Trang

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

01-04-2016 : THỨ SÁU - TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

01/04/2016
Thứ sáu tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH


Bài Ðọc I: Cv 4, 1-12
"Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, đang lúc Phêrô và Gioan giảng cho dân chúng (sau khi chữa lành người què), thì các tư tế, vị lãnh binh cai đền thờ và các người thuộc nhóm Sađốc áp tới, bực tức vì các ngài giảng dạy dân chúng và công bố việc Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại. Họ ra tay bắt các ngài và đem tống giam vào ngục cho đến hôm sau, vì lúc đó đã chiều tối rồi. Nhưng trong số những kẻ nghe giảng, có nhiều người tin, và nguyên số đàn ông cũng đã tới năm ngàn người. Ðến hôm sau, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ ở Giêrusalem, có cả Anna thượng tế, Caipha, Gioan, Alexanđê, và tất cả những người thuộc dòng tư tế, nhóm họp. Họ cho điệu hai ngài ra giữa mà chất vấn rằng: "Các ông lấy quyền hành và danh nghĩa nào mà làm điều đó?"
Lúc bấy giờ Phêrô được đầy Thánh Thần đã nói: "Thưa chư vị thủ lãnh toàn dân và kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị tất cả, và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ Danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng tôi, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính Người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để nhờ vào Danh đó mà chúng ta được cứu độ".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2 và 4. 22-24. 25-27a
Ðáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường (c. 22).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". - Ðáp.
2) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Ðáp.
3) Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến; từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi. - Ðáp.

Alleluia: Tv 117, 24
Alleluia, alleluia! - Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 21, 1-14
"Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Ðiđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách.
Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: "Ông là ai?" Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chúa Hiện Ra Trên Biển Hồ Tibêria
Một người da đỏ rời bỏ nơi cư trú ở thôn quê để về thành phố thăm lại người bạn da trắng. Anh nhìn thấy cuộc sống náo nhiệt và xô bồ của thành phố đã tạo cho anh không ít ngạc nhiên và thích thú. Lúc hai người đang dạo chơi trên đường phố, thình lình người da đỏ chợt dừng lại và đập nhẹ vào vai người bạn da trắng và nói nhỏ: "Chúng ta hãy dừng lại tí chút, anh có nghe thấy gì không?" Người da trắng quay lại và mỉm cười nói với bạn: "Tiếng máy nổ, tiếng còi, tiếng gầm của xe buýt, tiếng bước của người qua lại. Còn anh, anh nghe thấy gì?" "Tôi nghe thấy tiếng kêu của một chú dế mèn gần đâu đây đang gáy". Anh bạn da trắng đứng lại, lắng tai và chăm chú nghe kỹ hơn, nhưng rồi lắc đầu đáp: "Tôi nghĩ là anh đang đùa, làm gì mà có dế mèn ở đây. Mà dù cho có đi nữa thì làm sao anh có thể nghe được tiếng nó gáy giữa muôn vàn náo động của thành phố sầm uất nhộn nhịp này". Người da đỏ nghiêm trang trả lời: "Có mà. Tôi nghe tiếng nó gáy chỉ đâu đây thôi". Nói rồi anh bước lại gần bức tường cách đó vài thước, một dây nho dại đang bò trên vách tường, dưới gốc nho là một bụi cỏ và vài chiếc lá khô đủ để cho một chú dế ẩn nấp và đang cất tiếng gáy.
Cuối cùng anh bạn da trắng cũng thấy được con dế. Bấy giờ anh gật đầu thán phục: "Lỗ tai của người da đỏ các anh quả thật là thính hơn bọn da trắng chúng tôi nhiều". Thế nhưng, người da đỏ lắc đầu đáp lại: "Chẳng phải vậy đâu. Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy". Ðoạn anh ấy rút trong túi ra một đồng tiền và cho lăn nhẹ trên vệ đường, tiếng va chạm leng keng của đồng tiền cũng thật nhỏ, tưởng chừng như mất hút giữa những tiếng động ồn ào của thành phố. Vậy mà như có một hiệu lệnh, đồng tiền lăn trên đây thì mọi chiếc đầu, mọi cặp mắt đều quay về đó. Lượm đồng tiền lên và cho vào túi, người da đỏ mỉm cười với bạn mình. Vì thế, lỗ tai của người nào cũng nghe rõ như nhau, nhưng có khác chăng là nó chỉ nghe quen với âm thanh và những điều người ta lưu tâm đến.
Anh chị em thân mến!
Thông thường thì khả năng nghe biết của mọi người như nhau và có những giọng nói thật giống nhau. Tuy nhiên, giữa những giọng nói giống nhau đó, có giọng được cất lên, có giọng lại như chìm vào trong thầm lặng.
Thật vậy, trong ba năm theo Thầy trên đường rao giảng Tin Mừng, chắc hẳn các môn đệ đã quá quen thuộc với giọng nói của Thầy mình. Thế mà vì những nhọc nhằn suốt đêm chẳng bắt được một con cá nào, các ông đã không nhận ra Ngài, chỉ có lòng mến sắt son mới cho phép thánh Phêrô nhận ra Thầy mình, và ông đã thốt lên bằng một câu nói thật vắn gọn: "Thầy đó".
Trước đây, chỉ vì lòng mến đã thôi thúc Gioan chạy đến mồ trước, nhưng ông lại đợi Phêrô để cả hai cùng vào để xác nhận việc Thầy mình đã sống lại. Cũng chính do lòng mến mộ mà các ông đã giới thiệu cho các bạn hữu biết việc Chúa Kitô Phục Sinh.
Ðây là điều mà Kitô hữu ở mọi thời đại đều phải bắt chước gương của các tông đồ. Vì đến với Chúa là một điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu có nhiều người khác nữa cùng đến với Ngài.
Lạy Chúa, trong cuộc sống con không dám xin Chúa cất đi những nhọc nhằn, vì đó là thân phận tội lỗi của con người. Con chỉ xin Chúa ban cho con lòng Tin Mến, để giữa những nghịch cảnh cuộc đời, con có thể nhận ra được sự hiện diện của Chúa, tìm được niềm vui và hy vọng trong Chúa. Từ đó, con có thể đem Chúa đến cho người khác, hầu cho họ luôn tin yêu vào sự Phục Sinh vinh quang của Chúa. Amen.
Veritas Asia


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Sáu Tuần I BNPS
Bài đọc: Acts 4:1-12; Jn 21:1-14.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu vẫn đang hoạt động với các tông đồ.
Chúa chết chưa hết truyện, mà là bắt đầu một kỷ nguyên mới; một kỷ nguyên mà từ nay, Ngài họat động từ trong và với các tông đồ.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng việc Chúa Giêsu vẫn sống và làm việc với các tông đồ. Trong Bài Đọc I, những người trong Thượng Hội Đồng rất ngạc nhiên khi thấy hai ông Phêrô và Gioan có thể chữa lành một người què từ lúc mới sinh. Họ chất vấn hai ông nhờ quyền năng nào và nhân danh ai làm chuyện đó. Ông Phêrô được đầy quyền năng Thánh Thần đã mạnh dạn tuyên xưng: chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu Nazareth, Người đã bị các ông đóng đinh vào Thập Giá. Ngài vẫn đang sống và họat động trong chúng tôi; và không ai có thể được cứu độ nếu không tin vào Danh Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vẫn hằng theo dõi cuộc sống của các tông đồ. Khi thấy các ông vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào, Người hướng dẫn các ông cách bắt nhiều cá. Khi thấy các ông mệt mỏi và đói khát, Ngài chuẩn bị đồ ăn thức uống để các ông được tăng sinh lực.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bổn cũ tái diễn, Thượng Hội Đồng cho bắt Phêrô và Gioan.
1.1/ Phêrô và Gioan đụng độ với Thượng Hội Đồng: Như Chúa Giêsu, hai ông biết sẽ phải ra trước Thượng Hội Đồng, nếu tiếp tục những gì Chúa đã từng làm; nhưng hai ông không sợ và bỏ chạy như trong Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh đã làm cho hai ông can đảm làm chứng cho Chúa mà không sợ bị bắt bớ, roi vọt, tù đày.
Khi hai ông còn đang nói với dân, thì có các tư tế, viên lãnh binh Đền Thờ, và các người thuộc nhóm Sadducees kéo đến. Lý do họ bắt các ông: “Họ bực tức vì các ông giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức Giêsu mà loan báo kẻ chết sẽ sống lại.” Nhóm Sadducees không tin có sự sống lại, và càng bực tức với các tông đồ, vì đã đụng chạm đến niềm tin của họ. Họ dùng bạo lực, bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã về chiều.
Nhưng làm sao họ có thể đàn áp mãi sự thật? Vì ngày hôm đó, trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo hai ông. Điều họ sợ toàn dân sẽ bỏ họ và theo Chúa Giêsu đã thành sự thật, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn. Họ lo sợ nhưng không làm gì được. Họ chỉ có thể dùng sức mạnh để đàn áp cá nhân; nhưng không thể áp đảo dân chúng.
1.2/ Phêrô và Gioan làm chứng cho Chúa Giêsu: Hôm sau, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Jerusalem. Có cả thượng tế Hannah, các ông Caiaphas, Gioan, Alexandre và mọi người trong dòng họ thượng tế. Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và tra hỏi:
(1) Câu hỏi quan trọng họ đặt ra cho Phêrô và Gioan: "Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?" Điều mà họ ám chỉ đây là việc chữa lành người què từ lúc mới sinh.
(2) Câu trả lời của Phêrô: Bấy giờ, ông Phêrô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ và toàn dân Israel: “Chúng tôi nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào Thập Giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường.” Lời tuyên xưng của Phêrô cũng là lời tố cáo tội lỗi họ đã xúc phạm đến Con Thiên Chúa.
Ông Phêrô còn đi xa hơn khi tuyên xưng: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ."
2/ Phúc Âm: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá."
“Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tiberia. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanael người Cana miền Galilee, các người con ông Zebedee và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon Phêrô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.”
Có nhiều giả thuyết về ý nghĩa của trình thuật này: Có người cho rằng vì các tông đồ chán nản không biết làm gì sau khi Chúa chết, nên quay về nghề đánh cá cũ để sinh sống. Người khác cho đây chỉ là biểu tượng nói về việc các tông đồ phải biết trông cậy vào Chúa thì mới có kết quả trong việc “đánh cá người.” Dù theo giả thuyết nào đi nữa, chúng ta cũng phải tìm ra ý nghĩa của trình thuật.
2.1/ Chúa Giêsu chỉ dẫn cho các tông đồ bắt cá: Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không."
- Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.
- Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!" ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.
Các ông vất vả suốt đêm và không bắt được con cá nào. Nhưng với sự chỉ dẫn, dù chỉ một lời của Chúa, các ông đã bắt được một mẻ cá lớn. Con người có thể chọn làm theo ý mình, nhưng sẽ không có kết quả bằng chịu vâng lời và làm theo sự chỉ dẫn của Chúa.
2.2/ Chúa Giêsu dọn bữa ăn cho các tông đồ: Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây!" Ông Simôn Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.
Chúa Giêsu bẻ bánh với các ông: Đức Giêsu nói: "Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai?" vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu vẫn sống và đang hoạt động trong thế giới, trong Giáo Hội, trong gia đình, và trong mỗi người chúng ta. Chúng ta có cảm nhận được sự hiện diện của Ngài không?
- Hãy năng tham dự Thánh Lễ, vì qua đó, chúng ta vẫn đang được chỉ dạy khi thất bại, và được tăng sinh lực qua chính Mình và Máu Chúa, sau những giây phút mệt mỏi, chán chường.
- Chúng ta có nhiệm vụ làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng cách luôn lắng nghe và làm theo những gì Ngài dạy bảo, cho dẫu phải đương đầu với quyền lực của thế gian và ma quỉ.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

01/04/16 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 21,1-14

Suy niệm: Ngay khi sống lại Chúa đã sai các phụ nữ báo tin cho các môn đệ và hẹn gặp các ông tại Ga-li-lê (Mt 28,10) như Ngài đã báo trước khi chịu khổ nạn (Mt 26,32). Vì lời hẹn này, các ông đã trở về Ga-li-lê. Thế nhưng, trở về chốn xưa, các môn đệ lại rơi vào nếp sống cũ. Họ chẳng nghĩ ra điều gì tốt hơn là đi đánh cá như thuở còn chưa biết Đức Giê-su là ai. Thế rồi họ thất bại. Chúa Giê-su phục sinh hiện đến cho họ biết lý do của sự thất bại đó. Chúa bảo họ thả lưới bên phải thuyền, và tin vào lời Chúa, họ đã bắt được nhiều cá. Chứng kiến mẻ cá lạ lùng đó, họ đã tỉnh ngộ: Tin vào Đấng Phục Sinh thì sẽ thấy quyền năng của Ngài. Và niềm tin đó mời gọi họ nhớ lại sứ mạng mới của họ: sứ mạng loan báo Tin Mừng Đấng đã sống lại từ cõi chết.
Mời Bạn: Đức tin vào Chúa Ki-tô phục sinh có biến đổi con người bạn đến một cuộc sống mới không? Đức tin vào Chúa Phục Sinh có làm cho bạn yêu mến và dấn thân theo Chúa hơn không? Đức tin đó có thôi thúc bạn tìm phương kế để giúp người khác biết Chúa không?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy chia sẻ những biến đổi của quyền năng Đấng Phục Sinh thực hiện trong cuộc đời bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống lại và đang sống giữa chúng con. Những biến cố xảy ra trong thế giới và Giáo Hội, cả trong cuộc đời của con, luôn ở trong chương trình của Chúa và diễn ra trong quyền năng của Chúa. Xin cho con vững tin và sống đẹp lòng Chúa trong mọi hoàn cảnh. Xin Chúa tỏ hiện quyền năng của Chúa trong đời con.

Chúa đó
 Chúa phục sinh vẫn đến với chúng ta giữa đời thường, giữa những vất vả lo âu, giữa những thất bại trống vắng. Chúa vẫn đứng trên bờ mà ta cứ tưởng người xa lạ. 


Suy nim:
Bảy môn đệ trở về với nghề xưa,
trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm thầy trò.
Dù đã chối Chúa, Phêrô vẫn được coi là thủ lĩnh.
Ông không ra lệnh, nhưng đưa ra lời mời kín đáo:
“Tôi đi đánh cá đây.”
Các bạn khác hiểu ngay và mau mắn đáp lại:
“Chúng tôi cùng đi với anh.”
Có một bầu khí dễ chịu, đầm ấm trong nhóm.
Ðây quả thực là một nhóm bạn lý tưởng.
Họ ở với nhau, làm việc với nhau cả đêm,
và lặng lẽ cùng nhau chia sẻ một thất bại.
Tuy nhiên, họ cũng là những người có tính tình khác nhau.
Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến
thì nhạy cảm hơn, nhận ra Chúa Phục Sinh đứng trên bờ.
Nhưng sau đó, ông cứ điềm nhiên ngồi lại trong thuyền.
Còn Phêrô thì nồng nhiệt hơn, vội vã mặc áo,
nhảy tùm xuống nước bơi vào, vì nóng lòng muốn gặp Chúa.
Hai phản ứng khác nhau nhưng cùng diễn tả một tình yêu.
Có thể coi nhóm môn đệ trên là hình ảnh của Hội Thánh.
Hội Thánh hiệp nhất ngay giữa những khác biệt.
Sự hiệp nhất lại làm nổi bật bản sắc mỗi người.
Ðây không phải là một nhóm bạn khép kín,
nhưng là nhóm bạn được Chúa Phục Sinh sai ra khơi.
Chính sự hiện diện và lệnh truyền của Ngài
là bảo đảm cho thành công của những lần buông lưới.
Hội Thánh là một nhóm nhỏ được sai vào thế giới.
“Không có Thầy anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,5).
Nhưng có Thầy, anh em sẽ được những mẻ cá lớn.
Nhóm bạn được sai đi cũng là nhóm bạn được quy tụ,
được sai đi bởi Chúa và được quy tụ bên Chúa.
Chúa Phục Sinh trở thành người dọn bữa ăn sáng.
Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông.
Cử chỉ này gợi cho ta về những thánh lễ.
Chúng ta thường quên thánh lễ là một bữa ăn.
qua đó Chúa Phục Sinh nuôi ta bằng con người Ngài.
Chúng ta được mời dùng bữa trong niềm hân hoan vui sướng.
Hội Thánh truyền giáo phải được nuôi bằng Thánh Thể.
Hội Thánh vừa lan rộng khắp nơi, vừa tập trung nơi thánh lễ.
Ðó là nhịp thở đều đặn và cần thiết cho Hội Thánh.
Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông và nói: “Anh em đến mà ăn” (c.12).
Chúa phục sinh vẫn đến với chúng ta giữa đời thường,
giữa những vất vả lo âu, giữa những thất bại trống vắng.
Chúa vẫn đứng trên bờ mà ta cứ tưởng người xa lạ.
Ngài vẫn nhẹ nhàng chạm đến nỗi đau của ta: “Các con không có gì ăn ư?”
Ngài vẫn mời ta bắt đầu lại dù mệt nhọc và thất vọng:
“Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền.”
Chúa phục sinh quyền năng vẫn phục vụ như xưa.
Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay bây giờ nhen lửa và nướng cá.
Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly
bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.
Hãy nếm bầu khí huynh đệ của buổi sáng hôm ấy bên bờ hồ.
Các môn đệ ngồi vòng tròn quanh Thầy xưa.
Họ hết mệt, hết đói vì có cá và bánh.
Họ được hong ấm nhờ lửa than hồng, và nhất là nhờ được gần Thầy.
Hôm nay tôi cũng được mời sống cho người khác như Đấng phục sinh.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

01 Tháng Tư
Tu Ðâu Cho Bằng Tu Nhà
Thờ Cha Kính Mẹ Mới Là Ðạo Con

Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhưng ông để hết tâm phụng dưỡng song thân.
Một hôm, ông nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ. Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân để đến thụ giáo bậc hiền triết.
Ði được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng. vị lão tăng khuyên Dương Phủ: "Gặp được bậc Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật".
Dương Phủ hỏi vặn lại: "Phật ở đâu?". Vị lão tăng giải thích: "Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy".
Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Ði dọc đường, ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà thì đã khuya, Dương Phủ gõ cửa gọi mẹ. Người mẹ mừng rỡ, khoác chăn, đi dép ra mở cửa. Bấy giờ, Dương phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Ðức Phật mà vị lão tăng đã mô tả.
Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật.
Thứ nhất thì tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.
Ðể yêu thương con người một cách trọn vẹn, Chúa đã trở thành một con người. Chúa có cha, có mẹ. Chúa sinh ra trong một gia đình... Con người không chỉ được cứu rỗi một cách lẻ loi, nhưng trong một gia đình. Con người cần có một gia đình để sinh ra, để lớn lên và thành toàn... Tại Nagiaréth, Chúa đã lớn lên trong ân sủng và dáng vóc. Chúa đã vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúa đã học đọc, học viết và ngâm nga từng câu kinh thánh với Mẹ Maria. Chúa cũng học cách sử dụng từng dụng cụ trong xưởng mộc của Thánh Giuse.
Trong ba năm sống đời công khai, ngôn ngữ vàcách suy nghĩ của Chúa phản ánh phần nào sự giáo dục mà Chúa đã thụ hưởng nơi cha mẹ.
Xin Chúa thánh hóa tất cả mọi gia đình Việt Nam. Xin Chúa ban cho bậc cha mẹ ý thức được trách nhiệm giáo dục của họ. Xin Chúa ban cho con cái lòng hiếu thảo để biết vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già của các ngài... Và xin cho mọi gia đình Việt Nam luôn biết tranh đấu để bảo vệ sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình thành Giáo Hội nhỏ của Chúa.
Lẽ Sống

Lectio Divina: Gioan 21:1-14
Thứ Sáu, 1 Tháng 4, 2016
Thứ Sáu trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh       


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Thiên Chúa và là Cha của chúng con,
Nhờ Chúa Phục Sinh của chúng con là Đức Giêsu Kitô, Con Chúa,
Chúa đã ban cho chúng con một sứ điệp của hy vọng
Và một Đấng để sống vỉ Người.
Xin Chúa hãy giải thoát đức tin của chúng con khỏi sự tầm thường và theo thói quen
Và đổ đầy chúng con với Thần Khí dũng cảm của Người,
Để chúng con có thể học cách sống
Với những bất an về sự thay đổi của việc canh tân
Luôn đòi hỏi bởi Tin Mừng
Và bởi các nhu cầu của thời đại.
Nguyện xin cho các Kitô hữu chúng con làm chứng cho
Danh của Đấng đã cứu độ chúng con,
Đó là Đức Giêsu Kitô, Chúa Phục Sinh của chúng con.

2.  Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 21:1-14 

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến.  Công việc đã xảy ra như sau:  Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Điđymô, Nathanaen quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau.  Simon Phêrô bảo:  “Tôi đi đánh cá đây”.  Các ông kia nói rằng:  “Chúng tôi cùng đi với ông”.  Mọi người ra đi xuống thuyền.  Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào.  Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu.  Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Và họ đồng thanh đáp:  “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo:  “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”.  Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá.  
Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”.  Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.  Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu; chỉ độ chừng một trăm thước.
Ngay khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh.  Chúa Giêsu bảo:  “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”.  Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ.  Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con.  Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách.  Chúa Giêsu bảo rằng:  “Các con hãy lại ăn”.  Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi:  “Ông là ai?” Vì mọi người đã biết là Chúa.  
Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ, và Người cũng cho cá như thế. Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

3.  Suy Niệm

-  Chương 21 của sách Tin Mừng theo thánh Gioan có vẻ giống như là một phụ chương được thêm vào sau khi sách Tin Mừng đã được viết.  Phần kết của chương trước (Ga 20:30-31) làm cho người ta cảm nhận rằng đây là một sự bổ sung.  Tuy nhiên, cho dù có là một sự bổ sung hay không, đó vẫn là Lời của Chúa trình bày cho chúng ta sứ điệp đẹp đẽ về sự Phục Sinh vào ngày thứ năm trong tuần lễ Phục Sinh.    
-  Ga 21:1-3:  Các ngư phủ lưới người trở về làm ngư phủ lưới cá.  Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại.  Vào giai đoạn cuối của ba năm sống cùng với Chúa Giêsu, các môn đệ trở lại xứ Galilêa.  Một nhóm trong số các ông đang ở bờ hồ Tibêria.  Ông Phêrô quay về quá khứ và nói:  “Tôi đi đánh cá đây!”  Các ông kia nói rằng:  “Chúng tôi cùng đi với ông”.  Thế là các ông Tôma, Náthanaen, Gioan và Giacôbê cùng với ông Phêrô xuống thuyền đi đánh cá.  Các ông trở lại với cuộc sống ngày cũ như thể không có chuyện gì xảy ra.  Nhưng có điều gì đó đã xảy ra.  Có một cái gì đó đang xảy ra!  Quá khứ đã không quay lại!  “Chúng ta đã không bắt được con cá nào!”  Các ông trở về bờ, mệt mỏi.  Đây là một đêm đầy thất vọng.  
-  Ga 21:4-5:  Bối cảnh của cuộc hiện ra mới của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Người.  Chúa Giêsu liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?”  Các ông đồng thanh đáp:  “Thưa không!”  Trong câu trả lời tiêu cực, các ông nhận ra rằng một đêm hoài công bởi vì các ông về tay không, đã không lưới được con cá nào.  Các ông đã được gọi làm ngư phủ đi lưới người (Mc 1:17; Lc 5:10), và các ông trở về làm ngư phủ đi lưới cá.  Nhưng có điều gì đó đã thay đổi trong cuộc sống của các ông!  Kinh nghiệm của ba năm đi theo Chúa Giêsu tạo ra trong các ông một sự thay đổi không thể đảo ngược lại.  Không còn có thể quay trở về với quá khứ như không có chuyện gì xảy ra, nhưng không có gì thay đổi.
-  Ga 21:6-8:  “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”.  Các ông đã làm điều mà có lẽ các ông chưa hề làm trong đời của mình.  Năm ngư phủ dầy kinh nghiệm tuân theo lời một người lạ mặt ra lệnh cho các ông làm điều mà trái ngược lại với kinh nghiệm của mình.  Chúa Giêsu, người lạ mặt, đang đứng trên bờ biển, bảo các ông thả lưới sang phía bên phải của thuyền.  Các ông nghe theo; họ thả lưới, và kìa một kết quả thật bất ngờ.  Cái lưới đã đầy những cá!  Làm thế nào mà điều này có thể xảy ra được!  Làm thế nào mà giải thích được sự ngạc nhiên quá bất ngờ, không lường trước được này!  Tình yêu làm cho người ta khám phá ra.  Người môn đệ Chúa yêu nói với Phêrô:  “Chính Chúa đó”.  Trực giác này làm rõ ràng tất cả.  Ông Phêrô liền nhảy xuống nước để bơi đến gần Chúa cho nhanh.  Các môn đệ khác theo sau ông, chèo thuyền vào, và kéo theo lưới đầy cá.
-  Ga 21:9-14:  Lòng nhân từ của Chúa Giêsu.  Khi lên bờ, các ông thấy có sẵn lửa than đã được Chúa Giêsu nhóm lên, trên có bánh và cá nướng.  Người bảo các ông đem cá mới bắt đến và ngay tức thì, ông Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ; lưới đầy toàn cá lớn, trong có chứa một trăm năm mươi ba con cá.  Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách.  Chúa Giêsu gọi các ông:  “Các con hãy lại ăn!”  Chúa đã có lòng nhân từ sửa soạn thức ăn cho các ông sau một đêm mệt nhọc mà chẳng bắt được con cá nào.  Một cử chỉ rất đơn sơ mặc khải điều gì đó về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.  “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9).  Không một người môn đệ nào dám hỏi “Ông là ai?” vì mọi người đều biết đó là Chúa.  Và nhớ lại Bí Tích Thánh Thể, Thánh Sử Gioan chiêm niệm:  “Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ”.  Do đó, ông gợi ý rằng Bí Tích Thánh Thể là nơi được đặc ân dành cho việc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

-  Đã bao giờ có một ai đó nói với bạn rằng hãy thả lưới sang phía bên phải của cuộc đời bạn, để làm một điều gì đó trái ngược lại với kinh nghiệm của bạn chưa?  Bạn đã có nghe theo lời người đó không?  Bạn có đã thả lưới không?
 Lòng nhân từ tử tế của Chúa Giêsu.  Lòng tử tế của bạn trong những điều nhỏ nhặt của cuộc sống thì ra sao?  

5.  Lời nguyện kết

Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ,
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Ai kính sợ CHÚA hãy nói lên rằng:
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
(Tv 118) 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét