Trang

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

14-10-2017 : THỨ BẢY - TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

14/10/2017
Thứ Bảy tuần 27 thường niên


Bài Ðọc I: (Năm I) Ge 3, 12-21
"Các ngươi hãy tra lưỡi hái, vì mùa gặt đã tới".
Trích sách Tiên tri Giôel.
Ðây Chúa phán: "Các dân hãy chỗi dậy và tiến đến đồng Giosaphát: vì Ta sẽ ngự nơi đó để phán xét mọi dân tộc chung quanh. Các ngươi hãy tra lưỡi hái, vì mùa gặt đã tới. Này, các ngươi hãy xuống đi, vì bàn ép đã đầy, các chum đã tràn, vì tội ác của chúng đã gia tăng.
"Có vô số dân tộc trong cánh đồng giết chóc: vì ngày Chúa đến trong cánh đồng giết chóc đã gần. Mặt trời mặt trăng đã ra tối tăm, các vì sao đã mất ánh sáng. Từ Sion, Chúa sẽ hét to, và từ Giêrusalem, tiếng Người sẽ vọng ra: trời đất sẽ rung chuyển và Chúa sẽ là niềm cậy trông của dân Người, là sức mạnh của con cái Israel. Các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi, đang ngự trên Sion, núi thánh của Ta: Giêrusalem sẽ là thành thánh và các ngoại kiều không còn lai vãng qua đó nữa.
"Trong ngày ấy, sẽ xảy ra là các núi sẽ nhỏ mật ngọt, các đồi sẽ chảy ra sữa; nước sẽ chảy qua các sông ở Giuđa, mạch nước từ đền thờ Chúa sẽ chảy ra tưới suối gai góc. Ai-cập sẽ trở nên hoang vu; Iđumê sẽ trở thành rừng bị tiêu huỷ: lý do là tại chúng ngược đãi con cái Giuđa, và đổ máu vô tội trong lãnh thổ của chúng. Còn đất Giuđa sẽ có người cư ngụ đời đời, và Giêrusalem cũng sẽ có người cư ngụ từ đời nọ tới đời kia. Ta sẽ rửa sạch máu chúng mà trước Ta chưa rửa sạch, và Chúa sẽ ngự tại Sion".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 96, 1-2. 5-6. 11-12
Ðáp: Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa! (c. 12a).
Xướng: 1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui! Mây khói và sương mù bao toả chung quanh, công minh chính trực là nền kê ngai báu. - Ðáp.
2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. - Ðáp.
3) Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người! - Ðáp.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 27-28
"Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: "Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!" Nhưng Người phán rằng: "Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Cưu Mang Lời Chúa
Chúa Giêsu đã đến để đem Tin Mừng cứu độ cho nhân loại. Nơi nào Ngài đặt chân đến, thì nơi đó Vương quyền và Nước Thiên Chúa xuất hiện.
Nhận thấy quyền năng và sự khôn ngoan nơi các phép lạ cũng như lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, một người phụ nữ trong đám đông không thể cầm mình được. Bà đã lên tiếng ca ngợi Chúa Giêsu cách gián tiếp bằng cách ca ngợi người mẹ đã cưu mang Ngài: "Hạnh phúc thay bà mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm". Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Ðúng hơn phải nói rằng: "Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa".
Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ngài; nhưng qua những lời trên đây, Ngài mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria; mối tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa: cả cuộc đời Mẹ, từ biến cố Truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng.
Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ðó là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa: cưu mang bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở thành sức sống, chúng ta có thể đem sự sống đó đến cho những người xung quanh.
Veritas Asia



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy Tuần 27 TN1, Năm lẻ.
Bài đọcJoe 4:12-21; Lk 11:27-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết chuẩn bị cho Ngày Chung Thẩm.
Hầu hết mọi người sống trong cuộc đời đều tin "ác giả, ác báo;" người làm sự ác sẽ phải đền tội của họ. Người Kitô Giáo cũng thế, chúng ta tin Thiên Chúa sẽ đến và phán xét tất cả mọi người; sau đó, người sống cuộc đời công chính sẽ được sống hạnh phúc với Thiên Chúa, còn kẻ gian ác sẽ bị tiêu diệt muôn đời. Để chuẩn bị cho Ngày Phán Xét, liên hệ trên danh nghĩa là Kitô hữu không đủ để cứu chuộc con người; nhưng cách chuẩn bị thích hợp là lắng nghe và làm theo thánh ý Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay dạy con người hai điều phải làm để chuẩn bị Ngày đó. Trong Bài Đọc I, tiên tri Joel khuyên con cái Israel phải luôn nhớ đến Ngày này, để biết cách sống làm sao cho thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Chỉ có ai thoát khỏi Ngày này mới có hy vọng được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, khi một người phụ nữ trong hàng khán giả khen người Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, Ngài thắp lên cho mọi người niềm hy vọng: những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa còn có phúc hơn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đoàn này nối tiếp đoàn kia trong cánh đồng Chung Thẩm.
1.1/ Đức Chúa sẽ phán xét mọi dân tộc trong cánh đồng Josaphat: Tiên tri Joel tuyên sấm trước những gì sẽ xảy ra trong Ngày Chung Thẩm: "Các dân nước hãy bắt đầu di chuyển, tiến lên cánh đồng Josaphat, vì tại đó Ta sẽ ngự toà xét xử mọi dân nước chung quanh. Các ngươi hãy tra liềm vào, vì đã tới mùa lúa chín. Hãy đến mà đạp nho vì bồn ép đã đầy, bồn chứa đã trào ra, vì sự gian ác của chúng quá nhiều. Đoàn này nối tiếp đoàn kia trong cánh đồng Chung Thẩm, vì Ngày của Đức Chúa đã gần kề, trong cánh đồng Chung Thẩm.''
Josaphat là thung lũng Kidron hiện nay, nằm giữa Thành Jerusalem và Núi Cây Dầu. Tên của cánh đồng, Josaphat hay Jehosaphat, tiếng Do-thái có nghĩa "Thiên Chúa sẽ phán xét." Truyền thống Do-thái, dựa vào lời của tiên-tri Joel, tin Ngày Phán Xét sẽ xảy ra nơi đây; nên hầu hết dân Do-thái, người Hồi-giáo, và ngay cả người của các dân tộc khác cũng tìm mọi cách để được chôn cất nơi này. Mọi người có lẽ muốn khỏi phải chờ đợi và chứng kiến cảnh phán xét chung cuộc. Rất nhiều những ngôi mộ được chôn trong cánh đồng này.
1.2/ Hậu quả của Ngày Chung Thẩm: Ngày Chung Thẩm là một ngày đáng sợ, vì là ngày mà tất cả những ai đã làm điều gian ác phải đối diện với cơn thịnh nộ của Thiên Chúa; bên cạnh đó, còn xảy ra những hiện tượng kinh hồn trong thiên nhiên, mà Joel mô tả như sau: "Mặt trời mặt trăng mờ tối đi, các vì sao chẳng còn chiếu sáng. Từ Sion Đức Chúa gầm lên, từ Jerusalem tiếng Người vang dội, trời và đất chuyển rung." Sau khi phán xét các dân tộc và mọi người, hậu quả sẽ xảy ra như sau:
(1) Người công chính sẽ được sống an bình hạnh phúc: ''Đức Chúa là nơi cho dân Người nương náu, là nơi trú ẩn cho con cái Israel. Bấy giờ các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi, Đấng ngự tại Sion, núi thánh của Ta. Jerusalem sẽ là nơi thánh, người ngoại quốc sẽ chẳng còn qua đó nữa. Ngày ấy, núi non sẽ tiết ra nước nho, đồi nương sẽ chảy sữa tràn trề, từ mọi khe suối Judah, nước sẽ tuôn trào cuồn cuộn. Một mạch nước từ Nhà Đức Chúa sẽ vọt ra tưới thung lũng Shittim.''
Truyền thống Do-thái tin chỉ có họ mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa, và khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài sẽ dẹp tan các dân nước và lên ngôi cai trị họ ngay tại trái đất này. Quan niệm về Thiên Đàng hay về đời sau, chỉ rõ ràng với mặc khải của Đức Kitô sau này. Shittim nằm về phía Đông Bắc của Biển Chết, trong thung lũng Moab, nơi mà con cái Israel dừng chân trước khi băng qua sông Jordan chiếm thành Jericho để vào Đất Hứa.
(2) Kẻ gian ác sẽ phải đền tội của họ: Trong khi Dân Chúa được hưởng hạnh phúc, tất cả các quốc gia lân bang của Israel sẽ bị trừng phạt: ''Ai-cập sẽ nên chốn hoang tàn, Edom sẽ trở thành sa mạc hoang vu, vì chúng đã dùng bạo lực sát hại con cái Judah: chúng đã đổ máu người vô tội trên đất của họ. Nhưng Judah sẽ có người ở mãi mãi, Jerusalem sẽ có người ở đến muôn đời. Ta sẽ trả thù cho máu của họ, Ta sẽ không bỏ qua mà không trừng phạt chúng.''
2/ Phúc Âm: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.
2.1/ Phúc đức tại mẫu: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!" Người Việt-Nam cũng quan niệm giống như người phụ nữ này khi nói “phúc đức tại mẫu.” Người con được khôn ngoan, thánh thiện, tài giỏi là do công ơn của bà mẹ đã 9 tháng cưu mang, 3 năm bú mớm. Không phải chỉ có người phụ nữ trong trình thuật này nhận ra diễm phúc của Đức Mẹ, sứ thần Gabriel cũng chào Đức Mẹ trong giây phút Truyền Tin: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà" (Lk 1:28). Bà Elisabeth, người chị họ của Đức Mẹ, cũng đã thốt lên: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lk 1:42).
2.2/ Lời tuyên bố của Chúa Giêsu: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." Thoạt nghe những lời này, một người có thể cho là lời khinh thường Đức Mẹ, vì Chúa đối xử với Đức Mẹ cũng như đối xử với những người khác, chẳng có gì đặc biệt hơn. Nhưng cuộc đời Đức Mẹ đúng là cuộc đời mà cụ già Simeon đã tiên báo: “Còn phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2:35). Đức Mẹ cũng phải đồng công chịu đựng đau khổ với Chúa. Trong mọi biến cố, Đức Mẹ không bao giờ mở miệng trách Thiên Chúa; nhưng luôn lắng nghe Ngài và giữ mọi sự trong lòng để suy niệm (Lk 2:52). Giống như khi Chúa Giêsu tuyên bố: "Mẹ Ta và anh em Ta là những kẻ lắng nghe và thực hành Lời của Thiên Chúa;" Ngài không khinh thường Đức Mẹ, vì Đức Mẹ chẳng những là Mẹ Chúa về phương diện liên hệ ruột thịt, mà còn là Mẹ theo tiêu chuẩn Chúa muốn là trọn đời làm theo ý Chúa.
Mọi người đều có cơ hội trở nên mẹ, anh/chị/em của Chúa: Đây là điều đáng mừng cho tất cả chúng ta, vì Chúa Giêsu cho mọi người đều có cơ hội bình đẳng để trở nên người thân thiết với Ngài. Từ chối không nghe hay không thực hành Lời Chúa là cách duy nhất không được trở nên mẹ và anh/chị/em của Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Khi làm bất cứ hành động gì trong cuộc đời, chúng ta phải luôn tâm niệm hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng đến chúng ta trong Ngày Phán Xét. Điều này sẽ giúp chúng ta biết "làm lành, tránh dữ."
- Ngày Chung Thẩm chắc chắn sẽ đến. Trong Ngày này, Thiên Chúa sẽ phán xét mọi người và mọi dân tộc. Hậu quả xảy ra là người công chính sẽ được sống hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa; trong khi kẻ gian ác sẽ bị tiêu diệt muôn đời.
- Để chuẩn bị cho Ngày Chung Thẩm, chúng ta cần dành thời gian để học hỏi những gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm, và phải cố gắng hết sức để thi hành thánh ý của Thiên Chúa.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

Th. Ca-lít-tô I, giáo hoàng, tử đạo  Lc 11,27-28

LÊN TIẾNG GIỮA ĐÁM ĐÔNG


“Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người…” (Lc 11,27)

Suy niệm: Hình dung cảnh đám đông người Do Thái vây quanh Đức Giê-su: Họ đang trầm trồ thán phục vì được chứng kiến những phép lạ phi thường và được nghe những lời giảng dạy khôn ngoan của Chúa. Các người phụ nữ mơ ước có một người con tài giỏi như Chúa. Người mẹ sinh ra Chúa thật có phúc. Vì thế, một trong số họ đã lên tiếng – và “lên tiếng giữa đám đông”. Một hành động dũng cảm, không chỉ là “một thoáng” cảm xúc, nhưng là sự bùng nổ của cõi lòng. Cõi lòng lên tiếng, vượt qua mọi sợ hãi, ái ngại của tâm lý thường tình, để có thể “lên tiếng” về cảm thức chân lý của mình – dù giữa đám đông -  nhờ đó đón nhận được mạc khải của Thiên Chúa trong Đức Giê-su. Vâng, chúng ta cần phải vượt qua tất cả - chính mình và tha nhân - để Chúa và Lời Ngài có thể “cư ngụ” giữa chúng ta.

Mời Bạn: Mẹ Ma-ri-a là người được chúc phúc, không chỉ vì Mẹ được phúc cưu mang Chúa, nhưng nhất là vì Mẹ đã cưu mang Chúa trong tâm hồn, trong mọi sự và trong suốt đời. Mẹ đáng được chúc phúc vì Mẹ chuyên tâm lắng nghe Ý Chúa và hết lòng thực hiện. Mẹ sống được như vậy nhờ vượt qua chính mình, kể cả “lên tiếng giữa đám đông” để “Chúa luôn ở cùng.” Bạn cũng là người hạnh phúc đích thực khi bạn cưu mang Chúa trong tâm hồn, để Chúa hiện diện trong cõi lòng, để tinh thần Chúa biểu lộ qua cách ăn nết ở. Bởi vì lúc đó bạn trở thành người thực sự “có liên hệ” là người anh em, bà con với Ngài.

Sống Lời Chúa: Hôm nay gia đình tôi đọc kinh Mân Côi chung sốt sắng hơn.

Cầu nguyện: Hát bài “Xin Vâng.”
(5 phút Lời Chúa)


Phúc thay lòng d (14.10.2017 – Th by Tun 27 Thường niên)
Chúng ta không được ban mi phúc sinh dưỡng Đc Giêsu như M, nhưng vn được chia s mi phúc nghe và gi li Chúa ca đám đông.


Suy nim:
Thánh Luca hẳn đã dựa vào một nguồn tài liệu riêng
để viết nên đoạn Tin Mừng rất ngắn này.
Khung cảnh có vẻ diễn ra ở ngoài trời, có đám đông dân chúng.
Đức Giêsu đang giảng dạy, còn dân chúng thì nghe.
Bất ngờ có một phụ nữ cất cao giọng mà nói với Ngài rằng:
“Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú mớm.”
Đây là một lời ca ngợi thân mẫu của Thầy Giêsu.
Người phụ nữ chắc đã rất tâm đắc với những lời Thầy giảng,
nên từ lòng ngưỡng mộ đối với Thầy,
bà đã bật lên lời ngợi khen đối với người mẹ của Thầy.
Bà không ngại nói đến những nét đặc trưng và kín đáo của một người mẹ,
những gì nơi thân xác mẹ cần cho sự sống của con.
Lòng dạ của thân mẫu Thầy đã cưu mang Thầy chín tháng.
Chín tháng đủ để một thai nhi cứng cáp mà nhìn thấy ánh mặt trời.
Chín tháng ấp ủ, mẹ và con gần gũi nhau như là một.
“Và vú đã cho Thầy bú mớm.”
Không phải chỉ chín tháng cưu mang, mà còn ba năm bú mớm.
Mẹ nuôi con bằng chính dòng sữa của mình, sự sống của mình.
để con được lớn lên, có thể đứng đây mà giảng thuyết.
Rõ ràng thân xác mẹ là cái nôi ru cho con lớn lên.
Mẹ vừa lo sinh, vừa lo dưỡng.
Lời khen ngợi của người phụ nữ vang ra cả đám đông.
Khen mẹ chính là khen con một cách gián tiếp.
Phải là một người mẹ tuyệt vời
mới sinh được một người con tuyệt vời đến thế!
Maria có phúc vì Mẹ được chọn để sinh dưỡng Đấng cứu độ.
Bà Êlisabét đã từng lớn tiếng kêu lên mối phúc này (Lc 1, 42) :
“Em có phúc hơn mọi phụ nữ, và phúc cho hoa trái của bụng dạ em.”
Như thế Mẹ có phúc vì Con có phúc.
Đức Giêsu không phản đối hay phủ nhận câu nói của người phụ nữ
đang đứng nghe giảng cùng với đám đông.
Ngài chỉ muốn điều chỉnh cho hợp với bầu khí hiện tại,
khi những người trong đám đông đang ở tư thế lắng nghe.
“Phúc cho những ai lắng nghe và giữ lời của Thiên Chúa.”
Một mối phúc mới tưởng như không liên hệ gì với mối phúc trước,
kỳ thực đó là điều Mẹ Maria đã sống từ lâu.
Ai lắng nghe tiếng Chúa bằng Mẹ? Ai giữ lời Chúa bằng Mẹ?
Trước khi cưu mang Ngôi Lời nơi thân xác,
Mẹ Maria đã đón lấy Lời Chúa vào cuộc đời mình.
Đám đông đang lắng nghe lời Thầy Giêsu.
Họ còn cần tuân giữ lời đó nữa mới được hưởng mối phúc thật sự.
Chúng ta không được ban mối phúc sinh dưỡng Đức Giêsu như Mẹ,
nhưng vẫn được chia sẻ mối phúc nghe và giữ lời Chúa của đám đông.
Cầu nguyn:

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG MƯỜI
Loan Báo Tin Mừng,
Một Nhu Cầu Cấp Bách Và Toàn Diện
Công Đồng Vatican II, trong Sắc Lệnh Truyền Giáo, đã tổng hợp một cách tuyệt vời cả lý do lẫn trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Sắc Lệnh này đề cập đến các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội : “Lý do của sứ mạng truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên Chúa, Ngài ‘muốn tất cả mọi người được cứu độ và được biết sự thật. Và sự thật là: Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất. Cũng chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, Đấng đã trao hiến chính mình làm giá chuộc cho mọi người’ (1Tm 2,4-6), và ‘không có ơn cứu độ nơi bất cứ ai khác’ (Cv 4,12). Do đó, mọi người phải trở về với Ngài sau khi đã nhận biết Ngài nhờ lời rao giảng của Giáo Hội, và phải kết hiệp mật thiết với Ngài cũng như với Giáo Hội là thân thể của Ngài qua Phép Rửa…”
“Đành rằng Thiên Chúa – bằng những cách thế chỉ một mình Ngài biết – có thể dẫn dắt những người có lương tâm ngay thẳng nhưng không biết Tin Mừng đến với đức tin – ‘bởi người ta không thể làm hài lòng Thiên Chúa được nếu không có đức tin’ (Dt 11,6); tuy nhiên, bổn phận tất yếu của Giáo Hội phải là rao giảng Tin Mừng, nghĩa là hoạt động truyền giáo của Giáo Hội luôn luôn còn đầy đủ tính khẩn thiết của nó – hôm nay và mãi mãi” (TG, 7).
Loan báo Tin Mừng là công việc thường xuyên của Giáo Hội. Nó luôn khẩn thiết và không bao giờ có thể chước miễn. Ơn cứu độ của con người luôn là vấn đề nóng bỏng. Đó là lý do tại sao Đức Phao-lô VI, trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi, đã viết: “Người tông đồ phải hiến dâng tất cả thời giờ, tất cả sức lực, và nếu cần, hy sinh cả sự sống mình cho việc loan báo Tin Mừng” (EN, 5).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 12-10
Ge 4,12-21; Lc 11,27-28

LỜI SUY NIỆM: Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cứu mang và cho Thầy bú mớn!”

Trong cuộc sống mọi người đều muốn được phúc; mỗi khi ai đạt được điều cao quý tốt đẹp, thì có nhiều người cảm phục và khen ngợi. Nhưng với người Kitô hữu, hạnh phúc chính là nhờ biết Lời Chúa, đón nhận Lời Chúa và đem ra áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Khi sống Lời Chúa chúng ta sẽ có sự khiêm nhường trong tình yêu, để chịu đựng và thông cảm và tha thứ. Khi gặp gian nguy đau khổ chúng ta tin; Không có gì, mà Thiên Chúa không thể làm được.


Mạnh Phương



14 Tháng Mười Một
Tôi Tiếp Tục Cuộc Chơi!

Mới đây, tại Thụy Sĩ, người ta đã dùng điện thoại để phỏng vấn 1,200 người tại 20 thành phố khác nhau về việc chuẩn bị chết. Câu hỏi được đặt như sau: "Nếu bạn chỉ còn một ngày nữa để sống, bạn sẽ làm gì?". Kết quả của cuộc thăm dò được phân chia như sau:
- 57% những người được phỏng vấn trả lời rằng họ sẽ sống ngày cuối cùng với gia đình. 12% muốn ở một mình hoặc với bạn bè.
- 26% người đàn ông được hỏi cho biết họ sẽ sống ngày cuối cùng đó với gia đình. 42% khác thích ở một mình hoặc cùng với bạn bè.
- 32% đàn ông lẫn đàn bà muốn được sống với gia đình trong những giây phút cuối đời.
- 6% người đàn ông muốn được sống bên vợ...
Trên đây có lẽ chỉ là những con số không đại diện cho ước muốn hay suy nghĩ của tất cả mọi người. Nhưng xuyên qua kết quả đó, chúng ta cũng có thể đọc được một thái độ chung của con người khi đứng trước sự chết: đó là sự cô đơn...
Cái chết là một chia lìa vĩnh viễn, nhất là với những người thân của chúng ta. Nếu câu hỏi trên đây được đặt ra cho bạn giây phút này đây, bạn sẽ làm gì?
Có lẽ chúng ta còn nhớ chuyện của một vị thánh trẻ khi được hỏi về cách thế chuẩn bị chết...
Giữa một đám trẻ đang chơi đùa, viên giám thị đặt câu hỏi: nếu ngay bây giờ, chúng con biết mình sắp chết, chúng con sẽ làm gì?
Một số trả lời rằng sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số cho biết sẽ đi xưng tội để dọn mình chết lành v.v... Chỉ có một cậu bé điềm nhiên trả lời: "Nếu trong giây lát tôi có chết, tôi cũng sẽ tiếp tục cuộc chơi".
Có lẽ đó là câu trả lời làm cho viên giám thị ưng ý nhất, bởi vì nếu giải trí lành mạnh là một bẩn phận, thì việc thánh hóa trước tiên phải nằm trong bổn phận hằng ngày.
Nếu chúng tabiết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ Chúa trong từng sinh hoạt, nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa trong từng giây phút... thì cái chết chỉ là một nối dài của cuộc gặp gỡ đó. Người luôn trung thành với những gặp gỡ trong giây phút hiện tại, sẽ không phải hãi sợ trong cuộc gặp gỡ tối hậu là cái chết.
Chúng ta đang cầu cho các đẳng linh hồn. Giáo Hội kêu mời chúng ta dâng các việc đạo đức và hy sinh để cầu cho họ. Ðó là những việc làm không thể thiếu sót trong nghĩa vụ liên đới của người Kitô. Nhưng còn có một việc làm khác không kém giá trị: đó là sự trung thành của chúng ta trong những bổn phận hằng ngày. Người có niềm tin trưởng thành thực sự, luôn nhìn thấy ý nghĩa và giá trị của những bổn phận vô danh và nhàm chán hằng ngày...

Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét