10/01/2017
Thứ Ba tuần 1 thường niên.
Bài Ðọc I: (năm I) Dt
2, 5-12
"Ðấng ban ơn cứu
độ phải chịu khổ nạn để nên hoàn hảo".
Trích thư gửi tín hữu
Do-thái.
Thiên Chúa đã không đặt
dưới quyền các thiên thần vũ trụ tương lai mà chúng tôi đang nói đến. Nhưng có
người đã minh chứng trong một đoạn sách kia rằng: "Nhân loại là gì mà Chúa
nhớ đến, con người là gì mà Chúa đến viếng thăm? Trong một thời gian, Chúa đã hạ
Người xuống kém các thiên thần; Chúa lại đặt trên đầu Người triều thiên vinh
quang và danh dự; Chúa đã đặt Người cai trị các công trình tay Chúa tác thành;
và bắt vạn vật quy phục dưới chân Người. Vì khi Ngài bắt vạn vật quy phục Người,
Ngài không trừ ra vật nào khỏi phục tùng Người. Hiện nay chúng ta chưa thấy mọi
sự phục quyền Người. Nhưng Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên
thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự
vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi
người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật,
đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng
đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được
thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là
anh em mà rằng: "Tôi sẽ cao rao danh Chúa cho anh em tôi; tôi sẽ ngợi khen
Người giữa cộng đoàn".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 8, 2a và 5.
6-7. 8-9.
Ðáp: Chúa ban cho Con Chúa quyền hành trên công cuộc tay
Ngài sáng tạo (c. 7).
Xướng: 1) Lạy Chúa, lạy
Chúa chúng con, nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý
chăm nom? - Ðáp.
2) Chúa dựng nên con
người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh
quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn
vật dưới chân con người. - Ðáp.
3) Nào chiên, nào bò,
thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại
dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. - Ðáp.
Alleluia: Tv 24, 4c và
5a
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân
lý của Ngài. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 21-28
"Ngài giảng dạy
người ta như Ðấng có uy quyền".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
(Ðến thành
Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta
kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền,
chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội
đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: "Hỡi Giêsu Nadarét,
có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết
ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". Chúa Giêsu quát bảo nó rằng:
"Hãy im đi, và ra khỏi người này!" Thần ô uế liền dằn vật người ấy,
thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng:
"Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh
cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người". Danh tiếng Người liền đồn
ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ðấng có uy
quyền
Tin Mừng hôm nay kể lại
việc Chúa Giêsu giảng dạy tại hội đường và chữa lành một người bị quỉ ám.
Sau khi Gioan Tẩy Giả
bị bắt giam, Chúa Giêsu trở về Galilê và giảng dạy trong Hội đường một cách
công khai. Ngài giảng dạy với uy quyền của Thiên Chúa, chứ không như các Tiên
tri trong Cựu Ước là những người được Thiên Chúa ủy thác cho; Ngài cũng không
giảng dạy như các kinh sư Do thái là những người chỉ giải thích Kinh thánh và
chất lên vai người dân gánh nặng của những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài. Giáo huấn của
Chúa Giêsu là một cuộc giải phóng, một việc loan Tin Mừng cứu rồi, cách riêng
cho những người nghèo khổ, những người bị loại ra bên lề xã hội. Dân chúng nghe
Chúa đều nhận thấy có sự khác biệt sâu xa giữa giáolý của Chúa và những lời giảng
dạy của các kinh sư Do thái.
Kèm theo lời giảng dạy,
Chúa Giêsu còn làm một phép lạ chữa một người bị quỷ ám. Phép lạ này chứng minh
Ngài là Thiên Chúa, Ngài có toàn quyền trên quỷ dữ, Ngài đến để chấm dứt quyền
thống trị của tà thần trên con người. "Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và
chúng phải vâng theo". Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện gây hứng thú và kinh
ngạc nơi dân chúng; trái lại, những kẻ chống đối Chúa thì hạch sách Ngài:
"Ông lấy quyền nào mà làm như vậy?" Họ không muốn công nhận những việc
Chúa làm, họ mơ ước một Vị Cứu Tinh hùng mạnh giải phóng dân tộc khỏi ách thống
trị của đế quốc Rôma, trong khi đó Chúa Giêsu lại đến để giải phóng con người
khỏi quyền lực của ma quỷ và tội lỗi.
Thánh Phêrô đã mời gọi
các người đồng hương của ngài: "Thưa đồng bào Israel, xin hãy lắng nghe Chúa
Giêsu Nazaret, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực
sứ mệnh của Ngài, Thiên Chúa đã cho Ngài làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu
lạ giữa anh em như chính anh em đã biết điều đó".
Nguyện cho Lời Chúa
hôm nay củng cố niềm xác tín rằng sứ mệnh cứu thế phát xuất từ nơi Chúa và vẫn
tiếp tục trong Giáo Hội. Giáo Hội đã lãnh nhận kho tàng đức tin và quyền thánh
hóa và giáo huấn từ nơi Chúa. Xin cho chúng ta luôn trung thành với Giáo Hội và
sẵn sàng đón nhận giáo huấn của các chủ chăn mà Chúa đã đặt lên hướng dẫn Dân
Chúa trên đường tiến về Nước Trời.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 1 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb
2:5-12; Mk 1:21-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Uy quyền của
Chúa Giêsu
Để có thể thuyết phục
người khác, người rao giảng cần có uy quyền trong lời nói cũng như trong hành động.
Ngòai sự thông hiểu về đề tài và cách suy luận, người rao giảng còn phải biết
cách trình bày sao cho sáng sủa, gọn gàng, và dễ hiểu. Tuy nhiên, “lời nói chỉ
mới lung lay;” muốn hòan tòan thuyết phục khán giả, người rao giảng cần phải sống
những lời mình rao giảng hay cần những người khác làm chứng cho mình.
Các Bài Đọc hôn nay tập
trung trong uy quyền của Chúa Giêsu. Trong Bài Đọc I, Chúa Giêsu là lý do tại
sao con người được phục hồi tình trạng nguyên thủy: con người có quyền trên mọi
sự và mọi lòai. Trong Phúc Âm, khán giả của Chúa Giêsu nhận ra ngay sự khác biệt
giữa Chúa Giêsu và các kinh-sư: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy
lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Muôn loài muôn sự phải phục quyền con người.
Để hiểu tư tưởng của
tác giả trong đọan văn này, chúng ta cần hiểu danh từ con người. Khi thì tác giả
dùng để chỉ lòai người cách tổng quát, khi thì áp dụng cho Chúa Giêsu như là vị
đại diện của lòai người. Trong trường hợp thứ hai, Con Người phải được viết
hoa. Chúng ta có thể phân biệt 3 tình trạng của lòai người như sau:
1.1/ Phẩm giá cao trọng của
lòai người trong ý định của Thiên Chúa: Tác
giả quả quyết con người sẽ làm chủ thế giới tương lai: “Thật vậy, Thiên Chúa đã
không trao cho các thiên thần quyền làm chủ thế giới tương lai, thế giới mà
chúng ta đang nói đến. Nhưng trong một đoạn Kinh Thánh kia, có người đã làm chứng
rằng: Phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến? Con người là gì mà Chúa phải thăm
nom? Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời
gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, đặt muôn loài, muôn sự
dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người. Khi bắt muôn loài
muôn sự phải phục quyền con người, Thiên Chúa không để cho một sự gì không phục
quyền con người.”
- Đọan văn mà tác giả
trích ở đây là Thánh Vịnh 8:5-7, nói về phẩm giá con người. Họ cao trọng hơn hết
mọi lòai trong ý định của Thiên Chúa.
- Một điểm liên quan đến
bản văn cần lưu ý: Bản dịch của Nhóm PVCGK dịch từ bản Bảy Mươi của Hy-Lạp,
dùng chữ “thua kém các thiên-thần.” Trong khi bản MT của Do-Thái dùng chữ “thua
kém Thiên Chúa, Elohim.” Theo văn mạch, bản Bảy Mươi hợp lý hơn nếu
chúng ta hiểu tình trạng của con người sau khi phạm tội, họ thua kém các
thiên-thần. Bản MT của Do-Thái đúng trong ý định của Thiên Chúa và sau khi phẩm
giá con người được phục hồi nhờ Đức Kitô.
1.2/ Tình trạng của lòai
người sau khi phạm tội: “Thật ra, hiện nay chúng
ta chưa thấy muôn loài muôn sự phục quyền con người.” Có lẽ đây là tình trạng của
con người sau khi phạm tội và trước khi được cứu chuộc bởi Đức Kitô
1.3/ Tình trạng của lòai
người sau khi đã được Đức Kitô cứu chuộc: Qua
đau khổ, Đức Kitô đã chuộc lại phẩm giá nguyên thủy cho con người. Tác giả viết:
“Nhưng con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì
chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi
vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu
đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.”
Vì thế, trong ý định
muôn đời của Thiên Chúa, con người chỉ thua kém Thiên Chúa, nhưng cao trọng hơn
các mọi lòai, bao gồm cả thiên thần. Khi con người phạm tội, thứ tự bị đảo ngược,
con người thua thiên-thần; nhưng Thiên Chúa đã có kế họach phục hồi tình trạng
nguyên thủy cho con người qua Đức Kitô: “Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và
cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người
đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị
lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, Đấng thánh hoá là
Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã
không hổ thẹn gọi họ là anh em, khi nói: Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa
cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một
bài tán dương.”
2/ Phúc Âm: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy
quyền.
2.1/ Thiên hạ sửng sốt về
lời giảng dạy của Người: “vì Người giảng dạy
như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh-sư.” Qua lời nhận xét này,
khán giả đã nhận ra ngay sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các kinh-sư:
- Đấng có thẩm quyền:
Người biết rõ vấn đề chứ không dựa theo người khác. Điều này dễ hiểu nếu chúng
ta nhìn nhận Đức Kitô chính là sự khôn ngoan hay trí tuệ của Thiên Chúa. Ngài
biết mọi sự xảy ra trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Nhiều lần trong Tin Mừng,
Chúa Giêsu đã thẳng thắn sửa chữa sự hiểu sai của truyền thống: “Người xưa dạy…
phần Thầy, Thầy dạy các con…”
- Các kinh-sư: Họ chỉ
hiểu phần nào của vấn đề chứ không thông suốt tất cả. Họ phải dựa vào thẩm quyền
của Kinh Thánh để biện minh cho những lời giải thích của họ, chứ không dám đưa
ra một giáo lý gì mới cả.
2.2/ Chúa Giêsu có uy quyền
trên các thần ô uế: Trình thuật kể: trong hội
đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: "Ông Giêsu
Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi
biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!"”
Người Do-Thái tin có rất
nhiều thần ô uế trong thế giới, và chính Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất các
thần ô uế khỏi con người, điển hình là trình thuật hôm nay. Các thần ô uế này
có thể là oan hồn của các kẻ gian ác chưa được giải thóat, hay dựa trên trình
thuật của Stk 6:1-4.
(1) Ông là “Đấng
Thánh”của Thiên Chúa: Thần ô uế biết nguồn gốc và mục đích của Chúa Giêsu. Nguồn
gốc: Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa. Mục đích: Ngài đến để tiêu diệt tội lỗi và
các kẻ gây ra tội lỗi. Không những thế, Ngài còn khôi phục lại sự thánh thiện của
con người, làm cho họ xứng đáng được hưởng nhan thánh Chúa.
(2) Chúa Giêsu truyền
lệnh: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Thần ô uế lay mạnh người ấy,
thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.
(3) Phản ứng của con
người: Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là
gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần
ô uế và chúng phải tuân lệnh!"
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Vì Chúa Giêsu đã chịu
chết để phục hồi phẩm giá nguyên thủy cho con người, chúng ta cần bắt chước
Chúa Giêsu để tiêu diệt và tránh xa ảnh hưởng của các thần ô uế.
- Để có thể thuyết phục
người khác tin vào Chúa, chúng ta cần thông suốt những gì Chúa dạy trước khi có
thể rao truyền Tin Mừng cho người khác.
- Một cuộc sống theo
những đòi hỏi của Tin Mừng sẽ dễ dàng thuyết phục những người khác tin vào
Thiên Chúa hơn là chỉ thuần túy rao giảng.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
10/01/17
THỨ BA TUẦN 1 TN
Mc 1,21-28
ĐỂ LỜI CÓ UY QUYỀN
Chúa Giê-su vào hội đường giảng dạy. Thiên
hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm
quyền, chứ không như các kinh sư. (Mc 1,21-22)
Suy niệm: Nguyễn Trãi đã nói:
“Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi.” Những giá trị tầm thường như cỏ rác nhiều
khi có ưu thế lấn át những giá trị cao cả. Thế giới hôm nay đầy dẫy cỏ rác.
Nhưng muốn có vườn hoa đẹp, cần phải diệt cỏ. Những lời giảng dạy của các kinh
sư và biệt phái không thể làm nên một thế giới đẹp và hạnh phúc, vì thiếu những
việc làm đi kèm. Chúa Giê-su từng vạch cho thấy, “họ nói mà họ không làm” (Mt
23,3). Còn nơi Chúa Giê-su, lời giảng dạy của Ngài rất uy quyền, vì lời rao
giảng ấy luôn đi kèm với lối sống gương mẫu của Ngài. Uy quyền nơi Ngài diễn tả
trong việc khiêm tốn cúi xuống phục vụ, trong việc hạ mình xuống rửa chân cho
các môn đệ, trong việc chữa lành và dẫn đưa con người đến thiện ích đích thực.
Quyền uy nơi lời rao giảng của Ngài còn diễn tả đến cao độ khi hiến mạng sống
của mình. Nói cách khác, lời rao giảng uy quyền của Chúa nhằm đưa các giá trị
trường cửu trở về ưu thế và đưa con người bị lấm cỏ rác trở về với hương hoa
thiên đường.
Mời Bạn: Tại
sao các tín hữu ngày nay ngần ngại loan báo Tin Mừng? Phải chăng vì nơi nhiều
tín hữu đang có mối lo sợ phải sống trước những lời của mình rao giảng? Bạn thì
sao?
Sống Lời Chúa: Mỗi
ngày làm một việc để thực hành theo lời Chúa dạy trong Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa
cho con tham dự vào lời uy quyền của Chúa, nhờ đó, những lời con loan truyền,
con yêu thích sống theo và vui tươi chia sẻ cho mọi người.
Đấng thánh của Thiên Chúa (10.1.2017 – Thứ ba Tuần 1 Thường niên)
Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới bị ô nhiễm,từ không khí, nước uống đến những sản phẩm nhiễm độc của con người. Nhưng điều đáng sợ hơn cả là bầu khí ô nhiễm về tinh thần...
Suy niệm:
Trong Tin Mừng theo thánh
Máccô,
ta không thấy có những
bài giảng dài như Tin Mừng Mátthêu hay Gioan.
Nhưng bù lại Máccô đã kể
khá nhiều phép lạ của Đức Giêsu.
Khung cảnh của bài Tin
Mừng hôm nay
là hội đường vùng
Caphácnaum vào một ngày sabát.
Theo Máccô, Đức Giêsu đã
bắt đầu sứ vụ từ đây.
Chúng ta cần xem Ngài đã
sống ngày sabát như thế nào.
Trước hết Ngài đã vào hội
đường và giảng dạy.
Thánh Máccô không kể lại
nội dung của bài giảng,
chỉ cho biết là người ta
sửng sốt khi nghe Ngài
vì cách giảng đầy uy
quyền (c. 22) và lời giảng thì mới mẻ (c.27).
Phép lạ đầu tiên Đức
Giêsu làm ở hội đường này là trừ quỷ.
Ở đây có một người đàn
ông bị thần ô uế ám.
Trước sự hiện diện của
Đức Giêsu, anh ta sợ hãi nên kêu lên :
“Ông Giêsu Nadarét, ông
đến tiêu diệt chúng tôi ư?
Tôi biết ông là Đấng
Thánh của Thiên Chúa” (x. câu 24).
Sự hiện diện của Đấng
Thánh cũng đủ làm cho thần ô uế phải khiếp sợ,
vì ô uế và thánh thiện
không đội trời chung.
và Đấng thánh thiện có
khả năng triệt phá thần ô uế.
Lời của Đức Giêsu bây giờ
là lời trừ quỷ, lời quát mắng,
lời ra lệnh đầy uy quyền,
lời khiến thần ô uế phải tuân theo.
“Câm đi, hãy xuất khỏi
người này !”
Thần ô uế đã nhập vào và
làm người ấy bị tha hóa,
bị mất tự do, bị chi phối
và sai khiến như một nô lệ.
Lời Đức Giêsu là lời giải
phóng để anh ấy được thật sự là mình,
được giải thoát khỏi tình
trạng ô uế.
Thế giới chúng ta đang
sống là một thế giới bị ô nhiễm,
từ không khí, nước uống
đến những sản phẩm nhiễm độc của con người.
Nhưng điều đáng sợ hơn cả
là bầu khí ô nhiễm về tinh thần,
bầu khí ô uế của sex thấm
vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Xin Đức Giêsu trả lại cho
ta sự trong sạch nơi cái nhìn,
sự trong trắng nơi trái
tim và sự trong suốt nơi mọi cuộc gặp gỡ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng,
khoái lạc
là những điều hấp dẫn
chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự
do ngước lên cao
để sống cho những giá trị
tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho
tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần
nào
sự phong phú của kho tàng
trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn
và vui tươi
bán tất cả những gì chúng
con có,
để mua được viên ngọc quý
là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không
bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi
của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu
thương
Chúa dành cho từng người
trong chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG GIÊNG
Ánh Sáng Cho Các
Dân Tộc
Lời Chúa giới thiệu
cho chúng ta hình ảnh Đức Giê-su Na-da-rét như là “người tôi tớ của Thiên Chúa”
đã được báo trước trong Sách Ngôn sứ Isaia, như là người được Thiên Chúa tuyển
chọn và hài lòng. Trong tư cách là người tôi tớ của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chu
toàn sứ mạng của Người với sự dấn thân trọn vẹn cho Thánh Ý Thiên Chúa; và Người
nêu mẫu gương khiêm nhường trong quan hệ với mọi người. Như vậy, Thiên Chúa đã
đặt Người “như một giao ước với con người”, “như một ánh sáng cho các dân tộc”,
để đem lại ánh sáng cho người mù và trả lại tự do cho các tù nhân.
Người tôi tớ kỳ diệu ấy
của Thiên Chúa là Đức Kitô, Đấng đã đến để đem ơn cứu độ cho nhân loại – như được
mạc khải trong nước của phép Rửa. Trong Tin Mừng của Luca, Đức Giêsu được
Gio-an làm phép Rửa. Bấy giờ trời mở ra, và Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Đức
Kitô trong hình một chim bồ câu. Rồi tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con Yêu Dấu của
Ta; Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 17).
Giờ đây sấm ngôn xưa
đã được ứng nghiệm. Thiên Chúa vui thỏa đối với tôi tớ của Ngài; Cha hài lòng về
Con đời đời của mình. Bởi người Con ấy đã đảm nhận bản tính nhân loại. Với lòng
khiêm nhường sâu thẳm, Người đã xin Gio-an làm phép rửa cho Người trong nước.
Tuy nhiên, Gio-an Tẩy Giả chỉ là một vị tiền hô của Đức Kitô, và phép rửa của
Gio-an trong nước chỉ là một chuẩn bị cho cuộc xuất hiện của Đấng Mêsia – một
chuẩn bị để đón nhận ân sủng. Đức Giêsu, người tôi tớ khiêm nhường của Thiên
Chúa, mới là người mang ân sủng đến và làm phép Rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 10-1
Dt 2,5-12; Mc
1,21b-28.
Lời suy niệm: “Đức Giêsu và
các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày Sabát, Người vào hội đường giảng
dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng
có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.”
Khi Chúa Giêsu vào hội
đường giảng dạy, những lời giảng dạy của Người là những mạc khải mới về Thiên
Chúa tình yêu, rộng lòng tha thứ, đặc biệt đối với những người bệnh hoan, tật
nguyền, và những người bị bỏ rơi ra bên lề xã hội. Khi Người vừa giảng dạy, Người
tự lấy quyền năng của Người để trừ quỷ, tha tội và chữa lành cho những ai tin
và chạy đến với Người.
Lạy Chúa Giêsu. Tình
yêu Chúa luôn sẵn sàng thi ân giáng phúc. Xin cho mỗi người chúng con luôn tin
và chạy đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh để nhận được sự bình an.
Mạnh Phương
10 Tháng Giêng
Hạt Giống Của Hy Vọng
Văn hào Shakespeare
của nước Anh đã nói rằng: liều thuốc duy nhất còn lại cho những người khốn khổ
chính là niềm Hy Vọng. Bao lâu còn hy vọng, bấy lâu con người muốn tiếp tục sống.
Những người Mỹ tại
một thành phố nọ thường truyền tụng cho nhau nghe câu chuyện nuôi niềm hy vọng
của một gia đình nọ như sau: Có một đôi vợ chồng nọ vừa yêu người cũng lại vừa
yêu thiên nhiên. Ngoài năm đứa con ruột thịt ra, họ còn nhận thêm năm đứa con
nuôi. Niềm vui chung của mọi người trong nhà là được săn sóc vườn hoa và những
thứ cây cảnh trong nhà. Người vợ tưởng chừng như không biết thế nào là đau khổ.
Nhưng cả bầu trời như sụp xuống, vườn hoa trở thành hoang tàn, khi người chồng
ngộ nạn, qua đời. Kể từ đó, người đàn bà không còn muốn ra khỏi nhà nữa. Thiếu
bàn tay săn sóc của bà, ngôi vườn cũng mỗi lúc một tàn lụi.
Mùa đông đến càng
làm cho ngày tháng càng thêm ảm đạm hơn. Thế nhưng, một bữa sáng nọ, người đàn
bà bỗng nghe tiếng cười nói và cào xới trong ngôi vườn. Kéo tấm màn cửa sổ
phòng ngủ lên, bà thấy các con của bà đang hì hục xới đất. Trước sự ngạc nhiên
của bà, người con cả trong gia đình chỉ mỉm cười đáp: "Má sẽ biết khi mùa
xuân đến". Và nguyên một mùa đông, ngày nào các con của bà cũng ra vườn để
xới đất.
Thế rồi khi mùa
xuân đến, bao nhiêu hoa đẹp đều nở rộ trong vườn. Những hạt giống mà những người
con đã âm thầm gieo vãi trong mùa đông nay thức giấc bừng dậy làm cho ngôi vườn
trở thành tươi mát, sặc sỡ.
Cùng với hạt giống
của các thứ hoa, những người con đã gieo vào lòng người mẹ một thứ hạt giống
khác: đó là hạt giống của Hy Vọng. Chính niềm hy vọng đó đã đem người đàn bà trở
lại cuộc sống và đánh tan mọi buồn phiền trong tâm hồn bà.
Câu chuyện trên đây có
lẽ cũng chính là bức tranh của không biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống
hiện tại của chúng ta. Có những ngày tháng, mọi sự xem chừng như vô vọng. Có những
lúc mây mù của khổ đau bao phủ kín khiến chúng ta không còn thấy đâu là lối
thoát. Chính trong những lúc đó, chúng ta hãy nhớ đến hạt giống của niềm Hy Vọng.
Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi cho các tín hữu Rôma như sau: "Chính
trong niềm Hy Vọng mà chúng ta được cứu thoát. Chính trong niềm Hy Vọng đó,
chúng hãy nhìn thấy Sức Sống đang chờ đợi chúng ta. Chính trong niềm Hy Vọng
đó, chúng ta hãy nhìn thấy những hoa trái của những hạt giống mà chúng ta đã vất
vả gieo vãi.
Một người Hòa Lan và một
người Mỹ bàn về ý nghĩa của hai lá cờ quốc gia. Người hòa Lan phát biểu một
cách mỉa mai như sau: lá cờ của chúng tôi có ba màu: đỏ, trắng, xanh. Chúng tôi
tức giận đỏ cả người lên, mỗi khi chúng tôi bàn đến thuế má. Chúng tôi run sợ đến
trắng bệch cả người mỗi khi chúng tôi nhận được giấy thuế má. Và chúng tôi xanh
như tàu lá sau khi đã trả hết các thứ thuế. Người Mỹ cũng nói lên một cảm tưởng
tương tự mỗi khi nhận được các thứ giấy đòi nợ, nhưng lại bảo rằng: bù lại,
chúng tôi chỉ thấy toàn các thứ sao.
Sao trên bầu trời là
biểu hiện của chính niềm Hy Vọng. Bên kia những vất vả thử thách, bên kia những
mất mát, bên kia những thất bại khổ đau, phải chăng người Kitô chúng ta không
được mời gọi để thấy được các ngôi sao của niềm Hy Vọng.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét