Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

07-01-2017 : THỨ BẢY TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

07/01/2017
Thứ Bảy đầu tháng, trước lễ Hiển Linh.

Bài Ðọc I: 1 Ga 5, 14-21
"Chúa nhậm lời chúng ta kêu cầu".
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Gioan Tông Ðồ.
Các con thân mến, nầy là sự chúng ta tin tưởng nơi Chúa: là hễ chúng ta xin sự gì hợp ý Người, thì Người nhậm lời chúng ta.
Và chúng ta biết Người nghe nhận mọi điều chúng ta xin, vì chúng ta biết rằng chúng ta có kêu cầu Người.
Ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa tới sự chết, thì hãy cầu xin và Người sẽ ban sự sống cho kẻ phạm thứ tội đó.
Có thứ tội đưa đến sự chết, tôi không bảo ai cầu xin cho người phạm tội ấy đâu.
Mọi sự gian tà đều là tội, và có thứ tội đưa đến sự chết.
Chúng ta biết rằng ai sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, chính sự sinh ra bởi Thiên Chúa gìn giữ họ và ma quỷ không làm gì được họ.
Chúng ta biết rằng chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra, và toàn thể thế gian đều phục lụy ma quỷ.
Và chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong Con chân thật của Người.
Chính Ngài là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời đời.
Các con thân mến, hãy giữ mình xa các tà thần.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv. 149,1-2, 3-4, 5 và 6a và 9b
Ðáp: Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Người. (4a)
Xướng 1) Hãy ca ngợi Chúa bằng một khúc ca mới, hãy vang lời ca tụng Người giữa đoàn các thánh. Hỡi Israel, hãy vui mừng vì Ðấng tạo thành mình, con cái Sion, hãy nhảy mừng vì nhà vua của mình. - Ðáp.
2) Hãy ca tụng Người trong vũ điệu, hát ca vịnh mừng Người theo nhịp trống cung đàn. Vì Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Người, ban chiến thắng huy hoàng cho kẻ khiêm tốn. - Ðáp.
3) Thần dân Người sung sướng hân hoan, đồng ca hát cả trên giường nghỉ. Miệng họ cao rao sự cao trọng của Thiên Chúa, vinh dự thay cho các thánh của Người. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, Alleluia. Thủa xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà nói với cha ông, nhưng đến thời sau hết, Người đã nói nơi Chúa Con. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 2, 1-12
"Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa"
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.
Khi ấy có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa.
Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó.
Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới.
Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi".
Chúa Giêsu nói với mẹ: "Hỡi bà, tôi với bà có can chi đâu, giờ tôi chưa đến".
Mẹ Người nói với những người giúp việc: "Hễ Người bảo gì, phải làm theo".
Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước.
Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy đổ nước đầy các chum".
Họ đổ đầy tới miệng.
Và Chúa Giêsu bảo họ: "Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc", và họ đã đem đi.
Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: :Ai cũng đều đem rượu ngon ra trước, khi khách đã ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon cho tới giờ này".
Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
Ðó là Lời Chúa.


Suy Niệm: Phép lạ
Đoạn Tin Mừng vừa nghe không nói rõ là tiệc cưới của ai, nhưng chắc chắn là của một người trong họ hàng thân thiết với Chúa, vì người ta thấy có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ.
Theo tục lệ của người Do Thái, thì đám cưới thường kéo dài tới 7 ngày. Dĩ nhiên khách được mời không bắt buộc phải ở lại dự tiệc suốt 7 ngày. nhưng số người ở lại cho tới hồi kết thúc có lẽ không ít, nên xảy ra nạn thiếu rượu. Thiếu rượu nửa chừng trong một tiệc cưới quả là một tai hoạ. Danh dự của đôi tân hôn có thể bị thương tổn. Như thế, chúng ta có thể tưởng tượng ra nỗi lo âu và cảnh chạy đôn chạy đáo của nhà đám. Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu, với sự nhạy cảm và tinh tế của một người phụ nữ, hẳn đã nhận ra được những sự lục đục diễn ra ở hậu trường của tiệc cưới và hiểu được nỗi khốn quẫn của nhà đám. Dù sao thì Mẹ Maria đã là người đầu tiên lên tiếng về tình trạng này: họ không còn rượu nữa.
Một nhận định vô tư về tình hình hay còn hàm chứa một lời cầu xin? Có thể đây chỉ là một lời tỏ bày, báo động với Chúa Giêsu về nỗi quẫn bách của nhà đám, không nhất thiết Mẹ Maria phải xin một phép lạ. Điều quan trọng hơn ở đây là Mẹ Maria đã đặt Chúa Giêsu trước tình trạng quẫn bách của con người. Nhưng người đọc không thể không sửng sốt trước câu trả lời của Chúa Giêsu: Này bà, đối với tôi và bà, nào có việc gì. Một câu trả lời xem ra có vẻ cứng cỏi và xa vắng. Các nhà chú giải cắt nghĩa rằng trong một số trường hợp, câu nói này khá thông thường trong các giới Do Thái, và trong ngôn ngữ Hy Lạp, thì có nghĩa là: việc gì đến bà. Câu trả lời cua Chúa Giêsu ngụ ý cho thấy hai người, Người và mẹ Người không ở trên cùng một bình diện. Hành động của Người sẽ vượt lên trên rất xa điều Mẹ Maria có thể nghĩ đến. Tiếng bà dùng ở đây để chỉ Mẹ Maria không hề có nghĩa bất kính, mà chỉ là một kiểu xưng hô theo tập tục của của người Hy Lạp.
Như thế giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria có một sự khác biệt trong tầm nhìn. Đối với Chúa Giêsu phép lạ này bày tỏ vinh quang của Người được thực hiện là theo ý định của Cha Người. Sau cùng phép lạ đã xảy ra, cơn khốn quẫn của nhà đám được giải quyết một cách dư dật quá lòng mong muốn, sáu chum nước lã, mỗi chum chứa hai hoặc ba thùng, biến thành một loại rượu ngon. Nước lã biến thành rượu ngon. Thế nhưng nếu lưu ý chúng ta sẽ thấy, phép lạ đã không diễn ra chỉ bằng một lời phán, nhưng đã khởi sự từ việc nhận ra sự khốn quẫn của người khác, từ công lao khó nhọc của các gia nhân gánh đầy mấy chum nước.
Từ đó chúng ta đi tới kết luận, dù là trong phép lạ, thì sự tham gia cộng tác của con người cũng vẫn là điều cần thiết.



Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 7 tháng 1 GS
Bài đọc: 1 Jn 5:14-21; Jn 2:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ác thần không làm hại được những ai luôn tìm thi hành ý Thiên Chúa.
Ác thần biết yếu điểm của con người: con người muốn làm những gì họ muốn. Vì thế, chúng luôn cám dỗ con người làm như thế. Nhưng nếu đi con đường này, con người sẽ thuộc về ác thần. Thiên Chúa cho con người một chìa khóa để thắng được ác thần: tuân theo thánh ý Thiên Chúa. Nếu đi con đường này, con người sẽ đạt tới đích điểm của cuộc đời.
Trong bài đọc I, thánh Gioan dạy con người tìm ra và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Cho dù con người có yếu đuối phạm tội; nhưng họ phải luôn biết trỗi dậy và quay về với tình yêu Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, khi Mẹ Maria nhận ra đôi tân hôn đã hết rượu, Mẹ đến với Chúa để cầu cứu ngài giải thoát cho đôi tân hôn, và Mẹ khuyên các người giúp việc một câu khôn ngoan mà chúng ta cần nhớ để thi hành luôn: “Hễ người bảo gì hãy làm như thế!”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tội đưa đến cái chết và tội không đưa đến cái chết.
1.1/ Điều kiện để Thiên Chúa nhận lời cầu xin của con người:
(1) Thiên Chúa nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người: Thiên Chúa lắng nghe tất cả những lời cầu xin của con người, nhưng không phải ngài sẽ nhận lời tất cả các lời cầu xin; Ngài chỉ nhận lời những điều hợp ý Ngài mà thôi. Điều này dễ hiểu, vì có những lời cầu xin ích kỷ chỉ biết vun xới cho mình, hay những lời cầu xin Thiên Chúa làm hại người khác, hay bắt Thiên Chúa cư xử ngược lại với bản tính của Ngài. Điều con người nên làm khi cầu nguyện là luôn kết thúc với câu “nếu đẹp ý Chúa.” Chỉ có Thiên Chúa mới biết rõ ràng và chắc chắn điều gì tốt đẹp cho con người, và Ngài sẽ sẵn sàng ban những điều tốt đẹp đó cho con cái của Ngài.
(2) Tội đưa đến cái chết và tội không đưa đến cái chết: Gioan nói về 2 thứ tội này, nhưng không cắt nghĩa rõ ràng: “Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy; đó là nói về những ai phạm thứ tội không đưa đến cái chết. Có một thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy. Mọi điều bất chính đều là tội, nhưng có một thứ tội không đưa đến cái chết.” Theo ý kiến sau cùng của các học giả và giáo huấn của Giáo-Hội: tội đưa đến cái chết là tội của những người mất hết ý thức về tội lỗi, hay của những người tin tưởng Chúa sẽ tha hết mọi tội mà không cần phải ăn năn, xám hối, và sửa đổi. Nếu con người cầu xin Chúa cứu những người này là vi phạm sự công bằng của Thiên Chúa; nhưng con người có thể cầu xin cho họ có cơ hội trở lại khi họ còn sống.
1.2/ Hai trường hợp của con người trong thế giới: Đọan văn này rất khó hiểu; chúng ta phải hiểu nó trong văn mạch của tòan thư Gioan I. Trước tiên, Gioan không có ý nói tất cả các Kitô hữu không phạm tội, vì ngay trong đọan văn trên, Gioan đã phân biệt 2 thứ tội: tội đưa đến cái chết và tội không đưa đến cái chết. Điều ngài muốn làm ở đây là phân biệt 2 lọai người: người thuộc về Thiên Chúa và người thuộc về thế gian.
Thánh Gioan viết: “Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được. Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần.” Theo Gioan, thế giới là bãi chiến trường giữa sự thiện và sự ác; trong đó có những người thuộc về Thiên Chúa và những người thuộc về Ác thần. Người thuộc về Thiên Chúa có thể phạm tội vì yếu đuối xác thịt; nhưng họ luôn có ý thức về tội lỗi và muốn giao hòa cùng Thiên Chúa. Người thuộc về Ác thần không có hay đánh mất hết ý thức về tội lỗi; họ không còn coi điều gì là tội nữa.
2/ Phúc Âm: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."
Trình thuật hôm nay bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu và là phép lạ đầu tiên trong Tin Mừng theo thánh Gioan. Đây là phép lạ quan trọng, vì nó khơi mào kỷ nguyên của Đấng Thiên Sai. Chúa Giêsu tỏ uy quyền và sự quan tâm của Ngài cho Đức Mẹ, cho các môn đệ, và cho dân chúng để họ tin vào Ngài. Có ba phản ứng khác nhau trong trình thuật hôm nay.
2.1/ Phản ứng rất tinh tế của Đức Mẹ: Mẹ Maria, tuy là khách dự tiệc; nhưng Mẹ không giống như đa số khách dự tiệc đến để ăn. Mẹ là người đầu tiên nhận ra hoàn cảnh khó khăn của đôi tân hôn. Mẹ hiểu biến cố hết rượu trong ngày cưới sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của đôi tân hôn, nên Mẹ đến cầu cứu với Chúa Giêsu cho đôi trẻ, và nói với con mình: "Họ hết rượu rồi." Sự kiện Mẹ chọn đến thưa chuyện với Chúa Giêsu chứng minh hai điều:
Mẹ biết Chúa Giêsu là người duy nhất có thể cứu vãn tình thế cho đôi trẻ. Mẹ không truyền lệnh; nhưng cầu cứu để Chúa Giêsu tự do đáp trả. Sau đó, Mẹ ra ngoài bếp và nhắn nhủ những người giúp việc một điều quan trọng: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."
2.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu: Khi nghe lời Mẹ cầu cứu, Đức Giêsu trả lời: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến." Giờ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan là giờ mà Ngài được vinh quang khi bị treo trên Thập Giá. Toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu trên dương thế đều hướng về giờ này; thoạt nghe câu trả lời của Chúa Giêsu, nhiều người có thể cho là Ngài bất hiếu; nhưng họ cần phải suy xét thêm: Trong cuộc đời, mỗi người có một sứ vụ Thiên Chúa trao để chu toàn và có một thời gian cố định để chu toàn sứ vụ đó. Chúng ta đừng bao giờ bắt người khác phải thi hành sứ vụ đó theo yêu cầu và thời gian của chúng ta. Đây là chìa khóa để giữ bình an, hiệp nhất và hạnh phúc của gia đình.
Lời nhận xét của người quản tiệc là một ví dụ khác cho việc đừng bắt người khác phải luôn theo truyền thống, vì mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Ông trách tân lang: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ."
2.3/ Phản ứng của những người giúp việc: Trình thuật kể: "Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước."
Đức Giêsu bảo các người giúp việc: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Đây không phải một lệnh truyền dễ thi hành vì phải ra đi kín một lượng nước lớn trong ngày lễ cưới; nhưng họ đã vâng theo lệnh truyền của Chúa và đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Lại một lệnh truyền không dễ làm vì đòi hỏi một niềm tin; nhưng họ vâng lời và đem cho ông quản tiệc. Kết quả xảy ra quá lòng mong đợi của mọi người, vì khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết rượu từ đâu ra, chỉ có gia nhân đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang lại và hỏi: Tại sao giữ rượu ngon đến giờ này?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Yếu điểm của chúng ta là khó từ bỏ ý mình và thi hành thánh ý của Thiên Chúa.
- Chúng ta hãy khiêm nhường và kiên trì luyện tập để loại bỏ tật xấu vô cùng tai hại này; vì chúng ngăn cản chúng ta trên con đường dẫn đến sự sống đời đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

07/01/17 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Th. Rây-mun-đô, linh mục            Ga 2,1-11

CỨ VIỆC LÀM THEO

Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2,4-5)

Suy niệm: Với kinh nghiệm đức tin và nền suy tư sâu xa của Hội Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư Mục Vụ năm 2005 đã khuyên các tín hữu luôn nhớ lời Mẹ Ma-ri-a căn dặn “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” để sống đức tin. Bởi đây là kinh nghiệm của Mẹ trên hành trình đức tin. Vào ngày Truyền Tin, Mẹ đã nêu gương “cứ việc làm theo” dù không biết sự việc sẽ như thế nào, hậu quả sẽ ra sao, Mẹ đã tin vào Chúa Giê-su trước khi thấy Người. Càng “suy đi nghĩ lại” những việc Chúa đã làm, Mẹ khám phá bàn tay Chúa dẫn đưa hơn là nhận ra những việc Chúa sẽ thực hiện. Hôm nay, trong tiệc cưới Ca-na, Mẹ lại là người đi tiên phong trong niềm tin vào Chúa Giê-su. Bởi, trước đó, Chúa Giê-su chưa hề làm một phép lạ nào, dù ở Na-da-rét hay một nơi nào khác, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn của đôi tân hôn, Mẹ trình bày ưu tư của mình với Chúa và chờ đợi với hết niềm tin tưởng, dù Giờ của Chúa Giê-su chưa đến vẫn là thách thức cho niềm tin. Kinh nghiệm đầy khôn ngoan trong đức tin của Mẹ là “Người bảo gì, cứ việc làm theo”.

Mời Bạn: Chúng ta có thói quen chờ đợi Chúa thực hiện như ý mình xin. Làm sao bạn và tôi hiểu được những điều Chúa làm, phải không bạn? Đức tin đòi hỏi chúng ta luôn tín thác vào Chúa dù không hiểu được việc Ngài làm.

Sống Lời Chúa: Nói với Chúa niềm tin của bạn.

Cầu nguyện: Xin Mẹ dạy con biết sống tín thác như Mẹ, để con khơi dậy được lòng tin vào Chúa nơi anh chị em con.

H hết rượu ri (7.1.2017 – Th by)
Ðc Giêsu đã d tic cưới Cana... Nếu bn nghe li Ngài, đ nước đy các chum rng, bn s gp được hnh phúc vng bn.


Suy nim:
Ðức Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ
cùng có mặt trong một đám cưới ở làng quê Cana.
Ðám cưới là một cuộc vui kéo dài cả tuần.
Tiếc thay, tiệc nửa chừng thì hết rượu.
Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan.
Ngài đã biến nước thành rượu.
Ngài trả lại bầu khí vui tươi cho đám cưới.
Tin Mừng Gioan hay kể lại những dấu lạ có ý nghĩa.
Những dấu lạ vén mở con người Ðức Giêsu.
Làm bánh hóa nhiều cho thấy Ðức Giêsu là Bánh thật.
Chữa người mù bẩm sinh cho thấy Ðức Giêsu là Ánh Sáng.
Hoàn sinh Ladarô cho thấy Ðức Giêsu là sự Sống Lại.
Dấu lạ ở tiệc cưới Cana cũng cho ta biết Ngài.
Thứ nước dùng cho nghi thức tẩy uế của Do Thái giáo,
Ðức Giêsu biến nó thành rượu ngon,
một lượng rượu khổng lồ vượt quá mức đòi hỏi.
Ngài biến nước của Cựu Ước thành rượu của Tân Ước.
Như thế Ngài đã mở ra một thời đại mới
thời đại thiên sai, chan chứa niềm vui cứu độ.
Ðức Giêsu cho thấy mình chính là Ðấng Mêsia.
Ngài đến để thiết lập một trật tự mới
dồi dào và phong phú, như rượu vừa nhiều vừa ngon.
Cựu Ước không làm con người mãn nguyện.
Con người vẫn khát khao và tìm kiếm hạnh phúc.
Nhưng hạnh phúc vẫn là cái gì bèo bọt, mong manh.
Ðức Giêsu đã dự tiệc cưới ở Cana.
Ngài muốn dự mọi bữa tiệc liên hoan của con người.
Ngài muốn chia sẻ và bảo vệ niềm vui bé nhỏ nơi họ.
Ðừng để Ðức Giêsu đứng ngoài hạnh phúc của bạn.
Ðừng coi Ngài là người ganh ghét với niềm vui bạn có.
Nếu bạn nghe lời Ngài, đổ nước đầy các chum rỗng,
bạn sẽ gặp được hạnh phúc vững bền.
Dấu lạ Cana chủ yếu cho ta thấy Ðức Giêsu là ai,
nhưng Ðức Maria cũng có một vai trò đáng kể.
Mẹ hiện diện trong tiệc cưới như thân mẫu Ðức Giêsu.
Mẹ thấy rõ sự lúng túng lo âu của chàng rể.
“Họ hết rượu rồi”: Mẹ chỉ nói với Con như vậy.
Câu nói của Mẹ ẩn chứa một lời nài xin kín đáo.
Mẹ mong Con làm một điều gì đó mà Mẹ không rõ.
“Người bảo gì, các anh hãy làm.”
Quả thật Ðức Giêsu có bảo và các gia nhân có làm,
nhờ đó dấu lạ Cana được thực hiện.
Qua sự đóng góp của Mẹ trong dấu lạ mở màn này,
đức tin của các môn đệ được củng cố và lớn lên.
Hôm nay Mẹ vẫn nói nhỏ với Chúa: Họ hết rượu rồi!
Niềm vui chợt tắt, tình yêu nhạt phai, gia đình tan vỡ...
Cần biết bao sự hiện diện của Chúa và Mẹ
trong mỗi gia đình, giữa lúc khó khăn bối rối.
“Người bảo gì, các con hãy làm”:
Ðó vẫn là lời Mẹ nhắn nhủ chúng ta hôm nay.
Cầu nguyn:

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG GIÊNG
Hành Trình Trực Chỉ Giê-ru-sa-lem
Các nhà thông thái phương Đông là những người ngoại giáo đầu tiên đón nhận mạc khải đức tin vào Chúa Kitô. Họ là những người đầu tiên tiếp cận mầu nhiệm thừa tự mà Thiên Chúa đã mở ra cho mọi người nơi Đức Giêsu Kitô: cuộc Nhập Thể của Con đời đời của Thiên Chúa.
Mầu nhiệm ấy, nhờ Chúa Thánh Thần vén mở, đã được các nhà thông thái tiếp cận ngay cả trước khi nó được mạc khải cho các tông đồ – và ngay cả trước khi Tin Mừng được nhận biết như là con đường dẫn tới đức tin. Nơi các nhà thông thái này, chúng ta tìm thấy một hình mẫu của công cuộc tiền-Phúc-Âm hóa. Chúng ta thấy rõ linh hồn họ đã được Thiên Chúa chuẩn bị để đón nhận ơn cứu độ. Đây cũng là một công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng mạc khải ý nghĩa của ánh sao mà các nhà thông thái đã dõi bước theo trên hành trình trực chỉ Giê-ru-sa-lem. Ánh sao ấy biểu trưng ý nghĩa rằng ơn cứu độ của họ vẫn còn ở xa xa, réo gọi.
Trong ngày Lễ Hiển Linh, phụng vụ của Giáo Hội cũng muốn dẫn dắt chúng ta trên hành trình của mình tiến về Giê-ru-sa-lem. Chúng ta hướng lòng về thành Thánh, “thành đô của Đại Vương”. Cho dẫu cư dân Giê-ru-sa-lem không hề hay biết rằng vị Vua Vinh Quang đã được sinh ra giữa họ, thì phần mình, chúng ta vẫn vui mừng hoan hỉ hướng về thành Thánh. Bởi đó là ‘thành đô của Đại Vương’.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 07-1
Thánh Raimunđô Penyafort, linh mục
1Ga 5,14-21; Ga 2,1-11.

Lời suy niệm: “Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: Họ hết rượu rồi. Đức Giêsu đáp: Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ tôi chưa đến.”
Tại tiệc cưới Cana cho chúng ta thấy được: Sự quan tâm của Đức Mẹ khi phục vụ. Đức Mẹ đặt tin tưởng trong lời cầu xin với Chúa Giêsu. Trước lời đáp của Chúa Giêsu, Đức Mẹ không thất vọng. Đức Mẹ bảo các gia nhân giúp việc: “Người bảo gì anh em cứ việc làm theo”. Những người giúp việc vâng phục lời dạy của Đức Mẹ. Nhờ đó, Chúa Giêsu đã thực hiện lời cầu xin của Đức Mẹ: Rượu sau ngon hơn rượu trước, và các môn đệ đã tin vào Người.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho các lễ cưới con cái của Chúa, biết mời Chúa và Đức Mẹ hiện diện trong lễ cưới của mình, để luôn giữ được niềm vui cho đến mãn đời mình.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 07-01: THÁNH RAYMUNDO PENYAFORT
Linh Mục (1175-1275)

Thánh Raymudô chào đời năm 1175 trong một gia đình hiệp sĩ tại lâu đài Penyafort ở California. Không chiều theo cuộc sống dễ dãi, Ngài đã dành trọn nỗ lực tuổi trẻ vào việc học hành và thực tập các nhân đức. Mới 20 tuổi, Ngài đã giữ ghế triết tại đại học Barcelona. Nhưng vì tinh thần hiếu học và muốn giúp ích cho Giáo hội đắc lực hơn, năm 30 tuổi, Ngài qua Italia để tiếp tục học luật tại Bologna. Tại đây Ngài đã tốt nghiệp tiến sĩ và thành công trong nghề luật sư, lại còn giảng dạy tại chính đại học Bologna trong ba năm. Nhiều nhà quí phái và bậc thứ giả tìm đến với Ngài. Tận tụy hướng dẫn họ, Ngài chỉ mong cho họ tiến bộ. Nếu có bị ép để nhận một ít thù lao nào, Ngài cũng đem phân phát cho người nghèo.
Năm 1249, Đức giám mục địa phận Bacelona mời Ngài về giúp việc địa phận. Nhưng lúc 48 tuổi, thánh nhân đã trốn mọi danh vọng và xin gia nhập dòng Daminh, Ngài chỉ ao ước được trao phó cho những công việc thấp hèn nhất. Nếu được tán thưởng, Ngài liền xin bề trên cho được làm việc đền tội. Tuy nhiên việc đền tội Ngài không mong mỏi chút nào, là việc nhà dòng trao cho Ngài trách nhiệm viết một tác phẩm về các vấn đề lương tâm để hướng dẫn các cha giải tội. Tác phẩm này cho tới ngày nay vẫn còn danh tiếng.
Năm 1230, Đức giáo hoàng Gregoriô IX cảm kích những thành quả do thánh Raymundô mang lại, đã mời làm cha giải tội cho mình, đồng thời chọn Ngài làm tổng giám mục thành Tarragona. Nhưng danh dự này đã khiến thánh nhân, khi nghe tin, lên cơn sốt liền trong vòng ba ngày, Ngài đã xin các đức hồng y can thiệp cho mình khỏi lãnh nhận danh dự và gánh nặng này. Cuối cùng Đức giáo hoàng đành chấp thuận. Năm năm làm việc tại giáo triều, đức giáo hoàng đã ủy thác cho thánh nhân thu thập các sắc lệnh của các đức giáo hoàng và các công đồng thánh nhân đã gom góp vào năm cuốn sách và được phê chuẩn năm 1234. Ngoài việc chu toàn các nghĩa vụ được trao phó, Ngài còn theo đuổi một nếp sống nhiệm nhặt, khiến Ngài lâm trọng bệnh. Thánh nhân liền khẩn nài cho mình được trở về với nếp sống tu sĩ bình thường.
Từ khứơc mọi đặc ân thánh nhân rời khỏi Roma trở về Barcelona. Trên chuyến tàu Ngài gặp một người lâm bệnh nặng không còn nói năng gì được. Cầu nguyện và xin mọi người cầu nguyện cho ông, thánh nhân hỏi ông có muốn xưng tội không ? Bệnh nhân bỗng nói được. Ông ta đã xưng tội rồi tắt thở.
Tại Barcelon, thánh nhân trở lại đời sống sám hối rất gương mẫu. Hàng ngày Ngài vẫn xưng tội rước khi dâng lễ. Ngài nói: - "Những ngày bị ngăn trở không xưng tội được, đối với tôi là những tang chế u sầu".
Năm 1238, Ngài được bầu làm bề trên tổng quyền thứ ba của dòng Daminh. Suốt hai năm làm bề trên, Ngài đã đi bộ đến thăm viếng mỗi tỉnh dòng để hun nóng lòng nhiêt thành của các tu sĩ. Hai năm sau Ngài xin từ chức vì tuổi già sức yếu.
Tuy nhiên trong tuổi già yếu, Ngài vẫn góp phần xây dựng cho tổ quốc. Ngài đã viết thư yêu cầu thánh Tôma viết một bộ sách để chống lại bọn lạc giáo, như vua Giacôbê yêu cầu. Thánh Tôma đã nhận lời và viết bộ sách "Summa Contra Ghentiles" Dù được nhà vua quí mến chiều chuộng, nhưng thánh nhân không ngại cảnh cáo ông ta. Một lần kia, trong cuộc chinh phục đảo Maiorqua. Vua mời thánh nhân cùng đi. Thánh nhân nhận lời với ước vọng giảng thuyết để phá đổ những sai lầm tại đó. Nhưng tới nơi, Ngài khám phá ra rằng nhà vua đang phá hoại tổ chức bằng cuộc sống tội lỗi của mình. Ngài can ngăn nhưng nhà vua không giữ lời hứa.
Thánh nhân liền tuyên cáo: - Vì Ngài không bỏ đường tội lỗi nên tôi sẽ bỏ đi.
Hoảng hốt, nhà vua cấm mọi tàu thuyền không được phép chở Ngài. Tương truyên rằng: thánh nhân đã nói với một tu sĩ đi theo Ngài rằng:  - Một vua trần thế cản đường, thì vua trên trời sẽ mở lối cho chúng ta đi.
Nói rồi, Ngài cởi áo ngoài trải ra trên mặt biển, cắm cây gậy làm cột và cuốn một góc làm buồm. Ngài mời thầy dòng lên "Tàu" nhưng ông không dám. Thế là một mình Ngài đáp "tàu" hồi hương. Vài giờ sau thánh nhân tới bến và Ngài vội vàng cuốn áo thẳng về nhà dòng để tránh tiếng hoan hô của dân chúng. Phép lạ này đã trở thành sức mạnh cải hóa nhà vua, đưa ông trở lại với lương tâm và quê hương mình.
Về già, thánh Raymundô đã chịu nhiều cơn đau yếu, nhưng lòng nhiệt thành của Ngài vẫn bốc cháy không ngừng. Ngày 6 tháng giêng năm 1275 Ngài đã từ giã cõi thế là nơi mà Ngài đã hiến trọn đời phụng vụ Chúa.
(daminhvn.net)


07 Tháng Giêng
33 Năm Sau
Với tựa đề "33 năm sau", đó là một câu chuyện thuật lại như sau: "Những gì đã xảy ra cho đứa bé năm nào?". Một trong ba vua đã đi triều bái vua Do Thái mới sinh tự hỏi. Suốt cuộc đời mình, nhà vua không thể nào quên được cuộc hành trình cách đây khoảng 33 năm, một cuộc hành trình dõi theo ánh sáng sao lạ dẫn ông đến hang đá Bêlem.
Câu hỏi: "Liệu đứa bé ấy có trị vì dân Israel được không?". Làm cho nhà vua bồn chồn đứng ngồi không yên. Rồi chẳng dừng được, một lần nữa nhà Vua quyết định lên đường đi đến Palestine. Tại Giêrusalem, những bậc bô lão còn nhớ đến những vì sao lạ, nhưng không ai biết gì đến đứa bé được sinh ra dưới điềm lạ ấy. Còn tại Bêlem mọi người được hỏi đều lắc đầu, ngoại trừ một cụ già cho nhà Vua biết: Làm gì có ông Giêsu Bêlem, chỉ có ông Giêsu Nagiarét, một người nói phạm thượng tự xưng mình là Con Thiên Chúa, nên cách đây mấy tuần đã bị xử "tử hình thập giá".
Thất vọng ê trề, nhà Vua thẫn thờ nhập vào đoàn những người hành hương trở lại Giêrusalem, vào đúng ngày Lễ Ngũ Tuần. Chen lấn vào đoàn lũ đang mừng lễ Tạ Ơn Sau Mùa Gặt, nhà Vua chú ý đến một đám đông đang bu quanh một nhóm người. Tò mò ông lấn qua đám đông để đến gần và nghe có kẻ nói: "Tưởng gì chứ lại gặp mấy tên say rượu nói tầm xàm".
Nhưng tai nhà Vua lại nghe một người trong nhóm nói tiếng nước mình và rõ ràng ông ta nói về ông Giêsu Nagiarét, người đã bị đóng đinh, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết. Như bị một sức mạnh vô hình thúc đẩy, nhà Vua chen vào đám đông cất tiếng hỏi: "Vậy bây giờ ông Giêsu đó ở đâu?". Ðại diện nhóm người đứng ở giữa đám đông là Simon Phêrô trả lời: "Ngài đang ở giữa chúng tôi. Ngài đang ở trong chúng tôi. Chúng tôi là môi miệng, là tai mắt, là đôi tay, là đôi chân của Ngài".
Trong lúc Pphêrô đang nói, bỗng có một luồng gió thổi mạnh và hình lưỡi lửa một lần nữa thổi tràn xuống mọi người. Nhà Vua bỗng lại thấy ánh sao Bêlem, nhưng lần này ánh sao ấy chia ra nhiều ánh sao khác rơi xuống mọi người. Trong tâm hồn, nhà Vua chợt hiểu: Mỗi người phải trở nên máng cỏ nơi Ðức Giêsu sinh ra và mỗi người phải mang Ngài đến cho mọi người xung quanh.
Câu chuyện trên nối liền ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, mừng biến cố Ngôi Lời nhập thể với Lễ Tưởng Niệm Biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ðồng thời câu chuyện cũng nêu nổi bật bổn phận của mọi người Kitô, là những kẻ phải trở nên tai mắt, trở nên môi miệng và chân tay của Ðức Kitô để mang Tin Mừng của Ngài đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ và cộng tác hằng ngày.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét