Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2025

TIẾN SĨ GEORGE WEIGEL: NGƯỜI KẾ NHIỆM . . . CỦA AI?

 


Tiến Sĩ George Weigel: Người kế nhiệm... của ai?


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Successor... to Whom?”, nghĩa là “Người kế nhiệm... của ai?”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong những ngày đầu thảo luận tại các Đại hội đồng chuẩn bị cho Cơ Mật Viện sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 5, một số tường thuật đã nói rằng nhiệm vụ của Cơ Mật Viện là tìm ra “người kế nhiệm Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Điều đó là đúng, xét về mặt thời gian. Nhưng không đúng về mặt thần học.

Nhiệm vụ của Cơ Mật Viện Hồng Y 2025 không phải là tìm người kế vị Đức Phanxicô mà là người kế vị Thánh Phêrô.

Cơ Mật Viện 2013 không có nhiệm vụ tìm kiếm “người kế nhiệm Đức Bênêđíctô XVI”, không tìm một Đức Bênêđíctô 2.0. Cơ Mật Viện 2005 cũng không có trách nhiệm tìm kiếm “người kế nhiệm Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị” hay Đức Gioan Phaolô 2.0. Nhiệm vụ của mỗi Cơ Mật Viện là tìm người tiếp tục sứ vụ Thánh Phêrô, chứ không phải tìm người sẽ sao chép tốt nhất triều Giáo Hoàng vừa kết thúc.

Trong cuốn sách nhỏ của tôi có tên “The Next Pope: The Office of Peter and a Church in Mission” hay “Vị Giáo Hoàng tiếp theo: Sứ vụ Phêrô và một Giáo Hoàng Truyền Giáo”, tôi đã mô tả những gì có vẻ là một số khía cạnh quan trọng của Sứ vụ Phêrô:

Giống như mọi thứ khác trong Giáo hội, Sứ vụ Phêrô —chức vụ duy nhất do Giám mục Rôma thực hiện—phục vụ cho Phúc âm và công bố Phúc âm. Trong Thánh lễ trước công chúng khai mạc Sứ vụ Phêrô của mình vào năm 1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra một bài học đáng nhớ về chân lý cổ xưa này. Tiếng vang của nó vẫn tiếp tục vang vọng khắp các vùng đất sống động của Công Giáo thế giới.

Vào ngày 22 tháng 10 năm 1978, Giáo hội vẫn còn bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I sau chỉ mới ba mươi ba ngày tại vị. Nói nhẹ ngàng nhất là thế giới hoài nghi về khả năng lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng. Giáo triều Rôma đã bị choáng váng bởi cuộc bầu cử của Vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Ý sau 455 năm. Tuy nhiên, vào cuối Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng ngày hôm đó, thế giới, Giáo hội và Giáo triều biết rằng có điều gì đó đã thay đổi và đã thay đổi một cách ngoạn mục. Nhà báo người Pháp André Frossard đã nắm bắt được tính chất của khoảnh khắc đó khi ông tường trình cho tờ báo có trụ sở tại Paris của mình rằng “Đây không phải là một Giáo Hoàng đến từ Ba Lan; đây là một Giáo Hoàng đến từ Galilê.”

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét