Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

10-11-2014 : THỨ HAI TUẦN XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN - THÁNH LÊ-Ô CẢ, GIÁO HOÀNG, TIẾN SĨ HỘI THÁNH (Lễ Nhớ)

10/11/2014
Thứ Hai sau Chúa Nhật 32 Quanh Năm
Thánh Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

* Thánh nhân sinh tại Ê-tru-ri-a. Năm 440, người làm giáo hoàng. Với tầm nhìn xa trông rộng và nghị lực phi thường, người đã đương đầu với nguy cơ xâm lăng của dân man di và lạc giáo của Êu-ti-khê đang đe dọa niềm tin về mầu nhiệm Nhập Thể. Nhưng trong tư cách một mục tử, người ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình và không ngừng nhắc nhở các tín hữu thể hiện đức tin trong cuộc sống hằng ngày. Người qua đời năm 461.

Bài Ðọc I: (Năm II) Tt 1, 1-9
"Thiết lập các Trưởng lão trong mỗi thành như cha đã căn dặn con".
Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Phaolô, tôi tớ Thiên Chúa, cùng là Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô, để rao giảng đức tin cho những kẻ được Thiên Chúa kén chọn và làm cho họ nhận biết chân lý; chân lý đó giúp họ ăn ở đức hạnh và ban cho họ niềm hy vọng sống đời đời mà Chúa, Ðấng chẳng hề nói dối, đã hứa từ thuở đời đời. Khi đã đến thời, Người đã tỏ lời Người ra bằng việc rao giảng mà Người đã uỷ thác cho cha theo lệnh của Thiên Chúa là Ðấng cứu chuộc chúng ta. Gửi cho Titô, con yêu dấu thuộc cùng một đức tin. Nguyện ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha và của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu chuộc chúng ta, ở cùng con.
Lý do Cha để con ở lại đảo Crêta là để con chỉnh đốn những gì còn thiếu sót, và thiết lập các Trưởng lão trong mỗi thành như cha đã căn dặn. Con người được chọn phải là người không có gì đáng trách, chỉ kết hôn một lần; có con cái ngoan đạo, không mang tiếng buông tuồng hoặc ngỗ nghịch. Vì chưng, chủ tịch cộng đoàn, theo tư cách là người quản lý của Chúa, phải là người không có gì đáng trách, không kiêu căng, không nóng nảy, không mê rượu, không gây gỗ, không trục lợi đê hèn, nhưng hiếu khách, hiền lành, tiết độ, công minh, thánh thiện, tiết hạnh, nắm giữ lời chân thật hợp với đạo lý, để có thể dùng đạo lý lành mạnh mà khuyên dụ và phi bác những kẻ chống đối.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6a
Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi tìm kiếm long nhan Chúa (x. c. 6).
Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.
2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hưởng bả phù hoa. - Ðáp.
3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Ðáp.
  
Alleluia: Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 1-6
"Dù một ngày bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: Tôi hối hận, thì con hãy tha cho nó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này.
"Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: "Tôi hối hận", thì con hãy tha thứ cho nó".
Các Tông đồ thưa với Chúa rằng: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Chúa liền phán rằng: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: "Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển", nó liền vâng lời các con".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Sống Là Liên Ðới
Trong tác phẩm "Hãy Giúp Nhau Làm Lại Cuộc Ðời", xuất bản đầu thập niên 60, ông Henri Vicardi, người sáng lập cơ xưởng chuyên giúp những người tàn tật tự lực cánh sinh kể lại rằng: cơ xưởng do ông sáng lập năm 1952, khởi sự với một công nhân bị tê bại, làm việc trong một nhà xe bỏ trống, lụp xụp. Nhưng chỉ một năm sau, xưởng đã trở nên một cơ sở kinh doanh với số vốn cả triệu Mỹ kim và thu dụng đến 300 công nhân. Mỗi công nhân đều có một mẫu truyện cảm động về con người xây dựng lại cuộc đời từ sự tàn tạ của mình. Ðiển hình là trường hợp của Jim Chapin, một người bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống vì một chiếc bướu ở xương sống. Ngay sau khi được khiêng từ bàn giải phẫu xuống, các Bác sĩ đã tuyên bố ông sẽ sống nhưng không làm gì được. Thế nhưng các Bác sĩ đã lầm: năm đó Jim Chapin đã 62 tuổi, tuy không rời được khỏi xe lăn, ông đã tìm đến cơ xưởng của ông Henri và bắt đầu làm lại cuộc đời. Ông cho biết rằng ông rất hãnh diện về khả năng của mình và nhất quyết không chịu trở lại với đời sống ỷ lại và vô vọng nữa.
Câu truyện trên đây là một bằng chứng hùng hồn rằng dù tàn tật đến đâu, mỗi người vẫn là một giá trị độc nhất vô nhị trên cõi đời này, và do đó có trách nhiệm đối với chính bản thân cũng như hữu dụng cho người khác và có trách nhiệm đối với người khác.
Tin Mừng hôm nay có lẽ nhắc nhở chúng ta về ý tưởng ấy. Chúa Giêsu nói đến hai thứ bổn phận của con người đối với người đồng loại: một là phải sống thế nào để không trở thành cớ vấp phạm cho người khác, hai là phải tha thứ cho nhau. Ngay từ những trang đầu tiên, khi mạc khải về con người, Kinh Thánh đã nói đến tình liên đới. Bị Thiên Chúa tra vấn sau khi phạm tội, Adam đã đổ lỗi cho Evà; đây quả là khuynh hướng chạy tội và chối bỏ trách nhiệm đối với người khác; cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa, con người cũng muốn chối bỏ tương quan với tha nhân. Sự chối bỏ này lại càng rõ nét trong thái độ của Cain sau khi đã giết em mình là Abel: "Tôi có phải là người giữ em tôi đâu!"
Sống là liên đới: không thể sống mà không cần người khác, cũng không thể sống mà không cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác. Cuộc sống của tôi dù âm thầm đến đâu vẫn có âm hưởng trên người khác; dù tôi có tàn tật và bé nhỏ đến đâu, tôi vẫn là người hữu dụng cho người khác; không có một hành động nào của tôi mà không có liên hệ đến người khác, đó chính là ý nghĩa và giá trị của cuộc đời tôi; tôi có hạnh phúc hay không là tùy tôi có biết sống cho người khác hay không.
Nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm đối với người khác, lời Chúa hôm nay cũng nói lên phẩm giá cao trọng của mỗi người. Ðó là lý do đem lại cho chúng ta niềm tin trong cuộc sống mà chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa.
Veritas Asia



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 32 TN2
Bài đọc: Tit 1:1-9; Lk 17:1-6.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người môn đệ Đức Kitô phải tin mình có thể làm thế giới tốt hơn.
Sống trong một thế giới có quá nhiều gương xấu: tranh giành, ghen ghét, hận thù, bạo lực, chiến tranh, con người thường dễ có thái độ an phận tránh né hay phê bình chỉ trích. Người xưa dạy: “Thà thắp sáng một ngọn nến hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối.” Người môn đệ Đức Kitô phải tin mình có thể làm thế giới tốt hơn bằng việc rao giảng Tin Mừng và bằng việc chọn lựa các nhà lãnh đạo tốt lành. Các Bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra những gì mình có thể làm cho thế giới đang sống tốt hơn: Bài đọc I tường thuật sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Phaolô và sứ vụ tổ chức lãnh đạo của Titô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cần tránh làm cớ cho người khác vấp phạm, phải sửa dạy, và sẵn sàng tha thứ cho tha nhân; nhưng trên hết tất cả phải có đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa Đấng có thể làm mọi sự, và vào sự có thể thay đổi của tha nhân.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Rao giảng Tin Mừng và lãnh đạo giáo đòan.
Thư của Thánh Phaolô gởi cho cộng sự viên của ngài, Titô, cho chúng ta cái nhìn vào một trong những giáo đoàn các tín hữu đầu tiên tại Đảo Crête. Tuy việc rao giảng Tin Mừng để làm cho con người tin vào Đức Kitô là điều đầu tiên và quan trọng hơn cả; nhưng việc tổ chức giáo đòan để bảo vệ đức tin của các tín hữu giữa bao nhiêu cám dỗ nguy hiểm của ba thù là điều không kém phần quan trọng. Thánh Phaolô đã khôn ngoan nhìn nhận ra điều này nên đã cắt đặt các cộng sự viên như Timôthê và Titô, và đặt ra những điều kiện cần thiết để các ông lựa chọn các Kỳ-mục và Giám-quản để lãnh đạo các giáo đòan tại địa phương.
1.1/ Sứ vụ của Phaolô: Thánh Phaolô liệt kê 3 điều ngài phải làm cho các tín hữu:
(1) Trước tiên, đưa những kẻ Thiên Chúa chọn đến đức tin.
(2) Sau đó, phải hướng dẫn để họ nhận biết chân lý cho phù hợp với đạo thánh.
(3) Sau cùng, phải hướng dẫn họ biết sống làm sao để đạt được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối, đã hứa từ thuở đời đời.
1.2/ Sứ vụ của Titô: Thánh Phaolô sớm nhận ra một mình ngài không thể chu tòan mọi công việc, mà phải cần đến sự cộng tác của nhiều người. Nhưng trước khi giao cho họ sứ vụ, ngài phải chọn và huấn luyện các cộng sự viên. Điều cần thiết nhất và trên hết là tất cả phải đều có một đức tin chung: tin Thiên Chúa là Cha và tin Đức Kitô là Đấng Cứu Độ. Chính đức tin chung này là động lực cần thiết để giúp xóa bỏ mọi khác biệt và cùng nhau làm việc để phát triển Nước Thiên Chúa. Thánh Phaolô lặp lại những gì ngài mong muốn Titô làm: “Tôi đã để anh ở lại Đảo Crête, chính là để anh hoàn thành công việc tổ chức, và đặt những kỳ mục trong mỗi thành, như tôi đã truyền cho anh.” Ngài thiết lập các điều kiện cần thiết để lựa chọn hai giới lãnh đạo trong giáo đòan:
(1) Kỳ-mục (presbusteros = lớn tuổi): Cũng giống như truyền thống Do-Thái, những người lớn tuổi được chọn trong dân là một thành phần của Ban Lãnh Đạo. “Kỳ mục phải là người không chê trách được, chỉ có một đời vợ, con cái cũng tin đạo, và không mang tiếng là sống phóng đãng hay bất phục tùng.” Vì Kỳ-mục là người sống giữa dân, nên đức tin và tư cách của họ và gia đình sẽ được mọi người chung quanh quan sát: Nếu họ không tu thân tề gia trước, làm sao họ có thể hướng dẫn người khác?
(2) Giám-quản (episkopos = giám mục, người đứng đầu): là người đứng đầu và chịu trách nhiệm trước Hội-Thánh về giáo đòan địa phương. Vì đây là chức vụ địa phương quan trọng, nên Thánh Phaolô không những ra điều kiện về những tật xấu không nên có, mà còn những đức tính phải có khi lựa chọn Giám-quản:
- không có các thói quen xấu: phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn.
- phải có những đức tính tốt: phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ. Người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý: để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối.
2/ Phúc Âm: Đời sống đạo của người Kitô hữu
Trình thuật hôm nay đưa ra 3 điều liên quan đến đời sống của Kitô hữu, mỗi điều tóm gọn trong 2 câu:
2.1/ Cớ làm cho người ta vấp ngã: Tiếng Hy-Lạp dùng chữ cớ làm cho người ta vấp ngã, skandalon. Từ ngữ này có 3 ý nghĩa:
(1) cái bẫy: để bắt chuột, cái đinh trên đường để làm nổ bánh xe người khác;
(2) nguyên nhân cho tội: các sòng bài, tửu lầu, nhà chứa, websites xấu, nói hành, nói chơi giỡn; ngay cả Thập Giá của Chúa Giêsu cũng là nguyên nhân cho tội nơi những người không tin;
(3) người làm cho người khác sa ngã: khách đưa đường, người mặc quần áo khêu gợi, khinh thường trẻ nhỏ … Chúa Giêsu gọi Phêrô là Satan vì ông trở thành cớ cho Chúa phạm tội.
Không có lửa thì làm sao có khói! Không có cớ thì sẽ không có tội. Không thể không có cớ làm con người sa ngã trong thế giới; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người khác vấp ngã. Những người làm cớ cho các trẻ nhỏ phạm tội nặng hơn vì chúng chưa đủ trí khôn để suy nghĩ tốt xấu. Đối với hạng người này, cần buộc cối đá vào cổ mà ném xuống biển cho chết.
2.2/ Sửa lỗi và tha thứ: Trình thuật của Matthêu về 2 đề tài này rõ ràng hơn (x/c Mt 18:15, 21-22). Trong Luca, 2 đề tài được tóm gọn lại trong 2 câu: (1) Phải sửa lỗi trước và tha thứ nếu ăn năn: Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy đề phòng! Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận thì hãy tha thứ cho nó.” (2) Phải luôn luôn tha thứ: “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: "Tôi hối hận", thì anh cũng phải tha cho nó.”
2.3/ Sức mạnh của đức tin: Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con," vì không dễ để tránh làm cớ cho người khác phạm tội và không dễ để luôn tha thứ cho người xúc phạm đến mình. Chúa đáp: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em.” Thái độ tin tưởng cần thiết để ra tay làm việc: nếu không có thái độ này, sẽ không thể hòan tất bất cứ điều gì. Thiên Chúa không truyền cho con người làm điều không thể: Nếu con người tin nơi Thiên Chúa, họ có thể làm những chuyện không ngờ; vì không có điều gì là không thể đối với Thiên Chúa. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh những điều này: các phép lạ thực sự xảy ra.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải tin mình có thể xây dựng thế giới tốt đẹp hơn: (1) bằng việc rao giảng Tin Mừng hay bằng việc cắt cử những nhà lãnh đạo tốt lành; hay (2): tạo môi trường sống lành mạnh: dạy cho mọi người biết làm gương sáng, tránh gương mù, sửa dạy, và tha thứ cho nhau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 32
Lc 17,1-6


A. Hạt giống...
Trong đoạn Tin Mừng này, Thánh Luca gom chung 3 lời dạy của Chúa Giêsu. Tất cả đều rất thực tế cho cuộc sống chung trong tập thể :
1. Cớ vấp ngã : Cớ vấp ngã là một câu nói, một thái độ hay một hành động nào đó, tự bản chất có lẽ không xấu, nhưng do nó ở trong một hoàn cảnh không thích hợp nên nó gây ảnh hưởng tai hại. Cũng như một tảng đá, tự nó không có gì xấu, nhưng nếu nó nằm giữa đường thì sẽ khiến người ta vấp vào mà bị ngã. Sống trong một tập thể nhiều người, tất nhiên không thề không có cớ vấp ngã, nhưng mỗi người hãy đề phòng đừng trở thành cớ vấp ngã cho người khác.
2. Việc sửa lỗi anh em : Trong tập thể thì đương nhiên cũng có nhiều khi một người nào đó xúc phạm tới mình. Khi đó ta hãy nói thẳng với người đó. Nếu người đó hối hận thì ta phải tha thứ. Cho dù sau đó người ấy lại lỗi phạm nữa thì cũng vẫn phải tha thứ nữa.
3. Đức tin : Những người trong tập thể Giáo Hội hãy cố gắng củng cố lòng tin của mình. Nếu có lòng tin thì sẽ làm được nhiều điều phi thường.

B.... nẩy mầm.
1. Được làm và nên làm : Có những việc tôi có thể làm, nhưng tôi không nên làm, bởi vì làm trong hoàn cảnh cụ thể nào đó và làm trước hạng người nào đó thì việc đó sẽ trở thành một cớ vấp phạm. Bởi đó tuy được làm nhưng tôi không nên làm.
2. Nếp sống của ta sẽ gây ảnh hưởng trên người khác, dù ta cố ý hay không. Ảnh hưởng về phạm vi thể lý lẫn tinh thần : ‘Hữu xạ tự nhiên hương’, ‘Gần mực thì đen gần đèn thì sáng’. Đây là vấn đề  trách nhiệm đối với tha nhân trong cuộc sống. Do đó cần lưu tâm tới những ảnh hưởng tốt xấu ta gây nên trong cộng đoàn.
3. Tha thứ là gì ? Là mùi thơm mà bông hoa tỏa ra khi nó bị giẫm nát.
4. Kiên trì chấp nhận nhau và liên tục tha thứ  : đây cũng là một hình thức căn bản của nếp sống bác ái cộng đoàn. ‘Giới hạn của tha thứ là thứ tha vô giới hạn’.
5. Sau đây là cuộc đối thoại ngắn giữa một Linh mục với một người nọ :
- Anh hãy tha thứ cho bà ta đi.
- Vâng, lần này con tha. Nhưng nếu bà ta tái phạm lần nữa thì đừng hòng.
- Vậy anh có muốn Chúa cũng nói với anh như thế khi anh đi xưng tội không ?
-........
6. Đức tin : một đức tin nhỏ sẽ đưa linh hồn bạn vào thiên đàng ; một đức tin lớn sẽ đưa thiên đàng vào linh hồn bạn (H. Spurgeon).
7. “Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng không có không có những cớ làm cho người ta vấp ngã, nhưng khốn cho những kẻ làm cho người ta vấp ngã”. (Lc 17,1)
Nghe tin thằng “Hiền bụi đời” sắp về lại cái xóm nhỏ này sau thời gian khá dài trong trại giam, thỉnh thoảng người ta lại nghe tiếng búa, tiếng đục, cưa của một nhà nào đó đang sửa lại cửa nẻo. Hôm ấy hắn trở về với khuôn mặt rạng rỡ của kẻ chuẩn bị bước vào một cuộc sống mới tốt đẹp. Dường như mọi thứ đều thay đổi trong mắt hắn. Vui vui, hắn tiến về phía Dì Năm bán hủ tiếu, nơi đang diễn ra câu chuyện sôi nổi. Nhưng rồi nụ cười của hắn chưa kịp nở đã vội tắt ngấm. Mọi người im bắt khi hắn tới. Những ánh mắt dè chừng, những nụ cười gượng gạo, cáo lui. Không lâu sau đó, hắn lại bí bắt vì một vụ cướp của. Trong khẩu cung, hắn khai : “… Vì muốn trả thù đời”.
Mỗi ngày của tôi cũng có không ít những cái liếc mắt, bỉu môi trước niềm vui khám phá của người bạn, những cái cười mỉa mai, không phục…
Lạy Chúa, xin giúp con ý thức điều con đang làm. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI

10/11/14 THỨ HAI TUẦN 32 TN
Th. Lê-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT
Lc 17,1-6

Suy niệm: Sức mạnh lớn nhất trong thế giới không phải là sức mạnh của cơ bắp, máy móc, vũ khí... mà là sức mạnh của niềm tin. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cho thấy sức mạnh ấy qua hình ảnh niềm tin nhỏ bằng hạt cải – theo kiểu nói của người Do Thái nghĩa là rất nhỏ bé, không đáng kể – nhưng lại có sức mạnh có thể bứng gốc cây dâu dời xuống biển, nói theo thánh Lu-ca, hay chuyển núi dời non, theo thánh Mát-thêu (Mt 17,20). Dĩ nhiên, ta không hiểu lời này theo nghĩa đen, nhưng theo nghĩa nếu có niềm tin, ta có thể làm cho những gì không thể trở thành có thể, những khó khăn trở nên dễ dàng, bởi vì có Chúa cùng hoạt động với ta.
Mời Bạn: “Tin là đi bước đầu tiên ngay cả khi bạn không thấy trọn vẹn cầu thang”(Mục sư M. King). Sức mạnh vô song của niềm tin là cậy dựa vào Chúa, là nương tựa nơi Đấng không có gì là không có thể, kể cả việc sống lại từ cõi chết. Với niềm tin, tất cả núi khó khăn cản trở con đường theo Chúa sẽ được dời đi, mọi “cây dâu” cản chân bạn sẽ bị gạt bỏ. Vấn đề là bạn có xác tín vào sức mạnh của niềm tin và triển khai sức mạnh ấy trong cuộc sống hằng ngày hay không.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tìm cách khắc phục những khó khăn cản trở việc sống đạo, sống ơn gọi của mình như giờ giấc, gia đình, thói quen, sở thích...
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con không xin Chúa lấy đi những khó khăn, thách đố, nhưng chỉ xin Chúa ban sức mạnh để chúng con vượt thắng. Xin Chúa gia tăng thêm niềm tin cho chúng con. Amen.


Làm cớ vấp ngã
Làm cớ cho người khác phạm tội là một tội chúng ta ít để ý và ít xưng thú. Chúng ta cho mình có quyền tự do nói và làm điều mình thấy là đúng. 

Suy nim:
Thỉnh thoảng báo chí  lại nói đến một chuyện không hay nào đó
bị coi là gây sốc hay phản cảm.
Có những chuyện tồi tệ hơn được gọi là xì-căng-đan.
Xì-căng-đan gốc là một từ Hy Lạp dùng trong Tân Ước (scandalon)
để chỉ một viên đá làm người ta vấp ngã (Rm 11, 9),
hay một duyên cớ  khiến người ta phạm tội (Mt 13, 41). 
Trong Giáo Hội đôi khi cũng có những xì-căng-đan.
Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta hãy đề phòng
về những xì-căng-đan trong chính cộng đoàn tín hữu.
Ngài nhìn nhận rằng không thể nào tránh được những xì-căng-đan (c. 1).
Nhưng Ngài lại rất nặng lời với người nào gây ra cớ vấp phạm đó.
Cột cối đá lớn vào cổ anh ta và xô xuống biển cho chết đi
thì tốt cho anh ấy hơn là để anh ấy làm cớ phạm tội
cho một trong những kẻ  bé nhỏ này (c. 2).
Những kẻ bé  nhỏ ở đây là những người môn đệ của Chúa. 
Rõ ràng Đức Giêsu quý tâm hồn trong sạch của con người.
Tuy hiền lành, nhưng Ngài lại tỏ ra không khoan nhượng
với những kẻ làm gương xấu khiến người khác phạm tội.
Ngài muốn bảo vệ  những kẻ yếu đuối, đơn sơ, thiếu bản lãnh.
Ngài không muốn những Kitô hữu khác lợi dụng, lôi kéo họ,
khiến họ mất  đức tin, mất niềm hy vọng và mất lòng yêu mến.
Trong bài diễn từ  cuối cho các kỳ mục của Êphêsô ở Mi-lê-tô,
thánh Phaolô đã khuyên các ông nên coi chừng sói dữ vào đàn chiên,
“giảng dạy những điều sai lạc, lôi cuốn các môn đệ đi theo” (Cv 20,30). 
Làm cớ cho người khác phạm tội
là một tội chúng ta ít để ý và ít xưng thú.
Chúng ta cho mình có quyền tự do nói và làm điều mình thấy là đúng.
Nhưng khi làm như vậy, chúng ta lại không để ý
đến những thương tổn có thể gây ra nơi lương tâm
của những người anh em yếu đuối trong cộng đoàn,
cũng như đến chuyện làm cớ cho anh em mình sa ngã (1 Cr 8, 11.13).
Thánh Phaolô nhấn mạnh: phạm đến anh em là phạm đến Đức Kitô.
Không thể vì  tự do của tôi mà làm mất một người anh em
đã được Đức Kitô chết cho (1 Cr 8, 11). 
Trong cuộc sống nối mạng toàn cầu hiện nay,
cái tốt và cái xấu  được loan đi xa với tốc độ chớp nhoáng.
Một biến cố mới xảy ra ở đây, lập tức cả thế giới đều biết.
Nhưng cái xấu xem ra hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn, dễ bắt chước hơn,
khiến con người hôm nay, đặc biệt là giới trẻ, bị ảnh hưởng nặng nề.
Làm thế nào để những gương tốt được nhân lên khắp đó đây?
Làm thế nào để Giáo Hội bớt đi những viên đá làm người ta vấp ngã?
Mong có ngày một giáo dân bình thường cũng biết nhận định đúng sai
khi tiếp thu đủ thứ thông tin từ mọi nguồn.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa, 
việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.
để khi thấy con, người ta phải nói:
“vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt”. 
Và nếu có ai hỏi con tại sao con lại hiền lành và tốt như  thế,
con sẽ trả lời vì con là tôi tớ của một Đấng tốt hơn con nhiều.
“Chớ chi bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!” 
Con muốn sống thật tốt để người ta có thể nói:
“Nếu tôi tớ mà  tốt như vậy, thì Chủ sẽ tốt đến thế nào!” 
(Chân phước Charles Foucauld)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy niệm
Năm Phụng Vụ đang bước vào những tuần lễ cuối cùng. Do đó, các bài đọc Tin Mừng thường hướng đến những ngày cánh chung; và một trong những ý tưởng chính là về đời sống cộng đoàn. Cụ thể hôm nay, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu muốn đưa ra những lời cảnh báo cũng như những phương thế để sống tốt đời sống cộng đoàn: Nào là đừng làm cớ cho người ta vấp ngã; nào là phải biết tha thứ và phải có lòng tin.
Xin dừng lại suy nghĩ ở điểm đầu tiên: Đừng làm cớ cho người ta vấp ngã.
Sống đời sống cộng đoàn ở đây bao gồm trong gia đình, trong tập thể, trọng một cộng đoàn, và cả trong toàn thể Hội Thánh. Chúa Giêsu kêu gọi môn đệ đừng gây gương xấu hay làm cớ cho người khác vấp ngã. Bởi vì đây là điều hết sức nguy hiểm, nó có thể làm cho những người có đức tin non yếu phải sa ngã và mất luôn đức tin.
“Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô nó xuống biển còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ…”là cách nói quen thuộc, để nhấn mạnh, để làm tăng thêm giá trị, thêm sự cấp bách và khẩn thiết cho lời Chúa Giêsu muốn nói. Những kẻ gây gương xấu thì thật là vô phúc, là khốn thay; thà chết còn hơn.
Thực sự, trong đời sống chung cũng như riêng, việc làm cớ cho người khác vấp ngã là điều rất dễ xảy ra mà đôi khi chính đương sự không hề nhận biết. Có những việc làm sai trái mà đôi khi chúng ta không biết, để rồi gây ảnh hưởng không tốt đến người khác. Cụ thể, có nhiều bậc làm cha làm mẹ vô tình làm cớ cho con cái mình vấp ngã mà không hề hay biết. Chẳng hạn như việc thờ ơ đọc kinh cầu nguyện, thờ ơ tham dự Thánh Lễ,…Thiết nghĩ, những đứa con trở nên nguội lạnh, có đức tin yếu kém và dần lạc xa đời sống đạo, thì trách nhiệm đầu tiên phải là cha mẹ chúng, là những người có trách nhiệm.
Lời Chúa nhắc nhở mỗi người để ý lại lối sống của mình; dành thời gian thinh lặng để nhìn lại mình. Có khi chúng ta đang làm gương xấu mà không biết, để rồi những người bên cạnh chịu ảnh hưởng theo đó; nhất là những người có đời sống đức tin còn non yếu.
Lạy Chúa, chắc hẳn trong cuộc sống, qua những lời nói và những hành động của con có đôi lúc đã làm cớ cho người khác vấp ngã, xin Chúa cho con luôn biết xét mình mỗi ngày để sống là những gương sáng cho những người xung quanh; và qua đó chứng thực con là người con Chúa thật sự. Amen!

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG MƯỜI MỘT
Kỹ Thuật: Tai Họa Hay Là Tiến Bộ?
Những khả năng vô song ấy của tai họa khủng khiếp hay của sự tiến bộ ngoạn mục mời gọi thế hệ chúng ta khám phá lại những giá trị lớn lao mà nền văn minh của mình cắm rễ trong đó.
Rất nhiều giấc mơ của con người hàng bao thế kỷ đã trở thành hiện thực nhờ những bước tiến nhảy vọt của kỹ thuật. Chúng ta có thể chặn đứng sự bành trướng của sa mạc và biến đổi chính sa mạc. Chúng ta có khả năng chế ngự được hạn hán và sự đói kém. Chúng ta có khả năng làm giảm bớt gánh nặng của sự làm việc vất vả lâu giờ. Chúng ta có khả năng giải quyết một số vấn đề về tình trạng kém phát triển và nhờ đó có thể có được một sự phân phối công bằng hơn về các nguồn tài nguyên của thế giới.
Nhưng cũng chính kho tàng kỹ thuật ấy hiện đang đe dọa con người với những tai họa khủng khiếp. Trái đất có thể sẽ không còn cư ngụ được; biển có thể trở thành vô dụng; bầu không khí có thể trở nên độc hại …
Đứng trước vô số những khả năng tích cực và tiêu cực đó, kỹ thuật không được phép quên con người! Ngày nay, hơn lúc nào hết, chúng ta khẩn thiết cần đến những giá trị đạo đức ưu tiên trên những giá trị khoa học, và chúng ta khẩn thiết cần có sự hiệp nhất giữa mọi người chúng ta. Tất cả chúng ta cần liên đới với nhau vượt qua cả những ranh giới quốc gia – bởi vì mọi người trên hành tinh này sẽ cùng chia sẻ với nhau những số phận tốt hoặc xấu. Tất cả chúng ta đều cùng ở trong một vòng ảnh hưởng.
Tương lai chúng ta cần phải được dẫn dắt bởi những giá trị lớn của nền văn minh Kitô giáo. Các giá trị ấy phải đóng vai trò như người bảo vệ chống lại những khả năng tàn phá và hủy diệt. Sự phát triển của các kỹ thuật mới phải giúp thế hệ chúng ta khám phá lại những chuẩn mực đạo đức nền tảng của văn minh chúng ta. Chúng ta phải ý thức lại bản tính của con người, phải tôn trọng phẩm giá của nhân vị và phải tôn trọng sự sống.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 10-11
Thánh Lêô Cả, Giáo Hoàng, tiến sĩ Hội Thánh
Tt 1, 1-9; Lc 17, 1-6.

LỜI SUY NIỆM: “Không thể không có những cớ người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho ngưởi ta vấp ngã”
Trong cuộc sống của mỗi con người, luôn có những cám dỗ theo sát bên mình, nó hướng con người vào đúng những gì con người đang mơ ước, muốn thực hiện cho chính mình, điều này mọi người đều phải biết và tỉnh thức để nhận định mà chọn lựa cho mình. Đối với Chúa Giêsu, Người luôn cảnh tỉnh chúng ta: không được làm công cụ cho ma quỷ, cho những điều xấu và bất lương, để rồi dẫn đưa người khác đến chỗ vấp phạm. Đây là điều khốn nạn cho người và cho mình.
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, luôn biết giữ mình, và nên gương sáng, trở nên nhân chứng tình yêu của Chúa nơi môi trường chúng con đang sống và làm việc.
Mạnh Phương

Gương Thánh Nhân

Ngày 10-11
THÁNH LEO CẢ
Giáo Hoàng Và Tiến Sĩ Hội Thánh (-461)
Người ta không biết được thánh Lêo sinh ra ngày nào và cả nơi sinh của Ngài cũng không được biết chắc. Có lẽ Ngài là người Roma. Chúng ta chỉ biết được rằng: Ngài là một phó tế góp phần cai quản dưới hai triều Giáo hoàng Cêlestinô I và Sixtô III và được bầu làm giáo hoàng năm 440. Được chọn làm giám mục Roma, phải đợi 40 ngày sau Ngài mới được trở về.
Trước trách nhiệm chất đầy, Ngài đã sợ: - Lạy Chúa, có sự cân xứng nào giữa gánh nặng Chúa trao và sự yếu hèn của con, giữa sự cất nhắc và sự hư không của con ?
Và Ngài tiếp: - Chúa đã đặt gánh nặng cho con, xin Chúa gánh với con, xin Chúa hãy là người hướng dẫn và nâng đỡ con.
Công cuộc Ngài làm thật lớn lao và đa diện khó có thể tóm kết lại được mà không bất công. Dầu vậy, có thể nói công cuộc này qui về 4 hình thái chính: kiểm soát lạc giáo bên Tây phương, can thiệp về giáo thuyết quan trọng bên Đông phương, bảo vệ Roma khỏi cuộc tấn công của dân rợ và những nỗ lực của một mục tử và một nhà giáo dục.
Thánh Lêô đã phải có biện pháp đối với không dưới ba lạc giáo. Không còn dễ dãi cho những người theo Pêlagiô được hiệp thông nữa và đòi phải công khai tuyên xưng đức tin trước khi được nhận là phần tử đầy đủ của Giáo hội. Những người trốn thoát cuộc tấn công của Valda Phi Châu đã mang thuyết Manichêô đến Roma. Thánh Lêô thấy rằng: cộng đoàn bí mật này phải được công khai đưa ra ánh sáng. Ngài cũng nhiệt liệt ủng hộ các giám mục Tây Ban Nha và Phi Châu chống lại thuyết Priscillanô, những cuộc tranh luận về giáo thuyết tại Giáo hội bên Đông phương liên quan tới chính bản tính của Chúa. Hai nhà tiền phong của cuộc tranh luận là Eutiches, một tu viện trưởng ở Constantinople và thánh Plavianê, thượng phụ giáo chủ Constantinople là người trong cuộc chiến đã bị những người theo Eutiches hành hạ cho đến chết.
Năm 451, một cộng đồng qui tụ trên 600 giám mục về Chalcedonia. Thánh Lêô đã viết lá thư danh tiếng gởi Plavianô, trình bày giáo thuyết về ngôi vị và bản tính của Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã đặt bức thư này trên mộ thánh Phêrô, vị thủ lãnh tiên khởi của Giáo hội và ăn chay cầu nguyện suốt 40 ngày. Bức thư được đọc tại công đồng và đã được nhận như một bản tuyên xưng đức tin. Quyền tối thượng của Đức giáo hoàng tỏ hiện khi giám mục đồng thanh kêu lớn: - Chính thánh Phêrô đã nói qua Lêô.
Như thế đứng đầu các giám mục không mấy quan tâm tới quyền tối thượng của Roma. Ngài đã cất giữ được sự hiệp nhất Giáo hội. Ngài đã viết: "Đức tin của Phêrô đã được chính Thiên Chúa mặc cho sự kiện vững không thể lay chuyển nổi. Dù cho sự cúng lòng của các lạc giáo hay sư man rợ của lương dân cũng sẽ không bao giờ đảo lộn được đức tin này".
Trong số các quyết định, Ngài đã tạo được sự đồng ý giữa Đông Tây cử hành lễ phục sinh vào cùng một ngày ở khắp nơi.
Một cuộc chiến khác chờ đón Đức Giáo hoàng Attila và rợ Hung Nô võ trang hùng hậu, gieo rắc những khủng khiếp chiến tranh và tàn phá. Người ta nói rằng: những người man di này khi sinh ra là mẹ họ nghiền mặt đi cho hợp với nón sắt, và chính họ xẻ má cho râu hết mọc nổi. Họ thờ thanh gươm khắc sâu vào bàn thờ, tưới máu các tù nhân trên đó và làm một thiết đồ bằng đầu các địch thủ. Năm 452, họ đổ vào miền Bắc Italia gieo rắc tàn phá trên đường tiến quân. Không một đoàn quân nào có sức bảo vệ Roma. Các tướng lãnh và hoàng đế Valentinô III run sợ chỉ biết đặt niềm tin tưởng vào Đức giáo hoàng.
Thánh Lêô sau 3 ngày cầu nguyện chay tịnh đã ra đón người gieo vãi kinh sợ trên thế gian. Và điều gì đã xảy ra ? Người ta có thể tưởng tượng được một Attila hùng hổ với đoàn quân đông đảo đối diện với người cha chung của các Kitô hữu mặc phẩm phục giáo hoàng và chỉ có tình yêu trong lòng làm khí giới. Attila tiến đến Roma với những dự tính đẫm máu, nhưng Đức Lêô đã đổi lòng hắn. Vương quốc được bình an với lễ vật triều cống hàng năm. dân Hung Nô trở lại Pannonnia. Đức Giáo hoàng nói với nhà vua: - Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã cứu chúng ta khỏi tai họa khủng khiếp.
Đối với dân chúng vui mừng sung sướng, Ngài truyền cho họ phải cảm tạ Chúa.
Nhưng lòng nhiệt thành và biết ơn ban đầu đã không tồn tại được lâu. Dân chúng vô ơn và sa đọa, khi nỗi sợ qua rồi họ quên rằng lòng thương xót họ đã cứu vương quốc và họ lao mình vào các cuộc chơi bời phóng đãng. Cả đến nhà vua Valentinô cũng làm gương xấu cho dân chúng. Những lời trách cứ của đức giáo hoàng không được đến xiả tới. Và ba năm sau, những rợ Vandales dưới quyền vua Ghenséric kéo quân tới. Các nhân vật lớn chạy trốn, cửa thành bỏ ngõ và Đức giáo hoàng một mình ở lại với dân Roma. Ngài một lần nữa ra đón quân xâm lăng. Lần này họ ít bị khắc phục hơn lần trước.
Dầu vậy, ảnh hưởng của thánh Lêô cũng đáng đủ để kiềm chế bớt cuộc chém giết và sự tàn phá, các nhà thờ được tôn trọng. Trái với lời hứa hẹn, nhiều dân thành vẫn bị bắt. Đức giáo hoàng đã chuyển đồ cứu tế cho họ, sai các linh mục tới nâng đỡ họ và còn mua chuộc lại một số lớn các tù nhân.
Những năm cuối đời Ngài dành sửa sang lại các tai họa do các cuộc xâm lăng gây nên, xây dựng lại các tu viện mà với cảm quan về nghệ thuật, Ngài đã làm giàu thêm bao nhiêu là họa phẩm. Ngài để lai nhiều bài giảng, nhiều thư từ rất quan trọng, ngày nay chúng ta còn đọc được.
Thánh Lêô từ trần năm 461. Ngài xứng đáng được mệnh danh là người đầu tiên được chôn cất trong đại vương cung thánh đường thánh Phêrô. Đức giáo hoàng Sergiô I ghi trên bia mộ của Ngài: "Tôi canh chừng kẻo lang sói luôn rình mò phá phách đoàn chiên".
Đây là lời thánh Lêô để lại: - "Các con được thấm nhập vào Chúa".
- " Trong tâm hồn mỗi tín hữu còn có cái trên trời mà người ta thán phục".
- "Nước Trời không đến với những người ngủ mê.
Năm 1754, Ngài được suy tôn lên bậc thánh tiến sĩ trong Giáo hội.
(daminhvn.net)

10 Tháng Mười Một
Hôm Nay Là Ngày Của Chúa
Khi Ðức Gioan 23 lâm bệnh lần cuối, không biết vì lý do gì mà các bác sĩ muốn dấu nhẹm sự nguy kịch của căn bệnh, họ bảo ngài chỉ bị chứng lở bao tử. Nhưng Ðức Gioan 23 biết rõ bệnh tình của mình hơn ai hết, vì thế ngài nói: "Tôi đã dọn sẵn hành trang".
Ông Giacômô Manzu, một nhà điêu khắc nổi tiếng người ý viết hồi ký về những giây phút sau hết của cuộc đời Ðức Gioan 23 như sau: Vào ngày cuối cùng của chuỗi ngày đau đớn kéo dài, linh mục Capovilla, bí thư riêng của Ðức Thánh Cha đến bên giường bệnh, hôn tay bệnh nhân và hỏi xem ngài thấy thế nào. Ðức Gioan 23 trả lời: "Tôi cảm thấy trong mình khỏe khoắn và an bình như thể tôi đang ở trong Chúa. Nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy hơi lo".
Linh mục Capovilla thưa: "Xin cha đừng lo. Những người phải lo là chính chúng con, vì con đã nói chuyện với bác sĩ...". Ðức Gioan 23 ngắt lời hỏi: "Họ đã nói với con những gì?".
Nghẹn ngào, linh mục bí thư của ngài nói: "Thưa Ðức Thánh Cha, con muốn nói với cha sự thật: hôm nay là ngày của Chúa. Hôm nay cha sẽ được về Thiên Ðàng".
Nói xong, linh mục bí thư quỳ xuống bên giường, hai tay bưng mặt khóc. Vài phút nặng nề trôi qua, bỗng cha cảm thấy một bàn tay âu yếm xoa đầu mình và nghe một giọng ôn tồn nói: "Hãy ngước mắt nhìn lên. Bình thường, người bí thư của tôi rất mạnh mẽ, can đảm, nhưng bây giờ phải trở nên mềm nhũn. Cha đã nói với người bề trên của cha những lời hay đẹp nhất mà con người có thể nghe từ miệng của một linh mục: Hôm nay cha sẽ được vào Thiên Ðàng".
Chúng ta đang sống trong tháng 11:
- Ðây là tháng Giáo Hội dành riêng để tưởng nhớ đến những người quá cố.
- Ðây là tháng chúng ta đặc biệt có dịp để báo hiếu cho ông bà, tổ tiên, tháng để trả nghĩa cho cha mẹ, anh chị em, bà con thân thuộc đã qua đời bằng những kinh nguyện, bằng những chuỗi lần sốt sắng, nhất là bằng cách siêng năng tham dự tích cực và cố gắng sống thành lễ để thực hành những công việc bác ái như thánh lễ đòi hỏi.
Nhưng, vào tháng 11 hằng năm, Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở chúng ta phải nhớ bến bờ chúng ta phải tới, nhắc nhở khúc quẹo ngoặt nhất trong đời chúng ta sẽ phải đi.
- Ðó là từ giã cõi đời.
- Ðó là nhắm mắt xuôi tay.
- Ðó là sự thật: ai trong chúng ta cũng phải chết.
Ước gì chúng ta có được sự bình thản trong giờ lâm tử như Ðức Gioan 23 . Ước gì, như ngài, chúng ta có được sự bình an trong tâm hồn và có niềm hy vọng để tin tưởng rằng: lời Chúa Giêsu phán với người trộm lành cũng được áp dụng cho chúng ta: "Hôm nay con sẽ được cùng Ta về Thiên Ðàng".
Nhưng, nếu Thiên Ðàng là bến bờ, là Ðức Mến, thì cuộc sống của chúng ta phải định hướng theo đó.
Nếu Thiên Chúa là cùng đích của giây phút cuối cùng, thì trong những chuỗi ngày sống, chúng ta cũng phải hướng mục và xây dựng theo tiêu chuẩn đó.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét