Bắc Kinh can thiệp vào Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng
Trong khi Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới thương tiếc Đức Thánh Cha
Phanxicô và hướng đến các Hồng Y đã đến Rôma để tham dự Cơ Mật Viện bầu Tân
Giáo Hoàng, thì các cơ quan của Công Giáo do nhà nước chi phối tại Trung Quốc lại
thúc đẩy ý tưởng rằng mọi thứ phải tiếp tục như thể chưa có chuyện gì xảy ra.
Các nguồn tin cho AsiaNews biết rằng tại Thượng Hải, các linh mục cùng một số đại
diện của các nữ tu và giáo dân đã được triệu tập để phê chuẩn việc lựa chọn một
Giám Mục Phụ Tá mới, diễn ra vào ngày 30 Tháng Tư. Cha Ngô Kiến Lâm (Wu
Jianlin, 吴建林)
tổng đại diện hiện tại, đã được chọn với chỉ một số ít phiếu chống. Điều tương
tự cũng xảy ra vào hôm nay tại Giáo phận Tân Hương (Xinxiang, 新乡),
tỉnh Hà Nam với chỉ một ứng cử viên, linh mục Lý Kiến Lâm (Li Janlin, 李建林).
Phương pháp này đã được sử dụng bất chấp thỏa thuận với Tòa thánh về việc bổ
nhiệm giám mục.
Dưới danh nghĩa “quyền tự chủ” của Giáo hội tại Trung Quốc, một điểm mà chính
quyền nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn quyết định tiến hành, khẳng định rằng khoảnh khắc
đặc biệt trong lịch sử của Giáo hội hoàn vũ, khi Tòa Thánh trống ngôi Giáo
Hoàng, không liên quan đến người Công Giáo tại Cộng hòa Nhân dân.
Giám mục Thẩm Bân của Thượng Hải, người được Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn để
lãnh đạo cộng đồng Công Giáo địa phương, mà không hề hỏi ý kiến Tòa Thánh, cho
biết ông muốn có một Giám Mục Phụ Tá hỗ trợ ông trong chức vụ mục vụ của mình,
bao gồm cả chức vụ chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc, là cơ quan không được
Tòa thánh công nhận.
Vấn đề là Giáo phận Thượng Hải đã có hai Giám Mục Phụ Tá, đó là Đức Cha Giuse
Hình Văn Chi (Xing Wenzhi, 邢文智)62 tuổi, được tấn phong năm 2005 nhưng đã bị Đảng Cộng
sản Trung Quốc gạt sang một bên vào năm 2011, và trên hết là Đức Cha Tađêô Mã Đạt
Thanh (Ma Daqin, 马达钦) 57 tuổi, vị giám mục đã
có động thái chưa từng có là từ chức khỏi Hiệp hội Yêu nước trong lễ tấn phong
giám mục của mình vào ngày 7 tháng 7 năm 2012, một động thái khiến ngài hiện
đang bị cô lập tại chủng viện Xà Sơn.
Vào tháng 7 năm 2023 - ba tháng sau động thái của Bắc Kinh - Đức Giáo Hoàng
Phanxicô đã miễn cưỡng phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm Bân tại Thượng Hải “vì lợi
ích của giáo phận” sau đó, một số người bày tỏ hy vọng rằng Đức Cha Tađêô Mã Đạt
Thanh sẽ có thể thực hiện chức thánh của mình, ít nhất là với tư cách là Giám Mục
Phụ Tá, đặc biệt là vì ngài đã công khai xin lỗi Đảng Cộng sản Trung Quốc cho cử
chỉ của mình vào năm 2016.
Việc bầu Cha Ngô Kiến Lâm cho thấy rõ ràng rằng Bắc Kinh không có ý định cho
phép điều đó. Giám Mục Phụ Tá mới là linh mục đã lãnh đạo giáo phận Thượng Hải
từ năm 2013 đến năm 2023 và đã là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị
Nhân dân Trung Quốc trong nhiều năm.
Không kém phần khó khăn đối với Tòa thánh là cuộc bầu cử giám mục mới của Tân
Hương. Trên thực tế, đây là giáo phận này ở Hà Nam đang có một giám mục, là Đức
Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) 67 tuổi, người đã được
thụ phong bí mật vào năm 1991 và bị bắt nhiều lần trong những năm gần đây chỉ
vì thực hiện chức thánh của mình.
Trong trường hợp này, ứng cử viên duy nhất cho chức giám mục là một người trung
thành với đảng. Năm 2018, linh mục Lý Kiến Lâm là một trong những người ký
thông tư cấm trẻ vị thành niên tham dự các Thánh lễ ở tỉnh Hà Nam.
Hai cuộc bầu cử này là phép thử của chính quyền Trung Quốc đối với người kế nhiệm
Thánh Phêrô, sẽ được bầu tại Cơ Mật Viện khai mạc vào ngày 7 tháng 5.
Đức Giáo Hoàng mới sẽ phải quyết định nên làm gì không chỉ về mối quan hệ chung
với Trung Quốc mà còn về hai sự kiện cụ thể này.
Sự việc này xảy ra sau khi không có giám mục nào từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
đến Vatican dự tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô, không giống như những gì đã
xảy ra tại các Thượng Hội Đồng Giám Mục.
Trong khi đó, tuyên bố chia buồn ngắn gọn do Hiệp hội Yêu nước đăng tải về sự
ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị gỡ khỏi trang chủ sau bốn ngày, thay thế
bằng những tin tức có vẻ cấp bách hơn, như cuộc họp tại tỉnh An Huy giữa những
người Công Giáo và Đảng ủy và bản trình bày về kế hoạch 5 năm nhằm Hán hóa Công
Giáo tại tỉnh Hồ Bắc.
Tại Giáo phận Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang), cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn. Trước lễ
Phục sinh, Asia News đã đưa tin về vụ bắt giữ thường xuyên của Đức Cha Phêrô
Thiệu Chúc Mẫn, vụ việc này đã tiếp tục kéo dài sau khi Đức Giáo Hoàng qua đời,
theo các báo cáo mới nhất gửi cho AsiaNews từ các nguồn tin địa phương.
Người ta không biết gì về số phận của vị giám mục sau khi ngài bị bắt vào ngày
10 tháng 4 để ngăn ông cử hành các nghi lễ Tuần Thánh trước công chúng.
Ở Ôn Châu, cảnh sát thậm chí còn ngăn cản các linh mục “được ghi danh chính thức”
cử hành Thánh lễ tưởng nhớ Đức Thánh Cha Phanxicô.
Thỏa thuận về việc bổ nhiệm Giám Mục giữa Vatican và Bắc Kinh, mà Đức Hồng Y
Pietro Parolin là kiến trúc sư trưởng, đã thu hút sự chỉ trích rộng rãi, không
chỉ từ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Hương Cảng, và những
người Công Giáo Trung Quốc bình thường cam kết trung thành với Rôma, mà còn từ
những người Công Giáo nổi tiếng ở Âu Châu và Hoa Kỳ, những người cáo buộc Giáo
hội đã bán mình cho Trung Quốc Cộng sản và gây ra hậu quả tàn khốc. Không nao
núng, Đức Hồng Y Parolin đã kêu gọi sự kiên nhẫn và không khuất phục trước sự
phẫn nộ của công chúng về vấn đề này.
Nhiều người cho rằng quyết định tấn phong Giám Mục trái phép của Đảng Cộng sản
Trung Quốc trong những ngày này sẽ khơi lại cuộc tranh luận và sẽ ảnh hưởng
đáng kể đến quyết định của các Hồng Y đang tham dự Cơ Mật Viện bầu tân Giáo
Hoàng. Theo nghĩa đó, Trung Quốc đang can thiệp vào Cơ Mật Viện bầu tân Giáo
Hoàng.
Ngay trước phiên họp đầu tiên của Đại Hội Đồng, Đức Hồng Y Pietro Parolin cũng
đã phải chịu một sự soi mói đánh kể khi Hồng Y Becciu, phụ tá của ngài, đưa ra
các tuyên bố gây tranh cãi, khơi lại những nghi ngờ về vai trò của Đức Hồng Y
Parolin trong vụ mua bán nhà tại Luân Đôn.
Những diễn biến dồn dập như thế chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng
ngài được bầu làm Giáo Hoàng.
Source:Asia NewsDespite
the death of Pope Francis, auxiliary bishop elected in Shanghai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét