Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

26-03-2015 : (phần II) THỨ BẢY TUẦN THÁNH - ĐÊM THÁNH VỌNG CHÚA PHỤC SINH

26/03/2016
Thứ bảy tuần thánh
Ðêm Thánh Vọng Chúa Phục Sinh
(phần II)

26/03/16 THỨ BẢY TUẦN THÁNH
Canh Thức Vượt Qua
Lc 24,1-12

Suy niệm: Tảng đá lấp ngôi mộ Đức Ki-tô đã là dấu chấm hết của mọi niềm hy vọng, nếu như đến ngày thứ ba không mở ra một ngôi mộ trống với lời loan báo tin mừng rằng “Ngài đã trỗi dậy và không còn ở đây nữa.” Thánh Phao-lô nói: “Gieo xuống thì hư nát, trỗi dậy thì bất diệt” (1Cr 15,42). Quả thế, ngôi mộ trống là vật chất, nhưng nội dung nó chuyển tải là mầu nhiệm; ngôi mộ đóng lại là chấm hết cho tội lỗi và sự chết, nay mở ra là ngưỡng cửa đi vào cuộc sống hạnh phúc bất diệt. Vì thế, nếu Chúa Ki-tô không sống lại, thì thập giá chỉ là dấu hiệu của ô nhục, đau khổ của con người không có lối thoát và cái chết của con người là ngõ cụt, và chúng ta sẽ là những người vô phúc nhất. Nhưng Chúa Ki-tô đã sống lại và nhờ tin vào Ngài, chúng ta cũng được sống lại. Đó là tin mừng của hy vọng, tin mừng của lòng Chúa thương xót.
Mời Bạn: Nhờ phép Rửa, chúng ta được cùng chết và sống lại với Đức Ki-tô, được mang trong mình mầm sống của lòng thương xót, mầm sống ấy phải lớn lên trong cuộc sống mỗi ngày và đưa chúng ta vượt qua cuộc sống này để vào cuộc sống vinh quang với Chúa Ki-tô. Bạn có vui mừng vì được tham dự vào sự sống vĩnh cửu đó không?
Sống Lời Chúa: Tin vào Chúa phục sinh, cuộc sống của tôi phải phản chiếu niềm vui được cứu độ và phải mở ra để đón mời nhiều người cũng được vào tham dự sự sống vĩnh cửu này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa phục sinh, xin cho con biết sống như Chúa là yêu thương mọi người cho đến hết hơi cho đến trọn đời hầu mai sau sẽ được phục sinh với Chúa. Amen.

Người đã trỗi dậy rồi
Chúng ta vẫn thường tìm sai địa chỉ của Ðức Giêsu, bởi chúng ta không tin Ngài đã sống lại thật. Nếu chúng ta tin Ngài là Sự Sống và là Nguồn Sống, cuộc đời chúng ta sẽ chẳng như xưa. 


Suy nim:
Có vẻ sau cái chết của Thầy Giêsu
chẳng ai buồn nghĩ đến chuyện Thầy sẽ sống lại.
Các phụ nữ chỉ quan tâm đến việc xức xác Thầy.
Nhưng khi thấy ngôi mộ trống trơn,
họ phân vân và bối rối không hiểu.
Là những Kitô hữu ngoan đạo,
chúng ta thấy mình quá quen với chuyện Chúa phục sinh,
đến độ coi đó là chuyện tự nhiên.
Chính vì thế ta không cảm được nỗi lo lắng, ngỡ ngàng
của các phụ nữ và các môn đệ
vào buổi sáng tinh mơ của ngày thứ nhất.
Các bà chẳng biết làm gì với số thuốc thơm đã chuẩn bị.
Cửa mộ đã mở toang, thi hài Thầy đâu còn.
Nếu sứ thần không hiện ra giải thích
thì ngôi mộ trống vẫn là một bí ẩn khôn dò.
Khi các bà trở về kể lại cho Nhóm Mười Một
những gì đã xảy ra ngoài mộ đá,
các ông đã không tin, cho là chuyện lẩn thẩn.
Có lẽ họ nghĩ các phụ nữ là người yếu bóng vía.
Làm gì có chuyện sứ thần bảo là Thầy đã phục sinh!
Phêrô đứng lên chạy ra mộ (Lc 24,12).
Ông cũng thấy như các phụ nữ kể lại.
Nhưng ông chỉ kinh ngạc thôi, chứ không tin.
Quả thật tin Thầy đã sống lại là điều khó,
dù Ðức Giêsu đã báo trước nhiều lần
về cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Các môn đệ chỉ nhớ được nửa đầu của lời loan báo.
Dường như nỗi đau quá lớn làm họ mau quên,
vì thế sứ thần hiện ra là để nhắc cho họ nhớ (c.6),
và họ đã nhớ lại những gì Ngài dạy (c.8).
Ðức Giêsu phục sinh hiện ra cũng nhắc cho họ nhớ (c.44).
Về sau Thánh Thần cũng sẽ làm công việc này,
đó là nhắc cho họ nhớ mọi lời Ðức Giêsu đã nói (Ga 14,26).
Nhắc nhớ là nối quá khứ với hiện tại và tương lai.
Quá khứ bị ám ảnh bởi cái chết đau thương.
Chúng ta dễ bị sa lầy trong quá khứ u buồn,
không còn khả năng để hy vọng và vui sống.
“Sao các bà lại tìm Người Sống ở nơi kẻ chết?”
Ðức Giêsu đã mở tung cửa mộ vào sáng phục sinh.
Muốn gặp được Ngài, phải tìm Ngài ở ngoài phần mộ.
Kitô giáo không kết thúc bằng thập giá và phần mộ...
Ðức Giêsu bây giờ là Ðấng tràn trề sự sống mới.
Xác Ngài không còn nằm đó, nhưng đã trỗi dậy.
Ngài vẫn đi với ta trên cùng một con đường.
Ngài đến khi cả đêm ta không được một con cá nhỏ.
Ngài ở lại nhà ta khi ta đóng cửa vì sợ hãi.
Chúng ta vẫn thường tìm sai địa chỉ của Ngài,
bởi chúng ta không tin Ngài đã sống lại thật.
Nếu chúng ta tin Ngài là Sự Sống và là Nguồn Sống,
cuộc đời chúng ta sẽ chẳng như xưa.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG BA
Hãy Tung Hô Vạn Tuế Đức Vua
“Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Vạn tuế trên các tầng trời.” Những lời ấy đã được nhiệt liệt hô vang bởi tất cả những người đến Giê-ru-sa-lem mừng đại lễ Vượt Qua. Những lời ấy vang lên – đặc biệt từ môi miệng trẻ em – khi đám đông chào đón Đức Giêsu vào thành mừng lễ. Vì thế, mối liên hệ giữa giới trẻ với biến cố Đức Giêsu khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem luôn luôn là một yếu tố quan trọng trong cử hành của Giáo Hội vào Chúa Nhật Lễ Lá. Đức Giêsu vẫn tiếp tục kêu gọi các bạn trẻ của thời đại chúng ta. Người nói: “Hãy đến! Hãy chào mừng Ta là Vua và là Đức Chúa của các con”.
Chúng ta hãy hướng nhìn về Đức Kitô trong tinh thần này. Người là Đấng đã vào Giê-ru-sa-lem trên lưng lừa con, ứng nghiệm các lời ngôn sứ xưa. Các tông đồ đã trải áo choàng trên lưng lừa cho Đức Giêsu vào Thành Thánh. Và khi Người đến gần triền dốc chân núi Ô-liu, toàn thể đám đông – cả già lẫn trẻ – đã hoan hô nhiệt liệt. Họ “bắt đầu lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa vì những việc đầy quyền năng mà họ đã chứng kiến” (Lc 19,37).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 26-3
Lễ Vọng Phục Sinh
Rm 6:3-11118; Lc 24:1-12

Lời Suy Niệm: “Dầu vậy, ông Phêrô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đổi ngạc nhiên về sự việc đã xãy ra.”
Chứng kiến cảnh: “Ngôi mộ trống” đã đưa Phêrô từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đây là một hồng ân mà Chúa đã ban cho Phêrô, chính nhờ những ngạc nhiên này đã đưa Phêrô suy tư về những gì mà ký ức của Phêrô đã ghi sâu vào tâm khảm của ông; Giúp cho Phêrô nhớ lại tất cả những gì ông đã nghe; đã thấy và đã sống với Chúa Giêsu. Phêrô nhận ra tất cả là hồng ân đối với ông và sau khi Chúa Phục Sinh. Phêrô đã tuyên xưng: “Thầy biết con yêu mến Thầy...; Thầy biết con yêu mến Thầy...; Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy...” (Ga 21,15-17)
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình của chúng con luôn biết quan tâm đến mọi sự đã xãy ra trong cuộc sống của mình, và cảm thấy sự ngạc nhiên là mình vẫn đang còn tồn tại như ngày hôm nay, giữa muôn vàn cám dỗ; để qua đó chúng con nhận ra lòng thương xót và ân sủng của Chúa, giúp chúng con có tâm tình tạ ơn Chúa luôn mãi.
Mạnh Phương


26 Tháng Ba
Mua Nghĩa
Ðời chiến quốc, Phùng Huyên làm thực khách cho Mạnh Thường Quuân là tướng quốc nước Tề.
Một hôm Mạnh Thường Quân nhờ Phùng Huyên qua đất Tiết để thu các mối nợ. Trước khi ra đi, Phùng Huyên hỏi: "Thu xong nợ rồi có cần mua thêm vật gì không?". Mạnh Thường Quân bảo: "Xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về".
Phùng Huyên đến đất Tiết cho người mời tất cả những con nợ của chủ đến đông đủ, rồi truyền rằng: Mạnh Thường Quân ra lệnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và để cho mọi người tin tưởng, Phùng Huyên đem đốt hết những văn khế. Những người thiếu nợ và toàn dân đất Tiết rất vui mừng, tung hô vạn tuế.
Khi họ Phùng trở về, Mạnh tướng quân lấy làm lạ cho là đòi nợ gì mau chóng thế, mới hỏi: Thu nợ xong chưa, và được trả lời là thu xong cả rồi. Ðến khi được hỏi về việc mua đồ vật mang về, Phùng Huyên thưa: Khi đi tướng quân dặn bảo mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi trộm nghĩ: trong cung, tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa. Vậy vật tướng công còn thiếu là điều nghĩa, nên tôi trộm lệnh mua điều nghĩa đem về.
Mạnh Thường Quân ngạc nhiên hỏi: "Mua điều nghĩa thế nào?". Họ Phùng đáp: "Tôi trộm lệnh tha cho tất cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy các văn khế, được dân vui mừng tung hô, ấy là vì tướng công mua được điều nghĩa vậy".
Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh làm tướng quốc nữa, nên ông phải lui về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tánh đất Tiết, trai gái bé già tranh nhau ra đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy Mạnh Thường Quân quay lại Phùng Huyên mà bảo: "Tiên sinh vì tôi mà mua điều nghĩa, ngày nay tôi mới trông thấy".
"Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con về chốn an nghỉ đời đời".
Lời khuyên trên của Chúa Giêsu có giá trị hơn việc mua điều nghĩa do ông Phùng Huyên bày ra để dân chúng đất Tiết hoan hô đón rước Mạnh Thường Quân, khi ông bị thất thế. Bởi lẽ lời khuyên của Chúa Giêsu đề cập về thời gian tối hậu của cuộc sống đời sau, khi con người phải nhắm mắt xuôi tay. Như khi đã đến trần gian trần truồng, từ dạ mẹ mang tiếng khóc ban đầu mà ra thì lúc chết, con người phải từ giã cuộc sống ra đi với đôi bàn tay trắng.
Ở đoạn 25 của Phúc Âm Thánh Matthêô, Chúa Giêsu nêu rõ lúc đó những bạn hữu sẽ tiếp đón chúng ta vào cuộc sống trường sinh là những ai? Ðó là:
- Những người đói khát mà chúng ta đã cho ăn uống.
- Những kẻ rách rưới mà chúng ta đã cho quần áo che thân.
- Những người đau ốm mà chúng ta đã đến viếng thăm giúp đỡ.
- Những kẻ bị giam cầm mà chúng ta đã can đảm đến ủy lạo, ủi an.
- Những người sa cơ lỡ bước mà chúng ta đã cho tạm trú.
(Lẽ Sống)

Lectio Divina: Thứ Bảy Tuần Thánh
Thứ Bảy, 26 Tháng 3, 2016
Ánh sáng của Tân Lang, chiếu sáng khắp đêm đen
Lc 23:50-56


1.  Cầu nguyện

Lạy Chúa, vào ngày này, chỉ có sự trống rỗng và cô đơn, thiếu vắng và yên lặng:  một ngôi mộ, một thi thể bất động, và bóng đêm.  Chúa không còn được trông thấy nữa, không lời nói, không hơi thở.  Chúa đang giữ ngày Sabbát, hoàn toàn nghỉ ngơi.  Con biết đi tìm Chúa ở đâu, giờ đây con đã mất Chúa phải không?
Con sẽ theo chân những người phụ nữ, con cũng sẽ ngồi xuống cùng với họ, trong im lặng, để chuẩn bị các loại dầu thơm của tình yêu.  Lạy Chúa, từ trái tim con, con sẽ lấy những dầu thơm hảo hạng nhất, quý giá nhất, giống như người phụ nữ kia đã làm, khi bà đập vỡ bình ngọc trắng đựng dầu thơm và hương thơm của nó lan tỏa khắp nơi.
Và con sẽ kêu cầu Chúa Thánh Thần, với những lời của tân nương, con sẽ lại nói:  “Gió bấc hãy thổi lên đi, gió nam hãy lùa tới, thổi mát vườn của tôi, cho hương thơm lan tỏa!” (Dc 4:16)

2.  Bài Đọc 

Trích Tin Mừng theo thánh Luca (23:50-56)

50 Khi ấy có một người tên là Giuse, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. 51 Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng.  Ông là người thành Arimathê, một thành của người Do Thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. 52 Ông đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. 53 Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào trong ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. 54Hôm ấy là ngày áp lễ, và ngày Sabbát bắt đầu ló dạng. 55 Cùng đi với ông Giuse, có những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilêa.  Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. 56 Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm.  Nhưng ngày Sabbát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền.

3.  Suy gẫm Lời Chúa

“Bây giờ”, một câu nói rất đơn giản, đầy sức sống và sự thật, đánh dấu sự hiện hữu của tiếng kêu phá vỡ sự thờ ơ, đem chúng ta ra khỏi sự bại liệt của mình, và làm rách mạng che mặt.  Nó đứng đối diện và như là một lối thoát từ rất xa bởi các môn đệ của Chúa Giêsu qua cuộc Khổ Nạn của Người.  Phêrô đi theo Chúa ở đàng xa (Lc 22:54); tất cả những người quen biết Chúa và những người phụ nữ đã đi theo Người, chứng kiến từ đàng xa (Lc 23:49), nhưng ông Giuse thành Arimathê, tiến tới phía trước, đến gặp tổng trấn Philatô và xin thi hài Chúa Giêsu.  Ông Giuse đã ở đó, không được kể trong số những người vắng mặt, ông ở gần, không đứng ở đàng xa, và ông sẽ không bao giờ bỏ đi.

“Đó là ngày Chuẩn Bị, và ngày Sabbát đã bắt đầu”.  Tin Mừng này được đặt trong thời điểm phân chia bóng tối của đêm đen với ánh sáng của ngày mới.  Động từ chữ Hy Lạp được dùng bởi thánh Luca dường như mô tả rõ ràng hoạt động của Thứ Bảy Tuần Thánh này, rằng từ từ hiện lên từ tối tăm và dần dần xuất hiện và vượt hẳn sánh sáng.  Trong sự chuyển động sống lại này, chúng ta cũng theo sát, khi chúng ta tiếp cận với phần Kinh Thánh này trong đức tin.  Thế nhưng, chúng ta phải chọn lựa, hoặc là ở lại trong cái chết, trong sự chuẩn bị, đó chỉ là chuẩn bị chứ không phải là thực hiện, hoặc là chấp nhận bước vào sự chuyển động để được sống lại trong ánh sáng.  Như Chúa đã xử dụng cùng một động từ và nói:  “Tỉnh giấc đi, hỡi người đang ngủ!  Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào!  Và Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!”  (Êp 5:14)

“Những người đến từ Galilêa với Người, đã đi theo Người”, những lời rất tuyệt đẹp này, đề cập đến việc di chuyển của những người phụ nữ, bởi vì họ giúp chúng ta nắm bắt được tất cả mức độ tham gia của họ trong những gì đang xảy ra với Chúa Giêsu.  Thật vậy, thánh Luca xử dụng những sắc thái nhất định, ví dụ, dùng một thể của động từ “đi theo” cho thấy cường độ mãnh liệt hơn.  Việc nhắc đến chữ “với Người” cũng có tác dụng tương tự.  Một cách dứt khoát, họ đi cùng với nhau, thúc đẩy bởi tình yêu của họ.  Cuộc hành trình của họ, bắt đầu từ miền Galilêa, tiếp tục, thậm chí qua cái chết, và sự vắng mặt.  Có lẽ họ cảm thấy rằng họ không đơn độc và họ bắt đầu công bố rằng Chúa đang hiện hữu.

Và họ đã thấy ngôi mộ”, thật tuyệt vời khi lưu ý rằng trong mắt của những người phụ nữ này có một sự sáng mạnh mẽ hơn đêm tối!  Các bà có thể nhìn thấy xa hơn, họ quan sát, họ lưu ý, họ nhìn chăm chú và với lòng quan tâm thực sự:  nói tóm lại, họ chiêm ngắm.  Con mắt của trái tim mở ra với thực tế về những gì đang xảy ra.  Như ánh mắt của Đức Giêsu nhìn về phía họ, họ mang trong mình hình ảnh của Người, khuôn mặt của tình yêu đã đến thăm và soi sáng toàn thể sự hiện hữu của họ.  Thậm chí ngay cả cái chết thê lương và việc chia cách thể lý cũng không có thể dập tắt được Vầng Thái Dương không bao giờ lặn, mặc dù đó là ban đêm.

“Sau đó, họ trở về”, cũng như thế, họ vẫn còn đủ sức lực trong người để quyết định, để làm điều gì đó, để ra đi lần nữa.  Họ quay lưng lại với cái chết, với sự thiếu vắng, và họ trở về nhà, giống như các chiến sĩ ca khúc khải hoàn.  Họ không có những chiến tích, nhưng trong con tim của họ, họ có một sự quả quyết, lòng can đảm của một tình yêu mãnh liệt.

“chuẩn bị thuốc thơm và mộc dược”.  Đây là nhiệm vụ của các thày tư tế, như Kinh Thánh đã viết (1Sb 9:30); đó là nghĩa vụ thiêng liêng, gần như là phụng vụ, cũng gần giống như lời kinh nguyện.  Trên thực tế, những người phụ nữ của Tin Mừng cầu nguyện và thành công trong việc biến đêm đen của cái chết trở nên nơi đầy ân sủng, hy vọng, yêu thương và ân cần chăm sóc.  Không một ánh mắt, không một động tác hay cử chỉ nào là vô nghĩa đối với họ.  Họ chuẩn bị, hay nói chính xác hơn, như chúng ta thấy từ ý nghĩa của động từ tương ứng trong tiếng Do Thái, họ tận dụng mọi kiến thức hiểu biết để pha trộn các nguyên liệu cần thiết để chế biến dầu thơm, trong việc cân đo đúng liều lượng:  một nghệ thuật hoàn toàn nữ tính, hoàn toàn thuộc tình mẫu tử, từ thuở sinh ra, từ trong lòng mẹ, nơi chốn dành cho tình yêu thương.  Thật thế, thứ Bảy Tuần Thánh cũng giống như một cung lòng đang cưu mang sự sống:  cái ôm ấp để bảo vệ và nuôi dưỡng một tạo vật sắp sửa được sinh ra.

“Vào ngày Sabbát, họ nghỉ ngơi”, chúng ta đang thực sự nói về việc nghỉ ngơi gì?  Điều gì chấm dứt, những gì sắp xảy đến trong cuộc sống của những người phụ nữ này, trong sâu thẳm của trái tim họ?  Động từ mà thánh Luca dùng cho thấy rõ ràng gợi ra “sự im lặng”, một sự im lặng biến thành diễn viên chính trong ngày Sabbát này, Thứ Bảy Tuần Thánh của sự chờ đợi, như cơn gió của Chúa Thánh Thần thổi đến (xem G 38:17) và hương thơm tỏa lan.  Một bản thánh ca chợt hiện về trong tâm trí, trong đêm khuya (Tv 77:7):  đó là bài thánh vịnh về tình yêu, được lặp lại bởi những người phụ nữ, và cùng với họ, ông Giuse, và tất cả mọi người, giống như ông ấy, không bị ràng buộc bởi các quyết định và hành động của những người khác (câu 5) ở thế gian này.  Những lời là văn từ mà Tân Nương trong sách Diễm Ca lặp lại, những chữ cuối, được dành riêng cho Người Môn Đệ Chúa Yêu, khi tại đoạn cuối của cuốn sách, cô ta nói rằng:  “Chạy trốn mau, người yêu hỡi, hãy làm linh dương, làm nai nhỏ của em tung tăng trên núi đồi cỏ thơm bát ngát” (Dc 8:14).  Đây là tiếng kêu của sự sống lại, bài hát chiến thắng trên sự chết. 

4.  Một vài câu hỏi cho việc suy niệm

  • Hôm nay tôi đang ở đâu?  Có phải tôi đang đứng, ở xa xa, không muốn đến gần hơn với Chúa Giêsu, không muốn tìm kiếm Người, không muốn chờ đợi Người không?
  • Điều gì đang xảy ra bên trong con người tôi, trong thái độ của con tim tôi?  Tôi sẽ có thể nào đi theo những người phụ nữ, và bước đi vào trong đêm tối, vào trong cái chết, vào trong sự vắng mặt, vào trong sự trống vắng không?
  • Tôi có mở mắt để nhìn thấy nơi an táng, tảng đá che giấu Chúa Giêsu không?  Tôi có thể trải nghiệm được sự chiêm niệm không, đó là, tôi có thể nhìn thấy những điều trong chiều sâu, vượt khỏi cái lớp bề ngoài không?  Tôi có tin vào sự hiện diện của Chúa, thì mạnh mẽ hơn ngôi mộ và tảng đá không?
  • Tôi có sẵn sàng để quay trở lại, đi cùng với những người phụ nữ không?  Có nghĩa là, phải đi qua một hành trình hoán cải, thay đổi không?
  • Có một không gian nào trong tôi dành cho sự im lặng, cho sự chú ý đến tâm hồn, để có thể chọn lựa thuốc thơm xứng hợp, những hương liệu tốt nhất cho đời sống, cho món quà của chính thân mình, cho sự rộng mở với Thiên Chúa không?
  • Tôi có cảm thấy nảy sinh trong tôi lòng ước ao đi công bố sự phục sinh, sự sống mới trong Đức Kitô với tất cả những người chung quanh tôi không?  Hay phần nào tối thiểu, tôi cũng có giống như những người phụ nữ trong sách Tin Mừng, những người lặp lại lời mời của Tân Lang:  “Hãy chỗi dậy!” không?

5.  Lời Nguyện kết

Lạy Chúa, đối với Chúa thì ban đêm cũng chiếu sáng như ban ngày!

Bài ca vịnh của Lòng Tín Thác và Cậy Trông vào Thiên Chúa

Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
Con thưa cùng CHÚA: "Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?"

Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.

Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.

Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!

(Trích Thánh Vịnh 16)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét