Trang

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

04-01-2017 : THỨ TƯ TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

04/01/2017
Thứ Tư trước lễ Hiển Linh.

Bài Ðọc I: 1 Ga 3, 7-10
"Người ấy không phạm tội được, vì đã sinh ra bởi Thiên Chúa".
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Gioan Tông Ðồ.
Hỡi các con bé nhỏ, đừng để ai lừa gạt các con.
Ai thi hành sự công chính là người công chính, cũng như chính Người là Ðấng công chính.
Ai phạm tội thì bởi qủy mà ra, vì qủy là kẻ phạm tội từ ban đầu.
Con Thiên Chúa đã xuất hiện để phá hủy công việc của ma qủy.
Bất cứ ai đã sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, vì mầm giống của Người ở trong kẻ ấy.
Kẻ ấy không phạm tội được, vì đã bởi Thiên Chúa mà sinh ra.
Do đó, mà nhận ra được con của Thiên Chúa và con cái ma quỷ.
Bất cứ ai không phải là người công chính, và không thương yêu anh em mình, thì không bởi Thiên Chúa mà ra.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv. 97,7-8,9
Ðáp: Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. (3c)
Xướng 1) Hãy gầm lên, biển cả và mọi vật dưới biển, cả vũ trụ với vạn vật dân cư. Sông ngòi, hãy vổ tay mừng, núi non, hãy đồng nhảy mừng. - Ðáp.
2) Trước mặt Thiên Chúa, vì Người ngự đến, vì Người ngự đến thống trị địa cầu, Người thống trị địa cầu cách công minh, Người thống trị muôn dân cách chính trực. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, Alleluia. - Thủa xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà nói với cha ông, nhưng đến thời sau hết, Người đã nói nơi Chúa Con. Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1,35-42
"Chúng tôi đã gặp Ðấng Cứu Thế".
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa.
Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: "Các ngươi tìm gì?"
Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?"
Người đáp: "Hãy đến mà xem".
Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.
Anrê, em ông Simon Phêrô, một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu.
Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô".
Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá".
Ðó là Lời Chúa.


Suy Niệm: Chúng Tôi Ðã Gặp Ðấng Cứu Thế
Nhìn nhận khả năng của người khác đó là một điều mà ít ai trong chúng ta cũng muốn. Việt Nam chúng ta thường nói: "Mỗi người có một ông quan trong bụng". Ai cũng muốn mình hơn kẻ khác, nổi hơn và trội hơn kẻ khác nhiều, ít ai chịu lép vế, chịu thua kẻ khác. Tự cao tự đại, ưa chỉ tay năm ngón, đó là thói thường của con người.
Kiêu ngạo là tội đứng đầu trong bảy mối tội đầu. Có lẽ người ta thấy tội kiêu ngạo là đầu dây mối nhợ sinh ra mọi tội lỗi khác. Tự đưa mình lên cao, không xem ai ra gì và theo như câu nói dân gian của người Việt Nam: "Coi trời bằng vung" hay "coi trời bằng ngọn rau má" là thế. Tâm trạng đó làm cho con người khó chấp nhận nhau về khả năng, về tài khiếu hơn thua.
Bài Tin Mừng hôm nay nói việc thánh Gioan Tẩy Giả cũng có những môn đệ tìm theo học hỏi và muốn tôn ông làm thầy, ít ra là phải hai hoặc ba người, vì sách ghi rằng: "Gioan đang đứng và nói chuyện với hai trong nhóm môn đệ của ông", chứng tỏ là Gioan cũng có nhiều môn đệ khác nữa ngoài hai người đó.
Và tâm trạng chung khi một người có nhiều môn đệ đi theo thì không muốn một môn đệ nào của mình bỏ mình đi mà theo một người khác. Lý do đó có thể là mình kém tài giỏi, đạo đức hơn người kia chăng? Sự việc đó phải chăng đã làm mất sĩ diện cho mình? Vậy mà chúng ta thấy Gioan không nghĩ đến điều đó, ông vẫn chỉ cho các môn đệ của mình về Chúa Giêsu: "Ðây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ của Gioan nghe nói liền đi theo Chúa Giêsu nhưng Gioan cũng không ngăn cản hai môn đệ mình, vì ông đã thấy sự thật nơi Chúa Giêsu là Con Thên Chúa, là Ðấng ông loan báo, Ðấng cứu chuộc tội lỗi nhân loại. Ông không mê hoặc người khác để cho họ nhắm mắt theo ông nhưng ông chỉ cho người khác thấy sự thật, thấy chân lý, thấy Ðấng Cứu Thế.
Mỗi người trong chúng ta đôi lúc cũng có thái độ ngược hẳn lại: theo Chúa, tuân giữ luật Chúa, đôi lúc chúng ta muốn người khác nhìn vào và khen chúng ta là ngưòi đàng hoàng, tốt lành, đạo đức và chúng ta hãnh diện vì điều đó. Như thế chúng ta đã che mất hình ảnh của Thiên Chúa trong chúng ta, người khác tìm đến chúng ta chứ không phải họ tìm đến với Thiên Chúa qua sự tốt lành đạo đức đó. Mọi lời khen thưởng, ca ngợi thay vì dành riêng cho Thiên Chúa, người ta lại dành hết cho chính mình. Bài học của Gioan Tẩy Giả hôm nay là một bài học thực tế cho mỗi người trong chúng ta.
Khi hai môn đệ Gioan đi theo Chúa Giêsu. Anrê sau khi đã biết Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, là Ðấng Messia thì ông giới thiệu với anh mình là Simon Phêrô đến gặp Chúa Giêsu. Anrê nói với anh mình: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô" và rồi ông đã dẫn Simon Phêrô đến với Chúa Giêsu.
Mỗi người trong chúng ta khi biết được Thiên Chúa, biết được ơn cứu rỗi của Ðức Kitô, chúng ta có can đảm mạnh dạn giới thiệu Ngài với mọi người chăng? Chúa không đòi hết thảy trong mọi người chúng ta phải từ bỏ cha mẹ, anh em và mọi sự để theo Ngài. Nhưng Ngài đòi mỗi người trong chúng ta tùy khả năng, tùy môi trường nơi chúng ta đang sống mà giới thiệu Chúa cho mọi người biết. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải rao giảng, phải nói về Chúa thật hay như các nhà hùng biện để lôi cuốn người khác. Nhưng Ngài chỉ mong ước trong cách sống đạo của mỗi người chúng ta, như là lời mời gọi tha thiết mọi người tìm đến Thiên Chúa tình thương. Mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, mỗi hành động của chúng ta đều thể hiện lời Chúa trong Phúc Âm như thánh Phaolô đã thúc nhắc chúng ta: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Có khi nào chúng ta làm một việc gì mà chúng ta suy nghĩ và thành thực hỏi Chúa: Chúa muốn con làm gì bây giờ đây? Hay ý Chúa muốn con thực hiện như thế nào? Có lẽ chưa hoặc ít khi chúng ta hỏi Chúa Giêsu như vậy. Nếu chúng ta thực sự yêu Chúa, Chúa luôn hiện diện trong chúng ta và chúng ta luôn luôn muốn làm đẹp lòng Chúa, như một người muốn làm đẹp lòng người yêu của mình thì khi nào họ cũng tìm hiểu xem người yêu của họ thích gì rồi mua một món quà tặng đúng như ý người yêu mong ước.
Chúng ta yêu Chúa, chúng ta cũng phải tìm xem Chúa yêu thích nhất điều gì và chúng ta phải cố gắng lo làm đẹp lòng Ngài theo như điều Ngài mong muốn. Thật vậy, món quà đó không gì khác hơn là món quà của đức "Mến Chúa và Yêu Người".
Lạy Chúa, xin cho mỗi người trong chúng con biết sống khiêm nhượng như Gioan Tẩy Giả. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con biết giới thiệu Chúa cho mọi người qua lời ăn, tiếng nói và nhất là cách sống đạo của mỗi người chúng con trong cuộc sống hằng ngày.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 4 tháng 1 GS
Bài đọc1 Jn 3:7-10; Jn 1:35-42.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Làm sao để khỏi lầm đường lạc lối?

Ai trong chúng ta cũng đều có những kinh nghiệm bị lạc đường và phải gánh chịu những nguy hiểm do lạc đường mang tới; chẳng hạn, bỏ lỡ một lối ra có thể làm chúng ta mất hàng giờ để vòng lại. Để tránh bị lạc đường, chúng ta cần coi bản đồ cách chi tiết, và hỏi những người có kinh nghiệm về những trở ngại nếu có trên đường.
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta học những kinh nghiệm để tránh bị lạc đường trên con đường đi tới đích điểm của cuộc đời. Trong bài đọc I, thánh Gioan dạy chúng ta hai điều: Thứ nhất, người chúng ta cần học hỏi hơn cả là Đức Kitô. Ngài có khôn ngoan của Thiên Chúa và kinh nghiệm của cuộc đời để chỉ cho chúng ta đường lối hoàn hảo và chắc chắn nhất tới Thiên Chúa. Thứ hai, phải tránh con đường đầy bóng tối tội lỗi của quỉ thần và thế gian. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả chỉ đường cho hai môn đệ của ông đến với Đức Kitô để được học hỏi. Chúa Giêsu khuyến khích các ông “đến và xem” cách sống và hành xử của ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc IAi sống công chính, kẻ ấy là người công chính, như Đức Giêsu là Đấng Công Chính.
1.1/ Hai con đường: sống công chính hay sống tội lỗi. Theo Gioan, chỉ có hai con đường chính trong cuộc đời: con đường ánh sáng của Thiên Chúa và con đường bóng tối của quỉ thần. Đi theo con đường ánh sáng là đi trong sự thật, một người sẽ tìm được niềm vui, sự bình an và đạt được cuộc sống đời đời. Đi theo con đường bóng tối là đi trong sự gian trá của quỉ thần và thế gian, người chọn đi con đường này sẽ phải chịu buồn sầu, bất an, và sẽ không đạt được đích điểm của cuộc đời. Trong trình thuật hôm nay, Gioan đưa ra hai người lãnh đạo của hai con đường.
(1) Chúa Kitô là nhà lãnh đạo của con đường ánh sáng: Gioan khuyên các tín hữu đến cùng Đức Giêsu vì ngài là Đấng Công Chính: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, đừng để ai làm cho anh em đi lạc đường. Ai sống công chính, kẻ ấy là người công chính, như Đức Giêsu là Đấng Công Chính.” Chúa Giêsu xuống trần để xóa bỏ tội lỗi cho con người; trong khi công việc của ma quỉ làm là gây ra tội lỗi.
(2) Quỉ thần là kẻ gây ra tội và cám dỗ con người theo chúng: Theo thánh sư Thomas Aquinas, Lucifer phải sa ngã trước ông Adam và bà Evà. Chính Lucifer và đồng bọn, vì ghen tương, đã cám dỗ hai ông bà phạm tội và họ đã rơi vào bẫy của chúng. Gioan dường như có cùng quan niệm với Thomas, khi ông nói: “Ai phạm tội, kẻ ấy là người của ma quỷ, vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu.”
1.2/ Làm sao để sống công chính và từ bỏ tội lỗi?
(1) Phải được tái sinh bởi Thiên Chúa: Chắc chắn Gioan không có ý muốn nói người Kitô hữu không thể phạm tội; vì ngài đã phân biệt tội mang đến cái chết và tội không mang đến cái chết. Điều Gioan có lẽ muốn nói tới ở đây là tội mang đến cái chết. Nếu một Kitô hữu tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa, tội mang đến cái chết sẽ không đụng tới được ông; vì “mầm sống của Thiên Chúa” là Đức Kitô đã ở trong người tín hữu ấy. Hơn nữa, ông chỉ cần vào tòa cáo giải thú nhận tội của mình, là tất cả mọi tội đều được Thiên Chúa tha thứ.
(2) Phải tuân giữ giới luật yêu thương: Ai yêu thương anh em, người đó là con cái Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình là con cái ma quỉ.
2/ Phúc ÂmNgười bảo họ: "Đến mà xem!”
3.1/ Gioan giới thiệu Đức Kitô cho 2 môn đệ của ông: “Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa." Khi một người giới thiệu môn đệ của mình với một Thầy hay hơn mình là chấp nhận mất môn đệ. Gioan không giữ môn đệ cho mình, ông chỉ cho hai môn đệ đi theo Thầy tốt hơn; vì ông quan tâm đến lợi ích cho môn đệ chứ không giữ lợi ích cho mình. Mấy ai trong chúng ta có được thái độ như của Gioan? Chúng ta đã đề cập đến nguồn gốc lịch sử của câu “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Chúa Giêsu chính là Con Chiên, lễ vật hy sinh để đền tội cho con người.
3.2/ Phản ứng của hai môn đệ: Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Hai môn đệ của Gioan có lẽ ngượng ngùng không biết mở lời làm sao, nên cứ tiếp tục theo đàng sau Chúa Giêsu. Để dễ dàng cho họ phản ứng, Chúa Giêsu mở lời trước: "Các anh tìm gì thế?" Họ đáp: "Thưa Rabbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?"
Chúng ta có thể nhận ra cả 3 yếu tố quan trọng đều có ở đây: (1) Gioan, người trung gian chỉ đường cho hai ông đến với Chúa; (2) chính hai ông phải vượt qua xấu hổ, ngượng ngùng để đi theo Ngài; và (3), Chúa Giêsu mở lời trước để đánh tan ngượng ngùng lúc ban đầu, và mời gọi hai ông đến và xem. Câu hỏi Chúa đặt cho hai ông: “Các anh tìm gì thế?” là câu hỏi nền tảng nhất trong đời sống con người. Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giúp chúng ta nhận ra tại sao chúng ta đi tìm hay không đi tìm Thiên Chúa. Nếu câu trả lời là đi tìm của cải, danh vọng, chức quyền; chúng ta đừng đến với Chúa, vì Ngài sẽ không thỏa mãn khát vọng của ta. Nếu câu trả lời như của người thanh niên trẻ: “Tôi phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời?” Hãy đến với Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta tìm ra câu trả lời.
3.3/ Lời mời gọi của Đức Kitô: Người bảo họ: "Đến mà xem." Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
Người khác có thể nói về Chúa cho chúng ta nghe, hay giới thiệu chúng ta đến với Chúa; nhưng để nhận ra Chúa là ai, chúng ta cần kinh nghiệm của cá nhân chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta có được kinh nghiệm cá nhân biết Chúa, lúc đó Chúa mới thực sự thuyết phục chúng ta. Các môn đệ đáp trả lời mời của Chúa Giêsu; họ đến và ở với Ngài suốt ngày hôm đó. Giờ thứ mười của Do-Thái là khỏang 4 giờ chiều của chúng ta.

3.4/ Người nhận ra tiếng gọi theo Chúa trở thành người mời gọi: “Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Messiah" (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simon và nói: "Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha" (tức là Phêrô).” Yêu ai thực sự là muốn điều tốt nhất cho người ấy. Anrê đã gặp Đấng Thiên Sai, và đây là Tin Mừng quan trọng nhất cho những người Do-Thái. Thương em, Anrê dắt em mình tới giới thiệu với Đức Kitô. Tuy mới gặp ông lần đầu, Chúa Giêsu đã biết rõ con người Phêrô là ai, và Ngài đã có sẵn cho ông một sứ vụ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần phải tìm đường để đi tới đích. Nếu không biết đường, cần hỏi người biết đường.
- Con đường đó Đức Kitô đã đi qua và đã chỉ cho chúng ta. Chúng ta hãy can đảm đi theo con đường đó, và tuyệt đối tránh đi con đường bóng tối của ma quỉ.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

04/01/17 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Ga 1,35-42

NHỮNG NHỊP CẦU


Ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” (Ga 1,36)

Suy niệm: Nếu ngôi sao lạ trên trời chỉ đường cho các đạo sĩ phương đông, thì Gio-an Tẩy Giả là nhịp cầu dưới đất nối kết các môn đệ mình với Đấng Thiên Sai. Rồi như một hiệu ứng dây chuyền, An-rê và Phi-líp-phê lại trở thành nhịp cầu đưa dẫn những người khác nữa đến với Đấng mà họ đã gặp. Và cứ thế sự việc tiếp diễn cho đến hôm nay. Vai trò của người môn đệ Đức Giê-su là làm chứng về Thầy mình, để làm cho những người khác nữa cũng trở thành môn đệ (x. Mt 28,19). Những nhịp cầu, chứ không phải những bức tường, là biểu tượng của sứ mạng Giáo Hội.

Mời Bạn: Đến phiên mình hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi trở thành những nhịp cầu giúp anh chị em mình gặp gỡ Đức Giê-su. Đây là bản chất của Giáo Hội, của ơn gọi Ki-tô hữu. Ngày nào Giáo Hội không còn quan tâm đến sứ mạng loan báo Đức Ki-tô thì ngày đó Giáo Hội không còn là Giáo Hội nữa! Và lịch sử cho thấy bao giờ việc loan báo Đức Ki-tô cũng kèm theo những cái giá phải trả. Chứng nhân, ngay từ đầu, đã là những người tuẫn đạo (martyrs).

Chia sẻ: Theo bạn, ngày hôm nay chúng ta có thể làm những gì để đóng vai trò nhịp cầu đưa dẫn anh chị em mình đến với Đức Giê-su? Bạn hãy chỉ ra một vài gương chứng nhân của thời đại hôm nay.

Sống Lời Chúa: Hôm nay khi gặp gỡ tiếp xúc với người khác, tôi đặc biệt ý thức mình là một nhịp cầu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin đốt lên trong con ngọn lửa nhiệt tình làm chứng cho Chúa, và xin cho con sẵn sàng đón nhận những phiền toái xảy ra trong đời sứ mạng của mình. Amen.

Hãy đến mà xem (4.1.2017 – Th tư)
Chúng ta sp mng L Hin Linh, L Chúa t mình cho con người. Chúa đã t mình cho Gioan, Anrê và Simon qua gp g trc tiếp, nhưng Chúa cũng t mình cho h qua người khác gii thiu. 


Suy nim:
“Đây là Chiên Thiên Chúa” (c.35).
Gioan Tẩy giả nói với hai anh môn đệ đang đứng với mình như thế
khi ông thấy Đức Giêsu tình cờ đi ngang qua.
Gioan đã gặp Ngài, đã thấy Thần Khí ngự xuống trên Ngài (Ga 1,32).
Ông biết Ngài là Đấng đến sau ông, nhưng lại có trước ông (1,15.30).
Trong một cử chỉ khiêm hạ làm cho mình nhỏ lại,
ông đã giới thiệu cho các môn đệ mình một vị Thầy cao trọng hơn.
Ông để cho họ đi theo vị Thầy mới, còn ông đứng lại đó một mình.
“Các anh tìm gì thế?”: Đức Giêsu là người mở lời với hai bạn trẻ
đang đi theo mình, lúng túng vì chưa biết cách làm quen.
Câu hỏi này chờ một câu trả lời nói lên điều mình thao thức.
“Thưa Rabbi, Thầy đang ở lại đâu?”
 Họ muốn biết nhà của Thầy, cũng là biết chính bản thân Thầy.
“Hãy đến và các anh sẽ thấy”.
Thầy Giêsu mời các bạn ấy đến thăm nhà mình.
Căn nhà ở Galilê xưa thường chỉ có một, hai phòng nhỏ.
Ngài mời họ đi vào thế giới riêng tư của mình.
Và họ đã mau mắn đáp lời, đã đến, và đã thấy nơi Ngài đang ở lại.
Lúc đó đã bốn giờ chiều rồi.
Thầy Giêsu hẳn đã giữ họ lại, vì sợ họ về trời tối đường xa.
Ngày hôm ấy họ đã ở lại với vị Thầy mới quen.
Qua cuộc chuyện trò suốt đường đi, nhất là khi về nhà,
họ đã có kinh nghiệm cá nhân về con người Thầy Giêsu,
kinh nghiệm đầu tiên, chưa thật sâu, nhưng không sao quên được.
Họ đã ở lại nhà Thầy, đã bị lôi cuốn bởi nhân cách của Thầy,
và thấy Thầy chính là Đấng mà họ đang tìm kiếm.
“Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mêsia” nghĩa là Đấng Kitô.
Anrê vui sướng reo lên như vậy khi ông gặp Simon trước tiên.
Anrê là một trong hai người đã đi theo và ở lại nhà Đức Giêsu.
Bây giờ ông coi Thầy Giêsu là Đấng Mêsia, chứ không chỉ là một rabbi,
nên ông nóng lòng muốn đưa Simon đến tiếp xúc với Ngài.
Thầy Giêsu đặt cho Simon một tên mới, tên này người Do Thái ít dùng.
Anh sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá, là Thạch (c.42).
Không thấy Simon nói gì hay dẫn ai đến gặp ngay Đức Giêsu.
Phải đợi sau này ta mới nghe ông đại diện anh em tuyên xưng:
Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa (6,69).
Chúng ta sắp mừng Lễ Hiển Linh, Lễ Chúa tỏ mình cho con người.
Chúa đã tỏ mình cho Gioan, Anrê và Simon qua gặp gỡ trực tiếp,
nhưng Chúa cũng tỏ mình cho họ qua người khác giới thiệu.
Chúng ta cần những người có kinh nghiệm sâu lắng với Đức Giêsu,
để giúp Ngài được hiển linh trong thế giới hôm nay.
Cầu nguyn:
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy là vị Tôn Sư tuyệt vời.
Thầy gọi các môn đệ theo Thầy
đi trên những nẻo đường quanh co của xứ Pa-lét-tin.
Thầy không mở trường, không viết sách.
Thầy giúp môn đệ học bài học của Thầy,
bài học của trái tim, hiền lành và khiêm tốn.
Thầy dạy học trên đường.
Thầy tập cho môn đệ nhìn những biến cố mỗi ngày
với cái nhìn của Thiên Chúa.
Thầy giúp họ thấy giá trị nơi đồng xu nhỏ của bà góa nghèo,
thấy vẻ đẹp của hoa huệ, và sự vô tư của chim trời.
thấy nét cao quý của trẻ thơ, và phẩm giá của người phụ nữ.
Thầy tập cho họ trưởng thành,
tập đương đầu ban đêm một mình với sóng gió,
tập tin vào Thiên Chúa khi phải nuôi ăn đám đông,
tập can trường đối diện với cái chết nhục nhã và đau đớn.
Thầy kéo họ ra khỏi cái tôi háo danh
khi họ cãi nhau trên đường xem ai là người lớn nhất,
Thầy đòi họ bỏ mọi sự mà theo Thầy,
và đặt Thầy lên trên cả mạng sống và tình ruột thịt.
Lạy Thầy Giêsu,
Khoa sư phạm của Thầy là  huấn luyện môn đệ bằng tình yêu.
Một tình yêu kiên nhẫn khi họ yếu đuối và cứng lòng.
Một tình yêu bênh vực và bảo vệ lúc họ bị tấn công.
Một tình yêu chia sẻ khi cho họ cộng tác trong sứ vụ.
Thầy đã diễn tả tình yêu đến cùng của Thầy
khi cúi xuống rửa chân cho họ.
Xin cho chúng con suốt đời học với Thầy,
nhận Thầy mãi mãi là vị Tôn Sư của chúng con.
Và cùng với Thầy, chúng con đi khắp thế gian,
để làm cho muôn dân thành môn đệ. 
Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Lời Chúa Trong Gia Đình
1Ga 3, 7-10; Tin Mừng theo Thánh Ga 1, 35-42.

LỜI SUY NIỆMGioan nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? (Ga 1, 36b-38a).
            Hình ảnh hai người môn đệ của Gioan lầm lủi đi theo sau lưng Chúa Giêsu trong thinh lặng, đã được Chúa Giêsu quay lại hỏi chuyện. Như vậy chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn luôn Ngài chủ động trong mọi sự kêu gọi các tông đồ cũng như chúng ta ngày hôm nay. Qua hình ảnh hai môn đệ, mỗi người chúng ta cũng phải hồi tưởng lại. Trong đời sống hiện tại của chúng ta. Chúng ta đang tìm khiếm cái gì? Có phải chúng ta đang đi tìm kiếm sự nghiệp, một công việc ổn định, có thu nhập cao, thêm vào đó có chút chức quyền, để sau này có hưu bổng, bảo đảm cho tương lai. Điều này không có gì là sai lầm, sai trái, nhưng nó vẫn có nhiều biến động, và rủi ro, không an toàn. Đối với  người Ki-tô hữu, ngoài chuyện tìm kiếm đó trong ngay lành, chúng ta cần phải đi tìm kiếm Chúa, ở lại với Ngài, sống với Ngài. Chỉ có Chúa Giêsu là Đấng sẽ đem lai cho chúng ta sự bền vững và an toàn cả đời này lẫn đời sau.
Mạnh Phương


04 Tháng Giêng
"Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ"

    Nhà độc tài nào sau khi ra đi cũng trở thành bia cho không biết bao nhiêu những lời đàm tiếu của thiên hạ. Năm 1986, người ta nói đến trên 3,000 đôi giày đã trở thành bảo tàng viện của bà Imelda Marcos, phu nhân của cựu tổng thống Phi Luật Tân, ông Ferdinand Marcos. Sau đó, người ta lại bàn tán về những đôi giày của bà Elena, vợ của nhà độc tài Ceaucescu bị hành quyết tại Rumani.
Khi vợ chồng của cựu tổng thống Marcos bị bắt buộc phải bỏ nước Phi, dân chúng đã tuôn đến dinh tổng thống như một ngày hội: họ đến đó chỉ để xót xa so sánh cái cảnh giàu sang quá mức của gia đình nhà độc tài với cái đói khổ mạt rệp của dân chúng. Người dân Phi nói rằng, trong 9 năm liền, bà Imelda Marcos chỉ có thể mang một đôi giày không quá 3 lần là cùng. Sau khi hành quyết vợ chồng Ceaucescu, người ta mới khám phá ra rằng căn nhà mà họ cho là bình thường của họ chính là một biệt thự sang trọng với 40 phòng khác nhau được trang trí bằng những bức tranh đắt giá, phòng tắm được khảm bằng vàng. Mỗi phòng đều có truyền hình và máy video.
Tài sản của ông Ceaucescu cũng không thua kém gì những của cải biển lận của ông Noriega, cựu tổng thống bị truất phế của Panama. Ong tướng này không chỉ có những căn nhà lộng lẫy trong nước, mà còn không biết bao nhiêu biệt thự tại Pháp và các nước khác. Máy bay và những chuyến du thuyền của ông không còn là những phương tiện để di chuyển, mà là cả một thú sưu tầm.
Không có một nhà độc tài nào mà không tham lam tiền của. Người ta nói đến hàng tỷ Ðôla của ông Marcos. Nhà độc tài của một nước nghèo nàn như Haiti cũng có đến 400 triệu Mỹ kim. Somoza, người bị lật đổ tại Nicaragua, thì có đến hàng trăm triệu Ðô la đầu tư vào những kinh doanh đồi trụy như đĩ điếm, cờ bạc. Cựu hoàng đế Pokassa của một nước nghèo nàn lạc hậu như Cộng Hòa Trung Phi bên Phi Châu, đã làm lễ đăng quang năm 1976 với một phí tổn là 20 triệu Mỹ kim. Và hiện nay, người ta ước tính tài sản của tổng thống Zaire là ông Mobutu Sese Seko lên đến gần 5 tỷ Mỹ kim.
Giá của những tài sản bất chính ấy thường giống nhau: một cuộc lưu vong nhục nhã, một cuộc chốn chạy không kèn không trống, một cuộc hành quyết dã man hay một cuộc sống trong lo sợ từng ngày và làm mục tiêu cho những oán ghét.
Mỗi dịp đầu năm, dường như ai cũng muốn làm một quyết tâm. 50% người Hoa Kỳ quyết tâm giảm thiểu sự ăn uống để gìn giữ sức khỏe.
 Ðối với người Kitô chúng ta, sức khỏe tinh thần, sự cường tráng tâm linh có lẽ là điều quan trọng hơn cả. Quyết tâm của chúng ta phải là quyết tâm điều chỉnh lại sự lựa chọn cơ bản của chúng ta. Ðâu là cùng đích của cuộc sống chúng ta? Ðâu là lý tưởng của chúng ta? Ðâu là giá trị cao cả nhất trong cuộc sống của chúng ta? Tiền bạc và nhất là tiền bạc bất chính có đem lại hạnh phúc cho đời Người không?
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: Gioan 1:35-42

Thứ Tư, 4 Tháng 1, 2017


Mùa Giáng Sinh

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Cha, Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và là Thiên Chúa Hay Thương Xót,
xin Cha nhậm lời cầu nguyện của con cái Cha,
Đấng Cứu Thế mà Cha đã sai đến với ánh sáng mới ở đường chân trời của thế gian,
dấy lên và tỏa sáng trên toàn thể cuộc sống chúng con.   
Người là Thiên Chúa…

2.  Bài Đọc – Trích Tin Mừng theo Gioan 1:35-42

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông, nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói:  “Đây là Chiên Thiên Chúa”.  Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ:  “Các ngươi tìm gì?”  Họ thưa với Người:  “Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?”  Người đáp:  “Hãy đến mà xem”.  Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ giờ thứ mười.  Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu.  Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh:  “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia, nghĩa là Đấng Kitô”, và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu nhìn Simon và nói:  “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”. 

3.  Suy Niệm

-  Trong chương thứ nhất của sách Tin Mừng Gioan, tác giả đưa chúng ta qua một thời gian di chuyển, một tuần lễ dài, được ngắt quãng bởi việc lặp đi lặp lại, ba lần, câu nói “ngày hôm sau: (các câu 29, 35 và 43).  Việc dõi theo đưa chúng ta sống trong những khoảnh khắc này, giây phút tâm điểm và sau đó là giây phút quan trọng nhất, được đánh dấu bởi sự chuyển đổi về thể chất lẫn tinh thần của các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả đầu tiên đến với Chúa Giêsu vào “ngày hôm sau” của cuộc gặp gỡ, quyết định đi theo Chúa.
-  Câu chuyện của chúng ta được đi ngang qua và mang lại sự sống động bởi một cuộc trao đổi rất mãnh liệt của ánh mắt nhìn:  từ ông Gioan nhìn theo Chúa Giêsu (câu 35), đến Chúa Giêsu nhìn hai môn đệ (câu 38) bởi các môn đệ của Chúa Giêsu (các câu 38-39); và cuối cùng, một lần nữa Chúa Giêsu nói với chúng ta trong ánh mắt nhìn của Người, trong con người của ông Phêrô (câu 42).
-  Thánh sử dùng các động từ khác nhau, nhưng tất cả có đầy đủ các sắc thái, nó không nói về những ánh mắt nhìn hời hợt, lơ đãng, thoáng qua mà là những cái nhìn sâu thẳm, mãnh liệt, bắt đầu từ con tim vào đến tâm hồn.  Đức Giêsu, Chúa nhìn các môn đệ của Người và nhìn chúng ta, do đó, đến phiên chúng ta, chúng ta nên học cách nhìn vào Chúa.  Động từ khép lại đoạn Tin Mừng thì rất đẹp; “nhìn” có nghĩa đen là “nhìn vào bên trong tâm khảm”.
-  Chúa Giêsu đang đi dọc theo bờ biển, dọc theo bờ của đời sống chúng ta và của ông Gioan, đóng vai trò như một nhiếp ảnh gia, ghi chép lại.  Tác giả sử dụng các động từ trong thể hiện tại để nói cho chúng ta biết rằng ngày nay, Chúa Giêsu vẫn còn đang đi ngang qua trước mặt chúng ta và đời sống chúng ta được Người thăm viếng và gặp gỡ, và thế giới chúng ta có thể chào đón những dấu vết của bước chân Người.
-  Trọng tâm của bài Tin Mừng có lẽ chính là trong các động tác của Chúa Giêsu.  Đầu tiên, Chúa bước đi, sau đó ngoảnh mặt lại và dừng chân, mắt của Chúa, con tim của Chúa, hướng về cuộc đời của hai người môn đệ.  Chúa Giêsu “ngoảnh mặt lại”, có nghĩa là thay đổi, thích nghi, bước khỏi vị trí của Người lúc trước và tiến tới một bước.  Tại đây Đức Giêsu được mặc khải là Thiên Chúa nhập thể, Thiên Chúa đã đến ở giữa chúng ta, làm người.  Người quay mặt từ lòng Chúa Cha và hướng về phía chúng ta.
-  Thật là đẹp đẽ để thấy cách thức Chúa lôi kéo chúng ta vào trong các hoạt động của Người, trong đời sống của Người; thực ra, Người mời gọi hai môn đệ “hãy đến mà xem”.  Bạn không thể ngồi yên, khi chúng ta gặp Chúa, và sự hiện diện của Người đặt chúng ta vào sự hoạt động, khiến cho chúng ta phải đứng dậy từ vị trí cũ của mình và chạy đến.  Chúng ta cố gắng thu thập tất cả các động từ nói về các môn đệ trong đoạn Tin Mừng này:  “đi theo Chúa” (câu 37); “đi theo Chúa” (câu 38); “họ đã đến … họ đã xem … họ đã ở lại với Người” (câu 39).
-  Phần đầu của đoạn Tin Mừng khép lại với trải nghiệm đẹp của hai môn đệ đầu tiên ở lại với Chúa Giêsu, các ông sau đó đã bước vào nhà Chúa và các ông đã ở lại với Người ‘con đường cứu độ, của hạnh phúc thật sự’, được ban cho chúng ta.  Chỉ khi chúng ta chấp nhận ở lại, đứng yên, nhất tâm, quả quyết, trong tình yêu, không có việc quay qua quay lại, hướng về một người chủ khác trong thời điểm này, một tình yêu mới khác trong cuộc sống.  Bởi vì khi có Đức Giêsu, Chúa chúng ta, khi bạn được Ngài mời gọi, thì có tất cả.  

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

  • Thời gian lướt qua của phần Tin Mừng này, với “ngày hôm sau” cho chúng ta thấy rằng Chúa không phải là một thực tại trừu tượng và xa lạ, mà Người bước vào những ngày những năm của chúng ta, trong sự hiện hữu cụ thể của chúng ta.  Tôi có sẵn sàng mở cho Ngài thời gian của tôi, để chia sẻ với Người đời sống của tôi không?  Tôi có sẵn sàng để dâng lên Ngài hiện tại của tôi, tương lai của tôi, để Ngài có thể đưa tôi tới cho bất kỳ “ngày hôm sau” nào của tôi không?   
  • Các môn đệ làm một cuộc hành trình tâm linh tuyệt vời, được đánh dấu bởi các động từ “nghe nói, đi theo, đi đến, xem, và ở lại.”  Tôi có muốn cũng bắt đầu cuộc phiêu lưu tuyệt đẹp này với Chúa Giêsu không?  Tôi có muốn mở tai mình để nghe, để lắng nghe một cách sâu sắc và do đó tôi có thể có một câu trả lời tích cực với tình yêu của Chúa Cha là Đấng muốn tôi dự phần với Ngài không?  Tôi có cảm thấy trong tôi được sinh ra một niềm hân hoan bắt đầu cho một cuộc hành trình mới, đi theo sau Chúa Giêsu không?  Và rồi thì, tôi có muốn trái tim và con mắt mình mở rộng để bắt đầu xem thấy những gì thực sự xảy ra trong tôi và chung quanh tôi và nhận ra rằng trong bất kỳ một sự kiện nào đều có sự hiện diện của Chúa không?
  • Ông Phêrô nhận một tên gọi mới từ Chúa Giêsu và cuộc đời ông được thay đổi hoàn toàn.  Tôi có cảm thấy giống như ngày hôm nay dâng lên Chúa Cha tên của mình, cuộc sống và toàn thể con người tôi, để Ngài có thể cho tôi được tái sinh như con cái Ngài, gọi tôi bằng một tên mà Thiên Chúa trong tình yêu vô hạn của Ngài đã ban cho chúng ta không?  

5.  Lời nguyện kết

CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi,
Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
(Tv 23:1-4)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét