12/01/2017
Thứ Năm tuần 1 thường niên.
Bài Ðọc I: (năm I) Dt
3, 7-14
"Chúng ta hãy
khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là Hôm Nay".
Trích thư gửi tín hữu
Do-thái.
Anh em thân mến, như
Thánh Thần phán rằng: "Hôm nay nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng
cứng lòng như thời chống đối, như ngày thử thách trong sa mạc, nơi cha ông các
ngươi đã thách thức Ta, dù đã chứng nhận và thấy các việc Ta làm trong bốn mươi
năm; vì thế Ta đã phẫn nộ với thế hệ đó và phán rằng: Tâm hồn chúng luôn luôn lầm
lạc, chúng không nhận biết đường lối của Ta, nên Ta đã thề trong cơn thịnh nộ rằng:
Chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta".
Anh em thân mến, anh
em hãy coi chừng, kẻo có ai trong anh em thiếu lòng tin, lìa xa Thiên Chúa hằng
sống. Mỗi ngày anh em hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là
"Hôm Nay", để không ai trong anh em bị tội lỗi mê hoặc trở nên chai
đá. Vì chúng ta được đồng phần cùng Ðức Kitô, nếu chúng ta giữ vững lòng tin
thuở ban đầu cho đến cùng.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 94, 6-7.
8-9. 10-11.
Ðáp: Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta: các ngươi
đừng cứng lòng (c. 8).
Xướng: 1) Hãy tiến
lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta.
Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên
thuộc ở tay Người. - Ðáp.
2) Ước chi hôm nay các
bạn nghe tiếng Người: Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa, trong khu rừng
vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy
công cuộc của Ta. - Ðáp.
3) Ròng rã bốn chục
năm, dòng giống này thực Ta đã ngán, khiến Ta thốt ra: dân lạc tâm địa chính thị
bọn này, và bọn này không hiểu biết đường lối của Ta. Bởi thế, Ta đã thề trong
cơn thịnh nộ: không khi nào chúng sẽ vào chốn nghỉ an Ta! - Ðáp.
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống
đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 40-45
"Bệnh cùi biến
mất và người ấy được sạch".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có một người bệnh
cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: "Nếu Ngài muốn,
Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt
trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi
biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn
rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng
trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh".
Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu
không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những
nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chữa người
phong cùi
Raoul Folereau, vị đại
ân nhân của những người phong cùi đã ghi lại một chuyến đi của ông như sau: Ðến
một nơi cách thành phố 15 cây số, chúng tôi lần theo một lối đi được chỉ trước,
và sau nửa giờ đi bộ chúng tôi lạc vào một thế giới của buồn thảm, đau khổ và
thất vọng. Thật thế, tại một nơi mà không ai muốn đặt chân đến, có khoảng 60
người phong cùi đang sống bên nhau. Trước đây, người ta giam họ trong một trại
cùi chẳng khác nào một trại tù, mọi người nhìn họ như những kẻ bị chúc dữ, hoặc
tệ hơn nữa, như những con thú dữ. Không chịu nổi sự giam hãm và cách ly như thế,
một số người cùi này đã trốn thoát và đến trú ẩn giữa khu rừng này. Tại đây,
tình trạng của họ càng thêm tồi tệ hơn, xung quanh họ, trên đất đầy dẫy những vết
tích của căn bệnh quái ác này.
Tôi đến bên một người
lớn tuổi được xem như đại diện của họ và hỏi:
- Hôm nay là chiều Thứ
Bảy, cửa quán ngoài phố xá đã đóng cửa rồi; thứ hai tôi sẽ trở lại và mang theo
thức ăn thức uống; tôi cũng sẽ đưa một bác sĩ đến để chăm sóc cho bà con, chúng
tôi sẽ cất nhà và sẽ ở lại đây với bà con khi cần, vậy bác hỏi bà con có thể chờ
cho đến ngày Thứ Hai không?
Người đó đưa mắt nhìn
tôi với vẻ nghi ngờ, vì đã từ lâu họ không còn tin điều đó nữa; đối với họ, xem
ra không còn ai đáng tin trên đời này nữa. Rồi ông khẩn khoản nói:
- Ông không thể giúp
cho chúng tôi ngay được sao? Chúng tôi vừa mới có một người anh em qua đời,
chúng tôi phải dùng đôi tay cùi lở này để đào xới một cái mộ chôn người anh em.
Tôi nhìn đôi bàn tay
không nguyên vẹn vì bệnh tật, nay phải mang thương tích vì người đồng loại. Những
con người khốn khổ đó nếu không nhìn thấy, không thể tin được là có thật.
Căn bệnh phong cùi vẫn
là căn bệnh ghê sợ nhất đối với hiện tại. Người phong cùi đau đớn trên thân xác
đã đành, mà còn đau khổ gấp bội phần trong tâm hồn khi cảm thấy bị bỏ rơi.
Trong Tin Mừng hôm
nay, Chúa Giêsu đã gặp gỡ và chữa lành cho người phong cùi. Không những chữa
lành tấm thân bệnh hoạn, Ngài còn tái lập họ trong cộng đoàn nhân loại, khi bảo
bệnh nhân đi trình diện với các tư tế, nghĩa là hội nhập họ trở lại cuộc sống.
Sự tái hội nhập này luôn đòi hỏi sự cảm thông, lòng quảng đại và cởi mở đón nhận
của người khác. Vi trùng Hansen đục khoét và hủy hoại thân xác con người, thì
cũng có biết bao thứ vi trùng khác độc hại hơn đang ẩn núp trong tâm hồn con
người, tên của chúng là dửng dưng, ích kỷ, thù hận. Chúng đang giết dần giết
mòn con người mà con người không hay biết.
Xin Chúa tha thứ cho
những mù quáng, dửng dưng và ích kỷ của chúng ta trước bao nhiêu cảnh khốn cùng
của đồng loại. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim biết cảm thông và đôi tay
rộng mở để san sẻ.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần I TN, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Bất tuân lệnh Thiên
Chúa sẽ phải lãnh nhận hậu quả.
Trong cuộc sống, mọi
người chúng ta đều nhận ra nguyên tắc: nếu muốn kết quả tốt đẹp, phải thi hành
những điều kiện đòi hỏi; làm ngược lại sẽ phải lãnh hậu quả xấu. Ví dụ, để có
thể lành bệnh, con người phải làm theo những gì bác sĩ căn dặn; nếu không, sẽ không
khỏi bệnh. Để có thể thu thập kiến thức và đạt được điểm cao, học sinh phải lắng
nghe giáo sư và viết lại những gì giáo sư nói; nếu nói ngược lại và không có lý
do chứng minh, sẽ bị điểm xấu và có thể bị ở lại lớp.
Các Bài Đọc hôm nay
xoay quanh việc con người phải vâng lời Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy,
nếu muốn được Thiên Chúa săn sóc và ban ơn. Làm ngược lại những gì Thiên Chúa dạy
là tự chuốc hậu quả xấu cho mình. Trong Bài Đọc I, Tác giả Thư Do-Thái dùng ví
dụ của hai nhà lãnh đạo Moses và Aaron để răn bảo dân phải biết vâng lời Thiên
Chúa mà tin vào Đức Kitô. Trong Phúc Âm, mặc dù đã được ngăn cấm bởi Đức Kitô,
người phong hủi vẫn không vâng lời. Sự bất tuân của anh làm cho Chúa Giêsu
không thể vào thành và dạy dỗ dân chúng được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng sẽ
không được vào chốn yên nghỉ của Ta!
1.1/ Tâm hồn chúng cứ lầm
lạc mãi, chúng nào biết đến đường lối của Ta:
(1) Biến cố trong sa mạc
tại Meribah và Massah (Psa 95:7-11): Dân chúng đi trong sa mạc không có nước
uống, họ kêu ca với Moses và Aaron hai lần. Lần đầu tại Marah (Exo 15:23), nước
quá đắng họ không uống được, Thiên Chúa chỉ cho Moses lấy một khúc gỗ quăng xuống,
nước liền hóa ngọt cho dân uống. Lần thứ hai tại Meribah (Exo 17:1-7, Num
20:1-13), dân chúng cũng kêu trách vì không có nước uống, Thiên Chúa bảo Moses
và Aaron: "Hãy cầm lấy cây gậy, và cùng với Aaron, anh ngươi, triệu tập cộng
đồng lại. Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước; từ
tảng đá, ngươi sẽ làm cho nước chảy ra cho chúng, và ngươi sẽ cho cộng đồng và
súc vật của chúng uống." Ông Moses cầm lấy cây gậy ở trước nhan Đức Chúa,
như Người đã truyền cho ông. Ông Moses và ông Aaron triệu tập đại hội trước tảng
đá; ông Moses nói với họ: "Nghe đây, hỡi quân phản nghịch! Từ tảng đá này,
chúng tôi có thể làm cho nước chảy ra cho các người được không?" Ông Moses
giơ tay, lấy gậy đập vào tảng đá hai lần; nước trào ra lai láng cho cộng đồng
và súc vật uống” (Num 20:8-11).
Nếu một người so sánh
những gì Thiên Chúa nói với những gì ông Moses làm, người đó sẽ nhận thấy ông
Moses đã không vâng lời làm theo những gì Thiên Chúa truyền: Chúa bảo ông “các
ngươi sẽ nói với tảng đá.” Ông Moses lấy gậy đập vào tảng đá, không chỉ đập một
lần mà tới hai lần. Vì thế, đây là bài học muôn đời cho dân Israel và cho chúng
ta: Hễ Thiên Chúa bảo gì, hãy làm đúng như vậy. Tác giả Thánh Vịnh 95 nhắc lại
cho dân chúng sự kiện này để họ biết tầm quan trọng của việc vâng lời Thiên
Chúa: “Vì thế, như lời Thánh Thần phán: Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng
Chúa, thì chớ cứng lòng như hồi chúng nổi loạn, như ngày chúng thử thách Ta
trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã từng dò xét mà thử thách Ta và đã thấy
các việc Ta làm suốt bốn mươi năm. Vì thế, Ta đã nổi giận với dòng giống này,
Ta đã nói: Tâm hồn chúng cứ lầm lạc mãi, chúng nào biết đến đường lối của Ta.”
(2) Hậu quả của việc
không vâng lời: Bấy giờ Đức Chúa phán với ông Môsê và ông Aaron: "Bởi
vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt
con cái Israel, nên các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho
chúng. Đó là mạch nước Meribah - nghĩa là gây chuyện - nơi con cái Israel đã
gây chuyện với Đức Chúa, và Người đã biểu dương sự thánh thiện của Người giữa họ"
(Num 20:12-13). Hai ông Moses và Aaron, mặc dù có công nhiều trong việc lãnh đạo
dân Do-Thái ra khỏi Ai-Cập và cuộc hành trình suốt 40 năm trong sa mạc, đã
không được lãnh đạo dân vào Đất Hứa vì biến cố bất tuân tại Meribah này. Thiên
Chúa cho ông Moses thấy Đất Hứa rồi qua đời (Jos 1:1-2), nhưng đã chọn ông
Joshua lãnh đạo đem dân vào Đất Hứa. Tác giả của Thánh Vịnh 95 cũng nhắc lại hậu
quả này: “Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của
Ta!”
1.2/ Đừng chối bỏ niềm
tin vào Đức Kitô:
1) Nếu chối bỏ Đức
Kitô: Sau khi Tác-giả Thư Do-Thái dùng bằng chứng của Cựu Ước để chứng
minh sự quan trọng của việc vâng lời Thiên Chúa, ông áp dụng điều này trong Tân
Ước. Vì Đức Kitô được Thiên Chúa sai đến để dạy dỗ và mang ơn Cứu Độ cho dân, tất
cả mọi người phải tin vào Ngài và thực hành những gì Ngài dạy. Ông viết: “Thưa
anh em, hãy đề phòng, đừng để người nào trong anh em có lòng dạ xấu xa chối bỏ
đức tin mà lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Trái lại, ngày ngày anh em hãy khuyên bảo
nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay, kẻo có ai trong anh em ra cứng lòng
vì bị tội lỗi lừa gạt. Quả thế, chúng ta đã được thông phần Đức Kitô, miễn là
chúng ta cứ giữ vững cho đến cùng căn bản của lòng tin đã có từ ban đầu.”
(2) Hậu quả của việc
chối bỏ Đức Kitô: lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Theo các tác giả của Tân Ước,
điều kiện để được hưởng ơn Cứu Độ là tin vào Đức Kitô. Ai không tin vào Đức
Kitô, sẽ không có sự sống đời đời; và như thế, sẽ không bao giờ được chung sống
với Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Người phong
cùi được chữa lành, nhưng không nghe lời Thiên Chúa.
2.1/ Chúa Giêsu chữa lành
người phong cùi: Có người bị phong hủi
đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể
làm cho tôi được sạch." Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo:
"Tôi muốn, anh sạch đi!" Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và
anh được sạch.
2.2/ Lệnh truyền của Chúa
Giêsu: Người nghiêm giọng đuổi anh đi
ngay, và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện
tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Moses đã truyền,
để làm chứng cho người ta biết." Mục đích tại sao Chúa Giêsu làm phép lạ
là vì thương bệnh nhân và muốn cho họ nhận ra Ngài là Thiên Chúa, chứ không phải
để được tán dương ca tụng. Nếu sau khi lãnh nhận phép lạ, mà vẫn không tin vào
Ngài, phép lạ đó coi như đã không đạt được mục đích.
2.3/ Anh được chữa lành
phong hủi không nghe lời Chúa Giêsu: Trình
thuật kể: “Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp
nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những
nơi hoang vắng ngoài thành.” Chúng ta cứ thử tưởng tượng, nếu Chúa Giêsu là một
ông vua hay nhà lãnh đạo quân sự, điều gì sẽ xảy ra cho anh phong cùi này?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải tuyệt
đối tin tưởng vào Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài truyền dạy.
- Vâng lời Thiên Chúa
và các nhà lãnh đạo không phải là hèn kém hay nô lệ, nhưng chứng tỏ sự khôn
ngoan của chúng ta; vì chúng ta biết họ khôn ngoan và yêu thương chúng ta.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên OP
12/01/17
THỨ NĂM TUẦN 1 TN
Mc 1,40-45
VƯỢT QUA NHỮNG RÀO CẢN
Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng
vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc1,41)
Suy niệm: Theo quan niệm của Cựu
Ước, bệnh phong cùi không những là một bệnh truyền nhiễm đáng sợ mà còn được
xem như là hình phạt của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Ai đụng vào người
phong cùi sẽ mắc ô uế. Vì thế người phong cùi bị loại khỏi mọi sinh hoạt của cộng
đồng xã hội lẫn tôn giáo. Cho nên việc chữa lành bệnh phong cùi có thể được xem
như là cho một người chết sống lại. Phép lạ đó vừa chứng tỏ lòng thương xót của
Thiên Chúa vừa minh chứng Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, Đấng đến để yêu thương,
tha thứ, để cứu vớt và để chữa lành. Ngài đã vượt qua những hàng rào cấm kỵ để
đem Tin Mừng tình yêu đến với những người tội lỗi, những người thấp cổ bé
miệng, những người bị gạt ra bên lề xã hội Do Thái bấy giờ. Ngài mời gọi tất cả
những ai theo Ngài cũng hãy làm như vậy.
Mời Bạn: Can
đảm vượt qua những bức tường được dựng lên để phân chia giàu nghèo, màu da,
chủng tộc, tội lỗi, thánh thiện để đến với anh chị em, để yêu thương, nâng đỡ
và cứu vớt họ.
Chia sẻ: Ngày
nay người ta có xu hướng ‘đèn nhà ai nấy sáng’. Vậy người Kitô
hữu chúng ta phải làm gì?
Sống Lời Chúa: Bạn
hãy đến thăm và chuyện trò với những người đang bị những chứng bệnh nan y. Nhất
là những người bị HIV trong giai đoạn cuối. Bạn có thể làm được điều đó không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đến để
yêu thương và cứu vớt chúng con. Xin cho chúng con không ngừng cảm tạ Chúa và
biết sống quên mình cho anh chị em. Amen.
Chạnh lòng thương (12.1.2017 – Thứ năm Tuần 1 Thường niên)
Giáo hội Công Giáo sung sướng được phục vụ người phong ở khắp nơi, và coi đây như một nét đặc trưng của khuôn mặt Giáo Hội.
Suy niệm:
Đây là quy chế người mắc
bệnh phong theo sách Lêvi (13, 45-46).
Người ấy phải mặc quần áo
rách, để tóc bù xù, che môi trên,
phải vừa đi vừa kêu lên:
“Ô uế ! ô uế !” để người ta biết mà tránh xa.
Người phong phải ở một
mình, phải ở một chỗ bên ngoài trại…
Như thế từ xa xưa, người
ta đã biết đến sự dễ lây lan của bệnh phong
và ảnh hưởng nguy hiểm
trên thân xác do chứng bệnh này.
Để được chứng nhận là đã
khỏi bệnh, người phong phải trình tư tế,
phải qua một quá trình
phức tạp để thanh tẩy trong tám ngày,
và phải dâng những con
vật bị sát tế để làm lễ xá tội (Lêvi 14).
Người phong trong bài Tin
Mừng hôm nay đã không giữ Luật Môsê.
Anh dám lại gần Đức
Giêsu, dám tin ngài có khả năng làm anh được sạch,
mặc dù theo truyền thống
Kinh Thánh,
chỉ Thiên Chúa mới làm
được chuyện đó.
Đức Giêsu vì thương anh,
nên cũng đã làm điều không được phép.
Ngài dám đưa bàn tay ra
và đụng đến anh,
đụng đến da thịt nhơ uế
của anh, đến chính phận người hẩm hiu của anh,
dù chỉ một lời của ngài
thôi cũng đủ làm anh khỏi bệnh.
Cái đụng của bàn tay Đức
Giêsu đã không làm ngài bị ô uế.
Trái lại, nó đã đem lại
sự thanh sạch cho anh bị phong.
Để làm phép lạ chữa bệnh
rất lừng lẫy này, Đức Giêsu đã phải trả giá.
Người phong khi được
khỏi, đã không tránh được chuyện rêu rao.
Vì thế người ta đổ xô
nhau tới khiến ngài phải ở ngoài thành.
Khi người khỏi bệnh vào
được thành thì Đức Giêsu lại phải ở hoang địa!
Thái độ chạnh lòng thương
và đụng đến người phong của Đức Giêsu
đã gợi hứng cho nhiều tâm
hồn noi gương bắt chước.
Tại nhiều trại phong ở
Việt Nam, ta thấy bóng dáng của các nữ tu.
Họ ở trại phong Bến Sắn,
Di Linh, Quy Hòa, Văn Môn…
Nhiều nữ tu đã hiến dâng
tuổi trẻ của mình để phục vụ người phong,
đụng đến những vết thương
tàn phế nơi thân xác họ.
Các chủng sinh Miền Bắc
cũng đã quen tiếp xúc với người phong,
ở lại với họ, săn sóc và
chia sẻ thân phận của họ.
Giáo hội Công Giáo sung
sướng được phục vụ người phong ở khắp nơi,
và coi đây như một nét
đặc trưng của khuôn mặt Giáo Hội.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương
mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của
Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập
tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống
của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm
toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa
sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng
qua chúng con,
để những người chúng con tiếp
xúc
cảm nhận được Chúa đang
hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết
rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói
suông,
nhưng bằng cuộc sống
chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy
tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 1
12 THÁNG GIÊNG
Một Tinh Thần Mới
Giáo Hội của thế kỷ
hai mươi không ngừng cổ võ cho công bằng và cho sự phát triển nhân bản đích thực.
Trong các hội đồng giám mục, trong các giáo hội địa phương, Giáo Hội – bằng nhiều
cách – không ngừng thúc đẩy sự hòa điệu và tình huynh đệ. Và trên hết, Giáo Hội
dựa vào sự đóng góp của các gia đình Kitôhữu qua chứng tá sống tình huynh đệ của
họ theo lời mời gọi của Đức Giêsu.
Giáo Hội không ngừng cầu
xin Thiên Chúa ban cho nhân loại hôm nay một tinh thần mới, ban cho con người
biết biến đổi trái tim chai đá của mình thành trái tim đầy trắc ẩn yêu thương,
ban cho có một nền hòa bình đích thực và bền vững tại biết bao vùng đang còn
xung đột trên thế giới.
Quả thật, thế giới là
mái nhà của mỗi người, của mọi người, mọi quốc gia và của toàn nhân loại. Loài
người chưa bao giờ đông đúc như hiện nay và chưa bao giờ đạt đến trình độ phát
triển khoa học và kỹ thuật như thời hiện đại. Vì thế chúng ta cần phải tiến bộ
về mặt đạo đức. Cần phải tiến bộ trong lãnh vực tâm linh. Chúng ta cần tiến bộ
đích thực và đầy đủ trong tư cách là con người.
Đồng thời, tổ ấm của
con người – là trái đất – cũng thuộc về Chúa. Phụng vụ công bố điều đó bằng
ngôn ngữ của tác giả thánh vịnh: “Hãy dâng Chúa, hỡi gia đình các dân tộc. Dâng
Chúa quyền lực và vinh quang. Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người… Toàn thể
địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan. Hãy nói với các dân: Chúa là Vua hiển trị.
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay; Người xét xử muôn nước theo
đường ngay thẳng… vì Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo
đường công chính và xét xử muôn dân theo chân lý của Người.” (Tv 96, 7 – 10,
13) Ước gì tiếng nói ấy, thốt lên từ tận cung lòng Giáo Hội, hòa nhập với tiếng
kêu cầu khẩn thiết của mọi gia đình trong nhân loại – và tôn vinh Đấng Tạo Hóa,
cội nguồn của sự sống và yêu thương. Ước gì tiếng nói ấy âm vang mạnh mẽ hơn
bao giờ, âm vang đến tận cùng trời cuối đất.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
do nhà Servant Pubns
xuất bản, 1994.
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thứ Năm, Tuần I thường
niên
Dt 3, 7-14; Mc 1,
40-45.
LỜI SUY NIỆM: “Người chạnh
lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi! Lập tức, chứng
phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.” (Mc 1, 41-42)
Đứng trước những con
người bệnh tật, đói nghèo, bơ vơ Chúa Giêsu luôn chạnh lòng thương, và Ngài đã
lấy quyển năng của Ngài để đụng đến và ban phát mọi ơn lành cần thiết cho họ.
Trong cuộc sống của mọi con người. Chúa cũng đã đặt để trong họ có lòng trắc ẩn,
mỗi khi đối diện những nỗi khổ đau của người đồng loại bất kể họ là ai: nam hay
nữ, già hay trẻ đều đánh động đến lòng thương xót. Nhưng từ lòng trắc ẩn đến
bàn tay và tấm lòng chia sẻ, phục vụ là một khoảng cách xa hay gần thì còn tùy ở
mỗi người. Ước gì người Ki-tô hữu, mỗi khi chúng ta động lòng trắc ẩn trước một
hoàn cảnh của người anh em: chúng ta nhìn thấy chính người đó là Chúa Giêsu của
mình để tỏ lòng thương xót mà phục vụ giúp đỡ.
Mạnh Phương
12 Tháng Giêng
Tiên Vàn,
Hãy Tìm Kiếm Nước Chúa
Năm 1923, tám nhà
kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền
Viễn Tây. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và hình như muốn
khẳng định câu trâm ngôn thường tình của con người ở khắp mọi nơi là: "Có
tiền mua tiên cũng được". Thế nhưng 25 năm sau, những gì đã xảy đến cho
tám nhà kinh doanh giàu có này?
Charles Schwab,
giám đốc của một trong những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản.
Trong năm cuối cùng, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác.
Samuel Insull, giám đốc của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết
trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túi.
Hơưard Hopson, giám đốc của một hãng gas lớn trở thành điên loạn. Arthur
Cutten, chuyên xuất nhập cảng lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu
dính túi. Richard Whitney, giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa
bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên. Albert Pall,
một nhân vật cấp cao trong Chính Phủ, vừa ra tù vì dính líu vào một vụ tham
nhũng. Người cuối cùng trong danh sách tám nhà kinh doanh thành công nhất của
Hoa Kỳ khoảng thập niên 20 cũng tự kết liễu cuộc sống của mình.
Bức tranh trên đây
không hẳn đã là số phận tất yếu của những người giàu có. Có biết bao nhiêu người
giàu có đã có một cuộc sống an lành hạnh phúc? Tiền bạc của cải tự nó không phải
là một điều xấu. Ai trong chúng ta cũng cần có tiền bạc của cải để sống xứng
đáng với nhân phẩm. Sự túng thiếu bần cùng là một sự dữ mà Thiên Chúa không bao
giờ muốn cho con cái Ngài phải lâm vào.
Tuy nhiên, tiền bạc của
cải vẫn luôn là con dao hai lưỡi. Nếu được sử dụng như một phương tiện, tiền bạc
sẽ giúp cho con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình hơn. Nếu trái lại,
con người chạy theo tiền của như một cứu cánh trong đời người, nghĩa là con người
có thể tôn thờ nó như thần tượng để quên đi tất cả những giá trị khác trong cuộc
sống, thì lúc đó, sự phá sản về vật chất cũng như tinh thần là điều tất yếu với
con người.
Khi kể lại dụ ngôn của
người quản lý biết dùng tiền của để mua chuộc bạn bè, Chúa Giêsu muốn kéo chúng
ta trở lại với chân lý nền tảng trong cuộc sống: hãy chuẩn bị cho cuộc sống mai
hậu, hãy đầu tư tất cả cho cuộc sống vĩnh cửu. Hãy hướng tất cả mọi sự vào cùng
đích của cuộc sống. Hãy dùng tiền bạc, hãy cư xử thế nào để luôn có những người
bạn luôn chờ đón ta trước cổng Thiên Ðàng
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét