Một Phiên họp chung của
các Hồng y (@Vatican Media)
Các Hồng y được mời gọi đặt Chúa Kitô vào trung tâm, cởi
mở với Chúa Thánh Thần, quan tâm đến người nghèo
Trong bài suy niệm chia sẻ với các Hồng y trong Phiên họp
chung thứ 6 vào sáng ngày 29/4/2025, Viện phụ Donato Ogliari của Đan viện Dòng
Biển Đức Thánh Phaolô Ngoại thành, thúc giục các Hồng y đặt Chúa Kitô vào trung
tâm, vì một Giáo hội cởi mở với tình huynh đệ và đối thoại, hoạt động vì lợi
ích của thế giới và hòa bình, quan tâm đến người nghèo và người bất hạnh.
Vatican News
Đặt Chúa Kitô ở trung tâm
Viện phụ Ogliari chia sẻ với 183 Hồng y, trong đó có 124 Hồng
y cử tri, hiện diện tại Hội trường mới của Thượng Hội đồng, rằng trong thời khắc
quan trọng với nhiều ảnh hưởng đến Giáo hội, ví dụ như giờ phút lựa chọn Giáo
hoàng, thì cần phải tái cấu trúc tâm hồn, trí óc và trái tim xung quanh Chúa
Giêsu: thực vậy, chính Người là Đấng mà Giáo hội “được kêu gọi để loan báo và
làm chứng cho thế giới”. Và nếu Chúa Kitô không phải là “trung tâm của sứ vụ”,
thì Giáo hội sẽ chỉ là “một tổ chức lạnh lẽo và không có sức sống”. Do đó, ngài
mời gọi các Hồng y hãy “định vị lại” bản thân mình mỗi ngày dựa trên sự chắc chắn
này.
Đồng thời, Đức viện phụ đã nhắc lại tầm quan trọng của việc
học từ Chúa Giêsu sự hiền lành và khiêm nhường, tình yêu thương xót và trắc ẩn:
một Giáo hội có gốc rễ sâu xa như vậy, trên thực tế, là “cởi mở, can đảm, ngôn
sứ”, và trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói.
Đặt người nghèo và người rốt cùng ở trung tâm hoạt động
Vị giảng thuyết nói thêm, là một người mẹ chứ không phải là
mẹ kế, không hề tự cho mình là trung tâm, mà sẵn sàng vươn tới những “anh chị
em trong nhân loại” không thuộc về mình, Giáo hội bắt nguồn từ Chúa Kitô trước
hết là Giáo hội đặt những người bị loại bỏ, người nghèo, người bị loại ra
ngoài, người rốt cùng vào trung tâm. Do đó, Giáo hội “sẽ không ngừng mở rộng
đôi mắt và trái tim hướng đến những người nhỏ bé nhất trên trái đất”, mơ ước
“ngay cả những điều có vẻ như không thể”.
Để Chúa Thánh Thần thanh tẩy
Sau đó, thúc giục các Hồng y “đặt mình dưới cái nhìn của
Chúa Thánh Thần” để thanh tẩy trái tim họ khỏi mọi thứ “không phù hợp với tư tưởng
của Chúa Kitô”, Viện phụ Ogliari nhắc lại tầm quan trọng của sự hiệp nhất và hiệp
thông của Giáo hội trong đa dạng.
Những thách đố bên ngoài và bên trong
Tiếp tục bài chia sẻ, Viện phụ Dòng Biển Đức nêu lên những
thách đố của Giáo hội trên thế giới như sự thay đổi về nhân học, các cuộc chiến
tranh huynh đệ tương tàn, sự thế tục hóa “lan tràn và xâm lấn” của các xã hội
phương Tây nói riêng. Ngài nhấn mạnh rằng trước các ngã rẽ, Giáo hội được kêu gọi
theo đuổi việc “không sợ hãi” con đường đối thoại, “được Đức Giáo hoàng
Phanxicô gia tăng trên mọi lĩnh vực”, như là “yếu tố cấu thành nên sứ vụ của
Giáo hội”.
Cha Ogliari không quên đề cập đến những thách đố trong lòng
Giáo hội, chẳng hạn như “vết thương mưng mủ” của nạn lạm dụng, sự khan hiếm ơn
gọi linh mục và tu sĩ, việc tìm kiếm ngôn ngữ mới cho con người ngày nay, vai
trò của phụ nữ, nguy cơ giáo sĩ trị và quan liêu hóa thừa tác vụ linh mục. Ngài
nói rằng ghi nhớ điều này không phải là “sự tự thương hại vô ích”, mà là động lực
để không bao giờ quên “điều tốt lành to lớn mà Giáo hội đã làm ở mọi nơi”, ngay
cả khi việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo có hậu quả là “sự lên án hoặc cái chết”.
Vì thế, chúng ta được mời gọi nhìn thấy, giữa những vết thương, “sự hiện diện sống
động của Đấng Phục Sinh”, Đấng luôn đồng hành với Giáo hội ngay cả giữa những
khó khăn của lịch sử.
Không nản lòng
Sau đó, cha giảng thuyết mời gọi các Hồng y “kiên trì, không
nản lòng, không bỏ cuộc” khi đối mặt với thất bại, và cuối cùng, theo
gương Thánh Catarina thành Siêna, làm việc không mệt mỏi “cho sự cải cách
và thống nhất của Giáo hội, cho hòa bình và cho Đức Giáo hoàng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét