06/01/2017
Thứ Sáu đầu tháng, trước lễ Hiển Linh.
Bài Ðọc I: 1 Ga
5,5-6.8-13
"Thánh Thần, nước và máu"
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Gioan Tông Ðồ.
Các con thân mến, ai là người chiến thắng thế gian, nêu không phải là người
tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa?
Ðấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Ðức Giêsu Kitô, không phải trong nước
mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa.
Có Thánh Thần làm chứng: Thánh Thần, nước và máu, cả ba chỉ là một.
Nếu chứng của Người đời mà chúng ta còn nhận lấy, thì chứng của Thiên
Chúa còn mạnh hơn.
Vì đó là chứng của Thiên Chúa, chứng mạnh hơn là Người đã làm chứng về
Con mình.
Ai tin kính Con Thiên Chúa, thì có chứng của Thiên Chúa nơi mình.
Còn ai không tin Thiên Chúa, thì cho Người là gian dối, vì kẻ ấy không
tin nơi chứng mà Thiên Chúa đã làm chứng về Con mình.
Và chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời,
và sự sống đó ở trong Con của Người.
Ai có Chúa Con, thì có sự sống, còn ai không có Chúa Con, thì cũng không
có sự sống.
Ta viết các điều này cho các con, để các con biết rằng: Các con là những
người tin vào danh Con Thiên Chúa, các con được sống đời đời.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv. 147, 12-13,
14-15, 19-20
Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi
khen Chúa. (12a)
Xướng 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa, Hãy ngợi khen Thiên Chúa
ngươi, hỡi Sion, vì Người đã củng cố then chốt cửa thành ngươi, con cái ngươi
được Người chúc phúc trong ngươi. - Ðáp.
2) Người sắp đặt bờ cõi ngươi trong thanh bình, cho ngươi hưởng no nê những
tinh hoa lúa miến. Người đã sai Lời Người xuống mặt đất, và Lời Người đã mau mắn
chạy đi. - Ðáp.
3) Người đã rao Lời Người cho Giacób, Lề Luật và giới răn người cho
Israel. Người không làm như thế cho dân khác, không bày tỏ cho họ biết giới răn
Người. - Ðáp.
Alleluia: Ga 1, 14 và
12b
Alleluia, Alleluia. Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Những ai tiếp
rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 6b-11
"Con là con yêu qúy của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng".
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.
Khi ấy Gioan rao giảng rằng: "Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực
hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người.
Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em
trong Thánh Thần.
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nazarét xứ Galilêa đến
và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan.
Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như
chim bồ câu ngự xuống trên mình.
Và có tiếng từ trời: Con là con yêu quí của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng.
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm: Người con yêu
quý
Vào thế kỷ thứ IV, Ario truyền bá một lạc thuyết vô cùng nguy hại. Ario
chủ trương rằng Đức Kitô không thực sự là Con Thiên Chúa. Hoàng đế Theôđôsiô đỡ
đầu cho lạc thuyết này.
Cũng vào lúc ấy hoàng đế phong cho hoàng tử mới 16 tuổi của ông được cùng
trị vì trên ngai vàng với ông. Trong những khách được mời đến dự buổi lễ phong
vương, có Đức Giám mục Amphilôcô. Đức Giám mục chỉ nói vài lời chúc mừng rồi
chuẩn bị ra về.
Hoàng đế giận dữ hỏi: Ngài không quan tâm đến hoàng tử sao? Ngài không biết
rằng ta phong cho hoàng tử cùng trị vì với ta hay sao?
Vị Giám mục bình tĩnh trả lời: Tâu hoàng thượng, hoàng thượng phật ý trước
sự giả bộ thờ ơ của tôi đối với hoàng tử, vì tôi đã tỏ ra không tôn kính hoàng
tử như bệ hạ mong muốn. Vậy Thiên Chúa sẽ nghĩ sao về hoàng thượng, khi hoàng
thượng giáng cấp Người Con ngang hàng và cùng hiện hữu với Ngài dưới danh hiệu
Con Thiên Chúa.
Từ câu chuyện trên chúng ta thấy: Ngày nay có nhiều người, kể cả một số
người mệnh danh là Kitô hữu, đã chối bỏ hoặc nghi ngờ thiên tính của Đức Kitô.
Thiết tưởng những người ấy hãy lắng nghe lời Chúa Cha tuyên phong trong đoạn
Tin Mừng sáng hôm nay: Con là Con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về Con.
Việc Đức Kitô chịu
phép Rửa bởi Gioan đánh dấu bước khởi đầu công cuộc cứu độ của Ngài. Công cuộc trọng đại này là
hành động của cả Ba Ngôi, vì chúng ta thấy Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu
ngự xuống, đồng thời Chúa Cha phán bảo. Biến cố này rất quan trọng, nên Giáo Hội
muốn chúng ta mừng kính riêng trong Chúa nhật hôm nay, tựa như ngày đăng quang
của Đức Giáo Hoàng hay ngày nhận chức của một tổng thống.
Đặc điểm chúng ta cần nhấn mạnh đó là Chúa Cha trên trời hài
lòng về Người Con yêu quý của Ngài, là Đức Kitô. Có người cha nào
lại không vui mừng khi người con của mình khởi sự một chức vụ quan trọng: người
cha của một bác sĩ, người cha của một tân linh mục, người cha của chú rể trong
ngày cưới. Niềm vui ấy càng lớn lao hơn khi người con ấy vâng phục và tôn kính
cha mình.
Đức Kitô là một
người con yêu mến và vâng phục Chúa Cha. Đồng thời Ngài luôn khoan dung và khiêm tốn như một
kẻ tôi tớ, vì thế, Chúa Cha luôn hài lòng về Ngài. Còn chúng ta thì sao?
Với bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận, chúng ta được mời gọi để nhận biết, yêu
mến và phụng sự Cha trên trời, khi chúng ta cố gắng chu toàn thánh ý Ngài giữa
lòng cuộc đời, khi chúng ta cố gắng sống mầu nhiệm của bí tích Rửa Tội,
khi chúng ta cố gắng noi theo Người Con Chí Thánh trong sự khiêm tốn và vâng phục,
thì chúng ta cũng làm hài lòng Cha trên trời, để rồi trong ngày cuối cùng,
chúng ta cũng sẽ được Chúa Cha tuyên phong, như ngày xưa Ngài đã tuyên phong Đức
Kitô bên bờ sông Giođan: Con là Con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về Con.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 6 tháng 1 GS
Bài đọc: 1 Jn 5:5-6, 8-13; Mk 1:6b-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Kitô có đủ
bằng chứng cho chúng ta tin tưởng nơi Ngài.
Để tin điều gì, chúng ta cần có bằng chứng. Một trong những cách con người
dùng để tin là qua các nhân chứng, vì chúng ta không luôn luôn được chứng kiến
sự thật.
Các bài đọc hôm nay xoay quanh các nhân chứng của Đức Kitô. Tất cả đều chứng
nhận ngài là Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa sai đến để chuộc tội cho con người.
Trong bài đọc I, thánh Gioan liệt kê 3 nhân chứng trong cuộc đời của Đức Kitô
là Thánh Thần, Nước (lời chứng của Chúa Cha), và Máu của Đức Kitô đã đổ ra
trong lịch sử để chuộc tội cho con người. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả là nhân
chứng của Đức Kitô cho sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; vì ông là
người đã chứng kiến những điều này khi ông làm phép thanh tẩy bằng nước cho
Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thánh Thần, nước, và máu; cả ba
cùng làm chứng một điều.
1.1/
Ba chứng nhân của Đức Kitô: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ
trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thánh Thần là chứng
nhân, và Thánh Thần là sự thật. Có ba chứng nhân: Thánh Thần, nước và máu. Cả
ba cùng làm chứng một điều.” Để hiểu đọan văn này, chúng ta cần đọc lại Phúc Âm
Gioan, và hoàn cảnh lịch sử thời đại của Ngài. Đọan văn trong Phúc Âm nói về
“nước và máu” như sau: “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người.
Tức thì, “máu cùng nước” chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời
chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em
nữa cũng tin” (Jn 19:34-35). Nước và Máu là 2 biến cố quan trọng trong cuộc đời
của Chúa Giêsu: Nước khi Ngài chịu Phép Rửa bởi Gioan trong giòng sông Jordan.
Máu khi Ngài chịu chết trên Đồi Golgotha.
Sở dĩ Gioan nhấn mạnh đến “nước và máu” là vì có bè rối
“Thuần Tri Thức.” Cerinthus, người đại diện cho bè rối này, tin Chúa Kitô đến bằng
“nước,” khi Ngài chịu Phép Rửa. Thánh Thần hiện xuống và ở lại trong Đức Kitô,
và làm cho Ngài trở thành Con Thiên Chúa. Họ không chấp nhận “máu,” vì họ không
tin Thiên Chúa phải chịu đau khổ. Họ giải thích: trên Đồi Golgotha, Thánh Thần
xuất khỏi Đức Kitô và về trời. Có người còn cho người chịu đóng đinh là ông
Simon, chứ không phải là Đức Kitô. Thánh Gioan muốn chống lại bè rối này bằng
cách nhấn mạnh đến cả 3 nhân chứng đều cần thiết để tin vào Đức Kitô là Đấng
Thiên Chúa sai đến để chuộc tội cho nhân loại.
(1) Thánh Thần: hiện xuống và xức dầu cho Đức Kitô khi Ngài chịu Phép Rửa
(Mk 1:9-11, Mt 3:16-17, Lk 3:21, Jn 1:32-34, Acts 10:38). Phép Rửa này hoàn
toàn khác với Phép Rửa của Gioan (Mk 1:8, Mt 3:11, Lk 3:16, Acts 1:5, 2:33).
Thánh Thần hiện xuống với các Tông-đồ trong Ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:4), và
trong đời sống của Giáo-Hội (Acts 8:17, 10:14).
(2) Nước: Tại biến cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Gioan Tẩy Giả làm chứng cho
Đức Kitô: "Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự
trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa
trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì
người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." Tôi đã thấy, nên
xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Jn 1:32-34).
(3) Máu: Theo truyền thống Do-Thái, máu súc vật phải đổ ra để làm lễ hy
sinh đền tội cho con người. Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến xóa tội trần gian
bằng lễ tế hy sinh của Ngài trên Thập Giá. Ngài thiết lập bí-tích Thánh Thể
trong Bữa Tiệc Ly, và Giáo Hội chúng ta hằng ngày cử hành Thánh Lễ để liên tục
tái diễn hy lễ của Đức Kitô trên Thập Giá để xóa tội cho con người.
1.2/
Chúng ta phải tin lời của các chứng nhân: Đức Kitô đến từ Thiên Chúa.
(1) Lời chứng của Thiên Chúa cao trọng hơn lời chứng của người phàm: Luật
dạy khi có 2 hoặc 3 nhân chứng, lời chứng đó là sự thật. Đức Kitô có rất nhiều
nhân chứng: Gioan Tẩy Giả, các phép lạ Ngài làm, Kinh Thánh, các Tông-đồ …,
nhưng lời chứng của Chúa Cha qua tiếng vọng từ trời “Đây là Con Ta yêu dấu,” và
lời chứng của Thánh Thần qua hình ảnh chim bồ câu đậu lại trên Đức Kitô, là những
lời chứng có thế giá hơn cả. Con người phải nhận những lời chứng này và tin vào
Đức Kitô; vì “ai không tin Đức Kitô, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối, vì kẻ ấy
không tin vào lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.”
(2) Tin vào Đức Kitô mới có sự sống đời đời: “Lời chứng đó là thế này:
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của
Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự
sống.”
2/ Phúc Âm: "Con là Con yêu dấu của Cha,
Cha hài lòng về Con."
3.1/
Sự khác biệt giữa hai Phép Rửa của Gioan và của Đức Kitô: Gioan Tẩy Giả phân biệt sự khác biệt
như sau: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi
xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước,
còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần." Phép Rửa
làm bởi Gioan là phép rửa làm bởi con người để tha tội. Phép Rửa làm bởi Đức
Kitô là phép rửa làm bởi Thiên Chúa, Đấng quyền thế hơn con người. Người chịu
Phép Rửa sẽ được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần, và được lãnh nhận mọi ơn cần thiết
cho con người.
3.2/
Phép Rửa của Đức Kitô: “Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nazareth miền Galilee đến, và được ông Gioan làm
phép rửa dưới sông Jordan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé
ra, và thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời
phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."”
(1) Tại sao Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan? Phép Rửa của Gioan là
phép rửa để tha tội. Tại sao Chúa Giêsu, Đấng không hề phạm tội, lại muốn chịu
Phép Rửa của Gioan? Chính Gioan đã ngăn cản Ngài: "Chính tôi mới cần được
Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" Nhưng Đức Giêsu trả lời:
"Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công
chính." Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người (Mt 3:14-15). Thánh
Ambrose đưa một lý do khác: Chúa Giêsu, Đấng thánh thiện tinh tuyền, chịu Phép
Rửa để thánh hiến nước của giòng sông Jordan; và Giáo Hội dùng nước này để rửa
tội cho các tín hữu.
(2) Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu: Truyền thống
Do-Thái tin chim bồ câu tượng trưng cho sư hiền lành. Như Sách Tiên-tri trong
Bài Đọc I mô tả Người tôi trung: Người chinh phục con người không bằng những lời
đe dọa hay sức mạnh, nhưng bằng tình yêu và sự kiên nhẫn. Chúa Giêsu được xức dầu
bởi Thánh Thần và được tấn phong để thi hành sứ vụ Cứu Độ.
(3) Tiếng của Chúa Cha tuyên phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha
hài lòng về Con." Khác với trình thuật của Matthêu: “Đây là Con Ta yêu dấu,
Ta hài lòng về Người.” Chúa Cha nói trực tiếp với Chúa Con, và bày tỏ sự hài
lòng về tất vả mọi việc của Chúa Con làm. Nếu so sánh, chúng ta thấy trình thuật
của Marcô gần với những gì tường thuật bởi tiên-tri Isaiah trong Bài Đọc I hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức Kitô có đủ bằng chứng cho chúng ta tin tưởng nơi Ngài.
- Bổn phận của chúng ta là làm chứng cho Đức Kitô để mọi người đều tin
vào ngài.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
06/01/17 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Mc 1,7-11
KHIÊM HẠ ĐỂ NHẬN RA CHÚA
“Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau
tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7)
Suy niệm: Mầu nhiệm Nhập
thể là mầu nhiệm của khiêm hạ. Quả thật, chính là khiêm hạ mà Con Thiên Chúa “hoàn
toàn trút bỏ vinh quang… trở nên giống hẳn phàm nhân” khi sinh ra
khung cảnh hang đá như người nghèo nhất trong những người nghèo (x. Pl 2,6-7).
Hôm nay, khi xin chịu phép rửa của Gio-an, Đấng Cứu Thế còn khiêm hạ đến mức
chấp nhận thân phận tội nhân để gánh lấy tội lỗi của muôn người. Chính vì Ngài
khiêm hạ sâu thẳm như thế, con người chúng ta nếu muốn nhận ra Ngài cũng phải
tự hạ đúng tại nơi mà Ngài khiêm hạ. Gio-an Tẩy giả đã tự hạ như thế khi ông
nói: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, và tôi không đáng cởi
quai dép cho Người”; nhờ đó ông đã nhận ra Ngài và giới thiệu: “Đây
là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
Mời Bạn: Để
nhận ra Con Thiên Chúa và đón nhận hồng ân cứu độ, trước hết, phải trở nên
khiêm hạ, phải nhận biết mình nhỏ bé và tội lỗi cần được Ngài cứu độ. Bạn và tôi
có cảm nghiệm Chúa Giê-su làm người và ở với chúng ta cách sống động trong từng
ngày sống chưa? Chúng ta hãy noi theo cách thế của Gio-an Tẩy giả, ông đã nhận
thấy nơi Chúa là Đấng trổi vượt, ông không đáng cởi quai dép cho Người.
Sống Lời Chúa: Làm
một việc nhỏ bé và kín đáo để phục vụ anh chị em trong tinh thần khiêm hạ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa
đã từ trời “cúi xuống” làm người để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con biết
kính trọng phẩm giá của anh chị em, và biết “cúi xuống” phục vụ họ như Chúa đã
dạy và nêu gương cho chúng con.
Con yêu dấu của Cha (6.1.2017 – Thứ sáu)
Thánh Phaolô nói: khi được dìm vào nước lúc chịu phép thánh tẩy, chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Giêsu (Rm 6,3). Chỉ ai chấp nhận bị dìm như thế, người ấy mới được sống đời sống mới.
Suy niệm:
Sau khi mừng Lễ Chúa Hiển Linh cho các đạo sĩ dân ngoại,
chúng ta mừng Đức Giêsu được hiển linh trên sông Giođan,
dù theo Tin Mừng Máccô, cuộc hiển linh này chỉ mình Ngài biết.
Nghe lời kêu gọi của Gioan từ hoang địa,
bao người từ khắp nơi kéo đến thú tội và chịu phép rửa của ông.
Phép rửa này nhằm bày tỏ lòng sám hối để được tha các tội (Mc 1, 4-5).
Trong số những người xếp hàng chờ đến lượt mình,
có Đức Giêsu, một ông thợ mộc từ vùng Nadarét.
Đức Giêsu có
thú tội với Gioan, và sám hối để được tha thứ không?
Đức Giêsu có
biết mình là Đấng cao trọng mà Gioan loan báo không?
Chúng ta cần chiêm ngắm mầu nhiệm lạ lùng này thật lâu.
Hành vi công khai đầu tiên của Đức Giêsu
là đứng chung với đồng bào, với tội nhân,
là khiêm hạ để mình bị dìm xuống nước, hầu được thanh tẩy.
Nhưng vào chính giây phút Ngài lên khỏi nước (c. 10)
bất ngờ Ngài thấy trời cao mở ra:
Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài,
bất ngờ Ngài nghe tiếng Thiên Chúa nói riêng với mình :
“Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (c. 11).
Đối với Đức Giêsu, đây thật là một mặc khải quan trọng.
Thiên Chúa vén mở mối tương quan Cha-Con thân thiết,
đồng thời ban Thần Khí để Thần Khí ở lại mãi với Đức Giêsu.
Nơi dòng sông Giođan hôm
đó, có sự hiển linh của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Đức Giêsu là Đấng vô tội, vì luôn làm đẹp lòng Cha,
nhưng vẫn đến với Gioan để xin chịu phép rửa sám hối.
Đức Giêsu là Đấng gần gũi với Thiên Chúa như Con với Cha,
nhưng cũng gần gũi với anh em của mình.
Những gì đã xảy ra ở sông Giođan, sẽ xảy ra mãi cho Đức Giêsu.
Mỗi lần Ngài khiêm hạ dìm mình, xóa mình, hủy mình,
là mỗi lần Ngài được nghe, được thấy Thiên Chúa mặc khải.
Sau khi chấp nhận đi con đường thập giá (Mc 8, 31),
Đức Giêsu được biến hình và được Cha tỏ mình trên núi (Mc 9, 2).
Sau khi chấp nhận dìm mình trong cái chết nhục nhằn,
Đức Giêsu đã được Cha phục sinh và nâng dậy.
Có thể câu đầu tiên Chúa Cha nói với Ngài là: “Cha hài lòng về Con”.
Cuộc sống người Kitô hữu cũng là liên tục dìm mình.
Thánh Phaolô nói: khi được dìm vào nước lúc chịu phép thánh tẩy,
chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Giêsu (Rm 6,3).
Chỉ ai chấp nhận bị dìm như thế, người ấy mới được sống đời sống mới.
Đức Giêsu chịu phép rửa là mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Sáng.
Ánh sáng của Thiên Chúa chỉ bừng tỏa trên con người khiêm nhu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong
tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
(Michel Quoist)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG GIÊNG
Tiếng Gọi Của Lễ Hiển
Linh
“Mầu nhiệm này tôi đã
được mạc khải cho biết” (Ep 3,3). Giáo Hội lấy những lời ấy của Tông Đồ Phao-lô
trong thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô để nhận hiểu ý nghĩa của ngày Lễ Hiển Linh
(Epiphany), ngày lễ này đã được gọi tên như thế ngay từ thuở đầu của Giáo Hội.
Chúng ta muốn suy tôn ân sủng của Thiên Chúa trong ngày lễ này, ân sủng dẫn con
người đến với đức tin.
Vâng, mầu nhiệm Đức
Kitô được vén mở cho con người nhận biết qua đức tin. Đây là cốt lõi của ngày Lễ
Hiển Linh. Bằng một cách thức nào đó, đức tin này được mạc khải vào tâm khảm của
kẻ nhận thần khải, như ngày ấy Đức Giêsu đã tự tỏ hiện cho Sao-lô người Tarsus
trên đường đi Damas. Thế là, Phao-lô trở thành một chứng nhân đặc biệt nhờ cuộc
trở về đón nhận đức tin. Như chính Phao-lô tuyên bố: “… anh em nghe nói đến ân
huệ mà Thiên Chúa đã ưu ái ban cho tôi vì thiện ích của anh em” (Ep 3,2).
Thánh tông đồ muốn làm
chứng hùng hồn cho ân sủng Hiển Linh. Và Giáo Hội lấy lại lời của Thánh tông đồ,
vì trong lời chứng ấy chúng ta có thể nhận ra tất cả những ai được Đức Kitô kêu
gọi qua đức tin. Tất cả những ai tin đều trở thành “người thông dự vào lời hứa
của Đức Giêsu Kitô qua Tin Mừng” (Ep 3,6). Thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh với
chúng ta tiếng gọi giục giã loan báo Tin Mừng cho dân ngoại – vì chúng ta là những
người đã tin. Đó là tiếng gọi đem ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa đến cho các
dân tộc. Đó là tiếng gọi của ngày Lễ Hiển Linh.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 06-1
1Ga 5,5-13; Mc
1,7-11.
Lời suy niệm: “Có Đấng quyền
thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.
Tôi thì làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người sẽ làm phép rửa cho anh
em trong Thánh Thần.”
Gioan Tẩy Giả hết sức
khiêm tốn trước những suy nghĩ của người đương thời. Gioan tự cho mình không xứng
đáng là người tôi tớ của Chúa Giêsu. Và ông còn cho biết với phép rửa của ông,
chỉ có giá trị là biểu lộ: tỏ lòng sám hối. Còn phép rửa của Chúa Giêsu
là tha tội để con người được giao hòa với Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Phép rửa
tội, chúng con chỉ được lãnh nhận một lần duy nhất trong đời sống của chúng
con, nhưng với sự mỏng dòn, yếu đuối trước những cám dỗ của ma quỷ, chúng con lại
phạm tội. Xin cho chúng con luôn biết làm mới thân xác và tâm hồn chúng con bằng
Bí Tích Giao Hòa, để chúng con được sống.
Mạnh Phương
06 tháng Giêng
Vị Vua Thứ Tư
Hôm nay lễ Ba Vua.
Phúc Âm chỉ nhắc đến ba vị vua. Thế nhưng văn sĩ Joergernen người Ðan Mạch thì
lại tưởng tượng ra một vị vua thứ tư. Vị vua thứ tư này đến chầu Chúa Giêsu sau
ba vị vua khác. Triều bái Hài Nhi Giêsu nhưng mặt ông tiu nghỉu bởi vì ông không
còn gì để dâng tặng Ngài.
Trước khi lên đường,
ông chọn ba viên ngọc quý nhất trong kho tàng của ông, thế những dọc đường gặp
bất cứ ai xin, ông cũng mang ra tặng hết. Người thứ nhất mà ông đã gặp là một cụ
già rét run vì lạnh. Ðộng lòng trắc ẩn, ông đã tặng cho cụ viên ngọc thứ nhất.
Ði thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông
đành mang viên ngọc thứ hai ra thương lượng với chúng để chuộc lại cô gái. Cuối
cùng khi tiến vào địa hạt Bêlem, ông gặp một người lính do vua Herôđê sai đi để
tàn sát các hài nhi trong một ngôi làng lân cận. Vị vua thứ tư đành phải rút ra
viên ngọc cuối cùng để tặng cho người lính và thuyết phục anh từ bỏ ý định gian
ác.
Tìm được Hài Nhi
Giêsu, vị vua thứ tư chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành
trình của mình.
Nghe xong câu chuyện,
Hài Nhi Giêsu mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra đón nhận quà tặng của ông. Nó
không phải là vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng được dệt bằng những
nghĩa cử đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu, đói khổ, những người
cần giúp đỡ.
Mùa Giáng Sinh là mùa
của những bất ngờ. Bất ngờ của một Thiên Chúa hóa thân làm người. Bất ngờ của một
thiên Chúa giáng hạ trong hang súc vật. Bất ngờ sự việc những người nghèo hèn
nhất trong xã hội đã nhận ra Tin Mừng. Bất ngờ của những người dân ngoại tìm đến
triều bái Vua các vua. Nhưng điều khiến con người sẽ không bao giờ ngờ đến: đó
là Ðấng Thiên Chúa hóa thân làm người ấy lại tự đồng hóa với mỗi một con người
sinh ra trên cõi đời này, nhất là những con người bé mọn nhất trong xã hội.
Ngài đã nói: tất cả những gì các người làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất
là các người làm cho chính Ta. Từ đây, người ta chỉ có thể gặp gỡ được Ngài qua
tha nhân. Tất cả những gì người ta làm cho tha nhân là làm cho chính Ngài. Lễ
dâng làm đẹp lòng Ngài nhất chính là những gì người ta trao tặng cho tha nhân,
nhất là những người nghèo hèn túng thiếu hay bất cứ ai cần sự giúp đỡ.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét