06/10/2017
Thứ sáu đầu tháng, tuần 26 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm I) Br
1, 15-22
"Chúng ta đã
phạm tội trước mặt Chúa và không tin tưởng vào Người".
Trích sách Tiên tri
Barúc.
Sự công chính thuộc về
Chúa là Thiên Chúa chúng ta, còn sự thẹn mặt thì thuộc về chúng ta: như ngày
nay, nó thuộc về toàn cõi Giuđa: thuộc về dân cư Giêrusalem, vua chúa, quan quyền,
tư tế, tiên tri và các tổ phụ chúng ta. Chúng ta phạm tội trước mặt Chúa là
Thiên Chúa chúng ta, và chúng ta không tin tưởng, không cậy trông vào Người.
Chúng ta không suy phục Người, không nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng ta, để
chúng ta bước đi trong các giới răn Người đã ban cho chúng ta. Từ ngày Chúa dẫn
các tổ phụ chúng ta ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, chúng ta chẳng tin tưởng
vào Chúa là Thiên Chúa chúng ta: chúng ta vô tâm lìa xa Chúa để khỏi nghe tiếng
Người. Chúng ta mắc phải nhiều tai hoạ và những lời chúc dữ mà Chúa đã báo cho
Môsê tôi tớ Người, khi Người dẫn dắt tổ phụ chúng ta ra khỏi đất Ai-cập, để ban
cho chúng ta đất chảy sữa và mật như ngày hôm nay. Chúng ta không nghe tiếng
Chúa là Thiên Chúa chúng ta theo như mọi lời các tiên tri Chúa sai đến cùng
chúng ta. Mỗi người chúng ta cứ theo lòng gian tà của mình, làm tôi các thần
ngoại, thực hành các sự dữ trước mắt Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 78, 1-2.
3-5. 8. 9
Ðáp: Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con vì vinh quang
danh Chúa (c. 9bc).
Xướng: 1) Ôi Thiên
Chúa, ngoại bang đã xông vào gia nghiệp Chúa, họ làm ô uế thánh điện của Ngài,
họ biến Giêrusalem thành nơi đổ nát! Họ ném tử thi thần dân Chúa làm mồi nuôi
chim trời, và huyết nhục tín đồ Ngài cho muông thú đồng hoang. - Ðáp.
2) Họ đổ máu chư vị đó
dường như nước lã quanh Giêrusalem, mà không có kẻ chôn vùi. Chúng con đã bị
bêu ra cho láng giềng phỉ nhổ, cho lân bang chế diễu nhạo cười! Tới ngày nào, lạy
Chúa, Chúa còn giận mãi? Và lòng ghen hận Chúa còn như lửa nấu nung? - Ðáp.
3) Xin đừng nhớ tội tiền
nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm
than quá đỗi! - Ðáp.
4) Ôi Thiên Chúa, Ðấng
cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát
và tha tội chúng con vì danh Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! -
Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 10, 13-16
"Ai tiếp đón
Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán rằng: "Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa:
vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ
lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên
trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi.
"Còn ngươi nữa, hỡi
Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp
xuống tới địa ngục.
"Ai nghe các con,
tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy
là khinh dể Ðấng đã sai Thầy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Nguy Cơ Của
Những Tiện Nghi Vật Chất
Có một hiện tượng
chung tại các nước đang phát triển, đó là người dân nghèo từ thôn quê đổ xô ra
thành thị. Tại đô thị dễ tìm được công ăn việc làm, đời sống nhiều tiện nghi,
thú tiêu khiển cũng nhiều hơn. Nhưng hiện tượng đô thị hóa nào cũng có mặt trái
của nó: người dân đưa nếp sống thôn dã lên thành thị, giao thông tắc nghẽn, việc
buôn bán lấn chiếm vỉa hè, trật tự công cộng không được tôn trọng, và trầm trọng
hơn vẫn là đời sống luân lý đạo đức xuống cấp, nạn phạm pháp gia tăng.
Thời Cựu Ước, các Tiên
tri đã không ngừng lên tiếng cảnh cáo dân chúng về cuộc sống đồi bại tại các đô
thị. Chúc dữ các đô thị vốn là một đề tài quen thuộc trong lời rao giảng của
các Tiên tri. Dường như có hai lý do khiến các Tiên tri lên án các đô thị: Một
đàng các Tiên tri muốn nhắc nhở dân chúng về cuộc sống du mục trong sa mạc, tại
đó họ đã nghe được tiếng Chúa và đã kết ước với Ngài, cuộc sống càng đơn giản,
con người càng dễ kết thân với Chúa; nhưng đàng khác, nhận thấy cuộc sống đồi bại
của các thành phố ngoại giáo trong vùng, các tiên tri muốn cảnh cáo dân chúng về
mối nguy cơ có thể chạy theo một cuộc sống như thế. Sự đồi bại nguy hiểm nhất
mà các Tiên tri không ngừng lên án một cách gắt gao, đó là việc tôn thờ ngẫu tượng
và nếp sống vô luân của thị dân, điển hình nhất là của các đô thị sa đọa là
Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn.
Trong Tin Mừng hôm
nay, theo truyền thống các tiên tri Cựu Ước, Chúa Giêsu cũng nêu đích danh ba
thành phố có nếp sống sa đọa nằm dọc theo bờ hồ, đó là Cozazin, Betsaiđa và
Capharnaum. Những tiện nghi vật chất khiến con người dễ trở thành câm điếc trước
Lời Chúa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình, do đó,
cô đơn vốn là điều con người sợ nhất, thành ra đi vào quan hệ với người khác là
một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Cuộc sống đô thị với nếp sống
ồn ào náo nhiệt của nó dễ tạo cho con người cái cảm tưởng rằng ở đó họ dễ đi
vào quan hệ với người đồng loại.
Tuy nhiên, như thực tế
cho thấy, cuộc sống càng xô bồ, con người càng dễ rơi vào cô đơn. Kinh Thánh
không ngừng nhắc nhở con người rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể mang lại
bí quyết cho sự thông hiệp đích thực của con người, nghĩa là giúp cho con người
ra khỏi nỗi cô đơn của mình; bí quyết đó chính là Lời của Ngài. Thật thế, khi
con người sống kết hiệp với Chúa, thì dù có sống một mình, nó cũng sẽ không cảm
thấy cô đơn; lại nữa, khi sống kết hiệp với Chúa, con người sẽ cảm thấy được
thúc đẩy để đến với anh em của mình. Con người không thể kết hiệp với Chúa mà
có thể khước từ người anh em của mình, và ngược lại, bất cứ một quan hệ chân
thành nào với người anh em, cũng luôn gia tăng sự kết hiệp con người với Thiên
Chúa.
Dù muốn hay không, những
thay đổi trong cuộc sống do kinh tế thị trường mang lại không thể không ảnh hưởng
đến cuộc sống đức tin của người Kitô hữu. Thật ra, cuộc sống đức tin không phải
là một sinh hoạt phụ trong cuộc sống chúng ta; đức tin phải là chiều kích bao
trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ta: chúng ta là Kitô hữu trong mọi nơi, mọi
lúc, mọi sinh hoạt, mọi hoàn cảnh. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đề cao cảnh
giác trước nguy cơ có thể tách biệt niềm tin với những sinh hoạt hàng ngày và dần
dà đẩy niềm tin ra bên lề cuộc sống. Niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là Thánh Lễ Chúa
Nhật, một vài sinh hoạt trong khuôn viên giáo đường, một số kinh kệ trong gia
đình, chứ không ăn nhập gì đến cuộc sống mỗi ngày; niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là
một món đồ trang điểm cho cuộc sống và cần thiết cho một số dịp nào đó trong
năm, chứ không liên hệ gì đến đòi hỏi công bằng bác ái, liên đới mà chúng ta phải
thực thi hằng ngày.
Nguyện cho Lời Chúa
luôn là động lực thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta trong mọi sinh hoạt và quan hệ
hằng ngày của chúng ta, để trong khi mưu cầu cho cuộc sống, chúng ta luôn tìm gặp
Chúa trong tha nhân và trong mọi biến cố.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 26 TN1
Bài đọc: Bar
1:15-22; Mt 18:1-5, 10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các thiên thần
sẽ gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường.
Nhìn lại sự quan phòng
của Thiên Chúa, con người không thể kêu trách Ngài được điều gì; vì Ngài đã làm
mọi sự để con người có thể sống bình an và hạnh phúc. Ngài đã ban hành Lề Luật
để con người biết sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Khi con
người bất tuân Lề Luật, Ngài sai ngôn-sứ đến để khiển trách và kêu gọi con người
quay về nẻo chính đường ngay; trước khi sửa phạt con người. Hơn nữa, Thiên Chúa
còn ban cho mỗi tín hữu một thiên thần bản mệnh để cùng đồng hành, săn sóc, và
bảo vệ con người.
Các Bài Đọc hôm nay
chú trọng đặc biệt đến sự quan phòng của Thiên Chúa và sự cứng lòng trong tội lỗi
của con người. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Baruc phải thú nhận những gì Thiên Chúa
sửa phạt con cái Israel là xứng đáng với tội lỗi của họ. Trong Phúc Âm, Chúa
Giêsu dạy dỗ các môn đệ phải tránh khuynh hướng muốn được quyền cao chức trọng
theo kiểu loài người, nhưng phải biết khiêm nhường như trẻ nhỏ và phục vụ những
người cô thân cô thế. Hơn nữa, người môn đệ phải tuyệt đối tránh đối xử bất
công với những hạng người này, vì thiên thần của họ hằng bảo vệ họ trước ngai của
Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng tôi đã không vâng nghe tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa
chúng tôi.
Tiên-tri Baruch là một
kinh-sư, người đồng thời với tiên-tri Jeremiah. Nhiều người còn cho ông là thư
ký của Jeremiah. Cả hai sống trong một giai đoạn rất khó khăn của vương quốc
Judah, khi cả nước bị rơi vào tay vua Babylon, Đền Thờ bị phá hủy, và rất nhiều
người cùng với vua quan bị lưu đày qua Babylon. Trình thuật của ông hôm nay là
một lời thú tội, sau khi đã cẩn thận xét mình về mối tương quan giữa Thiên Chúa
và con cái Israel.
1.1/ Tình thương Thiên
Chúa và sự dạy dỗ của Ngài: Khi nhìn lại quá
khứ, Baruch nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho con cái Israel quá cao
vời: Ngài đã đưa ra khỏi đất nô lệ Ai-cập, dẫn đưa họ vào miền Đất Hứa tràn đầy
sữa và mật mà Ngài đã hứa với các tổ-phụ. Ngài đã thân hành ban cho dân Thập Giới
qua trung gian Moses, để dân chúng biết sống đúng mối liên hệ vơi Thiên Chúa và
với tha nhân. Khi vua quan và dân chúng đi trật đường, Ngài đã gởi các tiên-tri
tới để sửa dạy; không phải chỉ một người hay một lần, mà rất nhiều người và nhiều
lần. Họ không những không chịu nghe, mà còn xỉ nhục và đánh đập các tiên-tri nữa.
1.2/ Tội lỗi và hình phạt:
Trong khi Thiên Chúa thương yêu, dạy bảo, và
tìm mọi cách để làm cho con cái Israel ăn năn trở về; họ vẫn cứng lòng và ngoan
cố trong tội.
(1) Tội lỗi con người:
Tiên-tri Baruch thú nhận: ''Tất cả chúng tôi đã phạm tội trước nhan Đức Chúa.''
Một số tội ông liệt kê ra như sau:
+ Tội không vâng phục:
Chúng tôi đã không nghe tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa, không vâng giữ các mệnh lệnh
Đức Chúa đã đề ra.
+ Tội cứng lòng không
chịu nghe lời các ngôn sứ sửa dạy: Chúng tôi đã không tuân giữ mọi lời các ngôn
sứ Người đã sai đến với chúng tôi.
+ Hai tội chính của
con cái Israel được nhắc đi nhắc lại trong sách các tiên-tri: (1) Bỏ Thiên Chúa
để chạy theo các thần ngoại bang; và (2) sống bất công với tha nhân.
(2) Hình phạt: Thiên
Chúa, qua ông Moses, đã báo trước hình phạt xảy ra nếu không chịu giữ các điều
răn là phải chết. Giờ đây, khi toàn dân phải hổ ngươi bẽ mặt trong chốn lưu đày
là xứng đáng với tội lỗi của mình; họ không được than trách Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng
nhan Cha Thầy.
2.1/ Phục vụ trẻ nhỏ là
điều kiện vào Nước Trời: Mong ước được nổi
tiếng nhất, được trở thành người quan trọng nhất, là ước mơ của nhiều người
trong thế gian. Mong ước này cũng xảy ra nơi các môn đệ của Chúa Giêsu, khi các
ông lại gần hỏi Ngài rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?"
Đức Giêsu liền gọi một
em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em
không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ,
coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp
đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.'' Qua câu rả lời
của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra hai điều quan trọng:
(1) Phải khiêm nhường,
tự hạ, mới được vào Nước Trời: Trẻ thơ không mong được quyền cao chức trọng,
chúng bằng lòng với sự yêu thương, chăm sóc, và bảo vệ của cha mẹ chúng. Người
môn đệ của Đức Kitô cũng thế, tại sao cần phải có quyền cao chức trọng khi đã
được Thiên Chúa yêu thương, dạy dỗ, và quan phòng cho mọi sự! Mong ước được nổi
tiếng chẳng những không giúp gì cho người môn đệ, mà còn làm cho người môn đệ dần
dần xa Chúa. Mọi người chúng ta đã quá rõ lý do sự sa ngã của Lucifer và của cặp
vợ chồng đầu tiên rồi.
(2) Phải phục vụ trẻ
nhỏ vì danh Chúa: Một tính xấu nữa nơi con người là muốn được phục vụ, chứ
không muốn phải phục vụ người khác. Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài phải khử
trừ thói xấu này bằng cách xả thân phục vụ trẻ nhỏ, và những người cô thân cô
thế vì danh Đức Kitô. Những người này không có gì để trả lại cho các môn đệ; đó
chính là động lực mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ phục vụ: để Thiên Chúa trả công
cho anh em.
2.2/ Mỗi người tín hữu đều
có một thiên thần bản mệnh: Niềm tin vào
thiên thần bản mệnh được Giáo Hội dựa trên những gì Chúa Giêsu tuyên bố hôm
nay: "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả
thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng
chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.''
(1) Mọi người đều được
Thiên Chúa bảo vệ: Thiên Chúa dùng các thiên thần để giúp Ngài trong việc điều
khiển thế giới và con người. Mỗi tín hữu, không cần biết nhỏ bé và tầm thường đến
đâu, đều có một thiên thần để bảo ban, dạy dỗ, và phù hộ trong cuộc đời. Mỗi
tín hữu phải biết lắng nghe tiếng thiên thần của mình, để có thể tránh hậu quả
tai hại xảy ra trong cuộc đời.
(2) Động đến họ là động
đến Thiên Chúa: Nhiều người có khuynh hướng ức hiếp kẻ cô thân cô thế, vì nghĩ
họ không có đủ khôn ngoan và sức mạnh chống lại mình. Những lời của Chúa Giêsu
tuyên bố hôm nay là lời cảnh cáo cho những ai suy nghĩ như thế. Cho dẫu họ có
thể ức hiếp người cô thân cô thế ở đời này, nhưng họ sẽ không thoát nổi lời tố
cáo của thiên thần bản mệnh trước tòa án của Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy vâng
nghe những lời chỉ dạy của Thiên Chúa qua Thập Giới và hướng dẫn của Giáo Hội;
để có thể tránh tội lỗi và hình phạt gây ra bởi tội.
- Chúng ta hãy luôn ý
thức sự hiện diện và lắng nghe tiếng của thiên thần bản mệnh, để tránh được chước
cám dỗ của ma quỉ và nhưng nguy hiểm của cuộc đời.
- Chúng ta hãy bằng
lòng với sự yêu thương, dạy dỗ, và bảo vệ của Thiên Chúa. Mơ ước được quyền cao
chức trọng chẳng sinh lợi ích gì cho phần rỗi linh hồn của chúng ta.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
06/10/2017 - THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Bru-nô, linh mục
Lc 10,13-16
KHỐN CHO KHO-RA-DIN
“Khốn cho ngươi, hỡi
Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các
ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên
tro tỏ lòng sám hối rồi.” (Lc 10,13)
Suy niệm: Trong Kinh Thánh
Cựu Ước, thành Tia và Xi-đôn là đối tượng của những lời rủa xả nặng nề nhất của
các tiên tri (x. Gr 47; Is 23; Ed 26). Những đô thị này là nơi phát sinh những
sa đọa luân lý, óc tự mãn và tôn thờ ngẫu tượng. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa
Giê-su nói rằng: trong cuộc phán xét, Tia và Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn
Kho-ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um, vì các thành này là ba điểm truyền
giáo mà Chúa Giê-su hằng lui tới và đã chứng kiến rất nhiều phép lạ Chúa làm.
Thế nhưng các thành này không sám hối. Chúa Giê-su đã dùng từ rất nặng để quở
trách: Khốn cho ngươi.
Mời Bạn: Đôi khi đọc Tin Mừng có những
đoạn Chúa lên án gay gắt, và chúng ta thường tránh né Lời Chúa. Chẳng hạn hôm
nay, Chúa nói: Khốn cho ngươi. Tránh né Lời Chúa thì Lời Ngài không thể hoán cải
đời sống chúng ta được. Vì thế, chúng ta hãy đón nhận Lời Chúa để được ơn hoán
cải.
Chia sẻ: Một ai đó nói với bạn: Khốn cho ngươi, bạn phản ứng thế
nào?
Sống Lời Chúa: Hoán cải một tật xấu nào
đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đến loan báo niềm vui cho chúng con. Niềm vui mà thế gian không thể ban tặng
được. Thế nhưng, nhiều khi chúng con đã khước từ Lời của Chúa, đến nỗi Chúa phải
nặng lời: Khốn cho con. Chúng con xin lỗi Chúa và xin Chúa ban sức giúp chúng
con hoán cải mỗi ngày. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Khốn cho ngươi (6.10.2017 – Thứ sáu Tuần 26 Thường niên)
Có thể nhiều người bị đánh động khi nghe lời Đức Giêsu giảng và bị thu hút bởi các phép lạ Ngài làm.
Nhưng đối với Đức Giêsu, như thế vẫn chưa đủ.
Suy niệm:
Tin Mừng hôm nay kể lại
một kinh nghiệm không vui của Đức Giêsu,
Kinh nghiệm của một người
tận tụy với công việc tông đồ
nhưng sau thời gian dài
chờ đợi, kết quả lại không như ý.
Đức Giêsu là người vùng
Galilê, hẳn Ngài yêu vùng đất này.
Ngài thường lui tới những
thành phố quanh Hồ Galilê.
Khoradin, Bếtsaiđa,
Caphácnaum nằm trong số đó.
Ngài đã rao giảng nhiều
về sám hối (7, 36-50; 13, 1-5; 19, 1-10),
và Ngài cũng làm bao phép
lạ kèm theo để gọi mời hoán cải.
Có thể nhiều người bị
đánh động khi nghe lời Ngài giảng
và bị thu hút bởi các
phép lạ Ngài làm.
Nhưng đối với Đức Giêsu,
như thế vẫn chưa đủ.
Tất cả vẫn chỉ là hời hợt
của cảm xúc bên ngoài.
Điều Ngài đòi hỏi là biến
đổi tận căn bên trong cuộc sống.
“Khốn cho ngươi, hỡi
Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa!
Đức Giêsu đau đớn thốt
lên như thế khi phải so sánh hai thành phố trên
với hai thành phố dân
ngoại tội lỗi là Tia và Xiđôn (Is 23; Ed 26-28).
Hai thành phố ở Galilê
chẳng đổi gì mấy dù đã biết Ngài từ lâu.
Dân ở đây sẽ bị xét xử
nghiêm khắc hơn trong cuộc phán xét.
Thành phố Caphácnaum cũng
chẳng khá hơn,
dù đây là nơi Đức Giêsu
hay lui tới để phục vụ (Lc 4, 23. 31-37 ; 7,10).
Ngài đặt thẳng câu hỏi
với thành phố này về tương lai của nó (c. 15).
Đừng mong được nâng đến
tận trời, nhưng sẽ bị xuống tận âm phủ!
Đức Giêsu có kinh nghiệm
về thất bại trong việc tông đồ.
Ngài cũng nhắc các môn đệ
về chuyện đó (Lc 10, 10-12).
Không được tiếp đón, bị
từ khước, không được người ta nghe (c.16),
thậm chí có khi bị bách
hại, bị vu khống, bị giết chết.
Đó là những điều người
môn đệ tín trung vẫn thường gặp,
vì Thầy của họ đã trải
qua và vượt qua.
Trong bài Tin Mừng hôm
nay Đức Giêsu nói chuyện với các thành phố,
những nơi thân quen, đã
mang dấu chân Ngài.
Ngài lấy làm tiếc vì
những gì Ngài làm chưa thấm vào bề sâu,
chưa tạo ra được những
thay đổi nơi lòng thành phố.
Một sám hối thật sự không
phải chỉ là một sám hối cá nhân,
nhưng là sám hối nơi sinh
hoạt của cả một thành phố.
Nếu hôm nay Ngài đến với
thành phố của chúng ta Ngài sẽ nói gì?
Ngài có chỗ không, ở mọi
nơi người Kitô hữu đang sống,
đang làm việc, đang học
hành, đang vui chơi, đang cầu nguyện?
Sám hối là trả lại chỗ
cho Ngài trong mỗi góc phố vắng,
là giữ cho thành phố
xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất.
Ước gì chúng ta biết xây
dựng quanh ta
những khoảng không gian
tràn ngập sự hiện diện của Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
việc tông đồ của con phải
là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.
để khi thấy con, người ta
phải nói:
“vì anh này tốt quá, nên
đạo của anh phải là đạo tốt.”
Và nếu có ai hỏi con
tại sao con lại hiền lành
và tốt như thế,
con sẽ trả lời
vì con là tôi tớ của một
đấng tốt hơn con nhiều.
“Mong sao bạn biết được
Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!”
Con muốn sống thật tốt,
để người ta có thể nói:
“nếu tôi tớ mà tốt như
vậy,
thì Chủ sẽ tốt đến ngần
nào?”
Chân phước Charles
Foucauld
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG MƯỜI
Bánh Nuôi Nhiệm Thể
Đức Kitô
Thánh Thể là bí tích của
sự hiệp thông sự sống với Chúa Kitô. Đó cũng là bí tích xây dựng cộng đoàn. Cây
nho và những cành nho là hình ảnh của cộng đoàn này, bao gồm tất cả những ai được
liên kết trong Đức Kitô nhờ ân sủng và sự thật. Hình ảnh cây nho và các cành
nho nhắc chúng ta về nhu cầu phải sống thực tại Giáo Hội trong mối hiệp thông
sâu xa với Đức Kitô và với anh chị em mình. Giáo Hội là Nhiệm Thể của những nguời
tin – trong đó Chúa Kitô là Đầu và tất cả các tín hữu là những chi thể.
Sự sống của thân thể
này đến từ mạch nhựa sống siêu nhiên là ân sủng và thân thể này lớn lên nhờ ánh
sáng của Chúa Thánh Thần. “i” (2 Tm 3,5) của đức tin chúng ta nằm trong chính
thân thể này; cũng chính trong thân thể này chứa đựng các mô liên kết giúp đem
lại ý nghĩa và mối hiệp nhất cho các cộng đoàn Kitô hữu trên khắp cùng thế giới.
Chân lý này được minh
họa bằng một hình ảnh rút ra từ một kỹ thuật nông nghiệp, gọi là “ghép”. Nhờ
Phép Rửa, chúng ta được ghép vào với Đức Kitô (Rm 1,17). Chúng ta trở nên những
cành nho, được nuôi sống bởi cây nho. Vì thế chúng ta đuợc mời gọi sống hiệp nhất
với Đức Kitô và với anh chị em mình. Như vậy, chúng ta là cộng đoàn của những
người đã được nhận Phép Rửa và được cứu chuộc. Chúng ta vẫn còn thuộc về cộng
đoàn này bao lâu chúng ta còn ở lại trong mối hiệp thông với Đức Kitô và với
anh chị em mình. Đức Giêsu vạch cho chúng ta thấy rõ điều gì sẽ xảy ra khi
chúng ta tự tách mình ra khỏi Ngài và anh chị em. Hình ảnh minh họa của Thánh
Kinh giải thích điều này hết sức rõ: Nếu cành nho không ở lại trong mối liên kết
với thân nho thì nó sẽ khô héo đi. Nó bị chặt đi và bị quăng vào lửa.
Nhưng Thánh Thể không
chỉ hàm chứa mối tương quan mật thiết giữa Đức Kitô và mỗi người tín hữu. Thánh
Thể còn được thiết lập để hiệp nhất mọi Kitôhữu trong tư cách là thân thể của
Chúa. Thánh Thể tạo lập trong chúng ta một ý thức sâu xa về mối dây hiệp nhất,
về tình huynh đệ, về sự liên đới trong Đức Kitô. Thánh Thể tác động trong chúng
ta một cảm thức sâu xa mối gắn bó thiêng liêng, bởi lẽ chúng ta là những người
được nuôi dưỡng bởi cùng một bánh để làm nên một thân thể duy nhứt trong Đức
Kitô.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 06-10
Thánh Brunô linh mục
Br 1, 15-22; Lc 10,
13-16.
Lời suy niệm: “Ai nghe anh em
là nghe Thầy; Và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; và ai khước từ Thầy là
khước từ Đấng đã sai Thầy.”
Lời Chúa Giêsu đang
nói với chính những người đã được Chúa sai đi, đây là một vinh dự thật lớn lao,
đồng thời cũng mang một trách nhiệm trong học biết và truyền đạt cho người anh
em chúng quanh mình; vì được chính Chúa Giêsu kết nối lời nói của người được sai
đi liền liền với Lời Chúa và với Lời Chúa Cha.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho mỗi một người trong chúng con luôn biết tiếp nhận Lời Chúa đem vào trong cuộc
sống của mình hầu những việc làm của chúng con được đẹp lòng Chúa và mọi người
đang sống chúng quanh chúng con.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 06-10
Thánh BRUNÔ
Linh Mục (1035 -
1101)
Thánh Brunô sinh khoảng
năm1035 tại Cologne, nước Đức và từ trần năm 1101 tại Calabria, miền nam nước
Ý. Chúng ta biết được rất ít và đời sống thơ ấu của Ngài. Có lẽ Ngài thuộc gia
đình quý phái Der Hautenfaust và được giáo dục ở truờng thánh Cunibert tại sinh
quán.
Sau đó dường như Ngài
đã bỏ Cologne để theo học tại Reims và từ đó tiếp tục học triết ở Tours. Sau
này chúng ta biết Ngài làm thủ lãnh các trường Reims, làm chưởng ấn địa phận và
làm kinh sĩ toà tổng giám mục. Chắc chắn Ngài là một trong những học giả lừng
danh thời đó. Nhiều người đã tới Reims để thụ giáo với Ngài, trong số đó có
Eudes de Chantaillen là người sẽ trở thành giáo hoàng với danh hiệu Urbano II.
Các sách chú giải về thánh vịnh và các thư thánh Phaolô là những tác phẩm chúng
ta còn lưu giữ được, chứng tỏ thánh nhân là một học giả có thế giá và là người
hiểu biết tiếng Hy lạp và tiếng Do thái. Vào thời của Ngài ít có người hiểu biết
được như vậy.
Các thử thách đổ xuống
cuộc đời thánh Brunô, kể từ khi Đức Tổng giám mục Gevase qua đời năm 1068 và
Manasses được đặt kế vị. Manasses là một người khô khan và hung bạo, đã chiếm
đã ngai tòa giám mục nhờ việc buôn thần bán thánh. Brunô đứng đầu những nhóm
kinh sĩ chống lại và bị triệu về Roma. Manasses trả thù bằng cách tịch biên tài
sản và buộc các Ngài phải trốn khỏi thành phố. Brunô trốn về một nơi gọi là
Rocher, ở tại nhà một người bạn tên là Adam. Lần kia, trong khi đi dạo tại vườn
nhà Adam, Brunô với hai người bạn là Ralph và Fulcius đã bàn về bản chất giả tạo
của các thú vui trần thế và niềm vui của đời sống chiêm niệm. Lửa nhiệt tình
bùng cháy, họ quyết định sẽ bỏ thế gian để sống đời cầu nguyện, ngay khi nào
hoàn cảnh cho phép. Nhưng rồi Fulcius phải đi Roma để trình bản cáo trạng tổng
giám mục. Brunô không thể bỏ Reims khi Đức tổng giám mục còn tại vị. Cuối cùng,
khi Đức Tổng giám mục bị truất ngôi, chi còn Brunô trung kiên với dự tính.
Sau khi Manasses bị
truất ngôi, vị đặc sứ tòa thánh muốn đặt Brunô làm tổng giám mục. Nhưng lúc ấy
thánh nhân đã trốn khỏi Reims cùng với sáu người bạn, tới một nơi gọi là
Sèche-Phontaine. Ngài ở gần tu viện Molesme là nơi thánh Robertô làm đan viện
phụ. Có lẽ Brunô là tu sĩ của tu viện này một thời gian ngắn.
Tuy nhiên Brunô đã
không ở lâu tại Sèche-Phontaine. Ngài muốn tìm một nơi xa vắng hơn để khỏi bị
du khách quấy rầy. Năm 1084, Ngài cùng với sáu người bạn tìm đến miền núi
Savoy. Trên đường đi, các Ngài dừng chân tại Grenoble để tham khảo ý kiến Đức
Cha Hugues de Chateaineuf, một học trò cũ của Ngài. Vị giám mục thánh thiện đã
mơ thấy bảy ngôi sao sáng trên một miền xa thuộc dẫy núi Cjartreuse. Biết rằng
Brunô cùng với sáu người bạn của Ngài là những ngôi sao ấy, đức cha đã không chần
chờ dẫn họ ngay tới nơi mà giấc mơ đã chỉ cho Ngài. Đây là một nơi đủ yên tĩnh.
Brunô và các bạn liền cư ngụ tại đó. Các Ngài làm một nhà nguyện nhỏ và bảy cái
lều chung quanh. Đó là bước đầu của một tu viện lớn vẫn còn tồn tại cho tới
ngày nay, là nhà mẹ của một hội dòng mang tên CHARTREUSE.
Nhưng rồi thánh Brunô
đã quá lừng danh và không thể yên thân được lâu. Năm 1090, Đức Urbanô II, một học
trò cũ của Ngài đã nhớ đến thày cũ và triệu về Roma làm cố vấn. Dầu vậy, đức
giáo hoàng cũng sớm nhận ra rằng: không có chỗ trong giáo triều dành cho Brunô.
Ngài ban phép cho thánh nhân rời Roma, với điều kiện là phải có mặt tại nước Ý.
Trong thời gian vắn vỏi
tại giáo triều, thánh Brunô đã gặp nhà quý tộc Roger miền Sicily. Khi rời Roma,
Ngài đến cư ngụ ở nơi nhà quý tộc hiến cho, tại La Torre miền Calabria. Ngài
thiết lập ở đó một tu viện thứ hai, theo kiểu mẫu dòng Chartreuse. Ngày 6 tháng
10 năm 1101, Ngài từ trần, khi chưa có dịp trở về thăm tu viện thứ nhất của
Ngài.
(daminhvn.net)
06 Tháng Mười
Bưu Ðiện Lớn Nhất Thế Giới
Có lẽ bưu điện lớn
nhất thế giới phải là bưu điện trước cổng Thiên đàng... Mỗi ngày có không biết
bao nhiêu thư viết bằng không biết bao nhiêu ngôn ngữ được gửi đến... Tất cả đều
là những lời cầu xin. Theo sự phân loại của các thiên thần, thì ba vị nhận được
nhiều thư nhất đó là Ðức Maria, rồi đến thánh Antôn và thánh nữ Rita.
Một ngày kia, không
còn cầm được tính tò mò, các thiên thần không những đã mở thư gửi cho các
thánh, mà ngay cả các lá thư gửi đến cho Ðức Mẹ, các vị cũng không tha. Nhưng
các vị thiên thần đã thất vọng bởi vì nội dung và cách viết thư đều giống nhau.
Ðại khái thì cũng chỉ là: Lạy Mẹ, xin chữa cho con chóng lành bệnh... Xin cho
con của con được khỏe mạnh... Xin cho con tìm được việc làm... Xin giúp con thi
đỗ... Xin cho con tìm lại được chồng con...
Cả một loạt kinh cầu
mà các vị thiên sứ cũng đành phải nhàm chán, đến độ các vị phải thốt lên: dường
như Thiên Chúa chỉ tạo dựng con người có một cái miệng, một cái bụng. Họ không
có linh hồn, bởi vì tất cả những lời cầu xin của họ đều qui về hai bộ phận ấy.
Ðức Maria ngày nào
cũng như ngày nào đều phải đọc lại những lá thư có cùng nội dung và một công thức.
Tình cờ, có một là thư làm Mẹ chú ý. Lá thư đó viết như sau: "Lạy Trinh Nữ
rất thánh, con chỉ xin Mẹ một điều mà thôi, xin Mẹ cho con mỗi ngày được nên giống
Chúa Giêsu hơn".
Ðọc xong lá thư, Ðức
Maria bật khóc vì cảm động. Ngài nói với các thiên sứ phục vụ tại bưu điện:
"đây là lá thư mà Mẹ mong đợi từng ngày".
Theo sự thăm dò của
nhiều tờ báo lớn trên thế giới, thì tước hiệu "Người đàn bà của năm
1987" đã được dành cho thủ tướng nước Anh là bà Margueret Thatcher, người
đã đắc cử vào chức vụ này liên tiếp trong ba nhiệm kỳ.
Ðứng hàng thứ hai
trong danh sách những người đàn bà trong năm là nữ tổng thống Aquinô của Phi Luật
Tân, người đang đương đầu với không biết bao nhiêu xáo trộn trong nước.
Người thứ ba trong
danh sách là Mẹ Têrêsa thành Calcutta (người đã được lãnh giải thưởng Nobel về
hòa bình năm 1979). Kế đó là nữ hoàng Elizabeth II của nước Anh, bà Simone
Veil, chủ tịch quốc hội Âu Châu v.v...
Ðối với chúng ta, những
người Kitô, thì người đàn bà trong năm và nhứt là trong tháng mười này phải là
Mẹ Maria, người Mẹ không phải của một gia đình, một dân tộc. Vị nữ hoàng không
phải của một dân tộc, nhưng là của tất cả nhân loại... Mẹ đang lắng nghe chúng
ta trong suốt tháng 10 này. Chúng ta hãy thưa với Mẹ tất cả những gì chúng ta
đang cần.
Nhưng điều mà Mẹ luôn
chờ đợi để trợ giúp chúng ta: đó là mỗi ngày chúng ta nên giống Chúa Giêsu con
Mẹ. Bởi vì, trong tất cả mọi ơn cần cho chúng ta, đó là ơn cao trọng nhứt. Càng
nên giống Chúa Giêsu, chúng ta càng nên giống Mẹ và được đến gần Mẹ.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét