Trang

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Lòng yêu mến Đức Mẹ Mân Côi của chân phước Bartolo Longo – Tông đồ Mân Côi

Lòng yêu mến Đc M Mân Côi ca chân phước Bartolo Longo – Tông đ Mân Côi
Đền thánh Đức Mẹ Mân Côi do chân phước Bartollo Longo thành lập.-  ANSA

Cách đây gần 2000 năm, ngọn núi lửa Vesuvius ở miền nam Italia đã phun trào và chôn vùi toàn bộ thành phố Pompei dưới lớp tro tàn. Thành phố Pompei hiện đại ngày nay được thành lập năm 1891 và chân phước Bartolo Longo được xem là vị sáng lập của thành phố sau khi ngài ra lệnh xây dựng đền thành Đức Trinh nữ Mân côi của thành phố. Trong đền thánh Đức Mẹ Pompei có bức tranh phép lạ Đức Mẹ Mân côi mà cha Alberto Radente – cha giải tội của chân phước Longo – đã cho ngài.
Chân phước Bartolo Longo sinh ngày 10 tháng 2 năm 1841, trong một gia đình Công giáo sùng đạo ở tỉnh Brindisi, Italia. Năm 1863, Longo đến Napoli để hoàn tất chương trình luật. Tại đây, qua các bạn học và giáo sư, Longo đến với thế giới quỷ thần và hoàn toàn xa lìa đức tin. Đây cũng chính là thời gian Giáo hội Công giáo gặp phải sự chống đối của những người theo chủ nghĩa quốc gia, đấu tranh cho sự hiệp nhất của Italia và xem Đức giáo hoàng là thù nghịch với mục đích của họ. Longo đã tham gia vào một phong trào thờ Satan và cuối cùng tuyên bố mình được thụ phong để làm một linh mục của Satan. Tuy thế, sau thời gian chiến đấu với những lo lắng, dằn vặt, thất vọng và ngay cả việc nhiều lần có ý định tự tử, một giáo sư đại học cùng thành phố với Longo đã khuyên anh rời bỏ phái Satan và giới thiệu Longo đến với cha giải tội Radente, một linh mục dòng Đaminh. Dưới sự hướng dẫn của cha Radente, Longo bắt đầu cầu nguyện đọc kinh Mân côi và trở lại với Kitô giáo.
Longo đã dành cả tâm hồn và thân xác cho tôn giáo và việc bác ái. Longo có lòng yêu mến đặc biệt kinh Mân côi, đã gia nhập dòng Ba Đaminh vào năm 1871 và hoạt động cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ, đặc biệt là việc đọc kinh Mân Côi nhắm phục hồi đức tin cho dân thành Pompei. Một ngày kia, cảm thấy nghi ngờ trong lòng, Longo tự hỏi phải làm gì để được cứu độ. Longo đã nghe một tiếng nói: “Nếu con truyền bá Kinh Mân côi, con sẽ được cứu độ.” Longo hiểu được ơn gọi của mình. Longo đã xây một nhà nguyện nhỏ kính Đức Mẹ.
Ngày 13 tháng 11 năm 1875, Longo nhân được bức tranh phép lạ Đức Mẹ Mân côi mà cha giải tội Radente tặng. Longo được treo trong đền thánh Đức Mẹ Mân côi ở Pompei được trường phái Luca Giordano thực hiện vào thế kỷ 17. Bức tranh vẽ Đức Maria ngồi trên một ngai, đang bế trẻ Giêsu và trao chuỗi Mân côi cho hai thánh Đaminh và Catarina thành Siena, đang ở trước ngai của Đức Mẹ. Một vài tháng sau khi Longo nhận được bức tranh cha Radente gửi tặng thì các phép lạ bắt đầu xảy ra. Ban đầu nó là một bức tranh cũ, bị sờn rách. Sau khi tìm được tài trợ để phục hồi bức tranh, Longo đã trưng bày cho công chúng xem. Phép lạ đầu tiên đã xảy ra cùng ngày này. Một bé gái 12 tuổi tên Clorinda Lucarelli, bị động kinh, đã được bình phục hoàn toàn, dù các bác sĩ danh tiếng lúc bấy giờ nghĩ là không thể chữa lành được.
Longo đã nhiệt thành cỗ võ việc sùng kính Đức Trinh nữ Maria, mời gọi các tín hữu cầu nguyện với Mẹ để Mẹ đổ tràn lòng thương xót của Mẹ cho các con cái. Nhiều người trên toàn thế giới đã nhận được ơn từ lòng thương xót của Mẹ Maria và đã dâng tặng các phẩm vật để xây dựng đền thánh mới. Longo qua đời năm 1926 tại Pompei và được Thánh Giáo hoàng phong chân phước vào năm 1980. Longo được biết đến với danh hiệu “Tông đồ Kinh Mân côi.” Những lời cuối cùng của chân phước Longo là ao ước nhìn thấy Mẹ Maria – Đấng đã cứu ngài và cứu ngài khỏi nanh vuốt của Satan.
Ngày nay hàng ngày, nhiều tín hữu hành hương đến Pompei cảm nghiệm tình yêu của Đức Trinh nữ như chân phước Longo đã cảm nghiệm. Đức Mẹ cũng nói với chúng ta: “Nếu muốn được cứu độ, hãy loan truyền Kinh Mân Côi. (CNA 03/03/2015) 
Hồng Thủy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét