Trang

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

12-11-2014 : THỨ TƯ TUẦN XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN - THÁNH GIÔ-SA-PHÁT, GIÁM MỤC, TỬ ĐẠO (Lễ Nhớ)

12/11/2014
Thứ Tư Tuần XXXII Mùa Thường Niên Năm chẵn
Thánh Giô-sa-phát, Giám Mục, Tử Đạo
(Lễ nhớ)

BÀI ĐỌC I: Tt 3, 1-7
"Xưa chúng ta cũng lầm lạc, nhưng chiếu theo lòng từ bi Chúa, chúng ta đã được cứu thoát".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Con thân mến, con hãy nhắc bảo mọi người phải tùng phục thủ lãnh và những người quyền chức, biết vâng lời, sẵn sàng làm mọi việc thiện, đừng thoá mạ ai, và đừng gây gỗ, nhưng ở khoan dung, tỏ lòng rất mực hiền từ với mọi người. Vì chưng, xưa kia chúng ta cũng ngu muội, bất phục, lầm lạc, nô lệ cho tham vọng và nhiều khoái lạc khác, sống trong gian ác và ghen tương, khả ố và đố kỵ lẫn nhau. Nhưng khi Đấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Đấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta, qua Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng, chúng ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Đáp.
2) Người dẫn tôi qua con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Đáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Đáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Đáp.
ALLELUIA: 1 Tx 2, 13
Alleluia, alleluia! - Anh em hãy đón nhận lời Chúa, không phải như lời của loài người, mà là như lời của Thiên Chúa và đích thực là thế. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 17, 11-19
"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi". Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Thể Hiện Của Tự Do Thực Sự
Trong suốt nhiều thế kỷ, người Do thái đã phải còng lưng dưới sức nặng của lao động khổ sai bên Ai Cập. Dưới sự lãnh đạo của Môsê, Thiên Chúa đã giải phóng họ và đưa họ vào vùng đất tự do. Ðể đánh dấu cuộc giải phóng khỏi các thứ khổ sai đó, Thiên Chúa đã thiết lập một ngày trong tuần như ngày Hưu Lễ. Ðó là lý do tại sao người Do thái đã trân trọng tuân giữ ngày Hưu lễ. Nó chính là biểu trưng của tự do, bởi vì thời nô lệ, bẩy ngày trên bẩy ngày, người Do thái không thể có được một ngày nghỉ ngơi. Như vậy, nghỉ ngơi là dấu chỉ của tự do, và đó là ý nghĩa nguyên thủy của ngày Hưu lễ.
Thế nhưng, dần dà qua dòng thời gian các nhà thần học Do thái đã thay đổi ý nghĩa ấy của ngày Hưu lễ: thay vì là biểu tượng của tự do, họ đã biến ngày Hưu lễ thành một gánh nặng đầy đọa và trói buộc con người; họ đã kéo dài ngày Hưu lễ thành một bản kê khai tỉ mỉ những gì không được phép làm trong ngày Hưu lễ và như vậy dấu chỉ của tự do giờ đây chỉ còn là một hình thức nô lệ mới đối với người Do thái: thay vì là dấu chỉ của tự do đưa con người vào gặp gỡ với Thiên Chúa, ngày Hưu lễ đã trở thành một gánh nặng chồng chất trên vai con người, nhất là làm cho con người xa cách Thiên Chúa.
Ðó cũng là tình trạng của lề luật nói chung thời Chúa Giêsu. Luật lệ không còn là vì con người, nghĩa là giải phóng con người, mà trở thành gánh nặng đè bẹp con người và tách lìa con người khỏi Thiên Chúa; con người chú tâm thi hành lề luật hơn là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Thái độ của 9 người phong cùi người Do thái trong Tin Mừng hôm nay phản ánh tâm thức chung của người Do thái thời đó. Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi, trong đó chỉ có một người Samari không phải tuân hành luật Do thái. Theo đúng đòi hỏi của lề luật, Chúa Giêsu đã yêu cầu 9 người Do thái đến trình diện các tư tế để được xác nhận là đã khỏi bệnh, riêng người Samari không phải tuân giữ điều đó, nhưng đây lại là người duy nhất trở lại cám ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa.
Câu truyện trên cho chúng ta thấy luật lệ đã cản trở con người đến gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm tạ Thiên Chúa. Người Samari vì không bị chi phối bởi lề luật, nên đã được tự do để nói lên tình cảm chân thật của mình, người này gần với tôn giáo đích thực bởi vì ông có tự do hơn. Thiên Chúa thi ân một cách nhưng không thì con người cũng phải đáp trả một cách tự do. Một tương quan như thế không thể có được trong một xã hội lề luật, trong đó con người chỉ biết tính toán theo thứ công bình hoán đổi. Người Do thái vốn quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán chi ly về công đức của mình, họ lượng giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của mình. Chúa Giêsu đã đánh đổ một quan niệm như thế về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: ơn cứu rỗi mà Ngài loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng không, đến độ con người chỉ được cứu độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa, đến độ những kẻ tội lỗi là những người đầu tiên được vào Nước Chúa.
Ngày nay, có lẽ nhiều người chúng ta cũng giống như 9 người phong cùi Do thái trong Tin Mừng hôm nay. Họ đã bị lề luật giam hãm trong Ðền thờ để không còn có thể nói lên lời tạ ơn đối với Ðấng đã thi ân cho mình; họ xem lề luật trọng hơn điều thiết yếu của niềm tin là lòng biết ơn và niềm tín thác. Cũng như họ, có lẽ chúng ta đã tỏ ra trung thành một cách chi ly với luật Hội Thánh, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn còn tự hỏi: Tôi phải đọc bao nhiêu kinh? Tôi phải lần bao nhiêu chuỗi? Tôi phải ăn chay bao nhiêu lần? Tôi phải bố thí cho bao nhiêu người nghèo khó? Tính toán như thế là quên rằng Thiên Chúa như Chúa Giêsu mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài ban ơn cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta chờ đợi và tính toán. Một Thiên Chúa như thế, con người không thể có một tâm tình nào xứng hợp hơn là lòng tri ân, niềm tín thác. Ðó là sự thể hiện của một tâm hồn tự do đích thực, nhờ đó con người có thể vượt qua bốn bức tường nhà thờ để không ngừng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.

(Veritas Asia)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 32 TN2
Bài đọc: Tit 3:1-7; Lk 17:11-19.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết ơn
Rất nhiều người ngày nay quí chó hơn con người; lý do đơn giản là chó biết ơn và trung thành hơn con người. Chỉ cần cho nó một cục xương là chó đã vẫy đuôi rối rít để cám ơn. Chó sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ khỏi nguy hiểm. Trong khi đó, con người càng ngày càng vô ơn; nhiều cha mẹ thấy con đối xử quá tệ bạc với mình đã phải thốt lên: “Nếu biết trước con thế này, chẳng thà đẻ ra cái trứng luộc ăn còn tốt hơn!” Chúng ta không thích người vô ơn, nhưng rất nhiều lần chúng ta đã vô ơn Thiên Chúa. Các Bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm để nhìn ra những gì Thiên Chúa đã làm cho con người, để giúp chúng ta biết cám ơn Thiên Chúa và biết sống thế nào cho xứng với những hồng ân Ngài đã ban cho.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nhận ra ơn bằng cách nhận ra sự khác biệt trước và sau khi trở lại.
(1) Tình trạng các tín hữu trước khi trở lại: Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu nhìn lại quá khứ của họ: “Thật vậy, cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ganh tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau.”
(2) Tình trạng các tín hữu sau khi trở lại: Lý do của sự khác biệt: không phải do sự cố gắng của con người, nhưng là do lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Ngài đối với nhân loại qua việc ban cho con người 2 hồng ân quan trọng:
- Ban Đức Giêsu Kitô: Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Thiên Chúa thương xót, nên Ngài đã ban cho chúng ta Người Con Một duy nhất là Đức Kitô, để những ai tin vào Đức Kitô, sẽ được tha thứ mọi tội và trở nên công chính.
- Ban Chúa Thánh Thần: Qua Bí-tích Rửa Tội, Thiên Chúa đã ban cho con người Chúa Thánh Thần để con người được tái sinh và đổi mới: “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta.”
(3) Để cảm tạ những hồng ân của Thiên Chúa ban, con người phải sống cuộc đời tốt lành với tha nhân. Thánh Phaolô nhắc nhở cho Titô: “Anh hãy nhắc nhở cho ai nấy phải phục tùng và tuân lệnh các nhà chức trách, các người cầm quyền, phải sẵn sàng làm mọi việc tốt, và đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người.”
2/ Phúc Âm: Lòng biết ơn.
Bài Phúc Âm này được đọc trong ngày Lễ Tạ ơn mỗi năm. Mục đích là để nhắc nhở cho con người biết nhận ra ơn và cám ơn Thiên Chúa.
2.1/ Phải biết ơn trước khi cám ơn: Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!"
- Tình trạng bi thảm của những người phong cùi: Vì người Do-Thái rất chú trọng đến vấn đề thanh sạch bên ngòai, những người phong cùi không được ở chung với dân; mà phải sống cách biệt bên ngòai làng của dân ở (Lev 13:46, Num 5:2). Họ không được phép tiếp xúc trực tiếp với dân và phải la lớn để mọi người được biết sự có mặt của họ mà tránh đi (Lev 13:45).
- Để chứng tỏ mình đã hết bệnh phong cùi, họ phải được xem xét cẩn thận bởi các tư tế. Khi nào các tư tế tuyên bố họ đã sạch; bấy giờ họ có thể trở về sinh họat bình thường với dân trong làng (Lev 14:2-3). Đó là lý do tại sao Đức Giêsu bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch.
2.2/ Những người “ở ngòai” dễ nhận ra ơn hơn những người “ở trong”:
- Tâm tình biết ơn của người Samaria: Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samaria. Đức Giêsu nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?"
- Người Do-Thái khinh thường và sống xa cách với người Samaria. Điểm lạ ở đây là 9 người phong Do-Thái khi bị chính dân mình khai trừ đã mở rộng vòng tay cho người phong Samaria được sống chung với họ. Khi con người bị đau khổ và bỏ rơi, có lẽ con người dễ đòan kết và sống chung với nhau hơn.
- Người Samaria, tuy bị người Do-Thái khinh thường, nhưng nhiều lần được chính Chúa Giêsu khen tặng. Trong câu truyện “Ai là người thân cận của tôi?” Chúa Giêsu đã đề cao người Samaria Nhân Hậu hơn các thầy tư tế và Lêvi, vì ông là người biết tỏ lòng thương xót với người bị đánh trọng thương dọc đường: ông đã vực người trọng thương lên lừa và đưa về quán trọ săn sóc cẩn thận và hứa sẽ trả mọi phí tổn tương lai cho chủ quán trọ (Lk 10:30-37). Trong cuộc đàm thọai giữa Đức Kitô và người phụ nữ xứ Samaria, chị đã trở thành nhà truyền giáo đầu tiên của Chúa Giêsu, nhiệt thành loan báo về Người cho các dân trong làng của chị (Jn 4:39-41).
- Biết ơn là xứng đáng đón nhận thêm ơn: Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." Không phải chỉ được thanh sạch bên ngòai, anh còn được thanh sạch cả bên trong. Chính vì lòng tin mà anh đã xứng đáng được hưởng ơn cứu độ.
2.3/ Tại sao con người vô ơn? Có nhiều lý do: (1) vì con người không chịu suy nghĩ để nhận ra ơn, họ nghĩ mọi sự trên đời tự nhiên mà có mà không cần suy nghĩ tại sao nó có; (2) họ giả sử tất cả mọi người phải hành động như vậy: là Thiên Chúa phải ban ơn; là cha mẹ phải nuôi nấng con cái; là thầy phải dạy dỗ học sinh; và (3) họ sợ nếu nhận ra ơn, họ phải trả ơn. Vì thế, họ vô ơn:
(1) với Thiên Chúa: Đấng đã dựng nên và không ngừng ban mọi ơn lành cho họ. Ngày Lễ Tạ Ơn là dịp để con người nhận ra và tạ ơn Thiên Chúa qua việc tham dự Thánh Lễ và làm ơn cho những người kém may mắn; nhưng thử hỏi được bao nhiêu người làm những điều này? Thay vào đó, họ lo tổ chức ăn uống vui chơi cho bản thân và cho gia đình họ.
(2) với cha mẹ: những người đã cưu mang, nuôi nấng, và dạy dỗ họ trong suốt một phần tư của cuộc đời. Lẽ ra, khi cha mẹ về già không còn tự săn sóc mình được nữa, họ phải phụng dưỡng và săn sóc trở lại, thì họ lại cho vào các nhà hưu dưỡng rồi tự an ủi mình: “chính phủ sẽ săn sóc các ngài tốt hơn ta.”
(3) với tha nhân: những người đi trước nhiều khi đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, xây dựng, và phát minh ra những tiện nghi mà chúng ta đang được hưởng. Bổn phận của những người thụ hưởng là tiếp tục để làm cho thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn chứ không phải chỉ ù lỳ thụ hưởng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Phải biết nhìn nhận và so sánh để nhận ra ơn. Đã nhận ơn phải biết nói lời cám ơn.
- Cám ơn xuông chưa đủ, mà còn phải biết thi ơn cho người đã làm ơn hay cho người khác để sự tốt lành tiếp tục lan tràn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 32
Lc 17,11-19

A. Hạt giống...
1. Thái độ của 10 người cùi trong đoạn Tin Mừng này : biết phận mình nên khi thấy Chúa Giêsu thì “dừng lại đàng xa” và kêu xin.
2. Khi của Chúa Giêsu bảo họ “Hãy đi trình diện với các tư tế”, Chúa Giêsu vừa thử đức tin của họ vừa mời họ tin tuyệt đối vào Ngài :
            - Thử thách đức tin : vì Ngài không chữa bệnh ngay
            - Mời gọi đức tin : nếu họ đi là chứng tỏ họ tin Ngài chữa họ.
3. 9 người cùi do thái không trở lại tạ ơn vì họ đã quen được ơn Chúa nên coi đó là việc bình thường. Một người cùi xứ Samari trở lại tạ ơn vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được ơn, thế mà lại được.

B.... nẩy mầm.
1. Cám ơn là gì ? Điểm đáng chú ý là Thánh Luca không ghi lại lời cám ơn của Người Samari cho nên chúng ta không biết anh ta đã nói gì. Nhưng Thánh Luca ghi khá tỉ mỉ thái độ của anh ta : anh “thấy mình được khỏi, liền quay trở lại, lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài”. Thực ra nói cám ơn Chúa thì chúng ta đã nói nhiều. Nhưng lòng biết ơn thực còn xuất phát từ sự nhận thấy tình thương Chúa, thức đẩy ta quay trở lại với Chúa, thôi thúc ta tôn vinh Chúa và sấp mình thờ lạy Chúa nữa.
2. Hai tiếng “Cám ơn” giúp ích rất nhiều chẳng những cho ta mà còn cho người được nghe nó nữa :
- Khi ta cám ơn ai, người đó sẽ hài lòng, và lần sau họ sẽ sẵn sàng giúp ta nữa.
- Nghe ta nói cám ơn, lòng người ta vui, mặt người ta sáng, người ta sẽ làm việc vui vẻ hơn.
Hai tiếng “cám ơn” khi được thốt ra bởi những người lớn hơn thì càng sinh hiệu quả nhiều hơn. Chẳng hạn cha mẹ cám ơn con cái, thầy cô cám ơn học trò, chủ cám ơn tớ...
Nhưng tại sao người ta thường cám ơn “người dưng” hơn là cám ơn “người nhà” ? (Frank Mihalic).
3. Tâm lý chung :
- Ta quen nghĩ đến mình và quên nghĩ tới người, nhất là trong những lúc quá mừng, quá lo  (những ngày đại tiệc, dễ quên cám ơn những người phục vụ bếp núc đã vất vả cho buổi lễ của ta).
- Ta dễ vụ lợi, ích kỷ, vô ơn : ‘Hữu sự vái tứ phương, vô sự đồng hương không mất’, ‘Vòng chưa thoát khỏi đã cong đuôi’.
4. Người Á đông chúng ta có thói quen trọng sự biết ơn : Biết ơn ông bà tổ tiên, Đạo ông bà… Nhưng cũng nên đề phòng thái độ biết ơn chỉ ngừng lại ở phạm vi công bằng, biết điều, ‘Ơn đền ; oán trả’, và đi đến chỗ phải mau lo đền ơn để  rũ nợ cho sớm.
5. Một cậu bé ngồi hàng ghế đầu trên xe buýt. Thấy một cụ già lên xe, cậu nhường ghế cho cụ. Ông cụ ung dung ngồi xuống, không nói tiếng nào. Cậu bé hỏi :
- Thưa ông, ông vừa nói gì thế ?
- Tôi có nói gì đâu.
- Vậy mà cháu tưởng ông nói “cám ơn” chứ. (Quote)
6. Các tâm tình tạ ơn gương mẫu : - Magnificat - Benedictus - Nunc dimmittis - Thánh Lễ (Eucharistie).
7. “Một người trong bọn thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 17,15)
Chúa cho con đôi mắt, con nhìn bao kỳ công
Chúa cho con đôi tai, con nghe đủ âm thanh
Chúa cho con đôi môi, con hé mở nụ cười
Chúa cho con hai tay, bưng chén cơm, cầm bút
Chúa cho con đôi chân, dẫn con khắp nẻo đường
Chúa cho con khối óc, phân biệt điều thực hư…
Những điều con có đó, tưởng tầm thường nhưng thật vĩ đại, thật cao cả.
Mà đã lần nào con nhớ đến những thứ ấy để cám ơn Chúa.
Chắc đợi đến khi mắt mù, tai điếc, chân què, con mới nhận ra những thứ ấy thật quý giá.
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con nhiều điều. Nhưng xin ban cho chúng con một điều nữa là cho chúng con luôn biết nhận ra những ân huệ Chúa mà không ngừng cảm tạ tri ân. Amen. (Hosanna)

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

12/11/14 THỨ TƯ TUẦN 32 TN 
Th. Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo
Lc 17,11-19

Suy niệm: Chúa Giê-su đã chữa lành mười người phong cùi, nhưng chỉ có một người biết ơn Chúa! Cả ngàn người được Chúa thi ân, nhưng khi Chúa vác thánh giá, chỉ có một người giúp vác thay! Cả một dân tộc đã chịu ơn, nhưng khi Chúa bị đóng đinh, chỉ có một người công khai tuyên xưng Chúa vô tội. Đối với Đức Giê-su, điều quan trọng đâu phải là để nổi tiếng về quyền năng chữa bệnh, nhưng là biểu lộ sức mạnh của Lời Thiên Chúa, Lời sinh ơn cứu độ, Lời mời gọi tuyên xưng đức tin. Tôn vinh, tạ ơn là biểu lộ niềm tin của mình vào Đấng Cứu Độ. Hãy biết tạ ơn để xứng đáng là người hơn.
Mời Bạn: Cuộc đời chúng ta nằm trong những liên đới chập chùng. Chúng ta chẳng cho đi được bao nhiêu nhưng lại nhận rất nhiều từ Thiên Chúa về vật chất cũng như tinh thần, trực tiếp cũng như qua xã hội và gia đình. Và nhất là chính sự hiện hữu của chúng ta cũng là món quà từ Thiên Chúa. Nếu không nhận ơn, đời chúng ta thành bơ vơ nghèo nàn. Tiền bạc vật chất có thể trả được nhưng ân nghĩa, tình thương làm sao trả được !
Chia sẻ: Khi gặp đau khổ, khó khăn, bạn có biết nhận ra ơn Chúa trong lúc này không? Bạn đã xử sự thế nào?
Sống Lời Chúa: Biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, thánh lễ là hy tế tạ ơn: bạn tạ ơn Chúa bằng việc siêng năng tham dự thánh lễ và dành thời giờ tạ ơn sau khi rước lễ.
Cầu nguyện: Hát: “Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người….”

Sấp mình tạ ơn
Biết ơn là con đường đơn sơ dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Khi tôi biết đời tôi là một quà tặng nhận được, thì tôi sẽ sống nó như một quà tặng để trao đi.


Suy nim:

Giáo dục cho trẻ em về lòng biết ơn là điều quan trọng.
Cha mẹ thường dạy con cám ơn người làm ơn cho mình.
Cám ơn là đi từ món quà đến người trao tặng.
Mỗi người chúng ta đã nhận biết bao quà tặng trong đời,
nên chẳng ai là người trọn vẹn nếu không có lòng biết ơn.
Bản thân tôi là một quà tặng do nhiều người cho :
cha mẹ, ông bà tổ tiên, các anh hùng dân tộc…
Chỉ cần để  lòng biết ơn đi lên mãi, lên tới nguồn,
tôi sẽ gặp được Thiên Chúa như Người Tặng Quà viết hoa.

Đức Giêsu đã làm bao điều tốt đẹp cho người thời của Ngài.
Nhưng ít khi Tân Ước nói đến chuyện họ cám ơn,
mà Đức Giêsu cũng chẳng bao giờ đòi ai cám ơn mình sau phép lạ.
Bởi đó bài Tin Mừng hôm nay thật độc đáo.
Mười người phong ở với nhau trong một ngôi làng.
Họ biết tiếng của Đức Giêsu và biết cả tên của Ngài.
Họ vui mừng thấy Ngài vào làng, nhưng họ chỉ được phép đứng xa xa.
Tiếng kêu của họ vừa bi ai, vừa đầy hy vọng được chữa lành:
“Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (c. 13).
Đức Giêsu đã chẳng chữa lành cho họ ngay lập tức,
như từng làm với một người phong khác trước đây (Lc 5, 12-16).
Dù họ chưa được sạch, Ngài đã bảo họ đi trình diện với các tư tế
để cho thấy là mình đã khỏi rồi.
Họ đã tin tưởng, vâng phục, ra đi, và được khỏi bệnh.

Chỉ có một người, khi thấy mình được khỏi, liền quay lại.
Anh ấy lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, và sấp mình tạ ơn Đức Giêsu.
Đó là một người Samaria, thời đó bị coi như người nước ngoài (c. 18).
Anh được ơn lành bệnh, và hơn nữa anh có lòng biết ơn.
Tôn vinh Thiên Chúa thì làm ở nơi nào cũng được.
Nhưng anh muốn trở lại để gặp người Thiên Chúa dùng để thi ân cho mình.
Cám ơn, biết ơn, tạ ơn, là mở ra một tương quan riêng tư mới mẻ.
Người phong xứ Samaria không chỉ được chữa lành.
Anh còn có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và người thi ân là Thầy Giêsu.
Ơn này còn lớn hơn ơn được khỏi bệnh.

Đức Giêsu có vẻ trách móc khi hỏi ba câu hỏi liên tiếp (cc. 17-18).
Ngài ngạc nhiên vì không thấy chín người Do thái kia trở lại cám ơn.
Đôi khi người Kitô hữu chúng ta cũng thiếu thái độ tạ ơn khi cầu nguyện.
Dường như chúng ta ít mãn nguyện với những ơn đã được tặng ban.
Chúng ta chỉ buồn Chúa về những ơn xin mãi mà không được.
Nhận ra ơn Chúa ban cho đời mình và biết tri ân: đó là một ơn lớn.
Người có lòng biết ơn bao giờ cũng vui.
Họ hạnh phúc với những gì Chúa ban mỗi ngày, vào giây phút hiện tại.
Biết ơn là con đường đơn sơ dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa.
Khi tôi biết đời tôi là một quà tặng nhận được,
thì tôi sẽ sống nó như một quà tặng để trao đi.
Cầu nguyn:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm
Khi tôi tạ ơn có nghĩa là tôi đã được ơn; phải được ơn thì ta mới tạ ơn chứ, không được ơn thì làm sao tạ? Vậy tạ ơn có nghĩa là tôi biết rằng tôi được ơn. Chân thành nhìn lại mỗi ngày sống của chúng ta có biết bao ơn lành đến từ Chúa, ấy vậy mà chúng ta không để ý. Chúng ta coi đó là lẽ đương nhiên phải có và không cần phải cám ơn ai nữa. Chúng ta chỉ thấy những việc mình làm mà không thấy việc Chúa làm cho chúng ta. Chúng ta không thấy mình được ơn, nên cũng chẳng tạ ơn.
"Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này". Thời Cựu Ước và cả thời Chúa Giêsu, bệnh cùi rất đáng sợ. Theo Luật Môisen, bệnh cùi còn bị coi là dơ bẩn chiếu theo luật, là hình phạt của Thiên Chúa; nên người bệnh bị khai trừ khỏi cộng đoàn. Nếu sau này, vì lý do nào đó khỏi bệnh, họ phải đi trình diện các tư tế, để được xác nhận, rồi dâng lễ chuộc tội mới được gia nhập lại cộng đoàn (Lv 13-14).
Có một người mẹ khoe với về đứa con trai của mình. Có lần đứa bé được người hàng xóm cho mấy viên kẹo, chị mới thử đứa bé. Chị xin bé một viên, bé nhìn rồi cũng đưa cho mẹ một viên. Chị cầm kẹo rồi vui mừng ôm hôn con. Nhưng đứa bé đẩy mẹ nó ra và nói ngay: "Sao mẹ không cám ơn con?" Khi đó chị mới giật mình, xin lỗi con và nói lời cám ơn. Khi đó đứa bé mới chịu ngã vào vòng tay của chị và cho chị ôm hôn.
Có nhiều người nghĩ rằng: Việc cám ơn chỉ là việc của trẻ con, còn mình đã lớn khôn, đã làm được nhiều việc, thì điều đó không còn cần thiết nữa. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Quen quá hóa nhàm” hay “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Đa số người Kitô hữu rơi vào thói lệ đó.
Hơn nữa, việc tạ ơn Chúa có một ý nghĩa rất quan trọng được ghi lại trong Kinh Tiền tụng Thánh Thể IV, lời kinh rất hay: “Lạy Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được ca tụng Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời”
Lạy Chúa! Nhìn lại bản thân, có khi nào con lại là một trong số chín người vô ơn kia, những người mà Chúa phải thốt lên: “còn chín người kia đâu?”. Xin cho biết sáng suốt nhận ra được những hồng ân Chúa ban trong đời sống, để biết nói lên lời cám ơn và tôn vinh Thiên Chúa bằng chính đời sống tốt đẹp của mình. Amen!

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
12 THÁNG MƯỜI MỘT
Xin Hãy Quan Tâm Đến Thế Hệ Trẻ
Chúng ta đang càng ngày càng phải khẩn trương hơn trong việc cổ võ một khát vọng mãnh liệt và thâm sâu muốn bảo vệ con người và bảo vệ sự sống con người, nhất là giữa những người trẻ. Chúng ta phải giáo dục và giúp các bạn trẻ trở thành những con người trưởng thành để các bạn ấy có thể biểu dương tính thánh thiện của sự sống con người trong thế giới chúng ta. Vâng, chúng ta phải làm thấm nhập trong họ một niềm tôn trọng sâu xa đối với các giá trị Kitô giáo đích thực dựa trên những xác tín mạnh mẽ của bản thân họ.
Bổn phận của chúng ta là giúp các bạn trẻ và không ngăn trở họ trên con đường tiến tới trưởng thành hoàn toàn trong Đức Kitô. Các bạn trẻ có quyền hưởng một nền giáo dục thích đáng để họ có thể lèo lái thế giới này trong tương lai. Tôi tha thiết mời gọi các bậc phụ huynh, các nhà giáo, nhà văn, ký giả, các nhà khoa học, các nghệ sĩ, và mọi người … vâng, tôi mời gọi tất cả những ai tin vào phẩm giá con người hãy đóng góp phần mình cho thế hệ trẻ hôm nay.
Thế hệ của ngàn năm thứ ba phải tránh những nỗi kinh hoàng đã làm cho thế kỷ XX của chúng ta nhuộm đỏ máu. Còn có vô số bước phát triển mà xã hội con người có thể thực hiện để phục vụ cho chính con người. Khi chúng ta tiến bước đến tương lai, chúng ta có trong tay những khả năng chưa từng có để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và nhân đạo hơn theo tinh thần của Tin Mừng.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 12-11
Thánh Jôsaphat, Giám mục Tử đạo
Tt 3, 1-7; Lc 17, 11-19.

LỜI SUY NIỆM: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?”
Khi chúng ta thấy mười người phung hủi được Chúa Giêsu chữa lành, chỉ có một người trở lại chúc tụng Thiên Chúa, còn chín người kia thì không. Trong đời thường của chúng ta cũng thường vấp phải điều này. Khi chúng ta lâm vào hoàn cảnh đau thương, túng quẩn, chúng ta chạy đến nơi này nơi nọ để cầu xin Chúa cứu giúp, ban ơn để được an lành, nhưng sau đó chúng ta lại đi vào quên lãng. Không những thế, hằng ngày chúng ta nhận được biết bao hồng ân của Ngài, qua một bữa ăn, một ngày sống an lành... chúng ta có bao giờ tạ ơn và tôn vinh Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, Biết bao nhiêu lần trong ngày chúng con đã quên tạ ơn và tôn vinh Chúa. Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết tạ ơn Chúa trong mọi lúc và trong mọi sự.
Mạnh Phương

Gương Thánh Nhân
Ngày 12-11
Thánh GIOSAPHAT
Giám mục, Tử đạo (1580 - 1625)

Thánh Giosaphat sinh năm 1580 (vài tác giả nói là 1584), ở Vladimir, thủ đô của Volynia miền Ukraine, rồi sau là một tỉnh của Balan dầu cha mẹ Ngài thuộc dòng quí phái, nhưng họ đã nhập thương trường với vài thành công và cha Ngài đã trở thành nghị viên thành phố. Giosaphat (tên rửa tội là Gioan) trước hết đã học nghề với một thương gia ở Vilna miền Lithuania và làm việc với ông tới năm 1604 khi Ngài trở thành một tu sĩ nhà dòng Basiliô ở Vilna.
Các Kitô hữu Ruthenia và Ukraina phần lớn theo nghi thức Byzantine bị phân rẽ sâu xa kể từ khi một số đông các giám mục của họ năm 1596 tuyên bố ở Brest- Litovsk hiệp nhất với Giáo hội Roma. Thượng phụ giáo chủ ở Constantinople đã cố gắng ngăn cản sự chia cắt này khỏi giáo hội chính thống và đã đặt một vị nhiếp chính cho Ruthenia vì mục đích này. Điều này chẳng quen thuộc với các bậc vị vọng địa phương vì họ coi đó như một đe dọa cho sự tự chủ của họ, nhưng lại được vương quốc Balan và chính quyền trung ương ủng hộ hoàn toàn.
Dầu vậy suốt cuộc đời, thánh Giosaphat luôn trung thành với Thánh nhân, viễn quan thiêng liêng và phụng vụ của Ngài theo nghi thức Byzantine. Ngài đã học thuộc lòng toàn sách các phép bằng tiếng Slave như một đứa trẻ, nắm giữ nghiêm nhặt việc ăn chay theo lịch Byzantine còn nhặt nhiệm hơn lịch chay tịnh của Roma nhiều, và kinh nguyện Ngài cũng dùng nhiều nhất là "Kinh nguyện Chúa Giêsu", lòng sùng kính được nhiều nhà khổ hạnh và thần trí Kitô giáo Đông phương ưa thích. Nhưng lý lẽ của nhưng người theo Chính thống hay giáo hoàng, và những thúc đẩy đưa tới đối nghịch chính trị đều vô nghĩa đối với thánh Giosaphat, Ngài không thể tin được rằng những việc sùng mộ và phong tục của dân tộc Ngài và dĩ nhiên của toàn thế giới lại không hòa được với sự trung thành đối với Giáo hội hiệp nhất dưới thánh nhan.
Ngài sớm nổi tiếng với những khắc khổ nhiệm nhặt và với kiến thức của Ngài. Ngài được tấn phong linh mục năm 1609 và sớm nổi tiếng như là vị hứơng dẫn thiêng liêng. Ngài cũng viết nhiều sách tranh luận về thời này (về phép tửa của thánh Vladimir, về sự gải mạo của các sách tiếng Slave).
Năm 1617, Ngài được thánh hiến làm giám mục Vitebsk với quyền kế vị Đức Tổng giám mục Pskov. Ngài đã làm tổng giám mục Pskov năm 1618. Được dân chúng kính trọng, Ngài lại cương quyết với những người ly khai, không chấp nhận cả những nhượng bộ chính quyền trung ương Balan định làm. Năm 1623 khi đang viếng Vitebsk, Ngài bị một đám đông theo tinh thần quốc gia quá khích tấn công chặt đầu và bắn chết. Xác Ngài được đưa về Pskov và trên đường về này đã được nhiều người tôn kính gồm cả những người thủ địch của Ngài nữa.
Cuộc tử đạo của Ngài đã bảo đảm sự hồi sinh của Giáo hội công giáo Slave. Họ khác về phong tục, kỷ luật, phụng vụ và ngôn ngữ với người Balan theo công giáo Roma, trong khi đó họ vẫn độc lập với Maxcơva và người Nga vì sự liên kết của họ với Roma. Bởi đó họ trở thành một trung tâm quan trọng của phong trào quốc gia Ruthania.
Đức giáo hoàng Urbanô VIII năm 1628 đã khởi đầu cuộc án phong thánh cho Giosaphat khi mở mộ ra và thấy xác Ngài còn nguyên vẹn. Ngài được phong chân phước năm 1643 và được phong thánh năm 1867.
(daminhvn.net)


12 Tháng Mười Một
Tình Yêu Mạnh Hơn Thời Gian
Một hôm, vua Ai Cập đang đứng chiêm ngưỡng những bia tháp mà ông đã cho dựng lên tại thành phố Eliopolis. Bỗng nhiên có một cụ già râu tóc bạc phơ không biết từ đâu đến, đã cười ngạo nghễ và thách thức với nhà vua như sau: Hãy bỏ tất cả và cút đi...
Nhà vua giận tím gan, thế nhưng ông ta đã tự chủ và trả lời: "Hỡi người già, ngươi là ai mà dám ra lệnh cho ta một cách hỗn láo như thế... Không lẽ ngươi có nhiều quyền thế hơn ta?".
Lão ông tự giới thiệu: "Ðúng thế, bởi vì ta là Thời Gian...".
Nghe đến tên Thời Gian, vua Ai Cập tái mặt và té khỏi ngai vàng... Cùng với ông, cả đế quốc Ai Cập cũng sụp đổ.
Lão già Thời Gian cũng rảo qua khắp các đế quốc trên thế giới. Lão đi đến đâu, thì các đế quốc rơi rụng như sung: Hôm nay tại Babylone, ngày mai tại Athène, ngày mốt tại Ninive, tại Carthage...
Nhưng ngày kia, người ta bỗng thấy xuất hiện tại đồi Vatican một cụ già khác. Cụ tuyên bố nghênh chiến với lão già Thời Gian. Lão già Thời Gian tưởng mình có thể phá vỡ tất cả mọi công trình của con người trên trần gian này. Cũng một giọng điệu vô cùng hách dịch, lão ta cũng đến trước cửa Vatican và dõng dạc tuyên bố: "Ta là Thời Gian đây". Tiếng gầm thét đó đã làm rung chuyển trái đất, thế nhưng đã không làm cho bô lão trên ngọn đồi Vatican mảy may lo sợ. Cụ bình tĩnh đáp lại: "Còn ta, ta chính là Vĩnh Cửu!... Xuyên qua các thế hệ, ta phải đại diện cho lòng chung thủy của Thiên Chúa đối với loài người...".
Thời gian là liều thuốc chữa được mọi khổ đau... Thời gian giúp chúng ta quên được dĩ vãng u buồn... Ðó là những câu nói mà chúng ta thường dùng để tự an ủi mình hoặc người khác khi đứng trước thất bại, hay bất cứ một nỗi bất hạnh nào...
Mà quả thật, thời gian không những giúp chúng ta chữa lành được nhiều vết thương trong cuộc sống, thời gian còn là một kẻ phá hoại tàn nhẫn. Cái chết xảy ra hằng ngày xung quanh chúng ta là một chiến thắng của thời gian. Sự sụp đổ của không biết bao nhiêu đế quốc trên cõi trần này cũng là một chiến thắng của thời gian...
Chỉ có một sức mạnh thời gian phải nhượng bộ: đó là sức mạnh của Tình Yêu. Chúng ta thường nói: Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Ðúng hơn, chúng ta phải nói: Tình Yêu mạnh hơn Thời Gian, bởi lẽ thời gian không bao giờ có thể xóa mờ được tình yêu.
Bất cứ một nghĩa cử yêu thương nào mà con người làm cho tha nhân, đều trở thành bất diệt. Những nghĩa cử yêu thương trở thành bất diệt là bởi vì nó tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa. Người sống cho kẻ khác là người sống cho Chúa. Và ai sống cho Chúa tức là sống mãi trong Tình Yêu.
Chúng ta đang cầu nguyện cho các đẳng linh hồn trong tháng 11 này. Chúng ta cầu nguyện vì chúng ta tin rằng thời gian đã không đưa họ đi vào quên lãng. Trong tình yêu của Chúa mà chúng ta đang san sẻ cho những người xung quanh, những người quá cố cũng sẽ được sống mãi. Còn lời kinh nào hữu hiệu hơn cho những người quá cố cho bằng những nghĩa cử yêu thương của chúng ta...
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét