Trang

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

14-01-2017 : THỨ BẢY - TUẦN I THƯỜNG NIÊN

14/01/2017
Thứ Bảy tuần 1 thường niên

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 4, 12-16
"Chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phải phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà ta phải trả lẽ.
Vậy chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có Thượng tế không thể thông cảm sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Nên chúng ta hãy tin tưởng chạy đến toà ơn Chúa, để nhờ Chúa thương đến, chúng ta được ơn Chúa tuỳ thời cơ thuận tiện.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8 . 9. 10. 15
Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).
Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.
2) Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. - Ðáp.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. - Ðáp.
4) Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Ðá Tảng, là Ðấng Cứu Chuộc con. - Ðáp.

Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 2, 13-17
"Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: "Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Kêu gọi người tội lỗi
Ơn gọi của Lêvi được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi vì ông là một người tội lỗi công khai. Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một trong bốn thánh sử, ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị xứ Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị dân chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.
Ðối với người Do thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.
Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi. Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù: "Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi". Chúa Giêsu nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi".
Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên. Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài.
Hãy để ơn Chúa tha thứ, cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Như Lêvi xưa, xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa, ngay lúc này đây, sợ rằng ơn Chúa qua đi mà không trở lại. "Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng nữa".
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần I TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb 4:12-16; Mk 2:13-17.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiệu quả của Lời Chúa
Theo truyền thống Do-Thái, một khi lời nói phát xuất từ miệng một người, nó có thể hiện hữu cách độc lập. Nó không chỉ là một âm thanh với một ý nghĩa; nó còn là một năng lực thóat ra để hòan thành ý định của người nói. Ví dụ, biết bao việc làm là hậu quả của những lệnh truyền của vua chúa và các vĩ nhân trên thế giới. Điều này càng đúng hơn với Lời Chúa. Theo Tiên-tri Isaiah: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isa 55:10-11).
Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong việc đề cao sự quan trọng của Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-Thái so sánh Lời Chúa với thanh gươm sắc bén hai lưỡi, có khả năng xuyên thấu mọi chỗ bí ẩn của con người. Trong Phúc Âm, Lời Chúa Giêsu có sức hấp dẫn một người thu thuế như Matthew, và làm cho ông trở nên một Tông-đồ nhiệt thành của Chúa Giêsu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Lời Chúa nhập thể trong thân xác con người.
1.1/ Sự quan trọng của Lời Chúa: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách thần trí với linh hồn, khớp xương với tuỷ sống.” Phân tích từ ngữ sẽ giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của Lời Chúa.
- Sống động: Lời Chúa không phải là tác phẩm văn chương hay triết lý, cho dầu hay đến đâu chăng nữa; nhưng vẫn sống động và cần thiết cho con người ở mọi nơi, mọi thời. Đây là lý do tại sao không một Sách nào trong lịch sử con người có nhiều người đọc bằng Kinh Thánh.
- Hữu-hiệu: Khi một người quyết định sống theo Lời Chúa, họ trở thành con người hòan tòan mới. Việc Matthew bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu là một trường hợp điển hình.
- Xuyên-thấu: Lời Chúa sắc-bén hơn cả gươm hai lưỡi. Người Hy-Lạp quan niệm con người là tập hợp của 3 phần chính: (1) linh hồn là cái làm cho con người sống; (2) thần trí là đặc điểm làm con người suy tư và lý luận; và (3) thân xác. Tác-giả có ý muốn nói Lời Chúa thử thách đời sống thể lý cũng như tâm linh của con người.
- Phê-bình: Lời Chúa phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Tâm tình thuộc về phần cảm xúc của con người; trong khi tư tưởng thuộc về phần trí tuệ của con người.
Nói tóm, “Không có loài thọ tạo nào có thể ẩn giấu trước Lời Chúa; nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” Con người không thể trốn tránh và che phủ trước Lời Chúa; chúng ta phải diện-đối-diện với Thiên Chúa và trả lời cho tất cả những việc chúng ta đã không làm theo Lời Chúa dạy.
1.2/ Kinh nghiệm của Chúa Giêsu: Đây là một giáo lý hòan tòan mới và là một cuộc cách mạng tôn giáo; vì các tôn giáo bấy giờ tin Thiên Chúa và đau khổ không thể ở chung với nhau. Đối với người Do-Thái, một Thiên Chúa uy quyền không thể chịu đau khổ. Đối với Phái Khắc Kỷ (Stoics), Thiên Chúa không được có cảm xúc (apatheia), vì sẽ bị dân thuyết phục và lợi dụng để cầu xin; và như thế, họ hơn Chúa. Đối với Phái Khóai Lạc (Epicureans), Thiên Chúa phải tách rời thế giới. Ngài sung sướng và hạnh phúc hòan tòan rồi, không cần phải biết đến thế giới con người. Kitô Giáo đi ngược lại với các tôn giáo này, khi tin Chúa Kitô đã trải qua mọi kinh nghiệm trên trời cũng như dưới đất để thấu hiểu, để đồng cảm, và để cứu giúp con người.
(1) Kinh nghiệm trên trời: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.”
(2) Kinh nghiệm dưới đất: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.”
Vì đã có tất cả các kinh nghiệm trên trời cũng như dưới đất, Chúa Giêsu biết cách mang Thiên Chúa đến cho con người, và mang con người về cho Thiên Chúa. Hai điều chính Chúa Giêsu có thể giúp con người:
- Cảm thương: Không một nỗi cơ cực nào con người phải trải qua mà Chúa Giêsu không phải chịu, và còn hơn chúng ta nữa. Khi chúng ta phải quằn quại trong đau khổ, chúng ta không muốn chạy đến một chúa vô cảm của Do-Thái và Hy-Lạp; nhưng đến với một Chúa đã trải qua gian khổ như chúng ta để được đồng cảm.
- Trợ giúp: Người có thể giúp chúng ta cách hiệu quả nhất là Người đã trải qua mọi gian nan và thử thách như chúng ta, và đã chiến thắng. Chúng ta hãy chạy lại với Ngài để được giúp.
3/ Phúc Âm: Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.
3.1/ Chúa Giêsu gọi Lêvi, người thu thuế: “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người.” Người Do-Thái quan niệm: người thu thuế như ông Lêvi là người tội lỗi công khai, vì đã toa rập với nước ngòai để bóc lột dân chúng. Họ bị ngăn cấm không cho vào Đền Thờ, và được xếp hạng cùng với hàng đĩ điếm và trộm cướp. Chúa Giêsu không những chọn Matthew, mà còn công khai dùng bữa với các người thu thuế khác tại nhà ông. Thái độ của Matthew rất anh hùng và dứt khóat, vì một khi đã bỏ nghề thu thuế là ông đã mất tất cả về phương diện vật chất. Nhưng bù lại, ông đã nhận được rất nhiều về phương diện tinh thần: bình an vì từ nay không còn bị khinh thường, trở thành Tông-đồ, và trở thành Thánh-sử để loan báo Tin Mừng của Chúa.
3.2/ Xung đột ý kiến giữa Chúa Giêsu và Nhóm Biệt-phái: Có hai phản ứng chính trong cuộc trở lại của Matthew:
(1) Những kinh-sư thuộc nhóm Biệt-phái: Thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!"
(2) Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
Ngược lại với cách cư xử của con người, Thiên Chúa không giữ quá khứ tội lỗi của con người; trái lại Ngài không ngừng kêu gọi con người từ bỏ quá khứ tội lỗi để hướng về tương lai. Như một bác sĩ rành nghề, Chúa Giêsu biết Ngài có thể chữa bệnh cho Matthew, và dùng những tài năng sẵn có của ông cho việc rao giảng Tin Mừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lời Chúa có sức để làm những chuyện không thể đối với con người.
- Lời Chúa có khả năng thay đổi những tâm hồn tội lỗi thành thánh thiện.
- Chúng ta phải dành địa vị quan trọng cho Lời Chúa trong cuộc đời, được chứng tỏ qua thời gian bỏ ra, cố gắng khắc phục khó khăn, và thực thi Lời Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

14/01/17                                          THỨ BẢY TUẦN 1 TN
Mc 2,13-17

ĐẾN ĐỂ KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI


Đức Giê-su nói với họ: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17)

Suy niệm: Đức Ki-tô được sai đến trần gian là để kêu gọi người tội lỗi. Ngài là Đấng Thánh, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Ngài đến để kêu gọi. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Hội Thánh và mỗi người chúng ta, cũng được Ngài sai đến để kêu gọi: sống và làm chứng cho muôn dân về Ơn Cứu Độ. Trước tiên là sống Ơn Cứu Độ cho chính mình, nghĩa là phải ý thức mình là người tội lỗi và cần được cứu độ; sau là làm chứng về chương trình này của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô.

Mời Bạn: Chắc chắn rằng chúng ta đã chọn Chúa, nhưng trong cuộc sống, rất nhiều lần ta đã chọn thế gian, ma quỷ và xác thịt. Nhìn nhận mình là người tội lỗi, đó là điều kiện tiên quyết. Trong phần sám hối Thánh lễ, chúng ta đấm ngực thú nhận mình là người tội lỗi. Bạn có ý thức điều đó không? Chỉ có người tội lỗi đích thực, mới cầu xin ơn tha thứ; và khi được thứ tha, tâm hồn mới bình an và cuộc sống mới đổi thay. Ngược lại, hình thức máy móc đó sẽ dẫn đến tình trạng “vẫn như cũ”.

Chia sẻ: Có nhiều người nhận định: một số khá đông người Công giáo Việt Nam sống đạo hình thức và thói quen: nhiều lễ hội, xây dựng hoành tráng nhưng ít giáo lý và thiếu sống Lời Chúa. Bạn nghĩ sao? Làm thế nào để sửa đổi tình trạng này?

Sống Lời Chúa: Trong năm 2017 này, gia đình tôi quyết tâm đọc kinh tối và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, hôm nay Chúa cũng đến gọi đích danh con và đang đứng chờ con. Xin giơ tay cứu vớt tâm hồn con đang ngập tràn tội lỗi.

Kêu gi người ti li (14.1.2017 – Th by Tun 1 Thường niên)
Hôm nay Đc Giêsu vn đi ngang qua đi tôi, tưởng như tình c, vn thy tôi và gi tôi, vn mi tôi ra khi ch ngi vng chãi ca mình, và b li tt c sau lưng.


Suy nim:
Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu đã tha tội cho anh bất toại.
Và chuyện này đã bị các kinh sư coi là phạm thượng (Mc 2, 6).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngài lại tiếp tục bị tấn công,
vì làm những điều dưới mắt các kinh sư là gai chướng.
Trước hết là việc chọn ông Lêvi vào số các môn đệ.
Như bốn môn đệ đầu tiên, khi được gọi Lêvi cũng đang làm việc.
Lúc đó ông đang ngồi nơi bàn thu thuế, bận bịu với tiền bạc và sổ sách.
Ánh mắt của Thầy Giêsu chụp lấy ông và lôi cuốn ông.
Lời mời của Thầy thật rõ ràng và ngắn gọn: “Anh hãy theo tôi.”
Lêvi có ngỡ ngàng không?
Ông đang làm một nghề bị mọi người coi là ô uế
vì phải tiếp xúc với dân ngoại và dính dáng đến dối trá tham lam.
Ông bị coi là tội nhân, bị gạt ra khỏi cộng đoàn Dân Chúa.
Bây giờ ông được Thầy mời vào nhóm môn đệ của mình
Đức Giêsu có liều lĩnh không?
Ngài có sợ uy tín nhóm bị giảm sút vì sự có mặt của Lêvi không?
Đức Giêsu không định thành lập một nhóm gồm toàn những người hoàn hảo,
nên ngài đã chọn sự có mặt của Lêvi.
Như thế ranh giới giữa “môn đệ” và “tội nhân” đã bị xóa.
Môn đệ chính là tội nhân được kêu gọi để chia sẻ tình bạn và sứ vụ.
Lêvi diễn tả niềm vui của người được gọi bằng một bữa tiệc,
trong đó ông mời các bạn bè đồng nghiệp đến để chia tay.
Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.
Ngài đã vui vẻ nhận lời, đã đến nhà và ăn với họ, dù đây là điều bị cấm.
Để biện minh cho thái độ này, ngài coi tội nhân như người đau ốm.
Người đau thì cần thầy thuốc, cần sự lại gần để săn sóc của lương y.
Họ cần chữa lành và đón nhận, chứ không cần phán xét và lên án.
Đức Giêsu chính là vị lương y đến để kêu gọi người tội lỗi (c. 17).
Nhưng có ai trong chúng ta lại không là tội nhân?
Có ai trong chúng ta lại công chính thánh thiện
đến độ không cần phải sám hối (Mc 1, 15)?
Hôm nay Đức Giêsu vẫn đi ngang qua đời tôi, tưởng như tình cờ,
vẫn thấy tôi và gọi tôi, vẫn mời tôi ra khỏi chỗ ngồi vững chãi của mình,
và bỏ lại tất cả sau lưng.
Xin được như Lêvi đứng lên ngay để theo Ngài.
Cầu nguyn:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG GIÊNG
Thiên Chúa Muốn Con Người Quan Hệ Mật Thiết Với Nhau
Việc thực thi công bằng – là nền tảng của đời sống xã hội – không hề giới hạn hay cương tỏa tự do của nhân vị khi việc ấy không đi ngược lại bản tính con người và không độc đoán. Trái lại, nó giúp đỡ và hướng dẫn cho người ta, nam cũng như nữ, thực hiện những quyết định của riêng mình một cách phù hợp với thiện ích chung. Đời sống hôn nhân và gia đình là những cơ chế tự nhiên như thế. Chúng bắt rễ trong chính sự hiện hữu của nhân vị. Và sự thiện hảo riêng của những cơ chế này sẽ là nhân tố cho sự thiện hảo của toàn xã hội. Chúng giúp người ta có được những sự chọn lựa tốt lành và đúng đắn.
Thật vậy, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et spes của Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc; bởi vì từ khởi thủy, ‘Ngài đã tạo dựng có nam có nữ’’ (St 1, 27). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những hữu thể khác thì con người sẽ không thể sống và phát triển tài năng mình.” (MV 12)
Đời sống hôn nhân và gia đình – nền tảng của xã hội – là những cơ chế mà toàn thể cộng đồng thế tục cũng như tôn giáo phải phục vụ cho. Nếu chúng ta nhận thức rằng “xã hội này của người nam và người nữ là mô hình đầu tiên của hiệp thông nhân vị”, chúng ta sẽ hoàn toàn chấp nhận rằng bất cứ hành động nào phục vụ cho đời sống hôn nhân và gia đình cũng có sức củng cố và làm phong phú hóa mọi cộng đồng khác và trên hết là toàn thể xã hội loài người.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 14-1
Dt 4,12-16; Mc 2,13-17.

Lời suy niệm: “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: Anh hãy theo tôi!. Ông đứng dậy đi theo Người.”
Chúa Giêsu nhìn thấy ai thì người đó được biến đổi nên tốt như thánh Mátthêu, như ông Dakêu, như bà Maria Madalena, như người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang, như bà góa thành Naim, như người bại liệt bên hồ nước...
Lạy Chúa Giêsu, mỗi người chúng con đang là những tội nhân, là những người đang mang nhiều chứng bệnh về thể xác cũng như trong tâm hồn. Xin Chúa thương nhìn đến chúng con để chúng con được Chúa chữa lành và được biến đổi thành con người mới tốt hơn.
Mạnh Phương


14 tháng Giêng
Xuống Ðường
Thông thường, hai chữ "Xuống Ðường" gợi lên cho chúng ta hình ảnh của những chống đối, biểu tình, đôi khi mang tính cách bạo động trong đường phố. Nhưng cũng có những trường hợp người ta "xuống đường" là để gặp gỡ, cảm thông với người khác, nhất là những người không nhà không cửa, những người sống bên lề đường, những người bị đẩy ra bên lề xã hội cách này hay cách khác: Ðó là trường hợp "xuống đường" của một số giáo dân thuộc xứ Saint Leu Gilles thuộc phận 16 của thủ đô Paris Pháp quốc.
Từ 8 năm qua,  một số giáo dân thuộc xứ trên đây đã tụ họp lại để thành lập một hiệp hội có tên là "Giải phóng kẻ bị giam cầm". Thật ra đây không phải là một chương trình xã hội quy tụ các nhà giáo, các cán sự xã hội để săn sóc cho những người đầu đường xó chợ, mà chỉ là một nhóm nhỏ gồm những tín hữu chỉ muốn xuống đường, ra khỏi bốn bức tường nhà thờ, hoặc mái ấm gia đình để đến gặp gỡ, trò chuyện với những người đứng đường như các cô gái điếm, những người nghiện ngập. Mục đích duy nhất của những gặp gỡ này chính là thiết lập tình thân hữu với những người mà ai cũng ghét bỏ.
Một thanh niên thường xuyên đến gặp gỡ với những cô gái điếm ở đường Saint Denis đã giải thích như sau: "Trước mặt Chúa, chúng ta cũng như những cô gái điếm đứng đường, nhưng chúng ta biết rằng Chúa yêu thương chúng ta bên kia tất cả những hành động đĩ diếm của chúng ta. Các cô gái điếm đánh động lương tâm đang ngủ yên của chúng ta. Họ mời gọi chúng ta hãy tự đặt vào trong cái nhìn của Chúa và đừng bao giờ kết án ai."
Mục đích của những người xuống đường trên đây không hẳn là thuyết phục những người lầm đường lạc lối, ăn năn hối cải và quay về với chính lộ. Tất cả cố gắng của họ chỉ là nói với các cô gái điếm, những người nghiện ngập, những kẻ lang thang đầu đường xó chợ rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Ðể bày tỏ sứ điệp ấy, những người làm công tác tông đồ này chỉ có mỗi một động tác là lắng nghe, hỏi han với tất cả yêu thương và cảm thông.
Nếu có một thứ hoán cải, thì chính những người trong xã hội phải là những người đầu tiên hoán cải: hoán cải trong thái độ sống đối với người khác, hoán cải trong cái nhìn đối với người khác. Chúa Giêsu đã từng nói: Các cô gái điếm sẽ vào Nước Chúa trước các ngươi. Phải chăng, khi xuống đường  đến với người khác, những người bị bỏ rơi trong xã hội, chính chúng ta không là những người cải hóa cho Tin Mừng?
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét