THƯ MỤC VỤ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
Anh chị em thân mến,
Từ ngày 9 đến 13 tháng 10 năm
2017, Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Hội nghị thường niên, kỳ II, tại Toà Giám
mục Thanh Hoá. Chúng tôi gửi đến anh chị em lời chào thân ái, “xin Thiên Chúa
là Cha chúng ta và Chúa Giêsu Kitô ban cho anh chị em ân sủng và bình an” (Pl
1, 2).
1- Từ những chia sẻ của các giáo phận cũng như các Uỷ ban trực
thuộc Hội đồng Giám mục, chúng tôi vui mừng trước những hoa trái mục vụ theo định
hướng đã đề ra cho năm 2017, là “chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn
nhân”. Việc học giáo lý hôn nhân được chú trọng hơn tại các giáo xứ; nhiều sáng
kiến được áp dụng để giúp các bạn trẻ khám phá vẻ đẹp, sự cao quý và tầm quan
trọng của hôn nhân Kitô giáo; mục vụ hôn nhân cũng là đề tài của các cuộc thường
huấn linh mục ở cấp giáo phận cũng như giáo tỉnh. Chúng tôi cám ơn những cố gắng
của anh em linh mục, các tu sĩ, giáo lý viên và các bạn trẻ trong lãnh vực này.
Hy vọng những nỗ lực đó sẽ được tiếp tục, hầu giúp các bạn trẻ bước vào đời sống
hôn nhân cách vững vàng hơn.
2- Trong năm 2018, chúng tôi đề nghị anh chị em tiếp tục
quan tâm đến Mục vụ gia đình, với điểm nhấn là đồng hành với các gia
đình trẻ.
Mặc dù có nhiều thách đố và khó
khăn trong đời sống gia đình, vẫn có những chứng từ tốt đẹp nơi nhiều cặp vợ chồng
trẻ Công giáo. Họ chấp nhận những hy sinh lớn lao, vượt qua mọi khó khăn thử
thách để sống trung thành với giao ước hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng đã can đảm
giữ mầm sống trong mọi hoàn cảnh. Có những đôi bạn chấp nhận tình trạng son sẻ
suốt đời, vượt qua cám dỗ muốn sử dụng những phương pháp trợ giúp Giáo Hội
không cho phép, đồng thời đón nhận và thực thi tình phụ mẫu thiêng liêng qua việc
đảm nhận những hoạt động tông đồ, bác ái xã hội với lòng nhiệt thành hân hoan.
Nhiều bậc cha mẹ dù nghèo về kinh tế, vẫn cố gắng chu toàn bổn phận chăm lo cho
con cái được giáo dục toàn diện về thể dục, trí dục, cũng như đức dục và tâm
linh.
Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng do ảnh
hưởng trào lưu hưởng thụ, sống ảo, sống gấp và quan niệm lệch lạc về hôn nhân,
một số không nhỏ những tiêu cực vẫn tồn tại và có nguy cơ phát triển, ngay
trong cộng đồng Công giáo như: phá thai, sống thử, kết hợp đồng tính, ly dị, lựa
chọn giới tính. Những hiện tượng này đang làm mất đi những giá trị truyền thống
của gia đình Việt Nam, đi ngược lại với ý muốn của Đấng Tạo hoá, để lại những hậu
quả nghiêm trọng cho thế hệ mới.
3- Dựa trên tình hình thực tế đã nêu trên, chúng tôi mời
gọi các gia đình trẻ hãy trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị của hôn nhân
Công giáo. Chúng tôi cũng mời gọi các mục tử và mọi thành phần Dân Chúa đồng
hành và giúp đỡ các gia đình xây dựng hạnh phúc.
Trong Tông huấn Niềm vui
của tình yêu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói đến những nguyên nhân dẫn đến
tình trạng gia đình đổ vỡ. Đó là kỳ vọng quá cao về đời sống hôn nhân, sự thu
hút ban đầu qua đi, cùng với những khó khăn mới mà đôi bạn chưa được chuẩn bị để
đối diện. Ngoài ra, còn phải nói đến tác động của bối cảnh văn hoá xã hội ngày
nay, đề cao tự do cá nhân hơn hạnh phúc gia đình, đo lường tình yêu dựa vào những
tiêu chuẩn vật chất và hưởng thụ hơn là những giá trị tinh thần. Vì vậy, trước
những khó khăn trong đời sống hôn nhân, nhiều đôi bạn trẻ coi ly dị, phá thai
là giải pháp tối ưu thay vì cố gắng vượt qua để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Chính vì thế, đồng hành với các
gia đình trẻ là yếu tố quan trọng trong Mục vụ gia đình. Mục vụ hôn nhân không
chỉ dừng lại ở khoá chuẩn bị nhưng phải đồng hành với các đôi vợ chồng trẻ
trong những năm tiếp theo, bằng cách giúp họ hiểu rằng: (1) Hôn nhân là một
hành trình dài, trong đó mỗi người phải gạt đi những ảo tưởng để đón nhận bạn đời
của mình như họ là, cùng nhau nên hoàn thiện hơn mỗi ngày; (2) Hành trình này
đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết, hy sinh và quảng đại; (3) Hành trình đó giúp
đôi bạn đào sâu và làm phong phú hơn quyết định của họ khi bước vào đời sống
hôn nhân (Niềm vui của tình yêu, số 223).
4- Các linh mục và các cộng đoàn giáo xứ đóng vai trò
quan trọng trong việc đồng hành này, cụ thể qua những việc sau:
– Cổ võ việc
cầu nguyện chung trong gia đình, năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí
tích;
– Tổ chức những
buổi tĩnh tâm cho các đôi vợ chồng trẻ;
– Tổ chức
thánh lễ nhân dịp kỷ niệm hôn phối, để tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho đời sống
gia đình;
– Tổ chức những
buổi nói chuyện về đề tài cụ thể như: sinh sản và giáo dục con cái, những vấn đề
thường gặp sau khi kết hôn, cách giải quyết xung đột trong gia đình;
– Chia sẻ
kinh nghiệm của các đôi vợ chồng đi trước, đặc biệt gương sáng và kinh nghiệm của
cha mẹ đôi bên có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với các gia đình trẻ;
– Sinh hoạt
nhóm nhỏ theo mô hình “cộng đoàn Giáo Hội cơ bản”, ở đó các gia đình trẻ có thể
chia sẻ và nâng đỡ nhau cách cụ thể.
Chúng tôi ước mong các đoàn thể
tông đồ quan tâm nhiều hơn đến các gia đình trẻ, có những hoạt động thích hợp để
quy tụ và đồng hành với họ trong những năm đầu đời của sống hôn nhân, những năm
ngập tràn hạnh phúc nhưng cũng không ít thử thách.
5- Nhân dịp này, chúng tôi muốn hướng anh chị em tới một gia
đình lớn hơn là Giáo Hội Công giáo Việt Nam, trải dài trong suốt bề dày lịch sử
truyền bá đức tin. Năm 2018, chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm Toà Thánh nâng
117 vị Tử đạo lên hàng hiển thánh. Đây là một dấu son trong lịch sử và là
niềm tự hào của Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội
những chứng nhân anh dũng, dám sống mầu nhiệm hạt lúa được gieo vào lòng đất,
chấp nhận chết đi để mang lại nhiều hoa trái (x. Ga 12,23-25). Thật vậy, trong
lễ phong thánh tại Rôma, ngày 19-6-1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắn
nhủ: “Hỡi các Kitô hữu Việt Nam, chúng tôi có thể nói rằng máu Các Thánh Tử Đạo
là cho anh chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức
tin của cha ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Đức
tin này là nền tảng giúp cho anh chị em, vừa trung thành với quê hương Việt
Nam, vừa tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Kitô”.
Kỷ niệm biến cố phong Thánh Tử Đạo
là dịp để chúng ta ôn lại đời sống chứng nhân của các ngài, noi gương các ngài,
sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh, cộng tác phần mình xây dựng một
Giáo Hội vững mạnh và một xã hội công bằng và nhân ái. Để kỷ niệm biến cố quan
trọng này, chúng tôi sẽ bàn thảo và đưa ra những đề nghị, nhằm hướng tới một
chương trình bao gồm cử hành, học hỏi và sống đức tin. Cử hành để tạ ơn Chúa,
tôn vinh các bậc Tiền Nhân và xin các ngài bầu cử cho Giáo Hội và Quê Hương; học
hỏi để hiểu biết cuộc đời và ý nghĩa sự hy sinh cao cả của các ngài; sống đức
tin theo gương các Thánh Tử Đạo là những người trước khi chết vì Đạo thì đã sống
cho Đạo, đạo làm người và Đạo làm con cái Chúa.
6- Anh chị em thân mến, chúng
tôi kết thúc Hội nghị này vào đúng ngày 13 tháng 10 năm 2017, kỷ niệm 100 năm Đức
Mẹ hiện ra tại Fatima. Sứ điệp Fatima vẫn mang tính thời sự và cần thiết cho
Giáo Hội ngày nay. Ước gì mỗi người, mỗi gia đình Công giáo Việt Nam biết đón
nhận và sống sứ điệp ấy cách cụ thể: Sám hối, canh tân đời sống theo tinh thần
Phúc Âm; Lần chuỗi Mân Côi để theo gương Mẹ, bước đi trên đường theo Chúa; Tôn
sùng Trái tim Mẹ để tâm hồn chúng ta nên giống Đức Mẹ, chan chứa tình yêu và
lòng thương xót. Nhờ Mẹ và với Mẹ, chúng ta hãy đem tinh thần Phúc Âm vào đời sống
gia đình cũng như xã hội, góp phần xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống
trên quê hương đất nước chúng ta.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ
Fatima và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa chúc lành cho anh chị em.
Làm tại Toà Giám mục Thanh Hoá,
ngày 13 tháng 10 năm 2017
+ Giuse Nguyễn Chí Linh
Tổng Giám mục Huế
Giám quản Giáo phận Thanh Hoá
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt
Nam
+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục Giáo phận Mỹ Tho
Tổng Thư ký
Hội đồng Giám mục Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét