13/01/2017
Thứ Sáu tuần 1 thường niên
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 4, 1-5. 11
"Chúng ta hãy mau mau tiến vào nơi an nghỉ đó".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, chúng ta hãy lo sợ kẻo đang khi lời hứa được
vào trong sự an nghỉ của Chúa còn có giá trị mà có người trong anh em tưởng
mình không được hưởng. Quả thật, chúng ta đã nhận lãnh tin mừng như họ; nhưng lời
họ đã nghe không sinh ích gì cho họ, bởi họ không lấy đức tin mà thông hiệp với
những kẻ đã tin. Chúng ta là những kẻ đã tin; chúng ta đang đi vào nơi an nghỉ,
như lời Người phán rằng: "Như Ta đã thề trong cơn thịnh nộ, chúng sẽ không
được vào nơi an nghỉ của Ta". Dầu vậy, các công trình của Người đã được
hoàn tất từ tạo thiên lập địa. Vì chưng, có câu nói về ngày thứ bảy rằng:
"Và ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã nghỉ mọi việc". Lại có câu khác rằng:
"Không, chúng nó sẽ chẳng vào nơi an nghỉ của Ta". Vậy chúng ta hãy
mau mau tiến vào nơi an nghỉ đó, để không ai sa ngã mà nên gương bất trung.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 77, 3 và 4bc. 6c-7. 8
Ðáp: Chúng tôi sẽ không quên lãng những kỳ công của Chúa (c.
7c).
Xướng: 1) Ðiều mà chúng tôi đã nghe, đã biết, mà tổ tiên đã
thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai, đó là những
lời khen ngợi và quyền năng của Chúa. - Ðáp.
2) Ðể họ đứng ra và thuật lại cho con cái họ, hầu cho chúng
đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa, và không quên lãng những kỳ công của Người, những
giới răn của Người chúng sẽ tuân theo. - Ðáp.
3) Và chúng đừng trở nên như tổ tiên chúng, một thế hệ khó dạy
và lăng loàn, một thế hệ không có lòng ngay thẳng, và không có tâm hồn trung
kiên cùng Thiên Chúa. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những
huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 2, 1-12
"Con Người có quyền tha tội dưới đất".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người
đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không
còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại
do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được,
nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người
bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng:
"Hỡi con, tội lỗi con được tha". Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ
thầm nghĩ rằng: "Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền
tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa". Chúa Giêsu biết tâm trí họ
nghĩ như vậy, liền nói với họ: "Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người
bất toại này: "Tội lỗi con được tha" hay nói: "Hãy chỗi dậy vác
chõng mà đi", đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người
có quyền tha tội dưới đất". - Người nói với kẻ bất toại: "Ta truyền
cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà". Lập tức người ấy đứng dậy, vác
chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa
rằng: "Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chữa người bất toại
Một điểm trong phép lạ chữa người bất toại được ghi lại
trong Tin Mừng hôm nay đáng chúng ta lưu ý, đó là Chúa Giêsu không nói ngay:
"Ta chữa lành cho con", nhưng Ngài nói với người bất toại: "Con
đã được tha tội rồi". Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Thiên Chúa, bởi
vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chính những kẻ chống đối Chúa Giêsu
cũng nghĩ như thế, và vì không tin Ngài là Thiên Chúa, cho nên họ nghĩ thầm rằng:
"Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng". Nhưng Chúa
Giêsu đã nhân cơ hội này để một lần nữa chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, vì Ngài đọc
thấu tư tưởng thầm kín của họ. Ngài bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại
nghĩ những điều ấy?" Rồi Ngài nói với những kẻ không tin: "Trong hai
điều: một là bảo người bất toại: "Con đã được tha tội", hai là bảo:
"Ðứng dậy, vác chõng mà đi", điều nào dễ hơn". Thật ra, hai điều
này đều khó, và Chúa Giêsu quả quyết: "Ðể các ông biết: ở dưới đất, Con
Người có quyền tha tội, Ta truyền cho anh hãy đứng dậy, vác chõng đi về
nhà", lập tức người ấy đứng dậy vác chõng mà đi trước mặt mọi người, khiến
ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ để chứng minh Ngài có quyền
tha tội, vì Ngài là Thiên Chúa. Như những người chống đối Chúa, ngày nay cũng
có nhiều người không chấp nhận quyền tha tội của Chúa, quyền này đã được Chúa
trao cho các Tông đồ, và qua các ngài cho Giáo Hội. Giáo Hội vẫn tiếp tục công
việc tha tội trong Bí tích sám hối và hòa giải. Nhờ Bí tích này, tội nhân sau
khi lãnh Bí tích rửa tội được ơn tha thứ và làm hòa với Thiên Chúa. Từ ít lâu
nay, có một cơn khủng hoảng đối với Bí tích giải tội: nhiều người không còn
lãnh nhận Bí tích giải tội, không còn quí trọng ơn tha tội, vì đã đánh mất ý thức
về tội lỗi: có thể họ cần được Thiên Chúa ban cho điều này điều nọ, nhưng không
thấy cần được Thiên Chúa tha cho những tội đã phạm.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở về với tác vụ chính của
Chúa Giêsu ngay từ đầu: tác vụ tha tội, hòa giải con người với Thiên Chúa. Ước
gì chúng ta luôn ý thức về tội lỗi và quí trọng ơn tha thứ qua Bí tích giải tội.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 1 TN, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải lắng nghe, hiểu thấu, và thực hành Lời
Chúa.
Thiên Chúa đã dạy dỗ và hướng dẫn con người mọi sự, ngày xưa
cũng như thời nay; nhưng rất ít người chịu lắng nghe, tìm hiểu, và mang ra thực
hành. Vì thế, không lạ gì mà con người vẫn tiếp tục cuộc sống triền miên đau khổ
trong tội lỗi của mình.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc lắng nghe và đáp trả
Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, Tác-giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến việc: nếu con người
không chịu tuân giữ Lời Chúa dạy, họ sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Người.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng uy quyền chữa lành để chứng minh Ngài có quyền
tha tội; và như một hiệu quả, Ngài đến từ Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy cố gắng vào chốn
yên nghỉ của Thiên Chúa.
1.1/ Chốn yên nghỉ của Thiên Chúa: Tác
giả Do-Thái dùng chữ “chốn yên nghỉ” để chỉ hai thực tại:
(1) Đất Hứa như thời dân Do-Thái lang thang suốt 40 năm
trong sa mạc: Thiên Chúa hứa ban cho dân được vào Đất Hứa sau 40 năm lang thang
trong sa mạc. Điều kiện để được vào Đất Hứa là phải lắng nghe và vâng phục
Thiên Chúa để vượt qua những thử thách trong cuộc hành trình; nhưng không phải
tất cả được vào Đất Hứa, rất nhiều người đã ngã gục dọc đường vì đã không tuân
lệnh Thiên Chúa (x/c Num 13 và 14), đến nỗi Chúa đã phải thịnh nộ thề rằng:
“Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta.” Sau cùng, chỉ có một số trung
thành và vâng lời được Joshua hướng dẫn vào Đất Hứa để ổn định cuộc sống trong
vùng đất chảy “sữa và mật.” Theo tác-giả Thư Do-Thái, biến cố vào Đất Hứa đã
qua rồi, nhưng lời Thiên Chúa nói: “Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của
Ta” vẫn còn hiệu nghiệm. Đó là lý do tại sao ông đi tìm một biến cố khác mà lời
của Chúa phán vẫn còn hiệu nghiệm.
(2) Thiên Chúa nghỉ ngơi ngày Sabbath sau khi đã tạo dựng vũ
trụ trong 6 ngày: Tác giả trở về với biến cố tạo dựng của Thiên Chúa trong Sách
Sáng Thế Ký để tìm ra “chỗ an nghỉ” của Thiên Chúa: “Công việc của Thiên Chúa
đã hoàn thành từ tạo thiên lập địa, như có chỗ Thiên Chúa phán về ngày thứ bảy
rằng: Khi đã làm xong mọi công việc, thì ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ” (x/c Gen
1 và 2). Trong 6 ngày tạo dựng, trình thuật STK đều nói rõ “qua một buổi sáng
và một buổi chiều;” nhưng trong ngày Sabbath Chúa nghỉ, không thấy nói tới “một
buổi chiều.” Vì điều này, các Rabbi chú giải: ngày nghỉ của Thiên Chúa không có
cùng tận. Chốn yên nghỉ không chỉ giới hạn trong Đất Hứa, nhưng được trải rộng
ra tới chốn yên nghỉ của Thiên Chúa, mà tác giả Thánh Vịnh 95 gọi là “chốn yên
nghỉ của Ta.”
Nếu hiểu theo nghĩa sau này, lời Thiên Chúa nói vẫn còn ứng
nghịêm, như tác giả áp dụng vào trong việc nghe rao giảng Tin Mừng: “Vậy chúng
ta phải sợ rằng trong khi lời hứa được vào chốn yên nghỉ của Người vẫn còn đó,
mà có ai trong anh em bị coi đã mất cơ hội. Quả thế, chúng ta đã được nghe loan
báo Tin Mừng như những người kia. Nhưng lời họ đã nghe không sinh ích gì cho họ,
bởi vì những kẻ đã nghe không lấy đức tin đáp lại lời giảng. Còn chúng ta là những
người tin, chúng ta đang vào chốn yên nghỉ đó, như lời Thiên Chúa đã phán: Nên
Ta mới thịnh nộ thề rằng: chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta.”
1.2/ Điều kiện để được vào chốn yên
nghỉ của Thiên Chúa: Phải lấy đức tin đáp lại lời giảng. Nghe giảng là để
dẫn tới đức tin, chứ không phải chỉ nghe cho qua lần chiếu lệ. Có rất nhiều
cách nghe giảng khác nhau: nghe như nước đổ đầu vịt, nghe như vịt nghe sấm,
nghe tai này qua tai kia, nghe để bới lá tìm sâu, chuyên chú lắng nghe để học hỏi…
Cách nghe giảng đúng đắn là chuyên chú lắng nghe để học hỏi, để hiểu thấu trọng
tâm của lời giảng, và sau đó, đem ra thực hành trong cuộc sống để đạt được mục
đích Thiên Chúa muốn. Nếu chỉ nghe cho qua lần chiếu lệ, làm sao con người có
thể hiểu Lời Chúa; và nếu không hiểu, làm sao có thể thực hành. Vì thế, không
vào được chốn yên nghỉ của Thiên Chúa là hậu quả ắt phải tới.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu là Thiên Chúa
vì Ngài làm được những việc Thiên Chúa làm.
2.1/ Chúa Giêsu có uy quyền chữa bệnh:
Trình thuật kể: “Đang khi Người giảng dạy cho họ, người ta đem đến cho Đức
Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ
không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi,
làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.” Mái nhà của
người Do-Thái không xuôi ra hai bên như mái nhà chúng ta, mà phẳng như hình chữ
nhật để người ta có thể dùng làm sân thượng để hóng mát. Vì thế, việc dỡ mái
nhà xuống cũng đơn giản và ít gây thiệt hại. Khi thấy cách biểu lộ niềm tin của
họ, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi."
Tội này có thể là tội dỡ mái nhà hay tội của người bại liệt.
2.2/ Chúa Giêsu có quyền tha tội:
(1) Tội lỗi và hình phạt: Theo truyền thống Do-Thái, hình phạt
là hậu quả của tội lỗi: có thể của cá nhân hay của cha mẹ (Job 4:7, Jn 9:2).
Các Rabbi có câu: “Không người bệnh nào được lành bệnh cho tới khi tất cả tội lỗi
của anh được tha thứ.”
(2) Lý luận của Chúa Giêsu: Khi Ta tha hình phạt qua việc chữa
lành, là Ta tha tội, nguyên nhân của hình phạt.
(3) Lý luận của các Kinh-sư: Trong đám đông, có nhiều các
Kinh-sư đến không phải để nghe Thiên Chúa giảng, nhưng để bới lá tìm sâu để có
thể kết án Chúa, và họ nghĩ họ đã tìm ra lý do để kết án Chúa phạm thượng:
" Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha
tội, ngoài một mình Thiên Chúa?"
(4) Chúa Giêsu dùng lý luận của các Kinh-sư và việc chữa
lành để chứng minh cho họ biết Ngài là Thiên Chúa: “Tâm trí Đức Giêsu thấu biết
ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông
lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã
được tha tội rồi," hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà
đi," điều nào dễ hơn?” Dĩ nhiên điều dễ làm hơn là bảo “Con đã được tha tội
rồi;” vì không ai có thể kiểm chứng được, còn điều khó làm là bảo "Đứng dậy,
vác lấy chõng của con mà đi;" phải là người có uy quyền mới làm được và mọi
người đều kiểm chứng.
“Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền
tha tội, Đức Giêsu bảo người bại liệt, Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy
chõng của con mà đi về nhà!" Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng
đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ
bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!"
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nghe giảng là để dẫn tới đức tin hay làm cho đức tin tăng
trưởng hơn, chứ không phải nghe cho qua lần chiếu lệ. Cả người rao giảng lẫn
các tín hữu, chúng ta phải tôn trọng lúc lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa.
- Nếu chúng ta khinh thường hay không chịu chuẩn bị, chúng
ta đã hoang phí thời giờ của người rao giảng cũng như người nghe; và nhất là
không đạt được mục đích của cuộc đời: được sống với Thiên Chúa muôn đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
13/01/16
THỨ SÁU TUẦN 1 TN
Th. Hi-la-ri-ô, giám mục, tiến sĩ HT Mc 2,1-12
CAN ĐẢM TỪ BỎ VÀ ĐỔI
MỚI
Chúa Giê-su nói với người bại liệt: “Ta
truyền cho con: Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà!” (Mc 2,11)
Suy niệm: Dù
muốn hay không, cuộc sống người bại liệt này từ lâu nay bị trói chặt vào chiếc
chõng này. Nó trở thành vật bất ly thân của anh. Chúa Giê-su thấy rõ sự bất lực
của anh. Ngài tha tội cho anh và truyền lệnh: “Đứng dậy, vác chõng mà đi về
nhà!” Ngài muốn anh được ơn tha thứ đồng thời cũng phải ra khỏi thế giới cái
chõng nhỏ bé tù túng kia để bắt đầu một cuộc sống mới. Khi vác chõng bước đi,
anh thực sự đổi đời và làm cho người khác nhận ra quyền năng Thiên Chúa và tôn
vinh Ngài.
Mời Bạn: Chúng ta rất
dễ bị tê liệt trong đời sống thiêng liêng hay trong việc tông đồ vì những cố tật
hay định kiến; chúng như cái chõng không cho ta tự do đến với Thiên Chúa và tha
nhân. ĐTC Phan-xi-cô kêu gọi mọi thành phần trong Hội Thánh “không bao giờ đóng
kín nơi chính mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn
thái độ cố chấp hay tự vệ. Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết Tin Mừng
và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt
lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn” (Tông huấn Niềm
Vui Tin Mừng, số 45).
Sống Lời Chúa: Khi ai đó
phê bình góp ý tôi, tôi lắng nghe và bình tâm suy xét, chứ không vội chống chế
biện minh.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, xin dạy con vững bước trong đêm trăng mờ ảo hay ngày sáng rạng ngời. Xin
dạy con nhìn phía trước, đừng lầm lẫn những gì của ngày mai với những gì của
ngày hôm qua. Xin dạy con cùng với Ngài làm nên ngày mới… Xin dạy con trước những
vách ngăn, biết mở toang chúng ra để chúng trở thành cánh cổng của một lộ trình
mới. (ĐHY Etchegaray)
www.5phutloichua.net
Thấy họ có lòng tin (13.1.2017 – Thứ sáu Tuần 1 Thường
niên)
Lòng tin mạnh mẽ
không lùi bước trước khó khăn cản trở. Lòng tin đầy sáng tạo, dám tìm ra những
con đường mới mẻ và khác thường...
Suy niệm:
Bối cảnh của bài Tin Mừng là căn nhà của ông Simon ở
Caphácnaum.
Đức Giêsu đang được hết sức ái mộ bởi đám đông dân chúng.
Biết ngài trở về, họ tụ tập lại đông đến nỗi cửa cũng chẳng
còn lối vào.
Chính vì thế khi bốn người bạn khiêng anh bất toại tới,
họ không biết làm sao mà vào được trong nhà để gặp Đức
Giêsu.
Dù sao cũng có một tình cảm nào đó giữa năm người này.
Rất có thể họ là một nhóm bạn quen biết nhau và muốn giúp
nhau.
Cả năm người đều tin rằng đến với Đức Giêsu là có hy vọng khỏi
bệnh.
Họ đã hẹn nhau vào một ngày nhất định để lên đường.
Tình bạn được biểu lộ qua việc vất vả khiêng người bất toại.
Khi không vào được nhà, chắc cả năm người đều bối rối.
Về ư? hay chờ đợi? hay cứ liều gạt đám đông mà vào?
Hay còn một giải pháp nào khác tốt hơn?
Thời nay chúng ta khó hiểu được chuyện dỡ mái nhà mà vào.
Nhưng mái nhà của người Palestine thời ấy cũng khá đơn sơ,
chỉ gồm những thanh xà đặt trên các tường đá, rồi lợp tranh
lên trên.
Nhóm năm người đã chọn giải pháp này, sau khi đã bàn bạc và
nhất trí.
Kế đến là chuyện phân công.
Phải xin phép chủ nhà, phải leo lên dỡ mái bằng thang và làm
một lỗ hổng,
phải kéo anh bất toại với chõng lên và hạ xuống ngay tại chỗ
Đức Giêsu ngồi.
Tất cả công việc này cần nhiều sức mạnh và sự khéo léo,
nhất là cần lòng tin và tình bạn.
Hẳn Đức Giêsu đã hết sức kinh ngạc trước lòng tin này.
Lòng tin mạnh mẽ không lùi bước trước khó khăn cản trở.
Lòng tin đầy sáng tạo, dám tìm ra những con đường mới mẻ và
khác thường.
Lòng tin mang tính tập thể, vì là niềm tin của cả nhóm năm
người.
Lòng tin đòi vất vả, đổ mồ hôi, chứ không chỉ ở trong tâm
trí.
Lòng tin táo bạo vì dỡ mái nhà có thể bị Đức Giêsu coi là là
khiếm nhã.
Đức Giêsu đã thấy được lòng tin này và ngài đã chữa lành (c.
5).
Con đường trở về nhà của năm người thật là vui và nhẹ nhàng.
Người ta có thề đi ngang hàng với nhau, chứ không phải
khiêng nhau nữa.
Nhìn nhóm người trên, tôi tự đặt cho mình vài câu hỏi.
Khi tôi bất toại, có người bạn nào giúp tôi không?
Tôi có khiêm nhường để cho người khác giúp tôi không?
Tôi có sẵn sàng để người khác đưa tôi đến với Giêsu không?
Tôi có chấp nhận vất vả để giúp một người bạn đang gặp khó
khăn không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Ðấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Ðức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 1
13 THÁNG GIÊNG
Những Sứ Giả Đầu Tiên Của Đức Tin
Gia đình Kitôhữu không duy chỉ là một cộng đồng nhân loại.
Món quà vô giá là sự sống con người cần phải được tháp nhập vào chính sự sống của
Đức Kitô và nhờ đó trở nên phong phú. Sứ mạng chân chính của gia đình là bảo vệ
các giá trị nhân bản, nhưng đồng thời gia đình cũng phải dồn tâm lực đào sâu
các giá trị Kitô giáo.
Nhiều người có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng chỉ các linh mục
và tu sĩ mới được ủy trao trách nhiệm đối với Giáo Hội. Thật là một quan niệm
sai lầm. Rõ ràng chính gia đình là môi trường đầu tiên để các trẻ em học biết
thế nào là “thông dự vào lời hứa của Đức Giêsu Kitô qua Tin Mừng” (Ep 3, 6).
Như Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Các đôi vợ chồng Kitô giáo là những người cộng
tác với ơn thánh và là nhân chứng đức tin đối với nhau, cũng như đối với con
cái và những phần tử khác trong gia đình của họ. Chính họ là những người đầu
tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái mình. Bằng lời nói và
gương sáng họ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và làm việc tông đồ. Họ thận
trọng giúp đỡ con cái trong việc lựa chon ơn kêu gọi, và nếu thấy chúng có ơn
kêu gọi sống đời linh mục hay đời sống thánh hiến, họ tận tình nuôi dưỡng ơn gọi
ấy.” (SL Tông Đồ Giáo Dân 11)
Gia đình Kitôhữu là mảnh đất đầu tiên để các ơn gọi nẩy mầm
và phát triển. Đó là một chủng viện hay một tập viện cho trẻ em. Chúng ta hãy dứt
bỏ quan niệm sai lầm rằng Kitô giáo chỉ là một cái gì đóng khung bên trong cánh
cổng nhà thờ. Bất cứ gì diễn ra trong phụng vụ cần phải được chuyển hóa vào đời
sống hằng ngày. Gia đình phải là nơi sống phụng vụ. Để rồi, sự sống trong Đức
Kitô sẽ lớn lên và trưởng thành dưới mái nhà của mỗi gia đình. Khi ấy, gia đình
mới đích thực là một diễn tả chính Giáo Hội.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
do nhà Servant Pubns xuất bản, 1994.
Lời Chúa Trong Gia Đình
LỜI SUY NIỆM: “Hay tin
Người ở nhà, người ta tụ tập lại, đông đến nỗi không còn chỗ nữa, cả ngoài cửa
cũng không còn. Người giảng lời cho họ.” (Mc 2,1b-2).
Nơi nào có sự hiện diện của Chúa Giêsu, thì đám đông tự tụ tập
đến để nghe lời Chúa và nhận được ơn lành của Chúa ban phát. Ngày hôm nay Chúa
Giêsu vẫn đang hiện diện ở giữa chúng ta, qua phép Thánh Thể. Chúa hiện diện
trong Nhà Tạm. Chúa hiện diện trong mọi Thánh Lễ. Chúa hiện diện trong Mình
Thánh Chúa, để Chúa ngự vào trong mọi tâm hồn của các giáo hữu, để tất cả đều
nhận lãnh một thân mình Chúa Giêsu Ki-tô, hầu làm cho tất cả nên một trong
Ngài. Khi đến với Thánh Lễ và Thánh Thể chúng ta có biết là chúng ta đang nên một
với nhau trong Chúa Giêsu hay không? chúng ta có nhận ra đây là một hồng phúc lớn
lao hay không? Nên chúng ta phải biết tha thứ cho nhau, để cùng sống trong hạnh
phúc và bình an của Chúa. Chúa Giêsu luôn khát khao: “Lạy Cha, xin cho chúng
nên một, như Cha ở trong con, và con ở trong Cha”
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Thánh Hilariô chào đời tại Poa-tu (Poitou) Ngài là con một
nhà quí tộc làm nghị viên và được giáo dục đầy đủ. Các môn học mà thánh nhân ưa
thích là văn chương, thi ca, nhất là triết lý. Việc học tập của Ngài luôn được
đào sâu cho tới cùng là Thiên Chúa, Ngài nhận định rằng: hạnh phúc thật của con
người không phải bị những thú vui đời này, dù chúng thanh cao đến mấy đi nữa.
Trái lại hạnh phúc là được sống cho chân lý ở một cuộc sống khác với cuộc sống
tạm trên trần gian này. Ngài nói: - "Tôi khóc lên vì vui sướng mỗi khi
nghĩ đến thân xác này chỉ được tiền định để phải chết đi".
Nhưng làm thế nào mà thánh nhân đã gặp được chân lý, gặp được
Thiên Chúa mà các triết gia và các tôn giáo thường nói tới một cách mù mờ ?
Chính thánh nhân kể lại cuộc khám phá của mình: - "Từ môi trường ngoại
giáo, Chúa đã dẫn đưa tôi tới nguồn sáng chân thực. Giữa bao nhiêu hệ thống triết
lý và tư tưởng khác nhau, tôi vẫn ưu tư tìm đến Chúa bằng con đường ngay thật,
chắc chắn hữu thể thần linh vĩnh cửu phải là đơn thuần và độc nhất, không có gì
là không bắt nguồn tự Ngài, vạn vật đều phải thờ phượng Ngài".
Xác tín rằng phải có Chúa, Ngài còn suy nghĩ về các phẩm
tính thần linh của Chúa.
- "Nếu một công rình vượt quá trí khôn chúng ta, thì
nhà nghệ sĩ thần linh còn trổi vượt công trình đó thế nào ? Vậy phải nhận biết
rằng, Thiên Chúa tuyệt mỹ và chúng ta chỉ cảm nhận mà chúng ta không thể thấu
hiểu nổi".
Trong khi còn miên man suy nghĩ như vậy. Thánh nhân bỗng gặp
được một cuốn kinh thánh. Ngài đọc được đoạn văn trên Chúa hiện ra với Môsê và
tự bày tỏ: "Ta là Đấng hiện hữu".
Ngài sung sướng với khám phá này: - "Tôi vui thỏa với
danh hiệu mà Thiên Chúa đã tỏ ra cho Môsê. Thánh danh ấy vừa biểu lộ một quan
niệm sâu xa về Thiên Chúa, lại vừa tầm với trí óc con người.
Từ đó thánh nhân say mê nghiên cứu thánh kinh, nhất là các
sách tiên tri với những đoạn loan báo về Đấng thiên sai. Trong các sách Tin Mừng,
Ngài thích nhất tự ngôn của Tin Mừng theo thánh Gioan. - "Trí tôi học biết
và Thiên Chúa vượt quá điều nó dám ước mong... lòng tôi run rẩy bồn chồn vì vui
sướng trước giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và trước lời mời gọi tái sinh nhờ
đức tin".
Thế là thánh nhân đã lãnh nhận phép rửa tội và cảm thấy hạnh
phúc lạ lùng. Ngài đã lập gia đình và có được một người con gái. Rồi đây Ngài sẽ
đưa cả vợ con về với đức tin. Khi Ngài muốn trở thành linh mục, vợ Ngài chỉ còn
gặp lại Ngài tại bàn thánh và coi Ngài như một người anh. Nhân đức và trí khôn
ngoại hạng còn đưa Ngài tới chức giám mục cai quản địa phận Pcachie (Poutiers)
năm 350.
Lúc ấy lạc giáo Ariô nổi lên như vũ bão trong Giáo hội. Vua
Constantiô ủng hộ lạc giáo và tiếp tay cho cuộc bách hại. Thánh Athanasiô bị bắt
đi lưu đày. Thánh Hilariô đứng lên lãnh đạo công cuộc bảo vệ đức tin chân
chính. Ngài triệu tập một công đồng để lên án hai giám mục theo lạc giáo. Cộng
đồng còn cử Ngài đi thương thuyết với nhà vua. Nhưng lòng can đảm của Ngài đã bị
trừng phạt bằng cuộc lưu đày năm 356, chấp nhận gian khổ, Ngài tuyên bố:
- "Người ta có thể bắt các giám mục lưu đày, nhưng có
thể trục xuất chân lý được không ?"
Cuộc hành trình tới Phrygia nằm ở cuối miền Tiểu Á thật dài
và đầy gian khổ. Nhưng thánh nhân đã không hề phàn nàn mà vẫn bình thản sống mật
thiết kết hợp với Chúa. Đầy dũng cảm, Ngài vẫn tiếp tục làm rung chuyển thế giới
bằng công việc viết lách của mình.
Ngài nói: - "Dầu bị lưu đày, chúng tôi vẫn tiếp tục nói
bằng sách vở, bởi vì người ta không thể giam hãm lời Chúa".
Ngài đã viết 12 khảo luận bàn về Chúa Ba Ngôi, và đưa giáo
thuyết chân chính của công giáo với những tư tưởng kinh tế của Hylạp vào thổ ngữ.
Ngài tiếp tục điều khiển giáo phận bằng thư tín. Cũng vào thời này, thánh nhân
diụ dàng hướng dẫn Ebra, người con gái của mình tới đời sống thánh thện. Một bức
thư Ngài viết trong buổi lưu đày còn sót lại có khuyên nhủ nàng tận hiến cho
Chúa như sau:
- "Con thân yêu, con là đứa con duy nhất của cha, cha
muốn thấy con đẹp nhất và đẹp nhất trong các phụ nữ. Người ta nói với cha về một
thanh niên có một viên ngọc quí và một bộ áo quí giá đến nỗi ai mà có được những
thứ đó thì sẽ là người giàu có hơn hết mọi người".
Và thánh nhân kể lại rằng: phải khó khăn lâu ngày, Ngài mới
gặp được người thanh niên này để xin Người ban viên ngọc và chiếc áo ấy cho
Ebra. Bên chiếc áo này, tuyết hết trắng, không có một vết nhơ nào có thể bôi bẩn,
không một tai nạn nào có thể xé rách. Còn viên ngọc, không vật nào chịu nổi vể
rực rỡ huy hoàng, chẳng bao giờ tàn sắc, ai mang được sẽ hết khổ và không phải
chết.
Và Ngài tiếp: - "Đấy là những món trang sức mà cha ước
ao, những thứ ban ơn cứu rỗi và hạnh phúc vĩnh cửu".
Ngài còn gửi cho cô những khúc thánh thi để cô ca nguyện sớm
chiều. Ebra sớm theo ước nguyện của người cha nhưng cũng sớm lìa trần.
Bốn năm trôi qua, Hoàng đế cho triệu tập công đồng Sêlêucia.
May mắn Ngài cũng được mời dự. Tại đây Ngài đã dùng hết tài hùng biện và trí
thông minh để chống lạc giáo, bảo vệ đức tin chân chính. Không chịu nổi ảnh hưởng
của Ngài. Bọn theo lạc giáo đã can thiệp để Ngài về quê hương cho rảnh nợ. Thế
là năm 360, Đức Giám mục Hilariô được trở về Poa-chi-ê.
Cuộc hồi hương của thánh nhân là niềm vui cho toàn dân chứ
không riêng gì cho giáo phận Poa-chi-ê. Thánh Hiêrônimô đã nói: "Toàn dân
Gôn (Gaules) ôm hôn vị anh hùng tay mang ngành vạn tuế trở về".
Trong đoàn người đông đảo đón mừng người cha già, phải kể đến
một người lính trẻ tên là Martinô. Lúc ấy Martinô đang sống ẩn dật ở Ganlinaria
và sau này sẽ làm thánh giám mục. Ngày về của vị giám mục già cả còn được ghi dấu
bằng một phép lạ nhãn tiền. Một bà mẹ khóc lóc ôm một đứa con mới chết gặp
Ngài. Bà tha thiết xin thánh nhân cứu sống con mình, ít ra để nó được rửa tội.
Cảm thương nỗi niềm đau đớn của người thiếu phụ, Ngài quì gối cầu nguyện và da thịt
đứa trẻ dần dần đỏ hồng rồi sống lại.
Tuổi già sức yếu nhưng thánh nhân vẫn nhiệt thành chỉnh đốn
lại những tàn phá do bè rối gây nên. Lòng nhiệt thành đã đưa Ngài tới tận Milan
khiến bọn lạc giáo kinh hoàng và làm áp lực bắt Ngài phải trở lại Poa-chi-ê.
Ngày 13 tháng giêng năm 386 Ngài đã qua đời. Người ta kể lại rằng: lúc thánh
nhân tử trần, một luồng chói chang khắp phòng.
Ngày 10 tháng giêng năm 1852, theo lời thỉnh cầu của nhiều vị
giám mục. Đức giáo hoàng phong Ngài lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài là vị thánh
tiến sĩ đầu tiên ở Gôn.
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++++
13 tháng Giêng
Tiếng Chó Sủa
Những người có chức vụ và quyền hành trong bất cứ xã hội nào
cũng thường bị chỉ trích và chống đối.
Có một nhà lãnh đạo quốc gia kia thường bị những người đối lập
tấn công và thóa mạ một cách bất công, nhưng lúc nào ông ta cũng tỏ ra bình thản
như không có gì xảy ra. Một hôm, có người bạn hỏi lý do tại sao ông có thể tỏ
ra bình tĩnh được trước không biết bao nhiêu khiêu khích của người khác, ông đã
giải thích như sau:
"Tôi đã học được bí quyết giữ bình tĩnh ngay từ lúc nhỏ.
Chúng tôi sống bên cạnh một nhà láng giềng có nuôi một con chó khó tính. Cứ mỗi
lần trăng tròn, con chó lại sủa một cách giận dữ vô căn cứ, có khi cơn sủa của
nó kéo dài đến cả tiếng đồng hồ. Tất cả những người xung quanh đều tỏ ra bực bội
đối với con vật khó tính ấy, chỉ trừ có người chủ của nó. Ông không bao giờ tỏ
ra bực bội, bởi vì ông ta là một người điếc.
Tất cả bí quyết của tôi nằm ở đó. Trăng sáng, con chó sủa. Một
lúc sau, nó lại mỏi mệt và thôi sủa mặc dù trăng vẫn cứ sáng".
Kiên nhẫn chịu đựng thường bị xem như một thể hiện của tính
thụ động, tiêu cực. Có người còn gọi đó là nhân đức của người nghèo. Thế nhưng,
trong cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, có lẽ chúng ta cần đến nhân
đức này hơn bao giờ hết.
Thiên Chúa là đấng kiên nhẫn. Kiên nhẫn vẫn là nét đặc thù
trong công trình sáng tạo của Ngài. Chúng ta có biết rằng trái đất của chúng ta
có bao nhiêu tuổi chưa? Các nhà địa chất nói với chúng ta rằng trái đất đã được
cấu tạo qua từng thời kỳ kéo dài đến cả triệu triệu năm. Ðịa chất học quả thực
là môn học của sự kiên nhẫn của Thượng Ðế. Thiên Chúa luôn tỏ ra kiên nhẫn đối
với con người. Toàn bộ Cựu Ước là một quyển ký lục về những nhẫn nhục chịu đựng
của Thiên Chúa đối với sự yếu đuối, khờ dại cũng như hung bạo của con người.
Ngài phải chờ đợi đến cả trăm năm để cho lụt Hồng Thủy trút xuống trên con người.
Ngài chờ đợi đến cả mười năm mới trừng phạt vua Saolô.
Tân Ước lại càng cho chúng ta cảm nhận được bằng xương thịt.
Tình yêu thương nhẫn nhục, chịu đựng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy chiêm ngắm sự
nhẫn nhục của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, đối với kẻ thù của Ngài và nhất là
đối với đám đông nghèo khổ, lạc lõng. Nhưng nhất là những đau khổ, bách hại mà
chính bản thân mình gánh chịu, Chúa Giêsu chỉ biết giữ thinh lặng, thinh lặng
không phải của căm hờn, oán trách mà là của yêu mến, tha thứ cho đến cùng.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét