Đức Thánh Cha Lêô XIV gặp gỡ Hồng y đoàn
Sáng thứ Bảy, ngày 10/5/2025, trong cuộc gặp gỡ với Hồng y
đoàn, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã nhấn mạnh rằng ngài tiếp tục con đường mà Giáo hội
hoàn vũ đã thực hiện trong nhiều thập kỷ sau Công đồng Vatican II, và giải
thích tại sao lấy tên Lêô XIV.
Vatican News
Trước hết, Đức tân Giáo Hoàng cám ơn các Hồng y về cuộc gặp
gỡ này và về những ngày đau buồn trước đó vì sự ra đi của Đức cố Giáo Hoàng
Phanxicô, những ngày mà theo ngài mọi người dấn thân với cùng trách nhiệm.
Ngài khẳng định, các Hồng y là những cộng tác viên gần gũi
nhất của Giáo hoàng, và đây là niềm an ủi lớn đối với ngài khi đón nhận sứ vụ
vượt quá sức. Sự hiện diện của các Hồng y đoàn nhắc nhở rằng Chúa trao phó thừa
tác vụ Phêrô nhưng không để ngài đơn độc.
Đức Thánh Cha nói: “Trên hết, tôi biết luôn có thể tin tưởng
vào sự trợ giúp, ân sủng và sự quan phòng của Chúa, cùng với sự gần gũi của anh
em Hồng y và của rất nhiều anh chị em trên thế giới, những người tin vào Thiên
Chúa, yêu mến Giáo hội và nâng đỡ vị Đại diện Chúa Kitô bằng lời cầu nguyện và
việc tốt lành”.
Tiếp đến ngài bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đến Đức Hồng Y
Niên trưởng Hồng y đoàn Giovanni Battista Re, vì sự khôn ngoan, hoa trái của một
cuộc đời phục vụ trung thành nhiều năm cho Toà Thánh, đã giúp đỡ mọi người rất
nhiều trong thời gian này; Đức Hồng Y Kevin Joseph Farrell, Nhiếp chính của
Giáo hội, vì vai trò quý giá đã đảm nhận trong thời gian Trống toà và Triệu tập
Mật nghị.
Đề cập đến sự qua đời của Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô và Mật
nghị Hồng Y diễn ra trong mùa Phục sinh, Đức Thánh Cha mời gọi các Hồng y nhìn
hai điều này như một sự kiện Phục sinh, một giai đoạn trong cuộc xuất hành dài,
qua đó Chúa tiếp tục hướng dẫn chúng ta đến cuộc sống viên mãn.
Ngài nói tiếp: “Giáo hoàng, bắt đầu từ Thánh Phêrô và đến
tôi, người kế vị bất xứng, là một tôi tớ khiêm nhường của Chúa và anh em, không
gì khác hơn thế. Điều này đã được thấy rõ qua mẫu gương của nhiều vị tiền nhiệm
của tôi, gần đây nhất là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, với cách tận tụy phục vụ và sống
giản dị, phó thác cho Chúa trong thời gian truyền giáo và tin tưởng thanh thản
khi trở về Nhà Cha. Chúng ta hãy cùng thu thập di sản quý giá này và
tiếp tục cuộc hành trình, được thúc đẩy bởi cùng một niềm hy vọng đến từ đức
tin”.
Theo Đức tân Giáo Hoàng, chính Đấng Phục Sinh, hiện diện giữa
chúng ta, bảo vệ và hướng dẫn Giáo hội tiếp tục làm cho Giáo hội sống động
trong hy vọng, nhờ bởi tình yêu "đổ vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần
mà Người đã ban cho chúng ta" (Rm 5, 5). Chúng ta phải ngoan nguỳ lắng
nghe tiếng Người và phục vụ trung thành các kế hoạch cứu rỗi của Người. Ngài
nói: “Trong những ngày qua, chúng ta đã có thể thấy được vẻ đẹp và cảm nhận được
sức sống của cộng đoàn rộng lớn này, với rất nhiều tình cảm và lòng sùng kính
đã chào đón và thương tiếc Vị Mục tử của mình, đồng hành với ngài bằng đức tin
và lời cầu nguyện tại thời điểm gặp gỡ Chúa của ngài. Chúng ta đã thấy được sự
tuyệt vời đích thực của Giáo hội, một Giáo hội sống trong sự đa dạng của các
thành viên hiệp nhất với một vị Thủ lãnh duy nhất là Chúa Kitô, ‘Mục tử và Đấng
bảo vệ’ (1Pr 2, 25) linh hồn chúng ta. Giáo hội là cung lòng mà từ đó chúng ta
cũng được sinh ra và đồng thời là đàn chiên, là cánh đồng được ban cho chúng ta
để chúng ta có thể chăm sóc và vun trồng, nuôi dưỡng bằng các Bí tích cứu độ và
làm cho màu mỡ bằng hạt giống Lời Chúa, để Giáo hội vững vàng trong sự hòa hợp
và nhiệt thành trong sứ mạng, có thể bước đi, như dân Israel trong sa mạc, dưới
mây và ánh sáng của lửa của Thiên Chúa (Xh 13, 21)”.
Trong diễn văn trước Hồng y đoàn, Đức Thánh Cha Lêô XIV còn
tái khẳng định tiếp tục đi theo con đường mà Giáo hội hoàn vũ đã thực hiện
trong nhiều thập kỷ sau Công đồng Vatican II, và được Đức cố Giáo Hoàng
Phanxicô thể hiện trong Tông huấn Evangelii gaudium. Đó là những
nguyên tắc của Tin Mừng luôn làm sinh động và truyền cảm hứng cho cuộc sống và
hoạt động của Gia đình Thiên Chúa, những giá trị qua đó khuôn mặt thương xót của
Chúa Cha đã được mặc khải và tiếp tục được mặc khải nơi Chúa Con nhập thể, là
niềm hy vọng cuối cùng của bất kỳ ai chân thành tìm kiếm chân lý, công lý, hòa
bình và tình huynh đệ.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh, chính vì cảm thấy được kêu gọi tiếp
tục con đường này nên ngài đã nghĩ đến việc lấy tên là Lêô XIV. Thực vậy, Đức
Giáo Hoàng Lêô XIII đã đối diện vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng
công nghiệp lớn đầu tiên thông qua Thông điệp lịch sử Rerum novarum;
và ngày nay Giáo hội trao cho mọi người di sản học thuyết xã hội của mình để ứng
phó với một cuộc cách mạng công nghiệp khác và với sự phát triển của trí tuệ
nhân tạo, mang đến những thách đố mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công
lý và lao động.
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-05/dtc-leo-xiv-gap-hong-y.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét