Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị bảo vệ trẻ em

Đc Thánh Cha tiếp kiến Hi ngh bo v tr em


VATICAN. Sáng 6-10-2017, ĐTC đã tiếp các tham dự viên Hội nghị quốc tế bảo vệ trẻ em trong thế giới kỹ thuật số. Ngài kêu gọi các thành phần xã hội cộng tác để bài trừ tệ nạn này.
 Trong số 300 người hiện diện tại buổi tiếp kiến, cũng có chủ tịch Thượng viện Italia và nhiều vị đại sứ, chính quyền, và các giáo sư và nhiều chuyên gia.
 Lên tiếng trong dịp này, ĐTC xác nhận sự kiện hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới sử dụng Internet, và nhiều em có nguy cơ phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực, bị chài vào các mục tiêu dâm ô, bị bắt nạt, xách nhiễu tình dục... vô số các hình ảnh dâm ô được phổ biến.
 Đứng trước tình trạng trên đây, ĐTC mời gọi mọi người đừng có thái độ thụ động, sợ hãi, cảm thấy bất lực trước hiện tượng quá rộng lớn. Trái lại cần động viên hữu hiệu để chống lại tệ nạn này, cần tránh những sai lầm quá khứ, tránh coi nhẹ những thiệt hại mà các hiện tượng nói trên có thể gây hại cho các trẻ em. Tiếp đến đừng nghĩ rằng các giải pháp kỹ thuật tự động, các hệ thống lọc và ngăn chặn là đủ để đối phó với vấn đề. Sau cùng, cần tránh quan niệm ý thức hệ cho rằng các mạng Internet là một ”vương quốc tự do vô giới hạn”.
 Tuyên ngôn của Hội nghị
 ĐTC bày tỏ lập trường trên đây sau khi ngài được một trẻ nữ đại diện cho hàng triệu trẻ em trên thế giới tóm tắt trước ĐTC nội dung tuyên ngôn chung kết của hội nghị với chủ đề ”Một xã hội có thể bị đoán xét tùy theo cách đối xử với trẻ em”.
 Tuyên ngôn có đoạn khẳng định rằng:
 ”Mỗi trẻ em có quyền được phẩm giá và an ninh. Nhưng ngày nay hàng triệu trẻ em đang bị lạm dụng và bóc lột trên thế giới. Kỹ thuật đã thay đổi cuộc sống con người theo nhiều khía cạnh rất tích cực, nhưng càng ngày nó cũng bị sử dụng để khai thác bóc lột các trẻ em.
 ”Ngày nay nội dung ngày càng có tính chất cực đoan và vô nhân đạo hơn được đặt vào tay các trẻ em. Sự lan tràn các mạng xã hội đã tạo nên một sự gia tăng kinh khủng các thông tin và đồng thời cũng tạo nên hậu quả là nạn bắt nạt trực tuyến, lăng mạ và xách nhiễu tình dục. Vô số các hình ảnh lạm dụng trẻ em và người trẻ được phổ biến trên mạng và tiếp tục gia tăng mau lẹ. Nạn dâm ô trên mang có ảnh hưởng mạnh mẽ trên tâm trí dễ bị lèo lái của các trẻ em.
 ”Các thách đố rất rộng lớn, nhưng câu trả lời của chúng ta không thể là thái độ xuống tinh thần và nản chí. Chúng ta phải cùng nhau làm việc để tìm những giải pháp tích cực. Chúng ta phải đảm bảo sao cho tất cả các trẻ em được sử dụng internet an toàn để phát triển việc huấn luyện, thông tin và nối mạng. Các công ty hoạt động trong lãnh vực kỹ thuật và các chính phủ phải tiếp tục canh tân để cải tiến việc bảo vệ trẻ em. Chúng ta cũng phải xin các gia đình, hàng xóm láng giềng và các cộng đoàn các nơi trên thế giới và chính các trẻ em hãy ý thức hơn về ảnh hưởng của internet trên các trẻ vị thành niên”.
 Tuyên ngôn cũng khẳng định rằng ”một công việc quan trọng được Trung tâm bảo vệ trẻ em thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana thực hiện, cùng với Liên minh hoàn cầu ”WeProtect”, Chúng tôi bảo vệ, qui tụ 70 nước, 23 công ty kỹ thuật và nhiều tổ chức quốc tế trong sứ mạng này, cũng như Tổ chức Liên Hiệp Quốc ”Liên minh hoàn cầu chấm dứt bạo lực chống các trẻ em”. Đây là một vấn đề không thể giải quyết do một nước hoặc một công ty hay một tín ngưỡng tôn giáo, hoạt động lẻ loi, vì đây là một vấn đề hoàn cầu, đòi phải có những giải pháp hoàn vũ. Nó đòi chúng ta phải phát triển ý thức và động viên hoạt động mỗi chính phủ, mỗi tín ngưỡng, mỗi công ty và mỗi tổ chức”.
 Trong thời đại Internet này, thế giới phải đương đầu với những thách đố chưa từng có, nếu muốn bảo vệ các quyền và phẩm giá của các trẻ em, và bảo vệ chúng chống lại những lạm dụng và bóc lột. Những thách đố này đòi phải có một cách suy nghĩ mới và lối tiếp cận mới, một sự ý thức cao độ hơn trên bình diện hoàn cầu và một giới lãnh đạo sáng suốt. Vì thế, tuyên ngôn ở Roma này kêu gọi tất cả hãy đứng lên bảo vệ phẩm giá của các trẻ em”. (Rei 6-10-2017)
 G. Trần Đức Anh OP 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét