21/03/2016
Thứ Hai tuần thánh
Bài Ðọc
I: Is 42, 1-7
"Người sẽ không lớn tiếng; không ai nghe tiếng
người ở công trường".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn,
Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân.
Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai, không ai nghe tiếng người ở công
trường. Người không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người
sẽ xét xử trong công lý. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, cho đến khi
đặt công lý trên mặt đất, vì các đảo mong đợi lề luật người.
Chúa là Thiên Chúa đã phán như thế, Người là Ðấng đã
tác tạo và mở rộng các tầng trời, đã củng cố mặt đất và các sản phẩm của nó, đã
ban hơi thở cho dân sống trên mặt đất và ban sức sống cho những kẻ trên đó. Ta
là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt
con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người
mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi
trong tối tăm.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 26, 1. 2. 3. 13-14
Ðáp: Chúa là
sự sáng, và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ
chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2) Khi những đứa ác xông vào để xả thịt tôi, bọn thù
ghét tôi sẽ xiêu té và ngã gục. - Ðáp.
3) Nếu thiên hạ đồn binh hạ trại để hại tôi, lòng
tôi sẽ không kinh hãi; nếu thiên hạ gây chiến với tôi, tôi vẫn tự tin. - Ðáp.
4) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của
Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi
tâm hồn và chờ đợi Chúa! - Ðáp.
Câu Xướng
Trước Phúc Âm:
Kính chào Vua chúng con: Chỉ có nhà Vua là người
thương hại đến những lỗi lầm của chúng con.
Phúc
Âm: Ga 12, 1-11
"Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày
táng xác Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng
Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa
cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với
Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân
Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. Một môn đệ là
Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: "Sao không bán dầu thơm đó
lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?" Hắn nói thế không phải vì lo lắng
cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên
bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: "Hãy để mặc
cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo
luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu".
Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên
tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người
cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông
mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Xức Dầu Chân Chúa
Một cựu sĩ quan hải quân là một tu sĩ dòng Ða Minh,
người Pháp, cùng với các nhà chuyên môn thiện chí khác và cha Louis đã có công
khởi xướng lập nên một học thuyết, đồng thời cũng là một nhóm dấn thân trong xã
hội, có tên gọi là: "Kinh Tế và Nhân Bản". Nhóm này có mục đích phát
động một nền kinh tế phục vụ con người.
Sau khi nghiên cứu và đúc kết thành một học thuyết,
thì họ lần lượt cho xuất bản nhiều sách báo, vạch ra một đường hướng phục vụ thế
giới một cách mới mẻ. Ai muốn hưởng ứng thì cứ vận dụng vào cách sáng tạo, vào
hoàn cảnh sống của địa phưong mình. Cha Louis đã du hành khắp nơi để trình bày
đường lối của mình về kinh tế và nhân bản. Cha thường nhấn mạnh rằng: "Phải
làm sao để vừa phát triển kinh tế vừa phát triển con người toàn diện về mọi mặt,
vật chất cũng như tinh thần và phát triển đồng đều trên mọi miền khắp thế giới".
Mặc dù dấn thân hoạt động nhiều, nhưng cha không bao
giờ quên canh tân chính cuộc sống thiêng liêng của mình. Cha đã dọn ra một lời
nguyện sau đây để hằng ngày dùng đến mà kiểm điểm đời sống: Lạy Chúa, lỗi tại
con; tại con không chân thành yêu thương anh chị em. Tại con không cảm thấy đau
khổ trước những cảnh khốn cùng của anh chị em. Tại con thờ ơ lãnh đạm bên cạnh
người xấu số. Tại con khinh dễ nhiều người, nhất là những người mang thân phận
nghèo hèn, những người có kiến thức kém cỏi hơn con.
Tại con đã để cho kẻ khác phải chờ đợi. Tại con đã
quên hay thất hứa khi con đã hẹn với người khác. Tại con không giữ đúng những lời
cam kết. Tại con không ăn ở dễ dãi với kẻ khác, không sẵn sàng với người khác.
Tại con không biết tìm hiểu những hoàn cảnh của người ta. Tại con đã chối giúp
đỡ họ do tính ích kỷ của con. Tại con đã không ra tay xoa dịu một vết thương mà
đáng lẽ con phải làm. Tại con đã làm thương tổn cho người ta nhiều, vì lời ăn
tiếng nói của con. Tại con đã hạ bệ những kẻ đối nghịch với con. Tại con đã láo
xược và ăn ở bất công. Tại con đã làm gương xấu quá nhiều, nên anh chị em con
đã bị tổn thương nhiều vừa hồn vừa xác. Lạy Chúa, lỗi tại con. Xin Chúa thương
tha thứ cho con. Và con cũng xin Chúa tha thứ cho những anh chị em đã vì lỗi của
con mà sống bất xứng.
Anh chị em thân mến!
Mẫu gương và lời cầu nguyện trên của cha Louis mời gọi
chúng ta nhìn về thái độ dấn thân của mình trong những công tác xã hội. Chúng
ta muốn phục vụ anh chị em vì tình thương Chúa hay vì những lợi lộc riêng tư
cho bản thân và gia đình mình.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được dịp nhìn
thấy thái độ bênh vực người nghèo của tông đồ Giuđa phản bội Chúa. Giuđa tuyên
bố như thể mình muốn phục vụ người nghèo, nhưng thực ra chỉ nghĩ đến lợi lộc
riêng tư.
Nhưng về phần Maria, bà không thuộc nhóm 12 tông đồ
được chọn sống luôn bên cạnh Chúa để lắng nghe Ngài chỉ dạy, nhưng Maria đã hướng
về Chúa với hết tâm hồn của mình và đã thực hiện một việc được Chúa xem như là
có giá trị tiên tri loan báo mầu nhiệm khổ nạn của Chúa. Trong khi đó thì Giuđa
Iscario, một trong số 12 tông đồ đã được chọn lại có tâm địa khác, ông chỉ nghĩ
đến lợi lộc riêng tư. Ông sống bên cạnh Chúa nhưng đã không thực sự gặp được
Ngài.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác
giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã lưu ý đến những người con tinh thần
như sau: Lâu nay, cha thấy con đi kề bên Chúa mà không thấy Chúa, không gặp
Chúa, không suy tư với Chúa, không đối thoại với Chúa, không hành động với
Chúa. Con không an vui trong tâm hồn và con dấn thân một mình ngoài Chúa. Con
đã mời Chúa lui về nhà thờ. Sự ly dị giữa cuộc sống đạo ở nhà thờ và ngoài xã hội
là nguyên tố tai hại nhất trong thời đại chúng ta. Cả cuộc sống con phải loan
truyền và tuyên xưng với hết tâm hồn thống hối và yêu thương. Và với một hành động
mà người ngoài có thể cho là một hành động điên khùng uổng phí, nhưng trước mặt
Chúa, đó là một hành động nêu gương sáng cho kẻ khác.
Lạy Chúa, xin ban ơn thanh luyện tâm hồn con khỏi mọi
hình thức vụ lợi, ích kỷ, để con yêu mến Chúa thật lòng và phục vụ anh chị em
xung quanh mỗi ngày một thiết thực, hữu ích hơn. Amen.
Veritas
Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần Thánh
Bài đọc: Isa 42:1-7; Jn 12:1-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người Tôi Trung thực thi sứ vụ tới cùng.
Chúng ta bước vào Tuần Thánh, Tuần cực trọng nhất của
Năm Phụng Vụ. Các Bài Đọc tuần này tập trung hòan toàn vào Chúa Giêsu, Người
Tôi Trung của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ nghe tất cả Bốn Bài Ca về Người Tôi Trung
của Thiên Chúa từ tiên tri Isaiah: Bài ca thứ nhất hôm nay, Bài ca thứ hai ngày
mai, Bài ca thứ ba ngày thứ tư, và Bài ca thứ bốn trong ngày Thứ Sáu Tuần
Thánh. Mỗi Bài ca cho chúng ta nhìn thấy những khía cạnh khác nhau của Người
Tôi Trung; tổng kết tất cả bốn Bài ca cho chúng ta cái nhìn rõ ràng về con người
và sứ vụ của Đức Kitô, Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Chúng ta có thể đối chiếu
những điều này với những gì xảy ra cho Ngài trong tuần cuối cùng trên trần thế
để biết rằng: Tất cả đã được sắp xếp bởi Thiên Chúa, mặc khải bởi tiên-tri
Isaiah 700 năm trước công nguyên, và hòan thành bởi Đức Kitô.
Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah nói về mối liên hệ
giữa Thiên Chúa và Người Tôi Trung, sứ vụ của Ngài là làm sáng tỏ đức công
chính của Thiên Chúa, và cách Ngài đạt mục đích là qua thái độ khiêm nhường phục
vụ, thương yêu mọi người, và trung thành đến cùng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thẳng
thắn phê bình Judah để bảo vệ hành động yêu thương Chúa của Maria. Ngài không sợ
âm mưu của bạo lực khi cho Lazarô sống lại từ cõi chết và dùng bữa với chị em
ông tại Bethany.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Bài ca thứ nhất về Người Tôi Trung của Thiên Chúa:
1.1/ Liên hệ giữa Thiên Chúa và Người Tôi Trung: Đây không phải
là một người thường, nhưng là Người được Thiên Chúa tuyển chọn: “Đây là người
tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho Thần
Khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.”
Thiên Chúa, Đấng sáng tạo mọi sự trong vũ trụ, Đấng
trải rộng mặt đất với hoa màu tràn lan, Đấng ban hơi thở cho dân trên mặt đất,
ban sinh khí cho toàn thể cư dân. Người phán thế này: "Ta là Đức Chúa, Ta
đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta."
1.2/ Sứ vụ và cách đạt mục đích của Người Tôi Trung:
(1) Sứ vụ của Người Tôi Trung: làm sáng tỏ công lý của
Thiên Chúa trước mặt muôn dân: “Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt
làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai
mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi
trong chốn tối tăm.”
(2) Cách thi hành sứ vụ: Rất khác với cách của con
người thường. Những đức độ của Người Tôi Trung được tiên tri Isaiah mô tả như
sau:
- Khiêm nhường: “Nó sẽ không kêu to, không nói lớn,
không để ai nghe tiếng giữa phố phường.”
- Thương yêu: “Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy,
tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.”
- Trung thành đến cùng: “Nó sẽ trung thành làm sáng
tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý
trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.”
2/
Phúc Âm: Chúa Giêsu khiển trách Judah Iscariot và bảo vệ hành động của Maria.
Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng
Bethany, nơi anh Lazarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở
đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Martha lo hầu bàn, còn anh
Lazarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người.
2.1/ Hai con người với hai thái độ ngược nhau:
(1) Maria yêu Chúa không tính tóan: “Cô Maria lấy một
cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà
lau. Cả nhà sực mùi thơm.” Đây là lần thứ hai Maria được tường thuật ngồi dưới
chân Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng Luca, cô được Chúa Giêsu khen, vì đã ngồi dưới
dân Chúa để nghe lời Người trong khi chị Martha bận rộn để nấu ăn đãi khách.
Cách cô tỏ tình yêu cho Chúa Giêsu cũng khác mọi người; điều này chứng tỏ khi
con người sống trong tình yêu, họ có nhiều sáng tạo trong cách bày tỏ tình yêu
của họ.
- Cô dám dùng tới một cân dầu thơm để xức chân Chúa
Giêsu mà Judah uớc tính trị giá tới 300 quan tiền; thông thường người ta chỉ xức
vài giọt nếu dầu thơm quí giá như vậy. Cô không tính toán với Chúa vì cô chắc
chắn được Chúa cho biết sẽ không còn nhìn thấy Chúa trên cõi dương gian này nữa.
Cô có lẽ là người yêu thương và hiểu biết Chúa hơn cả trong tuần lễ cuối cùng của
Ngài trên dương gian.
- Tóc rất quí với phụ nữ và họ chăm sóc chải chuốt
nó mỗi ngày; thế mà cô lại dùng tóc để lau chân Chúa thay vì dùng khăn như thói
thường. Hành động này chứng tỏ tình yêu của cô dành cho Chúa. Thông thường người
phụ nữ rất kín đáo khi tỏ tình yêu, cô Maria can đảm làm những điều này trước mặt
mọi người.
(2) Judah Iscariot luôn tính tóan và phê bình: Thấy
hành động của cô, một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Judah Iscariot, liền
nói: "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người
nghèo?" Judah được Chúa và các tông đồ trao cho sứ vụ quản lý. Nếu cô
Maria muốn giúp người nghèo, 300 quan tiền đó chắc chắn sẽ được trao cho hắn.
Thánh sử Gioan có lẽ đã biết tính tình của Judah nên chú thích: “Y nói thế,
không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền
và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.” Vì Judah không ở
trong tình yêu nên không biết tình yêu là gì! Khi một người so sánh tình yêu với
tiền bạc, người đó không hiểu giá trị của tình yêu.
2.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu và các thượng tế:
(1) Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài nói: "Hãy để
cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy,
người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi
đâu." Chúa biết ngày Ngài sắp chết đã gần kề và Ngài biết ý định của Maria
khi cô làm những hành động này. Chỉ có ai ở trong tình yêu mới hiểu nổi ý tưởng
của nhau mà người ngọai cuộc không bao giờ hiểu được. Chúa Giêsu trưng dẫn lý
do xác đáng để bênh vực hành động của Maria: con người không có Chúa Giêsu mãi
mãi.
(2) Phản ứng của các thượng tế: Biến cố hôm nay xảy
ra sau khi Chúa Giêsu đã làm một phép lạ cả thể: cho Lazarô đã chết 3 ngày sống
lại. Đó là lý do trình thuật kể: “Một đám đông người Do-thái biết Chúa Giêsu
đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Chúa Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy
anh Lazarô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết.” Khi nhìn thấy đám đông,
các thượng tế quyết định giết cả Chúa Giêsu lẫn Lazarô, vì tại anh mà nhiều người
Do-thái đã bỏ họ và tin vào Chúa Giêsu.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Giống như Chúa Giêsu được Thiên Chúa trao cho một
sứ vụ khi vào cuộc trần này, mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa trao cho một
sứ vụ. Chúng ta hãy tìm ra sứ vụ đó để thi hành tới cùng.
- Cách thức của Thiên Chúa rất khác với cách thức của
con người. Để thực thi sứ vụ, Ngài đòi chúng ta phải khiêm nhường phục vụ,
trung thành yêu thương, và chấp nhận gian khổ.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
21/03/16 THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11
Ga 12,1-11
Suy niệm: Ngày ba nhà đạo sĩ Đông Phương đến thờ lạy
Chúa Hài Đồng, ba lễ vật vàng, nhũ hương, mộc dược mà họ dâng lên, đã ngầm nói
lên phẩm tính hoàng vương của Hài Nhi mới sinh, đồng thời tiên báo cái chết của
Ngài. Ngày hôm nay, hành động của cô Ma-ri-a lấy dầu thơm xức chân Chúa Giê-su,
được chính Ngài công nhận là một hành động mang tính ngôn sứ: “Dầu thơm này có ý dành cho
ngày mai táng Thầy.” Dù
trước mặt mọi người, hành động của Ma-ri-a có vẻ khó hiểu, nhưng đối với cô
điều đó không quan trọng, bởi vì cô đã hành động theo sự thúc đẩy của tình yêu
dành cho Đức Ki-tô. Chính tình yêu giúp cô đồng cảm sâu xa với Ngài; và ngay từ
lúc này, cô đã cùng Đức Ki-tô đi vào cuộc khổ nạn với Ngài.
Mời Bạn: Albert
Nolan viết: “Ta sẽ không thể nào đánh giá cách đầy đủ về Chúa Giê-su trong
những lao lung của đời sống hiện tại nếu ta không đi sâu vào linh đạo của
Ngài”, nói cách khác, ta phải ngụm lặn vào tâm trạng của Chúa trong những giây
phút cận kề với cái chết, ta mới hiểu được Ngài muốn điều gì nơi ta. Hành động
của chúng ta sẽ mang tính ngôn sứ khi chúng được thúc đẩy bởi động lực tình yêu.
Sống Lời Chúa: Dành
những phút thinh lặng, đặt mình vào vị trí của Mác-ta, Ma-ri-a, La-da-rô,
Giu-đa… để chiêm ngắm Chúa Giê-su những ngày trước lúc Ngài chịu khổ hình… và
xin ơn được đồng cảm với Chúa để biết hành động sao cho đẹp lòng Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận được những ưu tư khắc khoải của
Chúa và của anh chị em để con biết an ủi, giúp đỡ.
Ngày mai táng Thầy
Giuđa có vẻ không hiểu được
thế nào là tình yêu. Anh phản bội Thầy mình cũng vì đồng tiền. Mong chúng ta biết
dùng tiền bạc để diễn tả tình yêu như cô Maria.
Suy
niệm:
Việc
Đức Giêsu làm cho anh Ladarô hoàn sinh đưa đến hai thái độ.
Thượng
Hội Đồng họp nhau lại và quyết định về cái chết của Đức Giêsu.
Còn
chị Maria, trong bài Tin Mừng này, lại như muốn chuẩn bị cho cái chết ấy.
Trong
bữa tiệc tại nhà của chị em Mácta, Maria, Ladarô, tại Bêtania,
Đức
Giêsu được mời như một vị khách, có cả môn đệ của Ngài nữa.
Bữa
ăn tối này là một cử chỉ diễn tả lòng kính trọng, yêu mến, và biết ơn
của
cả gia đình đang vui sướng trước sự trở lại từ nấm mồ của người thân yêu.
Ladarô
hẳn sẽ được ngồi gần Thầy Giêsu, Đấng thương mến anh (Ga 11,3),
Đấng
trả lại cho anh sự sống.
Chính
trong bữa ăn do chị Mácta phục vụ này,
cô
Maria đã làm một điều đặc biệt và rất bất ngờ.
Cô
đã xức lên chân Thầy Giêsu một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng,
khiến
cả nhà sực nức mùi hương.
Chúng
ta không hiểu tại sao cô xức chân Thầy thay vì đổ dầu thơm trên đầu.
Người
ta không xức dầu thơm lên chân một người còn sống,
nhưng
người ta có thể xức lên chân một người đã qua đời
để
chuẩn bị cho việc mai táng người ấy.
Cô
Maria không ngờ mình đã làm một hành vi có tính tiên tri về cái chết của Thầy,
như
trước đây thượng tế Caipha đã vô tình nói tiên tri về cái chết ấy (Ga 11, 51).
Cô
không ngờ việc xức dầu tối nay của mình là cử chỉ tượng trưng
cho
việc liệm xác Thầy Giêsu sau này của ông Nicôđêmô
với
một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương (Ga 19, 39).
Nhìn
cô Maria xức dầu, ta thấy cử chỉ trân trọng của cô đối với vị Thầy khả kính.
Cô
chấp nhận sự phí phạm này, vì tình yêu của cô đối với Thầy,
hay
đúng hơn, vì tình yêu quá lớn của Thầy đối với gia đình cô.
Cô
xức dầu mà không so đo tính toán.
Lượng
dầu quý giá được đổ ra chẳng là gì so với ân nghĩa của Thầy.
Nhưng
có người thấy khó chịu, đó là Giuđa Ítcariốt, một môn đệ của Thầy.
Anh
thấy tiếc vì lượng dầu thơm ấy thật đắt tiền,
có
giá bằng lương gần một năm của một công nhân.
“Tại
sao lại không bán dầu thơm ấy mà cho người nghèo ?”
Thầy
Giêsu bênh vực cho cô Maria khi nói lên ý nghĩa việc làm của cô.
Hành
vi chuẩn bị mai táng phải được đặt trên hành vi bố thí giúp người nghèo.
Hơn
nữa, “người nghèo thì lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”
Đức
Giêsu ám chỉ cái chết sắp đến của mình.
Giuđa
có vẻ không hiểu được thế nào là tình yêu.
Anh
là người giữ tiền của cả nhóm, nhưng lại thường ăn cắp để dùng riêng. (c. 6).
Có
thể đồng tiền đối với anh là quá lớn, lớn hơn cả tình yêu.
Anh
phản bội Thầy mình cũng vì đồng tiền (Mt 26, 15).
Mong
chúng ta biết dùng tiền bạc để diễn tả tình yêu như cô Maria.
Cầu
nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ
thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ
thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến
với Người trong mọi sự,
và
dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ
thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ
đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và
thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R.
Tagore)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21
THÁNG BA
Lòng
Cha Nhân Từ
Người
Cha bồn chồn ngóng đợi đứa con đi hoang của mình quay về. Ông động lòng thương
và thứ tha tất cả mọi lỗi lầm con mình đã phạm. Khi đứa con còn ở đàng xa, người
Cha đã nhận ra bóng anh, và ông động lòng thương. Ông chạy đến, ôm anh vào lòng
và hôn anh. Đứa con nói với Cha: “Lạy Cha, con đã lỗi phạm với trời và với Cha;
con không đáng được gọi là con của Cha nữa”
Nhưng
Cha ra lệnh cho các gia nhân: “Mau mang áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, đeo nhẫn
vào ngón tay cậu, xỏ giày vào chân cậu. Hãy hạ con bê béo để ăn mừng – vì con của
ta đây đã chết nhưng nay sống lại, đã mất nhưng nay được tìm thấy.”(Lc 15,20 –
24)
Thiên
Chúa đối xử với mỗi người chúng ta – là những tội nhân – với cùng một tình yêu
vô điều kiện như thế. Ngài động lòng thương chúng ta khi chúng ta quay lại với
Ngài bằng trái tim thống hối chân thành. Ngài tỏ cho chúng ta thấy Ngài có tấm
lòng từ phụ biết bao.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
21-3
Thứ
Hai Tuần Thánh
Is
42:1-7; Ga 12:1-11
Lời
Suy Niệm: “Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa
Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người liền nói: Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm
quan tiền mà cho người nghèo” (Ga 12,4).
Khởi
đầu Tuần Thánh. Giáo Hội mời gọi mọi tín hữu của mình, nghe lại câu chuyện: “Xức
dầu thơm tại Bê-ta-ni-a”. Để mỗi người tự xét nội tâm của mình trong cung cách
thờ phượng và yêu mến Thiên Chúa, cũng như thể hiện đức bác ái, nhất là đối với
những người nghèo khó luôn gần sát bên mình. Đồng thời cũng cần có đôi mắt sáng
suốt, chân thật, và khiêm tốn để biết nhìn thấy những công việc, cử chỉ và hành
động của những người đang phục vụ, làm việc thiện, để nhận ra sự chân thật; khỏi
phê phán sai lầm.
Lạy
Chúa Giêsu. Cô Maria đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quí giá xức
chân Chúa, rồi lấy tóc mà lau. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con
học theo tâm tình của cô Maria khi chiêm ngắm Chúa trong kinh nguyện hằng ngày.
Mạnh
Phương
21
Tháng Ba
Hãy Ðếm Những Vì Sao!
Trong
cuốn truyện thuộc loại tự thuật, một người cha ghi lại câu chuyện và những ý
nghĩ sau đây:
Một
đêm kia, trong lúc đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi bảo:
"Bố ơi, con sẽ đếm xem trên trời có mấy ngôi sao". Sau đó, tôi nghe
giọng nói êm đềm, dễ mến của con tôi bắt đầu đếm: 1, 2, 3, 4... rồi tôi chú tâm
vào việc đọc báo, không còn để ý đến những tiếng đếm của nó nữa. Ðến khi đọc
xong bài báo, tôi chú ý lắng tai và nghe tiếng đứa con gái tôi vẫn tiếp tục đếm:
223, 224. Ðếm đến đây nó ngừng lại quay sang tôi bảo: "Bố ơi, con không dè
trên trời có nhiều sao đến thế".
Nghe
con bình luận như trên, tôi chợt nhớ: Thỉnh thoảng tôi cũng thầm nói với Chúa:
"Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã nhận lãnh bao nhiêu ơn lành Chúa
ban". Và càng đếm hình như trái tim tôi càng cảm thấy thổn thức, không phải
vì âu sầu nhưng vì bị nhiều hồng ân đè nặng. Và tôi cũng thường bật lên lời
bình luận như đứa con gái của tôi: "Lạy Chúa, con không dè đời con có nhiều
ơn Chúa đến thế!"
Một
trang nhật ký kia cũng mang một nội dung tương tự như những tư tưởng trên: Nếu
có ai đưa tôi một đĩa đầy cát và bảo tôi tìm những mảnh sắt bé nhỏ nằm lẫn lộn
trên cát, thì với đôi mắt và những ngón tay, tôi khó có lòng tìm ra được những
mảnh sắt ấy. Nhưng với một thỏi nam châm tôi có thể dễ dàng và mau lẹ hút ra những
vụn sắt nhỏ li ti trộn lẫn trong cát.
Một
trái tim vô ân có thể so sánh với đôi mắt trần và những ngón tay vụng về của
tôi mò mẫm trên đống cát, không tìm ra những ơn lành Thiên Chúa ban. Nhưng với
một trái tim biết ơn, có thể so sánh với một thỏi nam châm, tôi có thể lướt
nhanh qua mỗi giây phút của một ngày sống và khám phá ra nhiều hồng ân của
Thiên Chúa, với một sự khác biệt là những mảnh sắt nhỏ trong đống cát của Thiên
Chúa là những vật quý giá hơn vàng.
Nhiều
người sống hời hợt nên thấy cuộc đời cũng như những biến cố xảy ra hằng ngày và
những cảnh vật chung quanh mang toàn đen tối và vô giá trị như đất cát. Nhưng với
những người sống có chiều sâu, các biến cố, những vật chung quanh, dầu tầm thường
nhỏ bé đến đâu cũng là dịp để họ suy niệm và dâng lời cảm tạ: Một nụ hoa hồng
chớm nở, những tia nắng trinh nguyên của một buổi sáng đẹp trời, một cái bắt
tay thông cảm, một cử chỉ tha thứ, một sự giúp đỡ nho nhỏ.
(Lẽ
Sống)
Lectio Divina: Gioan 12:1-11
Thứ Hai, 21 Tháng 3,
2016
Thứ Hai Tuần Thánh
1. Lời nguyện mở
đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con,
Chúa đã kêu gọi dân của Chúa
Hãy là tôi tớ cho nhau
Trong công lý và lòng xót thương.
Chúa đã chỉ cho chúng con thấy trong Đức
Giêsu, Con Một Chúa,
Việc phục vụ có ý nghĩa ra sao
Và chúng ta sẽ phải trả giá như thế nào.
Xin Chúa hãy đổ đầy thần khí Chúa Giêsu
trên chúng con,
Để chúng con cũng không chà đạp những kẻ
yếu đuối
Cũng không trấn áp những ai đang lần mò
trong bóng tối.
Xin Chúa hãy dạy cho chúng con biết phục
vụ và biết thương yêu
Với lòng trắc ẩn đối với những kẻ không
nơi nương tựa
Và tôn trọng những người cùng khốn và bé
mọn nhất,
Chúng con cầu xin cùng với Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng con.
2. Bài Tin Mừng
theo thánh Gioan 12:1-11
Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu
đến làng Bêtania, nơi Lagiarô đã chết và được Người cho sống lại. Tại đây
người ta dọn bữa cho Người ăn. Máctha hầu bàn. Còn Lagiarô cũng là
một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu
thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà
lau. Hương thơm tỏa đầy nhà. Một môn đệ là Giuđa Iscariốt, kẻ sẽ
phản nộp Người, liền nói: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà
cho người nghèo khó?”
Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho
người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt
xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: “Hãy để
mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người
nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi
đâu.”
Có đám đông người Do Thái biết Người
đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Lagiarô, kẻ
đã chết được Người cho sống lại. Thế là các thượng tế quyết định giết
luôn cả Lagiarô, vì tại ông mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ mà tin theo Chúa
Giêsu.
3. Suy gẫm
- Chúng
ta đã tiến vào Tuần Thánh, tuần lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu, về việc Người
phải bỏ thế gian này mà về với Chúa Cha (Ga 13:1). Phần Phụng Vụ hôm
nay đặt trước chúng ta đoạn mở đầu chương 12 của Tin Mừng theo thánh
Gioan, được dùng như là một nối kết giữa Sách các Dấu Lạ (các chương 1-11)
và Sách của sự Tôn Vinh (các chương 13-21). Tại cuối của “Sách các
Dấu Lạ” thấy có xuất hiện, rất rõ ràng sự căng thẳng giữa Chúa Giêsu và
các chức sắc tôn giáo đương thời (Ga 10:19-21, 39) và sự nguy hiểm mà Chúa
Giêsu đang phải đối mặt. Nhiều lần họ đã cố gắng giết Chúa (Ga
10:31; 11:8,53; 12:10). Đến nỗi mà hầu như Chúa Giêsu phải sống một
cuộc sống bí mật, bởi vì Người có thể bị bắt bất cứ lúc nào (Ga 10:40;
11:54).
- Ga
12:1-2: Chúa Giêsu bị bức hại bởi người Do Thái, Chúa đi đến làng
Bêtania. Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đã đi đến làng
Bêtania, đến nhà các bạn của Người là các bà Máctha và Maria và ông
Lagiarô. Bêtania có nghĩa là Nhà của Người Nghèo Khó. Các thủ
lãnh Do Thái đang lùng bắt Người (Ga 11:57). Họ muốn giết Chúa (Ga
11:50). Nhưng dù rằng giờ đây các thủ lãnh Do Thái đang đi lùng kiếm
Chúa Giêsu, các bà Maria, Máctha và ông Lagiarô đã đón tiếp Chúa vào trong
nhà của họ và mời Chúa dùng bữa. Bởi vì tình yêu thì chiến thắng
được sự sợ hãi.
- Ga
12:3: Bà Maria xức dầu chân Chúa Giêsu. Trong bữa ăn, bà Maria
xức chân Chúa Giêsu với một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng (xem Lc
7:36-50). Đó là một loại dầu thơm rất đắt tiền, đắt đến nỗi mà phải
mất ba trăm đồng mới mua được. Sau đó, bà lấy tóc mình mà lau chân
cho Chúa. Cả căn nhà ngào ngạt với hương của dầu thơm. Bà
Maria không nói điều gì trong toàn bộ câu chuyện này. Bà chỉ hành
động. Cử chỉ đầy biểu tượng tự nó đã nói lên điều muốn nói.
Trong việc rửa chân, bà Maria trở thành người phục vụ. Chúa Giêsu sẽ
lặp lại cử chỉ này trong Bữa Tiệc Ly (Ga 13:5).
- Ga
12:4-6: Phản ứng của Giuđa. Giuđa chỉ trích cử chỉ của bà
Maria. Hắn cho rằng đó là một sự lãng phí. Trong thực tế, ba
trăm đồng là tiền lương của ba trăm ngày làm việc! Tiền lương của
gần cả một năm được tiêu chỉ trong một lần! Giuđa nghĩ rằng số tiền
ấy nên đem cho người nghèo. Thánh Sử chú giải rằng Giuđa không hề lo
lắng cho người nghèo khó đâu, mà hắn ta là một tên trộm cắp. Họ có
một cái quỹ chung và hắn ta đã bớt xén tiền ở trong đó. Một lời lên
án mạnh mẽ về Giuđa. Lời lên án không phải vì y không quan tâm đến
người nghèo khó, mà là sự đạo đức giả lợi dụng người nghèo khó để tự quảng
cáo và làm giàu cho chính mình. Giuđa, trong lợi ích vị kỷ của hắn
ta, chỉ nghĩ về tiền bạc. Đây là lý do tại sao hắn ta đã không nhận
thức được những gì bà Maria đang nghĩ ở trong lòng. Chúa Giêsu đọc
được điều này và bênh vực bà Maria.
- Ga
12:7-8: Chúa Giêsu bênh vực người phụ nữ, Giuđa thì chỉ nghĩ đến
việc phí phạm và chỉ trích người phụ nữ. Chúa Giêsu nghĩ đến cử chỉ
và bênh vực người phụ nữ: “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về
ngày táng xác Ta!” Và Chúa Giêsu liền nói tiếp: “Vì các ngươi
sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp
Ta mãi đâu!” Trong hai người, ai là kẻ sống gần gũi với Chúa Giêsu
nhiều hơn: Giuđa hay bà Maria? Giuđa, người môn đệ, đã sống
cùng với Chúa Giêsu trong gần ba năm trời, hai mươi bốn giờ một
ngày. Y là một phần tử của nhóm. Bà Maria chỉ gặp Chúa một hay
hai lần một năm, vào dịp lễ lạc, khi Chúa Giêsu đi về Giêrusalem và ghé
thăm gia đình bà. Nhưng sống chung với nhau, mà không có tình yêu
thương thì không giúp cho chúng ta hiểu biết được người khác. Thay
vào đó, nó làm cho người ta mù quáng. Giuđa đã mù quáng. Nhiều
người sống chung với Đức Giêsu và thậm chí còn ca ngợi Người với nhiều bài
thánh ca, nhưng không thực sự biết Người và không mặc khải về Người (xem
Mt 7:21). Hai điều khẳng định của Chúa Giêsu đáng được nhận một lời
nhận xét tỉ mỉ hơn: (a) “Các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh
các ngươi” và (b) “Hãy để cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta”.
(a) “Các
ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi.” Có lẽ Chúa Giêsu muốn
nói rằng chúng ta không nên quan tâm đến người nghèo, có phải vì lý do trong
thực tế người nghèo sẽ luôn hiện hữu không? Hay phải chăng Người muốn nói
rằng sự nghèo đói là định mệnh đã được an bài bởi Thiên Chúa? Câu nói này
phải được hiểu như thế nào? Thời bấy giờ, người ta thuộc nằm lòng các
sách Cựu Ước. Chỉ cần Chúa Giêsu mới trích dẫn phần đầu một câu trong Cựu
Ước và người ta đã biết phần còn lại. Bắt đầu của câu như thế này:
“Trong đất nước của anh em sẽ không bao giờ thiếu người nghèo” (Đnl 15:11a).
Phần còn lại của câu mà người ta đã biết và Chúa Giêsu muốn nhắc nhở là như
sau: “Và đây là lý do tôi truyền cho anh em, hãy mở rộng tay giúp người
anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em!” (Đnl 15:11b).
Chiếu theo Lề Luật này, cộng đoàn phải tiếp đón người nghèo khó và chia sẻ của
cải của mình với họ. Thế nhưng, Giuđa thay vì “mở rộng tay để giúp cho
người nghèo” và chia sẻ của cải của hắn với người nghèo, thì hắn lại muốn làm
việc bác ái bằng tiền của người khác! Hắn muốn bán chai dầu thơm của bà
Maria lấy ba trăm đồng và dùng tiền ấy cho người nghèo. Chúa Giêsu trích
dẫn Lề Luật Thiên Chúa mà dạy ngược lại. Bất cứ ai, giống như Giuđa, phát
động một chiến dịch lấy tiền bán từ các của cải của kẻ khác thì không bị làm
phiền hoặc gặp rắc rối. Nhưng, những ai, giống như Chúa Giêsu, khẳng định
về bổn phận phải tiếp đón người nghèo và san sẻ của cải của mình với họ, thì bị
gặp khó khăn và có nguy cơ bị kết án.
(b) Ga
12:9-11: Đám đông và chính quyền. Là bạn của Chúa Giêsu có thể bị
nguy hại. Ông Lagiarô có nguy cơ bị tử vong vì đời sống mới nhận được từ
Chúa Giêsu. Người Do Thái đã quyết định ra tay giết ông ta. Lagiarô
còn sống là một bằng chứng sống động rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Đây
là lý do tại sao đám đông đang lùng kiếm ông, bởi vì người ta muốn thử nghiệm
chặt chẽ bằng chứng sống động về quyền năng của Chúa Giêsu. Một cộng đoàn
sống động có nguy cơ bị tiêu diệt bởi vì nó là bằng chứng sống của Tin Mừng
Thiên Chúa!
4. Một vài câu
hỏi gợi ý
a) Bà Maria đã bị
Giuđa hiểu nhầm. Bạn đã có bao giờ đôi khi bị hiểu nhầm chưa?
b) Đoạn Tin Mừng
này về bà Maria dạy cho chúng ta điều gì? Phản ứng của Giuđa nói cho
chúng ta những điều gì?
5. Lời Nguyện
Kết
CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của
tôi,
Tôi con sợ người nào?
CHÚA là thành lũy bảo vệ đời tôi,
Tôi khiếp gì ai nữa?
(Tv 27:1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét