Trang

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

29-03-2016 : THỨ BA - TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

29/03/2016
Thứ ba tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH


Bài Ðọc I: Cv 2, 36-41
"Anh em hãy ăn năn sám hối và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Kitô".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô nói với những người Do-thái rằng: "Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết rằng: Thiên Chúa đã tôn Ðức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Ðấng Kitô". Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: "Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?" Phêrô nói với họ: "Anh em hãy ăn năn sắm hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em sẽ nhận lãnh Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến!"
Phêrô còn minh chứng bằng nhiều lời khác nữa, và khuyên bảo họ rằng: "Anh em hãy cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này". Vậy những kẻ chấp nhận lời ngài giảng đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22
Ðáp: Ðịa cầu đầy ân sủng Chúa (c. 5b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Ðáp.
2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Ðáp.
3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. - Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 8
Alleluia, alleluia! - Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để ở cùng các con luôn mãi. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 11-18
"Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni!" (nghĩa là "Lạy Thầy!"). Chúa Giêsu bảo bà: "Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".
Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Tôi Ðã Xem Thấy Chúa Phục Sinh
Trong thời gian sống tại thành phố Paris, thi sĩ Viler Maria thường có thói quen đi bách bộ vào mỗi buổi chiều. Dọc theo lối đi của thi sĩ có một bà già ngày ngày ngồi ăn xin. Bà ta ngồi đó âm thầm câm nín, dáng vẻ trơ trơ không cảm xúc, ngay cả khi nhận quà bố thí bà cũng chẳng biểu lộ một dấu hiệu biết ơn nào.
Ngày kia, thi sĩ đi bách bộ với người bạn gái trẻ, cô ta quá đỗi ngạc nhiên khi thấy thi sĩ đi ngang qua chỗ ngồi của bà già ăn xin mà chẳng cho bà chút gì. Ðọc được tư tưởng của bạn gái, nhà thơ trả lời: "Quà tặng phải đưa vào tận con tim, chứ không phải chỉ đưa bằng đôi tay".
Qua ngày hôm sau, thi sĩ đến chỗ hẹn với đóa hồng vừa hé nở trên tay. Dĩ nhiên cô gái nghĩ rằng đóa hồng đó dành riêng cho cô, lòng cô rộn lên với tư tưởng: "Ôi! Thi sĩ quá quan tâm đến mình biết bao". Nhưng không. Thi sĩ đã đến trao đóa hồng đó vào đôi tay gầy guộc của bà già ăn xin và rồi sự lạ đã xảy ra là bà già bấy lâu trơ trơ như khúc gỗ giờ đây đã hồi sinh. Bà vội vàng đứng dậy, bước tới cầm tay thi sĩ và hôn lên đôi tay của thi sĩ. Rồi với cử chỉ nâng niu, bà ôm chặt lấy đóa hoa hồng vào lòng và thanh thản bước đi.
Suốt một tuần qua đi, bà mới trở lại chỗ ngồi ăn xin hằng ngày cùng với vẻ câm nín và vô hồn như trước kia. Người bạn gái hỏi thi sĩ xem suốt tuần qua không xin ăn thì bà sống bằng gì. Thi sĩ trả lời: "Bà sống bằng đóa hoa hồng".
Anh chị em thân mến!
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan cũng thuật lại cho chúng ta câu truyện của một người đàn bà đang u buồn tuyệt vọng, nhưng bỗng nhiên nhận được món quà trao tận con tim, một niềm vui không gì đo lường được, đó là niềm vui của Tin Mừng Phục Sinh.
Ðọc lại đoạn Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy sự tuyệt vọng của Maria Madalena lúc này đến mức nào. Theo Chúa Giêsu và các môn đệ trên đường rao giảng Tin Mừng, chắc chắn bà đã nghe nói, đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa Giêsu đã làm, từ việc chữa lành bệnh tật cho đến việc làm cho kẻ chết sống lại, từ việc khiến gió biển im lặng cho đến chuyện hóa bánh ra nhiều.
Thế nhưng, tất cả đều sụp đổ khi bà đếm từng vết máu và mồ hôi loang vãi trên đường tử nạn, khi theo dõi từng hơi thở thoi thóp của Chúa Giêsu trên Thập Giá, hay khi xác Ngài được mai táng trong mồ, và hôm nay cả đến thân xác cũng bị đánh cắp mất, chẳng còn gì hy vọng nữa. Như vậy, tất cả chỉ là tuyệt vọng, Nhưng chính trong tận cùng của sự tuyệt vọng ấy, chính trong thử thách mịt mù ấy, bà đã được tặng ban một món quà không phải trên đôi tay, nhưng món quà ấy được trao tặng vào chính con tim của bà. Ðó là bà được thấy Chúa Kitô Phục Sinh và Ngài đã gọi tên bà một cách thân mật, ngọt ngào.
"Gọi tên" đó là một dấu chỉ thân mật giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, giữa những người mục tử tốt lành và đoàn chiên. Người mục tử tốt lành nhận biết từng con chiên của mình, và Ngài gọi tên từng con chiên một và cho chúng vào hưởng niềm no thỏa trong đồng cỏ xanh tươi. Không chỉ riêng Madalena, nhưng mỗi người Kitô hữu đều được tặng ban món quà này. Lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy là họ đã được gọi tên, được đổi mới, được nâng lên hàng con cái dấu yêu của Thiên Chúa, được thông phần vào sức sống Phục Sinh trong nhiệm thể Ðức Kitô.
Sư sống Phục Sinh này không phải chỉ là một đóa hồng tạm bợ, chỉ hồi sinh con người trong thời gian ngắn ngủi, nhưng là đóa hồng vĩnh cửu có thể cho con người sống đúng địa vị làm người, làm con Thiên Chúa đến muôn đời. Con người chỉ trở nên buồn thảm, câm nín là vô hồn khi họ không biết nâng niu, quí chuộng mà bỏ xa sự sống Phục Sinh của Ðức Kitô.
Lạy Chúa, nếu tội lỗi làm cho con vô cảm, u buồn, tuyệt vọng, thì xin cho con được luôn nhớ rằng: Chúa đang đứng bên con và đang gọi tên con. Con không nhận thấy, không nghe biết vì con không nhiệt tâm yêu mến, tìm kiếm như thánh nữ Maria Madalena. Biết kiếm tìm trong tinh thần yêu mến chắc chắn con sẽ không thất vọng vì Chúa đang ở bên con, đang đợi chờ con.
Veritas Asia


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần I BNPS
Bài đọc: Acts 2:36-41; Jn 20:11-18.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tôi đã tìm thấy Chúa.
Đã mang thân phận con người, ai cũng có lầm lỡ. Thiên Chúa biết điều đó; vì thế, Ngài không chấp tội con người. Ngài không muốn con người phải chết trong tội, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống. Điều quan trọng là con người phải nhận ra những lầm lỡ của mình; đồng thời phải biết làm gì để đền bù những tội lỗi đó.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc đi tìm và nhận ra Chúa. Trong Bài Đọc I, nhờ sự rao giảng của Phêrô, 3,000 người Do-thái đã nhận ra tội lỗi của mình và trở về với Thiên Chúa qua việc lãnh nhận Phép Rửa. Trong Phúc Âm, Bà Mary Magdala, người đã tìm thấy Chúa khi Ngài còn sống; và đã tìm thấy Chúa sau khi Ngài sống lại.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng tôi phải làm gì?
1.1/ Thiên Chúa không chấp tội con người: Giết người vô tội đã là tội nặng, giết Con Thiên Chúa, Đấng yêu thương và lo lắng cho con người, là tội vô cùng nặng nề. Phêrô mở mắt cho người Do-thái nhận ra họ đã lầm khi kết án Chúa Giêsu Kitô: “Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.”
Thiên Chúa sẽ đối xử thế nào với những ai vào hùa giết con của Ngài? Đây là câu hỏi mà chính Chúa Giêsu đã đặt ra cho họ trong ví dụ các tá điền được cho mướn đất làm vườn nho. Họ trả lời: “Ông chủ sẽ tru diệt chúng và giao vườn nho cho những ai biết sinh lợi.” Khi nhận ra tội của mình, người Do-thái đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?"
1.2/ Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng: Đối với loài người, sẽ không có cơ hội thứ hai cho những người giết con Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, Ngài cho họ có cơ hội thứ hai như Phêrô tuyên bố hôm nay: Họ phải làm hai việc:
(1) Lãnh nhận Phép Rửa: "Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi."
(2) Tránh xa thế hệ gian tà: Ông Phêrô khuyên nhủ họ: "Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ." Để bước theo đường lối của Thiên Chúa, con người cần tránh xa những sự sai lầm, giả trá, và biết sống theo sự thật. Chính sự sai lầm và không sống theo sự thật, những nhà lãnh đạo Do-thái đã luận tội Con Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Cuộc hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Bà Mary Magdala
2.1/ Mary Magdala tiếp tục tìm xác Chúa: Trình thuật này tiếp tục trình thuật Bà chạy về báo tin cho các môn đệ, và Phêrô cùng Gioan đã chạy ra mộ và chạy về. Bà vẫn quanh quẩn bên mộ Chúa vì thương mến, và có lẽ vì tội nghiệp Chúa đã phải chịu cái chết đau khổ như thế, mà giờ đây vẫn chưa hết đau khổ, vì con người vẫn chưa tha cho xác chết của Ngài.
(1) Mary thấy sứ thần Thiên Chúa, nhưng không nhận ra họ: Bà đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!"
(2) Mary nghe tiếng Chúa và nhìn thấy Chúa, nhưng không nhận ra Chúa: Đức Giêsu nói với bà: "Này Bà! sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà tưởng Chúa là người làm vườn, và nghĩ có thể ông đã lấy xác Chúa, liền nói với ông: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”
2.2/ Mary Magdala nhận ra Chúa Giêsu.
(1) Nhận ra Thiên Chúa không bằng những gì nghe và thấy bên ngoài, vì Bà đã nghe và thấy Chúa như trình bày ở trên; nhưng bằng sự rung động từ trong trí óc và con tim. Thánh sử Gioan mô tả phút giây hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Mary Magdala thật ngắn ngủi, nhưng vô cùng tuyệt vời. Đức Giêsu gọi bà: "Mary!" Bà quay lại và nói bằng tiếng Do-thái: "Rabbouni!" Chỉ có hai con tim đang yêu mới hiểu được ý nghĩa tuyệt vời của hai tiếng gọi này. Sự kiện Chúa gọi tên Bà gợi lại cho bà nhiều điều: Chúa đang sống, Ngài nhận ra Bà, Ngài hiểu sự đau khổ của Bà, và Ngài yêu thương Bà. Nhận ra tiếng gọi thân thương của người mình yêu mến trong khi đang tuyệt vọng đi tìm, còn gì xúc động và vui mừng hơn, Bà quay lại để nhìn Chúa. Khi nhận ra Chúa, bà chạy đến, gieo mình xuống ôm chân Ngài, và sung sướng kêu lên “Thầy của con.”
(2) Yêu Chúa không phải giữ chặt Chúa, nhưng làm theo những gì Ngài muốn: Hành động của Mary Magdala như thầm nói với Chúa: “Con sẽ không để Thầy xa con nữa.” Nhưng Đức Giêsu bảo bà: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.""
Khác với tình yêu con người, khi con người yêu ai, họ muốn giữ người họ yêu làm của riêng cho mình; tình yêu Thiên Chúa đòi con người tiếp tục cho Chúa đi, chứ không giữ Chúa lại làm của riêng cho mình. Con người tìm thấy niềm vui khi nhìn thấy mọi người yêu Chúa. Chúa Giêsu muốn bảo Mary: Nếu con thương Thầy, hãy làm cho nhiều người nhận biết Thầy! Thầy còn nhiều anh, chị, em mà con phải mang tin mừng đến cho họ.
(3) Bà Mary Magdala đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa!" và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. Một khi đã tìm thấy và cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, con người trở thành kẻ hát rong, ca ngợi tình yêu Thiên Chúa cho mọi người được biết. Cuộc đời không còn gì lôi cuốn được người có tình yêu Thiên Chúa; họ sẽ không đánh đổi tình yêu này cho bất cứ điều gì. Chỉ có tình yêu này mới có sức mạnh đủ để họ làm chứng cho Chúa giữa bao nghịch cảnh: bắt bớ, roi đòn, tù đày, gươm giáo, và ngay cả cái chết.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hãy tìm Chúa! Ngài sẽ cho gặp; nhưng gặp lúc nào và khi nào là hoàn toàn do ý của Thiên Chúa.
- Thiên Chúa ở ngay trong tâm hồn con người, như thánh Augustine thú nhận: “Ngài luôn ở bên con, thế mà con vất vả tìm Ngài khắp nơi.”
- Khi đã tìm được Chúa, chúng ta không thể ích kỷ giữ Ngài cho mình chúng ta; nhưng phải chia sẻ cho mọi người để tất cả đều tìm thấy và tin tưởng nơi Ngài. 
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

29/03/16 THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 20,11-18

Suy niệm: Khi nói “sống đạo hai chiều”, không có ý nói “bắt cá hai tay”. Hai chiều ở đây là chiều dọc và chiều ngang. Chiều dọc là tương quan giữa ta với Chúa; chiều ngang là mối liên hệ với anh chị em. Đạo Công giáo vừa dạy ta mến Chúa, vừa dạy ta yêu người. Mến Chúa mà không yêu người thì chưa đủ; ngược lại, yêu người mà quên mến Chúa thì cũng không xong. Chị Ma-ri-a Mác-đa-la yêu Chúa lắm. Vừa nhận ra Chúa phục sinh, chị vui mừng, muốn ôm chân Chúa, giữ  Chúa lại cho mình. Mối tương quan hàng dọc của chị thật là tuyệt vời. Nhưng Chúa muốn chị quay sang mối tương quan hàng ngang. Đã gặp được Chúa, bây giờ chị phải đến với anh em để báo tin vui Chúa đã phục sinh và “lên cùng Cha của Thầy (hàng dọc), cũng là Cha của anh em (hàng ngang)”. Chị đã làm như vậy, và người ta gọi chị là “Tông đồ của các tông đồ”.
Mời Bạn: Khi làm dấu Thánh Giá ta vẽ trên mình hai vạch dọc và ngang, nhắc ta sống đạo phải có hai chiều, không thể thiếu mất một, nếu vậy chưa thành dấu Thánh Giá, chưa là sống đạo. Tôi đã ý thức hai chiều kích căn bản này của việc sống đạo chưa?
Chia sẻ: Người ta thường bảo người tín hữu Việt Nam sống đạo với Chúa (hàng dọc) rất tốt, nhưng sống đạo với anh em (hàng ngang) chưa tốt: đi lễ đông, đọc kinh, xưng tội, rước lễ nhiều, nhưng thiếu đức bác ái với người khác... Bạn nghĩ thế nào?
Cầu nguyện: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người...”

Tôi đã thấy Chúa
Thấy Chúa và nghe được Chúa nói: đó là ước mơ của chúng ta trong cầu nguyện. Nhưng đừng quên Maria đã yêu cách nồng nhiệt và can đảm và đã đau khổ tìm kiếm Thầy Giêsu. 


Suy nim:
Maria Mácđala là con người yêu mến.
Theo Tin Mừng Gioan, bà đã theo Thầy Giêsu đến tận Đồi Sọ,
đã đứng gần thập giá và chứng kiến cái chết của Thầy (Ga 19, 25).
Hầu chắc bà đã tham dự cuộc mai táng Thầy và biết vị trí của ngôi mộ.
Hơn nữa, bà là nguời ra mộ sớm nhất vào ngày thứ nhất trong tuần.
Rồi bà chạy về báo tin cho các môn đệ về chuyện xác Thầy không còn đó (20, 1-2).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy bà lại có mặt ở ngoài mộ lần nữa (c. 11).
Ngôi mộ như có sức giữ chân bà.
Chỉ tình yêu mới giải thích được điều đó.
Maria là con người tìm kiếm.
Đấng phục sinh hỏi bà: “Bà tìm ai?” (c. 15).
Bà chỉ có một mối quan tâm duy nhất, đó là tìm lại được xác Chúa của bà.
Bà đã nói với Phêrô: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ,
và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (20, 2).
Bà đã nói với vị thiên thần ngồi trong mộ điệp khúc tương tự:
“Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu” (c. 13).
Khi gặp Thầy Giêsu, bà tưởng là người làm vườn, nên cũng nói:
“Nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết
ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về (c. 15).
Đối với Maria, mất xác Thầy là mất chính Thầy,
nên bà cứ bị ám ảnh bởi chuyện người ta để Người ở đâu.
Maria là con người đau khổ.
Bà đã khóc nhiều từ khi xác Thầy không còn đó.
Cả thiên thần và Đức Giêsu đều hỏi bà cùng một câu hỏi: “Tại sao bà khóc?”
Ai sẽ là người lau khô nước mắt của bà Maria Macđala?
Ai sẽ là người giúp bà tìm thấy điều bà tìm kiếm?
Đức Giêsu phục sinh đến gặp bà dưới dạng một người làm vườn.
Thậm chí bà nghi ngờ ông này có dính dáng đến chuyện mất xác Thầy.
“Maria”: Đức Giêsu gọi tên bà với một cung giọng quen thuộc.
Bây giờ bà mới nhận ra Thầy và reo lên: “Rabbouni!”
Có những lời của Đức Giêsu được thực hiện.
“Ai tìm thì sẽ thấy”, “Ai khóc lóc sẽ được vui cười”.
Maria đi tìm xác Thầy, nhưng bà đã gặp được một điều quý hơn nhiều,
đó là chính Thầy đang sống.
Maria đã khóc lóc, nhưng niềm vui bà gặp được lớn hơn nhiều.
Chẳng có giọt nước mắt nào là vô ích trước mặt Thiên Chúa.
Hãy nếm niềm vui bất ngờ của Maria.
Bà được Chúa sai đến với các môn đệ, cũng là anh em của Ngài.
Bà gói ghém kinh nghiệm bà mới trải qua trong một câu đơn giản:
“Tôi đã thấy Chúa!” và Chúa đã nói với tôi (c. 18).
Chúng ta không thể nào làm chứng cho Chúa Giêsu nếu không có kinh nghiệm này.
Thấy Chúa và nghe được Chúa nói: đó là ước mơ của chúng ta trong cầu nguyện.
Nhưng đừng quên Maria đã yêu cách nồng nhiệt và can đảm
và đã đau khổ tìm kiếm Thầy Giêsu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.

Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.

Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.

Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.

Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

29 Tháng Ba
Khúc Nhạc Tuyệt Vời

Một đêm kia, ông Paganini, một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng vào thế kỷ 19 bước ra sân khấu và chỉ khám phá nhạc khí ông đang cầm trên tay có cái gì bất bình thường sau khi những tràng pháo tay của khán giả ngưỡng mộ ông nổi lên vang dậy và chấm dứt. Nhìn kỹ lại chiếc đàn lần thứ hai, nhạc sĩ Paganini mới nhận thấy đây không phải là cây vĩ cầm tuyệt hảo quen thuộc đã đưa ông lên đài danh vọng.
Ông đứng bất động trong giây phút, rồi bắt buộc phải lên tiếng xin lỗi khán giả đang nóng lòng chờ đợi nghe những điệu nhạc tuyệt diệu của ông. Paganini giải thích: "Vì lý do kỹ thuật, xin quý vị vui lòng chờ đợi trong giây phút vì tôi đã lấy lộn cây đàn". Cáo lỗi xong, Paganini lách mình sau bức màn sân khấu và yên trí là cây đàn bất hủ của mình vẫn nằm nơi ông đã đặt nó. Nhưng ông không khỏi bàng hoàng khi nhận ra là có người đã đánh cắp nhạc khí quý giá của ông khỏi thùng đàn và đã đặt một cây đàn rẻ tiền khác thay thế vào. Nhạc sĩ Paganini đứng yên như bức tượng một hồi lâu rồi như một ý nghĩ gì lóe lên trong trí óc, ông cương quyết cầm cây đàn tầm thường bị đánh tráo trở lại sân khấu và lớn tiếng tuyên bố:
"Kính thưa quý vị, ai đó đã đánh cắp cây đàn quý giá của tôi, nhưng trong buổi trình diễn này, tôi muốn chứng minh cùng quý vị là: vẻ đẹp và cái tinh túy của nhạc không nằm trong nhạc khí, nhưng nằm trong tâm hồn của nhạc sĩ".
Nói xong, nhạc sĩ tài ba bắt đầu dạo nhạc và từ cây vĩ đàn tầm thường ông đã say sưa trình diễn những khúc nhạc tuyệt vời tưởng chừng như bất tận, cho đến khi khán giả say mê ngây ngất, đã đứng dậy vỗ tay tán thưởng vang dậy vì ông Paganini đã thật sự chứng minh với họ là: Tinh thần nhạc không tùy thuộc ở trong nhạc khí nhưng hàm ẩn trong tâm hồn của nhạc sĩ.
Ðây cũng là sứ mệnh của các tín hữu Kitô: Hằng ngày sau một giấc ngủ yên, họ bừng chỗi dậy để ra sân khấu cuộc đời trình diễn khúc nhạc: "Thiên Chúa là Tình Yêu". Gặp thời kỳ thuận tiện hay bất lợi, gặp môi trường sinh sống xứng hợp với khúc nhạc hay không, gặp những người chung sống có chấp nhận hay từ chối, cuộc sống của người Kitô hữu phải chứng minh rằng: Khúc nhạc "Thiên Chúa là Tình Yêu" không thể bị lệ thuộc vào những hoàn cảnh, vào những môi trường sinh sống bên ngoài, nhưng phải là khúc nhạc xuất phát từ tâm hồn như những điệu nhạc tuyệt vời của nhạc sĩ Paganini không bị lệ thuộc vào nhạc khí, nhưng đã xuất phát từ tâm hồn điêu luyện say mê âm nhạc của ông.
Lẽ Sống

Lectio Divina: Gioan 20:11-18
Thứ Ba, 29 Tháng 3, 2016
Thứ Ba trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh       


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Thiên Chúa hằng sống của chúng con,
Chúng con tuyên xưng đức tin trong Chúa Giêsu
Và nhận biết Người là Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng con.
Xin hãy cho chúng con biết lắng nghe Người
Khi Người nói với chúng con về Tin Mừng của Người
Bởi vì đó là sứ điệp của sự sống.
Nguyện xin cho chúng con cũng nghe thấy tiếng Người
Khi Chúa kêu cầu với chúng con qua những kẻ cần giúp đỡ
Hay chỉ đơn giản là lúc Người nói với chúng con
Trong những người muốn bày tỏ với chúng con
Về niềm hân hoan và hy vọng của họ, tình yêu và đức tin của họ.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

2.  Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 20:11-18

Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc.  Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phái đàng chân.  Hai vị hỏi:  “Tại sao bà khóc?”  Bà trả lời:  “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu!” 
Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó.  Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu hỏi:  “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?”  Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa:  “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết, ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người.”  Chúa Giêsu gọi:  “Maria”.  Quay mặt lại, bà thưa Người:  “Rabboni,” nghĩa là “Lạy Thầy.”  Chúa Giêsu bảo bà:  “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta.  Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng:  Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cung Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con.” 
Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng:  “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy.”

3.  Suy Niệm

-  Bài Tin Mừng hôm nay mô tả việc hiện ra của Chúa Giêsu với bà Maria Mađalêna.  Cái chết của người bạn tuyệt vời của bà khiến cho Maria mất hết ý nghĩa của cuộc sống.  Nhưng bà vẫn không ngừng việc đi tìm kiếm.  Bà đi ra mộ để gặp lại Đấng mà đã bị cái chết lấy mất.  Có những khoảnh khắc trong đời sống chúng ta mà trong đó mọi việc đều sụp đổ.  Tất cả mọi việc dường như đã kết thúc.  Cái chết, thiên tai, nỗi đau đớn và sự khổ đau, tâm trạng vỡ mộng, sự phản bội!  Rất nhiều điều khiến chúng ta cảm thấy được trong bầu không khí, chới với và có thể dẫn đưa chúng ta vào cuộc khủng hoảng trầm trọng.  Nhưng những điều khác cũng xảy ra.  Ví dụ, đột nhiên chúng ta gặp lại một người bạn và người này có thể cho chúng ta một niềm hy vọng mới và có thể khiến cho chúng ta khám phá ra rằng tình yêu thì mạnh mẽ hơn cái chết và sự thất bại.   
-  Chương 20 của Tin Mừng Gioan, bên cạnh các lần hiện ra của Chúa Giêsu với bà Maria Mađalêna, nó cũng cho biết những câu chuyện khác nhau mặc khải sự phong phú, cho thấy sự dồi dào của kinh nghiệm về sự Phục Sinh:  (a)  với người môn đệ Chúa yêu và với ông Phêrô (Ga 20:1-10); với bà Mađalêna (Ga 20:11-18); (c) với cộng đoàn các môn đệ (Ga 20:19-23) và (d) với Thánh Tôma Tông Đồ (Ga 20:24-29).  Mục đích việc viết sách Tin Mừng là để hướng dẫn người ta tin tưởng vào Chúa Giêsu, và nhờ tin vào Ngài, mà được sự sống (Ga 20:30-31)
-  Trong cách mô tả việc hiện ra của Chúa Giêsu với bà Maria Mađalêna, ta cảm nghiệm và nhận thức được các giai đoạn khác nhau của con đường mà bà đã phải trải qua, đoạn đường kiếm tìm đầy sầu bi cho đến thời điểm cuộc gặp gỡ vào lễ Phục Sinh.  Đây cũng là những giai đoạn mà tất cả chúng ta phải vượt qua, trong suốt cuộc đời mình, tìm kiếm Thiên Chúa và sống theo Tin Mừng.  
-  Ga 20:11-13:  Bà Maria Mađalêna than khóc, nhưng bà đang tìm kiếm.  Có một tình yêu rất mãnh liệt giữa Chúa Giêsu và bà Maria Mađalêna.  Bà là một trong số ít người có can đảm đã ở lại với Chúa cho đến giờ Người sinh thì trên Thập Giá.  Sau khi bị buộc phải nghỉ ngơi vào ngày thứ Bảy, bà trở lại mồ để được ở tại nơi mà bà đã trông thấy người Thầy Yêu Dấu lần cuối cùng.  Nhưng, lạ thay, ngôi mộ trống!  Các thiên thần hỏi bà:  “Này bà, tại sao bà khóc?”  Và câu trả lời của bà là:  “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu!”  Bà Maria Mađalêna đã đi tìm Chúa Giêsu; Chúa Giêsu mà bà đã quen biết trong ba năm.
-  Ga 20:14-15:  Bà Maria Mađalêna nói chuyện với Chúa Giêsu mà không biết đó là Người.  Các môn đệ trên đường Emmau đã trông thấy Chúa Giêsu mà các ông đã không nhận ra Người.  Bà nghĩ rằng đó là người làm vườn.  Và cũng giống như các thiên thần đã làm, Chúa Giêsu cũng hỏi:  “Tại sao bà khóc?” và Người hỏi thêm:  “Bà tìm ai?”  Câu trả lời là:  “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết, ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người.”  Bà vẫn còn đang tìm kiếm Chúa Giêsu trong quá khứ, Đấng của ba ngày trước đó.  Và vì chính hình ảnh Chúa Giêsu trong quá khứ ấy đã ngăn cản bà không nhận ra được Chúa Giêsu hằng sống, Đấng đang hiện diện trước mặt bà.
-  Ga 20:16:  Bà Maria Mađalêna nhận ra Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu gọi tên bà:  “Maria!”  Đây là dấu hiệu để nhận ra Người:  cùng một giọng nói, cùng một cách gọi tên.  Bà thưa lại:  “Lạy Thầy!”  Chúa Giêsu đã trở lại với hình hài cũ, giống như lúc Người đã chết trên cây thập giá.  Ấn tượng đầu tiên là cái chết chỉ là một sự việc đau đớn trên cuộc hành trình, nhưng giờ đây tất cả đã trở lại như cũ.  Bà Maria ôm lấy chân Chúa Giêsu.  Người chính là Chúa Giêsu mà bà đã biết và yêu mến.  Và vì thế, đã ứng nghiệm những gì mà dụ ngôn Vị Mục Tử Tốt Lành đã được nói đến:  “Anh ta gọi tên từng con và chúng nhận biết tiếng anh ấy.”  “Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta” (Ga 10:3, 4, 14).
-  Ga 20:17-18:  Bà Maria Mađalêna nhận lãnh sứ mạng đi loan báo sự phục sinh cho các Tông Đồ.  Trong thực tế, giống như Chúa Giêsu, cách mà được ở cùng với bà không còn giống như trước nữa.  Chúa Giêsu bảo bà:  “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta!”  Người về cùng Chúa Cha.  Bà Maria Mađalêna phải để cho Chúa Giêsu đi và bà lãnh nhận sứ vụ của mình:  đi loan báo với các anh em biết rằng Người, Chúa Giêsu, đã về cùng với Chúa Cha.  Chúa Giêsu đã mở ra con đường cho chúng ta và do đó, một lần nữa, Thiên Chúa ở gần kề chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

-  Bạn đã có từng kinh nghiệm với ấn tượng về sự mất mát và cái chết chưa?  Nó như thế nào?  Ấn tượng mà đã cho bạn cuộc sống mới, cho bạn hy vọng và niềm vui của cuộc sống là gì?
 Sự thay đổi đã xảy ra trong lòng bà Maria Mađalêna trong suốt cuộc đối thoại là gì?  Bà Maria Mađalêna đã đi tìm kiếm Chúa Giêsu theo một cách và đã tìm thấy người trong một cách khác.  Điều này xảy ra trong đời sống của chúng ta như thế nào?

5.  Lời nguyện kết

Tâm hồn chúng tôi đợi trông CHÚA,
Bởi Người luôn che chở phù trì.
Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ,
Vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh.
Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy CHÚA,
Như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
(Tv 33:20-22)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét