Bài giảng soạn sẵn của Đức Phanxicô tại Buổi Kinh Chiều với các linh mục,
tu sĩ và chủng sinh tại Havana
Chúng
ta tụ họp nhau trong Nhà Thờ Chính Tòa đầy lịch sử của Havana này để dùng các Thánh Vịnh ngợi ca lòng tín trung của Thiên Chúa đối với Dân của Người, trong tâm tình tạ ơn sự hiện diện và lòng thương xót
hải hà của Người. Một lòng tín trung và thương xót không những được tưởng nhớ bởi toà nhà này mà còn bởi ký ức sống động của một số người cao niên trong chúng
ta, những người nhờ kinh nghiệm mà biết được rằng “lòng thương xót
của Người kéo dài mãi mãi và
lòng tín trung của Người xuyên suốt mọi thời đại”. Vì thế, anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng
nhau dâng lời cảm tạ.
Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ vì sự hiện diện của Thần Khí trong các đặc sủng phong phú và đa dạng của mọi nhà truyền giáo từng đặt chân tới lãnh thổ này và trở thành người Cuba giữa người Cuba, một dấu chỉ cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa là vĩnh cửu.
Tin Mừng trình bầy Chúa Giêsu trong đối thoại với Cha của Người. Nó đem ta vào tâm điểm của tình thân mật đầy cầu nguyện giữa Chúa Cha và Chúa Con. Vì giờ của Người đã tới gần, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ của Người, cho những ai đang ở với Người và cho những ai sắp sửa tới nữa (xem Ga 17:20). Ta nên nhớ rằng, trong giây phút chủ yếu này, Chúa Giêsu đã biến đời sống của các môn đệ Người, đời sống ta, thành một phần trong lời cầu nguyện của Người. Người xin Cha Người giữ họ hợp nhất và hân hoan. Chúa Giêsu biết rất rõ tâm hồn các môn đệ của Người, và Người biết rất rõ tâm hồn ta. Và do đó, Người xin Chúa Cha cứu họ khỏi tinh thần cô lập, tinh thần chỉ biết đi tìm trú ẩn nơi các chắc chắn riêng của họ và nơi các vùng an toàn riêng của họ, tinh thần dửng dưng đối với người khác và tinh thần chia rẽ “phe nhóm” chỉ làm méo mó gương mặt đa dạng một cách phong phú của Giáo Hội. Đó là những tình huống sẽ dẫn tới một thứ cô lập và chán nản, một nỗi buồn dần dần sẽ tạo ra oán giận, ta thán miên man, buồn chán; đó “không phải là ý Thiên Chúa dành cho ta, cũng không phải là sống trong Thần Khí” (Niềm Vui Tin Mừng, số 2), mà Người đã mời gọi họ, mà Người đã mời gọi ta. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu cầu xin để nỗi buồn này và sự cô lập này không trổi vượt trong tâm hồn ta. Ta muốn làm cùng một việc, ta muốn tham dự vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, vào lời của Người, để ta có thể cùng nhau thưa rằng “Lạy Cha, xin giữ họ trong danh Cha… để họ nên một như chúng ta là một” (Ga 17:11), “để niềm vui các con nên trọn” (Ga 15:11).
Chúa Giêsu cầu nguyện và Người mời gọi ta cầu nguyện, vì Người biết rằng một số điều chỉ có thể được tiếp nhận như hồng phúc; một số điều chỉ có thể được cảm nghiệm như hồng phúc. Hợp nhất là một ơn phúc chỉ có thể ban cho ta bởi Chúa Thánh Thần; ta phải cầu xin cho được ơn phúc này và phải làm hết sức để được hồng phúc này biến cải.
Hợp nhất thường bị lẫn lộn với độc dạng; với các hành động, tâm tư và lời nói y hệt như nhau. Đó không phải là hợp nhất, mà là làm y theo. Nó giết chết sự sống của Thần Khí; nó giết chết các đặc sủng mà Thiên Chúa ban cho để gây ích cho dân Người. Hợp nhất bị đe dọa bất cứ khi nào ta cố biến người khác thành hình ảnh và họa ảnh của chính ta. Hợp nhất là một hồng phúc, không phải một điều để áp đặt bằng sức mạnh hay bằng sắc lệnh. Tôi vui mừng được thấy anh chị em ở đây, những người nam nữ thuộc nhiều thế hệ, nhiều hậu cảnh và trải nghiệm khác nhau, tất cả hợp nhất nhờ lời cầu nguyện chung của ta. Ta hãy cầu xin Thiên Chúa gia tăng ước nguyện của ta được gần gũi nhau. Được trở thành người lân cận, luôn có đó cho nhau, với tất cả các dị biệt, các ý thích và cách nhìn sự vật của ta. Được ăn nói thẳng thắn, bất chấp các bất đồng và tranh cãi, và không nói sau lưng nhau. Ước mong ta trở thành các mục tử gần gũi dân ta, cởi mở đối với các vấn nạn và các vấn đề của họ. Các tranh chấp và bất đồng trong Giáo Hội là điều nên chờ đợi và, tôi dám nói, còn cần thiết nữa. Chúng là một dấu chỉ cho thấy Giáo Hội đang sống động và Thần Khí vẫn còn đang hành động, còn đang dậy men Giáo Hội. Khốn thay cho những cộng đồng nào không có chữ “có” và chữ “không”! Họ như những cặp vợ chồng hết còn tranh luận, vì đã mất hết hứng thú, mất hết yêu thương.
Chúa cũng cầu nguyện để ta tràn đầy “niềm vui trọn vẹn” của Người (xem Ga 17:13). Niềm vui của các Kitô hữu, và đặc biệt của các người tận hiến nam nữ, là dấu chỉ hết sức rõ ràng sự hiện diện của Chúa Kitô trong đời họ. Khi ta thấy những gương mặt buồn bã, thì điều này cảnh báo rằng một điều gì đó đang không ổn. Quả có ý nghĩa, khi đây chính là lời cầu xin mà Chúa Giêsu dã dâng lên Chúa Cha ngay trước khi Người tới Vườn Diệtsimani để làm mới lại tiếng “xin vâng” của Người. Tôi biết chắc: tất cả các anh chị em đều từng phải chịu nhiều hy sinh và đối với một số anh chị em, trong nhiều thập niên qua, những sự hy sinh này đã được chứng tỏ là khó khăn. Chúa Giêsu cầu nguyện, vào chính giờ phút hy sinh của Người, để ta đừng bao giờ đánh mất niềm vui vì biết rằng Người đã chiến thắng thế gian. Sự chắc chắn này gợi hứng cho ta, hết sáng này tới sáng nọ, để ta đổi mới đức tin ta. “Với tình âu yếm không bao giờ làm ta thất vọng, nhưng luôn có khả năng phục hồi niềm vui của ta”, nhờ lời cầu nguyện của Người, và trước mặt dân của ta, Chúa Kitô “làm ta có thể ngẩng đầu lên và bắt đầu như mới” (Niềm Vui Tin Mừng, số 3).
Chứng tá tỏa sáng niềm vui này mọi lúc và ở khắp mọi nơi là điều quan trọng xiết bao, có giá trị xiết bao đối với đời sống người dân Cuba, bất chấp các mệt mỏi, các lo âu của ta và ngay cả các thất vọng, thứ cám dỗ nguy hiểm vốn gậm nhấm chính linh hồn ta!
Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu cầu nguyện để tất cả chúng ta nên một, và để niềm vui của Người ngụ cư trong ta. Ước mong ta cũng làm như thế, khi ta hợp nhất với nhau trong lời cầu nguyện.
9/21/2015(vietcatholic)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét