môn đệ. Tất cả các khuôn mặt, từ Chúa Giêsu đến các môn đệ, đều đã hiện nguyên hình trên khung vải. Nhưng đến lúc phải tô vẽ cho khuôn mặt của Giuđa, danh họa Leonardo da Vinci đã tỏ ra lúng túng vì ông không biết phải tìm một người nào làm mẫu cho con người phản bội này... Ông đã phải đi dạo khắp nơi để tìm một khuôn mặt xấu xí, hiện thân của kẻ phản bội, gian trá. Sau mấy tháng trời tìm kiếm, cuối cùng ông đã gặp được khuôn mặt mà ông cho là ưng ý nhất. Trong khu xóm lầy lội, nghèo nàn, ông đã khám phá được một khuôn mặt mà ông cho là có đầy đủ những đường nét của tội ác. Ông đã lần mò đến gần người đó, và sau khi đã giải thích về bức tranh mình đang thực hiện, ông đã đề nghị người đó đến xưởng vẽ của ông để bắt tay vào công việc.

Người được chọn làm người mẫu cho Giuđa nhìn nhà danh họahồi lâu. Cuối cùng, ông đốt lên một ngọn đuốc sáng vào gương mặt của ông... Leonardo ngạc nhiên vô cùng, bởi vì người đàn ông này cũng chính là người đã làm mẫu cho ông vẽ chân dung Chúa Giêsu... Cũng khuôn mặt đó, nhưng có lúc Leonardo da Vinci nhìn thấy những đường nét của Chúa Giêsu, vào lúc khác, ông lại thấy nó xấu xí như gương mặt của Giuđa.

Chúng ta thường nói: khi yêu thì trái ấu cũng tròn... Trong một lá thư tình nào đó, có lẽ hai người yêu nhau sẽ nói với nhau: không có anh, không có em, đất trời như vô nghĩa... Tình yêu có tính sáng tạo. Tình yêu giúp chúng ta chỉ nhìn thấy cái hay cái đẹp nơi người mình yêu.

Tin và yêu là hai động tác gắn liền với nhau. Ngôn ngữ của đức tin không thể là ngôn ngữ của khoa học. Con người không đến với Thiên Chúa sau một thời gian dài tìm kiếm, lý luận. Con người chỉ đến với Thiên Chúa bằng tình yêu. Nói đến tình yêu là nói đến tin tưởng và phó thác.

Tomas đã đến với Chúa Giêsu Phục Sinh bằng sự lý luận, uyên bác của một nhà khoa học: "Nếu tôi không xỏ ngón tay tôi vào lỗ đinh và vào cạnh sường của Ngài... Tôi không tin". Thái độ này rất phù hợp với tinh thần khoa học. Trong công cuộc nghiên cứu khoa học, người ta quan sát, đưa ra giả thuyết, kiểm chứng, thí nghiệm rồi đi đến kết luận... Phương pháp này hoàn toàn vô giá trị trong tình yêu. Không ai quan sát một người nào đó, đưa ra một giả thuyết, rồi mới đi đến một kết luận: yêu hay không yêu. Mà trái lại, tình yêu đến trước tất cả các lý luận và tìm tòi của chúng ta...

Trong đức tin cũng thế, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài mời gọi chúng ta đi vào tình yêu của Ngài.

Tình yêu đó mời gọi chúng ta vượt lên trên tất cả những lý luận và ngờ vực của chúng ta. Tình yêu đó giúp chúng ta khám phá ra vẻ đẹp và lòng nhân từ của Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, trong ánh mắt của con người cũng như trong muôn màu sắc của thiên nhiên. Tình yêu đó giúp chúng ta nhìn thấy nơi gương mặt xấu xí của Giuđa những đường nét yêu thương của Chúa Giêsu. Tình yêu ấy cho chúng ta tìm thấy nơi niềm vui trong thất vọng, thua thiệt. Tình yêu ấy cho chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong những giờ phút trống rỗng vô nghĩa của cuộc sống.

 
Trích sách Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét