11/01/2017
Thứ Tư tuần 1 thường niên.
Bài Ðọc I: (năm I) Dt
2, 14-18
"Người phải
nên giống anh em mình mọi đàng".
Trích thư gửi tín hữu
Do-thái.
Vì các con trẻ cùng
chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần
điều đó, để nhờ cái chết của Người, mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là
ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng,
Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi
thế, Người nên giống anh em mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người
trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân.
Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể
cứu giúp những ai sống trong thử thách.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 104, 1-2.
3-4. 6-7. 8-9.
Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
Xướng: 1) Hãy ca tụng
Chúa, hãy hoan hô danh Người, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng
ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. - Ðáp.
2) Hãy tự hào vì danh
thánh của Người, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và
quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. - Ðáp.
3) Hỡi miêu duệ
Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Ngài kén chọn.
Chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa
cầu. - Ðáp.
4) Tới muôn đời Ngài vẫn
nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài
đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaác. - Ðáp.
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! -
Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 29-39
"Ngài chữa nhiều
người đau ốm những chứng bệnh khác nhau".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu ra
khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy
bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người
biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền
khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời
đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ
ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng
bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và
cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các
ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". Nhưng Người
đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao
giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ
Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ðộng lực của
việc tông đồ
Tin Mừng rất nhiều lần
nhắc đến Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha Ngài, đó là những giây phút gặp gỡ thân
tình với Chúa Cha mà Ngài không bao giờ bỏ. Về phương diện thiên tính, Chúa
Giêsu là Chúa Con, đồng bản tính với Chúa Cha, cho nên Ngài luôn kết hiệp với
Chúa Cha. Nhưng như một con người, Chúa Giêsu đã nêu bật thái độ sống của Ngài,
đó là sống mối tương quan thân tình với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.
Trong Tin Mừng hôm
nay, thánh Marcô ghi nhận: "Sáng sớm, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu đã chỗi
dậy, đi đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện". Mặc dù bận rộn với rất nhiều
công việc trong ngày, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Nhưng đây không phải
là lần duy nhất, Tin Mừng còn cho thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện với
Chúa Cha, và chính Ngài đã dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Ngài lấy
hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của cầu nguyện: "Thầy
là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy trong người ấy,
thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được
gì".
Chúng ta hãy noi gương
Chúa, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài
đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng
ta cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với
người cha. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: "Cầu nguyện là việc tiếp xúc với
Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa
như đứa con đến với cha mình".
Chúng ta hãy cảm tạ
Chúa đã cho chúng ta có những giờ phút thuận lợi để bắt đầu một ngày sống tốt đẹp
hơn. Xin cho chúng ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện,
nhờ đó chúng ta có thể chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu
hiệu hơn.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 1 TN, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Chúa Giêsu là
Thựơng-tế nhân-từ và trung-tín.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có đau mắt mới
biết thương người mù.” Có là cha mẹ mới biết nỗi khổ của việc cưu mang và dưỡng
nuôi con cái. Có trải qua đau khổ và cám dỗ, một người mới có thể giúp ai trong
hòan cảnh đó. Các Bài đọc hôm nay xoay quanh vấn nạn tại sao Chúa Giêsu phải
nhập thể và trở nên hòan tòan giống như con người về mọi phương diện, trừ tội
lỗi.
Trong Bài Đọc I: Tác giả Thư Do-Thái cắt
nghĩa lý do tại sao Chúa Giêsu phải nhập thể, và trở nên giống con người về mọi
phương diện trừ tội lỗi. Mục đích của việc nhập thể là để có thân xác để chịu
chết để tiêu diệt tội lỗi và sự chết cho con người. Mục đích của việc trở nên
giống con người về mọi phương diện là để đồng cảm và cứu giúp con người cách
hiệu quả. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đồng cảm với số phận con người: Ngài chữa
lành cho mẹ vợ Phêrô và tất cả mọi người trong Thành Capernaum kéo đến kêu xin.
Ngài cũng dạy cho các tông-đồ biết thăng bằng giữa các họat động tông-đồ với
đời sống cầu nguyện.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người đã phải nên giống anh em
mình về mọi phương diện.
Khi Kitô Giáo lan tràn vào thế giới
La-Hy, hai vấn nạn khó khăn Giáo Hội phải đương đầu với là phải giải thích cho
người Hy-Lạp biết:
(1) Tại sao Thiên Chúa phải nhập thể: Đối với người
Hy-Lạp, Thiên Chúa hòan tòan là Thần Khí, nơi Ngài không có một chút vật chất
nào cả. Để được giải thóat và kết hợp với Thiên Chúa, con người phải cố gắng
làm sao để thóat khỏi ngục tù thân xác đang giam hãm linh hồn con người, để chỉ
còn thần khí mà thôi. Kitô Giáo đi ngược lại, Con Thiên Chúa phải nhập thể để
cứu chuộc con người!
(2) Tại sao Thiên Chúa phải chịu đau
khổ: Người Hy-Lạp và người
Do-Thái không tin Thiên Chúa phải chịu đau khổ; chỉ có con người mới phải chịu
đau khổ mà thôi. Một Thiên Chúa phải chịu đau khổ không còn là Thiên Chúa nữa.
Họ lý luận: Nếu Thiên Chúa không có uy quyền để vượt thóat đau khổ, làm sao
Ngài có thể giúp người khác vượt qua đau khổ được? Kitô Giáo cũng đi ngược lại,
không thể có Ơn Cứu Độ nếu con Thiên Chúa không chịu chết trên Thập Giá!
Tác giả Thư Do-Thái cố gắng trả lời hai
vấn nạn này như sau:
1.1/ Chúa Giêsu phải nhập thể để mang lấy
thân phận con người: Để có thể tiêu diệt tội lỗi và sự chết, Chúa Giêsu phải mang lấy thân
xác con người để có thể chịu chết và đền tội cho con người. Nếu không có thân
xác, làm sao chết? “Vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã
cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu
diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì
sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. Vì những kẻ được Người giúp đỡ
không phải là các thiên thần, mà là con cháu Abraham.” Dĩ nhiên, Chúa Giêsu
không chết muôn đời; Ngài đã sống lại vinh quang, và trở nên hoa quả đầu tiên của
những người từ trong cõi chết sống lại. Ngài là “người tiên phong” đi mở đường,
để tất cả các anh em của Ngài cũng được đi con đường đó.
1.2/ Chúa Giêsu phải trở nên con người về
mọi phương diện: Tác giả Thư Do-Thái nhận ra sự cần thiết của việc Chúa Giêsu phải trở
nên con người về mọi phương diện, ngọai trừ tội lỗi: “Bởi thế, Người đã phải
nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ
và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.” Mục đích
của việc “hòan toàn trở nên con người” là để:
(1) Ngài có thể thực sự được coi là một
con người: Đã là con người, ai cũng phải chịu đựng đau khổ và ngang qua cái
chết.
(2) Ngài có thể thông cảm và đồng cảm với
thân phận con người: Nếu một người không ngang qua những kinh nghiệm đau khổ và sự chết,
người đó sẽ không thể hòan tòan hiểu và thông cảm những ai bị ở trong hòan cảnh
đó.
3) Ngòai ra, Ngài có thể giúp đỡ một cách
hiệu quả cho những ai ở trong hòan cảnh đó: “Vì bản thân Người đã trải qua thử
thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.”
Nói tóm, Thiên Chúa có uy quyền trên cả
sự sống và sự chết. Ngài có thể cho Con của Ngài nhập thể, chịu đau khổ, ngang
qua sự chết, và phục sinh vinh hiển. Chẳng gì là không thể đối với Thiên Chúa;
và đừng áp dụng các thức suy nghĩ của con người cho Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu đồng cảm với con
người. Ngài chữa lành mọi bệnh họan, tật nguyền.
2.1/ Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà nhạc của
Phêrô: “Vừa ra khỏi hội đường Capernaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon
và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon
đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của
bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các
ngài.”
Trong hành trình của Chúa trên dương
gian, Ngài luôn đồng cảm với con người, nhất là những bệnh nhân và những người
lâm cảnh khốn khó. Ngài luôn chữa lành khi họ kêu xin; và nhiều khi họ chưa kêu
xin nữa.
2.2/ Chúa Giêsu chữa bệnh cho rất nhiều
người trong thành: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những
ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ
ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng
biết Người là ai.” Sở dĩ họ phải chờ chiều đến, là Luật Do-Thái không cho chữa
bệnh trong ngày Sabbath.
2.3/ Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa: “Sáng sớm, lúc
trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”
(1) Sự cần thiết của đời sống cầu nguyện: Khi Ngài còn đang cầu
nguyện, ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa:
"Mọi người đang tìm Thầy đấy!" Cả một ngày vất vả dạy dỗ và chữa
bệnh, Chúa Giêsu vẫn tìm được thời gian để cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngài muốn
dạy các môn đệ: cần phải thăng bằng giữa đời sống kết hợp với Thiên Chúa để
nuôi dưỡng các họat động tông-đồ.
(2) Nước Chúa cần được mở rộng khắp nơi: Người bảo các
ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn
rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." Rồi Người đi khắp
miền Galilee, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Người tông-đồ của Chúa Giêsu phải biết
cảm thương với số phận của con người: yếu đuối, bệnh tật, đau khổ, và tội lỗi,
trước khi có thể giúp đỡ đem họ về cho Chúa.
- Chúng ta cần phải giữ thăng bằng cho
đời sống: có thời giờ cho các họat động tông đồ và có thời giờ để cầu nguyện
kết hợp với Thiên Chúa.
- Chúng ta cần trưởng thành trong đời
sống để tự giúp mình, và để lãnh trách nhiệm trong việc mở mang Nước Chúa, chứ
không hòan tòan sống ỷ lại vào người khác.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên Op
11/01/17
THỨ TƯ TUẦN 1 TN
Mc 1,29-39
PHƯƠNG DƯỢC HỮU HIỆU
“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã
dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” (Mc 1,35)
Suy niệm: Cuộc hội thảo của Hiệp
Hội Các Y Sĩ Bác Sĩ Công Giáo tại Mi-Lan, I-ta-li-a, ngày 18 tháng 11 năm 2006
đã đúc kết: “Cầu nguyện là một phương thuốc thần diệu cho tâm linh và
thể xác của con người”. Trong bài phát biểu bế mạc cuộc hội thảo, các
y bác sĩ Công Giáo đã được ca ngợi “là những người nhiệt tình phục vụ, và đã
biết nhìn sâu vào nhu cầu cần thiết của sức khoẻ tâm linh cũng như toàn thể
sinh hoạt của con người để tìm ra phương dược hữu hiệu nhất giúp trị liệu các
bệnh nhân”. Họ chính là hình ảnh của Đức Giê-su, vị y sĩ siêu phàm, biết tìm
thánh ý Thiên Chúa trong việc chữa bệnh nhân, cũng như biết lấy sự cầu nguyện
làm khởi điểm và động lực cho mọi hoạt động.
Mời Bạn chiêm ngắm Chúa Giê-su sau một ngày tất
bật, “từ sáng sớm, đã ra nơi hoang vắng, cầu nguyện tại đó.” Và
mời bạn học kinh nghiệm của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta: “Cầu nguyện là
việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện.
Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình.”
Chia sẻ: Bạn
có phải là người để cho đủ thứ sự việc trong ngày chiếm đoạt, đến nỗi không có
lấy một chút thời gian định tâm cầu nguyện?
Sống Lời Chúa: Lắng
nghe lời Chúa, nguyện ngắm, cầu nguyện giúp ta suy nghĩ các phần việc của ta,
để ta chu toàn các việc ấy tốt đẹp hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho
con nghệ thuật dùng những lúc nghỉ ngơi đôi ba phút, trở lại tiếp xúc với lòng
mình, lắng nghe tiếng Chúa và từ đó rút ra nguồn sáng mới, sức mạnh mới và lòng
dũng cảm mới. Amen.
Bà phục vụ các ngài (11.1.2017 – Thứ tư Tuần 1 Thường niên)
Chúng ta cần nhìn nhận vai trò
quý báu của người vợ, người mẹ trong nhà, và vai trò của người phụ nữ trong giáo xứ cũng như ngoài xã hội.
Suy niệm:
Sau khi chữa người bị quỷ
ám tại hội đường Caphácnaum,
Đức Giê su trở về một căn
nhà của một gia đình quen biết,
gia đình của hai anh
Simon và Anrê, những người mới bỏ nhà để theo ngài.
Không may bà mẹ vợ của
Simon lại đang lên cơn sốt.
Đức Giêsu đã lại gần
giường bà nằm, cầm lấy tay bà và nâng bà dậy.
Lập tức cơn sốt lui khỏi
bà và bà phục vụ các ngài.
Đây là phép lạ chữa bệnh
đầu tiên của Đức Giêsu
cho một phụ nữ, tại một
ngôi nhà.
Sốt chẳng phải là một
bệnh quá nặng và nguy hiểm,
nhưng cũng đủ để làm
người bệnh không hoạt động được,
gây cản trở những sinh hoạt
bình thường trong gia đình.
Đức Giêsu đến đem lại sự
chữa lành, niềm vui và sức sống.
Khi người phụ nữ được
khỏi bệnh, mọi sự như sống lại.
Bếp lại có lửa, bàn lại
có thức ăn, và người ta ngồi quanh cười nói rôm rả.
Hạnh phúc gia đình có khi
chỉ tùy thuộc vào những điều be bé.
Hạnh phúc bị sứt mẻ lắm
khi chỉ vì những chuyện không đâu.
Hãy nhìn cách Đức Giêsu
chữa bệnh cho người phụ nữ này.
Thật gần gũi và thân
tình, ngài chẳng nói lời nào để đuổi cơn sốt.
Khi nắm tay người bệnh
nặng, ngài chấp nhận nguy cơ bị nhiễm nhơ uế.
Nhưng Đức Giêsu chẳng hề
bị nhiễm gì, trái lại ngài đem đến bình an.
Ngài đã nâng bà dậy
(êgeiren), có nghĩa là ngài làm bà phục sinh.
Sau khi được phục sinh
thì bà đi phục vụ các vị khách.
Phục vụ hiểu theo nghĩa
đơn sơ nhất là đi chuẩn bị bữa ăn.
Các thiên thần cũng đã phục
vụ Đức Giê su
sau khi ngài thắng các
cơn cám dỗ (Mc 1, 13).
Tuy nhiên có thể hiểu
phục vụ theo nghĩa rộng hơn nhiều.
Sau khi Đức Giêsu chết
trên thập giá, chỉ còn các phụ nữ ở lại đến cùng.
“Họ đã đi theo ngài và phục
vụ ngài từ hồi ngài còn ở Galilê
và họ đã cùng ngài lên
Giêrusalem” (Mc 15, 40-41).
Như vậy không phải chỉ
các ông môn đệ mới là người phục vụ (Mc 10, 43).
Các bà cũng đã trung tín
phục vụ đến cùng,
phục vụ như Thầy Giêsu,
Đấng đã đến để phục vụ” (Mc 10, 45).
Chúng ta cần nhìn nhận
vai trò quý báu của người
vợ, người mẹ trong nhà,
và vai trò của người phụ
nữ trong giáo xứ cũng như ngoài xã hội.
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới đề cao
quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ
âm thầm.
Giữa một thế giới say mê
thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu
thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe
phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác
và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy
hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi
người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình
yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu
chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của
thế giới.
Xin dạy chúng con biết
yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho
tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận
lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào
sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng
con,
và trong lòng từng con
người bé nhỏ.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 1
11 THÁNG GIÊNG
Thế Giới Khát Khao
Hòa Bình
Chất lượng đời sống trong một quốc gia hay trong bất cứ cộng đồng nào
khác đều tùy thuộc ở chỗ có hay không có sự hòa bình và tình huynh đệ. Một khi
thực sự có bầu khí hòa bình, những năng lực hướng thiện phi thường sẽ được giải
phóng, đem lại niềm vui, thúc đẩy sáng tạo, giúp người ta đạt đến mức trưởng
thành đầy đủ và làm việc với nhau trong tinh thần con cái của Thiên Chúa Tình
Yêu. Ở đâu có hiện diện tinh thần huynh đệ đích thực, ở đó quyền lợi của kẻ yếu
và của người cô thế cô thân sẽ không bị chà đạp. Phẩm giá và thiện ích của mọi
người sẽ được trân trọng bảo vệ và tăng triển. Và chỉ có hòa hình khi người ta
biết gìn giữ và củng cố công bằng, tự do và lòng tôn trọng đích thực đối với bản
tính con người.
Nhưng thế giới hiện nay lại quen với tình trạng thiếu vắng tình huynh đệ,
quen với sự kích động bạo lực, sự phân biệt đối xử và sự bất công. Một thế giới
như vậy quả đang thách đố chúng ta biểu lộ tình người. Chất lượng của các cộng
đồng và các quốc gia đang bị đe dọa. Và mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối
mặt với thách đố này.
Cả nhân loại là một gia đình – một đại gia đình với tất cả những nét đa dạng
của nó. Cổ võ cho hòa bình, cho công bằng giữa các quốc gia và cho sự đoàn kết
thực sự giữa các dân tộc; đó là tôn chỉ ngày càng thôi thúc chúng ta hôm nay.
Các vị lãnh đạo của các quốc gia và các tổ chức quốc tế vẫn thường xuyên nói
lên điều đó. Các kế hoạch hòa bình được hậu thuẫn bằng nhiều cách thế khác nhau
bởi hầu như tất cả các đảng phái chính trị trên thế giới. Các phong trào quần
chúng và công luận cũng đề cao cùng một tôn chỉ ấy. Ở bất cứ nước nào, người ta
cũng ngán ngẩm những xung đột và chia rẽ. Cả thế giới chúng ta đang khao khát
hòa điệu và hòa bình.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
do nhà Servant Pubns xuất bản, 1994.
Lời Chúa Trong Gia Đình
Dt 2,14-18; Mc
1, 29-39.
LỜI SUY NIỆM; “Người bảo
các ông: Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao
giảng ở đó nữa, vì Thầy đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1,38)
Trong đời sống của con
người thường thích được sống với những thành công vinh quang nơi mình đã đạt được,
mà được nhiều người biết đến với sự tôn trọng và nể phục, họ không muốn rời bỏ
những nơi này. Đối với các Tông đồ khi đang sống trong thời rao giảng của Chúa
Giêsu, các ông cũng đã có những tâm tình và ước muốn như vậy. Nhưng Chúa Giêsu
đã thôi thúc các ông phải rời bỏ nơi ấy, để Ngài còn phải đến nhiều làng xã
khác nữa, vì Chúa đến là để đem Tin Mừng cho mọi người. Đối với những người làm
công tác Tông Đồ cũng cần phải học biết cách này, để đem Tin Mừng đến Cho nhiều
nơi khác. Đặc biệt trong việc đào tạo nhân sự kế thừa, sau khi đã đào tạo được
một nhân sự, chúng ta cần giao công tác và trách nhiệm trên công việc cho họ.
Chúng ta cần phải tránh mặt, để cho người mới phát huy những gì đã học được. Đừng
đứng chặn đường anh em. Nhưng phải biết bổ trợ cả vật chất lẫn như tinh thần để
người mới làm tốt công việc của mình
Mạnh Phương
11 Tháng Giêng
Kho Tàng Ẩn Dấu
Chúng ta có biết rằng
trong cơ thể của con người chúng ta, những yếu tố nhỏ nhất lại đóng vai trò
quan trọng nhất không?
Lá lách của
chúng ta chỉ tiết ra một lượng men rất nhỏ, nhưng rất cần thiết để giúp tiêu
hóa chất Protin, chất béo trong thức ăn của chúng ta. Lượng dưỡng khí kết hợp với
hồng huyết cầu để làm cho máu thành đỏ chỉ là một số lượng nhỏ. Tuyến não thùy
nằm ở trong bộ não của chúng ta chỉ là một tuyến nhỏ nhưng vô cùng cần thiết bởi
vì nó tiết ra một kích thích tố cần thiết cho sự tăng trưởng của con người. Những
âm ba được truyền đến màn nhĩ trong lỗ tai là nhờ ở ba đốt xương nhỏ li ti nằm
giữa lỗ tai của chúng ta. Những tế bào hình nón nằm trong võng mô của đôi mắt
là những trạm tiếp nhận ánh sáng nhờ đó chúng ta mới thấy được. Mỗi một tế bào
trong cơ thể chúng ta chứa đựng những nhiễm thể mà chức năng chính là quyết định
về sự di truyền hay phái tính của mỗi bào thai. Tất cả những cơ cấu nhỏ bé và ẩn
tàng ấy đóng vai trò xem ra quan trọng nhất trong sự sống và hoạt động của cơ
thể con người.
Lại nữa, những
tác nhân gây ra không biết bao nhiêu bệnh tật giết người cũng là những sinh vật
nhỏ li ti mà mắt thường không thể nào trông thấy được. Phải chăng những cái nhỏ
li ti nhất lại không là những cái chứa đựng nhiều sức mạnh nhất? Và phải chăng
những công việc tầm thường vô danh nhất lại không là những công việc có giá trị
nhất trong cuộc sống con người?
Có lẽ không phải do ngẫu nhiên hoặc vì chờ thời mà Con
Thiên Chúa làm người, đã sống âm thầm ẩn dật trong 30 năm trước khi công khai
đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. 30 năm âm thầm ấy cũng có giá trị cứu rỗi như
chính cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Với 30 năm âm thầm ấy, Chúa Giêsu muốn
nói với con người rằng tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống con người, từ cái
ăn, cái uống, cái ngủ nghỉ, tất cả đều được mặc cho một giá trị cao cả và trường
cửu.
Sống một cách trọn
vẹn, sống với tất cả niềm tin - tất cả những sinh hoạt tầàm thường và nhỏ nhặt
nhất trong cuộc sống âm thầm, có khi độc điệu, buồn chán: đó chính là bí quyết
để được hạnh phúc và bình an. Tất cả các vị thánh đều đi qua con đường nên
thánh ấy.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét