23/09/2015
Thứ Tư tuần 25 thường
niên
Thánh Piô
Pietrelcina, linh mục. Lễ nhớ
* Thánh nhân sinh tại làng Pi-ết-ren-si-na
gần Bênêventô nước Ý năm 1887. Người vào tu dòng Anh Em Hèn Mọn, ngành
Capútxinô, và sau khi thụ phong linh mục đã tận tình lo việc mục vụ nhất là tại
tu viện ở thị trấn Xan Giovanni Rôtônđô miền Pu-li-a. Trong tinh thần cầu nguyện
và khiêm nhường, người phục vụ dân Chúa qua việc linh hướng, bí tích Hòa Giải
và việc săn sóc giúp đỡ những người ốm đau, nghèo khổ. Người đã được nên đồng hình
đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh và ngày 23 tháng 9 năm 1968, người kết
thúc cuộc hành trình ở thế gian này.
Bài
Ðọc I: (Năm I) Esd 9, 5-9
"Thiên
Chúa không bỏ rơi chúng tôi trong cảnh nô lệ".
Trích
sách Esdra.
Tôi
là Esdra, khi dâng lễ tế ban chiều, tôi vùng dậy khỏi cơn âu sầu, áo trong áo
ngoài đều rách hết, tôi quỳ gối xuống, giơ tay lên Chúa là Thiên Chúa tôi mà
thưa rằng: "Lạy Chúa, con hổ ngươi thẹn thuồng không dám ngước mặt lên
cùng Chúa: vì những sự gian ác của chúng con chồng chất trên đầu chúng con, và
tội lỗi chúng con cao lên tới trời. Kể từ thời cha ông chúng con cho tới ngày
nay, tội lỗi chúng con đã quá nhiều, và vì sự gian ác của chúng con, nên chúng
con, vua chúa, tư tế của chúng con, bị trao vào tay vua các dân ngoại, bị gươm đao,
bị lưu đày, bị cướp bóc và bị thẹn mặt như ngày nay.
"Và
hiện giờ đây, Chúa vừa tạm ban cho chúng con một chút lòng thương xót, là để
cho chúng con sống sót phần nào, và cho chúng con một nơi ẩn náu trong chốn
thánh của Chúa, để soi sáng mắt chúng con, và ban cho chúng con một chút sự sống
trong cảnh nô lệ của chúng con, vì chúng con là nô lệ mà Thiên Chúa không bỏ
rơi chúng con trong cảnh nô lệ, nhưng Chúa đã khiến các vua Ba-tư thương xót
chúng con, mà cho chúng con còn sống để chúng con xây cất nhà Thiên Chúa chúng
con, tu bổ những nơi hoang tàn, và cho chúng con một chỗ ở trong xứ Giuđêa và tại
Gierusalem".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tb 13, 2. 3-4. 6. 7. 8.
Ðáp: Lạy Chúa,
Chúa cao cả muôn đời (c. 1b).
Xướng:
1) Chúa trừng phạt, rồi lại tha thứ. Chúa đẩy xuống âm phủ, rồi lại đem ra; và
không một ai thoát khỏi tay Chúa. - Ðáp.
2)
Bởi vì thế, Chúa đã phân tán các ngươi giữa các dân tộc không nhìn biết Chúa, để
các ngươi tường thuật các việc kỳ diệu của Người, để các ngươi làm cho họ biết
rằng ngoài Người ra, không có Thiên Chúa toàn năng nào khác. - Ðáp.
3)
Hãy ngắm nhìn những việc Chúa làm cho chúng ta, hãy tuyên xưng Người với lòng
cung kính và run sợ, hãy suy tôn vua muôn đời trong những việc làm của các
ngươi. - Ðáp.
4)
Tôi tuyên xưng Người nơi tôi bị lưu đày, vì Người tỏ ra uy quyền trước dân phạm
tội. - Ðáp.
5)
Hỡi tội nhân, hãy sám hối ăn năn, hãy thực hiện sự công chính trước mặt Thiên
Chúa, hãy tin rằng Người tỏ lòng từ bi với các ngươi. - Ðáp.
Alleluia:
1 Ga 2, 5
Alleluia,
alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt
hảo nơi người ấy. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 9, 1-6
"Người
sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng
trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Ðoạn Người sai các ông đi rao
giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: "Khi
đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc
hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những
ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân
lại, để làm chứng tố cáo họ". Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao
giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Huấn
Lệnh Truyền Giáo
Ðược
Chúa Giêsu tuyển chọn và sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy
và chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca
thuật lại biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở
các ông phải sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng.
So
với lần Chúa sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai
đi từng hai người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh
và quyền năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ
được sai đi trước để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông đồ trước khi
lên đường có thể gồm 3 phần: Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang
theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ
có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và
chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì,
không được lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin
vào sự quan phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa. Thứ ba: các ông phải có can đảm
trước sự cứng đầu của những kẻ chống đối các ông.
Mỗi
thời đại có những cám dỗ riêng. Ma quỉ đã cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ sứ mệnh cứu
thế, cũng như cám dỗ Ngài làm những việc lạ lùng, như hóa đá thành bánh, gieo
mình xuống từ nóc Ðền thờ để mọi người thấy và tin. Ngày nay, không thiếu những
người chỉ muốn dùng tiền bạc để giảng dạy hoặc dùng quyền bính để làm cho người
khác kinh sợ. Một cám dỗ khác mà người Tông đồ thời nay thường mắc phải, đó là
sự thiếu kiên nhẫn, chờ đợi thời giờ của Chúa. Họ dễ thoái lui rời bỏ nhiệm sở,
thay đổi công việc. Cũng có những người Tông đồ không dám nói rõ những sai lầm
của người khác cũng như những gì trái ngược với giá trị Tin Mừng. Thái độ chung
của con người thời nay là ích kỷ và hưởng thụ, số người sẵn sàng để Chúa sai đi
thật hiếm hoi, số các tệ nạn do sự sai lầm thiêng liêng ngày càng gia tăng,
trong khi đó cái tôi tự do được thổi phồng.
Có
lần nhà hiền triết Diogène đứng ở một góc đường và cười rã rượi như người điên
loạn. Một khách bộ hành hỏi ông: "Có gì mà ông cười ngặt nghẽo như thế?"
Ông đáp: "Anh có thấy tảng đá to ở giữa đường kia không? Từ khi tôi tới
đây, đã có mười người vấp ngã vì nó và nguyền rủa nó, nhưng không ai quan tâm lấy
nó đi để tránh cho người khác khỏi vấp ngã".
Có
nhiều cách làm việc Tông đồ, nhưng hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống tốt
lành của mình. Xin Chúa giúp chúng ta đáp lại lời mời của Chúa và hăng say dấn
thân phục vụ những người xung quanh vì Chúa.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 25 TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: Ezr 9:5-9; Lk 9:1-6.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải nhận ra tình
thương Thiên Chúa và tội lỗi của mình.
Có
những người ngông cuồng, chẳng chịu vâng lời những gì Thiên Chúa dạy bảo, nhưng
khi phải chịu hậu quả, thì lại đổ lỗi cho Thiên Chúa không thương xót và trách
mắng Ngài đủ điều. Làm như thế, chẳng những họ vẫn phải mang hậu quả, mà còn
càng ngày càng lấn sâu trong tội lỗi. Nhưng nếu họ biết kiểm điểm quá khứ, họ sẽ
nhận ra tội lỗi của họ và tình thương Thiên Chúa. Ngài luôn cho họ cơ hội trở về
để làm lại cuộc đời.
Các
Bài Đọc hôm nay có mục đích giúp con người nhận ra tội lỗi mình và tình thương
Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tư tế Ezra nhận ra tội lỗi của mình, của cha ông,
và của mọi con cái Israel thời đại ông, là nguyên do của việc lưu đày. Ông cũng
nhận ra uy quyền và tình thương Thiên Chúa dành cho ông và con cái Israel, qua
việc thay đổi lòng dạ của các vua Ba-tư để họ phóng thích dân Do-thái, cho hồi
hương để tái thiết đất nước, và xây dựng lại Đền Thờ ở Jerusalem. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu huấn luyện các tông-đồ, ban mọi quyền hành cho các ông, và sai
các ông ra đi để chữa lành và loan truyền Tin Mừng. Ai tin và đón nhận, sẽ nhận
được ơn cứu độ và chữa lành; ai không tin, sẽ không được lãnh nhận những điều
đó. Các tông-đồ sẽ phủi bụi ở chân lại để làm cớ tố cáo sự cứng lòng của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thiên Chúa đã không bỏ rơi dân Ngài trong cảnh nô lệ.
1.1/
Hình phạt phải chịu xứng đáng với tội lỗi của Israel: Lịch sử của sách
Erza là Thời Lưu Đày của dân tộc Do-thái bên Assyria và Babylon. Trước Thời Lưu
Đày, Thiên Chúa đã không ngừng gởi các ngôn sứ của Ngài đến sửa dạy và đe dọa
lưu đày sẽ xảy ra, nếu họ cứng lòng không chịu ăn năn, hối cải. Hai tội mà các
ngôn sứ không ngừng tố cáo là: (1) tội quay lưng lại với Thiên Chúa và chạy
theo thờ lạy các thần ngoại bang; (2) tội lỗi đức công bằng, tước đoạt tài sản
và đối xử bất công với những người cô thân, cô thế. Họ chẳng những đã không chịu
nghe, mà còn bắt giam các ngôn sứ, đánh đập, và giết đi. Hậu quả là Thiên Chúa
để cho quân thù phá tan hoang đất nước, cả miền Bắc (721 BC) và miền Nam (587
BC), đem tất cả đi lưu đày, và san phẳng Đền Thờ.
Sống
cực khổ trong Thời Lưu Đày, nhiều người vẫn chưa nhận ra tội lỗi của mình và
trách Thiên Chúa đã để cho quân thù dày xéo dân tộc Thiên Chúa đã lựa chọn; nhất
là quân thù cũng tội lỗi như họ hay còn hơn nữa! Nhưng tư tế Ezra đã không giống
như những người này, ông nhận ra lý do tại sao Thiên Chúa để mặc cho quân thù
dày xéo Israel. Trình thuật kể tâm trạng của ông: "Vào giờ đó, tôi mới ra
khỏi cơn sầu khổ, trỗi dậy; áo dài trong, áo choàng ngoài xé rách, tôi quỳ gối,
giơ tay lên Đức Chúa, Thiên Chúa của tôi và thưa: "Lạy Thiên Chúa của con,
con thật xấu hổ và nhục nhã khi ngẩng mặt nhìn Ngài, lạy Thiên Chúa của con, vì
tội chúng con quá nhiều đến nỗi dâng ngập đầu, lỗi chúng con cứ chồng chất lên
mãi tới trời."
Không
chỉ nhận ra tội lỗi của mình, của tổ tiên, và của tất cả mọi con cái Israel.
Ông nhận thấy hình phạt mà dân tộc phải chịu là xứng đáng: "Từ thời tổ
tiên chúng con cho đến ngày nay, vì chúng con đã mắc lỗi nặng và phạm tội, nên
các vua và các tư tế của chúng con đã bị nộp vào tay vua chúa các nước ngoại
bang; chúng con đã bị nộp cho gươm giáo, phải đi đày, bị cướp bóc và bẽ mặt hổ
ngươi như ngày hôm nay."
1.2/
Ân huệ được nhận lãnh hoàn toàn do tình hương của Thiên Chúa.
(1)
Thiên Chúa bày tỏ tình thương khi con người còn là tội nhân: Vua Ba-tư ký chiếu
chỉ phóng thích cho dân Do-thái hồi hương để kiến thiết xứ sở và xây dựng lại Đền
Thờ. Các Vua Ba-tư còn giúp đỡ vật chất để họ có thể xây dựng Đền Thờ cách
nhanh chóng. Ezra nhận ra bàn tay Thiên Chúa trong sự quan phòng kỳ diệu này:
"Và bây giờ, chỉ mới đây thôi, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng con, ban cho
chúng con ân huệ này là để lại cho chúng con một số người sống sót, và cho
chúng con được một chỗ ở vững chắc trong nơi thánh của Ngài; như thế, Thiên
Chúa chúng con đã toả ánh sáng làm cho đôi mắt chúng con được rạng ngời, và làm
cho chúng con được hồi sinh đôi chút trong cảnh nô lệ."
(2)
Tình thương Thiên Chúa được bày tỏ qua các vua Dân Ngoại: Từ xưa tới nay, chẳng
có vua Dân Ngoại nào đối xử tử tế với kẻ thù của mình; thế mà các vua Ba-tư đã
phóng thích dân Do-thái, cho về hồi hương, và giúp vật chất để họ xây dựng lại
Đền Thờ. Điều này chứng tỏ tình thương và uy quyền của Thiên Chúa đã dành cho
con cái Israel. Họ phải xấu hổ vì một người Dân Ngoại đã tuyệt đối vâng lời làm
theo những gì Thiên Chúa truyền; còn họ, dân riêng của Ngài, lại chạy theo các
thần ngoại và luôn bất tuân lệnh Ngài: "Tuy chúng con là những kẻ nô lệ,
Thiên Chúa chúng con đã không bỏ rơi chúng con trong cảnh nô lệ đó. Ngài đã làm
cho các vua Ba-tư tỏ lòng yêu thương chúng con, khiến chúng con được hồi sinh
mà dựng lại Nhà Thiên Chúa chúng con, tái thiết ngôi Nhà đã hoang tàn, và xây lại
tường thành tại Jerusalem ở Judah."
2/
Phúc Âm:
Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.
2.1/
Ân sủng được Đức Kitô trao cho các môn đệ để ban phát cho mọi người: Trong khi còn ở thế
gian, Chúa Giêsu không những vất vả ngược xuôi để rao giảng Tin Mừng và chữa
lành mọi vết thương hồn xác, Ngài còn chọn lựa các môn-đệ, huấn luyện để các
ông tiếp tục sứ vụ của Ngài. Điều này chứng tỏ tình yêu của Chúa Giêsu dành cho
các thế hệ tương lai.
(1)
Chữa lành mọi bệnh tật hồn xác: Trước khi sai các ông đi rao giảng cho dân
chúng, Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền
phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.
(2)
Rao giảng Tin Mừng: Rồi Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa
lành bệnh nhân. Chúa Giêsu dạy các môn đệ một điều hết sức quan trọng:
"Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc,
cũng đừng có hai áo." Tại sao Chúa Giêsu truyền điều này? Trước tiên, người
lữ hành dễ dàng ra đi mọi nơi là người có ít hành trang nhất. Thời Chúa Giêsu
và các thế kỷ đầu, con người chưa có phương tiện di chuyển như bây giờ, cách phổ
thông nhất là đi bộ; con người cũng chưa có những phương tiện truyền thông như
bây giờ, cách thức duy nhất là trực tiếp đến và nói với khán giả. Hơn nữa, nếu
những nhà rao giảng quá chú trọng đến vật chất, họ sẽ có rất ít thời gian và
lòng nhiệt thành cho việc rao giảng Tin Mừng.
2.2/
Phản ứng của con người: Chúa
Giêsu biết trước phản ứng của con người dành cho các môn đệ, như họ đã từng
dành cho Ngài. Vì thế, Ngài căn dặn các ông:
(1)
Những người tiếp nhận các môn đệ: "Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại
đó và cũng từ đó mà ra đi." Nếu khán giả nhận ra các ông là những sứ giả của
Ngài, họ sẽ đón tiếp các ông vào nhà và đối xử tử tế với các ông. Phần thưởng
cho những người này là họ sẽ có dịp nghe Tin Mừng, được chữa lành các vết
thương hồn xác, và có sự bình an.
(2)
Những người từ chối các môn đệ: Con người có tự do để tiếp nhận hay từ chối.
Nếu họ chọn không đón nhận các môn đệ, họ sẽ phải lãnh mọi hậu quả của việc từ
chối: họ đã bỏ lỡ cơ hội được lắng nghe Tin Mừng, được chữa lành, và không nhận
được lời chúc bình an của các môn đệ. Đối với những người cứng lòng này, Chúa
Giêsu căn dặn: "Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành,
anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thiên Chúa luôn yêu thương và cho chúng ta nhiều cơ hội để lắng nghe và học hỏi
Tin Mừng. Chúng ta hãy biết thành tâm đón nhận và tận dụng khi cơ hội tới.
-
Nếu chúng ta khinh thường và bỏ lỡ cơ hội, chúng ta phải lãnh nhận mọi hậu quả
do việc hững hờ gây ra. Lúc đó, chúng ta đừng trách Thiên Chúa đã gây ra đau khổ
cho chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
23/09/15 THỨ TƯ TUẦN 25 TN
Th. Pi-ô Pi-et-ren-xi-na, linh mục Lc 9,1-6
THANH THOÁT VÌ SỨ MẠNG
“Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao
bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.” ( Lc 9,3)
Suy niệm: Nhóm Mười
Hai được Đức Giê-su sai đi trong một sứ vụ ngắn ngày cũng giống như chiến dịch
Mùa Hè Xanh của các sinh viên tình nguyện. Song có một điều rất khác, đó là
nhóm của Đức Giê-su ngày ấy không được phép trang bị gì cả. Thật ra, hành trang
của các vị không phải là số không! Mà là “năng lực và quyền phép để trừ mọi
thứ quỷ và chữa các bệnh tật”, và qua đó các ngài “rao giảng Nước Thiên
Chúa”. Phải chăng khi ban hành mệnh lệnh
‘siêu-thoát-đối-với-những-bảo-đảm-vật-chất’ này cho các môn đệ, Đức Giê-su đã
nhìn xuyên qua các thế kỷ và đã thấy sự ‘cồng kềnh’ nơi nhiều môn đệ Người hôm
nay? Phải chăng Đức Giê-su thấy rõ rằng quá chú trọng đến những phương tiện vật
chất dễ làm cho người môn đệ trở thành nô lệ cho chúng, và dễ đánh mất những gì
là cốt yếu nhất của sứ điệp Nước Trời?
Mời
Bạn: Các giám mục Việt Nam xác tín rằng Giáo Hội tại
đây phải là “một Giáo Hội nghèo, khiêm nhường và nhỏ bé để dễ chan hòa trong
những đám đông nghèo” (Trả lời cho Lineamenta, Synod 1998). Chúa
Giê-su muốn các môn đệ Người phải có một tâm hồn thanh thoát trên đường sứ
mạng.
Chia
sẻ: Làm sao để sống tinh thần siêu thoát của Tin Mừng
trong thế giới hưởng thụ và thực dụng hôm nay?
Sống
Lời Chúa: Bình tâm suy xét khi sử dụng các phương tiện vật chất
và vui vẻ từ bỏ chúng vì lợi ích của Nước Trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, giàu sang, tiện nghi, lạc thú luôn là mãnh lực lôi kéo chúng con. Xin
cho chúng con biết sống thanh thoát để nêu chứng tá về lòng tin tưởng vào Chúa.
Đừng mang gì
Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ bảo
ta đừng đem gì? Đâu là những nét đặc trưng của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ
21?
Suy niệm:
Sau một thời gian sống bên
Thầy Giêsu,
thấy việc Thầy làm và nghe
lời Thầy giảng,
giờ đây nhóm Mười Hai đã
tương đối cứng cáp
để được chia sẻ chính công
việc Thầy đã làm.
Đó là rao giảng Nước Thiên
Chúa và chữa lành bệnh nhân (c. 2).
Nhưng trước khi được chia sẻ
công việc,
họ được chia sẻ quyền trừ
quỷ và chữa bệnh của Thầy (c. 1).
Sứ vụ họ sắp làm là một thực
tập cho sứ vụ lớn sau này (Lc 24, 46-47).
Thầy Giêsu sai nhóm Mười Hai
lên đường với những chỉ thị rõ rệt.
Không thấy Thầy bảo phải
chuẩn bị hành trang.
Ngược lại, Thầy cấm không được
mang theo gì cả.
“Đừng mang gậy, bao bị,
lương thực, tiền bạc, hai áo” (c. 3).
Ngay cả những người giảng
rong theo phái Khắc Kỷ,
tuy rất khắc khổ, nhưng cũng
được mang theo gậy và bị để ăn xin.
Thầy Giêsu muốn môn đệ của
mình hoàn toàn cậy trông vào Thiên Chúa,
và hoàn toàn cậy trông vào
lòng tốt của con người.
Họ phải tập chấp nhận sống
bấp bênh và thiếu thốn trong bình an.
Không mang đồ dự trữ, không
gậy để bảo vệ khi đi đường,
các môn đệ buộc phải mang
theo lòng tín thác vô bờ nơi Thiên Chúa.
Thầy còn chỉ thị cho cả nhóm
biết về chuyện ăn ở của họ.
Họ sẽ đến ở chung nhà với
dân chúng, ăn uống những gì họ cho.
“Khi anh em vào bất cứ nhà
nào, thì ở lại đó…” (c. 4).
Đừng đi từ nhà nọ sang nhà
kia để tìm chỗ tiện nghi hơn.
Khi ăn ở nơi nhà dân, người
tông đồ có cơ hội gần gũi với họ,
và chia sẻ cuộc sống thật
của họ, để dễ loan báo Tin Mừng hơn.
Nhưng cũng phải bình an chấp
nhận những từ khước (c. 5).
Có khi trong cả một thành,
không tìm được một gia đình để trú chân.
Thái độ phủi bụi chân lại
cho thấy một sự dứt khoát đoạn tuyệt,
không muốn dính dáng gì với
những người ở đó nữa (x. Cv 13, 50).
Khuôn mặt của người được sai
cách đây hai ngàn năm thật là đẹp.
Vừa quyền năng để trừ mọi
thứ quỷ và bệnh tật,
vừa khiêm tốn cậy dựa vào
lòng quảng đại của người khác.
Vừa có gì để cho, vừa có gì
để nhận:
cho Tin Mừng cứu độ và sự
chữa lành, nhận sự giúp đỡ vật chất.
Vừa gần gũi thân thiết với
nỗi đau thân xác của con người,
với những lo âu rất đời
thường trong một gia đình,
vừa thanh thoát với tiền
bạc, không bị chi phối bởi nhu cầu vật chất.
Nhóm Mười Hai sẽ phải đối
diện với sức mạnh của ác thần
đang tác oai tác quái trong
đời nhiều người.
Họ sẽ phải dùng quyền Thầy
trao để giải phóng con người khỏi nô lệ.
Nếu hôm nay Đức Giêsu sai
chúng ta đi, Ngài sẽ bảo ta đừng đem gì?
Đâu là những nét đặc trưng
của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ 21?
Đâu là những bệnh tật và nô
lệ của con người hôm nay?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm :
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia
sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm
được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một
người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả
năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ,
bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô
những giọt lệ
của bao người đau khổ thể
xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá
nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm
lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23
THÁNG CHÍN
Các
Bạn Là Con Cái Của Thiên Chúa Các bạn là ai?
Các
bạn là thế hệ môn đệ mới của Đức Kitô, những người đã lãnh nhận Phép Rửa. Qua
bí tích đầu tiên đó các bạn được đón nhận vào cộng đoàn Giáo Hội. Đối với hầu hết
chúng ta, bí tích khai tâm này được lãnh nhận trong những tuần lễ đầu đời của
mình. Cha mẹ ruột và cha mẹ đỡ đầu đưa chúng ta đến lãnh nhận Phép Rửa. Từ đó,
chúng ta sống trong ơn thánh hóa. Thiên Chúa đã đặt ấn tín vô hình và vĩnh viễn
trên chúng ta. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, linh hồn chúng ta được khắc
ghi ân sủng.
Ân
sủng này và ấn tín thiêng liêng này của Phép Rửa, chúng ta có được là nhờ Đức
Kitô – nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Thực vậy, qua Phép Rửa chúng ta
được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô, và như vậy chúng ta có thể sống lại với
Người trong sự sống mới. Tông đồ Phaolô dạy chúng ta trong thư gởi giáo đoàn
Rôma: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng
với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng
vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”(Rm 6,4).
Kể
từ giây phút được lãnh Phép Rửa, chúng ta trở thành người thông phần vào sự sống
mới trong Đức Kitô – sự sống của Con Thiên Chúa. Và chúng ta trở thành những dưỡng
tử của Thiên Chúa. Chúng ta được nâng lên phẩm giá làm con trong Đức Kitô, người
Con Duy Nhất của Chúa Cha. Vì Chúa Con chia sẻ trọn vẹn sự sống trong mối hiệp
nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nên chúng ta cũng lãnh nhận sự sống mới
trong Phép Rửa. Chúng ta đã được thanh tẩy nhân danh Ba Ngôi Chí Thánh: Nhân
danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Phép
Rửa là sự tái sinh con người nhờ nước và Thánh Thần (Ga 3,5). Vì vậy chúng ta
trở nên thông phần vào sự sống mới trong Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa. Chúng ta
đang mang trong mình chúng ta mối đảm bảo sự sống đời đời.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
23-9
Thánh
Piô Pietrelcina, linh mục
Er
0, 5-9; Lc 9, 1-6.
LỜI
SUY NIỆM: “Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng
lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa lành các bệnh tật.”
Nhóm
Mười Hai, đây là nhóm được Chúa Giêsu tuyển chọn giữa đám đông môn đệ của Người,
sau khi Người cầu nguyện cùng Chúa Cha. Hôm nay là thời điểm thích hợp, Người
sai các ông ra đi, để rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người
sai các ông ra đi với những chỉ dẫn cần thiết của người Tông Đồ cần phải có; cọng
thêm năng lực và quyền phép của Người ban cho, để trừ quỷ và chữa lành mọi bệnh
tật. Các ông đã hăng hái ra đi và thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Lạy
Chúa Giêsu. Mỗi người Chúa đã tuyển chọn, thì Chúa sẽ sai đi, khi được Chúa sai
đi, thì Chúa luôn ban những ơn cần thiết, để sứ vụ được chu toàn và đem lại kết
quả tốt đẹp. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con không ngại
ngùng khi được đảm nhận một chức vụ, một công tác giữa cộng đoàn giáo xứ. Bởi
khi chúng con đảm nhận, sẽ được ơn ban của Chúa kèm theo để đem lại kết quả tốt
đẹp.
Mạnh
Phương
23
Tháng Chín
Cậu Bé Ðau Liệt
Trong Bức Tranh
Một
trong những bức tranh bất hủ của danh họa Rafaello, người Italia, hiện đang được
cất giữ trong bảo tàng viện Vatican: đó là bức họa Chúa Giêsu biến hình trên
núi Tabôrê.
Trong
bức tranh, người ta thấy có ba tầng. Ở tầng cao nhất của bức tranh là khuôn mặt
và toàn thân Chúa Giêsu trong cảnh chiếu sáng rực rỡ giữa các tầng mây. Ở tầng
dưới của bức tranh và kề sát với Chúa Giêsu là ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và
Gioan trong tình trạng ngây ngất trước sự biến dạng rực rỡ của Chúa Giêsu. Và ở
tầng thấp nhất của bức tranh, người ta thấy một nhóm môn đệ và một gia đình
đang quây quanh một em bé đang đau liệt: tất cả đều chìm ngập trong một khung cảnh
ảm đạm, mờ ảo.
Có
lẽ danh họa Rafaello đã cố gắng giải thích cho chúng ta về sứ điệp của bài Tin
Mừng tường thuật cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng
và là Ðấng cứu chữa con người. Ðứa bé đau liệt trong bức tranh là chính mỗi người
trong chúng ta, là toàn thể nhân loại đang chịu đựng vì không biết bao nhiêu bệnh
tật trong thân xác lẫn tâm hồn. Trong đám môn đệ đang quây quanh cậu bé đau liệt,
Rafaello đã làm nổi bật hai cử chỉ: cử chỉ của một người môn đệ đang trỏ tay chỉ
về cậu bé và cử chỉ của một người môn đệ khác đang chỉ tay về Chúa Giêsu...
Phải
chăng Rafaello đã không muốn đánh thức ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan
đang say sưa chiêm ngưỡng Thánh nhan rực rỡ của Chúa Giêsu mà quên đi cảnh nhân
loại đang quằn quại trong đau thương khốn khổ?
Trong
đời sống đạo, chúng ta dễ rơi vào hai thái cực: hoặc chỉ chăm chú cầu nguyện mà
không đếm xỉa gì đến lòng bác ái đối với tha nhân, hoặc ngược lại, xem hành động
bác ái là một lời cầu nguyện mà không màng đến đời sống nội tâm.
Nơi
Chúa Giêsu, cầu nguyện đưa đến hoạt động và hoạt động dẫn đến cầu nguyện. Mỗi một
gặp gỡ của Ngài với tha nhân cũng là một lời cầu nguyện và mỗi một lời cầu nguyện
của Ngài cũng ôm trọn lấy tất cả những ai mà Ngài đã hoặc sẽ gặp gỡ.
Chúng
ta hãy chiêm ngắm mẫu gương của Chúa Giêsu... Cả cuộc đời của chúng ta phải là
một lời nguyện dâng lên Thiên Chúa, chứ không chỉ có những lời kinh mà chúng ta
đọc ngoài môi mép.
Người
ta không lên xe để ở mãi trên đó... Một môn sinh không đến thụ giáo để ở mãi
bên cạnh thầy mình... Cũng thế, chúng ta không leo lên núi cao để ở lại mãi
trên đó. Sau cơn ngây ngất của ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi
Tacôbê, Chúa Giêsu đã kêu gọi các ngài hãy trở lại với thực tế: đó là thực tế của
những cuộc gặp gỡ, đương đầu và cuối cùng là cái chết.
Từ đỉnh cao của sự cầu nguyện, từ bốn bức tường của nhà thờ, từ cung thánh của những giây phút ngất ngây trong sự kết hiệp, chúng ta hãy quay lại với cuộc sống, nơi đó có những nghĩa vụ để thi hành, nơi đó có những con người để gặp gỡ và yêu thương.
Từ đỉnh cao của sự cầu nguyện, từ bốn bức tường của nhà thờ, từ cung thánh của những giây phút ngất ngây trong sự kết hiệp, chúng ta hãy quay lại với cuộc sống, nơi đó có những nghĩa vụ để thi hành, nơi đó có những con người để gặp gỡ và yêu thương.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét