Trang

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

06-09-2017 :Thứ tư tuần 22 thường niên

06/09/2017
Thứ tư tuần 22 thường niên


BÀI ĐỌC I:   Cl  1, 1-8
"Lời chân thật đã đến với anh em, như đã đến trong khắp thiên hạ".
Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Phaolô, Tông đồ của Đức Giêsu Kitô do ý định của Thiên Chúa, và anh Timôthêu, kính gửi các thánh ở Côlôxê, và anh em tín hữu trong Đức Giêsu Kitô. Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô, ở cùng anh em.

Chúng tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa, là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, khi chúng tôi cầu nguyện cho anh em, bởi nghe biết lòng tin của anh em vào Đức Giêsu Kitô, và lòng yêu mến của anh em đối với tất cả các thánh. Chúng tôi cảm tạ vì niềm hy vọng dành cho anh em trên trời, mà anh em đã nghe biết trong lời chân thật của Tin Mừng. Tin Mừng đó đã đến với anh em, như đã đến trong khắp thiên hạ, sinh hoa kết quả và gia tăng nơi anh em, từ ngày anh em đã nghe và nhận biết ơn Thiên Chúa trong chân lý. Như anh em đã thụ giáo cùng Êpaphra là đồng liêu rất yêu dấu của chúng tôi, là kẻ trung tín giúp việc Đức Giêsu Kitô thay cho chúng tôi. Ông cũng đã tỏ cho chúng tôi biết lòng yêu mến của anh em trong Thánh Thần. Đó là lời Chúa.


ĐÁP CA:  Tv 51, 10. 11
Đáp: Tôi tin cậy vào lượng từ bi Chúa tới muôn đời (c. 10b).

1) Phần tôi như cây ô-liu xanh tốt trong nhà Thiên Chúa; tôi tin cậy vào lượng từ bi Chúa tới muôn đời. - Đáp.

2) Tôi sẽ ca ngợi Chúa muôn đời vì Chúa đã hành động, và tôi sẽ chúc tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo trước mặt chư tín hữu.  - Đáp.


ALLELUIA:  2 Tm 1, 10b
Alleluia, alleluia! - Đấng Cứu Chuộc chúng ta là Đức Giêsu Kitô, đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết, và chiếu soi sự sống. - Alleluia.

PHÚC ÂM:   Lc 4, 38-44
"Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: "Ông là Con Thiên Chúa". Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Đức Kitô.

Đến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: "Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến". Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.  Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Chữa Trị Bệnh Tật
"Chúng ta hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" đó là lời phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta để gián tiếp chấp nhận lời yêu cầu của một số ký giả và những người làm phim muốn làm một cuốn phim tài liệu trình bày những công việc từ thiện do Mẹ và các Nữ tu Dòng Thừa sai bác ái thực hiện. Từ mấy chục năm nay, tinh thần và tình yêu của Mẹ Têrêsa đối với những người đau khổ bệnh tật đã được lan ra khắp nơi trên thế giới, như một tiếp tục công tác chính Chúa Giêsu đã thực hiện mà chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay.
Thuật lại biến cố Chúa Giêsu chữa bệnh bà mẹ vợ ông Simon và nhiều người khác, thánh sử Luca ghi lại: "Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài. Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ". Những dòng kế tiếp cho thấy Chúa Giêsu có uy quyền trên sự dữ. Ở đây sự dữ xuất hiện dưới hai hình thức: bệnh tật và ma quỉ. Chúa Giêsu ra lệnh và quở mắng để chế ngự, nhưng Ngài không tiêu diệt chúng. Ngoài ra, trong nhiều cơ hội khác, Chúa Giêsu làm gương bằng sự ân cần của Ngài đối với các bệnh nhân, kể cả những người mang chứng bệnh khiếp sợ nhất lúc bấy giờ là bệnh phong cùi.
Trong giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Ngài đồng hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước, những người bị cầm tù. Ngài nói: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta". Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và bệnh tật ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.
Xin cho công trình giải phóng và cứu rỗi của Chúa được nhiều người quảng đại dấn thân tiếp tục. Xin cho đôi mắt đức tin chúng ta sáng suốt để nhận ra Chúa nơi những người đang cần được giúp đỡ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần 22 TN1
Bài đọcCol 1:1-8; Lc 4:38-44.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mỗi người cần đóng góp một tay cho việc rao giảng Tin Mừng.
Có thể nói việc quan trọng nhất trong cuộc đời là làm sao cho mọi người có lòng tin yêu Thiên Chúa để họ có thể đạt được cuộc sống đời đời. Rao giảng Tin Mừng là điều thiết yếu để khơi dậy niềm tin yêu và hy vọng của con người vào Thiên Chúa. Nhưng một "cánh én không thể làm nên một mùa xuân," một người không thể làm hết mọi sự, Thiên Chúa cần mọi người chung sức trong việc rao giảng Tin Mừng. Vì thế, bổn phận của tất cả tín hữu, sau khi đã lãnh nhận niềm tin yêu, là góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng bằng nhiều cách khác nhau, tùy khả năng như: rao giảng, cộng tác với các người rao giảng, cầu nguyện và giúp đỡ cho công cuộc truyền giáo, giúp các nhà rao giảng có sức khỏe để phục vụ Chúa cách đắc lực.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc cộng tác giữa Thiên Chúa và con người trong việc làm cho Tin Mừng được lan rộng đến mọi nơi. Trong Bài Đọc I, Phaolô dẫn chứng Tin Mừng có hiệu lực vì đến từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi cùng cộng tác với nhau trong việc khơi dậy và ban đức tin, cậy, mến cho con người. Ngoài ra, Thiên Chúa dùng con người để cộng tác vào việc tiếp tục rao truyền Tin Mừng. Phaolô có 2 cộng tác viên đắc lực trong việc rao giảng Tin Mừng là Timothy và Epaphras. Cộng đoàn Colossê có Epaphras, và chính họ cũng giúp đỡ lẫn nhau để củng cố và làm cho Tin Mừng được lan rộng. Trong Phúc Âm, Đức Kitô phải trở nên gương mẫu cho các nhà rao giảng Tin Mừng. Ngài không quản mệt nhọc rao giảng Tin Mừng trong các hội đường, chữa lành mọi vết thương hồn xác cho mọi người. Sau khi được chữa bệnh, bà nhạc của Phêrô đã mau mắn chỗi dậy phục vụ các sứ giả của Tin Mừng bằng cách chuẩn bị bữa ăn cho các ngài. Khi được yêu cầu để ở lại, Chúa Giêsu đã từ chối và tiếp tục lên đường.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tin Mừng hiệu nghiệm là do sự cộng tác giữa Thiên Chúa và con người.
1.1/ Tin Mừng có sức mạnh lan rộng vì đến từ Thiên Chúa.
(1) Ân sủng của Chúa Cha: Tin Mừng trước tiên là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người: Ngài ban Đức Kitô cho con người, và tạo mọi cơ hội cho con người gặp gỡ Đức Kitô. Ngài gởi Thánh Thần đến để soi sáng và thúc đẩy con người tin vào Đức Kitô. Thánh Phaolô nhận ra hồng ân cao cả này và tạ ơn Thiên Chúa Cha cho các tín hữu: "Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta ban cho anh em ân sủng và bình an. Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, khi cầu nguyện cho anh em."
(2) Dạy dỗ bởi Đức Kitô: Đức Kitô đã thân hành xuống thế giảng dạy, và để lại những gì ngài giảng dạy qua các Tông-đồ, những người rao giảng Tin Mừng, và các Thánh-sử, những người ghi chép lại Tin Mừng.
- Tin Mừng có sức mạnh tạo nên ba nhân đức đối thần: tin, cậy, mến nơi con người: "Thật vậy, chúng tôi đã được nghe nói về lòng tin của anh em vào Đức Giêsu Kitô, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh; lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng đến với anh em."
- Tin Mừng có sức mạnh lan rộng đến toàn cõi đất: "Tin Mừng này đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới như thế nào, thì nơi anh em cũng vậy, từ ngày anh em được nghe nói và nhận biết ân sủng của Thiên Chúa thực sự là gì."
(3) Soi sáng và thánh hóa bởi Thánh Thần: Nhiều lần thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến vai trò của Thánh Thần trong việc làm cho các tín hữu tin vào Tin Mừng khi ngài nói: Không ai có thể tin vào Đức Kitô và gọi Thiên Chúa là Cha, nếu không được Thánh Thần tác động. Ngoài ra, Chúa Thánh Thần còn ban các đặc sủng cho cả người rao giảng lẫn người nghe. Hơn nữa, nguyên việc có thể hiểu Tin Mừng là tác động của Thánh Thần. Trong trình thuật hôm nay, thánh Phaolô quy lòng mến các tín hữu có được là quà tặng của Chúa Thánh Thần.
1.2/ Cần nhiều sứ giả cộng tác với nhau trong việc phục vụ Tin Mừng: Thiên Chúa, Đấng có thể làm tất cả, chọn con người cộng tác với Ngài trong việc loan truyền Tin Mừng. Con người phải cộng tác với Thiên Chúa và cộng tác với nhau trong việc làm cho Tin Mừng lan rộng đến mọi người và mọi nơi. Chỉ trong một đoạn Tin Mừng ngắn ngủi, Phaolô cho thấy sự cần thiết của việc cộng tác giữa người và người:
(1) Phaolô có Timothy, người anh em luôn cộng tác đắc lực với ngài.
(2) Cộng đoàn Colossê có Epaphras, người đồng sự yêu quý của Phaolô và là người thay thế Phaolô với tư cách là người phục vụ trung thành của Đức Kitô.
(3) Các người trong cộng đoàn Colossê cộng tác với nhau.
2/ Phúc Âm: Đức Kitô nhiệt thành rao truyền Tin Mừng mọi nơi.
2.1/ Đức Kitô chữa lành mọi vết thương hồn xác cho con người.
(1) Chữa lành bà nhạc Phêrô: là do sự cộng tác của nhiều người: Phêrô, các bạn của Phêrô, Đức Kitô: "Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà." Bà nhạc của Phêrô trở thành người phục vụ Tin Mừng sau khi được chữa lành: "Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài."
(2) Chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền: "Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ."
Sứ vụ của Đức Kitô ngoài việc rao giảng Tin Mừng là diệt trừ ảnh hưởng của quỉ thần trên con người. Trong Tin Mừng, nhiều lần Ngài đã khử trừ chúng ra khỏi con người. Trong trình thuật hôm nay, trước khi quỉ xuất khỏi nhiều người, chúng la lên rằng: "Ông là Con Thiên Chúa!" Nhưng Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Kitô.

2.2/ Tin Mừng cần được rao giảng mọi nơi: Khuynh hướng an toàn của con người là muốn giữ nhà rao giảng và chữa bệnh ở lại với mình, để sinh lợi ích cho cá nhân hay cho cộng đồng của họ. Vì thế, họ đi tìm Người; và khi đã tìm thấy Người, họ muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi." Nhưng Người nói với họ: "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó." Và Người đi rao giảng trong các hội đường miền Judah. Đây phải là bài học quan trọng cho mọi người.
- Nhà rao giảng phải tiếp tục lên đường, tiếp tục cho đi cho tới khi hoàn tất sứ vụ Thiên Chúa trao. Nhà rao giảng không được phép ở lại một chỗ để tìm sự an toàn cho chính mình, đang khi con người đang khao khát được nghe Tin Mừng.
- Các tín hữu cần nhớ Tin Mừng cần được rao giảng cho mọi người và mọi nơi. Họ không thể ích kỷ chỉ biết giữ cho mình, vì giữ lại là sẽ mất. Họ phải tìm cách khích lệ và làm nhà rao giảng an tâm để tiếp tục lên đường, phần họ sẽ ở lại để củng cố và rao giảng Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Bổn phận quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta là cộng tác với Thiên Chúa trong việc loan truyền Tin Mừng cho mọi người, sao cho tất cả đều được hưởng ơn cứu độ.
- Chúng ta có thể đóng góp vào công cuộc rao giảng Tin Mừng bằng nhiều cách: trực tiếp như rao giảng Phúc Âm, dạy học, viết bài, dạy giáo lý ... gián tiếp như đóng góp thời gian, tiền của, tài năng, công sức để giúp cơ hội cho những nhà rao giảng Tin Mừng.
Lm. Anthony ĐINH MINH YIÊN, OP.


06/09/2017
THỨ TƯ TUẦN 22 TN
Lc 4,38-44

CẦU NGUYỆN VÀ RAO GIẢNG

“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” (Lc 4,43)

Suy niệm: Dân chúng mộ mến Đức Giê-su vì Ngài làm cho họ biết bao điều tốt đẹp: chữa bệnh, trừ quỷ, rao giảng… Thật dễ hiểu khi họ muốn giữ Người ở lại với họ. Điều đó không sai. Nhưng Chúa Giê-su không chấp nhận một tầm nhìn hạn hẹp như vậy. Ngài nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa… Tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Để thắng cơn cám dỗ đi sai lệch trọng tâm của sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su vẫn luôn kết hiệp với Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện: Từ sáng sớm, Người đi ra một nơi hoang vắng để cầu nguyện, để sống thân mật với Chúa Cha, để lắng nghe Chúa Cha và nói lại cho dân chúng. Cầu nguyện trước đã rồi mới loan báo Tin Mừng, hai thực hành này hòa quyện với nhau trong con người và hoạt động của Chúa Giê-su.    

Mời Bạn: Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy đi rao giảng Tin Mừng. Thế nhưng, có lẽ chúng ta chẳng biết đi đâu và loan báo gì, vì chúng ta chưa quỳ gối cầu nguyện để lắng nghe tiếng Chúa phán dạy và hướng dẫn. Mỗi sáng sớm, bạn dành riêng ít phút thinh lặng để lắng nghe Chúa muốn bạn hôm nay làm gì.

Chia sẻ: Bạn dành thời giờ cầu nguyện với Chúa thế nào?

Sống Lời Chúa: Dành vài phút thinh lặng để cầu nguyện với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa vẫn luôn miệt mài cầu nguyện để biết thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng con yêu mến đời sống cầu nguyện, để cuộc đời con luôn thuộc về Chúa, lúc đó, lời nói và đời sống của con mới là lời rao giảng về Chúa. Amen.

(5 phút Lời Chúa)


Phi loan báo Tin Mng (6.9.2017 – Th tư Tun 22 Thường niên)
Khi cha lành cho con người, Đc Giêsu cho thy Nước Thiên Chúa đến. Con người hôm nay cũng b đau yếu v nhiu mt. Mong mi tông đ hôm nay cũng có kh năng cha lành như Thy Giêsu.


Suy nim:
Sáng ngày sabát Đức Giêsu đã giảng dạy ở hội đường Caphácnaum.
Lời của Ngài đầy uy quyền và uy lực.
Lời ấy đã trục được quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4, 31-37).
Có lẽ đến trưa, Đức Giêsu rời khỏi hội đường để về nhà ông Simôn.
Tiếc thay bà mẹ vợ của ông lại bị sốt nặng, nằm một chỗ.
Người ta yêu cầu Ngài chữa cho người phụ nữ này.
Ngài đã lại gần và cúi xuống trên bà.
Ngài quát mắng cơn sốt như đã quát mắng thần ô uế (c. 39).
Lập tức cơn sốt phải rút lui.
Bà có thể đứng dậy được để phục vụ cơm nước cho Đức Giêsu và môn đệ.
Một lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của Lời Ngài.
Ngài chữa bệnh cho người phụ nữ chỉ bằng một lời ra lệnh.
Bệnh tật, dù nhẹ đi nữa, cũng làm phiền con người,
làm cản trở mọi sinh hoạt bình thường, và làm con người mất tự do.
Đức Giêsu đã nâng dậy một người đang nằm, mất sức làm việc.
Khi mặt trời lặn, lúc đã hết ngày sabát là ngày lễ nghỉ,
người ta mới đem cho Ngài những người bị đau đủ thứ bệnh.
Ngài chữa cho họ bằng cách đặt tay trên từng người (c. 40).
Đức Giêsu cúi xuống và chạm vào nỗi đau của từng thân xác.
Không rõ khi nào Ngài dừng tay để đi ngủ.
Chỉ biết khi trời hừng sáng, Ngài đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ.
Hẳn là Ngài cần chút thinh lặng, để xa đám đông, để gặp gỡ Cha,
Ngài cần dâng cho Cha một tuần mới đang đến.
Đức Giêsu không chỉ mê phục vụ cho đám đông,
Ngài còn mê ở một mình, mê cầu nguyện, mê chỗ vắng.
Nhưng các đám đông hối hả đi tìm Ngài, vì nhiều người cần chữa bệnh.
Khi bắt được Ngài, họ không cho Ngài lìa bỏ họ (c. 42).
Thành công và tiếng tăm, thiện cảm và sự thân quen gần gũi,
là những điều có thể giữ chân người tông đồ.
Trước sự chèo kéo của những người đau yếu đang thực sự cần Ngài,
Đức Giêsu vẫn muốn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai.
Ngài nhìn thấy cánh đồng mênh mông của thế giới.
Ngài hiểu là mình không được phép dừng chân ở một chỗ, để đặt trụ sở.
Ngài biết là mình được mời gọi lên đường mỗi ngày.
Đâu phải chỉ có thành Caphácnaum hay Nadarét hay vùng Galilê.
“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa
cho các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (c. 43).
Chữ phải đến như một mệnh lệnh từ Cha, kéo Đức Giêsu đi không nghỉ.
Ngài vượt qua bao biên giới của gia đình, làng quê, tỉnh thành…
Rồi có ngày việc loan báo Tin Mừng sẽ trải dài đến tận cùng thế giới.
Khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa đến.
Con người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt.
Mong mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giêsu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Thánh Têrêxa Calcutta)

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG CHÍN
Trở Nên Đồng Hình Đồng Dạng Với Đức Kitô
Mỗi ơn gọi đều là một lời kêu mời dấn sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Việc học hỏi thần học và triết học sẽ giúp thấu hiểu sâu hơn ngôi vị của Đức Kitô. Nhưng sự hiểu biết sâu hơn này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực tri thức của chúng ta. Tiên vàn việc nhận biết Chúa Con là ân huệ do Chúa Cha ban cho chúng ta nhờ Thánh Thần. Chúng ta không thể chỉ dừng lại với việc được giáo dục trong đức tin mà còn phải trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” nữa.
Mọi sự cộng tác của chúng ta với ân sủng tiếng gọi phải theo sự khôn ngoan mà Đức Kitô diễn tả trong dụ ngôn cây nho. Ngài nói: “Thầy là cây nho, Cha Thầy là Người trồng nho” (Ga 15,1) … “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15,5).
Giai đoạn huấn luyện chủng sinh hay tu sĩ hướng đến mục tiêu đào sâu mối hiệp nhất của chúng ta với Đức Kitô. Đức Kitô đưa ra cùng lời mời gọi đó cho mỗi người trong chúng ta.
 suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 06-9  Thứ Tư tuần 22 thường niên
Cl 1, 1-8; Lc 4, 38-44

LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ây bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt biến mất; tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài” (Lc 4,38-39).

Trong câu chuyện này chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu không từ chối bất cứ ai và bất cứ nơi nào. Ngài đểu tỏ lòng thương và chữa lành, đồng thời chúng ta cũng thấy được bà mẹ vợ của ông Si-môn, sau khi được chữa lành thì bà đã phục vụ. Điều này giúp cho mỗi người chúng ta luôn phải thể hiện tình thương bất cứ lúc nào với bất cứ ai. Đồng thời học được nơi bà mẹ vợ ông Si-môn là mỗi khi nhận lãnh một ân huệ của Chúa; cần phải đáp trả bằng sự phục vụ đối với mọi người chung quanh mình.


Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
6 Tháng Chín
Chân Phước Claudio Granzotto
(1900-1947)


Tinh ở Santa Lucia del Piave gần Venice, nước Ý, Claudio là con út trong gia đình chín người con và họ quen với công việc đồng áng thật vất vả. Năm lên chín anh mồ côi cha. Sáu năm sau, anh bị động viên vào quân đội Ý, là nơi anh phục vụ trong ba năm.

Vì có tài trong lãnh vực nghệ thuật, nhất là điêu khắc, nên anh theo học tại Viện Nghệ Thuật Venice và tốt nghiệp năm 1929 với điểm cao nhất lớp. Sau đó, anh đặc biệt lưu ý đến nghệ thuật tôn giáo. Khi Claudio gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn vào bốn năm sau đó, cha sở của anh viết thư giới thiệu, "Nhà dòng không chỉ tiếp nhận một nghệ nhân mà còn là một vị thánh." Sự cầu nguyện, yêu thương người nghèo cũng như say mê nghệ thuật là đặc điểm cuộc đời Claudio, nhưng tiếc thay cuộc đời ấy không kéo dài được lâu vì bệnh ung thư não. Ngài từ trần vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và được phong chân phước năm 1994.

Lời Bàn

Claudio đã phát triển được tài điêu khắc tuyệt vời đến độ các tác phẩm của ngài vẫn còn giúp con người trở về với Thiên Chúa. Không xa lạ gì với các nghịch cảnh, ngài đã can đảm đối phó mọi trở ngại, phản ánh sự độ lượng, đức tin và niềm vui mà ngài học được từ Thánh Phanxicô Assisi.

Lời Trích

Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng Claudio đã dùng tài điêu khắc "như một khí cụ đặc biệt" trong đời sống tông đồ và để phúc âm hóa. "Sự thánh thiện của ngài đặc biệt toả sáng khi chấp nhận đau khổ và cái chết để hiệp thông với Thập Giá Ðức Kitô. Do đó, bởi hiến thân hoàn toàn cho tình yêu Thiên Chúa, ngài trở nên gương mẫu cho các tu sĩ, nghệ sĩ trong việc tìm kiếm sự mỹ miều của Thiên Chúa, và gương mẫu cho người đau yếu qua lòng sùng kính Thánh Giá của ngài" (L'Observatore Romano, Tập 47, Số 1, 1994)



Trích NguoiTinHuu.com


06 Tháng Chín

Không Mong Ðền Ðáp

Trên đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang thành một người hành khất.
Anh gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục hơn nữa là ngươòi thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông còn cho anh ít tiền để hộ thân.
Cảm động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.
Và ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình, người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông ta.
Nhưng, ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: "Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư? Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương sao?".
Thì ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.

Ngạn ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lại... Hoặc như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.
Người ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với nhau. Tôi cho bạn để bạn cho lại. Tôi làm cho bạn để hy vọng bạn sẽ đền đáp lại... Trên bình diện xã hội và nhân bản, ý thức được sự qua lại này đã là một điều đáng kể trong các mối tương quan giữa người với người.
Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.
Thiên Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại. Thiên Chúa cũng không căn cứ trên tài năng của từng người để ban phát ân huệ của Ngài. Thiên Chúa không dùng cán cân công lý thông thường của loài người. Công lý của Ngài là công lý của tình thương. Người thợ của giờ thứ nhất không lãnh hơn người thợ thứ hai vào giờ cuối cùng...
Nếu Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người, thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả công tương xứng... Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng.Lắm khi chúng ta vẫn còn đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa. Tôi sẽ đọc bao nhiêu kinh để xin được ân này, ơn nọ. Tôi sẽ làm bao nhiêu hy sinh để cầu cho được một ơn đặc biệt... Lý luận như thế trong các việc lành phúc đức, chúng ta dễ dàng rơi vào một thứ biệt phái mới nhằm đề cao công nghiệp riêng của chúng ta mà quên rằng: tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng đã và sẽ lãnh nhận được đều xuất từ Tình Yêu vô vị lợi của Chúa.


(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét